© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
13.5.2005
Hà Minh
Hiệu ứng domino ngược
 
War does not determine who is right, only who is left
Bertrand Russell


Cuộc trao đổi giữa Lê Xuân KhoaNguyễn Hòa về vấn đề “gọi tên một cuộc chiến” thực ra đã phát triển lên thành tranh luận về những vấn đế hết sức căn bản, quan trọng trong tiến trình nhìn nhận lại quá khứ và chiến lược cho tương lai của nước Việt Nam với các yếu tố trong và ngoài nước. Tác giả Nguyên Trường đã đóng góp thêm những nhận định khá chính xác, có sức thuyết phục về những vấn đề đang được bàn cãi, đó là: 1) Thế nào là lòng yêu nước, 2) Sự lựa chọn, 3) Cách gọi tên cuộc chiến Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Dĩ nhiên cả Lê Xuân Khoa và Nguyễn Hòa đều đưa ra những luận điểm nhằm bảo vệ hai mặt của vấn đề: một bên cho rằng cuộc chiến là thắng lợi vĩ đại của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một bên cho rằng thắng lợi đó đã phải trả giá quá đắt và nếu như không có nó, có lẽ số phận của nước Việt Nam đã bẻ ngoặt sang một đường hướng mới.

Tôi không có ý định phân tích thêm hoặc tham gia vào cuộc tranh luận với những chủ đề kể trên, các tác giả đã viện dẫn khá đầy đủ chứng lý. Tuy nhiên từ góc độ người đọc, tôi có một số nhận xét tổng quát như sau:


1.

Lần đầu tiên, đã có sự đối thoại giữa hai cá nhân đứng từ hai hệ quy chiếu khác nhau (có thể gọi là đối lập) cùng nhìn về một vấn đề. Đây sẽ là một tiền lệ cực tốt: hy vọng hai chiều hướng tư duy sẽ tìm ra một tiệm cận chung như hai nhánh của đường cong hyperbolic bậc hai. Trước đây khi cũng nhìn về hiện tượng này hai phe thuờng lẩn tránh đối thoại, hoặc mỗi khi đối thoại, càng đi lại càng xa nhau mãi.


2.

Xu hướng thông tin toàn cầu đã phần nào làm chất dung môi để hai phía có thể tiếp cận, tìm hiểu về nhau, nhận thức lại bản thân, đổi mới để tồn tại. Chẳng hạn, phe thắng trận, rất nên nhìn nhận lại lịch sử một cách khách quan hơn, nếu cần thiết hãy rút ra những bài học bổ ích từ lịch sử và chủ động tạo cơ hội trước, tiến tới hòa giải và hòa hợp. Ngược lại phe thua trận, cũng cần bớt hận thù, gác lại quá khứ bi thương, có thái độ hướng tới hòa giải và hòa hợp.


3.

Những điều tôi vừa đặt ra sẽ rất khó có khả năng xảy ra vì mấy lý do sau đây:

  1. Mâu thuẫn đối kháng giữa quyền lợi cá nhân (hay tập thể nhỏ) và quyền lợi chung của cả dân tộc: Phe cầm quyền (thắng trận) đang đứng trước một tình trạng tiến thoái lưỡng nan (dilemma). Dilemma đó rất giản dị: muốn tồn tại và phát triển thì phải đổi mới, khi đổi mới tất nhiên sẽ phải nới rộng dân chủ, đương nhiên quyền lợi độc tôn sẽ theo đó mà thu hẹp. Ngược lại: nếu tiếp tục duy trì vị trí độc tôn, ngại đổi mới, sự phát triển trung của đất nước theo đó sẽ chậm và mất cân đối, tuy nhiên quyền lực và quyền lợi được duy trì và thậm chí lại còn “liên tục phát triển”. Tại sao Đảng Cộng sản lại phải từ bỏ độc quyền lãnh đạo đất nước, thành quả cách mạng do chính họ giành được (dĩ nhiên là có vai trò của nhân dân). Đây quả là một bài toán tối ưu cực kỳ hóc búa mà từ trước đến nay chưa có lời giải cũng như chưa có cá nhân nào đề xuất phương hướng giải quyết thấu đáo.

  2. Những người thuộc phe cầm quyền đương nhiên nhìn ra “vấn đề”, nhưng buộc phải lý luận loanh quanh theo cách đó, một mặt muốn chứng minh với bàn dân thiên hạ rằng ta đổi mới thực sự: ta đã cho đối thoại, tự do báo chí, v.v., mặt khác lại muốn công cuộc đổi mới diễn ra từ từ, theo sự tiết chế một cách chủ quan của họ để đảm bảo quyền lực và quyền lợi không bị xâm phạm.

  3. Phe cầm quyền sẽ vin vào yếu tố ổn định chính trị để phát triển kinh tế, chống diễn biến hòa bình và chống các thế lực phản động để tiếp tục thắt chặt sự kiểm soát báo chí, tự do ý kiến. Ngược lại phe chống cộng ở hải ngoại, vì thiếu kiên trì, không nhìn thấy sự thực tâm muốn hòa giải của phe đương quyền nên tiếp tục chống phá mạnh mẽ hơn. Và vòng xoáy đối nghịch lại tiếp tục vận hành như cũ.


4.

Những yếu tố khác ảnh hưởng đến tiến trình đổi mới, hòa hợp hòa giải:

  1. Một số cấp lãnh đạo, chuyên viên cao cấp đã về hưu như ông Võ Văn Kiệt, TS Lê Đăng Doanh, đã nhìn thấy nguy cơ tụt hậu và suy thoái, nên đã lên tiếng cảnh báo để giới lãnh đạo đương quyền điều chỉnh lại chính sách.

  2. Một số cựu tướng tá chính quyền Sài Gòn đã về nước và được đón tiếp long trọng. Một số văn nghệ sĩ hải ngoại đã về nước định cư và hoạt động văn nghệ. Đây là nét mới đáng hoan nghênh trong tiến trình hàn gắn vết thương chiến tranh.

  3. Một số cựu chiến binh, lão thành cách mạng cũng lên tiếng đòi giải quyết những vụ việc tồn đọng trong nội bộ Đảng. Giới lãnh đạo đương quyền cũng lại đang đứng trước một tình thế khó xử tương tự.

  4. Do yếu kém về quản lý vĩ mô cho nên những kết quả phát triển kinh tế ngày hôm nay có thể sẽ phải trả giá đắt trong tương lai như sự hủy hoại môi trường, vấn đề dân số, đạo đức xã hội, phong cách làm ăn chụp giựt, v.v. Tiến sỹ Joseph Stiglitz (Nobel kinh tế) đã cảnh báo về một nguy cơ phá sản hoàn toàn về môi trường: Có thể nói Việt Nam đang tiến vào giai đoạn phát triển mà những tác động đối với môi trường ngày càng tăng... Điều đó tạo ra một áp lực rất lớn đối với môi trường, nếu không có những biện pháp ngay từ bây giờ thì hậu quả của nó sẽ khôn lường, và Việt Nam không thể đạt được sự phát triển bền vững. Do vậy, điều quan trọng là trong những chính sách kinh tế của mình, Việt Nam cần tính đến yếu tố bền vững môi trường. [1]


5.

Hiệu quả dây chuyền domino là điều làm Mỹ lo sợ thời chiến tranh Việt Nam: Thực tế đã diễn ra theo xu hướng ngược lại: kể từ khi chủ nghĩa cộng sản cáo chung tại Liên Xô cũ, hàng loạt các quốc gia cựu cộng sản theo nhau mà sụp đổ như chuỗi cờ domino. Ở Việt Nam: nếu như trong nhận thức của các nhân vật chủ chốt cũng đã có thay đổi: ta hãy tưởng tượng rằng nếu quân đầu tiên đổ, sẽ kéo theo sự ra đi của cả một cơ chế tư duy cũ mà người dân mong mỏi và cần thiết cho sự hưng thịnh của Việt Nam.

© 2005 talawas


[1]Trích bài nói của TS J. Stiglitz (http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2004/11/3B9D8F5D/)