© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.3.2004
Trần Wũ Khang
Bên lề bàn tròn văn học
Trao đổi với Dương Tường, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp
 
Mỗi phản ứng, bất kì phản ứng dạng nào cũng tốn hao năng lượng và phân tán tinh thần. Chúng ta không thể làm cái gì "lớn" nếu cứ mãi phản ứng. Khi phản ứng đó có nguy cơ đưa nhiều người vào cuộc. Và nhất là khi chúng ta phải phản ứng lại với nhân vật nổi tiếng, phát biểu về một lĩnh vực khá mơ hồ là thơ trong tình hình văn chương Việt Nam còn nhập nhằng giữa cũ/mới, truyền thống/hiện đại, chính thống/không chính thống, trong/ngoài nước… thì diễn biến của phản ứng với trao đổi rất khó lường và hứa hẹn sẽ kéo dài vô tận.

Thế nhưng, một khi phát biểu của con người nổi tiếng ấy về lĩnh vực mơ hồ ấy trong sinh hoạt văn chương như thế ấy không những không làm tình hình sáng sủa thêm mà còn làm vẩn đục đồng thời đầu độc không khí, thì phản ứng luôn là cần thiết.


1. Trích dẫn

Trong bài: Mười năm trên giá sách văn chương (Bàn tròn văn học - lấy mốc năm 1991), Sinh viên Việt Nam, số 4, ngày 04.11.2003, Nguyên Ngọc viết:

"Một số tác giả khác, như Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, hoặc Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư trong thơ… có quẫy cựa, tìm tòi, cố phá vỡ hình thức nghệ thuật cũ, để tìm ra một hình thức mới. Nhưng cảm giác chung là những tìm tòi đáng hoan nghênh đó chưa định hình."

Cũng tại trang báo này, Dương Tường nhận xét:

"Tôi cũng đồng ý với quan điểm của anh Nguyên Ngọc. Nhà văn chúng ta… dốt quá. Không chịu học, không chịu đọc, lại mang cái bệnh "ếch ngồi đáy giếng", mới "nho nhoe" một tí cứ tưởng mình nhất thế giới, thực ra cỡ như Thiệp ở Đức, Mỹ, Nhật, Pháp…cũng có thể…vơ hàng tá! Ngoại ngữ cũng là lực cản để nhà văn chúng ta tiếp cận những dòng văn học mới của thế giới. Giới họa sĩ có đến 50% biết ngoại ngữ nên họ tiếp cận với hình thức mĩ thuật mới thế giới rất nhanh trong khi cánh nhà văn trẻ thì đa số tiếp cận văn học thế giới qua bản dịch".

Trong bài: Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn, báo Ngày Nay, số 06.2004, Nguyễn Huy Thiệp viết:

"Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả."(…) "nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa".

Phát biểu của ba nhân vật nổi tiếng trong làng văn Việt Nam hôm nay (tôi chỉ xét) về thơ, nổi lên ba thiếu khuyết:


2. Tính cách nhà thơ

Nhà thơ có như Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận không? Dù anh có trừ ra, nhưng đó là những ai? Ai được hân hạnh nằm trong số "vài ba", "đếm trên đầu ngón tay" của anh? Tuyệt không tên tuổi nào cụ thể được nêu ra, đủ thấy anh mơ hồ đến mức nào rồi. Nhà thơ có chiếm số lượng "hơn 80%" như anh nói? Trong số này, bao nhiêu là nhà thơ thuần tuý, bao nhiêu thơ át văn và mấy người cư trú trên đường biên thơ và văn? Số liệu rất đáng nghi ngờ, một con số chung chung ai cũng có thể nói được này càng làm nổi rõ cái mơ hồ lẫn cẩu thả của anh.

Nữa: tính cách, việc làm của nhà thơ có giống anh phán đổ đồng không: "nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa", và "đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa"?

Thế anh nghĩ sao về hai khuôn mặt thơ ở thế hệ trước: Chế Lan Viên, Xuân Diệu? Có nhà "văn" nào chuyên nghiệp hơn hai ông? Ngay thế hệ U50 của hôm nay thôi, văn đàn Việt Nam vẫn có thể trưng dẫn các minh chứng sáng giá. Mời anh đọc lý lịch sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hay nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara. Ngay Lý Đợi, một thi sĩ trẻ mới qua tuổi 25, đã vừa làm thơ, viết báo đồng thời nỗ lực (dịch) giới thiệu các nhà thơ gốc Việt viết bằng tiếng Anh. Hay dở chưa vội bàn, ở đây tôi nói về thái độ làm việc của họ. Tạm nêu vài ví dụ như thế.


3. Nguyên nhân yếu kém của thơ Việt

Nguyễn Huy Thiệp chê nhà văn ta kém sinh ngữ, "vô học". Nguyên Ngọc hay Dương Tường cũng thế. Nguyên Ngọc khẳng định:

"Trong đám anh em tôi biết ở Hà Nội, số có trình độ đọc được trực tiếp văn học thế giới bằng ngoại ngữ có thể đếm, và không hết năm ngón trên một bàn tay!" [1]

(Lại ngón tay!) Dương Tường cũng đồng ý với quan điểm của Nguyên Ngọc rằng "nhà văn chúng ta… dốt quá. Trong khi cánh họa sĩ có tới 50% biết ngoại ngữ."

Đây lại là con số vu vơ, áng chừng, thiếu khoa học. Chưa có một thống kê xã hội học thì làm sao các anh có thể nêu được con số: "đầu ngón tay" hay "50%"? Nữa: Dương Tường tuyên rằng nhà văn cỡ Nguyễn Huy Thiệp, anh có thể vơ được hàng tá ở Đức, Pháp (hàng tá là bao nhiêu, gồm các tên tuổi nào - chúng tôi đang chờ anh khai báo). Thế còn cỡ anh?

Tất cả phát biểu trên nói lên cái gì? Nhà văn ta thiếu trình độ văn hoá, nên theo ý các anh điều kiện thiết yếu là cần phải bổ túc văn hoá cao cấp cho họ! (Hệt đề nghị của Hoàng Ngọc Hiến với các nhà phê bình Việt Nam hiện nay: "Điều đáng quan tâm, đáng lo ngại hiện nay không phải là "cơ sở lí luận" mà là "trình độ văn hoá" của người làm phê bình"). Làm như Hoài Thanh thì "trình độ văn hóa" hơn các nhà phê bình hôm nay lăm lắm! [2]

Không sai. Nhưng đó có phải là mấu chốt vấn đề không?

Trong lúc các anh cho nhà văn Việt Nam "dốt quá", bồi dưỡng kiến thức văn hoá và sinh ngữ thì viết sẽ hay ngay, thì Phan Nhiên Hạo "tin rằng chỉ cần từ chối thoả hiệp, các nhà văn đã có thể viết những tác phẩm rất thuyết phục trên cái nền hiện thực có một không hai của Việt Nam".

Những khẳng định này gợi ý cho một bài viết khác, ở đây tôi chỉ xin đặt vài câu hỏi: Thế Dương Tường biết sinh ngữ và đọc nhiều sách Tây thì đã viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp? Hoặc Nguyên Ngọc so với Bảo Ninh? Hay J.P. Sartre/W. Faulkner? Sinh ngữ với trình độ, nếu chỉ có vậy thì nhà văn hải ngoại ăn đứt người viết trong nước là cái chắc, nhưng sự thể có như thế không? Còn các vị bảo bởi người Việt hải ngoại thiếu nguồn sữa ngôn ngữ sống thì tôi rất nghi ngờ. J.Brodsky lưu vong 30 năm vẫn cứ hay hơn cả mấy ngàn nhà thơ Nga nội địa đấy chứ! Rồi tại sao F.Dostoievski viết ngày càng lên tay để tác phẩm hay nhất là sáng tác cuối đời, trong lúc L.Tolstoi sau Chiến tranh và hoà bình thì bắt đầu "đi xuống"; như vậy ông sau có kém trình độ văn hoá hơn ông trước?

Tôi biết các anh rất chán, rất nóng ruột cho tình hình văn chương Việt Nam nên đã vội vã phán xét thế, như là nói quá lên cho thiên hạ thức giấc. Ừ, mà cũng đáng chán thiệt! Nhưng tại sao không hành xử một cách chuyên nghiệp hơn bằng cách phân tích nguyên nhân xa và gần, sâu và nông bằng bài viết khoa học có khả năng thuyết phục đại đa số người đọc, mà các anh lại vội vàng làm đầy trang báo hay gồng mình trả lời phỏng vấn kèm những phán xét vu vơ và mơ hồ. (Tôi dùng từ "gồng mình" bởi có vị nhận định về lĩnh vực mình chưa nắm vững, nên nói đâu sai đó, nói nhiều sai nhiều, ít sai ít. Ví dụ Nguyễn Huy Thiệp "không dễ đọc" một tập thơ chưa có gì là cách tân quyết liệt như Nằm nghiêng, cũng góp lời).

"Nằm nghiêng, thơ của Phan Huyền Thư là một tập thơ không phải dễ đọc. Ít nhất cũng là với tôi (TWK nhấn mạnh), một người viết văn xuôi."

Như vậy, với uy tín cùng sự nổi tiếng của mình, các phán xét thiếu chuyên nghiệp chẳng những không giải quyết được gì mà còn làm vấn đề rối tung lên.


4. Như vậy, 10 năm qua, Thơ Việt đang đứng ở đâu, sẽ đi về đâu?

Dương Tường (ở Bàn tròn trên):

"Trong thơ, tôi có cảm tình với bốn cây bút trẻ là Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải và Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi nghĩ họ là những giọng thơ đáng hứa hẹn."

Nguyên Ngọc:

"Một số tác giả khác (…) Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư trong thơ…có quẫy cựa, tìm tòi, cố phá vỡ hình thức nghệ thuật cũ, để tìm ra một hình thức mới. Nhưng cảm giác chung là những tìm tòi đáng hoan nghênh đó chưa định hình."

Tại sao "có cảm tình"? Nhận định cả 10 năm thơ của một nước, nếu chỉ dựa vào cảm tình (rất dễ bị cảm tính) thì có xứng đáng ngồi vào bàn tròn văn học không? Cảm tình của anh Dương Tường có khác gì với các vụ quảng cáo cây bút mới (tôi dùng từ quảng cáo theo nghĩa tốt) của các anh Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha thời gian qua? Hay lắm, thiện chí lắm! Nhưng nếu chỉ giậm chân tại chỗ thôi (không dùng tri thức về thi ca để nêu bật được cái độc đáo của thi pháp mới lạ nơi các thi sĩ trẻ), các anh sẽ không giúp được gì cho phát triển thơ Việt đương đại cả. Lắm khi còn gây dị ứng từ phía độc giả nữa, như đã từng xảy ra.

Thế các cây bút thơ ở phía Nam đâu rồi, Dương Tường chưa đọc họ ư? Hay đã đọc nhưng anh thấy họ không góp gì vào tiến trình? Hoặc giả anh thuần không cảm tình với họ? Cả ở hải ngoại nữa? Trong lúc chính Nguyên Ngọc viết:

"Cùng với văn học trong nước, văn học hải ngoại làm nên diện mạo của văn học Việt Nam ngày nay. Sẽ cực kì thiếu sót nếu biết văn học Việt Nam ngày nay mà không biết văn học Việt Nam hải ngoại."

Chúng ta thử tưởng tượng: ví có dịch giả ngoại quốc nào nhiệt tình với tiếng Việt tin nghe lời Nguyên Ngọc, bỏ công dịch thi phẩm của hai nữ nhà thơ trẻ kia - tiêu biểu cho cách tân thơ Việt đương đại - ra tiếng nước ngoài, thì dân Anh, Pháp, Mỹ sẽ nghĩ gì? Đích thị các cách tân còn "chưa định hình" là đúng rồi, chứ chạy vào đâu! Trường hợp này, tôi đồ rằng nhà văn Nguyên Ngọc cũng "nghe nói", chứ anh không đọc gì cả! 10 năm qua (các anh lấy mốc 1991), Phan Huyền Thư và Vi Thuỳ Linh có là tiêu biểu cho cách tân thơ?

Tôi nhớ cách đây 11 năm, Hoàng Hưng đã đưa ra hàng loạt khuôn mặt thơ đầy triển vọng có khả năng "đổi gác" thế hệ: Chinh Lê, Lê Thu Thuỷ, Lê Viết Hoàng Mai, Nhật Lệ, Nguyễn Quyến.

Trên thi đàn hôm nay, họ mất hút đâu cả rồi!? Hơn thập kỉ qua, cả Nguyễn Quyến nữa mà nhiều người kì vọng, không còn thơ xuất hiện. Lỗi tại đâu?


5. Các khuôn mặt thơ tiêu biểu

10 năm thơ - các anh phán xét: "chưa định hình", rồi thì xoa đầu: "đáng hứa hẹn". Nhưng tôi nghĩ khác, và cũng có người nghĩ khác.

Dựa vào giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 10 năm qua (lấy mốc 1993), Nguyễn Hoàng Sơn lên danh sách các khuôn mặt thơ tiêu biểu:

Lứa trên 50, có: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương, Trúc Thông, Bằng Việt, Trần Mạnh Hảo, Thanh Tùng…

Lứa trẻ U50 gia nhập "bảng phong thần" này có:

Tiếp theo: "Một số nhà thơ @ khá thành công trong việc tiếp thị tên tuổi của mình", nhưng thực chất chưa tới đâu.

Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng: "Một thập niên thơ vừa qua, hay hay dở, hay đến đâu và dở đến đâu, trách nhiệm chính đương nhiên là của lứa các nhà thơ tôi đã kể tên trên". Qua đó, anh tuyên bố: "Thơ Việt Nam cận kề một cuộc cách mạng mới! (…) cuộc thay đổi này chắc chắn sẽ rung chuyển, sẽ là một cuộc cách mạng tầm cỡ, không kém gì cuộc cách mạng 1932…) [3]

Một bảng danh sách khôn ngoan, dễ gì mà bắt bẻ!

Mỗi năm có cả "biển thơ" [4] xuất hiện, cả thơ in báo lẫn thơ tập. Năm 2001: hơn 700 tập, năm 2003 "nghe nói" trên 1000 tập thơ ra đời (đây cũng là các con số vu vơ tôi lượm từ các báo). Không ai dám vỗ ngực tự xưng đọc tới 20% trong số đó, chứ đừng nói một nửa! Mỗi nhà thơ hay nhà phê bình thơ trong giới hạn không gian, mối quan hệ hay chuyện "hợp khẩu vị" của mình, vẫn có thể lập danh sách riêng, khá khác nhau, thậm chí chọi hẳn nhau.

Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi cũng thử lập danh sách, chỉ tính các tên tuổi có sáng tác đóng góp vào chuyển động (hay "cách mạng", đổi mới, cách tân…, ai muốn dùng từ nào thì tuỳ) thơ Việt hôm nay, và chỉ kể các nhà thơ dưới 50 tuổi (lực lượng nồng cốt đang nỗ lực làm mới, và đã có thành tựu nhất định vào "cuộc cách mạng mới" của thơ Việt đương đại):

(Tôi không chịu nổi "vân vân" hay "…" sau các tên, thứ thái độ hèn nhát rất thiếu sòng phẳng, như thể chừa ngõ hậu thoát thân. Tôi cũng không a dua đưa 3 khuôn mặt thơ được các phương tiện thông tin lặp đi lặp lại vài năm qua: Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly. Lối viết của Văn Cầm Hải rất cũ, trong khi Vi Thuỳ Linh với tôi là hiện tượng xã hội chứ không là hiện tượng thơ ca, còn Ly Hoàng Ly chỉ mới bước qua thời áo trắng.)

Đây là Danh sách khác, rút từ theo dõi tiến triển thơ Việt của tôi, trong đó có người đã xuất bản trên chục tác phẩm và từng đoạt giải thưởng thơ hàng năm của Hội Nhà văn (Nguyễn Quang Thiều năm 1993, Inrasara: 1997 và 2003) có kẻ còn chưa ra được tập thơ riêng (Vương Huy, Nguyễn Vĩnh Nguyên), có khuôn mặt nổi đình đám (Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư) nhưng cũng có thi sĩ vẫn đương nằm trong bóng tối vô danh (Phan Bá Thọ, Khúc Duy), kẻ viết thơ "dơ" (Đỗ Kh., Bùi Chát) đứng xen các vị làm thơ sang trọng (Mai Văn Phấn, Phan Nhiên Hạo), người bị dị nghị này nọ nằm sát sườn anh đang làm việc nghiêm túc trong cơ quan nhà nước, có người tài năng gần như đã lộ trọn vẹn (Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng) trong lúc cả lớp trẻ tiềm năng hứa hẹn một bứt phá quyết liệt. Chính họ (cùng các thi tài chưa hoặc đã xuất hiện nhưng tôi chưa có cơ hội tiếp cận) sẽ vẽ nên khuôn mặt thi ca Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Khi nào chư vị bình tâm tìm đọc kĩ các nhà thơ tôi vừa dẫn ra, các vị mới có thể nhận định họ đã hay chưa "định hình", thơ Việt cận kề hay còn xa "cuộc cách mạng mới". Chỉ khi ấy thôi các vị mới hi vọng mức độ nào đó, tiếng nói của mình có thể đi tới người nghe được.

Một danh sách chủ quan. Nhưng tôi tin rằng mình sẽ không phải nhầm lẫn đến 95% như anh Hoàng Hưng đã.

Một phản ứng chủ quan, vài nhận định thẳng và chủ quan thế, nếu có gì sai, thiếu khuyết mời quý vị, các bạn thơ xa gần góp ý thẳng!

Núi Xám, 22.03.2004

© 2004 talawas




[1] Nguyên Ngọc, Văn học, nội lực, trong-ngoài, và… Hợp lưu số 73, tháng 10&11.2003
[2] Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ xuất bản, Hoa Kì, 1999, tr. 296-299.
[3] Thơ Việt Nam cận kề một cuộc cách mạng mới, Văn nghệ, số 08.2004
[4] Chữ của Nguyễn Hoà, Văn học 2003 - Một năm nhìn lại, VietNamNet, 06.01.2004