© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
23.5.2005
Phi Văn
Tản mạn quanh phản ứng trước “một bài văn lạ”
 
Chỉ có một cô học trò nhỏ, nói lên một ý kiến rất nhỏ “em không thích, thế mà dấy lên cả một phản ứng rầm rộ, tán thưởng và đe nẹt

Tôi không muốn nói nhiều đến phía tán thưởng, đa phần là những người đọc vô danh, (cũng có vài người có tiếng tăm như TS Hà Bình Trị, GS Tương Lai…), vì tôi cũng ở trong số họ.

Phái đe nẹt nổi lên hai nhân vật: ông Thanh Thảo, nhà thơ, bà Nguyễn Thị Minh Thái, nhà nghiên cứu.

Đầu tiên là ông Thanh Thảo, một nhà thơ đôi khi từng có những tìm tòi hơi táo bạo, giờ hiện ra trong trang phục tăng lữ và dõng dạc cất lên tiếng nói rất hình cảnh (cảnh sát hình sự) về thơ, người ta hiểu ông đang canh giữ, bảo vệ một ngôi đền thiêng và răn đe trẻ hư: “chớ dại…”.

Thứ đến bà tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, bằng động tác rất chi là gân guốc, chụp ngay cho con bé chiếc vòng kim cô chế tác bằng những ngôn từ khiếp đảm: “vô cảm”, “lạnh lẽo”… Thương ôi, mày có chạy đằng trời, con bé được xếp vào giỏi văn kia ạ.

Trước hết chúng tôi thành tâm công nhận hai vị, bằng giọng điệu của mình, đang chứng tỏ mình thuộc về phái mạnh. Tiếng nói của các vị là tiếng nói quyền uy, là kết án đanh thép. Cô bé kia bị một người (thi sĩ) kết tội về phát ngôn, một người (tiến sĩ) lên án về… cảm xúc.

Té ra, bé Phi Thanh, học sinh giỏi, học nhiều mà vẫn chưa biết, hay chưa biết đến nơi đến chốn: CHƯA BIẾT SỢ.

Ta hãy thử tưởng tượng tại một trường Trung học Anh quốc, một học sinh sau khi đọc Shakespeare bỗng thốt lên “Thật vớ vẩn. Tớ chẳng thấy hay gì cả” thì sao nhỉ?

Chắc có một thằng bạn sẽ bảo: “Thằng ngu. Mày nói thế là chứng tỏ mày đui mù về văn chương đấy con ạ.”

“Tao thấy Shakespeare quá tuyệt vời. Mày có lẽ hơi bị cá biệt đấy, nhóc ạ”, Thằng khác nói.

Nghe thấy chuyện này, thày giáo nhún vai: “Hay nhỉ. Chúng ta sẽ có một Voltaire mới chăng?”

Nhưng tôi dám chắc chẳng có ai đe nẹt “hãy liệu đấy”, “giờ hồn”, cũng chẳng ai đưa ngôi đền thiêng Shakespeare ra hù, vì họ ý thức rõ rằng cái đó thích hợp với Taliban hơn.

Tôi dám quyết rằng ở đây, chư vị (hai kẻ sĩ nêu trên) có đôi chút lầm lẫn. Thi sĩ của chúng ta, người mà nghề tay phải là chế luyện ngôn từ, đã dùng lầm một thuật ngữ tôn giáo vào một tác phẩm văn chương. Nhưng, vấn đề ở đây không phải ngôn từ, mà là tâm thức.

Mấy ngày qua có một cậu phóng viên của tờ Newsweek đưa một cái tin chưa được kiểm chứng: một tay hỏi cung (Mỹ) ở trại Guantanamo đã có hành động phỉ báng - ném một cuốn Kinh Cô-ran (Qur’an) vào toa-lét và giật nước. Lập tức một làn sóng kinh hồn sôi sục khắp thế giới Hồi giáo chĩa vào nước Mỹ và người Mỹ, có đập phá, có giết chóc, đến nỗi một quan chức Lầu Năm góc phải cáu tiết văng ra: “Cái thằng chó đẻ ấy làm bao nhiêu người chết vì bài báo ngu xuẩn của nó”. Tất nhiên, hành động thô bỉ của gã kia, nếu có thật, sẽ bị trừng trị, vì Hiến pháp nước Mỹ theo nguyên tắc tự do tư tưởng, bảo vệ quyền của công dân Mỹ tôn trọng hay không tôn trọng quốc kỳ của Mỹ, đọc hay xé Kinh Thánh, nhưng nếu một nhân viên chính phủ xúc phạm tín ngưỡng của người khác (tù binh) là vi phạm kỷ luật đối với công chức. Điều đáng nói là câu tuyên bố của một người phát ngôn trong thế giới Hồi giáo: “Việc ngược đãi con người, dù tàn nhẫn đến đâu chúng tôi cũng có thể hiểu đựợc. Nhưng phỉ báng một cuốn kinh Qur’an là xúc phạm toàn thế đạo Hồi, và chúng tôi không thể tha thứ.”

Tôi nghĩ lan man đến hai chữ “nhân văn”, đến Rabelais lặn lội ra khỏi đêm trường Trung cổ từ những thuở nào, tôi nghĩ về tôn giáo, và tôi thấy… sợ! Tôn giáo và sự lợi dụng nó. Nhưng rõ ràng là cậu phóng viên kia vẫn CHƯA BIẾT SỢ. Thế mới nên nỗi!

Còn vị tiến sĩ mỹ học, nhà giáo, rõ ràng là bà không áp đặt trong dạy học (vì bà nói thế) chỉ có điều bà không cho phép một ai, đặc biệt là học sinh giỏi văn, trước một đối tượng nhất định lại có thể có cảm xúc không giống của bà, trước cái mà bà cho là ĐẸP lại có kẻ dám nói “Em không thấy đẹp”. Không được, không thấy đẹp thì là “vô cảm”!

Hỏi em Phi Thanh: khi đọc bài văn ấy, em có thấy xót thương không, có thấy hừng hực căm thù không, có thấy đau nhói lòng trước hình ảnh “mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều,… vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ ” không? Nếu em bảo “Không! đừng đem những chuyện khổ sở ấy ra nói với tôi”, thì tôi bái phục bà tiến sĩ.

Hỏi tôi: “Anh đi đám tang đồng bào bị chết vì bão lụt, vì đắm tàu, anh có thấy buồn bã xót thương không?”. “Dĩ nhiên”. “Vậy anh có thấy một cảm xúc đẹp nào trong buổi tang lễ ấy không?” “Không, mình không thấy”. “Anh vô cảm đến thế kia ư?”

Hỏi bạn: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan. Ngày trông ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ” phải chăng là một hình ảnh tuyệt mỹ, một sáng tạo độc đáo về ngôn từ? Trả lời tôi đi, nghĩ gì ngây người ra thế?”. “À, tôi đang nghĩ về một truyện của Andersen.”

Chưa nói tới những chuyện nhạy cảm hơn “hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt tan nhà dạy đạo kia, gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”. Hay! Tự nhiên trong tôi thấy vang lên “Thuốc súng kém, chân đi không, mà lòng người giàu lòng vì nước, nóp với giáo mang ngang vai, nhưng thân trai nào kém oai hùng”, quả thật tôi thấy nó đẹp, ít nhất là đẹp hơn hình ảnh trên kia, tuy nó không là đền thiêng. Tất nhiên đó là cảm nhận của riêng tôi thôi, tôi không mong người khác cũng nghĩ thế. Mà này, nhà dạy dạo - nhà thờ, ai đang ở trong ấy nhỉ? Chỗ này tôi e rằng không phải người nay lẫn, mà người xưa cũng lẫn.

Dám lạm bàn với thi sĩ về chuyện tôn giáo, rồi lại thưa với tiến sĩ mỹ học về chuyện cái đẹp, nghĩ cũng cả gan mạo muội quá. Chưa nói đến chuyện biết sợ rồi mà vẫn động vào đền thiêng. Xin thứ lỗi.

© 2005 talawas