© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
16.5.2005
Lê Anh Dũng
Vượt qua, vượt qua bờ kia
 


(Nỗi mừng vui khi bắt đầu có đối thoại hai chiều ôn hòa về cuộc chiến vừa qua)

Lúc Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, tôi còn là một thiếu niên. Tôi rời Việt Nam năm 1981 bằng thuyền. Sau đó có dịp học tập và làm việc tại Pháp, Ả Rập, Mỹ, đôi khi làm việc với 12 quốc tịch khác nhau trong cùng một nhóm, đôi khi công việc làm có đối tượng là 57 quốc gia ở cả 5 châu lục. Tôi cũng có dịp được thăm viếng trên 30 quốc gia ở 4 lục địa, trừ Úc Châu. Tôi xin phép kể rành rọt chỉ để nói cho có cơ sở. Chuyện thấy nhiều cái khác nhau, giao tiếp với nhiều sắc dân khác nhau, cũng tương đối hóa nhiều chuyện, vì đúng ở đây có thể là sai ở chỗ khác. Và những cái gọi là chân lý nhiều khi chỉ là phấn son, ngôn từ, qui ước, những nhồi sọ được nhập tâm. Còn kể về công việc làm với nhiều người ngoại quốc, để nêu lên là do làm việc chung dài ngày, đối diện với những căng thẳng, đụng chạm thường nhật, rồi có dịp thắc mắc, hỏi han trao đổi, nên nhận xét của tôi có phần khác nhận xét của một khách du lịch cỡi ngựa xem hoa.

Ði thăm các quốc gia từ Thái Lan qua Ấn Ðộ, qua bán đảo Ả Rập, lên những quốc gia Bắc Phi như Algeria, Marocco, rồi vòng qua những quốc gia lân cận Pháp ở châu Âu, rồi lên những nước Bắc Âu như Na Uy, Ðan Mạch, Thụy Ðiển... điều làm tôi ngạc nhiên, cảm động là Việt Nam Cộng Hòa, nơi tôi đã sinh ra và lớn khôn, thật không tệ lắm so với những nước tôi đã thăm. Chiến tranh thảm khốc, dân quê chạy loạn tan tác ra tỉnh, cả xã hội bị đảo điên, đạo đức suy đồi, người chết, nhà tan, cửa nát... nhưng phải nói Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian hiện hữu ngắn ngủi chỉ có 20 năm, so với tất cả tai ương phải gánh chịu, đã là một xã hội có nền móng khá tốt đẹp. Việt Nam Cộng Hòa có một hiến pháp đàng hoàng, do cấu trúc chính trị dựa trên tam quyền phân lập, báo chí có một tự do tương đối, một xã hội dân sự hiện diện với sự hoạt động độc lập của các tôn giáo, hội đoàn, hiệp hội. Văn sĩ viết văn, thi sĩ làm thơ theo ý mình. Nhạc sĩ công khai phản chiến như Trịnh Công Sơn được yêu thích công khai, bài hát của anh lưu hành tự do, một đồn vắng cũng vang lên lời ca của anh, một anh lính rằn ri, trông thật ngầu cũng huýt sáo nhạc Trịnh Công Sơn trên môi. Những văn, nghệ sĩ thân cộng như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Miên Ðức Thắng... được chính quyền đối xử khoan dung. Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Ngô Bá Thành... chống đối chính quyền tối đa. Tự do tư tưởng có bị hạn chế nhưng ngẫm lại thật quá quá ít... Chính do nền tảng khá lành mạnh đó, nên bên cạnh một số lãnh đạo bất xứng, những tệ đoan, thì những người đàng hoàng, tư cách có thể nói lên những điều mình suy nghĩ và tin tưởng. Những chỉ trích dõng dạc về những bê bối của chính quyền được phát biểu công khai, việc phản đối sự can thiệp của người Mỹ cũng được cất lên, vang tới tai quần chúng dù tài nguyên đất nước không khai thác được do chiến tranh, và cả miền Nam sống nhờ viện trợ Mỹ.

Miền Nam trước 1975 ngoài nền tảng căn bản khá đàng hoàng, tốt đẹp nêu trên, đã đứng được là nhờ máu xương của những người lính, những hạ sĩ quan, sĩ quan từ cấp úy tới cấp tướng. Quân đội Cộng Hòa không phải là câu lạc bộ của những ông thánh, nó được cấu thành bởi những con người bình thường nên có người tốt, kẻ xấu, có những chuyện chèn ép bất công, thối nát, những tệ nạn như bất kỳ một tập thể lớn nào, nhất là trong thời chiến, với người lính, sống chết là cái được thua, và thua một lần là mãi mãi. Trên chiến trường, máu của người nghèo, của người cùng khổ cũng luôn đổ nhiều hơn máu người giàu. Nhưng tôi vô cùng tri ân tất cả những cá nhân đã làm nên tập thể Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tập thể mà nhờ nó, tôi, gia đình tôi và hàng triệu gia đình khác được sống trong một đất nước, mà hàng chục năm sau, khi có dịp thăm trên 30 quốc gia, tôi thấy không tệ. Guồng máy công quyền của nó hiệu quả hơn Ấn Ðộ, nó thoải mái hơn hầu hết các quốc gia Ả Rập, nó đàng hoàng hơn Italy là một nước đang nằm trong nhóm G7, đại biểu quốc hội của nó không đánh nhau thường trực bằng chân tay như ở Ðài Loan, Ðại Hàn bây giờ, tham nhũng hạng gộc của nó ít hơn rất nhiều, có liêm sỉ hơn so với những nước khác, cụ thể là những lân bang như Phi Luật Tân, Indonesia... Thành thật mà nói, tôi không sống ở những vùng xôi đậu, một cổ hai tròng để có một nhận định tương đối hoàn chỉnh từ nhiều góc nhìn.

Sau hiệp định Paris, nhất là sau Watergate, sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn là vấn đề thời gian, khi nước Mỹ từ chính quyền tới quốc hội đều muốn phủi tay, khi quyết tâm chiếm đóng đất nước, bắt mọi người phải theo ý mình của một nhóm lãnh đạo miền Bắc vẫn không lay chuyển, khi viện trợ vô giới hạn của khối cộng sản vẫn tiếp tục được đổ đều vào miền Bắc. Cái thế đó khiến cho lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa phải lấy những quyết định gây thảm họa, sụp đổ dây chuyền.

Sau năm 1975, gia đình chúng tôi được gặp lại cô, chú, bác, dì ruột sau hơn 20 năm xa cách. Tôi cũng có những bạn là bộ đội phục viên trở về trường học.

Rồi: Hàng trăm ngàn người bị tập trung khổ sai cải tạo. Cải tạo công, thương nghiệp. Văn, nghệ sĩ, sư, cha, kéo nhau vào tù. Sinh hoạt tâm linh, tu hành bị hạn chế, cấm đoán. Trong lý lịch ở trường học, gần như mọi học sinh đều tự giác khai là “không tôn giáo”, nếu không kỳ thị thì tại sao lại bắt khai về tôn giáo? Các hoạt động giáo dục, y tế, xã hội, từ thiện cũng bị tước ra khỏi bàn tay của tư nhân, hiệp hội tôn giáo. Có lẽ chỉ có việc săn sóc những người phung cùi là nhà nước không hăng lắm để kéo vào vòng quản lý của mình, ở đó những tu sĩ vẫn được để yên làm việc. Nên việc bố tôi, một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa với cấp độ tàn phế 90%, chân tay, bụng, mắt bị rách bươm, phải đi “cải tạo” 6 năm rưỡi chỉ là một chuyện bình thường so với bao dâu bể đang xảy ra chung quanh.

Thế rồi hàng triệu người đổ ra biển, bất chấp hãm hiếp, bất chấp cái chết, khi đất nước đã qui về một mối, khi không còn gót giày ngoại bang. Sóng người chỉ bắt đầu chấm dứt khi thế giới không thể nào tiếp tục mở cửa đón nhận.

Một buổi sáng cuối tháng 9, nắng nhẹ, tôi đứng bên trong cửa sổ của phòng Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ở điện Potala, Lhasa nhìn ra ngoài. Trời xanh cao trong veo, sự ấm áp hiền hòa, sự hiện diện của Ðạt Lai Lạt Ma vẫn tràn đầy căn phòng mà ông đã sống từ bé thơ, đã rời xa trên 40 năm. Năm xưa, cũng từ khung cửa sổ nhỏ này, chỗ tôi đứng này, cậu bé nghịch ngợm Tenzin Gyatso mơ mộng nhìn ra ngoài, từ bờ thành cao của Hồng Cung, cậu đã nhìn xuống chân đồi, đã chiêm nghiệm về sinh tử, khi thấy dân chúng dẫn những gia súc đi sát sanh (quí vị nhìn hình Potala có 2 phần: Hồng Cung đỏ sậm và Bạch Cung trắng, một dành cho sinh hoạt tôn giáo, tâm linh, một dành cho công việc hành chánh, thế sự, vì Ðạt Lai Lạt Ma ngoài địa vị tôn giáo, còn đứng đầu Tây Tạng). Ðất nước Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm, chùa chiền, tự viện bị tàn phá, tăng sĩ bị giết hại, thiếu niên Ðạt Lai Lạt Ma phải rời đất nước. Rồi từ đó sự tranh đấu ôn hòa bền bỉ, lòng từ bi, trí tuệ là cuộc đời của Tenzin Gyatso, và là tấm gương, là cảm hứng cho triệu, triệu người khắp quả đất. Cái nhìn của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một cái nhìn quán chiếu, toàn diện, trước sau, nhân quả. Quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng, cũng như của loài người, là một chuỗi xâm chiếm và bị xâm chiếm lẫn nhau. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng nhắc, nhớ tới hành động vũ dũng của tổ tiên ông khi uy hiếp Trung Quốc, chiếm đóng Thanh Hải, Tứ Xuyên… Nhà Đường hàng năm phải triều cống “Thổ phiên”, thậm chí năm 735, vì Trung Quốc thiếu phẩm vật, Tây Tạng đem quân bao vây Trường An. Tổ tiên của Ðạt Lai Lạt Ma nếu không ngon lành, không đánh cho Trung Quốc te tua, thì công chúa Văn Thành làm gì phải lên chốn sơn cùng, thủy tận lấy vua Tây Tạng. Cũng chính vị công chúa này đã mang đạo Phật từ Trung Quốc tới với vua Tây Tạng, song song với đường khác từ Ấn Ðộ. Dòng sống miên viễn, có qua, có lại, nhân quả không cùng, từ chiến tranh mà một nàng công chúa phải lấy chồng trên núi thẳm, vạn dặm xa quê hương, để rồi hạt giống từ bi, hiểu biết theo nàng được gieo từ trên xuống dưới ở Tây Tạng. Tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Phật mà công chúa Văn Thành đã đem vào Tây Tạng năm xưa.

Khi các cụ tổ của chúng ta còn là những cụ khỉ, làm gì có phân biệt khỉ Việt Nam, khỉ Trung Quốc, khỉ tư bản, khỉ cộng sản, khỉ Al Qaeda… Mọi sự liên tục thay đổi, biến chuyển. Những giá trị, những biểu tượng dù là thiêng liêng cũng cần phải liên tục nhìn lại. Việt Nam Cộng Hòa là đất nước cho tôi cuộc đời, cho tôi một căn bản vững chãi mà tôi không hề có mặc cảm khi đứng trước bất cứ ai ở bất cứ góc nào của quả đất, chỉ còn là một khoảnh khắc của lịch sử, như muôn vàn khoảnh khắc khác. Tại thời điểm này, công việc của chúng ta là làm sao đưa đất nước ra khỏi nền độc tài toàn trị một cách bình an, trong tinh thần “thương nhau chín bỏ làm mười”. Con người gây đau khổ cho nhau và cũng con người biết nhận lỗi và tha thứ cho nhau. Sẽ không có ai giúp chúng ta cả, chính chúng ta như những ngưòi biết trưởng thành từ những mất mát, đổ vỡ, phải tự bước ra khỏi sự xâu xé, đấu đá, làm khổ nhau, ra khỏi sự chậm tiến hổ nhục. Đây là chuyện thực tế có ảnh hưởng trực tiếp tới chúng ta, con cháu chúng ta trong chính đời này, bây giờ.

Chúng ta nhắc nhở lại chuyện cũ để rút những bài học, để đi tới chứ không phải để là tù nhân của quá khứ. Những nỗi giận dữ, thù hận nhau dù không phải là không chính đáng, nhưng không có quyền làm chủ lấy tâm tưởng, hướng dẫn hành động của chúng ta. Trong mỗi người, phần tích cực luôn luôn tồn tại bên cạnh phần tiêu cực, cuộc đời là tấm gương, cười với nó, nó cười với mình. Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng đất nước tốt đẹp như chúng ta muốn không, khi chúng ta không nói chuyện với nhau được? Mọi chuyện to lớn đều được kết thành bằng nhiều cố gắng nho nhỏ, đều đặn hàng ngày.

Thương nhau chín bỏ làm mười không chỉ là một tình cảm quảng đại, đây là một yêu cầu kỹ thuật. Chuyện không dễ chút nào, tâm hồn, thể xác của nhiều thế hệ Việt Nam còn đầy thương tích. Không dễ nhưng cũng không khó lắm, chúng ta không cần đợi nhà cầm quyền bắt nhịp cho chúng ta, chúng ta không cần đợi ông Võ Văn Kiệt nói lời xác đáng để mà gật gù, phấn khởi, hồ hởi. Chính chúng ta nói lời xác đáng để khai sáng, để dẫn đường, “Lời phải sẽ làm lệch quả đất”, chúng ta xây dựng xã hội dân sự một cách thoải mái, giản dị bằng việc bình thường hoá đối thoại, bằng cách lắng nghe.

Hãy cùng nhau vượt qua, vượt qua bờ kia.

Viết Nov/2004, sửa May/2005

© 2005 talawas