© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
22.4.2005
Bảo Ninh
Dòng ý thức ở Nỗi buồn chiến tranh lồ lộ quá!
Lê Hồng Lâm thực hiện
 
SVVN: Ðầu tiên, anh có thể kể cho bạn đọc về chuyến đi Mỹ dự hội thảo “Văn học về chiến tranh” vừa qua? Sau 30 năm, người Mỹ nhìn nhận như thế nào về Chiến tranh Việt Nam và Văn học viết về chiến tranh – từ cả hai phía? Cá nhân anh và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh được nhắc đến trong hội thảo này như thế nào?

Bảo Ninh (BN): Cũng như tên tuổi của dân tộc Việt trong thế kỷ XX, nền văn học Việt Nam, nhất văn học trong những năm chiến tranh và về cuộc chiến 30 năm 1945-1975, ngày càng được thế giới quan tâm và ngày càng có thêm nhiều bạn đọc thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau. Hội thảo vừa rồi ở Texas tên là “Ký ức chiến tranh trong văn học”. Vì tôi hay viết những chuyện liên quan đến đời sống thời chiến nên ở đó người ta mời và Hội Nhà văn cử tôi qua. Dự hội nghị ấy, ngoài tôi là cựu chiến binh Quân đội Nhân dân còn có một số nhà văn là cựu chiến binh của quân đội Mỹ và của quân đội Sài Gòn. Trong một cuộc hội ngộ như vậy ý kiến khác nhau như thế nào, dù không dự, chắc anh cũng hình dung được. Song khác nhau không có nghĩa là phải xung khắc hay áp đặt nhau, quan điểm của tôi là vậy. Và theo tôi, ngày nay những quan điểm khác biệt nhau về cuộc chiến tranh đã lùi quá xa vào dĩ vãng ấy chỉ nên thể hiện ra trong tác phẩm của những nhà văn còn muốn viết về nó mà thôi. Trong các lĩnh vực khác của đời sống thì nên như ở Việt Nam chúng ta hay nói: khép lại quá khứ. Và ngay cả trong các tác phẩm văn học có đụng đến cuộc chiến thì mục đích của nhà văn cũng phải là để khép lại chứ không phải để đào sâu khoét rộng ra mãi tấn bi kịch đó.

SVVN: Trong cuộc đối thoại bàn tròn “Mười năm văn chương trên giá sách” do báo Sinh viên Việt Nam tổ chức năm trước, nhà văn Nguyên Ngọc có nhận định rằng: “Nói một cách nghiêm túc, phải đến Nỗi buồn chiến tranh, chúng ta mới có tiểu thuyết hiện đại. Lần đầu tiên, chiến tranh được soi chiếu qua số phận của một cá nhân. Ðiều này làm thay đổi ngôn ngữ của tiểu thuyết, từ độc thoại sang đối thoại và mở ra một giai đoạn mới trong tư duy văn học. Chỉ tiếc xu hướng đó không được tiếp tục phát triển”. Vì sao anh, nhà văn theo ông Nguyên Ngọc đánh giá là “có công mở ra một xu hướng, một dòng mới trong văn học” lại không đi tiếp con đường đó? Có bao giờ anh tự truy xét mình về sự dừng lại sau Nỗi buồn chiến tranh?

BN: Nhà văn Nguyên Ngọc là thầy của tôi. Tôi tin và tôi tự hào được thầy ngợi khen. Và tôi sẽ cố để ông không còn cảm thấy tiếc cho tôi như hiện thời ông đang cảm thấy. Có điều, theo tôi, mở ra một xu hướng như nhà văn Nguyên Ngọc quan niệm, thì đấy là Sống mòn của Nam Cao. Còn chiến tranh được soi chiếu qua số phận cá nhân thì chúng ta đã gặp ở Hai người trở lại trung đoàn, Thời xa vắng, Bến không chồng..., gần đây thì Lạc rừng.

SVVN: Trong Nỗi buồn chiến tranh, độc giả cũng được tiếp cận rất mạnh với một dòng văn học gọi là “dòng ý thức”. Có người gọi đó là “một sự phủ nhận về hình thức, một sự phá vỡ bố cục truyền thống”. Còn trong tác phẩm, anh viết rằng: “…Ðây là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời. Tôi không muốn nói là điên rồ”. J. P. Sartre có nói rằng: “Kỹ thuật của tiểu thuyết liên quan đến tư tưởng của tác giả”, anh có đồng ý với quan điểm đó khi viết soi vào Nỗi buồn chiến tranh? Và có một sự tác động nào đó từ bên ngoài hay chỉ là “sự rối bời” của nội tâm lôi kéo anh theo cách viết này?

BN: Không cuốn tiểu thuyết nào lại không hàm trong nó cái mà anh gọi là “dòng ý thức”. Chỉ khác nhau là hoặc ẩn sâu hoăc lộ ra thôi. Bây giờ nghiệm về những sự mình đã viết, tôi thấy “dòng ý thức” của Nỗi buồn chiến tranh nó lồ lộ quá. Tác giả nghĩ hộ nhân vật quá nhiều và cũng bắt nhân vật lúc nào đăm dăm suy nghĩ. Vì thế mà rối bời chăng?

SVVN: Hơn 15 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Nỗi buồn chiến tranh ra đời và đã tạo nên một làn sóng dư luận. Và tính đến hiện tại, tác phẩm có thêm gần 15 năm tồn tại trong đời sống văn học. Một khoảng lùi khá dài để nhìn lại, anh nhìn tác phẩm của mình như thế nào? Nếu bây giờ viết một tác phẩm văn học khác về chiến tranh, anh sẽ viết như thế nào?

BN: Mười lăm năm, oải thật. Nhưng đành vậy chứ làm sao được. Chẳng thể nhờ ai viết hộ. Còn cái sự ngắm nghía lại những bước đi đã ở phía sau lưng mình thì cũng như mọi nhà văn khác thôi, tôi nghĩ đấy là điều tối kỵ.

SVVN: Cũng sau gần 15 năm tính từ thời điểm tác phẩm ra đời, lần gần đây nhất NXB Phụ Nữ tái bản vẫn với tên gọi Thân phận tình yêu? Anh không đòi “Trả lại tên cho em” sao?

BN: Thân phận tình yêu cũng là cái tít tôi đặt ra. Ai lấy của mình đâu mà đòi trả. Dĩ nhiên nếu là Nỗi buồn chiến tranh thì hợp ý hơn.

SVVN: Tính từ thời điểm Ðổi mới đến nay đã đi qua gần 20 năm nhưng điểm lại những thành tích trong văn chương Việt Nam, nếu là tác giả thì người ta cứ nhắc đi nhắc lại điệp khúc cũ “Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài và vài ba tên tuổi khác; nếu là tác phẩm thì là Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma hay vài ba tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng AnhAnh có bao giờ chán và sốt ruột khi người ta cứ nhắc đi nhắc lại tên mình khi không có gì mới hơn? Anh có buồn khi văn chương Việt Nam “Tới hay lui cũng chỉ chừng ấy khuôn mặt”?

BN: Người ta là người ta nào chứ? Hai mươi năm của những đổi mới không ngừng trong văn học, nhưng cũng là hai mươi năm lặp đi lặp lại những định kiến của những cái ông mà anh gọi là “người ta” ấy. Không quan tâm, không đọc một cách đầy đủ và cẩn thận, chỉ cứ phán. Thế nào là tới hay lui cũng chỉ chừng ấy khuôn mặt? Rõ là một định kiến, anh không thấy vậy sao? Chưa nói tới những thành tựu của thi ca, chỉ truyện ngắn và tiểu thuyết thôi cũng đã có bao nhiêu tác giả và tác phẩm nổi bật lên chỉ trong vòng mười năm trở lại đây. Tôi có thể điểm ra theo sở thích của mình không ít tác giả tác phẩm, đồng niên và đồng ngũ với tôi, hoặc trẻ hơn tôi nhiều. Cả lớn tuổi hơn và viết trước tôi cũng bừng lên trong ánh sáng mới của tự bản thân mình như Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh, Châu Diên. Và nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài như Mai Ninh với Cá voi trầm sát chẳng hạn, tuyệt hay. Anh chắc cũng vậy, cũng có thể điểm ra được không ít tác giả và tác phẩm mới, đúng không?

SVVN: Theo anh, văn chương Việt Nam “thiếu” gì nhất và “thừa” gì nhất?

BN: Không phải là thiếu và thừa. Mà là chưa có tỷ lệ cân đối. Giữa lượng đầu sách văn học rất nhiều và lượng độc giả không nhiều. Dĩ nhiên sự không cân đối này trước tiên là do năng lực của nhà văn. Viết nhanh, viết ẩu, viết lấy được. Nhưng, theo tôi, còn có duyên do từ độc giả nữa. Văn học đất nước khó lòng phát triển lên được nếu thanh niên trí thức của đất nước không quan tâm tới văn chương chữ nghĩa. Chí ít thì cũng cần đọc qua để biết các tác gia lớn của thế giới và của Việt Nam: như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, các tác giả Thơ Mới, các nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...

SVVN: Anh có quan tâm đến Ðại hội Hội Nhà văn sắp tới? Nếu có một tham luận đóng góp trong Ðại hội, anh sẽ đề cập đến vấn đề gì?

BN: Tôi được bầu đi dự Ðại hội, và dĩ nhiên là tôi rất quan tâm. Ðối với nhà văn thì mỗi kỳ Ðại hội không chỉ là dịp để tham gia nhìn nhận tình hình chung của văn đàn mà còn là dịp để nhìn lại chính mình.

Theo tôi được biết thì “quyết tâm chiến lược” của Ban Chấp hành Hội Nhà văn và của nói chung toàn thể hội viên khi bước vào kỳ Ðại hội này là mạnh mẽ và dốc lực hướng tới tương lai và cho tương lai của nền văn học nước nhà, chẳng hạn: không tiếp tục phát triển về diện và lượng nữa mà tập trung vào đề cao, nhấn mạnh những thực tài, đặc biệt là những thực tài trẻ tuổi. Tạo những điều kiện và môi trường tốt nhất có thể cho sáng tạo văn học.

Nguồn: Sinh viên Việt Nam số 16, ngày 20.4.2005