© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.1.2003
Bách Dương
Người Trung Quốc xấu xa
Nữ Lang Trung dịch
Nữ Lang Trung dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Người Trung Quốc và vại tương
(Văn bản này do phóng viên "Bắc Mỹ nhật báo" ghi  theo bài giảng của Bách Dương tại Tòa nhà Khổng Tử Hoa Phủ, Niu-oóc, Mỹ )
           
Vừa rồi ông chủ tịch nói, hôm nay sở dĩ tôi có thể gặp mặt các vị, là vinh hạnh của Tùng Xã, nhưng sự thực là vinh hạnh của tôi. Vô cùng cảm ơn họ, để tôi có thể ở nơi cách xa Tổ quốc như thế, gặp gỡ các vị, xin được chỉ giáo. Mới đầu ông chủ tịch và ông Trần Hiến Trung - chủ nhiệm Tân Sĩ tạp chí nói với tôi, đây là một cuộc tọa đàm, cho nên tôi rất vui và đồng ý tham gia. Nhưng đến hôm qua, tôi từ Botstơn về, mới biết đây là một buổi diễn giảng, khiến tôi bàng hoàng; vì Niu-oóc là thành phố lớn nhất thế giới, nơi đây rồng chìm hổ ẩn, tôi chẳng qua đem những nghĩ suy và cảm thụ của cá nhân ra báo cáo. Ðây chỉ phát biểu ý kiến bản thân, không phải một sự kết luận, xin các vị chỉ giáo, đồng thời trao đổi cách nhìn của chúng ta. Hôm nay ông Chủ tịch cho tôi một cái nhan đề là "Người Trung Quốc và vại tương". Nếu là một hội thảo học thuật, trước tiên chúng ta phải nêu ra, cái gì là người Trung Quốc? Cái gì là vại tương? Tôi nghĩ tôi không cần nêu ra nữa, chỉ vẽ rắn thêm chân. Trên đời này thường có hiện tượng: Phàm là việc mọi người đã biết rồi, nếu gắn thêm một định nghĩa cho nó nữa, thì ngược lại nội dung và hình thức của sự việc đó lại bị mờ nhạt, không dễ tìm ra chân tướng, nếu tình trạng như vậy, cuộc hội thảo sẽ khó bắt đầu.
 
Nhớ một câu chuyện, có một người hỏi vị cao tăng đắc đạo - Phật giáo cho rằng đời người có sự luân hồi: "Nếu nói sinh mệnh của tôi hiện giờ là do kiếp trước tái sinh, tôi có thể biết được kiếp trước của tôi là người như thế nào không? Nếu đầu thai sang kiếp sau, thì có thể cho tôi biết được kiếp sau tôi lại là người như thế nào không?" Vị cao tăng trả lời bốn câu: "Dục chi tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị; Dục chi hậu thế quả, kim sinh tố giả thị." Giả dụ kiếp này anh sung sướng, kiếp trước anh nhất định là người chính trực đôn hậu. Nhưng giả dụ kiếp này anh gặp vô số tai nạn trắc trở, nhất định kiếp trước anh làm điều ác. Câu chuyện này cho chúng ta một gợi ý đáng kể. Các quý tiên sinh và tiểu thư có mặt ở đây, nếu là phật tử, chắc chắn dễ tiếp thu, nếu không phải phật tử, đương nhiên không cho rằng có tiền sinh hậu thế, nhưng xin quý vị hãy quan sát đoạn vấn đáp vừa rồi bằng triết lý.
 
Ý của tôi là, câu chuyện này khiến ta liên tưởng đến nền văn hóa Trung Quốc. Các vị ngồi đây, bất cứ mang quốc tịch nước nào, phần lớn đều có huyết thống Trung Quốc, huyết thống này không phải dùng mọi cách mà có thể thay đổi được. Không thích cũng vậy, thích cũng vậy. Người Trung Quốc mà ta chỉ với nghĩa rộng, chứ không phải nhằm một địa vực nhất định, mà nhằm huyết thống.
 
Gần hai trăm năm nay, người Trung Quốc hằng mong ước, mong ước đất nước chúng ta lớn mạnh, mong ước dân tộc ta trở thành dân tộc ưu tú trên thế giới. Nhưng bấy nhiêu năm, chúng ta vẫn suy yếu, chúng ta vẫn bị người nước ngoài kỳ thị, nguyên nhân ở đâu? Ðương nhiên bản thân chúng ta phải chịu trách nhiệm. Nhưng, nếu truy cứu từ một nền văn hóa, thì phải nghĩ tới câu chuyện vừa rồi. Tại sao cho đến ngày hôm nay, đất nước chúng ta vẫn chưa lớn mạnh? Nhân dân vẫn phải chịu bao nhiêu tai họa? Từ thứ dân thấp cổ bé họng, đến nhà quyền quý thế phiệt, tất cả đều chung một hướng, đều chung một nguyện vọng tha thiết, đều chung một tâm trạng ủ dột, bi đát .
 
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, thầy giáo nói với chúng tôi: "Ðất nước trông chờ ở các em." Nhưng bây giờ thì sao? Lại đến lượt chúng ta nói với lớp trẻ rằng: "Các em là hy vọng của nhà nước tương lai." Như vậy cứ đẩy trách nhiệm hết thế hệ này đến thế hệ khác, đẩy đến khi nào? Người Trung Quốc hải ngoại, đối với vấn đề này lại càng nhậy cảm, lại càng mong mỏi da diết. Ngày nay nước nhà ta gặp phải nỗi khổ như vậy, ngoài trách nhiệm chưa hoàn tất của bản thân chúng ta, nền văn hóa truyền thống để lại cho chúng ta một gánh nặng trĩu lưng. Ðó chính là cái tiền sinh nhân, kim thế quả.
 
Hôm kia tôi ở viện bảo tàng Botstơn, thấy trưng bầy chiếc giầy bó chân của thời bà nội. Tôi đã từng tận mắt thấy người phụ nữ cỡ tuổi tôi hồi ấy bó chân, bây giờ lớp trẻ như các vị nghe ra khó mà tưởng tượng nổi. Tại sao nền văn hóa của chúng ta đã từng xẩy ra những chuyện tàn khốc đến vậy? Ấy thế mà nửa số dân Trung Quốc chịu sự bức hại như thế, đôi chân bị bó đến tàn phế, thậm chí gẫy cả xương, da thịt thối rữa, không đi lại được. Chuyện như thế mà lại có thể kéo dài suốt một nghìn năm trong lịch sử của chúng ta. Nền văn hóa của chúng ta lại có thể có một bộ phận mọi rợ như vậy sao? Cho phép nó tồn tại suốt thời gian dài như thế ! Không ai cho là phản tự nhiên, nguy hại đến sức khỏe, mà phần đông nam giới còn cho rằng bó chân nhỏ đáng ngợi ca. Còn sự bức hại đối với đàn ông thì sao? Là hoạn quan. Theo ghi chép trong lịch sử, trước triều Tống, phàm là nhà có tiền có thế, đều có thể tự ý hoạn  người ở. Sự việc này cho đến thế  kỷ XI, tức là bắt đầu từ Tống triều, mới bị cấm. Tình trạng này, đã bộc lộ nền văn hóa chúng ta có nhiều thành phần bất hợp lý. Suốt quá trình phát triển của lịch sử, thành phần bất hợp lý ấy đã đến mức không thể khống chế nổi.
 
Bất cứ văn hóa một dân tộc nào, đều tựa như sông Trường Giang, nước sông cứ cuồn cuộn chảy. Nhưng vì lâu ngày, nhiều vật ôi thối bẩn thỉu như xác cá, xác mèo, xác các con vật chết bắt đầu chìm đọng, khiến nước sông không còn trôi chảy, ứ thành đầm nước tù, vật đọng càng nhiều, càng lâu càng rữa, trở thành nhão, thành một vũng đất bùn, một vại tương, vừa thiu vừa thối.
 
Khi nói đến vại tương, nhiều anh bạn trẻ có khi không hiểu. Tôi sinh trưởng ở phương Bắc, quê chúng tôi rất nhiều thứ như thế này, tôi không mấy để ý nó làm bằng nguyên liệu gì, nhưng các vị ăn vịt quay ở nhà hàng Trung Quốc mà thứ gia vị dùng để chấm đó là tương. Tương là thứ không lưu thông, không tung tẩy như nước trên trời đổ xuống dòng sông Hoàng Hà.
 
Do nước bị tù đọng, lại cộng thêm bốc hơi, càng làm cho nồng độ của ứ đọng nặng thêm. Nền văn hóa của chúng ta, cái mà chúng ta nói tiền sinh nhân, là như thế.
 
Trong văn hóa Trung Quốc, cái có thể đại diện cho đặc trưng này là "Quan trường". Trí thức ngày xưa học là mục đích để làm quan. Cái "Trường" mà nhìn không được sờ không thấy ấy, nẩy sinh do chế độ khoa cử, hễ người học tiến thân vào quan trường, là hình thành trạng thái đối lập với dân chúng. Người theo học dưới chế độ đó, mục tiêu đeo đuổi duy nhất là làm quan - cái mà "Thư trung tự hữu nhan như ngọc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc". Học có thể làm quan, làm quan rồi sẽ có gái đẹp, sẽ có tiền bạc. Ngày xưa người ta nói, ngành ngành ra trạng nguyên, kỳ thực ngoài ngành đi học là có trạng nguyên ra, các ngành khác vẫn chỉ là anh thợ không đáng giá một đồng. Thời đó, đối với các ngành nghề khác có nhiều cái hạn chế, không được mặc loại áo này, không được ngồi loại xe nọ. Mọi thứ trong xã hội phong kiến đều lấy lợi ích của quan chức làm tiền đề. Xã hội phong kiến khống chế Trung Quốc dài lâu như thế, sản sinh ra sức mạnh và ảnh hưởng lớn như thế, sự thay đổi trên lĩnh vực kinh tế không có mấy, nhưng trong lĩnh vực chính trị đã đặt chúng ta trong nền văn hóa vại tương quá trường kỳ, một trong những đặc trưng là lấy tiêu chuẩn của quan làm tiêu chuẩn, lấy lợi ích của quan làm lợi ích, vì vậy mà trở thành một loại tiêu chí nhất loạt. Theo hướng "Chính trị thống soái", khiến văn hóa vại tương của chúng ta càng sâu, càng nồng.
 
Trong tình trạng ngấm lâu dưới vại tương, người Trung Quốc chúng ta trở nên ích kỷ, nghi kỵ. Tuy rằng tôi đến Mỹ chỉ du lịch ngắn ngày, nhưng hiện tượng mà tôi nhìn thấy, cảm giác người Mỹ có phần mến bạn, có phần vui vẻ, thường hay cười. Tôi cũng đã từng nhìn thấy trẻ con ở những gia đình người Trung Quốc, tuy rất sung sướng, nhưng ít khi cười. Có phải cấu tạo thớ thịt trên khuôn mặt người Trung Quốc chúng ta khác họ? Hay dân tộc chúng ta quá thâm trầm?
 
Vì dân tộc thiếu hẳn sự tươi tắn, chúng ta không hề nghĩ rằng, tạo nên tính cách như vậy, bản thân chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm? Quan hệ giữa người Trung Quốc, chèn ép lẫn nhau, tuyệt đối không hợp tác. Ðiều đó làm tôi nhớ đến cuộc huấn luyện của ông trinh thám trưởng người Nhật, yêu cầu thuộc hạ của ông khi nhìn thấy người nào cũng phải hoài nghi hắn có phải kẻ trộm hay không? Tâm lý này tốt cho việc huấn luyện cảnh sát hình sự, nhưng tâm lý người Trung Quốc lại hầu hết chứa đựng tình trạng như thế này: Ðối phương chắc định kiếm chác gì ở mình đây? Hình thành sự nghi kỵ lẫn nhau, thứ nghi kỵ này đã biến người Trung Quốc thành một bồn cát tơi.
 
Chúng ta là một nước lớn, có tài nguyên, có tám trăm triệu đến một tỷ người, nếu chung sức hợp lực, trong tình hình châu Á chúng ta, đâu có thua Nhật Bản?
 
Do chế độ chuyên chế của xã hội phong kiến hành hạ nhiều đời, người Trung Quốc bị ướp trong vại tương này quá lâu, tư tưởng và sự phán đoán của chúng ta, cả tầm nhìn nữa, đều bị ô nhiễm, không vượt ra được phạm vi của vại tương, lâu ngày quá rồi khiến chúng ta mất hết khả năng phân biệt phải trái, thiếu hụt dũng khí đạo đức, tất thảy sự việc đều bằng vào cảm tính và phản ứng trực giác, không còn biết nghĩ suy. Tất cả giá trị của hành vi đều lấy tiêu chí đạo đức vại tương và tiêu chí chính trị làm chuẩn. Cho nên, không còn thị phi ngay cong, đúng sai, đen trắng. Trong hoàn cảnh như vậy, nhận thức sự vật, ít khi dấn sâu để tìm hiểu phân tích. Cuối cùng, chính cái xuề xoà đại khái bấy lâu nay, dẫn đến một quả báo tổng thể, đó là "Chiến tranh Nha phiến".
 
Chiến tranh Nha phiến là vết cắt ngang của văn hóa ngoại lai, đối với người Trung Quốc, cố nhiên là một "kỷ niệm quốc sỉ", nhưng nhìn từ góc độ khác, há chẳng là một cuộc đại thức tỉnh sao? Nhật Bản, khi quan sát một số sự việc, có khác chúng ta. Vào thế kỷ XVIII, người Mỹ từng đánh đắm hai chiếc tàu của Nhật, khiến nước Nhật mở cửa từ đấy. Người Nhật cho rằng sự kiện đó đem lại lợi ích lớn cho họ, họ lấy cái sỉ nhục làm chất khích bác tinh thần.
 
Thật ra, chúng ta nên cám ơn chiến tranh Nha phiến, nếu không có chiến tranh Nha phiến, tình hình hiện nay không biết ra sao? Chí ít các vị ngồi đây, có khi trên đầu còn để đuôi sam, đàn bà còn bó chân nhỏ, mọi người còn mặc áo dài yếm ngựa, trên bộ còn ngồi kiệu hai người, dưới nước còn đi bằng đò. Nếu chiến tranh Nha phiến xẩy ra sớm trước ba trăm năm, có thể Trung Quốc lại thay đổi sớm hơn. Nếu đẩy lên trước một nghìn năm nữa, thì cả một lịch sử hoàn toàn khác hẳn. Nên tôi cho rằng cái "Kỷ niệm quốc sỉ", thực tế là một cú đấm mạnh vào nền văn hóa vại tương chúng ta, nếu không có cú đấm ấy, người Trung Quốc bấy lâu ngụp lặn dưới đáy vại tương, cuối cùng có thể bị chết ngạt.
 
Chiến tranh Nha phiến là vết cắt ngang của văn hóa ngoại lai. Nó làm ta nghĩ đến trong lịch sử Trung Quốc, triều Thanh là thời đại rất hay, nếu chiến tranh Nha phiến xẩy ra ở triểu Minh, Trung Quốc chắc không chịu nổi, tình hình chắc khác đi nhiều. Ðối với nước Trung Quốc cổ xưa mà nói, thì nền văn minh hiện đại hóa của phương Tây càng sớm cắm vào bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Cú đấm này rõ là sự khiêu chiến nghiệt ngã đối với văn hóa và lịch sử, nó đã vì chúng ta mà đem đến nền văn minh vật chất mới, cũng vì chúng ta mà đem đến nền văn minh tinh thần mới.
 
Nói đến thứ văn minh vật chất, như là máy bay, đại bác, ô tô, tàu điện ngầm... của phương Tây, người Trung Quốc chúng ta đột nhiên nhìn thấy ngoài kia có một thế giới mới đến thế, có bao nhiêu thứ không giống ta, khiến chúng ta từ đó mang một nhận thức mới với nền văn minh vật chất. Lại nói đến nền văn minh tinh thần, tư tưởng chính trị, tư tưởng học thuật của phương Tây cũng đem đến cho ta rất nhiều gợi ý và quan niệm mới. Ngày xưa chúng ta không biết có dân chủ, tự do, nhân quyền, pháp trị, tất cả những cái đó đều là sản phẩm được di giống từ phương Tây.
 
Ngày xưa, người Trung Quốc tuy có câu nói: "Nhân mệnh quan thiên", thật ra mệnh người có hệ luỵ đến ông trời hay không là xem xẩy ra trên người nào? Nếu xẩy ra trên người tôi, nếu tôi đánh chết người, đương nhiên là hệ đến ông trời rồi. Nhưng nếu hung thủ là người có quyền thế, thì nhân mạng đáng kể gì? Cho nên còn phải xem vấn đề quan hệ đến người nào. Thánh nhân xưa còn có một câu nói: "Dân vi quý, quân vi khinh", đó chẳng qua là lý tưởng, ở Trung Quốc chưa từng thực hiện bao giờ. Ngày xưa, trong thời đại phong kiến, hết vương triều này thay vương triều khác, chế độ không hề đổi thay. Ðẩy sụp triều cũ, thiết lập triều mới, cái duy nhất để chứng tỏ họ không giống triều cũ là đốt phá, đốt tất cả hoàng cung báu điện của thời trước, tự mình xây mới để biểu thị khác xưa. Lý do mà họ đốt phá là cho rằng triều đại trước đây thi hành bạo chính, còn mình thì thi hành nhân chính. Cho nên "Nhân chính" phải đốt nhà "Bạo chính". Như vậy là đời này sang đời khác, không thể có bất cứ cuộc xây dựng mới cho chính trị tư tưởng, mà chỉ dùng đốt nhà để biểu thị sự khác biệt. Cái đó khiến đất nước Trung Quốc cổ xưa chúng ta, suốt mấy nghìn năm mà không để lại được vài tòa kiến trúc cổ kính.
 
Trong hệ thống chính trị tư tưởng Trung Quốc, cũng có một vài thứ thật lý tưởng, tiếp cận được phương Tây. Thí dụ như những câu: "Hoàng tử phạm pháp, dĩ thứ dân đồng tội", nhưng cũng chẳng qua là một thứ ảo tưởng và hy vọng mà thôi. Sự thực căn bản không thể có chuyện này. Hoàng tử phạm pháp tuyệt nhiên không thể với thứ dân đồng tội được. Người Trung Quốc vốn không biết đến những chuyện dân chủ, tự do, pháp trị. Tuy nhiên ngày xưa có người nói: Chúng tôi cũng có tự do, được chửi Hoàng đế. Nhưng thứ tự do cực hữu hạn, trong phạm vi cho phép của giới thống trị. Có chút tự do như vậy, dân chúng có thể chửi Hoàng đế, nhưng chửi vụng trộm đằng sau lưng. Phạm vi tự do rất hạn hẹp. Ðương nhiên có thể tự do nghĩ bậy nghĩ bạ. Nhưng, là những quan niệm dân chủ, pháp trị... thì hoàn toàn không.
 
Dân tộc Trung Hoa là một trong những dân tộc vĩ đại nhất thế giới, dĩ nhiên trên phương diện tình cảm, chúng ta không thể không cho rằng như vậy, nếu không khó mà sống nổi. Nhưng trên thế giới còn có một dân tộc vĩ đại khác, là Ăngglô Sắcxông. Dân tộc này đã dựng lên một rường cột cho nền văn minh thế giới, như chế độ nghị viện, chế độ tuyển cử, và chế độ tư pháp độc lập, tư pháp bồi thẩm... của họ, đã vì xã hội loài người xây dựng nên một kết cấu tuyệt vời. Ðó là cống hiến lớn nhất của họ đối với văn minh, cũng là một trong những nguyên nhân khiến xã hội phương Tây có thể đi lên con đường chính trị công bằng hợp lý. Bất luận thế nào, cuộc bầu cử có lãng phí đến đâu cũng hơn hẳn cuộc giết người thành núi, máu chảy thành sông. Ðối với cái hay của phương Tây, chúng ta phải có dũng khí để tiếp thu. Có người nói phương Tây bầu cử không phải bầu nhân tài, mà là bầu tiền tài, thứ tiền tài như thế không phải người bình thường có thể gánh vác nổi đâu. Dù cho thế đi chăng nữa, lãng phí tiền tài còn hơn là lãng phí đầu người.
 
Những điều tốt lành đều do bản thân ta nỗ lực giành lấy, không giống như vườn thượng uyển của Thượng đế, cái gì cũng sắp đặt đầy đủ. Người Trung Quốc vì lâu ngày sống trong vại tương, dần dà nẩy sinh một tâm lý được chăng hay chớ rất tự nhiên, một mặt là dương dương tự đắc, mặt khác lại rất tự ty ích kỷ. Nhớ hồi xưa xem bộ phim, tôi quên mất đầu đề, có một quý bà, một mặt thì rất xinh đẹp quý phái đáng ngưỡng mộ, mặt khác lại dâm đãng, đê tiện, hạ lưu, bà ta không thể hợp nhất hai loại tính cách ấy. Về sau, một bác sĩ đã buộc bà ta phải đối mặt với hiện thực, cuối cùng bà ta chỉ có thể tự sát. Khi chúng ta kiểm điểm lại lý lịch tật bệnh của mình, có dám đối mặt với hiện thực hay không? Có dám dùng tâm lý lành mạnh để xử lý bệnh tật của mình hay không?
 
Chúng ta nên học cách phản tỉnh, người Trung Quốc thường không có thói quen phản tỉnh một cách lý trí, mà quen phản tỉnh bằng cảm tính. Thí dụ vợ chồng cãi cọ, ông chồng chê vợ: Cô không tốt với tôi. Vợ quẳng ngay đĩa thức ăn lên bàn: Thế nào là không tốt? Không tốt với ông mà tôi lại nấu cho ông ăn à? Cử chỉ ấy không phải là một biểu hiện yêu mến, phản tỉnh như vậy thà bằng không thì hơn!
 
Từ khi văn hóa phương Tây cắm vào, Trung Quốc cố nhiên có sự thay đổi về mặt chính trị tư tưởng, thay đổi về mặt quan niệm đạo đức. Ngày xưa, chồng đánh vợ như cơm bữa, nay ông muốn đánh, cứ thử xem! Thật may mắn cho các bạn trẻ là văn hóa đồi bại của truyền thống đã bị đào thải rất nhiều, không những trên lĩnh vực chính trị, đạo đức, trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thi ca, văn học, nhạc kịch, vũ đạo, cũng chịu ảnh hưởng và thay đổi.
 
Hễ nói đến văn hóa phương Tây, văn minh phương Tây, là có người chụp mũ: "Sùng Tây xiểm ngoại". Tôi cho rằng sùng Tây có gì không phải? Lễ nghĩa của nó đích thực hay hơn cái thô lỗ man mọi của ta, súng ống của họ đích thực hay hơn cung nỏ của mình. Nếu trong bè bạn, học vấn đạo đức nhiều thứ hay hơn ta, tại sao không thể sùng bái họ? Người Trung Quốc không có dũng khí để khen ngợi người khác, nhưng lại rất can đảm khi công kích mọi người. Nguyên do văn hóa vại tương của chúng ta thâm uyên quảng bác, khiến người Trung Quốc "Quất du chuẩn tắc chỉ''. Quất trồng nguyên ở đất cũ, ra quả vừa to vừa ngọt, nhưng bứng sang trồng ở nơi khác thì biến thành quả vừa nhỏ vừa chua, đó là bệnh ngã nước. Tôi có người bạn, ông ta là người đã cưu mang tôi trong mười năm tù đày, ngài Tôn Quan Hán. Ông đã từng mang hạt giống cải trắng Sơn Ðông đến trồng ở Pít-xbơc, nhưng mọc ra một giống rau khác hoàn toàn hình dạng ban đầu.
 
Người Nhật thì có cái tài học cái gì giống cái đó, nhưng người Trung Quốc thì học cái gì thì lại không giống cái đó. Tinh thần của người Nhật thật gớm ghê, họ có thể học ưu điểm của người khác, mà giống y hệt. Người Trung Quốc thì hay biện lý do, dùng: "Không phù hợp tình hình nước ta" để làm lá chắn, để chúng ta có đầy đủ lý do chính đáng khi chối từ. Trước chiến tranh Giáp Ngọ, người Nhật đến tham quan hải quân Trung Quốc, thấy binh sĩ của ta phơi quần áo trên nòng pháo đại bác, thì xác định ngay quân đội này không thể tác chiến. Về căn bản, chúng ta không tính đến xây dựng quan niệm hiện đại hóa, đem tất thẩy những việc ta không muốn làm, kể cả việc kéo bỏ áo quần khỏi nòng pháo, đều đổ cho là: "Không phù hợp tình hình nước ta".
 
Như vấn đề giao thông ở Ðài Bắc, vốn là một việc đơn giản, mà bao năm nay giải quyết không xong. Tôi nghĩ nếu xử "phạt nặng" những ai vi phạm, chỉ mấy lần là ổn. Nhưng người ta lại đề nghị phải giáo dục cho họ biết "Lễ nhượng" vì lễ phép để nhường đường mới phù hợp "quốc tình". Chúng ta đã "Lễ nhượng" lâu lắm rồi, đã bị hãm lâu lắm rồi, còn lễ nhượng đến bao giờ nữa? Chúng ta kẻ "vạch ngựa vằn" cho người đi bộ sang đường, "vạch ngựa vằn" lẽ ra là dùng để bảo vệ người đi bộ, kết quả lại rất nhiều người bị mai táng trên "vạch ngựa vằn" kia. Tôi có ông bạn lái xe ở Ðài Bắc, quen đâm ngang xiên dọc, sau khi sang Mỹ, phải nhận biên lai phạt tiền liên tục, phạt đến tối mắt tối mũi, ông ta không thể không đề cao cảnh giác! Kể như quy tắc giao thông này, việc chỉ đơn giản thế, ở Trung Quốc cũng có, nhưng lại lập tức bị chuyển thành gam màu khác. Hễ bàn đến cái hay của nước ngoài là có người kêu: Sùng Tây xiểm ngoại (sùng bái phương Tây, xiểm nịnh nước ngoài). Sự thật thì, nước Mỹ, nước Pháp, nước Anh, nước Nhật, họ có cái hay, thì ta nên học. Họ dở thì không nên học, chỉ đơn giản vậy thôi!
 
Người Mỹ viết một cuốn sách, "Nhật Bản làm được, tại sao chúng ta không làm được?", mà chẳng ai bảo vị giáo sư này sùng Ðông xiểm ngoại. Do vậy ta thấy văn hóa vại tương ngấm sâu đậm đặc, làm cho người Trung Quốc mất hết khả năng hấp thụ, tiêu hóa. Chỉ một mực đắm chìm trong cảm tính của mình. Một người bạn tôi khi lái xe, thỉnh thoảng lại bấm còi đột ngột, tôi hỏi tại sao? Anh ta bỡn: "Chứng tỏ tôi không mất gốc mà". Chúng ta hy vọng rằng chúng ta còn đủ trí tuệ sung túc để nhận rõ khuyết điểm của mình. Ðẻ ra một lớp người biết suy nghĩ, có đủ năng lực để phán đoán và phân biệt phải trái thì mới có thể làm cho vại tương loãng dần, nhạt dần, rồi trở thành một đầm nước trong, hoặc biển cả mênh mông.
 
Người Trung Quốc hay cảm tính hóa, ý niệm chủ quan rất nặng nề, nhận thức sự việc toàn lấy hiện tượng mà ta vốn thấy, làm tiêu chí phán đoán. Chúng ta cần nuôi dưỡng một khái niệm tổng thể toàn diện. Rất nhiều sự việc được khai quật ở nhiều góc độ khác nhau, so với sự tìm kiếm ở riêng một góc độ, hẳn toàn diện hơn. Ðường thẳng giữa hai điểm là ngắn nhất, đó là lý thuyết của vật lý. Trên lịch trình của đời người, cự ly ngắn nhất lại là đường cong. Cho nên, mục tiêu theo đuổi rất xứng đáng cuả chúng ta, là trở thành một nhà thẩm định đủ tiêu chuẩn. Một xã hội có năng lực thẩm định mới có thể nâng cao nhận thức của con người khi đối mặt với phải trái. Ngày xưa, tôi từng xem nhà ca kịch lão thành Khương Diệu Hương biểu diễn, ông ấy đã ngoài sáu chục tuổi, trên mặt nếp nhăn chằng chịt, không còn dễ coi, nhưng cái đó chẳng mảy may ảnh hưởng đến thành tựu nghệ thuật của ông. Khi nghe ông hát "Thằng nhỏ chăn bò" thì bạn như quên hẳn hình hài già nua của ông lão. Khi mọi người có được khả năng thẩm định, tà ác mới có thể biệt tăm. Cũng như tranh của Bách Dương tôi đặt bên tranh của Vangôc, nếu không ai phân biệt được, lại còn nói: "Tranh Bách Dương với tranh Vangôc cũng giống nhau" chẳng hạn, thì nhà nghệ thuật chân chính sẽ bị cú sốc nặng nề, xã hội sẽ vĩnh viễn không có tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
 
Trung Quốc tuy là nước lớn, nhưng người Trung Quốc không đủ rộng lòng để bao dung, tầm nhìn họ nhỏ nhen. Hôm kia, tôi đáp máy bay từ sân bay Kennơđi, ngồi trên máy bay ngủ thiếp đi một giờ đồng hồ, tỉnh dậy mới biết máy bay vẫn chưa cất cánh, hỏi ra mới hay là họ đang đòi bãi công. Tôi thật sự kinh ngạc khi phát hiện hành khách rất trật tự, mọi người cười nói bình thường. Nếu chuyện này xẩy ra ở nước ta, thì tình hình chẳng phải vậy rồi. Hành khách dứt khoát chạy ra gào thét: "Tại sao vẫn chưa bay? Sao, chẳng nhẽ ăn không no à? Bãi công cái gì? Bãi công sao còn bán vé?" Nhưng họ lại nhìn bằng một góc độ khác: Nếu tôi là trưởng tổ lái, có thể tôi cũng tham gia bãi công. Từ chuyện đó cũng có thể thấy đưọc phong độ của người dân nước lớn. Nước Mỹ này tính bao dung lớn, nó chẳng những bao dung ngần ấy chủng tộc và sắc màu, còn bao dung cả ngôn ngữ bất đồng và phong tục tập quán khác nhau, thậm chí bao dung cả sự thô lỗ mọi rợ của người Trung Quốc.
 
Phong độ như vậy nổi bật lên tính bao dung của nước lớn, tựa như Rigân và Catơ khi tranh luận trên vô tuyến truyền hình, họ phát biểu chính kiến của mình, nhưng không thấy họ dùng lời lẽ thô bạo mọi rợ công kích lẫn nhau. Cũng không thấy ông Rigân nói: "Ông làm mấy năm tổng thống, chỉ trưng dụng người thân của mình". Catơ cũng không nói rằng: "Ông không có kinh nghiệm làm chính trị, quốc gia này để ông trị vì ra nông nỗi như thế này đây". Hai bên đều biểu hiện phong độ đứng đắn, đó chính là phẩm chất dân chủ cao độ.
 
Với chính trị, tôi không hứng thú, cũng không khuyến khích các vị tham gia chính trị. Nhưng nếu có hứng thú tham dự, thì nên tham dự, vì chính trị quả là quan trọng. Bất kể bạn làm việc gì, một điều luật được ban bố, không những tiền bạc không được đảm bảo, kể cả tự do, sinh mệnh cũng không được bảo tồn.
 
Nhưng chúng ta không cần mọi người đều tham gia chính trị, chỉ cần có khả năng thẩm định, thì cũng là như nhau. Việc thẩm định không những ở chính trị, văn học nghệ thuật, ngay cả đến hội họa, khả năng thẩm định cũng quyết định tất cả. Những thứ không đủ tiêu chuẩn, như tranh của Bách Dương tôi, thì phải đậy lại, chỉ được vẽ vụng, không nên đem ra, nếu để người ta bình phẩm cao thấp, sẽ bị chê: "Ông vẽ cái trò gì vậy? Thế mà dám cho người ta xem". Có được khả năng thẩm định chân chính, xã hội mới có được tiêu chuẩn tốt xấu, thì mới không đến nỗi việc gì cũng qua loa đại khái, mọi thứ hỗn độn, không biết tương nhão ở chỗ nào, không biết đục trong, không phân cao thấp, cản trở chúng ta tiến bộ và phát triển.
 
Từng ấy ý kiến là cảm tưởng của tôi, nêu ra cho mọi người trao đổi, còn mong các vị chỉ giáo, xin vô cùng cảm ơn.
 
© 2003 talawas
Nguồn: Nguyên văn đăng ở Bắc Mỹ nhật báo tại Niu-oóc ngày