© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
25.5.2005
Nguyễn Xuân Đức
Gửi Nguyễn Hoà, người đồng đội
 
Trước hết tôi phải chân thành cám ơn Nguyễn Hòa vì bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?” đăng trên báo Nhân dân. Song rất tiếc không phải do nhận ra sự "xuyên tạc sự thật" theo ý phân tích của anh mà bởi vì nhờ có bài đó tôi mới biết đến và tìm đọc tiểu luận “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến” đăng tải trên BBC của giáo sư Lê Xuân Khoa với nhiều phản hồi của bạn đọc xa gần rồi tiếp tục lại được dõi theo các tranh luận của chủ đề này trên talawas.

Nguyễn Hòa "mong bạn đọc nào đó đã dành thời gian theo dõi cuộc trao đổi này hãy ‘thử’ đánh giá điều" anh đã "nhận ra có chính xác hay không?”. Là một bạn đọc bình thường của báo Đảng, của talawas và chưa một lần viết bài, tôi xin không "thử" như Nguyễn Hòa đề nghị, tôi muốn viết thật, dẫu biết rằng sự thật dễ làm anh và những người trùng suy nghĩ như anh mất lòng.


1.

Tôi thấy hầu hết các bài viết về chiến tranh thường đề cập tới lòng yêu nước. Người thắng trận muốn độc quyền yêu nước để tiếp tục dùng hào quang lãnh đạo thành công cuộc chiến 30 năm trước khỏa lấp những yếu kém trong chiến lược phát triển đất nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa”… tư bản. Người bại trận rõ ràng không muốn bị tước đoạt thứ tình cảm mà đâu phải chỉ đợi đến khi xa xứ mới xuất hiện trong họ như “khúc ruột ngàn dặm” của quê cha đất tổ.

Để phủ nhận lòng yêu nước của những người thua trận và phản bác lại ý kiến của Lê Xuân Khoa “Trong cuộc chiến này, phe cộng sản vì nhiều lý do đã thắng phe quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước", Nguyễn Hòa có vẻ rất tâm đắc với định nghĩa: “… lòng yêu nước chỉ thật sự là lòng yêu nước khi nó chi phối sự hình thành trong mỗi người một lòng tự tôn, biết hành động vì lợi ích đất nước, không làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới danh dự, quyền lợi của đất nước...”. Nhằm minh chứng cho việc đánh giá lòng yêu nước theo định nghĩa của mình, anh đã gần như lặp lại những gì mà sách giáo khoa từng viết “về lòng yêu nước chân chính của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học… với cái gọi là ‘lòng yêu nước’ của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu…”. Những câu đại loại thế này tôi thấy nhan nhản trên sách báo từ nhiều năm nay rồi. Với Ngô Đình Diệm, tuy Nguyễn Hòa “không bàn về ‘lòng yêu nước’ của Ngô chí sĩ”. Thế nhưng việc đặt những câu hỏi như: “Giáo sư đã quên Luật 10/59 và những ‘cỗ máy chém’ lê khắp miền Nam?”, và “quên các cuộc chinh phạt giáo phái ở miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX ” lại chính là nhằm có thêm “chứng cứ” cho luận điểm của Nguyễn Hòa.

Nếu tôi cũng viết rằng anh đề cao lòng yêu nước của những người cộng sản nhưng cố tình quên những sự kiện Cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm, và quy chiếu theo định nghĩa “không làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới danh dự, quyền lợi của đất nước” thì anh kết luận sao đây? Phải chăng vì những sai lầm khủng khiếp trong chủ trương chính sách đã để lại hậu quả vô cùng tai hại cho đất nước như thế mà có thể kết luận rằng người cộng sản không yêu nước theo định nghĩa của Nguyễn Hòa? Nếu yêu nước thương dân, người cộng sản không thể hành động theo chỉ đạo của cố vấn Tầu dùng bần cố nông đấu tố cố nặn ra đủ tỷ lệ cường hào ác bá rồi tàn sát đồng bào mình được. Trong số hàng ngàn người bị hành hình không qua xét xử dưới chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời đó, đau xót thay, có không ít những người có công lớn đối với cách mạng, kháng chiến như bà Nguyễn Thị Năm. Lời xin lỗi của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp không làm người chết sống lại được.

Đôi khi tôi cũng mắc cái bệnh giả định “để lý giải lịch sử” như anh. Giá như nhà nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa không khủng bố, đàn áp trí thức mà lại cử Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đứng đầu ủy ban soạn thảo luật pháp và được Quốc hội thông qua, một xã hội dân chủ pháp trị đã có thể hình thành và phát triển từ thời đó và biết đâu chiến tranh đã không xảy ra? Nếu như những văn nghệ sĩ như Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm… không bị Đảng trấn áp thì cuộc đời này chắc sẽ có thêm bao bài ca bất hủ, những bài thơ sâu thẳm lòng người kịp thời ra mắt công chúng và đương nhiên sẽ góp phần sản sinh ra những thế hệ cầm bút không biết minh họa, không phải viết theo chỉ đạo của ai mà chỉ biết viết theo mệnh lệnh của trái tim mình? Có thể anh sẽ biện luận giống như một nhà sử học từng chống chế: khi Cải cách ruộng đất tôi còn nhỏ nên không biết rõ. Vậy xin hỏi anh, cuộc chiếm đóng Cămpuchia của Quân đội Nhân dân Việt nam bị cả thế giới lên án và cấm vận Việt Nam trong nhiều năm có “gây tổn hại tới danh dự của đất nước” không? Việc áp dụng chính sách cải tạo, mà thực chất là bỏ tù không xét xử hàng chục ngàn viên chức, sĩ quan chế độ Sài Gòn làm gia đình họ điêu đứng bởi các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp khiến hậu quả là hàng trăm ngàn thuyền nhân bỏ mạng trên biển cả có “gây tổn hại tới quyền lợi của đất nước” không? Ai chịu trách nhiệm về những thảm cảnh sau 1975 này? Họ có lòng yêu nước không?

Dựa vào lời kể của cha mình và mặc dù đã rào trước “chưa biết sự chuẩn xác đến đâu”, anh vẫn cho đó là tư liệu để nhận diện Quốc dân Đảng “kinh khủng lắm”. Nếu qua hiện tượng để rút ra bản chất như thế tôi sẵn sàng giới thiệu Nguyễn Hòa đến phỏng vấn cha tôi, anh sẽ bổ sung được thêm khá nhiều tư liệu. Trước 1945, cha tôi tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên và từng nếm mùi ngục tù; trong 9 năm kháng chiến bàn chân ông đã in dấu trên khắp các ngả đường chiến dịch từ Cao-Bắc-Lạng đến Thái-Hà-Tuyên rồi sau đó ông đứng trên bục giảng đại học cho tới lúc về hưu. Ông trân trọng những tấm huân chương và huy hiệu 50 tuổi Đảng. Trong nhà tôi có một tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo ở chỗ trang trọng nhất. Tôi dám chắc không vì những thứ đó mà cha tôi không kể cho anh những kỷ niệm về giai đoạn 45-46 như ông đã kể cho tôi nhiều năm trước đây. Vâng, cũng “kinh khủng lắm”, mạng người như ngóe, đồng chí của ông tự nhiên biến mất rồi sau đó cấp trên của ông trả lời ráo hoảnh “thằng ấy tiêu rồi”. Đấy không phải là chuyện cá biệt, hiếm hoi. Trên khắp đất nước Việt Nam, Đảng Cộng sản triển khai thanh toán đảng phái đối lập cũng“chính vào lúc đất nước đang rất cần sự thống nhất để tập trung lực lượng đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ hai của người Pháp”. Theo cách suy diễn của anh, Đảng Cộng sản cũng "kinh khủng lắm", phải không anh Nguyễn Hòa?

Tôi đồng ý với anh rằng: “đối với các vấn đề thuộc về lịch sử lại cần phải bàn bạc, phân tích cẩn trọng và thấu đáo, vì lịch sử không phụ thuộc vào khát vọng của mỗi chúng ta”. Lịch sử có vô số sự kiện mà ai cũng có thể thò tay vào chọn những biến cố nhằm giành phần “thông thái”. Rõ ràng không thể giản đơn chỉ căn cứ vào những sai lầm, thậm chí khủng khiếp và kéo dài, để xóa bỏ hoàn toàn lòng yêu nước của các phe tham chiến, hoặc ngược lại chỉ dùng những chiến thắng, những thành tựu lớn nhỏ để ca ngợi chính nghĩa thuộc về chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoặc Việt Nam Cộng Hòa theo quan điểm của mình. Đương nhiên vì thế không thể giữ nguyên những quan niệm từ thời chiến tranh, nhất là theo ý thức hệ của một phía, để phân biệt “lòng yêu nước chân chính” với “lòng yêu nước giả hiệu, cơ hội”.


2.

Tôi phải công nhận câu chữ của Nguyễn Hòa rất “kêu”: “tôi luôn cố gắng tôn trọng các nguyên tắc khách quan - toàn diện - lịch sử - cụ thể, xác lập tính logic, dựa trên các cứ liệu lịch sử xác thực đã thâu nhận được, độc lập xét đoán…” Kết luận của tôi không xuất phát từ một tiền đề chủ quan, mà xuất phát từ các thao tác nhằm khái quát một cách khoa học về thực tiễn”. Song thực tế lại đã cho thấy điều ngược lại. Phần trên tôi viết không phải nhằm “kể tội” và đó cũng không phải là kết luận của tôi về lịch sử. Tôi chỉ muốn sử dụng chính “phương pháp luận Nguyễn Hòa” để chứng minh chính Nguyễn Hòa mới là người viết theo cảm tính, chủ quan, phiến diện, nên việc anh mỉa mai giáo sư Lê Xuân Khoa vì đã “bảo lãnh” cho hoạt động nghiên cứu bằng thâm niên hơn 20 năm dạy đại học toàn không có cơ sở.

Với lời phát biểu: "Đất nước mình đã khác nhiều lắm so với những ngày tôi từ chiến trường trở về" ngầm ý của anh phải chăng để "trả lời" cho câu hỏi của một bạn đọc nào đó mà Nguyễn Hòa có nhã ý trích dẫn: "Trong cuộc chiến giáo sư Khoa ở đâu?". Mà anh ở chiến trường nào, trong bao lâu, một khi anh“sinh sau 1954 vài năm”?

Mặc dù tôi đọc bài của Lê Xuân Khoa sau khi đọc bài của Nguyễn Hòa, tôi vẫn không sao nhận ra được điều anh đã phê phán giáo sư qua cách đặt câu hỏi rất phũ phàng: “phải chăng giáo sư lại mong muốn Tổ quốc Việt Nam - nơi ông đã sinh ra, lại mãi mãi bị chia cắt, mãi mãi phải quằn quại dưới gót giày ngoại bang?” Tại sao một người có tấm lòng yêu nước và được trang bị những tri thức về lí luận phê bình như anh lại có thể “khống luận” (chữ của anh) như thế trong bài đăng trên tờ Nhân dân? Nguyễn Hòa có thể trả lời rằng anh viết vì trách nhiệm của người cầm bút, vì lương tâm thôi thúc. Anh viết chỉ bởi đó là nhận thức của anh, bất bình của anh trước “các luận điệu của những kẻ đã và đang rắp tâm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quá trình hòa hợp của người Việt Nam”. Chắc chắn anh sẽ không nhận một điều, đó là anh viết theo đơn đặt hàng của Đảng với những yêu cầu cụ thể của Ban Tư tưởng Văn hóa.

Lê Xuân Khoa quả là "ngây thơ" khi "gửi e-mail thư và bài trả lời cho báo Nhân Dân" rồi yêu cầu tòa báo dành cho ông “quyền trả lời ông Nguyễn Hòa”. Làm gì có chuyện bài của giáo sư được đăng tải trên bất cứ tờ báo thường thường nào ở Việt Nam chứ đừng nói đến cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Hòa có lẽ biết rõ điều này? Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu bạn đọc như tôi nhưng lại không có điều kiện vào mạng để được quyền đọc bài rồi tự tìm hiểu sự thật chứ không phải qua "lăng kính” Nguyễn Hòa? Không phải tất cả các ý kiến của giáo sư Lê Xuân Khoa tôi đều nhất trí, song tôi muốn mời Nguyễn Hòa đọc lại thật kỹ kết luận này của giáo sư:“Ba mươi năm sau chiến tranh, đã đến lúc chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại cần phải nhận ra thực chất của cuộc chiến, ôn lại những bài học quá khứ và nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để có thể cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương Bắc.” Không ai có thể thể hiểu lầm được mong mỏi đó của giáo sư, phải không anh?


3.

Bàn về lòng yêu nước, cả Lê Xuân Khoa lẫn Nguyễn Hòa hầu như chỉ tranh luận chủ yếu về giới lãnh đạo. Phải chăng yêu nước là đặc quyền chỉ dành cho giới chóp bu và những người nổi tiếng, những bậc tiền bối? Thế còn những chiến sĩ của hai miền Nam Bắc, họ có yêu nước không? Phải chăng họ chỉ là đám dân đen ngu muội bị đôn quân bắt lính, bị tuyên truyền nhồi sọ bởi “lý tưởng cộng sản”, “chính nghĩa quốc gia” rồi tự biến mình thành những quân tốt trên bàn cờ chính trị, thành bia đỡ đạn lót đường công danh cho các quan lớn và những chính khách sa-lông? Thật là bất công nếu không đề cập đến lòng yêu nước của những người lính. Sẽ càng bất công hơn nếu chỉ nói về anh bộ đội của phe thắng trận mà quên đi người chiến sĩ quân đội Sài Gòn.

Nguyễn Hòa tâm sự rằng: “đã chứng kiến những loạt bom Mỹ giết chết hàng trăm y sinh của Bệnh viện Yên Bái năm 1965, đã có mặt ở Hà Nội trong trận quyết chiến ‘Ðiện Biên Phủ trên không’ năm 1972... và đã hiểu thế nào là ‘nhà tan cửa nát’ , đến tuổi trưởng thành tôi cùng bạn bè của mình lại tự giác ra trận. Không có ai ‘ủy nhiệm’, mà chỉ có lòng yêu nước, lòng tự trọng của con người”. Cũng giống anh, tôi đã thấy nhiều cảnh chết chóc, tàn phá do bom đạn của không lực Hoa Kỳ gây ra tại Hà Nội và nhiều vùng quê khác. Như bao thanh niên miền Bắc thời đó, 18 tuổi tôi cũng lên đường nhập ngũ trong tưng bừng cờ giong, trống mở. Bạn bè nhộn nhịp tiễn đưa; chỉ âm thầm khóc, mẹ tôi.

Khi vào chiến trường, những mùa mưa đói quay đói quắt, những quằn quại sốt rừng đã cướp đi vài sinh mạng đồng đội. Lúc tham chiến, bom rơi đạn nổ lại hớt đi nhiều hơn những mạng sống chiến hữu. Kỷ niệm khó quên nhất là những lần đào huyệt chôn xác người vừa cười nói với mình ít phút trước. Tử thần luôn rình rập mọi phía. Đã có kẻ đào ngũ xuyên rừng tìm đường lần ra Bắc, cũng có người vượt chiến tuyến, trèo lên máy bay ra rả gọi chiêu hồi. Đó chỉ là thiểu số nhỏ nhoi. Cái chết, cái đói đâu ám ảnh chúng tôi bằng bị coi là hèn nhát. Chúng tôi chiến đấu dũng cảm bên nhau và cùng chia ngọt, sẻ bùi. Trong gian lao ác liệt tình đồng đội càng thêm trong sáng, gắn bó. Tôi không biết tại sao bài ca của một nhạc sĩ miền Nam lại có trên môi chúng tôi: “Ngoan ngoan con ơi, ngủ nhé ngủ ngoan đi nhé, trong vòng cánh tay của mẹ. Trên tiền tuyến giờ cha con còn, canh trời sang bừng muôn sao khuya”. Chính trị viên cấm chúng tôi hát nhạc tiền chiến, nhưng có lần tôi nghe thấy ông ta huýt sáo theo một điệu nhạc Phạm Duy. Trong khói lửa chiến tranh, những người lính chúng tôi chỉ khao khát hòa bình; chấp nhận hy sinh cho đất nước yên bình.

Tôi vẫn nhớ lời bài ca đã từng là ý nghĩa để người người lớp lớp thanh niên miền Bắc cầm súng chính là “quốc ca của chính phủ lâm thời” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác:

Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước
Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời
Sông núi bao nhiêu năm cắt rời
Đây Cửu Long cuộn sóng, đây Trường Sơn vinh quang
Thúc dục lòng ta xung phong đi giết thù
Vùng lên nhân dân Miền Nam anh hùng
Vùng lên, xông pha vượt qua bão bùng
Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng
Cầm gươm, ôm súng xông tới.

Cùng lúc đó, những người chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa ra trận với tâm thức có khác chúng tôi không? Nhiều năm sau chiến tranh tôi mới có dịp trò chuyện với những chiến sĩ bên kia chiến tuyến và được đọc nhiều tác phẩm do các nhà văn, nhà thơ Sài Gòn xuất bản. Bấy giờ tôi mới hiểu rõ hơn, trước lúc vào lính, nhiều người trong số họ cũng là những thanh niên học sinh như chúng tôi và hành trang ra trận của họ cũng đầy những trang sử hào hùng của dân tộc với những Mê Linh, Bạch Đằng, Chi Lăng cùng những tên tuổi Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo... Nhiều người trong họ đã dự các đám tang người thân là những dân thường chết oan do pháo kích của đối phương, có người còn thấy những hố chôn xác tập thể hàng trăm người ở Huế năm 1968 sau khi đối phương rút lui. Thế nhưng cũng hệt như anh và tôi, họ không chỉ biết có căm thù vì đã chứng kiến những tội ác và chịu ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền đồ sộ trong chiến tranh. Trái tim họ cũng ngập tràn tình cảm yêu thương và lòng nhân ái muôn thuở của người Việt Nam. Khi lâm trận, như chúng tôi, họ cũng chiến đấu với tinh thần quả cảm vì sau lưng họ là quê hương yêu dấu, là những người ruột thịt thân yêu. Họ dũng mãnh kể cả lúc sắp tàn cuộc chiến như trong trận tử thủ Xuân Lộc. Nếu có gì khác đáng nói giữa người lính hai bên thì có lẽ đó là chuyện phụ nữ. Trong khi chúng tôi biền biệt xa cách, chỏng gọng thèm khát “bóng Kiều xưa”, há hốc mồm rần rật huyết quản nghe đám lính “già” kể chuyện phòng the rồi “kiểm tra súng” của nhau thì những sĩ quan binh lính Sài Gòn vẫn đều đặn“ngày về phép anh cùng em dạo phố, tay chiến binh đan năm ngón tay mềm”. Hẳn vì hòa bình êm ả song hành cùng chiến tranh ác liệt như thế đã khiến không ít người trong bọn họ đảo ngũ, trốn quân dịch, lo lót để khỏi xung trận.

Và có lẽ Nguyễn Hòa cũng biết rằng âm hưởng trầm hùng trong bài ca của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại cũng là lời thúc dục lớp lớp thanh niên miền Nam ra trận.

Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi.
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền

Dù cho thây phơi trên gươm giáo.
Thù nước lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công dân luôn vững bền tâm trí,
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi,
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.
Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ,
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ,
Thoát cơn tàn phá vẻ vang nòi giống,
Xứng danh nghìn năm giống Lạc Hồng!


Trên mặt trận, thanh niên hai chiến tuyến cùng ca hai bài hát do cùng một nhạc sĩ sáng tác rồi xông lên giết nhau, chỉ riêng điều đó thôi cũng đã thấy cay đắng rồi. Lại giả tưởng rằng, Nguyễn Hòa cũng như tôi sinh ra tại miền Nam thời đó, còn họ lớn lên ở miền Bắc, liệu chúng ta ra trận hay trốn quân dịch, chúng ta có hành động khác với “trai thời loạn” không? Chúng ta, (anh, tôi và họ) có yêu nước không?

Trong chiến tranh, những người con ưu tú của dân tộc đã nhả đạn vào nhau bởi động lực khác nhau. Có một sự thật không ai chối cãi là chúng ta đã tàn sát lẫn nhau. Dù phe nào đi nữa thì ai cũng có thể nói rằng mỗi tấc đất của tổ quốc đều thấm bao máu đào của những anh em cùng chung dòng giống ngã xuống vì đất nước. Nhưng thử hỏi có những ai thật sự đau nỗi đau này? Gọi tên gì cho cuộc chiến ư? Hãy đếm xác binh lính và thường dân trên toàn cõi Việt Nam mà đặt tên cho nó. “Cuộc chiến năm triệu mạng” chẳng hạn.

Sau 30 năm nhìn lại, liệu với kiểu qui chiếu của mình, Nguyễn Hòa có dám khẳng định những kẻ thù năm xưa, “bè lũ bán nước” trước đây mà hiện nay là những oan hồn đang tủi hờn nơi chín suối và những cựu chiến binh, thương bệnh binh đang sống trong và ngoài nước đều là những người không có lòng yêu nước hoặc là “yêu nước giả hiệu, cơ hội” không? Tôi chắc chắn họ không phải là những tên ác ôn mất hết nhân tính, mù quáng cầm súng bảo vệ chế độ tay sai Mỹ cũng như chúng ta không thể là “các thế hệ thanh niên miền Bắc bị đánh bùa mê đến nỗi chỉ biết hận thù, đấu tranh, giết chóc” (Trần Trung Đạo).

Không ai có quyền thóa mạ lòng yêu nước của những người lính can trường, dẫu họ còn sống hay đã chết, thuộc phe này hay phe kia. Cũng không ai có quyền đưa ra những định nghĩa cứng nhắc hoặc giữ mãi những thành kiến có sẵn để phủ nhận hay bóp méo lòng yêu nước. Quá khứ đã quá đau thương rồi, nhưng với hiện tại còn đầy thù hận như tôi đang thấy thì bao giờ mới có tương lai phồn vinh cho dân mình? Thánh, Trời, Chúa, Phật đều ở xa, chỉ có ta với ta, không dẹp bỏ được hiềm hận dĩ vãng thì con cháu ta trở thành dân Tầu có lẽ cũng không muộn lắm đâu.

30 năm trước, “lý tưởng quốc gia” có thật hay giả hiệu cùng với “chủ nghiã cộng sản” khoa học hay lỗi thời, đã chia rẽ dân tộc Việt, gây nên chiến tranh tang tóc. Ngày nay, trong hòa bình, chỉ có lòng yêu nước thuần khiết, tinh chất mới có thể trở thành chất keo gắn bó người Việt lại với nhau, dẫu trước kia họ là ai và bây giờ họ ở đâu, kể cả những người sinh sau cuộc chiến. Thiết nghĩ, không ai được “độc quyền yêu nước” cần phải được hiểu trên tinh thần như thế và đó mới chính là chìa khóa để “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.


4.

Trong bài viết của Nguyễn Hòa có một chi tiết khiến tôi thấy thú vị. Đó là đoạn anh viết về xuất xứ tên của anh và con anh. Hòa Bình luôn luôn là điều mong mỏi của bất cứ người lính, người dân nào trên hai miền đất nước từng trải qua chiến tranh như anh và tôi. Từ những chết chóc đau thương và những tàn phá hủy diệt chúng ta chỉ khao khát yên bình. Khi đất nước đã im tiếng súng, chúng ta vẫn luôn cầu mong thằng Bình con anh, cái Minh con tôi cũng như muôn đời con cháu sẽ không bao giờ phải cầm súng bắn bất cứ ai hoặc bị ai bắn nữa. Bình Minh của chúng ta đang sống trong Hòa Bình.

Nhưng Hòa bình chỉ là chấm dứt Chiến tranh. Chỉ có Hòa bình thôi không đủ. Với mỗi người, với mỗi dân tộc, với cả loài người còn có một khát vọng nữa cũng mang giá trị muôn thuở, đó là Tự do. Tự do bất diệt. Hẳn Nguyễn Hòa biết rõ xuất xứ của câu này: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”. Trong những năm qua, Bình Minh của chúng ta và tất cả những người trẻ sinh sau 1975 nào đã có quyền bình đẳng, được sống trong Tự do và Hạnh phúc? Nước Việt Nam đã độc lập, thống nhất, người dân nước Việt đã được hưởng hòa bình, nhưng Tự do vẫn là ước mơ quá xa vời.

Ai đó đã nói nhỉ, tự do ngôn luận là linh hồn của tự do. Với hơn 600 tờ báo, Việt Nam vẫn không hề có tự do báo chí bởi tất cả những tờ báo đó được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Nhưng làn gió dân chủ của Hiệu ứng domino ngược vẫn thổi đến Việt Nam, xóa bớt sự sợ hãi trong dân chúng đồng thời giúp họ thêm hy vọng vào qui luật phát triển tất yếu của xã hội văn minh.

Đọc bài của Nguyễn Hòa trên báo Đảng, tôi hiểu anh chỉ là người thừa hành. Đọc các bài tranh luận của anh trên talawas, tôi cảm thông với anh, anh viết rõ ràng “mềm” hơn trước rất nhiều. Tôi sẽ hoan nghênh nếu đúng là anh viết chỉ bởi chính anh. Theo tôi, đó là hành động dũng cảm của cựu chiến binh Nguyễn Hòa. Anh đã vượt qua nguyên tắc của tổ chức khi gửi bài cho một website ở nước ngoài và có thể anh đang gặp phiền phức vì việc “xé rào” này. Tôi muốn chúc anh tiếp tục vững tiến trong cuộc hành trình tìm sự thật qua đối thoại. Đó cũng chính là bước đi của dân chủ phải không anh?

Đầu bài viết, tôi đã cám ơn anh, trước khi dừng bút, tôi lại muốn cám ơn anh lần nữa. Như khá nhiều bạn đọc khác, tôi chỉ thích đọc. Rất nhiều lần tôi đã cầm bút viết nháp những suy tư của một cựu chiến binh trước thời cuộc nhưng rồi lại xé bỏ do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là người dân không có quyền phát biểu chính kiến của mình dù hiến pháp đã ghi. Chính những trang viết của Nguyễn Hòa đã như giọt nước làm tràn ly, khiến tôi không thể nấn ná nữa, tôi cầm bút viết bài đầu tiên “trình làng”. Cuộc đời tôi về nhiều điểm có thể coi như giống Nguyễn Hòa. Tôi sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh và rồi cầm súng trong chiến tranh. Rất có thể ngày vào Đảng của tôi có lẽ cũng khá gần với ngày anh Hòa vào Đảng, nghĩa là ngót nghét trên dưới 30 năm. Vậy mà sao giữa anh và tôi, những người chung chiến hào năm xưa lại có vẻ khác trận tuyến hôm nay? Tôi không tin như thế, giữa anh và tôi vẫn có tình đồng đội vì tôi hoàn toàn nhất trí với điều anh viết, chúng ta đều là những“người Việt Nam bình thường và luôn luôn mong muốn những điều tốt lành cho đồng bào của mình”. Tôi muốn bổ sung thêm, và chúng ta cùng thể hiện lòng yêu nước thuần khiết của mình qua những hành động cụ thể nhằm thực hiện lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tôi muốn viết thêm đôi dòng nữa gửi người đồng đội. Khi tôi ngồi nháp, vợ tôi nước mắt lưng tròng, kéo tay chồng, xin chồng đừng viết. Em lo lắng một cuộc sống bất ổn có thể đến với gia đình yên ấm của em. Em hiểu một khi đã có bài đầu tiên tất sẽ có bài khác tiếp theo và những hệ lụy của nó là điều có thể hiểu được trong xã hội toàn trị này. Tôi không thể cất đi những âu lo trĩu nặng trong em và vì thế chỉ biết nhắc lại đoạn kết trong một bức thư ngỏ:

“Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có!”

© 2005 talawas