© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
30.5.2005
Keith W. Taylor
Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến 19
Lê Quỳnh dịch
 1   2 
 
Lời giới thiệu của dịch giả: Trong một thời gian dài, đa số các học giả nước ngoài đồng ý rằng chỉ có một lịch sử Việt Nam duy nhất và một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Nhưng gần đây có một số thay đổi trong xu hướng nghiên cứu. Đọc ở Hà Nội năm 1998 trong Hội nghị Việt Nam học, Keith W.Taylor nhắc đến khuynh hướng nhấn mạnh vào “những vùng và địa phương hoặc các nhóm xã hội hay chính trị trong quá khứ đã bị bỏ qua hay là không được coi trọng bằng các chủ đề thống nhất của các phạm trù dân tộc.” (“Việt Nam học ở Bắc Mỹ”, trong tập Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam, NXB Thế giới, 2002)

Trong một phỏng vấn của đài BBC năm 2003 về quá trình thay đổi tư tưởng của ông, Keith W.Taylor nói ông hồ nghi “về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục”, vốn là quan điểm được các học giả nghiên cứu về Việt Nam tán đồng trước đây.

Bài tiểu luận này in trong quyển Guerre et paix en Asie du Sud-Est do Nguyễn Thế Anh & Alain Forest chủ biên. Tên tiếng Anh của bài: “Regional Conflicts Among the Việt Peoples Between the 13th and 19th Centuries” (1998)

Một phiên bản khác của bài này sau đó được Keith W. Taylor bổ sung thêm và in với tựa đề “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region” trong Journal of Asian Studies 57, 4 (Nov. 1998): trang 949-978.
Trong thế kỷ 20, các mô tả về lịch sử và văn hóa Việt Nam đã đặt trọng tâm vào những mô hình về sự thống nhất và liên tục. Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ khảo sát những sự tương quan có thể có giữa suy nghĩ và nơi chốn, giữa các cách làm người Việt và địa hình. Mục đích của tôi là đặt những sự hình thành tư tưởng và hành động của người Việt vào từng địa điểm cụ thể ở không gian và thời gian khi chúng xuất hiện.

Tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ tương đối tổng quát để thảo luận những sự kiện trải dài trong nhiều thế kỷ và nhiều khu vực. Trong một số trường hợp, cái nhìn của tôi dựa trên những nghiên cứu chi tiết về các chủ đề đã được đề cập bởi tôi hay nhiều người khác. Trong các trường hợp khác, tôi nương theo trực giác, nhường cho các nghiên cứu tương lai xác nhận hoặc bác bỏ quan điểm của tôi. Tôi hướng đến một cái nhìn chặt chẽ mà có thể giúp ích cho nghiên cứu tương lai nhờ sự khơi gợi hoặc khích động; tôi không tự phụ cho rằng quan điểm của mình là dứt khoát đúng.

Tôi đã chọn thảo luận sáu cuộc xung đột liên quan năm vùng trong năm thế kỷ. Các xung đột vùng này có thể liên quan đến sự mở rộng biên giới phía nam của các dân tộc nói tiếng Việt và sự thể hiện các quyền lợi chính trị của các vùng. Chúng cũng có thể liên quan các hình thức địa phương của tôn giáo, ý thức hệ, ngôn ngữ và văn hóa. Phương pháp của tôi là sẽ ngắn gọn duyệt lại các cuộc xung đột và bày tỏ một số bước phân tích có thể áp dụng cho các xung đột này.

Có bằng chứng về xung đột tại các địa phận được cho là nơi tổ tiên người Việt hiện đại từng cư trú từ thời xưa nhất mà văn bản còn ghi lại, dù là chuyện về các vua Hùng huyền thoại, hay các văn bản lưu giữ tại Trung Quốc, hay những sự kiện ghi trong biên niên sử của Việt Nam [1] . Trong những năm cuối trị vì của Lê Hoàn, vào đầu thế kỷ 11, các cuộc chinh phạt của triều đình liên tục tấn công những cư dân của khu vực mà nay là các tỉnh Vĩnh Phú, Thanh Hóa và Nghệ An [2] , tất cả tọa lạc ở bên rìa hay bên ngoài đồng bằng sông Hồng rộng lớn nơi khi đó là trung tâm quyền lực của hoàng gia. Con trai và là người nối nghiệp của Lê Hoàn, Lê (Long) Đĩnh, tiếp tục đưa quân tấn công các dân tộc ở Thanh Hóa và Nghệ An và xây một con đường xuyên qua các tỉnh miền nam này để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cuộc chinh phạt [3] . Vị vua tiếp theo, Lý Công Uẩn, cũng mở chiến dịch chống các tỉnh miền nam này, nói rằng ông không thể không tấn công người dân Nghệ An vì họ “không tôn trọng những hướng dẫn khai hóa” [4] . Những dấu hiệu chiến tranh trong đầu thế kỷ 11, khi một chế độ triều đình địa phương đang bắt đầu hình thành, có thể được hình dung như xung đột giữa tổ tiên của những dân tộc mà trong thời hiện đại đã được phân biệt, theo ngôn ngữ và xã hội, là các chi người Kinh (vùng thấp) và người Mường (vùng cao) của các dân tộc Việt. Đó không phải là những chương riêng lẻ.

Hai cuộc xung đột đầu tiên trong sáu xung đột tôi muốn nhắc đến diễn ra giữa nơi tôi gọi là Đông Kinh, tức đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, với Thanh Nghệ, tọa lạc nơi miền nam và bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Cần nhắc rằng phương ngữ tại phần phía nam của Thanh Nghệ, tức Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) lại gần với tiếng Mường hơn là tiếng Kinh. Ngay cả hiện nay, giữa những người làm việc trong chính phủ và giới khoa bảng ở Hà Nội, cũng có sự nhận thức về tương quan ảnh hưởng và quyền lực giữa người từ Hà Nội và các tỉnh xung quanh với người từ Thanh Nghệ (Thanh Nghệ Tĩnh hay Nghệ Tĩnh). Không phải ai cũng nhớ rằng các khu vực này từng gây chiến với nhau trong đầu thế kỷ 15 và hầu như trong suốt thế kỷ 16.

Chương xung đột đầu tiên tôi chọn để thảo luận đã gần như bị chôn sâu đằng sau khung viết sử theo hình thức kháng chiến chống ách đô hộ quân Minh trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 15. Nhưng cái điều được xác quyết hời hợt như cuộc chiến ‘giải phóng dân tộc’ lại có vẻ khác hẳn khi được xem xét kỹ.

Vào cuối thế kỷ 14 Hồ Quý Ly đã kiểm soát triều Trần và năm 1400 tự lập triều đại riêng. Trong khi nhà Trần là người thuộc đồng bằng sông Hồng, Hồ Quý Ly là người từ Thanh Nghệ, và ông xây một thủ đô mới ở Thanh Hóa. Việc ông không giành được sự trung thành của vùng Đông Kinh là một yếu tố quan trọng trong việc nhà Hồ không chống nổi cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407, thời điểm khi Hồ Quý Ly từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh và tìm cách phòng thủ bờ nam của sông Hồng. Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Đông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và rằng nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này, đặc biệt là họ Mạc, đã trung thành phục vụ quân Minh. Năm 1407 người Minh nói hơn 1100 nhân vật có thế lực địa phương bày tỏ sự trung thành với nhà Minh và yêu cầu vùng đất của họ sát nhập vào đế quốc Trung Hoa. Tài liệu của nhà Minh ghi lại rằng hơn 9000 người địa phương sau đó đã đến thủ đô nhà Minh để được sắc phong làm quan chức cấp tỉnh. Hiệu lực của sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương [5] .

Không khó để đọc cái gọi là ‘phong trào giải phóng dân tộc’ của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía nam. Cái nhìn này đi ngược với cách viết sử của nhà Lê và cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại, nhưng khi xét các sự kiện về sau, nó lại đáng tin hơn so với khuynh hướng thông thường giả tảng như nhiều ngàn người phục vụ quân Minh hoặc đã biến mất vào màn sương phương bắc hoặc bỗng dưng quay lại thành người yêu nước.

Vai trò của Nguyễn Trãi, sĩ phu Đông Kinh nổi tiếng và là người về nam để gia nhập đoàn quân Lê Lợi ở Thanh Nghệ, không phải là nhân vật tiêu biểu hay đại diện cho xu thế chung của quê ông. Các bài thơ ông viết trong thời Minh và trước lúc ông về nam phục vụ Lê Lợi, thể hiện, như cách dùng từ của O.W. Wolters, “một người xa lạ ngay trên mảnh đất của mình” [6] . Nhiều bài văn ông viết sau khi ông về nam là những lá thư gửi người cùng thời phục vụ nhà Minh, thúc giục họ xoay sang phục vụ Lê Lợi [7] . Sau này Nguyễn Trãi bị cô lập và triệt tiêu – bị cáo buộc tội giết vua và bị xử trảm năm 1442. Thảm kịch này chắc chắn có sự tác động của việc ông đã tách mình khỏi cả những người đồng hương ở Đông Kinh để phục vụ quyền lợi của Thanh Nghệ, và mặt khác, những bài thuyết lý của ông về cách cai trị và nỗ lực của ông muốn đưa thêm người Đông Kinh vào phục vụ công việc triều chính lại khiến ông bị cô lập bởi những thế lực đang lên từ Thanh Nghệ.

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) thường được xem là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam bởi vì ông tạo lập một chính quyền trung ương kiểu Trung Hoa và đã có cuộc chinh phục Chămpa. Thế nhưng thành tựu quan trọng nhất của ông lại không thường được công nhận: đó là thành công của ông trong việc tập hợp đoàn cận thần dung hòa cả quyền lợi của Đông Kinh và Thanh Nghệ. Triều đại của ông, và âm hưởng trong sự trị vì của người con nối nghiệp, đã tạm thời dập tắt các căng thẳng nhờ việc đáp ứng các quyền lợi của các phe. Một khía cạnh trong sự đáp ứng này là việc chinh phục lãnh địa người Chàm ra tới đèo Cù Mông, ở biên giới phía nam của nơi sau đó là tỉnh Bình Định. Nó đem lại cho phe Thanh Nghệ một khoảng không gian mới cho tham vọng của họ. Một khía cạnh khác trong sự đáp ứng quyền lợi này là các khoa thi tạo cơ hội nhập triều chính cho những người Đông Kinh có gia đình từng phục vụ người Minh [8] . Tuy vậy thành công của vua Lê Thánh Tông phần lớn bắt nguồn từ uy tín cá nhân của ông. Nó thể hiện rõ khi chỉ hơn một thập niên sau khi ông mất, triều đình bắt đầu phân rã thành những phe nhóm diệt nhau để rồi sau đó khởi đầu cho ba thế hệ chiến tranh giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ, tức là cuộc nội chiến Lê-Mạc của thế kỷ 16. Đây là chương xung đột thứ hai mà tôi chọn thảo luận trong bài viết này.


*


Sự hỗn loạn trong đầu thế kỷ 16 thể hiện qua những cuộc nổi dậy của nông dân ở Đông Kinh, mà lớn nhất là của Trần Cao. Đó là một nhà sư tự nhận mình là Đế Thích giáng sinh và hậu duệ nhà Trần. Những sự hỗn loạn này có thể dễ dàng được hiểu là phản ứng mang tính Phật giáo của Đông Kinh trước thay đổi được gán cho triều Lê của Thanh Nghệ và yếu tố Nho giáo của nó [9] . Nhân vật tái lập trật tự ở Đông Kinh, Mạc Đăng Dung, là thành viên trong cùng gia đình họ Mạc mà từng ủng hộ nhà Minh một thế kỷ trước. Ông tập hợp nhóm cận thần mở rộng cửa cho các gia đình Đông Kinh và thành công trong việc huy động sự ủng hộ địa phương [10] . Một chi tiết quan trọng nhưng ít được nhắc tới là Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ 16 và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này.

Trịnh Tùng, người dẫn đầu cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh trong thập niên 1590, đã tổ chức sự chiếm đóng quân sự tại Đông Kinh mà vẫn còn thể hiện rõ khi Alexander de Rhodes sống ở đó trong thập niên 1620 và 1630. Alexander de Rhodes tường thuật, có vẻ với sự phóng đại, rằng 50.000 lính từ Thanh Nghệ đóng thường trực tại “hoàng thành” ở Đông Kinh để bảo vệ những người trị vì và đàn áp các cuộc nổi dậy ở các tỉnh xung quanh Hà Nội. Bên cạnh đó còn là các đoàn thủy quân lớn tuần tra trên sông “để bảo vệ ông hoàng trước mọi phe phản loạn” [11] . Cho đến tận năm 1630, các cuộc càn quét của họ Mạc từ thung lũng Cao Bằng phía bắc, nơi nhà Mạc tiếp tục trị vì cho đến thập niên 1670, thể hiện dư âm cuộc nổi dậy chống lại nhà Trịnh của những cư dân vùng phía đông Đông Kinh [12] . Cho mãi đến thập niên 1650, dưới sức ép của thất bại quân sự ở miền nam, nhà Trịnh mới bắt đầu thu phục nhiều người Đông Kinh dưới trướng của họ. Kết quả của việc này là cuộc xung đột phe nhóm kéo dài dựa trên các cạnh tranh quyền lợi địa phương [13] . Các căng thẳng tương tự cũng thể hiện trong các cuộc nổi loạn lan rộng hầu khắp Đông Kinh trong thập niên 1740, 1750 và 1760 khi các đoàn quân nông dân địa phương bị lính từ Thanh Nghệ đàn áp sau nhiều năm đánh nhau.

Qua những gì trình bày, điều mà tôi hi vọng thể hiện là cuộc xung đột vùng giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ là đặc điểm nổi bật trong hình dung của chúng ta về một kinh nghiệm lịch sử Việt Nam. Đông Kinh là đồng bằng trồng lúa rộng lớn với dân số tương đối đông dọc các dòng sông và biển; người dân ở đây xem vùng rừng núi chủ yếu là điều gì đó xa lạ. Thanh Nghệ chạy dài vào miền nam với đồng lúa thưa thớt giữa các đồi và núi; đồi núi ở nhiều nơi kéo dài ra vùng duyên hải; những người trồng lúa sống như các láng giềng gần của các nhóm miền cao có cách sống ít mang tính nông nghiệp hơn. Trong nhiều thế kỷ, Đông Kinh dày đặc các chùa chiền và lâu đài; các quan lại người Trung Hoa và vua nước Việt đã cai trị ở Đông Kinh nhiều thế kỷ. Trong nhiều thế kỷ, Thanh Nghệ là vùng biên giới tương đối hoang vu giữa Đông Kinh và khu vực người Chàm ở phía nam. Bắt đầu với Hồ Quý Ly và sau đó với Lê Lợi, Thanh Nghệ trở thành khu vực của các vị vua và lãnh chúa có khao khát thống trị Đông Kinh; đó là nơi tuyển quân cho triều đình và là quê hương của những người nghĩ rằng họ phải lao động kham khổ giữa sự nhũng lạm miền bắc của Đông Kinh. Đông Kinh, mặc dù có liên hệ chặt chẽ hơn với văn hóa Trung Hoa, không thể cạnh tranh về mặt quân sự với Thanh Nghệ, bởi vì đằng sau Thanh Nghệ là một vùng rộng lớn của những người nói tiếng Việt, một kho tiềm tàng nguồn nhân lực bổ sung lính nhập ngũ, những người không quen với và không chịu ràng buộc bởi những lề thói của người nông dân trồng lúa. Đổi lại, Thanh Nghệ không thể thống trị khu vực nếu nó mở rộng ra ngoài tầm với của Thanh Nghệ; trong thế kỷ 17, nỗ lực trong suốt nhiều năm của Thanh Nghệ muốn kiểm soát các lãnh địa nằm sâu về hướng nam đã kết thúc trong thất bại. Vậy loại khu vực nào xuất hiện sau Thanh Nghệ?


*


Đèo Ngang và dải Hoành Sơn, ở biên giới phía nam của Thanh Nghệ, đã là mũi phía nam của vương quốc người Việt trong nhiều thế kỷ. Đằng sau nó là một đồng bằng hẹp dọc biển, rộng khoảng 30 cây số giữa núi và biển, kéo dài khoảng 250 cây số đến đèo Hải Vân. Khu vực này, thời hiện đại gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, được các nhà cai trị người Việt trong thế kỷ 15 và 16 gọi là Thuận Hóa; nó bao gồm các lãnh thổ thay phiên bị chiếm, bị chinh phục bởi những nhà cai trị Trung Hoa và Việt Nam suốt nhiều thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ 15, nó vẫn là vùng biên giới tranh chấp bởi các vua Chàm. Trong thập niên 1470, vua Lê Thánh Tông đưa quân vượt qua Thuận Hóa, chinh phục và đóng quân trên ba trăm cây số lãnh thổ dọc biển nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, mà khi đó gọi là Quảng Nam, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diễn biến này mở cửa biên giới phía nam cho sự bành trướng chưa từng có của người Việt.

Danh từ ‘nam tiến’ đã trở thành một phạm trù quan trọng trong cách viết sử của Việt Nam. Dù được nhìn tiêu cực như sự xâm chiếm hay tích cực như một sức mạnh, thì danh từ này thường được phân loại như một điều có sẵn trong cái gọi là tính cách Việt Nam, một tiến trình đã diễn ra trong suốt lịch sử Việt Nam, và theo mô hình này, nó được xác định là bắt đầu từ thế kỷ 10 khi người Việt được cho là đã thoát khỏi sự kiểm soát của sự cai trị Trung Hoa. Tôi thì muốn chia phạm trù này thành những chương cụ thể và xem những sự hình thành khác nhau của các sự kiện tại các thời điểm và nơi chốn khác nhau. Lãng mạn hóa hay chê trách việc mở rộng về phía nam của người Việt trong tiến trình nhiều thế kỷ cũng đều khiến chúng ta không thấy được những gì đã xảy ra ở một thời điểm hay nơi chốn nhất định. Tôi sẽ không nói về nam tiến. Thay vào đó, tôi sẽ nói về sự hình thành các phiên bản mới của việc làm người Việt Nam ở ba khu vực vừa mới có người Việt sinh sống ở bên ngoài đèo Ngang: Thuận Quảng, Bình Định và Nam Bộ.

Nơi đầu tiên của các vùng này tôi sẽ gọi là Thuận Quảng, một cách nói tắt từ hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của thế kỷ 15 và 16, nhưng đã được định nghĩa lại cho mục đích của tôi để loại trừ khu vực sâu trong phía nam, Bình Định, một nơi có sức mạnh khu vực riêng của nó trong thế kỷ 18. Như thế Thuận Quảng ở đây là tập trung vào một trung tâm chính trị ở Phú Xuân (Huế) và một trung tâm buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng. Sự trỗi dậy của Thuận Quảng với tư cách một trung tâm quyền lực khu vực mới trong hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa đã bắt đầu bằng việc di dời của Nguyễn Hoàng và tùy tùng vào khu vực này năm 1558. Nguyễn Hoàng xuất thân từ Thanh Nghệ và liên minh với các phe khác của Thanh Nghệ chống lại nhà Mạc ở Đông Kinh. Trong thập niên 1590, Nguyễn Hoàng đưa quân từ Thuận Quảng tham gia vào các chiến dịch chặng cuối đuổi quân Mạc ra khỏi Đông Kinh. Tuy vậy, các nỗ lực của Trịnh Tùng muốn đặt Nguyễn Hoàng ở dưới uy quyền của ông ta thất bại, và vào năm 1600, Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng và củng cố sức mạnh của gia đình tại đó [14] .

Trong những năm 1620, căng thẳng giữa những người con của Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng bùng nổ thành cuộc chiến, và giao tranh kéo dài hơn 50 năm. Các từ áp dụng cho hai bên thể hiện một cảm thức mạnh mẽ của sự phân biệt không gian. Vương quốc phía bắc, do họ Trịnh cai trị, được gọi là Đàng Ngoài, và vương quốc phía nam của họ Nguyễn được gọi là Đàng Trong. Các từ ‘ngoài’ và ‘trong’ có thể hiểu đơn giản như ngôn từ phân cách tính chất trung ương và bên lề, hoặc chúng có thể được soi sáng bằng một cặp diễn đạt khác đươc sử dụng trong thế kỷ 15 để diễn tả việc đi lại dọc trục bắc – nam: vào nam, và ra bắc. Ý niệm về việc đi ‘vào’ phía nam và ‘ra’ bắc, miền nam ‘ở trong’ và miền bắc ‘ở ngoài’ đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phân tích dựa trên kinh nghiệm đi lại giữa vùng đồng bằng mở của sông Hồng với Hà Nội là trung tâm và các lãnh thổ hẹp phía nam bị hạn chế giữa núi và biển [15] . Giải thích này là khả tín khi dựa trên trải nghiệm địa hình của con người.

Làm thế nào những người sống ‘ở trong’ không gian miền nam hẹp có thể chống đỡ các đợt tấn công liên tiếp của người sống ‘ở ngoài’ trên đồng bằng rộng lớn? Những người ‘bên trong’ đã không chỉ vượt qua sáu chiến dịch lớn của người ‘bên ngoài’ mà họ cũng phản kích và chiếm cứ nhiều nơi của Thanh Nghệ trong nhiều năm của thập niên 1650 trong lúc đồng thời đưa đội quân đầu tiên của người Việt vào đồng bằng sông Mêkông. Liệu việc ‘ở trong’ có đem lại lợi thế nào không? Dường như là có, bởi vì những người miền nam tận dụng ‘sự ở trong’ của họ bằng cách đắp lũy giữa biển và núi ở cửa bể Nhật Lệ tại Đồng Hới, cách không xa nơi được thừa nhận là biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại sông Gianh [16] . Đằng sau các lũy, những nông dân – quân đội sống chen chúc trong các làng – chốt gác tự túc. Trong toàn bộ các trận chiến của thế kỷ 17, người bắc chưa bao giờ vượt qua nơi này. Họ chưa bao giờ ‘vào được trong’? Tại sao?

Một cách giải thích là người miền nam bảo vệ lãnh thổ của họ trong khi người miền bắc cách xa nhà ở một nơi không quen thuộc. Ngoài ra, mỗi năm chỉ có một khoảng thời gian ngắn thuận lợi cho giao chiến vì sự hạn chế của mùa khô khi quân đội có thể di chuyển, hạn chế gió để giúp hoạt động thủy quân, và thiếu tiếp viện từ miền bắc; nếu người miền nam đơn giản chỉ kháng cự đủ lâu, người miền bắc sẽ phải lui quân trước khi đường tiếp tế của họ cạn kiệt hoặc trước khi có thay đổi về gió và có mưa. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là những cân nhắc chiến lược này gắn với một tình thế cụ thể, một địa hình cụ thể, và rằng chúng không được trải qua như những quan niệm trừu tượng mà như những khả năng thật sự.

Một sự xem xét kỹ địa hình ở Đồng Hới và những nỗ lực củng cố nơi này bằng lũy của con người cho ta thấy một không gian tương đối nhỏ giữa núi và biển mà để qua nơi này chỉ có hai tuyến đường khả dĩ: một “đường núi” ở phía tây băng qua những đồi thấp dưới chân núi và một “đường biển” ở phía đông băng qua rìa cồn cát ở bờ biển. Ở giữa hai tuyến đường này là một dải rộng của sông và đầm lầy. Rõ ràng người miền bắc không có khả năng vượt qua nơi này chỉ bằng thủy quân; nếu không có bộ binh, lực lượng thủy quân của họ không phải là đe dọa thật sự cho phía nam Đồng Hới. Một phần là vì ưu thế vượt trội của thủy quân miền nam, những người đã học từ người Bồ Đào Nha cách trang bị và sử dụng súng đại bác trên thuyền, nhưng ngay cả nếu không có điều này, thì khả năng bảo vệ bờ biển của phía nam có vẻ vẫn vượt trội hơn quân miền bắc nếu không có hỗ trợ của bộ binh. Sự nghiên cứu này cho thấy địa hình tại Đồng Hới trở thành tâm điểm của giao tranh, nó nằm ngay trong biên giới và ở một nơi mà chọn lựa di chuyển bằng đường bộ bị hạn chế ở hai tuyến đi lại hạn hẹp. Việc áp dụng trí tuệ con người tại địa hình này đã tạo nên một hệ thống tường trải dài từ các ng̣ọn núi ở hai nơi khác nhau và bao gồm các thành lũy dọc bờ biển ở trên các đụn cát [17] .

Tôi đã dừng lại ở Đồng Hới bởi vì chính tại đây ba thế hệ các lãnh tụ vùng đã liên tục đụng trận, nơi Đàng Ngoài và Đàng Trong đã thử thách và định lượng sự phân cách của họ. Tại sao những bản sắc và tham vọng vùng này lại thể hiện bằng đại bác, gươm và voi trận thay vì bằng những phương thức giao tiếp ôn hòa hơn như thương thuyết và nhượng bộ? Một giải thích thu hút và thường được trích dẫn là việc chỉ ra rằng, trong những năm này, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn dài thay đổi triều đại và, khi không có sự đe dọa can thiệp của Trung Quốc, người Việt không cưỡng được nội chiến. Nhưng có ít nhất ba luận cứ chống lại quan niệm này. Đầu tiên, biện luận ở trên sẽ không giải thích được cuộc chiến Đông Kinh với Thanh Nghệ kéo dài hầu hết thế kỷ 16, trừ phi người ta muốn nói rằng vào thời đó, sự suy thoái của triều Minh đã loại bỏ mối đe dọa can thiệp của Trung Quốc, nhưng như thế điều này trở thành một kiểu giải thích rất không chính xác, thậm chí tùy tiện. Thứ hai, việc Trung Quốc tiếp tục là một yếu tố trong chính trị Việt Nam trong suốt thời chiến tranh thế kỷ 16 và 17, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp triều đại, bị bỏ qua quá dễ dàng. Trong thế kỷ 16, các lãnh đạo Thanh Nghệ gắng sức nhờ đến hành động của nhà Minh để chống lại Đông Kinh. Một đội quân Minh đã đến trong những năm 1540, nhưng xung đột đã tránh được nhờ nỗ lực ngoại giao của nhà Mạc. Sau khi họ chinh phục được Đông Kinh, những cố gắng của họ Trịnh nhằm tiêu diệt hẳn đối thủ đã bị cản trở suốt gần tám thập niên bởi sự bảo vệ của nhà Minh, sau đó là nhà Thanh, dành cho họ Mạc ở tỉnh Cao Bằng nơi biên giới với Trung Quốc [18] .

Thứ ba, chắc chắn là sai lầm khi giải thích xung đột vùng ở Việt Nam là vì thiếu đe dọa từ ngoài, cứ như thể một trong số ít những điều, nếu không phải là điều duy nhất, khiến người Việt Nam trở thành một loại người riêng biệt là nhờ một phản ứng chung hay thống nhất trước mối đe dọa can thiệp của nước ngoài. Điều này đơn giản là sự kiêu ngạo của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa đã biến “tinh thần chống ngoại xâm” thành tố chất vĩnh cửu trong “bản sắc Việt Nam”. Việc đi tìm ở Trung Quốc hay nơi khác những giải thích cho chuyện xảy ra ở Việt Nam không còn là một chiến lược phân tích làm thỏa mãn, đặc biệt khi môṭ cách nhìn sự việc đáng tin hơn rõ ràng ở ngay trước mắt. Nếu chúng ta có thể bỏ ra khỏi đầu óc mình quan niệm về “chất Việt Nam” như một đối tượng tri thức và thay vào đó, xem xét cẩn thận điều mà những người chúng ta gọi là người Việt đã làm ở những thời điểm và nơi chốn cụ thể, thì khi đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy bên dưới lớp âm thanh, ngữ âm, lời nói chung, hay bất kì cách tưởng tượng nào của chúng ta về hiện tượng ngôn ngữ con người, là những con người khác biệt mà cái nhìn của họ về bản thân và người khác dựa vào địa hình vùng họ sống và dựa vào những trao đổi văn hóa có được tại vùng đó.

Liệu có còn quá ngạc nhiên là Đàng Trong đã chống lại uy quyền của Đàng Ngoài tại Đồng Hới trong nhiều thế hệ và nhiều trận đánh khi chúng ta nhớ lại rằng những dân tộc mà ta gọi là Chàm trước đó đã từng kháng cự uy quyền miền bắc cũng tại chính nơi này trong hàng trăm năm? Liệu có khó hiểu được là dân tộc chúng ta gọi là người Việt, những người mới đến sống ở đây, lại có một thái độ trước quyền lực miền bắc theo nhiều cách cũng tương tự các cư dân trước đây? Thay vì dõi mắt về Trung Quốc phía bắc để phân tích, có thể đã đủ khi quan sát kỹ hơn Thuận Quảng và xem xét làm thế nào sự định vị chiến lược và văn hóa của những người nói tiếng Việt tại một nơi mà trong nhiều thế hệ là của người Chàm lại có thể giúp soi sáng và giải quyết nỗ lực tìm hiểu của chúng ta. Những cư dân mới đến đã thờ phụng các vị thần của các cư dân cũ [19] . Chuyện họ cũng thừa hưởng những kẻ thù của cư dân cũ gây ngạc nhiên chỉ bởi vì mức độ tuyên truyền ý thức dân tộc chủ nghĩa nhắm vào người của thế kỷ 20. Có thể hữu ích hơn nếu ta không nói về cuộc nam tiến của dân tộc Việt, mà thay vào đó, nói về sự hình thành những phiên bản mới của việc làm người Việt ở lãnh thổ trước đây của người Chàm và các dân tộc khác [20] .

Một sự biểu lộ về khác biệt giữa “những phiên bản” làm người Việt có thể nằm trong địa hạt của sự nhạy cảm về tôn giáo, văn học và thơ ca. Chính trị Việt Nam ngày càng trở nên địa phương hóa và phi tập trung hóa đến mức không nhân nhượng trong tiến trình của thế kỷ 16, nhưng sau đó, những ký ức “Việt” về thời kỳ ấy lại trở thành trung tâm luân lý trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm (sinh năm 1491). Vai trò quân sư và thầy giáo của ông được kích hoạt bởi việc “thoái ẩn” về quê cũ, phía đông Hà Nội, năm 1542. Giọng nói của ông được xem như một nguồn quyền uy mà không còn tìm thấy trong địa hạt chính trị, và mọi lãnh tụ tham vọng trong thời ông đều được mô tả là đã đi tìm và nhận sự ban phúc của ông dành cho tham vọng cá nhân và vùng miền của họ. Tuy nhiên, sau cái chết của ông năm 1585, ngay cả một trung tâm văn hóa hoặc luân lý Việt đã không còn tồn tại.

Thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm và của học trò giỏi nhất của ông, Phùng Khắc Khoan (1528-1613), người chọn phụng sự chúa Trịnh ở Hà Nội, mô tả thế giới như một nơi nguy hiểm, đầy lòng tham, bạo lực, hỗn độn, tranh quyền đoạt lợi [21] . Ở một mức độ triết lý, tôn giáo hay thi ca, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa quan niệm về nhân sinh này thành những tuyên ngôn về tính tuần hoàn và sự tu thân. Trong một bài thơ của ông, ngôn ngữ Phật giáo xác nhận một chu kỳ tuần hoàn trong biến thiên của con người; thời gian liên tục đi theo những vòng hưng thịnh và suy tàn. Phản ứng đúng đắn của con người là sự tu thân. Tôi muốn đối lập điều này bằng một sự nhạy cảm thơ ca mà sau đó xuất hiện ở phía miền nam.

Đào Duy Từ (1572-1634) có thể được xem là nhà thơ Đàng Trong đầu tiên. Ông bị loại khỏi cuộc đua quyền chức ở miền bắc vì chúa Trịnh khinh ông là con nhà xướng ca, nên ông vào nam và phụng sự chúa Nguyễn, rồi thành người xướng xuất việc đắp lũy ở Đồng Hới [22] . Những bài thơ được cho là của ông sử dụng một ngôn ngữ Phật giáo rất khác thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian không phải tuần hoàn mà là trống rỗng; sự thông thái không phải là thành quả của sự tu dưỡng mà là xảy đến không cần nỗ lực. Ẩn dụ về tính cách con người không phải là mẩu vườn được chăm bón mà là thiên nhiên không có bàn tay con người. So sánh với tư tưởng tuần hoàn nhưng có tính cạnh tranh tìm thấy trong thơ miền bắc, những bài thơ của Đào Duy Từ thể hiện một cảm giác tự do và tự tin không quan tâm đến quy tắc, lịch sử, hay tổ tiên. Nhìn bề ngoài, nó cũng có vẻ cho thấy một sự chuyển từ tư tưởng Tịnh độ (Pure Land) sang Thiền.


*


Bây giờ tôi chuyển sang tỉnh Bình Định và sự trỗi dậy của một trung tâm khu vực mới tại đó trong thế kỷ 18. Bình Định, cụ thể là khu vực gần kề thành phố Qui Nhơn thời hiện đại, từ lâu đã là một địa điểm quan trọng cho các vua Chămpa. Nơi này bị các đội quân Việt cướp bóc trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ bị chinh phục lâu dài cho đến cuối thế kỷ 15. Đó là tiền đồn cực nam của biên giới của người Việt từ đó cho đến 1611, khi Nguyễn Hoàng chinh phục khu vực này về phía nam, bao gồm cả đèo Cả, mà sau đó được biết đến với tên tỉnh Phú Yên. Đến cuối thế kỷ 17, Bình Định trở thành khu vực hoạt động cho các binh đoàn tiến về nam và đi sâu vào đồng bằng Mêkông. Đến những năm 1690, Bình Định đã trở thành trung tâm của một mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối trung tâm Thuận Quảng của Đàng Trong với đồng bằng sông Mêkông. Nó cũng trở thành trung tâm tuyển mộ binh lính và lao động để duy trì hoạt động quân sự ở sâu trong phía nam.

Một tính chất quan trọng khác của Bình Định là vị trí của nó như một bến cuối của tuyến đường được đi lại nhiều dọc cao nguyên đến thung lũng Mêkông, băng qua An Khê, Plây Ku, và đến sông Mêkông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Định với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhaya/Bangkok và Qui Nhơn cung cấp vốn và những mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Qui Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía nam đến đồng bằng sông Mêkông [23] .

Trong thế kỷ 18, những nhà cai trị ở Thuận Quảng ngày càng quan tâm đến Bình Định, xem nó như một điểm nối uy quyền của họ với vùng biên giới phía xa. Một nghiên cứu gần đây đã phân tích buổi khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn (Tây Sơn nằm ở lưu vực sông giữa Qui Nhơn và An Khê) những năm 1770, xem đó là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này [24] . Ngoài ra, địa điểm Qui Nhơn đem lại những khả năng rõ rệt như một trung tâm quyền lực. Nguyễn Nhạc, người anh cả dẫn đầu cuộc nổi dậy, đã theo đuổi việc trở thành “hoàng đế” tại Qui Nhơn. Trong thập niên 1780, tranh chấp giữa Nhạc và em trai Huệ đã dẫn tới đụng độ để giành quyền kiểm soát Qui Nhơn. Và vào cuối thế kỷ ấy, sự kiểm soát Qui Nhơn trở thành ám ảnh tranh giành của quân Tây Sơn và đối phương của họ, liên tục thay chủ, vây hãm, bao vây lần nữa trong nhiều năm; cả cho đến khi tương quan cuộc chiến đã khiến nơi này không còn quan trọng về quân sự, thì Qui Nhơn vẫn là đối tượng tranh giành, có lẽ ở một mức độ nào đấy, được thèm muốn như một trung tâm thương mại có cảng và kết nối đường bộ với Bangkok.

Đến ngày nay, Bình Định vẫn duy trì tiếng tăm là tỉnh thiện chiến nhất, sản sinh những chiến binh võ nghệ cao cường. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, người từ Bình Định nắm lấy sân khấu trung tâm trong chính trường và chiến trường của người Việt. Phong trào Tây Sơn, bắt đầu là một hỗn hợp người dân tộc vùng cao, nông dân đồng bằng và lái buôn Trung Hoa, đã bùng nổ tại Bình Định, đưa quân chinh nam phạt bắc và thúc đẩy 30 năm chiến tranh giữa các khu vực có người nói tiếng Việt sinh sống. Mặc dù Bình Định không có tài nguyên để trở thành một trung tâm đủ sức khống chế các vùng khác trong bất kì thời gian dài nào, nhưng nó cũng bộc lộ một cái nhìn khu vực về vấn đề làm người Việt. Nó sản sinh là một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và đã cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông. Việc ông thất bại thường được quy cho là vì cái chết bất ngờ của ông. Nhưng có lẽ người ta đã không dành đủ sự chú ý cho câu hỏi làm thế nào viễn kiến khu vực của Bình Định đã có thể định hình tham vọng của cả ông và những người kế vị yếu kém, và khiến họ dễ bị đe dọa bởi một đối thủ có một viễn kiến khu vực khác. Chừng nào một sức mạnh quân sự tự nguyện và chuỗi dài thắng trận còn là bí quyết giúp có quyền lực chính trị, người của Bình Định có thể chiếm ưu thế. Nhưng khi đối diện với một đối thủ đã thua trận liên tục nhưng luôn đứng dậy, một đối thủ có tầm nhìn chiến dịch lâu dài chứ không chỉ một trận đánh, một đối thủ xem thành công không phải nhờ giao tranh mà là kết quả của tổ chức, rèn luyện, huy động tài nguyên, chuẩn bị, hoạch định và chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi, thiên tài Tây Sơn, đứng trước một đối thủ như thế, bỗng chỉ trở thành một sự gan dạ cấp tỉnh. Và đối thủ này xuất hiện từ đâu? Từ Nam Bộ.




[1]K.W.Taylor, The Birth of Vietnam, Berkeley, NXB Đại học California, 1983, các trang 6, 21-22, 57-66, 78, 89-91, 94-95, 110, 112-113, 151, 155, 226, 228-229, 240-248, 265-268, 275-280. K.W.Taylor, “The ‘Twelve Lords’ in Tenth-Century Vietnam”, Journal of Southeast Asian Studies, 14, 1 (March 1983), các trang 46-62.
[2]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội , 1993, I, trang 230 [xem các năm 1000, 1001, và 1003]
[3]Như trên, I, trang 235-236 [xem các năm 1008 và 1009]
[4]Như trên, I, trang 243 [xem năm 1012]. Cũng đọc thêm, K.W.Taylor, “Authority and Legitimacy in Eleventh-Century Vietnam,” trong sách Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries, David G. Marr & A.C.Milner (chủ biên), Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1986, trang 163-164.
[5]A.B.Woodside, “Early Ming Expansionism (1406-1427): China’s Abortive Conquest of Vietnam”, Papers on China, 17, (1963), trang 12-21, thể hiện ngầm mức độ người địa phương tham gia chính quyền Minh, nhưng mang tính phân tích tập trung vào thất bại chung cuộc của chính sách của Minh. John K. Whitmore, Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421), New Haven, Yale Southeast Asia Studies, 1985, trang 91-116, cung cấp sự xem xét bao quát hơn, ít phân tích, về chủ đề này.
[6]O.W.Wolters, “A stranger in his own land: Nguyễn Trãi’s Sino-Vietnames poems, written during the Ming occupation”, The Vietnam Forum, 8 (Summfer-Fall 1986), trang 60-90.
[7]Ví dụ, xem Nguyễn Khắc Viện & Hữu Ngọc, Vietnamese Literature, Hanoi, Foreign Languages Publishing House, trang 241-244. Cũng xem Stephen O’Harrow, “Nguyễn Trãi’s Bình Ngô Đại Cáo of 1428”, Journal of Southeast Asian Studies, 10, 1 (March 1979), trang 164-173.
[8]Nola Cooke, “Nineteenth-Century Vietnamese Confucianization in Historical Perspective: Evidence from the Palace Examinations (1463-1883)”, Journal of Southeast Asian Studies, 25, 2 (September 1994), trang 277-281.
[9]Như trên, trang 288-293
[10]Như trên, trang 284-288
[11]Alexander de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, Lyon, Jean Baptiste Devenet, 1651, trang 16-17
[12]L. Cadiere, “Le Mur de Đồng Hới: etude sure l’etablissement des Nguyễn en Cochinchine”, Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extreme-Orient, 6 (1906), trang 138.
[13]Như trên, trang 11-22.
[14]K.W. Taylor, “Nguyễn Hoàng and the Beginning of Vietnam’s Southward Expansion” trongg quyển Southeast Asia in the Early Modern Era, Anthony Reid (biên tập), Ithaca, Cornell University Press, 1993, trang 42-65.
[15]Nguyễn Tài Cẩn, “Về việc dùng hai động từ ‘vào’ ‘ra’ để chỉ sự di chuyển đến một địa điểm ở phía nam hay phía bắc trong tiếng Việt hiện đại”, Tạp chí Khoa Học, 4, (1991), trang 36-42.
[16]Đáng chú ý là cho đến thời điểm khi bài này được viết, 1996, nếu đi bằng xe máy từ Hà Nội đến Sài Gòn, vẫn chỉ có duy nhất một nơi không có chiếc cầu nào được xây và người ta phải đi phà, và địa điểm đó là tại sông Gianh.
[17]L. Cadiere, trang 138-140
[18]K.W. Taylor, “The Literati Revival in Seventeenth-Century Vietnam”, The Journal of Southeast Asian Studies, 18, 1 (March 1987), trang 17.
[19]Nguyễn Thế Anh, “The Vietnamization of the Cham Deity Po Nagar”, trong cuốn Essays into Vietnamese Pasts, do K.W.Taylor và John K.Whitmore (biên tập), Ithaca, Cornell Southeast Asia Program, 1995, trang 42-50; cũng được in trong Asia Journal, 2, 1 (June 1995), trang 55-67.
[20]K.W.Taylor, “Nguyễn Hoàng”, trang 64-65.
[21]Ví dụ, xem Huỳnh Sanh Thông, biên tập và dịch giả, The Heritage of Vietnamese Poetry, New Haven, Yale University Press, 1979, trang 36-38, 50-52, 88-91, 147-148, 156, 175-177.
[22]Để đọc một ghi chép về Đào Duy Từ trong văn bản cuối thế kỷ 18, xin xem Tang Thương Ngẫu Lục, của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án.
[23]Về chủ đề Qui Nhơn với tư cách là trung tâm thương mại với cộng đồng người Hoa ở thế kỷ 18, xem Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sure les Cotes du Viet-Nam et du Champa, Paris, EFEO, 1973, trang 166-167; Pierre-Yves Manguin, Les Nguyễn, Macau et le Portugal: Aspects politiques et commerciaux d’une relation privlégiée en Mer de Chine, 1773-1802, Paris, EFEO, 1984, trang 43-45, 172-173.
[24]Li Tana, The Inner Region: A Social and Economic History of Nguyễn Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, Luận án tiến sĩ, Đại học quốc gia Úc, Tháng Chín 1992