© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạcTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
30.4.2005
Jason Gibbs
Tình yêu và khát vọng nơi ranh giới: những ca khúc ở hai bờ vĩ tuyến 17
Nguyễn Trương Quý dịch
 
Hiệp định Geneva 1954 chấm dứt cuộc chiến tranh 9 năm giữa quân đội Pháp và Việt Minh, kết quả là một nước Việt Nam độc lập tạm chia cắt thành hai miền bằng Vĩ tuyến 17. Ở miền Bắc, những người Cộng sản chiến thắng thì lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được thiết lập ở miền Nam, trở thành nơi tị nạn cho những người Việt đã từng cùng chiến đấu hay cộng tác với người Pháp. Hiệp định cũng tuyên bố về việc bầu cử vào hai năm tới để thống nhất đất nước. Những dự trù quan trọng khác gồm việc tái lập lực lượng vũ trang chuyển từ miền này sang miền kia, và việc di dân tự do trong thời hạn 300 ngày từ 21 tháng Bảy 1954 (Tài liệu Lầu Năm Góc / Pentagon Papers – viết tắt TLLNG, tập 1, phần III, D-20; D-23). Trong khoảng thời gian này, hơn một triệu người Việt đã rời bỏ nhà cửa, những người thân yêu và nếp sống quen thuộc. Cuộc di cư tập thể này thấy được mô tả trong những ca khúc viết ở cả hai bờ Vĩ tuyến – những ca khúc thể hiện niềm hoài vọng về con người, cảnh vật; cùng giấc mơ trở về và sum họp.

Số người Bắc di cư vào Nam cao hơn nhiều so với số đối ứng từ Nam ra Bắc. Ước tính có hơn một triệu người Bắc đã di cư, trong đó có ít nhất 200.000 cựu binh, công chức, hoặc những người cộng tác với Pháp. Những cá nhân này thường ra đi cùng gia đình. Những người di cư khác đơn thuần là sợ hãi người Cộng sản – đặc biệt người Công giáo tin rằng họ sẽ không được tự do hành đạo dưới chính quyền cộng sản. Số đông những người này – tiếng Việt gọi là “dân di cư vào Nam”, mặc dù người miền Nam bản địa nhìn họ có chút e ngại, nhưng họ được sự đối đãi ưu tiên của chính quyền VNCH. Họ quan trọng như là một biểu tượng bị đàn áp dưới chế độ cộng sản và bởi vì họ là số cử tri trung thành cho Ngô Đình Diệm – tổng thống Công giáo do Mỹ lập nên của Việt Nam Cộng hòa (TLLNG, tập 2, phần IV, A-4, 9).

Dân di cư (hay tập kết) từ Nam ra Bắc số lượng chưa tới 150.000 người, hầu hết là bộ đội hoặc cán bộ Việt Minh, họ từng kiểm soát miền đồng ruộng mênh mông của nông thôn Việt Nam. Những người miền Nam di cư, gọi chung là “tập kết ra Bắc”, thường là thanh niên và không mang gia đình theo cùng. [1] Xuyên suốt bài viết này tôi sẽ theo các quy ước tiếng Việt thông thường để diễn đạt những người di cư từ miền Bắc và tập kết từ miền Nam.

Bối cảnh âm nhạc của Sài Gòn, thủ đô miền Nam, được tiếp sức sống mới nhờ sự có mặt của những nhạc sĩ từ miền Bắc. Hà Nội đã tạo nên trung tâm sáng tác loại ca khúc phổ thông theo kiểu Tây phương được gọi là nhạc cải cách. Chỉ với cuộc di cư của hàng trăm ca sĩ, nhà sáng tác và người trình diễn cũng như một lượng công chúng của họ từ miền Bắc - lắng nghe với sự hưởng ứng cao - đã làm cho phong cách âm nhạc này trở thành một nguồn lực thương mại chính trong đời sống âm nhạc miền Nam.

Những người tập kết từ miền Nam từng sống nhiều trong các vùng căn cứ du kích (maquis) – những khu vực kiểm soát của các đơn vị quân đội và du kích Việt Minh. Dưới sự chỉ đạo của cộng sản, âm nhạc phần lớn là hô hào cổ động và tuyên truyền. Thường trong quân đội, âm nhạc do các nhạc công lưu động trình diễn với các nhạc cụ đơn giản như ghi-ta, măng-đô-lin và ắc-coóc-đê-ông. Ở miền Bắc, Việt Minh đã tiến được bước dài trong việc đưa âm nhạc vào dưới sự kiểm soát trung ương và khuyến khích những bài hát tuyên truyền được uốn nắn theo chủ nghĩa hiện thực XHCN. Cũng vậy, họ ra sức dập tắt nền văn hóa đại chúng của đô thị Việt Nam.

Bất chấp sự khác biệt lớn giữa hai thế giới âm nhạc này, những bài hát được làm ra do và cho những người tập kết cũng như người di cư lại có nhiều điểm tương đồng. Tôi sẽ phân tích chủ đề và ý tưởng được thể hiện trong ca từ của hơn hai tá những ca khúc này. Mặc dù một vốn từ vựng được chia sẻ, vẫn có những dị biệt đáng kể trong sắc thái và quan điểm giữa những ca khúc này của miền Bắc và miền Nam. Bảng 1 đưa ra 26 ca khúc tôi phân tích trong bài viết.

BẢNG 1
Ca khúc người di cư

Bắc một nhịp cầu - Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương (Sài Gòn: Tinh Hoa Miền Nam, 1956)
Biệt Hải Phòng - Phó Quốc Thăng (Sài Gòn: An Phú, 1955)
Chờ anh em nhé - Xuân Tiên, lời Nhật Bằng (Sài Gòn: Lúa Mới, 1955)
Chuyến đò vĩ tuyến - Lam Phương (Sài Gòn: Diên Hồng, 1956)
Giấc mơ hồi hương - Vũ Thành (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1956)
Hận ly hương - Anh Hoa và Ngọc Lang (Sài Gòn: An Phú, 1955)
Hướng về đất Bắc - Phó Quốc Thăng (Sài Gòn: An Phú, 1955)
Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1954)
Lá thư gửi mẹ - Nguyễn Hiền, lời Thái Thảo (1956)
Mộng ngày hồi hương - Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương (Sài Gòn: Tinh Hoa Miền Nam, 1956)
Sầu ly hương - Lam Phương, lời Lê Mộng Bảo (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1955)
Thu ly hương - Nhật Bằng, lời Đan Thọ (Sài Gòn: An Phú, 1956)
Tình cố đô - Lam Phương, lời Mạnh Thương (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1955)
Về bến xưa - Nguyễn Hiền, lời Thiện Huấn (Sài Gòn: Diên Hồng, 1955?)
Về miền Nam - Trọng Khương (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1955)
Vọng cố đô - Đan Thọ và Nhật Bằng (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1955)
Xa quê hương - Đan Thọ và Xuân Tiên (Sài Gòn: An Phú, 1956)
Xuân ly hương - Phó Quốc Lân (Sài Gòn: Tinh Hoa, 1956)

Ca khúc người tập kết

Câu hò bên bờ Hiền Lương - Hoàng Hiệp, lời Hoàng Hiệp và Đằng Giao (1957)
Gửi người em gái - Đoàn Chuẩn và Từ Linh (1957)
Liên khu Năm yêu dấu - Phan Huỳnh Điểu (1955)
Miền Nam yêu quý - Nguyễn Đình Tấn (Hà Nội: Kuy Sơn, 1956)
Quê tôi miền Nam - Phan Huỳnh Điểu (1954)
Rồi anh sẽ về - Nguyễn Lang (1956)
Tình ca - Hoàng Việt (1957)
Tình trong lá thiếp - Phan Huỳnh Điểu (Hà Nội: Kuy Sơn, 1956)

18 ca khúc di cư đã được xuất bản, phát thanh và trong nhiều trường hợp được thu âm ở miền Nam. [2] 8 trong số những ca khúc tập kết thì có 3 bài rất nổi tiếng; những ca khúc khác đã không được phổ biến rộng rãi thời đó, nhưng cũng tính vào đây vì chúng thể hiện những tình cảm nảy sinh từ sự chia cắt của đất nước. Những ca khúc này chủ yếu được truyền bá qua đài phát thanh quốc gia và sân khấu công cộng. Bảng 2, đưa ra một bản tra có phân nhóm các từ quan trọng trong những ca khúc này. Tôi sẽ nhanh chóng xếp chúng theo trật tự.


BẢNG 2

Từ / khái niệmCa khúc di cưCa khúc tập kết
Tổng số:188
 
Khoảng cách / chướng ngại vật167
xa / xa cách / xa vời / xa xôi / xa xăm146
nghìn trùng / ngàn trùng / muôn trùng / trùng trùng63
núi / đồi / rặng 44
mông mênh / mênh mông32
 
Sự chia ly157
sông / dòng sông106
bến64
thuyền / đò43
muôn phương / ngàn nơi62
lìa đôi / chia đôi / cắt đứt đôi / ngăn cách đôi81
bờ / đôi bờ / cách bờ 61
 
Vô định / hành trình124
sóng / sóng nước 71
trôi 62
nhấp nhô / bềnh bồng21
lênh đênh20
giang hồ 20
 
Quê nhà134
quê / quê hương114
cố hương / cố đô60
ly hương 60
 
Nỗi buồn162
buồn 101
sầu 101
bùi ngùi 10
 
Khóc100
khóc / lệ 70
nghẹn ngào30
thổn thức 10
 
Nỗi đau82
đau 41
xót xa 41
điêu linh 20
 
Bơ vơ60
bơ vơ 20
chơi vơi20
kiếp 40
 
Điều kiện khó khăn144
sương / khói / mây khói132
lạnh / lạnh lẽo / lạnh lùng 50
mịt mù / mịt mù / mịt mờ 30
mờ 24
 
Tình yêu, sự khao khát188
lòng 138
tình / tình thương147
nhớ thương / nhớ nhung / thương nhớ /niềm nhớ116
yêu 115
duyên 12
 
Kết nối, sự liên hệ137
cánh chim / cánh én 85
hát / tiếng hát / khúc hát63
trăng / dương 52
cầu / nhịp cầu 33
gửi 33
nhắn 41
 
Hi vọng158
ngày mai / mai 84
hẹn / lời hẹn 61
mong chờ / chờ mong / đợi 63
thiết tha / tha thiết44
hồi hương40
đấu, đấu tranh14
thống nhất 14


Hầu hết các ca khúc mô tả khoảng xa cách, thỉnh thoảng cụ thể về độ dài hành trình mà mọi người di cư phải thực hiện từ châu thổ sông Hồng vào đến đồng bằng sông Cửu Long, hoặc ngược lại. Chúng cũng gợi lên khoảng cách mà người di cư đã bỏ lại mái nhà cùng những người thân yêu. Nhiều ca khúc dùng thành ngữ “nghìn trùng”, “muôn trùng”, “trùng trùng”, từ ngữ này được lãng mạn hóa để phản ánh cho hầu hết dân di cư bằng thuyền, sự nguy hiểm của chiến tranh và địa hình hiểm trở đã khiến cho con đường bộ xuyên qua miền trung Việt Nam rất khó khăn. Đồi núi, đặc biệt là dãy Trường Sơn (còn gọi là Annamite Cordillera), là một cách diễn tả khác về khoảng cách này.

Chủ đề khác thường thấy ở hai phía là sự ngăn cách và chia ly. Người Việt nhận thức khá rõ ràng đất nước bị chia cắt tại sông Bến Hải. Con sông gợi lên ẩn dụ nỗi đau thấm thía của sự chia cắt này. Một chủ đề thông thường của thơ tình Việt Nam là người phụ nữ trẻ cầm lòng rời gia đình mình về sống nhà chồng với hôn nhân đã được xếp đặt. Những hình ảnh thường thấy như dòng sông, bến nước, con đò và thuyền bè tràn ngập loại văn chương này. Tương ứng trong những ca khúc là hình ảnh những người đành lòng ra đi đến những bến nào, cũng là nơi tương lai vô định. Nhiều ca khúc cũng dùng một tứ thơ khác về sự ra đi “muôn phương”, “ngàn nơi” hàm ý về tính bao la bấp bênh sau khi rời bỏ quê hương. Thêm vào đó, nhiều ca khúc di cư nói về cảnh quốc gia bị chia cắt làm đôi, hoặc tả bằng ẩn dụ là hai bờ (ví dụ theo nghĩa đen, là hai bờ sông Bến Hải). Cách diễn tả này tuy nhiên lại không được dùng trong ca khúc của người tập kết, khiến tôi đoán do quan điểm tuyên truyền trội bật của chính quyền cho rằng sự chia cắt này không có thực sự. Đối với miền Bắc, vĩ tuyến 17 không phải là ranh giới, mà là một sự phân chia tạm thời sẽ bị xóa bỏ sau tổng tuyển cử, hoặc cuối cùng là qua việc thống nhất đất nước bằng sự chiến đấu. Những từ ngữ khác gợi lên xa hơn sự bất định của hành trình – những mô tả về sóng nước, giạt trôi, chìm nổi trên sông nước. Ca khúc của người di cư cũng dùng từ ngữ lãng mạn trong vốn từ đang có sẵn của tân nhạc và thơ phổ thông để gợi tả tính phiêu lưu với những từ như “lênh đênh” và “giang hồ”. Ví dụ 1, bài Chuyến đò vĩ tuyến của Lam Phương, đọc lên giống như bài hát của một người phụ nữ trẻ điển hình chờ chồng hoặc người yêu. Trong trường hợp này họ bị chia lìa bởi dòng sông Bến Hải không nêu tên, mà anh ta hiển nhiên là đang đứng sai bến.

Ví dụ 1 - Chuyến đò vĩ tuyến của Lam Phương (giọng hát: Hoàng Oanh).

Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng

Trong hầu hết ca khúc của người di cư và tập kết, kho ngữ vựng khá giống nhau khi muốn diễn tả đến cảm xúc. Trong số những từ mang nặng cảm xúc nhất trong ngôn ngữ Việt là “quê” và “quê hương”, nói về nơi chôn rau cắt rốn. Lẽ tự nhiên là những ca khúc này gợi nhớ tới chốn quê nhà thiêng liêng đó. Ca khúc của người di cư Bắc vào Nam, tuy nhiên còn thêm vào từ “cố hương” và “ly hương” – lìa xa quê hương. Những biến thể này về “quê hương” gợi ý rằng trong tâm lý tập thể của người di cư vào Nam đã có một nhận thức rằng quê nhà của họ đã mất thật sự. Ca từ của người tập kết từ Nam ra Bắc bỏ qua những biến thể này, họ không chấp nhận chúng.

Phần lớn ca khúc của người Bắc di cư dùng những từ chỉ nỗi buồn như “buồn”, “sầu”, trong khi chỉ một đôi bài thuộc phía đối ứng với họ ở miền Bắc cộng sản dùng. Những từ diễn tả nỗi đau cảm xúc cũng lặp lại nhiều hơn trong ca khúc người di cư. Thực tế có một vốn ngữ vựng thuần là khóc và thổn thức được thấy nổi bật trong khoảng một nửa số ca khúc của người di cư vào Nam, cũng như những từ gợi lên sự bấp bênh và không nơi nương tựa. Từ “kiếp” cũng được dùng trong một vài bài; từ này đã không phù hợp với quan điểm thực chứng theo giáo điều cộng sản.

Nhưng nỗi buồn và sự vô định cũng được diễn tả gián tiếp trong ca khúc ở cả hai phía. Một cảnh tượng sương mờ, khói mây có thể biểu thị cho nỗi buồn, niềm khao khát, hoặc lo lắng cho những gì để lại sau lưng. Ví dụ 2 là lời của ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, một người tập kết từ Nam ra Bắc. Mây bay lững lờ và cánh chim chao liệng gợi lên nỗi lòng khao khát về quê nhà.

Ví dụ 2 - Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương - Hoàng Hiệp, lời Đằng Giao.

Trông qua rặng Trường Sơn, miền quê xa khuất chân trời
Mây lặng lờ trôi, mây đen lặng lờ trôi
Xa xa một đàn chim so mây dang cánh lưng trời
Hỡi chim hãy dừng cho gửi lời đến phương xa vời

Tình ca , Ví dụ 3, sáng tác của Hoàng Việt, một người tập kết khác, dùng hình ảnh bóng mây u ám như một ẩn dụ về thời gian nan quay trở lại quê nhà của ông nơi miền Nam.

Ví dụ 3 - Tình ca - Hoàng Việt.

Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta,
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba.
Em ơi, nghe chăng lời trái tim vọng ra,
Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang.
Qua núi biếc chập chùng xa xa,
Qua bóng mây che mờ quê ta
Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha.

Mây và sương mờ cũng cung cấp một tấm phông cho màn hồi tưởng khoảnh khắc ra đi. Người di cư là Vũ Thành với Giấc mơ hồi hương trong ví dụ 4, diễn tả sự chia ly của mình với một người “em”, một từ biểu thị một người vợ, bạn gái hay em gái. Ở đây, tuy nhiên, tái hiện Hà Nội, đô thành của tác giả, với mây và khói. Dù đấy là thời tiết bình thường của Hà Nội, nhưng nó đặt biến cố này vào một không gian hồi tưởng thê lương.

Ví dụ 4 - Giấc mơ hồi hương - Vũ Thành.

Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương.
Nhìn em mờ trong mây khói,
Bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi đượm men cay đắng biệt ly

Tình yêu là một chủ đề nổi bật trong những ca khúc này – tình yêu lãng mạn, cũng như tình yêu chốn quê nhà mình và đồng bào mình. Có một số sắc độ về ý nghĩa trong những từ khác nhau để biểu lộ tình yêu trong tiếng Việt. Những từ “tình thương” và “yêu” xuất hiện trong đa số ca khúc. Những thành ngữ về niềm khao khát và mong mỏi được thấy trong ca khúc cả hai phía. Một từ khác thường thấy trong ca khúc cả hai bên là “lòng” mà nghĩa đen là bụng, bộ đồ lòng, ruột rà của người ta – nhưng ở đây nghĩa là tâm hồn hay những cảm xúc sâu sắc bên trong. Các ví dụ 5 và 6 thể hiện một cặp dẫn chứng của từ này. Trong các ca khúc của người di cư như “Hướng về Hà Nội" (Ví dụ 5) của Hoàng Dương, những cảm xúc này khuấy động bởi những kỉ niệm vương vấn trong tâm hồn người thuật kể.

Ví dụ 5 - Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương:

Hà Nội ơi,
hướng về thành phố xa xôi
ánh đèn giăng mắc muôn nơi
áo màu tung gió chơi vơi.
Hà Nội ơi,
phố phường dãi ánh trăng mơ
liễu mềm nhủ gió ngây thơ
thấu chăng lòng khách bơ vơ.

Cuối cùng, trong Tình trong lá thiếp (Ví dụ 6) của Phan Huỳnh Điểu những cảm xúc này được thể hiện như một tình yêu bền vững.
Ví dụ 6 - Tình trong lá thiếp - Phan Huỳnh Điểu.

Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam.
Dù xa muôn trùng nhưng tình anh vẫn nghìn năm
không mờ hình em bên lòng trong mối tình chung

Một loại ngữ vựng cuối cùng hợp nhất nhiều ca khúc lại, liên hệ tới sự truyền tin – chủ yếu là tưởng tượng, những hi vọng về tương lai. Một ý niệm thông thường nữa đối với hai phía là niềm hi vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn, là việc trở về mái nhà xưa đã mất. Lấy ví dụ, từ “ngày mai”, xuất hiện trong gần một nửa số ca khúc. Nhiều bài dùng từ “hẹn” và “đợi” hoặc “đợi chờ”. Nhiều từ được dùng để gợi ý truyền tin về quê nhà – những cánh chim có thể bay giữa hai miền (xem ví dụ 2), bài ca có thể vượt biên giới (ví dụ 3), một cây cầu có thể bắc qua dòng sông phân cách, hoặc một vầng trăng cả hai phía đều nhìn thấy (ví dụ 1). Đa số bài hát nói đến đến việc gửi một thông điệp, dù thực sự hay chỉ là hi vọng, sang phía bên kia.

Trong khi người Nam di cư hát về sự hồi hương, người Bắc tập kết hát về cuộc tranh đấu và thống nhất đất nước. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm được thành lập, miền Nam ngăn cấm mọi thảo luận và thông tin với miền Bắc (Hammer, tr. 95-6). Về mặt thông tin thực tế, chính quyền miền Nam hoàn toàn ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào bằng đường thư tín trực tiếp với miền Bắc (TLLNG, IV, A.5. Tab. 1, 7). Hai trong số những ca khúc của người tập kết ra Bắc là phản ứng cụ thể về tình trạng này. Tình ca của Hoàng Việt (ví dụ 3) được coi như lời đáp về một lá thư có thực của người vợ phải mất nhiều tháng để tới tay vì thiếu đường thư tín trực tiếp. Lời đáp của tác giả trong bài ca được phát thanh, và có khả năng được nghe khắp Việt Nam. Tình trong lá thiếp (ví dụ 6) của Phan Huỳnh Điểu cũng sinh ra từ hoàn cảnh tương tự.

Tôi muốn khép lại bằng việc tóm gọn một số điểm khác biệt giữa ca khúc của người di cư và người tập kết cùng cách tiếp nhận về họ. Đại thể, ca khúc của người Nam di cư biểu lộ một cảm xúc dào dạt chung, thậm chí chấp nhận số phận, trong khi những ca khúc của người Bắc tập kết lại dù tràn đầy cảm xúc, nhưng nhấn mạnh tính hành động và tranh đấu. Ca khúc của người di cư được sinh ra trong một thị trường tự do tương đối và là một đáp ứng về mặt tình cảm cho một công chúng rộng rãi, trong khi những bài của người tập kết được tồn tại trong một xã hội nơi mà công luận được sự chỉ đạo tập trung của guồng máy tuyên truyền nhà nước. Hiện nay ca khúc của người tập kết, rốt cuộc của miền Bắc chiến thắng, được coi như bộ phận danh sách những bài ca không thể quên thể hiện sự hi sinh được đền đáp. Còn ca khúc của người di cư đã có một đời sống tiếp tục theo cộng đồng người Việt hải ngoại và chúng tái hiện niềm hoài hương về một quang cảnh trong ký ức.

Những năm ngay sau Hiệp định Geneva là những năm tương đối hoà bình, một thời điểm cho phép sự buông theo cảm xúc và niềm khao khát. Trong ca khúc, cả người di cư và tập kết đều ý thức sâu sắc về sự chia cắt, nhưng những ca khúc của người Bắc tập kết ra vẻ không thừa nhận sự chia cắt nước Việt Nam thành Nam với Bắc. Với cuộc di tản, những người di cư tự nhận diện là nạn nhân. Dù họ đã trải qua những chịu đựng và mất mát có thực, nhưng cách phơi bày tình trạng nạn nhân của họ đã có giá trị chiến lược trong cuộc Chiến tranh Lạnh mở rộng. Chứng cứ gian khổ của những người tị nạn quẫn trí ra đi chen lấn lên những con tàu hải quân Mỹ vào Nam đã được dùng để có được những mối cảm thông của dân Mỹ và trên thế giới. Được biết đến với cái tên "Operation Exodus" (Chiến dịch Di cư), họ được mô tả như dân được chọn, đang tìm kiếm sự tự do thoát khỏi một chế độ vô thần chuyên chế.

Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm đã xiển dương một cách nhìn Nho giáo về kỷ luật và trách nhiệm trước xã hội (Catton, Diem's Final Failure [Thất bại cuối cùng của Diệm], p. 45). Trong những năm sau đó, chính quyền của ông ta kiểm duyệt những bài hát nào đại loại có nỗi buồn thê lương; thế nhưng những giọt nước mắt và thổn thức của những người di cư thì hoàn toàn cho phép. Điều cũng rõ ràng là Hà Nội không tin vào những giọt nước mắt. Mặc dù những từ ngữ về nỗi buồn đã gần như bị cấm ngặt ở miền Bắc, nhưng những cảm xúc dào dạt được thể hiện trong những loại ca khúc này, thường gián tiếp qua không khí ca từ. Sự kiềm chế này lại có mức độ thuyết phục hơn cả, vì những người tập kết -- khác với người di cư thường mang theo cả gia đình – hơn thế nữa là họ đều có thể đã bỏ lại vợ hay gia đình. Những người di cư thường bày tỏ họ như những người tình đau khổ, tình yêu của họ hầu như luôn dành cho một nơi chốn đã mất. Ngược lại, ca khúc của người tập kết thường hướng tới hơn những người vợ có thực, gia đình và bạn bè đã bỏ lại. Thời gian những bài hát này được viết ra, những người di cư tin rằng sự xa cách của họ sẽ chỉ kéo dài vài ba năm. Nhưng khi cuộc tổng tuyển cử bị hủy bỏ, họ chấp nhận và tham gia vào một cuộc đấu tranh lâu dài hơn. Ca khúc của người tập kết, trong nhiều trường hợp, cho thấy một sự kiên quyết minh bạch vốn thiếu vắng trong ca khúc của người di cư. Dù thế nào, tôi không hạ thấp cường độ của niềm khao khát và nỗi nhớ nhung. Tôi đồng tình với lời của nhà văn William Vollmann rằng "người ta giết vì cái người ta đòi"/ “people kill for what they cry for” (Rising Up and Rising Down [Vùng lên và Vùng xuống], quyển 1, tr.. 54-55). Những người Bắc di cư vào Nam nằm trong số những kẻ chống cộng nhiệt thành nhất, và trong nhiều trường hợp còn tiếp tục -- kể từ miền Nam bại trận năm 1975 – ở hải ngoại. Sự mất mát và nỗi buồn đã là một thế lực quyền năng, quyền năng đủ để khiến cho hai nước Việt Nam chia cắt ròng rã hai thập niên. Mặc dù chiến tranh hầu như đã ở lại sau lưng chúng ta 30 năm, những vết thương hiển hiện trong những bài hát ấy vẫn còn chưa được chữa lành trọn vẹn.


Tham khảo - Bibliography:

Catton, Philip E. Diem's Final Failure: Prelude to America's War in Vietnam. Lawrence: University of Kansas Press, 2002.

Đặc trưng - Nhạc. http://www.dactrung.net/nhac/default.aspx [Ngày xem website: January-April 2004].

Hammer, Ellen J. A Death in November: America in Vietnam, 1963. New York: E. P. Dutton, 1987.

Mãi mãi là tình yêu: Tác phẩm và cuộc đời Phan Huỳnh Điểu. Hoàng Minh Nhân, biên soạn. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên, 2000 (tái bản lần thứ 2).

Nhạc và đời. Lê Giang, Lữ Nhất Vũ biên tập. Hậu Giang: Nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang, 1989.

Pentagon Papers (Tài liệu Lầu Năm Góc ; viết tắt TLLNG). United States Department of Defense. United States-Vietnam relations, 1945-1967. Washington: U.S. Govt. Print. Off., 1971.

Vollman, William T. Rising Up and Rising Down. San Francisco, CA: McSweeney's Books, 2003.


© 2005 talawas



[1]Cũng ra Bắc còn có xấp xỉ 10 000 thành viên là người dân tộc thiểu số từ Tây Nguyên, và 10 000 thiếu niên được học ở miền Bắc. Tài liệu Lầu Năm Góc cho rằng những người trẻ này được xem như “hạt giống chính trị dài hạn” – một nguồn lực tương lai để dành cho chiến thắng sau này ở miền Nam (TLLNG, quyển 2, IV, A.5. Tab. 3, 34).
[2]Phần lớn các ca khúc được viết do những người miền Bắc ra đi, tuy nhiên một bài Hướng về Hà Nội lại do một người miền Bắc vào Nam và đã trở ra Bắc. 3 ca khúc: Chuyến đò vĩ tuyến, Tình cố đôSầu ly hương do những người miền Nam viết ra, mà có người còn hồ nghi về việc chúng có vì đồng cảm với đồng bào mình không, hay có khả năng vì tính thương mại của những ca khúc này.

Nguồn: "Love and Longing at the Border: Songs on Both Sides of the 17th parallel," – bài thuyết trình trong há»™i thảo của Há»™i Văn hoá Đại chúng (Popular Culture Association) năm 2004 tại San Antonio, Texas.