© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
19.5.2005
Hà Văn Thùy
Bài học khó thuộc
 
Trong những bài đọc được vào dịp 30.4.2005, bài viết “Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào” của sư giáo Keith W. Taylor khiến tôi bận lòng hơn cả. Xin mạo muội trao đổi cùng tác giả đôi điều.


1.

Trong bài viết, K.W. Taylor nêu bật 5 quyết định sai lầm của các tổng thống Mỹ Kennedy và Johnson. Từ đó, ông cho rằng chính sự điều hành yếu kém của các tổng thống Mỹ là nguyên nhân dẫn đến thua trận. Thật dễ dàng khi đổ lên đầu các tổng tư lệnh bại trận cái tội điều hành cuộc chiến tồi. Ðiều này chả có gì mới. Từ xa xưa người Việt đã có câu tội quy vu trưởng! Nhưng vấn đề ở đây là liệu cách lý giải như vậy có thuyết phục?

Muốn giải đáp câu hỏi này, phải hiểu tổng thống Hoa Kỳ là ai? Ðấy là những người được chọn trong cuộc bầu cử dân chủ nhất hành tinh. Ðương nhiên họ là nhân vật số một của nước Mỹ, là biểu trưng của nhân cách và trí tuệ Mỹ. Quả vậy, những vị này đã không tồi trong việc dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của họ, nước Mỹ đã đưa người lên Mặt trăng và sáng tạo những thành tựu khoa học lớn. Trong chiến lược toàn cầu, Kennedy và Johnson đã thắng trong vụ khủng hoảng hạt nhân Caribe, tiêu diệt mầm mống xã hội chủ nghĩa ở Indonesia, ở Chile, ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô tại Nicaragua, Afghanistan… Xin giáo sư K. W. Taylor giải thích giùm: Vì sao những người giỏi giang sáng suốt - cố nhiên theo cách nhìn Mỹ - ở nơi khác như vậy bỗng nhiên trở nên tối tăm sai lầm tại Việt Nam? Hẳn giáo sư sẽ nhận ra lập luận của mình bất cập và thấy cần phải tìm nguyên nhân ở chỗ khác, ở cái gì đó sâu xa hơn!

Ngay khi chiến tranh phá hoại bùng nổ thì những nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói với dân chúng: Mỹ chọn lầm đối tượng! Ðấy là cách nhìn sáng suốt, chứng tỏ người cộng sản Việt Nam hiểu Mỹ hơn các tổng thống Mỹ hiểu mình! Về kinh tế, về chiến lược quân sự, Việt Nam không phải mối quan tâm số 1 của Mỹ. Việt Nam không phải là nước Ðức trong chiến lược toàn cầu, cũng không phải là Trung Ðông dầu hỏa sống còn với Mỹ. Ðến Việt Nam, Mỹ chỉ đóng vai kẻ yêng hùng làmnghĩa vụ thiêng liêng” bảo vệ thế giới tự do, ngăn chặn làn sóng đỏ! Tự kỷ ám thị bởi lòng kiêu ngạo Mỹ, Kennedy cùng bộ tham mưu của ông ta nghĩ rằng, với sức mạnh của mình, Mỹ chỉ cần cất ngón tay út lên là có thể bắt đất nước Việt Nam nhỏ bé phải khuất phục! Chính vì sự tưởng bở ấy, ông ta đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để kéo Quốc hội và toàn dân Mỹ vào cuộc. Nhưng Kennedy đã lầm! Do biết chắc rằng hơn ai hết, là kẻ ích kỷ, Mỹ không thể bảo vệ chính quyền tay sai bằng mọi giá nên người Việt Nam chủ trương đánh tan ý chí xâm lược của Mỹ: Ðánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào là chiến lược tuyệt vời đúng đắn! Cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân chính là cú đòn thần diệu làm thối chí Mỹ! Thuận buồn xuôi gió chén chú chén anh, gió quẩn đồng quanh cắn nhau như chó! Câu ca dao cổ xưa của người Việt thể hiện xác đáng biện chứng của sự thất bại. Chính thất bại ở chiến trường, chính dòng thác lũ lính Mỹ trở về trong những quan tài mà mâu thuẫn trong xã hội Mỹ bùng nổ. Báo chí phanh phui sự dối trá của “sự kiện vịnh Bắc Bộ” rồi vụ Mỹ Lai... Lương tri nguời Mỹ thức tỉnh và làn sóng phản chiến nổi lên. Không còn cách nào khác, cay đắng nuốt những lời hứa cuội với đồng minh Sài Gòn, quân Mỹ ôm đầu máu tháo chạy!

Nếu nói đến sai lầm của các tổng thống Mỹ trong chỉ đạo chiến tranh, tôi không hiểu sao K.W. Taylor không nói đến sai lầm lớn này: Tại sao lại dùng chiến tranh leo thang mà không dùng chiến tranh tổng lực: ném bom hủy diệt Hà Nội, cho quân Mỹ và chư hầu chiếm Bắc Việt Nam, diễn lại kịch bản của chiến tranh Triều Tiên trước đó? Tôi tin rằng, với cuộc chiến tranh tổng lực như vậy, giống như người Hungary, người Tiệp, người Việt khó mà kháng cự nổi! Nhưng dù liều lĩnh đến mấy thì các tổng thống Mỹ cũng không dám phiêu lưu đến vậy vì lúc đó phe xã hội chủ nghĩa còn rất mạnh. Mỹ không thể vì chính quyền tham nhũng ở Sài Gòn mà mất tất cả để đối đầu với Liên Xô và Trung Quốc! Thêm một bằng chứng cho thấy sự chọn lầm đối tượng đã trói tay các tổng thống Mỹ như thế nào! Việc giết anh em Ngô Ðình Diệm cũng phản ánh sự thất bại của lựa chọn chiến lược sai lầm. Bi kịch của ông Diệm là cả tin vào Mỹ và không tự biết thân biết phận mình. Cam tâm làm tay sai thì êm xuôi nhưng khi lương tri và lòng yêu nước trỗi dậy khiến ông ta có những hành động trái với quyền lợi Mỹ thì lãnh đủ! Rõ ràng, như một quy luật của muôn đời, khi đã sai lầm trong chọn lựa chiến lược thì mọi cố gắng về chiến thuật chỉ là vô vọng!

Thật đáng ngạc nhiên là ở đây giáo sư sử học K. W. Taylor nhắc đến kinh nghiệm cuộc xâm lăng của người Pháp cuối thế kỷ XIX. Lịch sử không lặp lại! Sự gan góc can trường của người Việt không thay đổi nhưng bất hạnh là lúc ấy họ có người chỉ huy quá đớn hèn bạc nhược! Tình hình của những năm 60 khác hẳn. Người Việt Nam sau 80 năm nô lệ đã ngửng đầu trong Cách mạng tháng Tám và làm nên Ðiện Biên lừng lẫy. Lúc này, không chỉ có ý chí kiên cuờng, có sức mạnh của nhân loại tiến bộ mà người Việt Nam còn có một bộ tư lệnh chiến tranh tuyệt vời... Thưa giáo sư Taylor, huyền thoại về nhân dân Việt Nam anh hùng đánh bại những đoàn quân xâm lược hoàn toàn không phải là sáo ngữ lịch sử ngớ ngẩn như ông viết mà là một thực tế hiển nhiên. Không cần nói lại những Tống, Nguyên, Minh, Thanh trong quá khứ thì thời nay, dân tộc Việt chính là người đầu tiên đào mồ chôn chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp và cũng là dân tộc đầu tiên thắng Mỹ! Hơn nữa, ở thời đại ngày nay, người Việt được sự dẫn dắt bởi Hồ Chí Minh, một danh nhân văn hóa thế giới, một thánh nhân mang tầm vóc Ðế Nghiêu Ðế Thuấn! Nhìn Việt Nam những năm 60 bằng con mắt cuối thế kỷ XIX là sự mù lòa về lịch sử!


2.

Tôi không sao hiểu nổi, là một sử gia thời hậu chiến, K. W. Taylor lại cố chứng minh cho tính hợp pháp của chính quyền Sài Gòn? Không thể tìm nổi bằng cứ muốn có và thất vọng vì bản tuyên bố sau cùng của Hội nghị Genève, tác giả cố bám víu vào những lời nói của Khrushchev, của Chu Ân Lai đề nghị cả hai chính phủ Việt Nam được nhận vào Liên hợp quốc. Phải chăng K. W. Taylor giả vờ không biết là cũng vì quyền lợi của mình, những vị này từng đi đêm với Mỹ, mua bán trên lưng người Việt Nam? Nhưng vì không phải là tay sai, vẫn giữ được chủ quyền, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã không chấp nhận sự mua bán ma quỷ đó! Ðể có một chính quyền hợp pháp ư? Với họng súng và đô la, người Mỹ có thể dễ dàng chế tác một chính quyền theo ý muốn. Nhưng họ không thể có được chính quyền hợp lòng dân! Các chính quyền Sài Gòn là như vậy. Lá cờ tam tài truyền đời của họ là như vậy! Tôi có ký ức riêng về lá cờ này. Tôi sinh năm Giáp Thân 1944. Hình như tôi lờ mờ biết về nạn lụt năm 45 nhưng biết rất rõ những ngày cha chú tôi tưng bừng tập quân sự, rào làng chiến đấu, cả những ngày tiêu thổ kháng chiến bỏ làng ra đồng lập trại sống. Rồi một sáng mùa đông năm 1950, trong sương mù, một đoàn người nhớn nhác ở đầu làng lo lắng trước trận càn thì chợt chú tôi kêu lên: Nó kia kìa! Và lớn bé trẻ già tớn tác chạy cùng tiếng súng rền trời. Chiều hôm đó trở về làng cũ, bỏ lại phía sau khu trại cháy thành than, đứa trẻ 6 tuổi là tôi đói lả người và sợ kinh hồn nhìn những người lính Bảo Hoàng săn gà bắt lợn. Ngày hôm sau, từ sáng sớm chú mõ dựng mọi người dậy với tiếng rao: mỗi nhà phải treo cờ nền vàng ba gạch đỏ! Các chính quyền tay sai thua ở chỗ đó: họ không bao giờ có cơ sở sâu rộng trong lòng dân, kể cả miền Bắc lẫn miền Nam!

Tôi hiểu K. W. Taylor khi ông tiếc nuối những biểu hiện dân chủ có được ở miền Nam. Từng kinh qua thảm họa cải cách ruộng đất ở miền Bắc nên tôi tán thành cuộc cải cách điền địa ở miền Nam. Ở đây, “những kẻ tước đoạt” không bị tước đoạt lại, giai cấp địa chủ bị xóa bỏ để chuyển hóa sang những nhà công nghiệp. Nông dân miền Nam đạt mức sống trung nông, là điều mà nông dân miền Bắc nằm mơ không thấy! Và quả là tôi thèm muốn tự do báo chí, ngôn luận, lập hội cùng những tự do khác mà thành thị miền Nam được hưởng! Nhưng tôi cũng biết, đó là nền dân chủ què quặt và không vững bền bởi lẽ trên nó là chính quyền tham nhũng vừa là bù nhìn vừa là tay sai của ông giời con mũi lõ! Như trong truyền thuyết về một vương quốc xây trên lưng rùa: Sẽ ra sao khi nóng lưng rùa chìm xuống? Thảm họa tháng Tư bảy lăm là số phận tất yếu của mọi chính quyền tay sai. Và cố nhiên, nó chôn vùi luôn cái bong bóng dân chủ vay mượn!


3.

K.W. Taylor viết: “...tôi không chấp nhận nguyên lý cho rằng Hoa Kỳ không có lý do hợp pháp nào để can dự vào Việt Nam. Tôi cho rằng quyền lực toàn cầu trong tay Hoa Kỳ phải được nắm lấy như là một trách nhiệm, không phải là điều mà chúng ta cần tỏ ra hối hận. Nếu Hoa Kỳ thất bại trong việc dùng quyền lực để đem lại những tốt đẹp cho nhân loại thì nó sẽ mất đi không chỉ sức mạnh, mà cả những gì mà đất nước này đã đạt được, những nền tự do vươn lên dưới bóng sức mạnh của Hoa Kỳ sẽ bị lâm nguy.”

Tôi rợn người khi đọc những dòng loảng xoảng tiếng gươm khua và tanh lợm mùi máu của vị sử gia! Chưa ở đâu như nơi đây, mặc cảm về lòng kiêu ngạo Mỹ được thể hiện bệnh hoạn đến vậy!

Nhân loại từng biết rằng, để đạt mục đích của mình, quyền lực toàn cầu Mỹ dám làm mọi chuyện từ sự kiện vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam đến vũ khi hủy diệt ở Iraq. Hợp pháp hay không hợp pháp không có chỗ trong từ điển quyền lực Mỹ! Cuộc chiến tranh Việt Nam mở đầu bằng hành động dối trá, còn ở Iraq, người Mỹ hung hăng hơn, bất chấp cả công pháp quốc tế! Thử hỏi rằng, quyền lực toàn cầu Mỹ đã đem lại được gì tốt đẹp cho người Việt Nam? Có đáng không khi vì một chút quyền tự do dân chủ áp đặt mà 3 triệu người Việt Nam phải chết và hiện còn hàng triệu người quằn quại vì nỗi đau da cam! Ðang sống trong một đất nước thiếu tự do và dân chủ nhưng quả thật, tôi thương hại những nền tự do vươn lên dưới bóng sức mạnh của Hoa Kỳ. Tự do phải là tự thân! Tự do dưới bóng kẻ khác chỉ là thứ tầm gửi ký sinh hay là những cây rỏng rớt cớm nắng! Năm nay là năm Cervantes. Tôi nhớ trong Don Quijote bất hủ một câu đại ý thế này: “Thật sung sướng cho kẻ nào mà mỗi khi nâng bát cơm lên, ngoài cảm ơn Chúa ra hắn không còn phải cảm ơn ai khác!” Cũng có thể mượn câu đó để nói về dân chủ! Nói thế, không phải tôi không quý và biết ơn những gì mà nhân loại tiến bộ giúp người Việt ngày một đến gần hơn tới dân chủ. Nhưng tôi mong đó là thứ dân chủ chỉ đứng dưới bóng mặt trời và càng không phải thứ dân chủ áp đạt bằng quyền lực của kẻ khác! Là giáo sư dạy sử Việt Nam, không hiểu K. W. Taylor có biết sự kiện trong Kinh Thư ghi lại buổi đầu người Hán thống trị dân Việt như thế này: Sau ba lần đánh rợ Tam Miêu không được, nghe lời ông Cao Dao, vua Thuấn cho mở nhạc múa trước sân. Ba ngày sau dân Tam Miêu quy phục. Cái tự do cái dân chủ đạt được theo cách của vua Thuấn nhân ái hơn hẳn cái dân chủ mà người Mỹ mong áp đặt bằng quyền lực ở Việt Nam trước kia và ở Iraq hiện nay! Có người bạn nói nhỏ với tôi thế này: “Nói ra, người ta cho mình là kẻ ác nhưng quả thực, sự kiện 11 tháng 9 là cái giá đích đáng mà người Mỹ phải trả vì những gì họ đã gây ra cho thế giới!” Xét đến cùng, lời nói đó không hoàn toàn vô lý! Ðấy là cái giá mà hàng ngàn người dân vô tội phải trả cho lòng kiêu ngạo Mỹ. Có thể nói thế này, hầu hết những vụ nổ bom cảm tử trên thế giới này đều nhằm vào Mỹ! Lương tri người Mỹ phải tự vấn: vì sao ngày nay Mỹ lại có nhiều kẻ thù đến vậy? Với tôi thì thế này: hồi trẻ tôi căm thù giặc Mỹ xâm lược. Tuổi trung niên tôi trông chờ hy vọng người Mỹ mang đến tự do và dân chủ. Nhưng rồi tôi sớm thất vọng vì chính sách hậu chiến tranh lạnh vừa ngạo mạn vừa vị kỷ của người Mỹ. Và bây giờ với người Mỹ, tôi dè chừng, cảnh giác! Tôi cho rằng trên thế giới này người Mỹ ít đáng tin nhất. Kẻ thù không tin họ là lẽ đương nhiên nhưng bất hạnh cho đồng minh nào tin nguyên con vào người Mỹ! Cái chết của anh em Ngô Ðình Diệm rồi việc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa là tấm gương nhỡn tiền! Quả thật, cái tôi lo bây giờ là tương lai nước Mỹ. Một đất nước sẽ ra sao khi có quá nhiều kẻ thù? Người Việt có câu Con giun xéo lắm cũng quằn! Và câu chuyện ngụ ngôn về voi và kiến không biết có ích gì cho người Mỹ?

Tôi hiểu sự bức xúc của K. W. Taylor khi ông viết: “đất nước này phải chịu đựng một cơ cấu cai trị chuyên chế, thối nát và nghèo nàn...” . Ðúng là tình hình Việt Nam đang như thế. Nhưng thay đổi nó bằng cách nào đây? Phải chăng cách tốt nhất là dùng quyền lực Mỹ tiêu diệt nhà nước hiện thời rồi đưa ở đâu đó về những thiên thần dân chủ? Tôi không tin vào khả năng như vậy!

Phương Tây từng nói rằng, người cộng sản biến chủ nghĩa Mác-Lê thành một thứ tôn giáo. Nói nơi cửa miệng nhưng họ không chịu hiểu sâu hơn: thực tế những giáo điều Mác-Lê đã thấm vào dân như một tôn giáo. Dương cao cờ tự do tín ngưỡng nhưng tại sao phương Tây không thể tất cái đạo cộng sản đã nhiễm vào dân Việt Nam? Bảy chục năm qua những giáo chủ cộng sản luôn dạy dân tuân phục Ðảng và làm cách mạng mà chưa từng dạy về tự do dân chủ! Vẫn biết tôn giáo là ngu dân tại sao lại không thể tất sự ngu dân của đạo cộng sản? Trong khi trí thức quá hiểu cái lỗi thời, lạc hậu thậm chí phản tiến hóa của lý thuyết Mác-Lê thì hàng triệu người dân vẫn tin như tin vào kinh thánh! Người nông dân Thái Bình biểu tình có thể đánh chém kẻ tham nhũng, ném đồ dơ của phụ nữ vào mặt quan chức nhưng trong một cuộc trưng cầu ý dân vẫn có đến 90% người ủng hộ chế độ! Tại sao vậy? Lý lẽ đơn giản: dù có sai dù có hư hỏng thì đảng vẫn gắn bó với họ. Họ không chấp nhận những kẻ trắng má lạ mặt từ đâu tới ngồi trên đầu mình. Làm sao đây với khối đồng bào này? Phải chăng là dùng lưỡi lê của lính lê dương hay cán cuốc Pol Pot tẩy não họ? Tôi nghĩ rằng, nếu dám hết mình vì nền tự do, người Mỹ hãy làm như vua Thuấn xưa chứ không phải kéo quân đến chém giết để rồi áp đặt!


4.

Qua bài viết, tôi hiểu K. W. Taylor là người chân thành đến tận cùng. Ông là trí thức trọng danh dự, có nhân cách và trung thành với nước Mỹ. Người như thế ở Việt Nam được gọi là ngu trung - kẻ sĩ trung thành một cách ngu muội. Họ thường là công cụ của triều đình phong kiến trong việc đàn áp nông dân, các sắc dân thiểu số và bảo vệ đến cùng những ông vua chính thống. Người như ông rất cần cho quyền lực Mỹ. Chỉ cần có lệnh của cấp trên, thì bất kể hợp pháp hay không hợp pháp, ông cũng tuân thủ và nã súng vào đối phương dù là đàn bà con trẻ để thực thi nghĩa vụ công dân Mỹ! Những người như ông không ít trên đời này: họ tạo nên những quân đoàn SS, những Ăng-ca Khmer đỏ, những Hồng vệ binh dưới thời Mao... Trong đội ngũ Quân giải phóng miền Nam không ít những người trọng danh dự và trung thành với đất nước với nghĩa vụ như ông. Trong những nghĩa vũ đặt trên vai họ, ngoài những điều phù phiếm nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa thì cái căn cốt nhất nơi họ là chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, họ là kẻ trung nhưng không ngu! Do chính nghĩa của mình mà tình đồng đội của họ bền chặt. Những người chết luôn là thiêng liêng với người còn sống! Việt Nam không có Bức tường than khóc nhưng có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ được chăm sóc bởi chính đồng đội của họ. Do sự ưu đãi của chính quyền có hạn nên nhiều người lính đã cưu mang con cái, cha mẹ của đồng đội đã chết. Trong đời sống thực cũng như trong tâm linh, người chết luôn gắn bó, luôn sống trong lòng người may mắn sống sót. Trong số cựu chiến binh Việt Nam không ít số phận chịu bất công cay đắng thậm chí thù hận với chính phủ nhưng tôi chưa thấy ai tỏ ra lạnh nhạt bạc bẽo với đồng đội không may của họ. Họ không giống như ông khi nói: “Ðó là đài tưởng niệm những cái chết, mà tôi là một người sống sót và bức tường đó không can hệ gì đến tôi.”(!)

Tôi hiểu vì sao ông quay lưng lại với bức tường đó! Mặc cảm thất bại trong cuộc chiến Việt Nam đã hủy hoại nhiều thế hệ thanh niên Mỹ. Ðấy là điều tệ hại. Cần phải thoát khỏi mặc cảm đó. Không ít người, với tinh thần thượng võ, xóa bỏ thù hận, bắt tay kẻ thù xưa, hàn gắn lại những vết thương cũ, xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Họ hiểu rằng, người Mỹ cần sống tử tế hơn với phần còn lại của thế giới.

Giống những người Mỹ trên, không cam tâm chìm đắm trong chủ nghĩa thất bại, ông cố quẫy đạp vươn lên. Nhưng ông vơ lấy cái phao cứu sinh thật nguy hiểm: sứ mạng của quyền lực Mỹ! Không chấp nhận cái đám đông mặc cảm chiến bại, ông tự chích vào mình chất ma túy sứ mạng của quyền lực Mỹ rồi đứng lên làm một giáo chủ của bầy đàn mới đem lại danh dự cho những người đã chết và động viên tập hợp tín đồ cho những cuốc thánh chiến ở Iraq và có thể ở Iran, ở Bắc Triều Tiên!

Cuộc chiến Việt Nam có nhiều bài học. Một trong những bài học rút ra, đó là cuộc đối đầu giữa một bên là lòng kiêu ngạo cộng sản muốn làm tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa. Một bên là lòng kiêu ngạo Mỹ: bảo vệ thế giới tự do, ngăn chăn làn sóng đỏ! Sau khi đánh nhau vỡ đầu sứt tai, cả người Việt cả người Mỹ đều thấy là mình ngớ ngẩn đã chém giết nhau vì những cái vớ vẩn! Trong khi cả người Mỹ cả người Việt nhận ra hai đất nước chả có lý do gì phải thù hận nhau, cùng bắt tay khép lại quá khứ thì có một nhà sử học cựu chiến binh phất lên ngọn cờ sứ mạng quyền lực Mỹ! Hẳn rồi mai đây, dưới ngọn cờ rách ấy hàng ngàn hàng vạn thanh niên Mỹ lại lao vào những cuộc chém giết mới! Quả là bài học Việt Nam khó thuộc!

© 2005 talawas