© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Nobel Hoà bình
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
2.6.2005
Dalai Lama
Bài giảng tại lễ trao giải Nobel, ngày 11 tháng Mười một, 1989
Khải Minh dịch
 
Thưa các anh chị em,

Thật vinh dự và hạnh phúc được cùng các bạn ngày hôm nay. Tôi vô cùng vui sướng được gặp lại bao nhiêu người bạn cũ, những người đã đến từ mọi chân trời, và được làm quen với những người bạn mới, những người tôi hi vọng sẽ được gặp lại trong tương lai. Khi tôi gặp mọi người từ khắp mọi vùng của thế giới, tôi luôn được nhắc nhở rằng chúng ta về căn bản là giống nhau: chúng ta đều là con người. Có thể chúng ta có trang phục khác nhau, màu da khác nhau, hay nói không cùng thứ tiếng. Đó là bề mặt. Nhưng cơ bản, chúng ta cùng là con người như nhau. Đó là cái kết nối chúng ta lại với nhau. Đó chính là cái làm cho chúng ta có thể hiểu nhau và cùng xây dựng tình bạn và sự gần gũi.

Khi nghĩ về những gì tôi có thể nói trong ngày hôm nay, tôi quyết định chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của tôi về những vấn đề chung mà tất cả chúng ta đều phải đối diện, những thành viên của gia đình nhân loại. Bởi vì chúng ta cùng chia sẻ cái tinh cầu trái đất nhỏ bé này, chúng ta phải học cách sống trong hòa bình, đồng điệu với nhau và với thiên nhiên. Đó chẳng phải chỉ là một giấc mơ, mà còn là một điều cần thiết. Chúng ta phụ thuộc vào nhau về nhiều mặt, chúng ta không còn có thể sống trong những cộng đồng tách biệt và phớt lờ những gì đang xảy ra bên ngoài cộng đồng đó, và chúng ta phải chia sẻ những vận may mà chúng ta đang vui hưởng. Tôi nói với các bạn chỉ với tư cách là một con người; như là một nhà sư đơn giản. Nếu bạn thấy điều tôi nói hữu ích, tôi mong các bạn cố gắng thực hành nó.

Trong ngày này, tôi cũng muốn chia sẻ với bạn những cảm nhận của tôi về hoàn cảnh khốn khó và những niềm cảm hứng của người Tây Tạng. Giải Nobel Hòa bình là một giải thưởng mà họ xứng đáng được hưởng vì lòng dũng cảm và nghị lực vô song của họ trong suốt bốn mươi năm dưới ách đô hộ của nước ngoài. Với tư cách là một người phát ngôn tự do cho những người đàn ông, đàn bà đang bị giam cầm, tôi cảm thấy rằng thay mặt họ là bổn phận của tôi. Tôi nói lên, không với cảm giác giận dữ hay thù hận với những người phải chịu trách nhiệm về những đau khổ to lớn mà nhân dân tôi phải chịu, và sự tàn phá đất đai, nhà cửa và văn hóa. Họ cũng là con người, những người cũng tìm kiếm hạnh phúc và xứng đáng hưởng sự thông cảm của chúng ta. Tôi nói lên để báo cho các bạn biết về hoàn cảnh đau buồn trên đất nước tôi ngày hôm nay, và về những nguồn cảm hứng của đồng bào tôi, bởi vì trong cuộc đấu tranh của chúng tôi, sự thật là vũ khí duy nhất mà chúng tôi sở hữu.

Việc giác ngộ rằng tất cả chúng ta đều là những người như nhau, đều tìm kiếm hạnh phúc và cố gắng tránh khổ đau, là rất có ích trong việc xây dựng một cảm nhận về tình anh em, chị em; một cảm nhận ấm áp về tình yêu và sự cảm thông với người khác. Điều này, đến lượt nó, lại là cơ bản, nếu chúng ta muốn tồn tại trong thế giới ngày càng hẹp lại mà chúng ta đang sống. Bởi vì nếu chúng ta chỉ theo đuổi những gì mà chúng ta tin là có lợi nhất cho mình một cách ích kỉ, thì kết cục, chúng ta có thể không chỉ làm hại người khác, mà còn làm hại chính mình. Sự thật đó đã trở nên rất sáng tỏ trong thế kỉ này. Ví dụ, chúng ta biết rằng phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân ngày hôm nay là một hình thức tự sát; hoặc là, bằng việc làm ô nhiễm không khí hay các đại dương, để giành lấy vài mối lợi trước mắt, chúng ta đang phá hủy cơ sở cho sự tồn tại của chính mình. Với tư cách là những mối liên thuộc, vì thế, chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phát triển cái mà tôi gọi là một cảm nhận về trách nhiệm toàn cầu.

Ngày nay, chúng ta thực sự là một gia đình toàn cầu. Một sự kiện xảy ra ở một phần nào đó của thế giới có thể tác động đến tất cả chúng ta. Điều này, tất nhiên, không chỉ đúng với những điều tiêu cực, mà cũng đúng với cả những phát triển tích cực. Chúng ta không chỉ biết những chuyện xảy ra ở nơi khác, nhờ công nghệ viễn thông hiện đại. Chúng ta còn bị tác động bởi những sự kiện xảy ra rất xa ta. Chúng ta thấy buồn khi trẻ em đang chết đói ở Đông Phi. Cũng như thế, chúng ta cảm thấy vui sướng khi một gia đình được đoàn tụ sau nhiều thập kỉ phân chia bởi Bức tường Berlin. Mùa màng và gia súc của chúng ta bị đe dọa khi một tai nạn hạt nhân xảy ra hàng trăm dặm ở một nước khác. An ninh của chính chúng ta được tăng cường khi hòa bình được lập lại giữa những bên tham chiến ở những lục địa khác.

Nhưng dù chiến tranh hay hòa bình; sự hủy diệt hay bảo vệ tự nhiên; sự vi phạm hay thúc đẩy quyền con người và tự do dân chủ; sự thiếu các giá trị đạo đức và tâm linh, hay sự hiện diện của chúng; và sự đứt gãy hay sự phát triển những hiểu biết giữa người với người, không phải là những hiện tượng biệt lập có thể luôn được phân tích và giải quyết độc lập với những vấn đề khác. Trên thực tế, chúng rất gắn bó với nhau ở mọi tầng mức, và phải tiếp cận chúng với nhận thức [về sự gắn bó] này.

Hòa bình, theo nghĩa không còn chiến tranh, có rất ít giá trị cho một người đang chết vì đói hay lạnh. Nó sẽ không thể xoa dịu sự đau đớn về thể xác của những nhục hình áp dụng với một tù nhân lương tâm. Nó cũng chẳng thể giải nỗi phiền muộn của một người mất những đứa con vì lụt lội do sự phá rừng bất cẩn ở nước láng giềng. Hòa bình chỉ có thể tồn tại khi quyền con người được tôn trọng, khi con người đủ ăn, và khi các cá nhân và các dân tộc được tự do. Hòa bình thực sự với chính mình và với thế giới xung quanh chúng ta chỉ có thể giành được thông qua việc xây đắp hòa bình trong tâm hồn. Những hiện tượng nói trên đây cũng liên thuộc theo lối tương tự. Vì thế, ví dụ, chúng ta có thể thấy rằng một môi trường trong sạch, thịnh vượng hay dân chủ có rất ít giá trị trước chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân, và rằng sự phát triển vật chất không đủ để đảm bảo hạnh phúc của con người.

Tiến bộ về vật chất hiển nhiên là quan trọng cho sự thăng tiến của con người. Ở Tây Tạng, chúng tôi đã dành quá ít quan tâm cho những phát triển về kinh tế và công nghệ, và ngày nay chúng tôi hiểu rằng đây là một sai lầm. Cùng lúc đó, những phát triển về vật chất mà không có phát triển về tinh thần cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Ở nhiều quốc gia, người ta quan tâm quá nhiều đến ngoại vật và sự phát triển nội tâm không được chú ý. Tôi tin rằng cả hai đều quan trọng và phải phát triển bên cạnh nhau để đạt được cân bằng giữa chúng. Người Tây Tạng luôn được các du khách mô tả là những người vui sống và hạnh phúc. Đây là một phần đặc tính dân tộc chúng tôi, được tạo thành bởi các giá trị văn hóa và tôn giáo, vốn nhấn mạnh đến sự bình yên trong tâm hồn qua việc tạo ra tình yêu và lòng nhân với những loài hữu tình khác, cả con người và động vật. Bình yên trong tâm hồn chính là chìa khóa: nếu bạn có bình yên trong tâm hồn, các vấn đề ngoại cảnh sẽ không tác động đến cảm nhận sâu sắc của bạn về an lạc. Trong trạng thái đó bạn có thể đối phó với mọi tình huống bằng sự tỉnh táo và sáng suốt, trong khi vẫn giữ được hạnh phúc trong tâm. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không có sự bình yên trong tâm, thì dù đời sống vật chất của bạn có đủ đầy, bạn vẫn thấy lo lắng, bất an hay buồn bã vì ngoại cảnh.

Do đó, việc hiểu mối quan hệ liên thuộc giữa những điều này và những hiện tượng khác, và để tiếp cận và cố gắng giải quyết vấn đề một cách trung dung, có cân nhắc đến tất cả những khía cạnh khác nhau này, vô cùng quan trọng. Tất nhiên, điều này không dễ. Nhưng sẽ chẳng ích gì khi cố giải quyết một vấn đề nếu làm như thế sẽ tạo ra một vấn đề nghiêm trọng chẳng kém. Vì thế, thực sự chúng ta không có lựa chọn nào khác: chúng ta phải xây dựng một cảm nhận về trách nhiệm toàn cầu, không chỉ theo nghĩa địa lý, mà còn theo nghĩa tôn trọng các vấn đề khác nhau đang đặt ra với hành tinh chúng ta.

Trách nhiệm không chỉ nằm ở những nhà lãnh đạo quốc gia hay ở những người được chọn lựa hay bầu ra để làm một nghề nào đó. Nó nằm trong mỗi chúng ta. Hòa bình, ví dụ, bắt đầu với mỗi người chúng ta. Khi chúng ta có hòa bình trong tâm hồn, chúng ta có thể có hòa bình với những người quanh ta. Khi cộng đồng chúng ta ở trong hòa bình, nó có thể chia sẻ hòa bình đó với những cộng đồng lân cận, và cứ thế, cứ thế… Khi chúng ta cảm thấy tình yêu và lòng trắc ẩn với những người khác, nó không chỉ làm cho người khác cảm thấy được yêu thương và tôn trọng, mà nó còn giúp chúng ta phát triển hạnh phúc và an lạc trong tâm chúng ta. Và có nhiều cách chúng ta có thể làm, một cách có ý thức, để phát triển tình yêu và lòng nhân ái. Với một vài người trong chúng ta, cách hữu hiệu nhất là qua thực hành tôn giáo. Với những người khác, nó có thể là những thi hành phi tôn giáo. Điều quan trọng là mỗi chúng ta đều có cố gắng chân thành nhận lấy trách nhiệm với những người khác và cho môi trường mà chúng ta đang sống.

Những phát triển đang diễn ra xung quanh ra đã động viên tôi rất nhiều. Sau khi thanh niên ở nhiều nước, đặc biệt là ở Bắc Âu, không ngừng kêu gọi chấm dứt sự tàn phá môi trường nhân danh phát triển kinh tế, các lãnh tụ chính trị trên thế giới đã bắt đầu có những bước có ý nghĩa để giải quyết vấn đề này. Báo cáo của Ủy ban toàn cầu về Môi trường và Phát triển (Báo cáo Brundtland) gửi Tổng thư kí Liên Hợp Quốc, là một bước quan trọng trong việc giáo dục các chính quyền về mức độ khẩn cấp của vấn đề này. Những nỗ lực đem lại hòa bình cho các khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh và thực hiện các quyền tự quyết của một số dân tộc đã thành công trong việc khiến quân đội Liên Xô rút lui khỏi Afganistan và sự thành lập nước Namibia độc lập. Qua những nỗ lực bất bạo động rộng rãi và kiên trì, những thay đổi đầy kịch tính, đem nhiều nước đến gần hơn với dân chủ thực sự, đã diễn ra ở nhiều nơi, từ Manila của Philippin tới Berlin ở Đông Đức. Khi kỉ nguyên Chiến tranh lạnh có vẻ như đã kết thúc, nhân dân khắp nơi đang sống với những niềm hi vọng mới. Đáng buồn là, những cố gắng đầy dũng cảm của nhân dân Trung Quốc nhằm đem lại những đổi thay tương tự trên đất nước họ đã bị đàn áp dã man vào tháng Sáu năm ngoái. Nhưng nỗ lực của họ cũng là một nguồn hi vọng. Quân đội có thể đã không dập tắt được khát vọng tự do và quyết tâm của người Trung Quốc. Tôi đặc biệt khâm phục việc những thanh niên, những người vốn được dạy rằng “quyền lực bắt đầu từ nòng súng”, đã chọn bất bạo lực là vũ khí của họ.

Những đổi thay tích cực này cho thấy là rốt cuộc, cái hợp lẽ, lòng can đảm, quyết tâm, và khát vọng tự do có thể sẽ chiến thắng. Trong cuộc đấu tranh giữa các lực lượng chiến tranh, bạo lực và áp bức một bên và đạo lý và tự do ở bên kia, cái sau sẽ giành ưu thế. Sự giác ngộ này đã khiến cho người Tây Tạng tràn ngập niềm hi vọng rằng một ngày nào đó, cả chúng tôi cũng sẽ một lần nữa được tự do.

Trao giải Nobel Hòa bình cho tôi, một ông sư đơn thuần ở xứ Tây Tạng xa xôi, ở đây, Thụy Điển, cũng làm cho người Tây Tạng chúng tôi thêm hi vọng. Nó có nghĩa là, bất chấp sự thật là chúng tôi không lôi cuốn sự chú ý cho hoàn cảnh gian khó của chúng tôi bằng bạo lực, chúng tôi đã không bị lãng quên. Nó cũng có nghĩa là những giá trị mà chúng tôi tôn thờ, có thể là niềm khát vọng của chúng tôi với mọi dạng đời sống và niềm tin vào sức mạnh của sự thật, ngày nay đã được ghi nhận và ủng hộ. Nó cũng là một lời ghi nhận người thầy của tôi, Thánh Gandhi, mà sự mẫu mực của ông là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trong chúng ta. Tôi thực sự xúc động bởi mối quan tâm dành cho những nỗi đau của nhân dân Tây Tạng của bao nhiêu người trong phần này của thế giới [Ấn Độ-ND]. Đây là niềm hi vọng không chỉ cho những người Tây Tạng chúng tôi, mà còn cho mọi người đang bị áp bức.

Như các bạn biết, Tây Tạng đã ở dưới ách thống trị của ngoại bang trong suốt bốn mươi năm qua. Ngày nay, hơn 250.000 lính Trung Quốc đang đồn trú ở Tây Tạng. Một số nguồn ước lượng số quân chiếm đóng còn gấp đôi số này. Trong thời gian đó, người Tây Tạng đã bị tước đoạt những quyền con người căn bản nhất, bao gồm quyền sống, quyền di chuyển, quyền phát biểu, thờ tự- đó mới chỉ là vài ví dụ. Hơn một phần sáu trong tổng số dân 6 triệu của Tây Tạng đã chết do kết quả trực tiếp của sự xâm lược và chiếm đóng của Trung Quốc. Thậm chí trước khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu, nhiều tu viện, chùa chiền và các tòa nhà lịch sử của Tây Tạng đã bị tàn phá. Hầu như tất cả những gì còn lại thì cũng bị phá hủy nốt trong Cách mạng Văn hóa. Tôi không muốn xới sâu thêm điểm này, vốn đã được ghi lại rất kĩ lưỡng. Tất nhiên, điều cần nhận thức rõ, là bất chấp những tự do hết sức giới hạn được [nhà cầm quyền Bắc Kinh] trao sau năm 1979, để xây dựng lại các tu viện và những biểu hiện của việc tự do hóa như thế, những quyền con người căn bản của nhân dân Tây Tạng vẫn còn bị vi phạm một cách có hệ thống đến tận ngày hôm nay.

Nếu không phải là vì cộng đồng lưu vong của chúng tôi, vốn được chính phủ và nhân dân Ấn Độ che chở và hỗ trợ một cách hào hiệp, và được các tổ chức và cá nhân từ nhiều nơi trên khắp thế giới giúp đỡ, thì nhân dân tôi ngày nay hẳn không hơn tàn tích tan nát của một dân tộc. Văn hóa, tôn giáo và bản sắc dân tộc của chúng tôi đã gần như bị hủy diệt. Và sự thực là, chúng tôi đã xây dựng trường học và tu viện trong khi lưu vong, đã tạo ra những thiết chế dân chủ để phục vụ nhân dân mình, và bảo tồn những hạt giống của nền văn minh của chúng tôi. Với kinh nghiệm này, chúng tôi dự tính sẽ thực thi một nền dân chủ toàn diện ở Tây Tạng tự do trong tương lai. Do đó, trong khi chúng tôi phát triển cộng đồng lưu vong theo những nét hiện đại, chúng tôi cũng tôn thờ và bảo vệ bản sắc và văn hóa của chính mình, và đem hi vọng tới cho hàng triệu người dân, đàn ông và đàn bà, ở Tây Tạng.

Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là dòng chảy ồ ạt của những người di cư Trung Quốc tới Tây Tạng. Dù trong những thập kỉ đầu tiên chiếm đóng, đã có một số lượng đáng kể người Trung Quốc được điều chuyển đến các vùng phía đông Tây Tạng- trong các tỉnh Amdo (Chinghai) và Kham (phần lớn đã bị nhập vào các tỉnh lân cận của Trung Quốc)- từ 1983 người Trung Quốc, được sự cổ vũ của nhà cầm quyền, đã nhập cư vào mọi vùng của Tây Tạng, gồm cả vùng trung và tây Tây Tạng (vùng mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thường nhắc tới như cái gọi là Vùng tự trị Tây Tạng). Người Tây Tạng đang bị giảm nhanh thành một thiểu số không quan trọng trong chính đất nước của mình. Sự phát triển này, vốn đe dọa chính sự tồn vong của dân tộc Tây Tạng, văn hóa và di sản tinh thần của nó, còn có thể dừng lại và đảo ngược. Nhưng nó phải được thực hiện ngay trước khi quá muộn.

Những chu kì phản đối và đàn áp bằng vũ lực, bắt đầu ở Tây Tạng vào tháng Mười năm 1987 và lên tới đỉnh điểm ở việc áp đặt thiết quân luật ở thủ đô Lhasa vào tháng Ba năm đó, về căn bản là phản ứng với dòng thác người nhập cư Trung Quốc này. Thông tin đến với chúng tôi, những người đang lưu vong, cho thấy rằng những cuộc tuần hành phản đối và những hình thức phản đối hòa bình khác đang tiếp tục ở Lhasa và rất nhiều nơi khác nữa ở Tây Tạng, bất chấp sự trừng phạt hà khắc và đối xử phi nhân dành cho những người Tây Tạng bị bắt giữ vì đã bày tỏ sự bất bình của họ. Số người Tây Tạng bị lực lượng an ninh giết trong các cuộc biểu tình tháng Ba và số người chết trong khi bị giam giữ thời gian sau đó là một ẩn số, nhưng người ta tin rằng con số này phải hơn 200. Hàng ngàn người bị giam giữ hay bắt bớ. Nhục hình rất phổ biến.

Trong bối cảnh của tình hình ngày càng trở nên nguy ngập này, để ngăn chặn những cuộc tắm máu tiếp theo, tôi đã đề xuất cái thường được nhắc đến như là Kế hoạch Hòa bình Năm Điểm để vãn hồi hòa bình và nhân quyền ở Tây Tạng. Tôi đã nói tỉ mỉ về kế hoạch này trong một bài phát biểu ở Strasbourg năm ngoái. Tôi tin rằng kế hoạch này cung cấp một khung hợp lý và thực tế cho việc đối thoại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không sẵn sàng đáp lại một cách xây dựng. Tất nhiên, sự đàn áp khốc liệt phong trào dân chủ của người Trung Quốc vào tháng Sáu năm nay đã củng cố quan điểm của tôi, rằng mọi dàn xếp về vấn đề Tây Tạng sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó được hỗ trợ bởi những đảm bảo quốc tế.

Kế hoạch Hòa bình Năm Điểm giải quyết các vấn đề nguyên tắc và liên thuộc, mà tôi đã nhắc đến trong phần đầu của bài giảng này. Nó kêu gọi (1) Chuyển đổi toàn bộ Tây Tạng, bao gồm các tỉnh miền Đông của Kham và Amdo, thành khu vực Ahimsa (bất bạo động); (2) Xóa bỏ chính sách điều dân của Trung Quốc; (3) Tôn trọng những quyền con người và tự do dân chủ căn bản của nhân dân Tây Tạng; (4) Phản hồi và bảo vệ môi trường của Tây Tạng; (5) Bắt đầu các cuộc thảo luận nghiêm túc về địa vị trong tương lai của Tây Tạng và quan hệ giữa người Tây Tạng và người Trung Hoa. Trong bài thuyết trình Strasbourg tôi đã đề nghị rằng Tây Tạng sẽ trở thành một thực thể chính trị dân chủ tự quản đầy đủ.

Tôi muốn dùng cơ hội này để giải thích khái niệm Vùng Ahimsa hay là nơi hòa bình cư ngụ, vốn là yếu tố trung tâm của Kế hoạch Hòa bình Năm Điểm. Tôi tin rằng điều này là tối quan trọng không chỉ với Tây Tạng mà cho hòa bình và ổn định ở Châu Á.

Trong ước mơ của tôi, toàn thể cao nguyên Tây Tạng sẽ trở thành một khu cư trú tự do, nơi mà con người và tự nhiên có thể sống trong hòa hợp và hòa bình. Nó có thể trở thành nơi người từ khắp thế giới có thể đến để tìm ý nghĩa thực sự của hòa bình trong chính tâm mình, xa khỏi những xung đột và áp lực trên hầu khắp phần còn lại của thế giới. Tây Tạng đương nhiên có thể trở thành một trung tâm sáng tạo để cổ vũ và phát triển hòa bình.

Sau đây là những yếu tố căn bản của Vùng Ahimsa mà tôi đề xuất:

Độ cao và diện tích của Tây Tạng (tương đương với Cộng đồng châu Âu), cũng như lịch sử độc đáo cùng di sản tâm linh to lớn của nó, sẽ khiến nó phù hợp tới mức lí tưởng để thực hiện vai trò điện thờ của hòa bình trong trái tim chiến lược của Châu Á. Nó cũng hòa hợp với vai trò lịch sử của Tây Tạng như là một dân tộc Phật giáo và là vùng đệm ngăn các thế lực vĩ đại và thường là cạnh tranh nhau của châu Á.

Để giảm nhẹ các xung đột hiện nay ở châu Á, tổng thống Liên bang Xô Viết, Ông Gorbachev, đề xuất phi quân sự hóa biên giới Xô-Trung và chuyển nó thành “biên giới của hòa bình và láng giềng thân thiện”. Chính phủ Nepal trước đó cũng đã đề xuất đất nước Nepal trên dãy Himalaya, chung biên giới với Tây Tạng, nên trở thành một khu vực của hòa bình, mặc dù đề xuất này không bao gồm việc phi quân sự hóa đất nước.

Vì sự ổn định và hòa bình ở Châu Á, điều căn bản là phải tạo ra các khu vực hòa bình để ngăn cản các cực quyền lực to lớn và thường là thù địch của lục địa này. Đề xuất của Tổng thống Gorbachev, vốn bao gồm cả việc rút hoàn toàn quân đội Xô Viết khỏi Mông Cổ, có thể giúp giảm căng thẳng và ẩn họa xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc. Hiển nhiên, một khu vực hòa bình cũng phải được tạo ra để ngăn cách hai quốc gia đông dân cư nhất, Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc thành lập Vùng Ahimsa sẽ đòi hỏi rút bỏ quân đội và các căn cứ quân sự ra khỏi Tây Tạng, điều sẽ cho phép Ấn Độ và Nepal cũng rút quân đội và căn cứ quân sự khỏi các vùng Himalaya chung biên giới với Tây Tạng. Điều này sẽ phải do các hiệp ước quốc tế quy định. Đó sẽ là lợi ích của tất cả các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, bởi vì nó có thể tăng cường an ninh của họ, trong khi giảm gánh nặng kinh tế của việc duy trì mức độ tập trung quân đội cao ở các khu vực xa xôi.

Tây Tạng cũng không phải là khu vực chiến lược đầu tiên cần được phi quân sự hóa. Các phần của bán đảo Sinai, lãnh thổ của Ai Cập phân chia Israel và Ai Cập, đã được phi quân sự hóa trong một thời gian. Tất nhiên, Costa Rica là ví dụ tốt nhất của một đất nước được phi quân sự hóa hoàn toàn. Tây Tạng cũng không phải là khu vực đầu tiên được biến thành khu bảo tồn thiên nhiên hay sinh quyển. Nhiều công viên như thế đã được hình thành trên khắp thế giới. Nhiều khu vực rất chiến lược đã được chuyển thành các "công viên hòa bình” tự nhiên. Hai ví dụ là Công viên La Amstad, ở biên giới Costa Rica-Panam và dự án Si A Paz trên biên giới Costa Rica-Nicaragua.

Khi tôi đến thăm Costa Rica hồi đầu năm nay, tôi được chứng kiến một đất nước đã phát triển thành công mà không cần quân đội, để trưởng thành một nền dân chủ ổn định gắn bó với hòa bình và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Điều này khẳng định niềm tin của tôi rằng tầm nhìn của tôi về Tây Tạng trong tương lai là một kế hoạch thực tiễn, không đơn thuần là một ước vọng.

Xin cho tôi kết thúc với một ghi nhận cá nhân, cảm tạ tất cả các bạn và các bạn bè của chúng ta, những người không có mặt ở đây ngày hôm nay. Những quan tâm và ủng hộ cho hoàn cảnh ngặt nghèo của người Tây Tạng mà các bạn thể hiện đã tác động sâu sắc đến chúng tôi, và tiếp tục cho chúng tôi nguồn động viên để đấu tranh cho tự do và công lý: không phải bằng dùng vũ lực, mà bằng vũ khí mạnh mẽ của sự thật và lòng kiên định. Tôi biết rằng tôi nói nhân danh toàn thể nhân dân Tây Tạng khi tôi cảm tạ các bạn, và mong các bạn không quên Tây Tạng trong thời khắc quyết định này trong lịch sử của đất nước chúng tôi. Chúng tôi cũng hi vọng đóng góp vào sự phát triển của một thế giới đẹp hơn, nhân văn hơn và thanh bình hơn. Một Tây Tạng tự do trong tương lai sẽ gắng giúp những người đang cần giúp đỡ trên khắp thế giới, để bảo vệ thiên nhiên và để thúc đẩy hòa bình. Tôi tin rằng năng lực Tây Tạng kết hợp những phẩm chất tâm linh với một thái độ thực tế của chúng tôi sẽ cho phép chúng tôi đóng góp một phần đặc biệt, cho dù đóng góp ấy có khiêm tốn đến mức nào. Đây là hi vọng của tôi, và lời cầu nguyện của tôi.

Cuối cùng, cho phép tôi chia sẻ với các bạn một bài kệ ngắn đã cho tôi nguồn cảm hứng và lòng kiên định to lớn:

Chừng nào vũ trụ còn
Và chừng nào sinh thể còn
Chừng ấy, tôi, cũng thế, còn tiếp tục
Để xua đau thương trên thế giới.

Xin cảm ơn.


Nhóm Duy Tân trẻ giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt.
Nguồn: http://nobelprize.org/peace/laureates/1989/lama-lecture.html