© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
26.5.2005
Hà Minh
Bài văn "lạ" mà không… lạ
 
Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi.
Tớ có một điều xin bảo thật
Ai mà cười tớ nó ăn bòi!


(Trạng Quỳnh)


Sự kiện bài văn lạ đang gây xôn xao dư luận không chỉ riêng "làng giáo", nó là giọt nước làm tràn ly nước "giáo dục" đã quá ứ đọng. Đã có nhiều ý kiến qua lại từ hai phía ủng hộ và phản bác ý kiến cá nhân của em Nguyễn Phi Thanh học sinh lớp 11. Hai phía đều tranh luận với những lập trường, quan điểm riêng, khá phân cực, cho nên các ý kiến trở thành "ông nói gà bà nói vịt". Tình trạng bức xúc về việc học văn, dạy văn tại các trường phổ thông, nói rộng ra là tình trạng dạy và học nói chung không phải chuyện lạ, chuyện khoa cử, trường ốc đã và sẽ còn là đề tài muôn thuở: thời các cụ, tình trạng thi cử, lều chõng, trường quy cũng gian nan vất vả như thời bây giờ: cụ Tú Xương người đã thi rớt đến tám lần: "…Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy" cuối cùng cũng phải kêu trời, để xả cái ức trong người:

Cử nhân cậu Ấm Kỷ
Tú tài con Đô Mỹ
Thi thế mới là thi
Ới khỉ ơi là khỉ

Thời Pháp thuộc, thế hệ các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng,… học trường Tây lại có cái khổ khác của nó: nào là nhai văn chương "mẫu quốc" như nhai cơm sống: cảm xúc ngày tựu trường lại là cảm xúc của ông Tây con (Anatole France), nào là phải học sử "Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa (Gaulois)…" Đến thời như chúng tôi đi học (thời chiến tranh chống Mỹ), văn học cũng xào đi xào lại một vài tác phẩm, vài dòng văn học, quanh đi quẩn lại vài ba cái tên. Dĩ nhiên thời nào cũng có một số "chim mồi" được "mớm" cảm xúc để mà tán dương, ca tụng. Thôi thì gặp thời thế thế thời phải thế. Đâu có quyền được đòi hỏi hay lựa chọn. Chuyện khoa cử lại càng buồn: "Cửa trường đại học cao vời vợi, mười thằng leo thì chín thằng rơi". Cho nên phản ứng yêu ghét của học trò đối với bất kỳ nền giáo dục nào đều có những mặt rất tương đồng, và đó không phải là chuyện lạ.

Cái lạ ở đây có lẽ là ở cái cách phản ứng của em Phi Thanh, và điểm lạ nữa là rất nhiều báo chí đón nhận tin này một cách nồng nhiệt, do đó kéo theo một làn sóng phản ứng từ đông đảo quần chúng như một "cơn bão trong ly nước".

Để hiểu tương tận những bức xúc của em Thanh, trên cơ sở đó đánh giá những quan điểm của cả hai phe "bênh" và "chống", ta hãy nghe xem em nói gì:

"… Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là ‘Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc’ nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc..."

Đây là phạm trù quan điểm cá nhân: em Thanh có quyền thích và không thích một tác phẩm: nếu không thích chắc chắn sẽ không thể viết hay, nếu viết không hay thì không nên đi thi: vậy em Thanh có bị bắt buộc phải đi thi không? Và nếu việc thi cử là bắt buộc (như thi tốt nghiệp chẳng hạn) thì có bắt buộc phải có những đề thi như vậy không? Tuy nhiên thích hay không thích không phải là tiêu chí để đánh giá một tác phẩm văn học.

«Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này

Câu này có lẽ em viết hơi nặng về cảm tính, dĩ nhiên nó có thể đúng và cũng có thể sai.

Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình.

Lập luận của em Thanh chưa vững: không nhất thiết phải sống trong thời chiến mới thấy rung động vì một tác phẩm ca ngợi chiến tranh. Tôi vẫn thấy hào hùng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa thuở trước, dĩ nhiên chiến tranh chống Mỹ vẫn để lại nhiều ấn tượng hơn vì chúng tôi đã chứng kiến. Nhà thơ Thanh Thảo đã đưa ra hình ảnh rất gợi cảm: "Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc là ngôi đền thiêng trong văn học Việt Nam", tôi rất thích nhận định này. Ông Phi Văn hơi quá lời khi viết: «ông Thanh Thảo,… hiện ra trong trang phục tăng lữ và dõng dạc cất lên tiếng nói rất hình cảnh (cảnh sát hình sự) về thơ, người ta hiểu ông đang canh giữ, bảo vệ một ngôi đền thiêng và răn đe trẻ hư: “chớ dại…”. Ông Thanh Thảo và bà Minh Thái không sai khi ca ngợi tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

 «Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc...»

Môn lịch sử quả là có khô khan, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, nếu có cách để học sử hay học văn tốt hơn xin em cho biết ý kiến cụ thể.

«Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?... Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ...»

Bài văn tế có khó hiểu không? Có cứng nhắc không?

Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào đối tượng được hỏi: nếu hỏi TS Nguyễn Thị Minh Thái hoặc nhà thơ Thanh Thảo, ta sẽ được câu trả lời là cả một tác phẩm phê bình "hoành tráng", còn trông đợi ở các em học sinh trung học những lời "ca ngợi" tác phẩm này thì quả là rất khó khăn nếu không nói là các em sẽ phải nặn ra những cảm xúc giả tạo (như tôi đã từng phải "rặn" ra rất nhiều cảm xúc "xót thương" thời còn mài đũng quần dưới mái trường xã hội chủ nghĩa). Điều này em Thanh đã tái khẳng định: «Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ...»

Em Thanh viết:

"Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen – chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình (Hoài Thanh, Hoài Chân...)... Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi, tất cả chỉ vì áp lực của điểm số... "


Câu này tôi thấy em nói đúng quá: cảm thấy không hay nhưng không dám chê vì sao? Câu hỏi đã có câu trả lời: vì áp lực điểm số. Nếu trên đời này ta không thích cái gì mà ta được chê thì đó là hạnh phúc đấy em Thanh ạ. Em đã dám chê đấy chứ, vậy là em là người hạnh phúc và em đã không chịu "áp lực" nào nữa. Những người hay "chê" ngày xưa thường được gọi là gián quan, có khi còn bị cắt lưỡi, bởi vì bề trên chỉ thích nghe khen thôi, cụ Chu Văn An dâng thất trảm sớ để chê lũ nịnh thần nhưng cũng bị vua lờ đi đấy thôi. Tôi trung như Tô Hiến Thành, vua cũng chẳng nghe. Lời nói phải thường là lời nói khó nghe. Trong xã hội ta xưa và nay, còn nhiều người không dám chê đâu em ạ, nhà thơ Chế Lan Viên chỉ trước khi qua đời mới dám chê "bánh vẽ", thứ bánh ông ấy ăn trọn cuộc đời, ông ấy cũng đã chịu "áp lực" của chính những chiếc bánh vẽ ấy cho nên mới căm ghét nó, rồi đến mới đây có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong "Trò chuyện với hoa thủy tiên" kia cũng mới "chê" một tý thôi thì đã đụng đến cả một tập thể to lớn…

Tôi xin hỏi ngược: nếu các em chịu áp lực điểm số thì các thầy, các cô chịu áp lực gì? Nếu mà ngành giáo dục cũng chịu áp lực của xã hội và thị trường thì sao nhỉ? Giáo trình giáo án chắc chắn sẽ phải được biên soạn và xem xét kỹ lưỡng hơn cho phù hợp với các đối tượng giáo dục mà nó hướng tới. Mà xét cho cùng, tại sao phải cần học văn, ta nên chỉ giới hạn ở học ngôn ngữ thôi thì đã sao, còn văn nên quy định là môn học tự chọn. Ở một số nước: tiếng bản địa là môn học bắt buộc, nhưng văn học lại không bắt buộc, họ lý luận rằng ngôn ngữ là hệ thống tiêu chuẩn, học sinh bắt buộc phải biết đọc viết chính xác, hành văn lưu loát, xử lý văn bản, hiểu tinh thần văn bản chính xác, thế là đạt yêu cầu. Còn văn học là môn học nâng cao, chỉ dành cho người có năng khiếu. Vậy là họ chậm tiến hơn ta chăng? Họ dạy văn và học văn như thế mà vẫn có nhiều nhà văn "ngang tầm thời đại" hơn chúng ta là cớ làm sao?

"Em biết bài viết này của em là hoàn toàn lạc đề, em không chỉ ra được cái đẹp, cái hay của tác phẩm bởi em không thấy nó hay, không thấy nó đẹp. Em cũng biết bài văn này cũng không được điểm nào, nhưng em chỉ muốn nêu lên chính kiến của mình trước tác phẩm, cũng như những bức xúc của một HS, khi phải học một chương trình không phù hợp. Em không muốn phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em hy vọng các thầy cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".

Đúng, em sẽ không được điểm nào nếu người chấm muốn em viết về bài văn tế. Nhưng nếu người chấm là những người đang bức xúc với nền giáo dục này sẽ sẵn sàng cho em 20/10 điểm, vậy điểm số cũng chỉ là thước đo quan điểm mà thôi, hà cớ em phải buồn. Em sẽ chỉ thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của điểm số nếu em mạnh dạn trút bỏ nó.

“Và em hy vọng các thầy cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".

Tôi cho rằng đây là ý kiến đáng lưu tâm nhất trong toàn bài của em Thanh: tại sao các thầy các cô không có ít ra vài ba đề thi để các em lựa chọn: xin đưa ra một ví dụ nhỏ: học sinh lớp 12 ở Úc có một danh mục khoảng 18 tác phẩm văn xuôi (trong cùng một đề thi) để lựa chọn. Các thầy cô nghĩ sao về việc này: nên có một vườn hoa để các em đua nhau nở hay là ta chỉ nên trồng một thứ hoa mà thôi? Sự đa dạng, phong phú là điều chúng ta luôn hướng tới: Một thị trường cần nhiều người mua kẻ bán thì mới lành mạnh, không ai phải chịu "áp lực" của ai và mọi người cùng có lợi. Các cụ đã nói "trăm người bán vạn người mua" mới thành cái chợ, chứ nếu chỉ có một người bán vạn người mua thì chỉ còn là cái trại tế bần mà thôi. Một quốc gia cần nhiều đảng phái, chính kiến, để mà tạo thế cân bằng như đã thấy ở các nước phát triển trên thế giới. Cho nên việc em yêu cầu các thầy cô linh hoạt hơn là điều dễ hiểu và rất nên trân trọng: thị hiếu con người là thứ phong phú và đa dạng nhất.

© 2005 talawas