© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Nobel Hoà bình
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
5.5.2005
Gunnar Berge
Nobel Hòa bình năm 2000 cho Kim Dae-jung
(Phát biểu của Gunnar Berge, Chủ tịch hội đồng Nobel Na Uy, Oslo, tháng Mười năm 2000)
Hải Tâm dịch
 
Cái bắt tay của những người đứng đầu hai nhà nước Triều Tiên: Kim Dae-jung (Nam Triều Tiên) và Kim Jung Il (Bắc Triều Tiên)
Hội đồng Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 cho ông Kim Dae-jung. Ông nhận giải thưởng này vì sự nghiệp suốt đời đấu tranh cho dân chủ và quyền con người ở Nam Triều Tiên và Đông Á nói chung, và vì hòa bình và hòa giải với Bắc Triều Tiên nói riêng. Hôm nay chúng ta tới đây để chào mừng Chủ nhân của Giải Nobel Hòa Bình năm 2000!

Một câu hỏi đã đặt ra rằng liệu có quá sớm để trao giải thưởng cho một quá trình hòa giải mới chỉ bắt đầu. Câu trả lời đầy đủ sẽ là, công cuộc đấu tranh vì quyền con người của ông Kim Dae-jung đã khiến ông trở thành ứng cử viên xứng đáng nhất mà không cần kể tới những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa hai nước Triều Tiên. Tuy vậy, một điều rất rõ ràng là những cống hiến to lớn của ông đối với quá trình hòa giải và những kết quả đạt được, đặc biệt trong năm vừa qua, đã góp phần quan trọng làm dày dặn thêm tư cách ứng cử viên giải Nobel Hòa bình của ông Kim Dae-jung.

Mặc dù nhận thức rằng cần chuẩn bị phòng ngừa tình huống các hoạt động hòa bình quốc tế có thể bị đảo ngược theo xu hướng xấu, hội đồng giải Nobel đã giữ vững nguyên tắc: không mạo hiểm, không thành. Giải thưởng Nobel Hòa bình là danh hiệu dành cho các bước đã thực hiện được tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giống như đã từng nhiều lần diễn ra trước đây trong lịch sử của Nobel Hòa bình, mục đích của giải thưởng năm nay cũng nhằm khuyến khích những tiến bộ hơn nữa trên con đường tới hòa bình và hòa giải.

Với lòng can đảm và dũng khí lớn lao, ông Kim Dae-jung đã có ý chí phá bỏ niềm hận thù hằn sâu đã 50 năm và rộng mở vòng tay hợp tác qua làn ranh giới bị coi là được canh gác cẩn mật vào loại nhất trên thế giới. Ông là mẫu người có dũng khí cá nhân và sự can đảm chính trị mà, rất đáng tiếc là, rất thiếu ở những nơi có xung đột và mâu thuẫn cao độ. Một nguyên tắc áp dụng cho hoạt động vì hòa bình và cho cuộc sống nói chung mỗi khi chúng ta quyết tâm vượt qua những đỉnh cao trở ngại là: những bước đầu tiên bao giờ cũng khó khăn nhất. Tuy nhiên, khi rướn những bước cuối cùng đến vạch đích huy hoàng, chúng ta lại có thể tìm thấy rất nhiều bạn đường. Gunnar Roaldkvam, một văn sĩ từ Stavanger đã diễn tả điều này một cách giản dị và thông minh trong bài thơ “Giọt nước cuối cùng” của ông ấy:

Thuở xa xưa
Có hai giọt nước
Một giọt đầu tiên

Giọt kia sau rốt

Giọt nước đầu tiên, dũng cảm nhường nào

Tôi vẫn ước ao
Là giọt nước cuối cùng,
Rớt xuống
Khối nước sẽ dâng trào,
Và tự do trở lại,
Chảy mênh mang…

Nhưng mà thế đấy, có ai nào muốn

làm giọt nước
đầu tiên?

Ngày nay, ông Kim Dae-jung là tổng thống của một nước Nam Triều Tiên dân chủ. Con đường dẫn tới quyền lực của ông ấy thật dài, thật vô cùng gian nan. Bao thập kỷ qua, ông Kim đã chiến đấu trong một cuộc chiến tưởng chừng vô vọng chống lại chế độ độc tài. Có thể ai đó sẽ hỏi đâu là cội nguồn sức mạnh của ông. Ông đã trả lời rằng: “Tôi đã dùng mọi sức lực để chống lại chế độ độc tài, bởi vì chẳng còn cách nào khác để bảo vệ nhân dân và thúc đẩy một nền dân chủ. Tôi thấy dường như mình là một người chủ một ngôi nhà bị kẻ cướp xâm nhập. Tôi phải chiến đấu với kẻ xâm phạm bằng tay không để bảo vệ gia đình và tài sản của tôi mà không so đo tới sự an toàn của bản thân mình."

Trong những năm 50, khi ông Kim tranh cử vào Quốc hội, cảnh sát đã từng ngăn chặn sự ủng hộ với các ứng cử viên không phải của chính quyền đương thời. Ông đã không được bầu chọn cho tới năm 1961, và cả thành công này cũng chỉ là ngắn ngủi: lực lượng quân sự đã thực hiện một hành vi trắng trợn dẫn đến sự giải tán Quốc hội ba ngày sau đó. Thế nhưng ông Kim không bỏ cuộc. Năm 1963, sau mười năm đấu tranh chính trị không ngừng, ông cuối cùng đã chiếm được một ghế đại diện đối lập trong Quốc hội. Cũng cần nói thêm rằng khi đó đảng cầm quyền đã cố gắng mua chuộc ông. Nhưng ông Kim không phải là người có thể mua chuộc.

Trong năm 1971, ông Kim Dae-jung đã ra tranh cử tổng thống, đạt được 46% số phiếu bầu bất chấp những thủ đoạn lường gạt trầm trọng trong kiểm phiếu. Thành công này làm ông Kim trở thành mối đe dọa đối với chế độ quân sự. Và vì thế, ông Kim đã bị tống giam, quản thúc tại gia và sống lưu vong ở Nhật Bản và Hoa Kỳ trong nhiều năm. Ông nhiều lần là mục tiêu của những vụ bắt cóc và ám sát. Bằng cách nào đó ông Kim đã chịu đựng tất cả những thử thách này để liên tục duy trì vị thế đối lập trực diện với chế độ đương quyền.

Tôi đã đến thăm Nam Triều Tiên vào năm 1979 với tư cách thành viên của phái đoàn Quốc hội Na Uy. Cuộc viếng thăm này là một trong những lý do đã khiến tôi gặp gỡ được những người ủng hộ ông Kim Dae-jung. Tôi rất vui mừng được trở thành cầu nối [của ông Kim-ND] với những mối quan hệ quan trọng ở Scandinavia.

Thậm chí trong điều kiện ngục tù khổ ải, ông Kim Dae-jung vẫn gắng tìm ra biết bao điều để hướng cuộc sống của mình về đó. Với tinh thần lạc quan bất khuất, ông đã viết về những niềm vui trong cuộc sống tù đày. Đó là đọc sách, các loại sách đông tây kim cổ về thần học, chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa; là những cuộc gặp mặt ngắn ngủi với gia đình; là những lá thư từ những người gần gũi nhất và những dịp được viết thư hồi âm, bất chấp mọi ý đồ ngăn cản; và cuối cùng, là cả những bông hoa trong góc vườn bé xíu mà ông được phép ra đó chỉ một giờ mỗi ngày.

Câu chuyện của ông Kim Dae-jung có rất nhiều điểm chung với những gì mà một số Chủ nhân Giải Nobel Hòa bình trước đây trải nghiệm, đặc biệt là ông Nelson Mandela và ông Andrei Sakharov. Và cũng giống những trải nghiệm của ông Mahatma Gandhi, người đã không nhận giải thưởng này mặc dù rất xứng đáng. Với những người ngoài cuộc, tinh thần bất khuất của ông Kim dường như quá siêu phàm. Nhưng ông Kim lại tỏ ra khiêm tốn về điều đó, ông nói rằng: "Nhiều người bảo tôi rằng tôi thật là can đảm, bởi vì tôi đã sáu, bảy lần vào tù, vài lần suýt mất mạng. Nhưng thật ra tôi vẫn nhút nhát như hồi còn là một cậu bé. Cứ nghĩ đến những điều đã xảy ra trong cuộc đời tôi, lẽ ra tôi không phải sợ bị bỏ tù. Nhưng mỗi lần bị tống giam tôi vẫn rất hoảng sợ và lo lắng.” Ông Kim đã tự hiểu mình đến vậy mà vẫn không hề chùn nhụt lòng can đảm!
Ông Kim Dae-jung tranh cử hai kỳ bầu cử tổng thống nữa vào năm 1987 và 1992. Khi chế độ quân sự không còn là vật cản thì, ở một quốc gia mà sự chia rẽ giữa các địa phương đã quá sâu sắc, lại có luận điệu phản đối rằng ông không xuất thân từ một địa phương xứng đáng. Cuối cùng, mệt mỏi vì cuộc tranh đấu , ông Kim rút lui khỏi chính trường sau kỳ bầu cử năm 1992.

Thế nhưng vào năm 1997 ông Kim Dae-jung lại có một cơ hội mới. Thật đáng ngạc nhiên, trong tình hình các đối thủ chính trị của ông Kim chia rẽ nhau, thủ lĩnh đối lập của chế độ quân sự [là ông Kim Dae-jung -ND]đã được bầu làm tổng thống. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Nam Triều Tiên cuối cùng đã tìm thấy một chỗ đứng trong hàng ngũ các quốc gia dân chủ trên thế giới.

Rất có thể ý định trả thù đã lóe lên trong đầu ngài tổng thống mới. Tuy nhiên, cũng giống như ông Nelson Mandela, khoan dung và hòa giải là tinh thần chủ đạo trong cương lĩnh chính trị của ông Kim đã soi đường cho những hành động của ông. Kim Dae-jung đã khoan dung hầu như với tất cả, kể cả những điều tưởng chừng không thể tha thứ được.

Những gì đã diễn ra thực sự là một cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng ngay cả sau một cuộc cách mạng, thì một số đặc điểm của trật tự cũ vẫn còn tồn tại. Với viễn cảnh dân chủ, Nam Triều Tiên còn một số việc quan trọng phải làm, nhất là trong vấn đề cải cách hệ thống pháp luật và lập pháp an ninh. Theo Ân xá Quốc tế, vẫn còn những tù nhân chính trị lâu năm trong các nhà tù Nam Triều Tiên. Những tổ chức khác lại cho rằng quyền của người lao động có tổ chức chưa được đảm bảo đầy đủ. Câu trả lời của chúng tôi là, chúng tôi cảm thấy tin tưởng rằng ông Kim Dae-jung sẽ hoàn tất quá trình dân chủ hóa, một quá trình mà ông là người phát ngôn nổi bật nhất trong gần nửa thế kỷ qua.

Một cuộc tranh luận quan trọng về thực trạng quyền con người đang diễn ra ở châu Á. Một số người nói rằng những giá trị này là phát minh của phương Tây, là công cụ để văn hóa và chính trị phương Tây đạt được địa vị thống trị. Ông Kim đã phủ nhận quan điểm này cũng như đã phủ nhận có một thứ quyền con người khác biệt dành cho châu Á, không giống với giá trị quyền con người phổ quát. Uỷ ban giải thưởng Nobel chia sẻ những quan điểm đó khi xét giải thưởng năm nay và vì vậy đã quan tâm đặc biệt tới vai trò của ông Kim trong việc phát huy quyền con người trên khắp khu vực Đông Á. Và như ông José Ramos Horta, Chủ nhân Giải Nobel Hòa bình 1996, người có mặt với chúng ta hôm nay đã nói, ông Kim cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho sự nghiệp của Đông Timor. Quyết định trao quyền sử dụng Quân đội Nam Triều Tiên -trước đó chỉ vài năm vẫn được sử dụng để trấn áp các phe chính trị đối lập trong nước - cho cộng đồng thế giới trong cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Đông Timor là một động thái mang ý nghĩa tượng trưng cao.

Ông Kim Dae-jung cũng rất nhiệt tình ủng hộ Aung San Suu Kyi, Chủ nhân Giải Nobel Hòa bình 1991 trong cuộc đấu tranh anh dũng của bà chống lại chế độ độc tài Miến Điện. Những tâm tư của chúng ta hôm nay vẫn hướng về bà, mặc dù bà đã không thể tới Na Uy để nhận Giải thưởng Hòa bình mà bà vô cùng xứng đáng. Thật không may, chế độ độc tài một lần nữa tăng cường gây áp lực với Aung San Suu Kyi.

Ông Kim đã được bầu làm tổng thống với một chương trình cải tổ sâu rộng ở Nam Triều Tiên và một chính sách linh hoạt trong việc hợp tác với Bắc Triều Tiên mà bây giờ chúng ta thường nhắc tới với tên gọi “chính sách ánh dương”. Cái tên này bắt nguồn từ truyện ngụ ngôn của Aesop; một người lữ khách kéo chặt áo choàng vào mình trong cơn gió dữ, nhưng cuối cùng lại cởi áo dưới nắng ấm mặt trời.

Chính sách ánh dương được xây dựng nếu không phải để chặn đứng cơn gió dữ thì chí ít cũng để xua bớt giá lạnh nhờ vào việc tăng dần cường độ trao đổi và chú trọng vào những mối quan tâm chung của hai quốc gia. Kim Dae-jung đã chỉ rõ rằng Nam Triều Tiên không có ý định thôn tính hay hòa tan láng giềng phía Bắc. Mục tiêu là thống nhất cho dù cả hai bên đều biết rằng sẽ tốn thời gian và sẽ cần có những chuẩn bị toàn diện nhất.

Cho đến thời điểm này ít ai nghi ngờ về việc Kim Dae-jung là động cơ chủ đạo trong quá trình giải tỏa căng thẳng và hòa giải đang diễn ra. Vai trò của ông có thể sánh với vai trò của Willy Brandt, người mà Ostpolitik [chính sách phía Đông] của ông đã có tầm quan trọng làm nền tảng trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Đức và đem đến giải Nobel Hòa bình cho tác giả của nó. Mặc dù Ostpolitik của Brandt bản thân nó không thể dẫn tới sự thống nhất nước Đức, nhưng lại là điều kiện tiên quyết cho sự thống nhất vào những năm 1989-90 sau này. Theo cách nhìn từ phía Nam Triều Tiên, khía cạnh chính trị từ bài học thống nhất nước Đức khá hấp dẫn. Tuy vậy, về mặt kinh tế Triều Tiên có thể phải trả giá cao hơn Đức, và điều này cảnh tỉnh những hành động vội vàng.

Cuộc đối thoại giữa Kim Dae-jung và Kim Jung Il tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Bình Nhưỡng tháng Sáu năm ngoái không kết thúc ở những tuyên bố lỏng lẻo hay những lời hùng biện hời hợt. Hình ảnh những thành viên trong gia đình gặp nhau sau năm thập kỷ chia lìa đã gây ấn tượng mạnh trên toàn thế giới. Dù những mối liên lạc này bị hạn chế và kiểm soát ngặt nghèo đến chừng nào, nước mắt của vui sướng là sự đối lập hoàn toàn với những lạnh lùng, hận thù và ngăn trở mà người viếng thăm tại biên giới vùng Panmunjon đã cảm nhận.

Đã từ rất lâu, nhân dân Bắc Triều Tiên phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Cộng đồng quốc tế không thể thờ ơ với nạn đói của họ, cũng như không thể im lặng trước tình trạng đàn áp chính trị thô bạo ở đất nước này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, công lao của các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong những bước tiến đầu tiên tới quá trình hòa giải giữa hai quốc gia xứng đáng được ghi nhận.

Hầu hết mọi nơi trên thế giới, thời kỳ băng giá của chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Thế giới có thể thấy chính sách ánh dương đang xua tan những tàn dư cuối cùng của chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên. Quá trình này có lẽ cần thời gian dài. Tuy nhiên quá trình ấy đã bắt đầu,và không ai cống hiến sức lực nhiều hơn Chủ nhân Giải thưởng ngày hôm nay, ông Kim Dae-jung. Như lời của bài thơ, ”Giọt nước đầu tiên, dũng cảm nhường nào!”.


Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền của bản dịch tiếng Việt
Nguồn: http://nobelprize.org/peace/laureates/2000/presentation-speech.html