© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
1.6.2005
Đỗ Kh.
Đối thoại với một trung đội trưởng thám kích?
 
Tôi nghe các bạn Tây ba lô kể (nhưng chưa được mắt thấy) là một dạo ở Việt Nam có bán áo thun đề “Tôi không muốn mát xa – Tôi không muốn có gái – Tôi không muốn Lonely Planet – Tôi không muốn Nỗi buồn chiến tranh” (I don’t want massage / I don’t want short time / I don’t want Lonely Planet / I don’t want the Sorrow of War). Đây là phiên bản địa phương của tứ tuyệt thịnh hành vào những năm 90 tại Bali do du khách ba lô Úc sáng tác để tránh bị trẻ em xa mẹ làm phiền mời mọc cả ngày. Nhưng đến nay tôi mới được thấy cái áo thun “Chủ ý thấy rõ – Dối trá – Phóng đại – Căm thù hằn học” của cựu trung đội trưởng thám kích Trần Hoài Thư mặc cho tác giả Bảo Ninh.

Tôi đồng ý với Trần Hoài Thư là một số chi tiết ông nêu ra phải làm người đọc miền Nam “phì cười” tuy không buồn cười bằng chuyện vượt biên bằng tàu sang thẳng đến New York (!) cầm vàng 9999 mua xe con và lái một mạch đến Cali (tôi nhớ là của Nguyễn Thị Ấm, nếu có sai nhờ bạn đọc mách giùm)! Tuy nhiên, có phải vì vậy mà nên vội cho là Nguyễn Thị Ấm chủ ý xuyên tạc cộng đồng hải ngoại lái xe không có bằng, tiểu sử tín dụng không được tốt và không được ngân hàng cho vay tiền mua xe? Nếu đi vào tiểu tiết, li chi cho đến cùng thì ngay thiếu uý thám kích VNCH Trần Hoài Thư cũng không hoàn toàn chính xác chứ đừng nói gì bộ đội Bảo Ninh. Khi cho biết nhiệm vụ của thám báo là lẩn tránh giao tranh, càng kín càng tốt, để chu toàn công tác và bảo toàn cái mạng trong vùng địch thì Trần Hoài Thư không sai vào đâu nhưng khi viết ra đó là đặc tính của tất cả lính trinh sát, biệt kích, viễn thám v.v... thì tôi nghĩ là một quân nhân kinh nghiệm như ông trở thành một ngòi bút lỡ đà tí xíu, lại đúng là điều ông trách ở Bảo Ninh. Ông phải biết là 90% các đơn vị gọi là trinh sát, thám báo trong 90% trường hợp được sử dụng là không phải để dò xét âm thầm trong tuyến địch mà được dùng như là lực lượng trừ bị của đại đơn vị, sư đoàn, liên đoàn, tiểu khu... để đối phó với những tình huống đặc biệt. Tức là mở đường, đóng tiền đồn, giữ cánh phải, lấp tuyến trái, đoạn hậu gì đó, tiếp viện, tăng viện, giải cứu, phá vòng vây linh tinh. Đây chẳng phải là bài viết cho ban quân sử bộ quốc phòng để mà trung thực đúng mức hay chính xác hoàn toàn và đó cũng không phải là tiêu chuẩn của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

Trong những lỗi lầm của tiểu thuyết này được Trần Hoài Thư liệt kê, “ám ảnh thám báo” theo tôi chẳng là chủ ý gì hết mà là ưu tư thường xuyên của bộ đội vào B. Một sĩ quan biệt kích dù phát biểu “Việt cộng sợ 2 điều. Một là B52 và hai là biệt kích 81”. Đây dễ hiểu vì hai điều này là một, biệt kích là người gọi B52, không pháo, hải pháo, trọng pháo gì đó và bảo mật đóng quân, di chuyển là điều kiện an toàn của các đơn vị và cán binh bộ đội. Sự ám ảnh này vẽ vời thành hình ảnh râu ria, lực lưỡng và tàn bạo của người lính thám báo miền Nam trong cuộc chiến. Phía miền Nam ghét thằng gài mìn, đặt chông, bắn sẻ, phía miền Bắc hận thằng biệt kích thám báo trinh sát. Đây là thực tế của chiến trường, ăn bom hay đạp bẫy là thực tế tàn bạo, chẳng phải là chủ ý mưu toan gì ráo.

Lỗi phong hàm trung uý cho trưởng toán thì một người từng đi học tập cải tạo (?) như Trần Hoài Thư cũng phải rõ hơn là một người nhanh chân chạy trước như tôi. Quân đội nhân dân không có cấp “chuẩn” trong hàng sĩ quan mà có thêm cấp “thượng”. Thượng tướng miền Bắc là trung tướng miền Nam và trung tướng hay trung uý miền Bắc là thiếu tướng hay thiếu uý miền Nam. Đây là vấn đề tương đương quân hàm, chẳng có gì phải gọi là phóng đại, dối trá nghiêm trọng. Quân đội miền Nam thời Đệ nhất Cộng hoà chỉ có tướng 2 sao (thiếu tướng) mà không có tướng 1 sao (theo mẫu của quân đội Pháp), về sau có thêm chuẩn tướng mà cấp tá thì lại không có chuẩn tá. Hàng dưới thì có hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ mà đại sĩ với lại chuẩn sĩ thì không (hai hàm cuối này có lẽ chỉ dành cho nhà văn), thảo nào bộ đội Bảo Ninh chẳng lúng túng. Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, đài BBC (và người Anh) gọi là Air Vice Marshall, ở trong rừng Bảo Ninh có mở đài nghe được chắc đã gọi ông này là Phó Thống tướng Không quân. Thì ông cũng có râu, nhưng nghe đâu tàn bạo thì là đối với phụ nữ.

Tới nữ cảnh sát Ban Mê Thuột bắn tới viên đạn súng lục cuối cùng thì phải nhận là buồn cười đối với người miền Nam quen gọi cảnh sát dã chiến (theo âm của miền Nam) là cảnh sát giả chết (đại khái như nhân dân tự vệ thành nhân dân tự vận). Đây thì chữ “phóng đại” của Trần Hoài Thư phong cho Bảo Ninh mới xứng đáng thật sự! Nhưng ở Ban Mê Thuột vào 75 thì cũng có lý do. Trong tháng 3 tại đây, trung đoàn 53 Bộ binh VNCH, lực lượng tiểu khu Đắc Lắc (địa phương quân, nghĩa quân), cảnh sát quốc gia đã chống cự mãnh liệt (ngoan cố) với 12 trung đoàn quân đội nhân dân có chiến xa, đại pháo. Sau khi thành phố thất thủ, các khu trù mật kế bên chỉ còn nhân dân tự vệ mà QĐND cũng phải mất vài ngày để thanh toán nốt. Chuyện đàn bà súng ngắn có đồn đại trong quân bộ đội và thêu dệt cũng từ thực tế của chiến trường này. Chỉ tiếc, Bảo Ninh không nghe nói đến việc cũng chính xác là tư lịnh sư đoàn 23 Lê Trung Tường đã điều đại đội trinh sát của liên đoàn biệt động quân chỉ để đánh thoát cho vợ con ông còn kẹt tại tư gia và rút liền sau đó để mang theo gia đình ông an toàn! Hẳn cách dùng quân quỉ khốc này đã khiến bộ chỉ huy miền Bắc phải hoang mang một lúc. Dù sao, nếu có phụ nữ nào bắn hết 6 viên súng ngắn ở Ban Mê Thuột thì nhất định không phải là bà tướng nói trên.

Phần của Bảo Ninh là vậy, còn chán lắm rồi nhưng phần của Trần Hoài Thư vẫn phải nói tiếp. “Có tên lính nào cách kẻ địch vài bước (nhắc lại: vài bước) quạt M16 mà sợ đến độ té đái trong quần” thì tôi không biết. Kinh nghiệm sống (chết) trên thì tôi không có, nhưng trên trò chơi vi tính online thấy địch càng gần là tôi vẫn luống cuống quạt hụt ngay. Giờ trở đi, nếu con tôi có chê là bố hoảng mà bắn không trúng thì cảm ơn Trần Hoài Thư, tôi đã có cách trả lời, đấy là tao nhân đạo mà tha chết cho nó đấy, mày biết gì! Thảo nào khi đăng biệt kích 81, chỉ cần nhìn mặt là tôi đã bị loại. Nhân tiện, nói đến băng đạn M16, thưa trung đội trưởng, nó chứa 30 viên. Nhân vật Kiên của Bảo Ninh không có vừa đi vừa đếm đến 30 đâu, bộ đội răng đen mã tấu không có bằng tú tài đếm được đến 10 là đủ giỏi, ở đây ông nhà văn dùng chữ nghĩa mà nói 30 viên tức là bắn hết một băng đạn đấy.

Thởi tôi đi lính Cộng hoà (74-75) lương binh nhì của tôi là 15.500 đồng. Hối suất USD chính thức vào lúc đó là 135 đồng nhưng chỉ được dành cho những việc chính thức như chuyển ngân du học, và có giới hạn. Hối suất chợ đen, nghĩa là hối suất thông dụng, là 1 USD ăn 300 đồng. Khẩu phần ăn của tôi, quân đội khấu trừ 180 đồng/ngày, 5.400 đồng/ tháng, còn lại, tôi được lãnh 10.100 đồng. Như vậy, người lính Cộng hoà được nuôi ăn theo hối suất chính thức là 1,33 USD/ngày, theo hối suất chợ đen là 0,60 USD/ngày. Kể đến lương chưa trừ tiền cơm thì là 3,82 USD/ngày theo giá chính thức hay 1,72 USD/ngày theo giá chợ đen. Xin nói rõ, hưởng hối suất chính thức là một đặc quyền, thí dụ những gia đình có con em du học được hưởng hối đoái này, vẫn có người bán lại để hưởng sự khác biệt. Các tù binh cộng sản được nuôi 4, 5 đô la một ngày theo Trần Hoài Thư thì hối đoái nào tôi không rõ và cũng không rõ có ai được hưởng sự sai biệt trên hay không [1] ? Đằng nào thì cũng vẫn hơn người lính và một chế độ đối xử với tù binh tốt hơn người lính thì còn phải hỏi tại sao bại trận, lính của họ ai cũng mong sớm được làm tù binh để tăng lương! Chuyện mời Việt cộng hút thuốc Ruby cũng là Bảo Ninh nói phét nốt. Phần tôi, mỗi kỳ có hàng quân tiếp vụ, được mua Ruby là tôi bán lại ngay tại chỗ để ra ngoài mua Bastos giá có một nửa, mời tù binh chắc tôi chỉ mời thuốc vấn là rộng rãi rồi, ĐM dám chê chắc, tôi giọng cho báng súng vô họng.

Chẻ sợi tóc ra làm bấy nhiêu điều, tôi chỉ muốn nói là tôi nghĩ rằng Bảo Ninh trung thực, với chính ông và với đồng đội của ông là điều tối thiểu. Viết trung thực, khen và chê về phía của ông, ông đã làm dũng cảm và đúng với lương tâm, còn viết có trung thực về sĩ quan thám báo (ăn nói lịch sự và có học [2] ) là việc của Trần Hoài Thư, Bảo Ninh không thể làm thay thế một cách chính xác được. Sân nhà ai người nấy quét, chỉ có như vậy thì mới có thể mong đối thoại, nghĩa là trao đổi và chia sẻ ở thời điểm cũng đã chậm trễ này là đã 30 năm.

© 2005 talawas



[1]Trong thời gian nằm bịnh tại quân y viện, tôi được biệt đãi phần ăn 230 đồng mà không phải khấu trừ vào lương. Ở trên quản l‎í số tiền này ra sao tôi không rõ, chỉ thấy tận mắt là nhà bếp có phần thịt kho mỡ phát ra cho các xe để phân phối cho từng trại, các bà đẩy xe trích phần thịt bỏ bịch ny lông. Tôi có sức, đẩy xe cho các bà thì được trả công vài cục mỡ, khay ăn đến giường bệnh thì chỉ còn nước thịt và 1 miếng mỡ tượng trưng. Vì vậy nên có vụ y sĩ đại úy Hà Thúc Nhơn ở Nha Trang dẫn thương binh làm loạn và bị bắn chết tại quân y viện Nguyễn Hụê. Nay biết là tù binh cộng sản được 4-5 USD/ngày nên chẳng bao giờ nghe nói họ làm loạn trong trại!
[2]Chuyện thứ nhất nổi tiếng ở cao nguyên làm nên danh một đại úy (Phạm Hữu Tài): Ông tư lịnh quân khu là người văng tục đều đặn với thuộc cấp, vừa mắng vừa chửi thề vừa quơ gậy chỉ huy về bất cứ việc gì. Đại úy trên vào một bận họp đưa tay xin phát biểu “Tôi vào quân đội để phục vụ đất nước, tôi đi lính có một mình, không mang mẹ tôi theo để thiếu tướng chơi, sao thiếu tướng lại ĐM tôi”.
Chuyện thứ nhì hi hữu không kém, nổi tiếng ở đồng bằng làm nên danh một đại tá (Mạch Văn Trường): Bay thị sát mặt trận ông vào tần số điện đàm của địch, trao đổi thì bị địch cho ăn đủ thứ con ở trên máy. Đại tá này bèn trả lời “ Ta sẽ cho mi ăn một nắm kẹo đồng”!