© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
9.5.2005
Lê Xuân Khoa
Chúng ta cần phải ngưng kể tội lẫn nhau
(Trao đổi thêm với ông Nguyễn Hòa)
 
1.

Ðọc bài của ông Nguyễn Hòa ngày 2 tháng 5 vừa qua, tôi rất mừng thấy ông đã gửi bài đến talawas là diễn đàn rất thuận tiện cho sự tự do thảo luận hai chiều. Tuy ông đã có dự cảm là giữa ông và tôi “có sự khác nhau nhất định khó (không?) có thể đưa tới sự tương đồng, thậm chí còn đẩy tới xu hướng ‘kể tội’ lẫn nhau”, tôi vẫn mong muốn cuộc trao đổi có thể đưa tới sự đồng thuận thay vì gia tăng quan điểm đối nghịch. Trước hết, tôi sẽ thử làm sáng tỏ hai yếu tố của một “cái gì đó” mà ông Nguyễn Hòa đã “mơ hồ cảm thấy” trong phương cách nhận định các sự kiện lịch sử của tôi. Sau đó, tôi sẽ trao đổi với ông về một số luận điểm trong bài “Gọi tên cuộc chiến” của tôi.

Yếu tố đầu tiên của “cái gì đó” mà ông Nguyễn Hòa nhận thấy là tôi đã “nghiên cứu quá khứ trong ‘nỗi ám ảnh’ của các vấn đề hiện tại”. Ông Hòa đã nêu lên hai viện dẫn của tôi về trường hợp những nhà ái quốc không cộng sản như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, và sự kiện nhà nước cộng sản đang từ bỏ nền kinh tế tập trung để quay trở lại nền kinh tế thị trường để đặt câu hỏi là “hai nội dung trên có liên quan gì tới mục đích nghiên cứu là ‘gọi tên cuộc chiến’ và ‘phục hồi sự thật’?”

Sự liên quan này rất hiển nhiên vì mục đích thật sự của tôi là kêu gọi “chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại… nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để có thể cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương Bắc.” Công việc “phục hồi sự thật” và “gọi tên cuộc chiến” là những phương cách để dẫn đến mục đích ấy. Vì làm sao có thể hòa giải nếu không nhìn thẳng vào sự thật lịch sử và những sai lầm đã qua để rút kinh nghiệm cho tương lai? Làm sao có thể hòa hợp nếu không vượt lên khỏi não trạng của thời chiến, nhất là cứ duy trì não trạng ấy làm cơ sở quyết định cho các vấn đề hiện tại? Cần phân biệt việc nghiên cứu bài học quá khứ vì lợi ích của các vấn đề hiện tại với việc sử dụng nếp tư duy của một giai đoạn quá khứ nhất định vào việc giải quyết các vấn đề hiện tại. Nói cách khác, nghiên cứu quá khứ trong nỗi ám ảnh của (sự quan tâm đến) hiện tại là đúng và cần thiết, còn quyết định cho hiện tại bằng nỗi ám ảnh của quá khứ là sai và có hại.

Yếu tố thứ nhì được ông Nguyễn Hòa nêu lên là việc tôi “lấy thâm niên làm việc ở thời quá khứ ra ‘bảo lãnh’ cho hoạt động nghiên cứu ở thời hiện tại” và ông phê phán “đây là một lối quan niệm hết sức tối kỵ trong khoa học.” Thật ra, lấy thâm niên làm việc để bảo lãnh cho công việc hiện tại không phải là điều “hết sức tối kỵ trong khoa học” mà là điều cần thiết để chứng tỏ khả năng chuyên môn của người trong cuộc (cũng như các ứng viên xin làm việc chuyên môn đều phải liệt kê kinh nghiệm trong bản tiểu sử của họ.) Ðiều này chỉ trở nên “tối kỵ”, đúng như ông Hòa nói, “nếu người nghiên cứu lấy ‘cái’ chủ quan của mình để luận chứng cho ‘cái’ khách quan của sự vật-hiện tượng”. Một lần nữa, lại cần phân biệt phương pháp nghiên cứu khoa học khách quan với nhận định chủ quan sai lầm là khả năng luôn luôn có thể xảy ra đối với bất cứ nhà nghiên cứu nào. Tôi phải nói đến thâm niên làm việc nghiên cứu và giảng dạy ở đại học là để chứng minh tôi là người làm việc có phương pháp, lại nói đến việc điều hành và hợp tác với nhiều chương trình nhân đạo ở Việt Nam là để chứng tỏ tôi là người có thiện chí, do đó nếu có chủ quan trong việc phân tích và nhận định sự kiện lịch sử thì đây không phải là chủ quan của một người thù địch. Trong “Lời nói đầu” của cuốn sách Việt Nam 1945-1995 mà ông Nguyễn Hòa đã đọc, tôi đã biểu lộ sự thận trọng khi viết: “Thực tình mà nói, khó có thể thấy một thái độ tuyệt đối khách quan ở một người vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc”, và xác nhận là tôi chỉ có thể “cố gắng nghiên cứu khoa học và khách quan đến tối đa”.


2.

Ông Nguyễn Hòa trách tôi đã "lầm tưởng" ý kiến của ông là của tôi khi tôi viết rằng ông nhìn nhận tôi có thiện ý "nhắc lại quá khứ không phải nhằm khơi dậy lòng thù hận" mà để "rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai." Sở dĩ tôi trích dẫn lời nói của ông là vì tôi thấy ông đã tán thành điều tôi viết trong đoạn kết bài "Gọi tên cho cuộc chiến" với lời lẽ tương tự: "phục hồi sự thật lịch sử không phải để khơi lại lòng thù hận mà để cùng nhau rút ra những bài học quá khứ để làm tốt cho tương lai." Tôi mừng là đã có sự đồng tình này.
 
Về lòng yêu nước, một trong những điểm quan trọng trong cuộc trao đổi này, ông Nguyễn Hoà đưa ra sự phân biệt giữa những người “yêu nước đích thực” như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học với những người “yêu nước giả hiệu, cơ hội” như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu (xin lưu ý: tôi không bao giờ đặt Nguyễn Văn Thiệu ngang hàng với Ngô Ðình Diệm, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tường Tam…). Ông nêu lên câu hỏi với các lãnh tụ không cộng sản là “tại sao lòng ‘yêu nước’ và ‘chính nghĩa quốc gia’ của các ông lại không thu hút được số đông dân chúng?” Rồi ông gợi ý rằng “câu hỏi có vẻ ‘ngớ ngẩn’ đó có thể giúp cho GS Lê Xuân Khoa tự hỏi: tại sao phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản đã trở thành một phong trào xã hội rộng rãi và mạnh mẽ đủ sức đánh bại những thế lực ngoại xâm có sức mạnh vượt trội?”

Trong bài “Gọi tên cuộc chiến” tôi đã trình bày rõ về lòng yêu nước của người thuộc các đảng phái quốc gia và những lý do đã khiến cho họ phải thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực với Đảng Cộng sản, và ở nhiều chỗ trong cuốn sách dẫn trên tôi cũng đã đề cập nội dung này đầy đủ hơn. Tôi không muốn tranh luận thêm về điểm này ở đây vì hai lý do: (1) ông Hòa đã “củng cố” ý nghĩ là “có sự khác nhau nhất định” khó có thể đi tới đồng thuận, “thậm chí còn đẩy tới xu hướng ‘kể tội’ lẫn nhau”; (2) tôi không muốn làm cho cuộc trao đổi thêm căng thẳng nếu phải kể ra những thủ đoạn rất machiaviélique mà Ðảng Cộng sản đã sử dụng trong sách lược “cứu cánh biện minh cho phương tiện” để giành lấy chính quyền và lãnh đạo quần chúng.

Cũng vì hai lý do trên, từ đây tôi sẽ chú trọng vào việc giải thích cho rõ hơn những điểm cần thiết trong cuộc trao đổi này và cố tránh bị đẩy vào cái thế phải “kể tội” đối tượng để bảo vệ luận điểm của mình.

Ông Nguyễn Hòa kể lại chuyện thân phụ ông đã chứng kiến những hành động “kinh khủng lắm” của Quốc Dân đảng ở vùng Vĩnh Yên, Việt Trì, Yên Bái năm 1945, khi theo quân đội Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng đồng minh. Ông nhắc đến chuyện này để chứng minh luận điểm của ông là Quốc Dân đảng chỉ là bọn người “dựa dẫm vào uy thế ‘Hoa quân nhập Việt’ để làm rối ren tình hình đất nước.” Vấn đề này cần được đặt vào toàn cảnh của cuộc tranh chấp quốc-cộng 1945-1946 để có thể thấy rằng cả hai bên Quốc Dân đảng và cộng sản (lúc đó là Việt Minh) đều đã hành động kinh khủng đối với nhau nhưng rốt cuộc thì đến mùa Thu năm 1946, phe Quốc Dân đảng đã bị tiêu diệt gần hết. Nói đến chứng nhân về tội ác của một bên thì sẽ không thiếu gì người đã chứng kiến những cuộc tàn sát tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân. Chúng ta cần phải ngưng kể tội lẫn nhau nhưng không nên trốn tránh quá khứ. Nhắc đến sai lầm trong quá khứ không phải là để nuôi dưỡng hận thù mà chính là để cùng nhau rút ra những bài học có lợi ích cho tương lai.


3.

Ông Nguyễn Hòa mượn lời của một nhân vật người Mỹ “ví chính quyền Sài Gòn như một ‘bộ áo giáp’ trong viện bảo tàng, chỉ cần động vào là đổ” để phản bác điều tôi nói về cấu trúc tam quyền phân lập của Việt Nam Cộng Hòa và những quyền tự do căn bản mà người dân miền Nam được hưởng ở mức độ đáng kể, dù trong thời chiến và lãnh đạo lạm quyền. Tôi tin rằng đa số dân chúng trong nước và các quan sát viên ngoại quốc, kể cả người Mỹ được ông Hòa viện dẫn, đều sẽ đồng ý với tôi khi so sánh mức độ tự do dân chủ giữa miền Nam trước 1975 và toàn thể Việt Nam ngày nay. Tôi cũng đã bỏ ra nhiều trang sách để chỉ trích chế độ “độc tài gia đình trị” thời Ngô Ðình Diệm và “độc tài quân phiệt” dưới nền Đệ nhị Cộng hòa ở miền Nam. Ngoài ra, trong những bài tham luận về Việt Nam hiện nay, tôi luôn luôn giữ quan điểm ôn hòa, nhìn nhận thực tế phức tạp và khó khăn ở Việt Nam và đề nghị những bước đổi mới thích hợp.

Ông Hòa chê nhận xét của tôi về cuộc chiến 1945-1975 – “cuộc chiến mà mọi phe đều thua” – là do sự gợi ý từ nhận xét của Stanley Karnow – “cuộc chiến không ai thắng” – và ông cảm thấy “áy náy, vì hóa ra là tôi trao đổi với Stanley Karnow chứ không phải với GS Lê Xuân Khoa.” Tôi nhắc đến chuyện gợi ý này là để cho thấy tôi đã đi tới một ý khác với ý của Stanley Karnow. Ông Hòa không trao đổi với ý của tôi nhưng cũng không có nhận xét gì về ý kiến của Stanley Karnow là đúng hay sai.

Ông Hòa bác bỏ nhận xét của tôi là người dân Việt Nam chưa khi nào có cơ hội lựa chọn giữa Đảng Cộng sản và các đảng phái khác để có thể xác nhận điều ông Hòa nói là “sự lựa chọn duy nhất đúng chỉ có được với sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Ông cho rằng tôi đã “ngây thơ” khi nghiên cứu trường hợp này vì “không quan tâm tới một vấn đề vẫn được coi là sách lược sáng tạo, linh hoạt đối với từng giai đoạn lịch sử của những người cộng sản Việt Nam trong khi lãnh đạo dân tộc tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… Vẫn lý tưởng ấy và những con người ấy… Như vậy phải chăng không phải là sự lựa chọn duy nhất đúng?”

Tôi không hề phủ nhận tính chất liên tục cũng như vai trò và sách lược “linh hoạt” của Ðảng Cộng sản qua hai cuộc chiến từ 1945 đến 1975. Thực ra tôi cũng đã viết rằng những danh xưng Việt Minh hay Ðảng Lao động chỉ là hình thức bên ngoài của cùng một thực thể là Ðảng Cộng sản, hoặc nói như ông Nguyễn Hòa thì đó là những “hiện tượng” của cùng một “bản chất”. Tôi không thấy ông Nguyễn Hòa bác bỏ luận điểm của tôi là “hầu hết những người đi theo Việt Minh đều do lòng yêu nước chứ không phải vì ý thức hệ Mác-xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh được đa số biết đến và tin tưởng dưới hình ảnh của một nhà cách mạng vì dân tộc chứ không phải với tư cách một lãnh tụ cộng sản.” Như vậy, sự “lựa chọn duy nhất đúng” nói trên chỉ áp dụng vào trường hợp của những người cộng sản, trong khi dân chúng, không phải tôi, đã chỉ “dựa trên hiện tượng… chứ không từ hiện tượng đi tìm bản chất” để suy nghĩ và tin theo.

Ông Nguyễn Hoà lại nêu ra hai thí dụ để chứng tỏ là tôi đánh giá sự kiện theo luận điểm chủ quan của tôi:

a. Tôi nhận định rằng Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam là một thực thể độc lập đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc, và đưa ra giả định là “nếu chính sách của Mỹ không phạm phải sai lầm, nếu đường lối cai trị của Ngô Ðình Diệm không trở thành độc đoán, thì VNCH đã có triển vọng trở thành giàu mạnh không thua kém gì Ðại Hàn ngày nay.” Ông Hòa cho rằng tôi có ý “tán thưởng sự ‘hoàn toàn độc lập’ của miền Nam,” tức là muốn chia cắt đất nước mãi mãi.

Ai cũng hiểu rằng sở dĩ có hai thực thể độc lập ở hai miền Nam, Bắc chính là vì sự đối lập về lý tưởng chính trị: quốc gia và cộng sản. Nếu lãnh đạo miền Bắc muốn thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản thì lãnh đạo miền Nam lại muốn thống nhất dưới chế độ dân chủ tư sản. Và nếu miền Nam đã có may mắn trở thành giàu mạnh như Ðại Hàn từ thời Ngô Ðình Diệm thì triển vọng thống nhất đất nước sẽ ra sao? Tôi không có câu trả lời nhưng tôi không khỏi liên tưởng đến trường hợp nước Ðức thống nhất 15 năm sau Việt Nam. Chỉ trong 5 năm đầu tiên, tổng số chi viện từ Tây Ðức để phục hồi Ðông Ðức đã lên đến trên một nghìn tỉ Mỹ kim.

b. Khi giải thích về “chiến tranh ủy nhiệm”, tôi có nói đến việc hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh Lạnh. Tôi cũng nói đến những áp lực của các cường quốc viện trợ đối với mỗi bên Việt Nam để thực hiện lợi ích quốc gia của họ chứ không vì tình nghĩa đồng minh. Nhiều người khác, kể cả nhiều nhân vật lãnh đạo ở Việt Nam, cũng đã nhận định như vậy. Tôi không hiểu tại sao ông Nguyễn Hòa lại chỉ trích tôi là “cùng một vấn đề lại được xử lý, đánh giá khác nhau chỉ vì nó phụ thuộc vào luận điểm của người nghiên cứu”, do đó không có “thao tác nghiên cứu khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật”. Tôi không được ông cho thấy “thao tác nghiên cứu” của ông về vấn đề này như thế nào.

Trong phần cuối, ông Nguyễn Hòa than phiền là khi đánh giá luận điểm của tôi, ông không đặt tâm trạng của tôi trong quan hệ với “tâm trạng của người thua trận”, vậy tại sao tôi lại coi ông “bảo vệ thái độ tự tôn của kẻ thắng trận và chủ trương chỉ có người cộng sản là yêu nước.”

Tôi cám ơn ông Hòa đã không đặt tôi vào tâm trạng của ngưới thua trận. Thật ra, về mặt cá nhân, tôi là một người may mắn và có thể gọi là thành công trong số người tị nạn từ 1975. Mặc dù vậy, tôi vẫn mang một phần tâm trạng của người thua trận, không phải chỉ chia sẻ nỗi thất bại chung của quân dân miền Nam mà còn chia sẻ nhiều nỗi đau chung của dân tộc, từ những trại tù cải tạo, thảm trạng thuyền nhân, đến chiến tranh Cam-pu-chia và chiến tranh biên giới Việt-Trung. Tôi đã quan sát và suy nghĩ nhiều về những mất mát quá to lớn của dân tộc trong thời chiến, những hậu quả lâu dài của chiến tranh như chất độc da cam, những chính sách đối nội và đối ngoại sai lầm của nhà nước, tình hình kinh tế suy thoái và cô lập của đất nước cho đến giữa thập kỷ 1990 khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành hội viên của ASEAN. Những suy nghĩ đó đã khiến tôi nhận định rằng cuộc chiến 1955-1975, với sự hỗ trợ của ngoại bang, là cuộc chiến mà toàn thể dân tộc Việt Nam đều thua, kể cả phe chiến thắng, cho tới 20 năm sau cuộc chiến. Nói như thế, tôi không hề có ý xúc phạm danh dự của quân đội, cán bộ và nhân dân miền Bắc đã bền gan chiến đấu, hi sinh và chịu đựng gian khổ phi thường trong suốt mấy chục năm. Tôi còn không quên nghĩ đến 300.000 binh sĩ chưa tìm được xác và trên một triệu cựu chiến binh và thương binh không được đền bù xứng đáng sau khi thắng trận. Cái giá của chiến thắng thật quá đắt, đáng lẽ không cần phải trả cao đến như vậy.

Trở lại điều thắc mắc của ông Hòa, tôi quả thật tin rằng ông muốn “bảo vệ thái độ tự tôn của kẻ thắng trận và chủ trương chỉ có người cộng sản là yêu nước”. Lý do là vì trong bài đăng trên báo Nhân Dân, ông đã bác bỏ ý kiến của tôi là không phải chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước và nhấn mạnh vào sự phân biệt “giữa lòng yêu nước chân chính của nhân dân ta với những kẻ đã bán rẻ đất nước, phục vụ quyền lợi và mưu đồ của ngoại bang.” Nhưng như ở mục 2 đã nói, tôi không muốn tranh luận thêm về vấn đề này vì không muốn làm cho cuộc trao đổi thêm căng thẳng, trái với mục tiêu mong muốn là tạo sự đồng thuận hay ít nhất cũng hiểu biết nhau hơn.

Trước khi kết thúc, ông Nguyễn Hòa đã nhắc đến sự cần thiết phải xóa bỏ hận thù, “lấy ân báo oán” như lời Phật dạy. Ông e ngại tôi “đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thiên kiến của một vài người đi trước.” (?) Tôi cực lực đính chính điều này vì không có ai ảnh hưởng tôi về nuôi dưỡng hận thù. Trái lại, tôi đã nhận thấy nhu cầu hòa giải ngay từ những ngày còn làm công việc giúp đỡ người tị nạn, đặc biệt trong những năm vận động chính phủ Mỹ và quốc tế chấp thuận những giải pháp công bằng và nhân đạo cho số đồng bào còn tồn đọng ở các trại hay đã bắt buộc phải hồi hương. Từ đó tôi không chỉ viết mà còn có những nỗ lực vận động cả cộng đồng hải ngoại lẫn chính quyền trong nước. Làm công việc này tôi thường phải ở giữa hai lằn đạn, một bên là những lãnh tụ chống cộng cực đoan của cộng đồng, một bên là những nhà lãnh đạo bảo thủ ở trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tôi rất mừng nhận thấy mình đã qua được nhiều thử thách và những ngộ nhận từ cả hai phía đã giảm đi nhiều.

Ông Nguyễn Hòa không cần phải nhắc nhở tôi rằng “đất nước mình còn nghèo… và còn nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết”. Tôi biết rất rõ điều này vì đã trực tiếp điều hành chương trình trợ giúp nhân đạo và hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động ở các vùng quê Việt Nam từ trên mười năm nay. Tôi đã có những kinh nghiệm sống về “tình người với sự chân thành và lòng đôn hậu” của người dân Việt Nam bình thường. Vì có những cơ hội sinh sống và tham quan ở nhiều nước, tôi đã có nhận xét chung là ở nước nào thì dân chúng cũng đều là dân chúng; không có một dân chúng xấu mà chỉ có người lãnh đạo là có thể xấu hoặc tồi. Do đó, trong trường hợp Việt Nam, vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc không cần đặt ra giữa cộng đồng hải ngoại và nhân dân trong nước mà chỉ cần đặt ra giữa cộng đồng hải ngoại và chính quyền trong nước.

Ông Hoà còn nhấn mạnh rằng “đất nước mình đã khác xưa, khác nhiều lắm so với ngày tôi từ chiến trường trở về” để tạo ấn tượng lạc quan về nước Việt Nam ngày nay, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản. Quả thật, nhờ chính sách đổi mới từ 1986, dân chúng ngày nay không còn phải ăn bo bo và xếp hàng cả ngày như những năm sau chiến thắng, tư bản ngoại quốc đã vào đầu tư khá nhiều và số lượng xuất cảng đã gia tăng đáng kể. Nhưng đây là đổi mới từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, và những bước rụt rè lúc ban đầu chỉ thật sự tiến hành với kết quả đáng kể sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Ðông Âu vào cuối thập kỷ 1980 và của Liên Xô năm 1991. Như vậy, kết quả “khác xưa nhiều lắm” của Việt Nam ngày nay không phải là do chủ nghĩa cộng sản đem lại mà chính là nhờ những bước từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để hội nhập vào thế giới không cộng sản. Nhưng vì giới lãnh đạo còn cố gắng duy trì chế độ độc tài toàn trị, đất nước sau gần 20 năm đổi mới vẫn còn là một trong những nước nghèo và thiếu tự do nhất trên thế giới. So với những nước trong khu vực, lợi tức tính trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/40 của Singapore, 1/20 của Ðại Hàn, 1/8 của Mã Lai và 1/5 của Thái Lan.

Tình trạng phát triển trì trệ của Việt Nam đã kéo dài quá lâu, đòi hỏi những bước đổi mới mạnh dạn không chỉ để bắt kịp mức độ phát triển của những con rồng nhỏ Á châu mà còn để có được tư thế và khả năng thương thuyết hay hợp tác với các nước về những vấn đề chính trị, an ninh và quân sự. Muốn vậy, cần phải vượt lên khỏi ít nhất là hai trở ngại chính đang kìm hãm những bước đổi mới ở trong nước và công cuộc hòa giải với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Trong dịp kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu rất xác đáng về hai trở ngại này.

Về trở ngại cho nhu cầu tiếp tục đổi mới, ông nói: “Phải tiếp tục đổi mới nữa và tránh xa tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích… Thế giới đã đi rất xa, chúng ta phải nhanh chân chứ đừng tự ru ngủ mình để rồi còn bị bỏ xa hơn nữa.”

Về trở ngại cho nhu cầu hòa giải với những người yêu nước không cộng sản, ông khuyến cáo: “Ðã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay bên ngoài.”

Tôi mượn lời ông Võ Văn Kiệt để kết thúc cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hòa. Có lẽ cuộc trao đổi này cũng đã nên chấm dứt.

05.05.2005

© 2005 talawas