© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TrÆ°á»›c thềm Đại há»™i Nhà văn Việt Nam lần thứ 7
 1   2   3   4   5 
23.4.2005
Nguyễn Xuân Quang
Văn học đã quay lưng lại với xã hội, thời đại và con người?
 
Tôi là một hội viên của Hội VHNT Vĩnh Long. Tôi sáng tác rất chậm và khá khó khăn. Vấn đề không phải là vì không được “đầu tư - tài trợ”, không có được suất nào để đi “thâm nhập thực tế”, không được dự các “trại sáng tác”. Càng hoàn toàn không phải vì tôi nghèo, mức sống quá thấp, thu nhập ít ỏi. Cũng không phải vì mức nhuận bút không tương xứng với chất xám, tâm huyết, công sức lao động của mình. Cái sự chậm và khó khăn của tôi đến từ hướng khác! Tuy thế, tôi có thể tự hào chính đáng trong chừng mực cho phép về những gì do mình viết ra đều in đậm bóng dáng con người với những số phận cụ thể và hơi thở nóng hổi của cuộc sống trong đó. Tôi viết cũng là một cách đặt vấn đề chứ không phải để “trang điểm”, “đánh bóng” cho mình hay bất cứ ai.

Tôi nói dài dòng như thế để mở đầu bài viết tham gia diễn đàn này với tư cách vừa là người sáng tác vừa là một người đọc bình thường như mọi người đọc khác.

Vì sao văn học Việt Nam không có độc giả hay nói đúng hơn là vì sao đại đa số bộ phận nhân dân không hào hứng chờ đợi, đón nhận, bỏ tiền ra mua để ngấu nghiến, say sưa đọc và nghiền ngẫm những tác phẩm văn học được sản xuất không ít trong một thập niên qua? (Tôi chỉ xin đề cập đến khoảng thời gian trên dưới 10 năm trở lại đây mà thôi).

Theo tôi thì có những nguyên do chính sau đây.


1. Văn học không phản ánh đúng thực trạng xã hội hay nói khác đi là nó đã quay lưng lại với cuộc sống, với bao nhiêu thân phận người và bao nhiêu vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội bức bách của thời đại.

Trên dưới 10 năm qua đã có tác phẩm nào nói lên số phận bi thảm của những công dân lương thiện đã từng bị kết tội oan sai để rồi sau đó phía đã xử oan, kết tội oan chỉ cần xin lỗi hoặc bồi thường một món tiền thì được coi như xong chuyện, trong khi cuộc đời của người bị xử oan sai và thậm chí cả gia đình người đó tan nát, số phận người đó và từng thành viên trong gia đình người đó đã bị đẩy xuống vực thẳm vô phương cứu chữa vì những oan ức, nhục nhã, đau đớn (cả tinh thần lẫn thể xác) đã giáng xuống đầu mình, giáng xuống cuộc đời mình?

Có tác phẩm nào phác hoạ được chân dung, thực trạng nông thôn và đời sống nông dân với bao nhiêu vấn đề phát sinh liên tục, vấn đề này chưa được giải quyết rốt ráo thì nảy sinh thêm những vấn đề mới. Mà những vấn đề mới thì lại nảy sinh chính từ cái nền của những vấn đề cũ đã không hề được giải quyết rốt ráo kia? Đã có tác phẩm nào dám nói lên cái bi kịch của một bà mẹ nghèo ít học đã cam tâm bán trinh lần lượt 4 đứa con gái của mình hoặc cho Việt kiều hoặc cho những nhà giàu mới, những ngoại nhân có “đô” và những người có thế lực?

Còn đời sống đô thị xô bồ xô bộn, phức tạp và quá nhiều vấn đề nhức buốt đang diễn ra hàng ngày hàng giờ. Số phận những người nhập cư bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Những thủ tục hành chính “hành là chính”, những trò “móc ngoặc”, “cò mồi”, “chạy cửa sau” cùng vô số “những trò lố lăng thời thượng”, những trò nhũng nhiễu khác đã đẩy bao nhiêu số phận người vào cảnh sống rất khó khăn, thậm chí thê lương, bế tắc, cùng quẫn, đã làm phá sản bao giá trị, đã khiến bao nhiêu con người lâm vào tuyệt vọng mất hết mọi niềm tin vào cuộc sống và con người? Bao nhiêu vấn đề nhân văn-xã hội liên quan đến những vụ qui hoạch đền bù giải toả. Rồi các vấn đề phúc lợi xã hội, nhà ở, môi trường cũng như các loại tệ nạn xã hội nhan nhản khác? Và tệ cửa quyền, hách dịch, quan liêu, bảo thủ, tinh thần vô trách nhiệm, trật tự kỷ cương chẳng ra làm sao và những giá trị bị đảo lộn, các khái niệm bị đánh tráo? Trách nhiệm thuộc về ai, hậu quả không lường của nó sẽ là cái gì, tại sao nó lại như thế, làm sao để chặn đứng hoặc cứu vãn?

Văn học đã “làm ngơ” một cách vô tình trước những thực trạng, những câu hỏi lớn ấy để trở thành một thứ văn học salon thượng lưu quí phái và thời thượng hoặc ít nhất thì cũng trở nên hiền và lành quá mức cần thiết…


2. Văn học của tình trạng “phi pháp luật”

Có lẽ Việt Nam, theo chỗ tôi biết, là một quốc gia nằm trong số cực kỳ hiếm trên thế giới không có Luật kiểm duyệt một cách khoa học, chặt chẽ, minh bạch và phải có người, cơ quan chính thức chịu trách nhiệm thực thi Luật này.

Sáng tác là một loại hình lao động và nó cũng cho ra sản phẩm như bất cứ hoạt động sản xuất nào khác tuy rằng nó là một loại hình sáng tạo đặc biệt. Vì thế nó cũng cần phải được giám sát, quản lý chặt chẽ, minh bạch bằng luật hẳn hòi.

Cái gì không được viết, đề tài nào không được đụng chạm đến, không được cổ xuý cho cái gì, không được tuyên truyền quảng bá cho những giá trị hay những tư tưởng nào. Phải có luật với những điều khoản qui định rạch ròi, công khai minh bạch.

Cái gì đã qui định cấm thì không được phép viết. Cái gì không cấm thì được phép viết. Nhà văn chỉ cần tuân thủ pháp luật (công khai, minh bạch, rõ ràng, hợp hiến) chứ không phải tuân theo ý muốn hay sự áp đặt của bất cứ ai tự cho phép mình đứng ngoài hay đứng trên pháp luật.

Vì Việt Nam không có luật kiểm duyệt cho hoạt động sáng tác và xuất bản tác phẩm văn học một cách công khai, minh bạch, rõ ràng, chính xác cho nên từ đó đã đẻ ra tình trạng rất đáng sợ là bất cứ viên chức nhà nước tương đối có thế lực nào đó ở bất cứ cấp nào cũng có thể tự cho phép mình trở thành quan toà và thực tế họ (đông vô số) đã thực sự trở thành “quan toà luận tội, kết án” bất cứ cây bút nào, tác phẩm nào khi cây bút đó, tác phẩm đó khiến họ không chịu được, họ không thích hoặc, thậm chí, ngay cả khi chỉ vì họ không hiểu. Thế cho nên tuy không có luật kiểm duyệt nhưng hoá ra ai cũng có thể là nhà kiểm duyệt rất đáng sợ khi có quyền, có thế lực và tiếng nói có “trọng lượng” ở bất cứ đâu, bất cứ cấp nào.

Tình trạng văn học “phi pháp luật” là như thế.

Và những hệ luỵ của một nền văn học “phi pháp luật” (như tôi đã trình bày) đã kềm hãm rất mạnh khả năng bứt phá, tinh thần cách mạng, ý thức công dân, nhiệt tâm xả thân vào những nơi “đầu sóng ngọn gió”, những “vùng nhạy cảm”, những “trung tâm địa chấn của xã hội và thời đại” của rất nhiều người cầm bút.

Trong tình trạng “văn học phi pháp luật”, người sáng tác nào cũng cảm thấy rất rõ và rất thật về một hoặc, thậm chí, rất nhiều thanh gươm đang lơ lửng trên đầu mình.


3. Nhà văn chưa thực sự là nhân chứng xã hội và là người phát ngôn của thời đại với tư cách vừa là một con người có ý thức cao vừa là một công dân bình thường như mọi công dân khác.

Một nhà văn có tâm, có tầm, có tài, có đức và được phép hoạt động sáng tác theo đúng pháp luật, theo đúng lương tâm để bảo vệ, tôn vinh những giá trị vĩnh hằng thì không cần phải chờ khi nào được ưu ái cho một vài suất “thâm nhập thực tế”, “đầu tư tài trợ”, một vài suất dự “trại sáng tác” hoặc thậm chí một “suất hội viên” thì vẫn có thể cống hiến cho xã hội những tác phẩm có giá trị, thậm chí còn có thể là những tác phẩm lớn, để đời. Còn ngược lại thì dù cho nhà nước có ban phát bao nhiêu suất như thế, các hội này báo kia nhà xuất bản nọ có tổ chức bao nhiêu cuộc thi ồn ào ầm ĩ hao tiền phí sức, “trên” có vạch ra bao nhiêu “định hướng”, cũng không thể nào vực dậy được một “vườn văn học vắng như chùa bà Đanh”.

© 2005 talawas