© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
23.5.2005
Nguyễn Lân Dũng
Một cô bé gây xúc động cho rất nhiều người
 
Nhật ký Mã Yến, NXB Hội Nhà văn, 2004
Cô bé ấy tên là Mã Yến sống ở thôn Trương Gia Thụ, một thôn thuộc xã Dự Vượng, một vùng núi phía nam của huyện Ninh Hạ, thuộc địa phận nghèo khổ nhất của Trung Quốc, nơi mà Liên hiệp quốc xếp vào loại không thích hợp cho con người cư trú. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của toàn Trung Quốc là 6000 tệ/ năm (khoảng 750 USD), ở Thượng Hải là 33 000 tệ (khoảng 4125 USD) thì ở Ninh Hạ chỉ có khoảng 400 tệ (khoảng 50 USD; theo tiêu chuẩn quốc tế, 365 USD/năm là nghèo).

Mã Yến là con ông Mã Đôn Cát, ông là con một người ăn xin nghèo khổ, 30 năm trước được bán cho một gia đình ở Trương Gia Thụ. Mẹ em là bà Bạch Cúc Hoa, một nông dân mù chữ. Mã Yến sinh năm 1987, có 2 em trai là Mã Nghĩa Tiêu (1989) và Mã Nghĩa Đình (9 tuổi). Gốc gác của gia đình theo đạo Hồi này có nguồn gốc xa xưa từ Ả Rập, Iran, di cư đến đây từ thế kỷ thứ 7 theo Con đường tơ lụa. Gia đình Mã Yến cũng như hầu hết dân cư ở đây thuộc dân tộc Hồi (nhẽ ra là người theo đạo Hồi chứ không phải là một dân tộc thiểu số như quy định của Trung Quốc).

Tháng 5 năm 2001, Pierre Haski, phóng viên tờ báo Libération của Pháp đến thăm vùng này. Cán bộ địa phương nói không đúng về tình hình địa phương. Mẹ của Mã Yến tức mình, đã đưa cho phóng viên một bức thư Mã Yến viết cho mẹ và 3 cuốn nhật ký của em. Bà nói: Hoàn cảnh nơi đây thì các vị đã nhìn tận mắt, đến một đứa bé cũng hiểu được. Con gái tôi có 3 cuốn nhật ký, các vị có xem không? Trẻ con thường nói sự thật. Đấy là 3 cuốn nhật ký được viết trên vở học sinh, Mã Yến viết từ 2/9/2000 đến 28/12/2001 khi đang học lớp 5 để ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy hàng ngày. Rất tiếc là trong số 6 cuốn đã có tới 3 cuốn bị bố xé giấy để… quấn thuốc lá.

Pierre Haski đã cho dịch cuốn nhật ký này và vô cùng kinh ngạc về quyết tâm của Mã Yến. Một bé gái thông minh, muốn đi học mà vì không thể có tiền nên mẹ bắt phải ở nhà đi chăn dê, nhường chỗ đi học cho 2 em trai. Mã Yến viết bằng chiếc bút bi mà em đã phải dành dụm tiền trong nửa tháng để mua được. Mã Yến tâm niệm chỉ có thể đi học thì mới thay đổi được đời mình, thay đổi được cuộc sống cho gia đình và cho quê hương của mình. Haski đã quay lại thăm Mã Yến để tìm hiểu kỹ hơn. Về Pháp ông quyết định cho in lá thư và tháng 1/2002 một số trích đoạn Nhật ký Mã Yến đã được in trên tờ Libération ở Pháp và đã gây xúc động mạnh mẽ cho đông đảo bạn đọc. Hàng trăm lá thư gửi về Toà soạn. Một độc giả viết: “Chúng ta không thể nào ngồi yên không làm gì, không thử thay đổi mọi thứ, dù chỉ là một chút. Chúng ta không phải là những người anh hùng, nhưng chúng ta chắc chắn cũng không muốn mình là những kẻ hèn mọn và sống trên đời này như những du khách chỉ truy tìm lạc thú và cái đẹp...” Một độc giả khác viết: “Liệu chúng ta có thể - như các Tổ chức phi chính phủ vẫn làm- là trợ cấp cho gia đình đó một khoản tiền đủ để Mã Yến có thể tiếp tục đi học.” Toà soạn đã nhanh chóng lập ra một tổ chức gây quỹ mang tên Những đứa trẻ Ninh Hạ (45, Notre Dame de Nazareth, 75003, Paris). Học sinh và phụ huynh học sinh ở Pháp đã sôi nổi góp tiền cho quỹ này. Phóng viên Pierre Haski đã trở lại thôn Trương Gia Thụ và0 tháng 3/2002 và đưa cho mẹ Mã Yến 1000 USD. Bà lấy ra một nửa để trả nợ còn 500 USD để dành trả học phí cho 3 chị em Mã Yến. Sau đó cuốn Nhật ký Mã Yến được in ra và được bán hết ngay 45 000 cuốn. Sách được dịch ra 9 thứ tiếng và phát hành rộng rãi tại Italia, Trung Quốc, Thuỵ Điển, Hà Lan, Nhật Bản, Hy Lạp, Đài Loan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ và Việt Nam. Nhật ký Mã Yến được coi là cuốn sách best-seller (bán chạy) trên thế giới. Mã Yến được nhận nhuận bút 500 tệ mỗi tháng và được mời sang Pháp làm khách của Hội chợ sách Paris năm 2004.

Mã Yến ở Paris
Tại Trung Quốc sau khi Nhật ký Mã Yến được NXB Hoa Hạ phát hành 50000 bản, dự kiến sẽ phát hành vài trăm nghìn cuốn. Câu chuyện mà Mã Yến tự ghi hàng ngày trong nhật ký của mình được dựng thành phim Trên đường tới trường (Thượng học lộ thượng) và đã được nhận giải thưởng Kim Kê tại Liên hoan phim Thiếu nhi lần thứ 25. Tại Pháp cuốn sách này được phát hành tới 200 000 cuốn. Nhờ Nhật ký Mã Yến mà thôn Trương Gia Thụ đã có 200 em được học tiểu học và 50 em được học tiếp lên trung học. Không chỉ riêng Mã Yến mà 60 đứa trẻ nghèo khổ và hiếu học khác ở vùng quê khô hạn này đã nhận được trợ cấp để tiếp tục theo học. Truyền thống trọng nam khinh nữ đã được cải biến. Tại trường trung học Dự Vượng số nữ sinh từ 100 em đã tăng lên đến 300 em. Truyền hình trung ương Trung Quốc 3 lần phỏng vấn em và chuyện của em được đánh giá như một chuyện cổ tích. Trả lời phỏng vấn em nói: “Quan trọng nhất lúc này là đi học, thi được vào Đại học Thanh Hoa và sẽ làm một phóng viên, để có thể đi đến cùng trời cuối đất, phát hiện được nhiều người, tìm được nhiều trẻ em có nguy cơ thất học”.

Ngày 5/2/2004 cuộc Vận động Hành động vì trẻ em gái đã được phát động và nhà nước Trung Hoa mỗi năm đã dành ra tới 7 triệu tệ (khoảng 14 tỷ VNĐ) để triển khai cuộc vận động này.
Năm nay Mã Yến đã 18 tuổi. Em đã là học sinh cấp ba (cao trung) và có quyết tâm rất cao để thi vào Đại học Thanh Hoa - Đại học danh tiếng nhất Trung Hoa. Em tâm sự: Cháu sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ công tất cả mọi người.

Các bạn nên tìm đọc Nhật ký Mã Yến, bản tiếng Việt do Ngọc Quỳnh dịch, Trác Phong hiệu đính, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2004. Các bạn hãy phát hiện cho tờ báo này những hoàn cảnh hiếu học nhưng buộc phải bỏ học ở nước ta tương tự như trường hợp Mã Yến. Chúng ta không thể vô cảm trước những hoàn cảnh như vậy và có trách nhiệm cùng nhau cứu giúp những em bé muốn vươn lên bằng quyết tâm của mình nhưng không đủ sức vượt qua các khó khăn quá lớn về đời sống. Đừng quên rằng Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Các em là chủ nhân ông của đất nước trong một tương lai không xa.


Một vài trích đoạn trong Nhật ký Mã Yến

...Năm nay chẳng có tiền đi học. Tôi phải về nhà làm ruộng, góp phần giúp hai em đi học. Cứ nghĩ đến cảnh vui nhộn ở sân trường, tôi vẫn tưởng như mình đang đi học. Tôi muốn học vô cùng! Nhưng nhà tôi không có tiền.

...Tôi biết rằng mẹ làm tất cả vì chúng tôi. Mẹ đã gửi gắm tất cả hy vọng vào chúng tôi. Mẹ có thể vứt bỏ mọi thứ của mẹ. Chẳng có gì quan trọng hơn chúng tôi. Nhất định tôi phải học tốt, để sau này có thể cống hiến cho quê hương tôi, cho dân tộc tôi. Đó là mục đích, là hy vọng của tôi.

...Mẹ đã bỏ cả việc chữa bệnh của mình để có tiền cho tôi ăn học...Tôi nhất định phải học thật tốt. Sau này còn thi vào đại học, còn tìm việc làm, để bố mẹ được sống sung sướng hơn.

...Cả ba chúng tôi ra ăn ở ngoài chợ. Mẹ không ăn, để hai chị em ăn. Tôi thấy rõ là mẹ vừa khát, vừa đói.

...Tôi nghĩ một người kiên cường như mẹ mà còn khóc khi bị ốm thì không hiểu mấy chị em tôi còn làm gì được nữa đây.

...Một người mù còn có thể sống được, vậy tại sao tôi không thể sống được? Tôi nhất định phải hoàn thiện mình, phải vượt qua tất cả những người khác ở trong trường.

...Nhìn hoa tuyết rơi tôi chợt nhớ tới câu nói của bà nội: Tháng Mười đầu tháng có tuyết tiểu mạch sang năm sẽ bội thu. Tôi rất mãn nguyện khi thấy tuyết rơi. Tuyết rơi nhiều nữa đi! Dân làng sẽ có nước ăn uống, chẳng cần phải đi rất xa để gánh nước.

...Nếu tôi có thể học cao hơn tôi sẽ tìm được việc làm, tôi nhất định phải đón ông bà về ở nhà tôi... Nhưng tôi sợ ông bà không chờ được tới ngày đó! Có nghĩa ông bà là hai người già chịu số phận khổ sở, chẳng bao giờ có được cuộc sống sung sướng.

...Tôi nghĩ hiện nay không đi học là không được, không thể cứ như ông bà, làm việc đến tận lúc già, không được hưởng một chút sung sướng nào.

...Tôi chỉ cho bò ăn có một lần mà hai tay tôi đã nứt nẻ ra thế này. Còn mẹ, ngày nào cũng cho bò ăn nên tay mẹ mới sưng phồng lên như vậy. Tất cả những gì mẹ làm thực ra chỉ vì tương lai của các em tôi và tôi.

…Ngày 12/9/2000: Một chiếc bánh bọc đường cũng đến 10 hào: làm sao tôi có thể mua nổi đây? (10 hào chỉ là khoảng 200 đồng VN).

…Ngày 6/12/2001: Tôi chia cơm cho em trai, nó còn bảo không có thức ăn thì nuốt thế nào! Tôi giận quá, nhưng chỉ biết khóc. Hai chị em ở cùng nhau, học cùng nhau, tôi biết kiếm thức ăn ở đâu? Mua thì không có tiền. Nói không có tiền là chưa đúng, tôi vẫn còn 1 đồng nhưng không muốn tiêu. Thà ăn nhạt, nhưng còn tiền thì vẫn hơn. Bởi vì đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ (1 đồng NDT chỉ bằng khoản 2000 đồng VN!).

Sau khi tôi kể lại câu chuyện cảm động của cô bé nghèo và hiếu học Mã Yến nhiều bạn đã viết thư hỏi tôi: mua sách ở đâu? Ở Ninh Hạ nông dân nghèo có hơn ta hay không? Sau khi đã được hỗ trợ của các bạn đọc trẻ tuổi ở Pháp thì tương lai của Mã Yến ra sao rồi? Dư luận ở Trung Quốc với sự kiện này thế nào?...

Xin thưa, sách đã có bán rộng rãi tại các hiệu sách và đã bị in lậu bán với giá rẻ hơn. Muốn biết thêm về Mã Yến xin mời các bạn vào mạng http://www.google.com và đánh chữ “Ma Yan” sẽ thấy vô số bài bằng nhiều thứ tiếng viết về cô bé gái Trung Hoa đang trở thành một hiện tượng quốc tế này. Nếu bạn nào biết tiếng Trung Quốc thì có thể tìm được nhiều hơn nữa trên các website như: http://china.org.cn hay http://www.huaxia.com... Nếu máy của bạn không gõ được chữ Hán thì cóp từ mạng Trung Quốc chữ “Mã” (ngựa) và chữ “Yến” (yến mạch) rồi paste vào để tìm.

Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, 01.5.2005