© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.6.2005
Đỗ Minh Tuấn
Tiếp tục nhận diện «ca-pốt rách của Đảng»
 
Nghe tin Trần Mạnh Hảo có bài đối thoại với tôi trên talawas, tôi tưởng rằng sẽ được đọc những ý tưởng hay, mới lạ nhằm trao đổi với tôi những vấn đề học thuật xung quanh bài viết "Vì sao văn học ta chưa ngang tầm thời đại" đăng đã ba tuần mà chưa có hồi âm. Nào ngờ sau 20 ngày nghiền ngẫm Trần Mạnh Hảo chỉ tung ra những lời lẽ bù lu bù loa, ngoa ngoắt và kích động xung quanh mấy chữ "ca-pốt rách của Ðảng" - cái danh hiệu tôi mà đã tặng cho ông trong bài tham luận kia. Trần Mạnh Hảo đã dùng tới gần ba ngàn chữ để đối thoại với 5 chữ của tôi, kích động lộ liễu hàng loạt thế lực chính trị trong và ngoài nước hòng đưa tôi vào cái thế bị cả hai bên cùng căm thù và đối phó. Cái tình thế đi giữa nhiều làn đạn tôi đã quen rồi. Cái cung cách phường tuồng mồm loa mép giải, ngụy biện, bịa chuyện và đánh tráo của Trần Mạnh Hảo chẳng ai còn lạ nữa. Song, việc một sự phân tích cụ thể bài viết của ông sẽ giúp đọc giả gần xa hiểu thêm một số cảnh ngộ và tâm thế của những người trí thức, qua đó nhìn ra một số vấn đề và diễn biến liên quan đến nhân cách trí thức và xu thế dân chủ hoá trong đất nước hôm nay.


Ðạo văn, diễn giải xuyên tạc hình tượng “ca-pốt rách”

Có thể nói Trần Mạnh Hảo đã "đánh cắp" bản quyền hình tượng ca-pốt của Ðảng mà tôi nghĩ ra để tạo hình tượng "ca-pốt lành của Ðảng" hết sức dễ dãi và khiên cưỡng. "Ca-pốt rách của Ðảng" là một hình tượng mới mẻ và hoàn chỉnh, khái quát được toàn bộ nhân cách lý luận của Trần Mạnh Hảo cả khi ông viết Ly thân lẫn khi ông viết các bài phê bình khủng bố các nhà văn, thậm chí bao quát cả tương lai ứng xử đầy bất trắc của Trần Mạnh Hảo - nếu ông tiếp tục giữ vệ sinh cho Ðảng bằng các bài viết quy chụp và đe nẹt thì vẫn là thực hiện chức năng của chiếc ca-pốt, nếu ông viết những cái khác quay ngược 180 độ kiểu như bài tham luận cò mồi về tự do sáng tác trong đại hội kia thì nghĩa là vết rách của cái ca-pốt ấy đã to hơn. Còn "ca-pốt lành" chỉ là một trò nói ngược giản đơn, không có nội dung thực tế cụ thể và thuyết phục. Hình tượng hoá một nhân cách lý luận không thể chỉ là trò chơi chữ, đảo chữ giản đơn mà phải căn cứ trên các hành vi học thuật và các tương quan thực tế. Gọi Trần Mạnh Hảo là chiếc "ca-pốt rách của Ðảng" là chính xác vì ông luôn đóng vai trò cái vỏ đạo lý của Đảng che đậy những dục vọng quyền lực và luôn sử dụng khái niệm một cách co dãn để lúc nào cũng vừa khít với độ cương cứng lên gân không ổn định của những người cầm quyền... Khi lãnh đạo hữu khuynh, bất lực và thoả hiệp, không lên gân lập trường thì nhà lý luận-phê bình Trần Mạnh Hảo trở nên thất nghiệp. Ðỗ Minh Tuấn thì ngược lại, không bao giờ chịu làm cái vỏ cho Ðảng mà luôn tìm cách nới hết cỡ cái vỏ nguyên tắc tù mù co dãn vẫn trùm lên giam hãm cái dương vật tinh thần đầy hứng khởi tự do. Vốn có chút "bảo hoàng hơn vua" như Trần Mạnh Hảo đã nhận định, Ðỗ Minh Tuấn trở nên hùng hồn nhất khi Ðảng hữu khuynh, bạc nhược để cho bọn cơ hội, vọng ngoại báng bổ cha ông và chà đạp lên các giá trị đích thực của dân tộc. Như vậy sao có thể coi Ðỗ Minh Tuấn là cái ca-pốt lành của Ðảng được?!

Trần Mạnh Hảo đã làm thô thiển hình tượng tinh tế của tôi khi đưa vào cụm từ "ca-pốt rách của Ðảng" những gạch nối quê mùa ("ca-pốt-rách-của-Ðảng"). Những gạch nối kiểu Trần Mạnh Hảo làm cho một cụm từ tự nhiên co cụm vào nhau như một thứ băng đảng, vô tình phát lộ cái thói quen móc nối phe cánh của những người viết văn kém cỏi, gợi nhớ đến những trò bàn bạc, tê lê phôn của những người đứng sau Trần Mạnh Hảo vẫn phát hiện vấn đề và cung cấp tri thức cho ông ta viết hàng loạt bài khủng bố trí thức văn nghệ sĩ.

Thông điệp của hình tượng "ca-pốt rách của Ðảng" rất rõ ràng là: Ðảng chớ có dùng những người như Trần Mạnh Hảo để bảo vệ mình mà bị nhiễm HIV lúc nào không biết. Trần Mạnh Hảo biết thừa thông điệp đó, nhưng vẫn cố xuyên tạc rằng tôi chửi Ðảng là con c... Chẳng lẽ khi ai nói "ca-pốt của Trần Mạnh Hảo" thì phải hiểu rằng Trần Mạnh Hảo là con C... hay sao? Ca-pốt của Trần Mạnh Hảo thì Trần Mạnh Hảo để trong túi hoặc đeo vào của quý chứ có trùm lên đầu đâu mà hiểu xiên xẹo vậy? Nhân cách Trần Mạnh Hảo lại đòi bao trùm lên toàn Ðảng được sao? Nhiều dân tộc đã từng thờ dương vật như một thứ tô-tem giáo, vì thế, dẫu có chứng minh khiên cưỡng được rằng cái cụm từ trên nhằm nói Ðảng là cái dương vật, thì cũng chẳng thể dẫn đến kết luận là tôi chửi Ðảng. Trái lại, coi Ðảng là cái dương vật của dân tộc là thái độ tôn vinh khuyến khích Ðảng ngày càng vững mạnh, vì nếu Ðảng không cứng cáp thì sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh sinh sản cho dân tộc và những cái ca-pốt rách kiểu Trần Mạnh Hảo có nguy cơ thất nghiệp vì không thể đeo bám vào như khi được bảo vệ một dương vật hiên ngang.

Trong bài viết của Trần Mạnh Hảo, ở câu trên Ðảng là một biểu tượng dương vật (con C.), đến câu dưới Ðảng đã là một con người có dương vật đeo ca-pốt rách, đến câu dưới nữa Ðảng lại là hàng triệu người có nhu cầu dùng ca-pốt trong quá trình hành lạc thời đổi mới. Liên tục đánh tráo chủ thể trong một đoạn văn, đó là sản phẩm của một tư duy áp đặt tuỳ tiện và ngoa ngoắt, quen nhồi nhét cách hiểu chủ quan của mình đối với câu chữ và hình tượng của người khác cho dù các cách hiểu lúc trước và lúc sau luôn luôn mâu thuẫn. Với tư duy đổi hệ quy chiếu, đổi chủ thể liên tục như thế, hơn mười năm qua Trần Mạnh Hảo đã tạo ra một đống lý luận "củ chuối" chỉ lừa được những ai thiếu một tư duy logic lành mạnh, bình thường.

Một tư duy luôn phò lãnh đạo và hướng đến cấp trên

Trần Mạnh Hảo viết: "Ðỗ Minh Tuấn trịnh trọng tuyên bố trên cái bục gỗ quốc gia - nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội bao năm thường đứng đọc diễn văn". Cách liên tưởng của Trần Mạnh Hảo cho thấy ông luôn có xu hướng phò lãnh đạo, hướng tới cấp trên. Cái bục ở Hội trường Ba Ðình không chỉ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đứng đọc diễn văn mà còn có nhiều người bình thường khác như các em thiếu nhi, các cựu chiến binh, những người nông dân công nhân và các trí thức văn nghệ sĩ từng đứng nói những suy nghĩ của mình trong bao nhiêu đại hội và đại lễ. Hà cớ gì nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại giành quyền sở hữu cái bục đó cho riêng mấy ông lãnh đạo tối cao, tước đi của dân thường, của những người trí thức cái quyền bước lên đó để nói thật những điều mình suy nghĩ? Thưa nhà thơ chiến sĩ Trần Mạnh Hảo, cái bục ở Hội trường Ba Ðình trở nên trang trọng thiêng liêng không phải vì đã có các quan to đứng cạnh, mà vì nó là biểu tượng cho quyền đứng thẳng và nói thẳng của nhân dân, vì nó là nơi đã phát đi những tiếng nói mạnh mẽ và sáng suốt của những người trí thức. Nếu cái bục đó quả là nơi phát ngôn trang trọng thiêng liêng nhất thì việc tôi bước lên đó trình bày thẳng thắn công khai ý nguyện của mình và của những trí thức khác về vấn đề tôn trọng trí thức, cảnh báo Ðảng cái nguy cơ tin dùng những kẻ cơ hội là một việc làm hoàn toàn chính đáng.

Không chỉ cướp cái bục của dân giữ riêng cho lãnh đạo, Trần Mạnh Hảo còn cướp toàn bộ ghế ngồi trong Hội trường Ba Ðình giữ riêng cho quan chức. Ông quan sát và nhận xét rằng: "Trong lịch sử 75 năm của mình Ðảng Cộng sản Việt Nam chưa từng bị ai chửi thậm tệ đến như vậy... Thế mà ông Nguyễn Khoa Ðiềm và mấy trăm đảng viên vẫn im lặng ngồi nghe, không phản ứng". Rõ ràng Trần Mạnh Hảo chỉ nhìn vào quan chức đảng viên ngồi ở dưới, không bận tâm nhìn vào thái độ của mấy trăm nhà văn thường dân xem họ phản ứng ra sao trước lời phát biểu của tôi. Hàng trăm gương mặt của các nhà thơ, nhà văn đã trở thành hư vô trước con mắt của Trần Mạnh Hảo. Ông không coi họ là đang tồn tại, đang phản ứng và thẩm định những phát ngôn thẳng thắn của tôi. Nếu ông nhìn thấy những gương mặt hồ hởi, phấn khích, những cái bắt tay, những lời bình luận "Tuyệt vời", "Hay quá" của các nhà văn dành cho tôi sau khi tôi phát ra thông điệp ấy, thì ông sẽ không có những nhận định quá quan tâm tới cơ mặt và cảm xúc của cấp trên như thế.

Trần Mạnh Hảo viết: "Ông Nguyễn Khoa Ðiềm ngồi nghe kinh ngạc mãi không mở nổi miệng". Thực ra, không hề có nhà thơ Uỷ viên BCT Nguyễn Khoa Ðiềm ở Hội trường trong lúc tôi phát biểu. Nếu không phải Trần Mạnh Hảo mắc chứng bệnh nhìn vào đâu cũng thấy mặt Bộ Chính trị, trong chiêm bao cũng đầy mặt cấp trên, thì việc ông bịa đặt trắng trợn sự có mặt của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm trong Ðại hội nhà văn chiều 24-4 nhằm mục đích gì đây? Phải chăng, đó là một đòn gí điện hiểm ác, nhằm trút trách nhiệm lên đầu một uỷ viên BCT, để tạo cơ hội cho một bậc đại gia nào đó trong BCT thuộc cánh Trần Mạnh Hảo chất vẫn Nguyễn Khoa Ðiềm và đó là cái cách Trần Mạnh Hảo đưa vấn đề của tôi vào cuộc họp của BCT Ðảng CSVN? Nếu đúng thế thì nham hiểm vậy thay cái bẫy chính trị phe cánh của Trần Mạnh Hảo, nó bộc lộ tâm địa độc ác cuả một người nhân danh nhà thơ nhưng luôn muốn tống giam người viết khác vào tù.


Từ cổ vũ phất cờ đến vu cáo để giật cờ chính thống

Trở lại chuyện cái bục diễn giả trong Hội trường Ba Ðình, có lẽ nó thiêng thật, nên những lời nói của tôi phát đi từ đó trở nên có phép màu, làm cho Trần Mạnh Hảo tự nhiên buột miệng nói thật về cuốn Ngày văn học lên ngôi của tôi. Cuốn sách đó đã được ông trích dẫn đầy toan tính trong bài viết. Vì tưởng rằng độc giả talawas ai cũng yêu Bảo Ninh, ghét K. Marx, ghét dân tộc và cách mạng nên ông đã chọn trích những đoạn đầy tâm huyết của tôi liên quan đến những đối tượng này nhằm mục đích bao vây tôi cả từ hai phía. Sau khi cố tìm mọi cách kích động Ðảng và chính quyền để họ phẫn nộ với người đã phong tặng cho ông ta danh hiệu mới, Trần Mạnh Hảo lại tiếp tục mơn trớn những người chống cộng để họ hồ nghi và ác cảm với tôi. Một toan tính như thế thật thâm hiểm và quyết liệt, nhưng là một toan tính dựa trên sự thiếu hiểu biết về thế giới nên đã phân đôi người Việt thành hai loại trắng đen. Thực tế thì trong thế giới của chúng ta sống đây có hàng vạn ngả đường, hàng triệu xu hướng, đâu phải chỉ có cộng sản và chống cộng. Nhà thơ Trần Ðăng Khoa cũng phân đôi như vậy nhưng lại tỏ ra minh triết. Có lần anh nói với tôi: "Bác nguy rồi! Trong nước thì bác bênh hải ngoại, ra ngoài bác lại bênh trong nước. Như thế, ta thì tưởng bác theo Mỹ, Mỹ lại tưởng bác là người của Ðảng ta. Nguy quá!". Nhận xét sâu sắc của Trần Ðăng Khoa cũng chia sẻ phần nào cái cung cách có vẻ gàn dở và mâu thuẫn của tôi. Nhưng hãy tạm gác lại những chuyện quá sâu xa để đi vào những ý kiến của Trần Mạnh Hảo về tôi. Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn và sắp xếp các ý của tôi thoát ly văn cảnh. Đó hầu hết là những bài viết đáp trả những bài tấn công của các tác giả như Vũ Ðức Phúc, Lại Nguyên Ân, Đức Uy, Hào Hải... Khi họ nhân danh chủ nghĩa Marx để phê phán tôi thì tôi cũng phải căn cứ vào tư tưởng mác-xít để bác bỏ họ chứ đâu phải tự nhiên vô cớ rao giảng chủ nghĩa Marx và tấn công người khác. Nhưng cứ coi như Trần Mạnh Hảo trích đúng tinh thần và những bài viết đó phản ánh đúng tính tích cực đấu tranh tư tưởng bảo vệ dân tộc và cách mạng trong cuốn sách Ngày văn học lên ngôi, thì vấn đề đặt ra là: Tại sao trước đây Trần Mạnh Hảo lại không viết như vừa viết về cuốn sách của tôi mà lại phê phán nó như một cuốn sách chống lại dân tộc và cách mạng, "giật bài vị văn hoá truyền thống","kêu gọi lật đổ những giá trị thiêng liêng"?

Những bài viết của Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thành Lân trên báo Quân đội nhân dân, Ðặng Thành Nam trên báo Công an TP Hồ Chí Minh (trong tham luận đọc tại Ðại hội tôi đã vạch mặt những bút danh này là của Trần Mạnh Hảo) quy kết tôi chống lại khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ, móc nối với phản động nước ngoài, tiếp tay cho bọn chuyển lửa về quê hương... thực sự đã gây cho tôi biết bao sóng gió. Tôi đã nhiều lần gửi thư lên các cấp cao nhất của Ðảng và Nhà nước nói rằng tôi là người gắn bó xây dựng Ðảng, tôi không có những thái độ chính trị như các bài đăng trên báo của quân đội và công an quy chụp, đề nghị chấn chỉnh ngay việc xúc phạm tôi trên báo chí mà không cho nói lại. Nhưng tất cả những kiến nghị của tôi đã không được hồi âm và sự vu cáo, bôi nhọ vẫn tiếp diễn, dẫn đến việc tôi phản ứng thẳng thắn trước mặt ông Trần Hoàn - Trưởng ban TTVH Trung ương Ðảng. Sau đó tôi đã ghi lại ý kiến của mình gửi lên Bộ Chính trị để báo cáo. Bài của Hoàng Linh trên Việt 3 đã công bố ý kiến của tôi trong văn bản đó. Thế là sau đó, như nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, đã có một cuộc họp giữa các ông Trần Hoàn - Trưởng ban TTVH TW, Nguyễn Ðình Thi - Tổng thư ký Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Hà Xuân Trường - Tổng biên tập tạp chí Cộng sản và Hữu Thỉnh - Tổng thư ký Hội Nhà văn để bàn xem có truy tố tôi về chính trị như đã truy tố Dương Thu Hương hay không. Rất may là cuộc họp đó đã không đi đến kết quả xấu cho tôi. Nhưng sau đó, Ban TTVH đã giao ban thông báo về trường hợp của tôi dẫn đến việc gần ba năm tôi không được ký tên thật trên báo và không được làm phim vì các nơi đều sợ liên luỵ. Ðó quả thực là thắng lợi của Trần Mạnh Hảo và phe nhóm.

Nếu lúc đó Trần Mạnh Hảo và phe nhóm nhận xét về các bài viết của tôi như ông vừa nhận xét, rằng Ðỗ Minh Tuấn là Hồng vệ binh của Ðảng, rằng Ðỗ Minh Tuấn bảo vệ cách mạng và dân tộc quyết liệt trong các bài viết của mình thì sự tình sẽ tốt đẹp biết bao. Ðỗ Minh Tuấn sẽ được phong Nghệ sĩ ưu tú như bao đồng nghiệp khác, sẽ được tiếp tục làm phim và viết báo để in ra nhiều tập sách như Trần Mạnh Hảo và biết đâu đã được mời vào Ðảng và đã trở thành lãnh đạo cấp cao với những tập thơ được Trần Mạnh Hảo say sưa phân tích và tâng bốc. Nhưng tiếc thay, Trần Mạnh Hảo và phe nhóm lại không viết thế, vì trong tâm địa họ sợ cái tư cách chính thống-cởi mở của tôi sẽ có lợi cho những người đổi mới trong cách viết. Với thái độ cởi mở trong nghệ thuật, tôi đã làm ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh phe cánh trong làng viết, nếu tôi được tin cậy về chính trị thì nguy to cho đám bảo thủ hẹp hòi. Trời đã sinh Trần Mạnh Hảo sao còn sinh Ðỗ Minh Tuấn làm chi? Phải dẹp Ðỗ Minh Tuấn khỏi cái sân chính thống để một mình Trần Mạnh Hảo tung hoành, rộng tay vút cây roi phê bình lý luận mà quất vào lưng con ngựa văn nghệ Việt Nam. Và, họ đã thành công trong cuộc đảo chính này. Trước đó, khi tôi vừa xuất hiện như một nhà phê bình lý luận trên báo chí, Trần Mạnh Hảo đã viết trong một bức thư mà tôi vẫn đang lưu: "Cờ đến tay cứ phất đi! Ông là đại dương mênh mông, tôi chỉ là hòn đảo nhỏ". Vậy mà chỉ mấy tháng sau Trần Mạnh Hảo ký nặc danh viết bài quy chính trị cho tôi, để rồi hai năm sau Trần Mạnh Hảo giật được "ngọn cờ" mà anh ta từng cỗ vũ tôi phất mạnh đi để múa may từ ấy đến giờ.


Ðổi mới, dân chủ hoá và bệnh xấu hổ của người chiến thắng

Như thế là, Ðỗ Minh Tuấn luôn muốn được Ðảng tin dùng nhưng đâu có được tin. Có thể sâu xa là tôi không có những phẩm chất cần thiết để trở thành một ngòi bút chính thống. Nhưng Trần Mạnh Hảo và phe nhóm đã dùng nhiều thủ đoạn thâm hiểm và trắng trợn để tước đoạt niềm tin của các cấp lãnh đạo với tôi, khiến tôi phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công, xúc phạm và vì thế có tập quán luôn luôn cứ phải gồng lên để chống trả cuộc đời.

Nhưng trong cái rủi lại có cái may, nhờ những năm tháng không được làm phim, không được viết bài trên báo trong nước mà tôi có dịp tham gia viết bài cho các báo chí văn chương hải ngoại và thường xuyên trao đổi trên các diễn đàn liên liên mạng như diễn đàn VNSA của du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, diễn đàn trí thức của báo Cánh én, qua đó có thêm nhiều bè bạn khắp bốn phương, mở rộng thêm tầm mắt và dần dần hiểu sâu về tự do, dân chủ. Nhiều định kiến và ngộ nhận về các xã hội khác cũng đã mất đi, thay vào đó, khát vọng xây dựng một xã hội dân chủ tự do ngày càng lớn dậy, khiến tôi có thêm dũng khí vượt qua những ràng buộc thường tình, những lo toan thường nhật để quyết liệt đấu tranh. Nhưng tôi không ăn gian, không chối bỏ một thời nỗ lực gắn bó xây dựng Ðảng đầy ngây thơ, trong sáng và ảo tưởng như một thứ Ðông Ki Sốt thời nay. Sinh thời, ông Vũ Huy Cương vẫn thường trao đổi chân tình, vừa trêu tôi là "con chuột ngày" chạy nhanh nên khó bắt, vừa chê trách tôi là ngây thơ, tin vào những giá trị đẹp của thời chiến tranh để rồi bị cường quyền lợi dụng.

Cho đến giờ, tôi vẫn tin vào vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời chiến tranh. Tôi tự hào với chiến thắng Ðiện Biên Phủ, làm hết mình để tôn vinh chiến thắng này. Trần Mạnh Hảo thì lại vô tình tự thú rằng xem phim về Ðiện Biên "ngượng chết đi được". Việc gì mà phải xấu hổ khi xem lại những hình ảnh về một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc? Nếu phim dở ông cũng chẳng có lý do gì phải ngượng cho tôi. Ðây chính là sự buột miệng tự thú về "bệnh xấu hổ của người chiến thắng" mà tôi đã từng phát hiện từ mười năm trước hay cách nói nhập nhèm để tỏ ra chẳng ưa gì chiến thắng? Chúng ta cứ việc đổi mới, dân chủ hoá, mở rộng giao lưu quốc tế, hà tất phải xấu hổ vì quá khứ anh hùng, quyết liệt của cha ông, dường như cha ông ta "máu quá", hiếu chiến quá, đánh đuổi hết ngoại nhân làm dân tộc mất đi nhiều cơ hội được khai hoá văn minh và phát triển như các xứ sở hiền lành, khôn ngoan khác, chẳng hạn như Thụy Sĩ , Thái Lan. Cái mặc cảm nhược tiểu chối bỏ quá khứ mới là nhục nhã, đáng xấu hổ. Người phương Tây bị xúc phạm thì đòi đấu súng, thậm chí làm những cuộc Thập tự chinh tàn sát cả triệu người, người Nhật bị xúc phạm thì rút gươm mổ bụng, người Mỹ bị xúc phạm thì đem bom trút xuống các xứ sở khác để tự vệ từ xa. Vậy tổ tiên ta bị xúc phạm thì không có quyền dùng "rơm con cúi" đốt nhà dạy đạo và dùng "lưỡi dao phay" chém rớt đầu những quan ba để rồi xốc tới làm nên những Ðiện Biên chấn động địa cầu sao? Trần Mạnh Hảo ở đây dẫu sao cũng thành thực hơn khi viết bài trên báo Công an TP Hồ Chí Minh núp sau lưng em bé học sinh lớp 11 Nguyễn Phi Thanh để đòi bỏ kiệt tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Ðồ Chiểu ra khỏi sách giáo khoa. Vốn là một cựu chiến binh đã viết hàng vạn chữ ngợi ca kháng chiến và văn chương kháng chiến, Trần Mạnh Hảo thường nhân danh máu để ca ngợi cả những bài thơ chẳng có gì hay, vậy mà nay viết bài trên talawas lại phải lén lút tỏ tình chính trị với ai đó bằng cách khai lý lịch không đảng viên (thực ra đã vào Ðảng rồi nhưng lại xin ra) và bày tỏ sự xấu hổ trước chiến thắng của dân tộc trong quá khứ. Ðành rằng cái ca-pốt rách có quyền rách thêm nhiều lần nữa mà nó vẫn là nó, chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên. Nhưng, Trần Mạnh Hảo tỏ ra mâu thuẫn khi vừa leo lẻo kích động các quan lớn đòi họ phải phản ứng với tôi để bảo vệ sự uy nghi của cái bục gỗ quốc gia ở Hội trường Ba đình, lại vừa xấu hổ trước việc tôn vinh những người đã lính anh hùng đặt cái bục đó vào tầm nhìn nhân loại.

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn này có hàm chứa một xảo thuật văn hoá đằng sau. Cái võ giương cao áp-phích và khẩu hiệu chính trị chính thống ở mặt tiền, để bôi bẩn và hạ nhục văn hoá truyền thống ở phía sau nhằm dần dần tạo nên mặc cảm xấu hổ và xa lánh với cả những giá trị đích thực trong quá khứ cũng có thể là một biện pháp tẩy não hữu hiệu mà một số tờ báo của Ðảng, nhất là báo phía Nam đang làm hàng ngày. Cái phương cách chạỵ trốn khỏi quá khứ đó kết hợp với sự làm thinh của các quan văn hoá tạo nên một hiệu quả ghê gớm là chính bản thân tôi sau khi bị báo chí tráo trở xúc phạm tác phẩm tâm huyết về Ðiện Biên Phủ cũng đã phải tuyên bố thẳng trong một diễn đàn Hội thảo về điện ảnh tại LHP quốc gia vừa qua là: "Tôi sẽ không bao giờ làm phim về cách mạng nữa, vì những tác phẩm về cách mạng giờ đây đều bị báo chí của Ðảng bôi bẩn và lãnh đạo Ðảng quay lưng".

Nếu mặc cảm xấu hổ với những nguyên lý chính trị của mình thì hãy đổi mới về chính trị, từ bỏ độc quyền lãnh đạo xã hội, xây dựng một thể chế dân chủ, chứ đừng giữ quyền lãnh đạo mà để xã hội chà đạp và bôi bẩn lên những chiến công làm bằng xương máu của nhân dân. Ðiện Biên Phủ không phải là chiến công của riêng ông Võ Nguyên Giáp để mà kỳ thị. Không thể nói rằng người ta chỉ muốn nói về tác phẩm của chúng tôi thôi chứ không định tẩy não về văn hoá, vì khi bộ phim vừa ra lò cũng chính những báo ấy đã đăng bài khẳng định, đề cao về nghệ thuật, thế rồi, sau những diễn biến chính trị nội bộ và chính trị toàn cầu, người ta lại nhân danh kinh tế thị trường nói những điều ngược lại, bôi bẩn xúc phạm tác phẩm của chúng tôi vì những động cơ bè cánh hay cơ hội. Trong khi bôi bẩn những tác phẩm liên quan đến cách mạng và quá khứ thì người ta đã ào ạt tôn vinh những tác phẩm đầy sex và bạo lực của ngoại nhân. Trần Mạnh Hảo kích động ông Nguyễn Khoa Ðiềm xui ông dùng 600 tờ báo để tiếp tục đánh tôi chỉ là cách xui trẻ ăn cứt gà, chỉ đẩy những người trí thức nhân sĩ giàu thiện chí xây dựng Ðảng như tôi đến chỗ căm ghét Ðảng mà thôi.


Về những tin tức bịa đặt kiểu Gơben

Trong bài viết của mình Trần Mạnh Hảo không chỉ tiếp tục các thủ đoạn cũ: lu loa, vu vạ, thổi phổng, đánh tráo thời gian, đánh tráo chủ thể, mà ông còn dựng chuyện vô bằng cứ.

  1. Tôi chưa bao giờ chụp ảnh với ông Lê Ðức Thọ và đi khoe ảnh ấy như Trần Mạnh Hảo viết. Tôi có quan hệ với ông Lê Ðức Thọ từ năm 1978, trong tình thế buộc phải tự vệ trong cuộc đánh nhau với con trai ông Trường Chinh lúc ấy là Bí thư Chi bộ Viện Triết học, người đã kỷ luật khai trừ Ðoàn tôi vì tội đã viết tập chuyên luận Phúc thẩm án Juda (cho rằng tôi ám chỉ Ðảng là Chúa) và muốn đưa tôi đi cải tạo. Để tự vệ, chúng tôi đã gõ cửa các Uỷ viên BCT trong đó có ông Lê Ðức Thọ để kiện lại con trai ông Trường Chinh, sau đó có quan hệ với họ, đóng góp nhiều ý tưởng mới và giới thiệu nhân sự cho các vị này. Cái hành trình Ðông Ki Sốt và Săng-sô Păng-sa đi tìm nàng Ðuyn-xi-nê ở Bộ Chính trị Ðảng CSVN có nhiều chuyện ly kỳ, thú vị, sẽ có dịp kể lại ngọn ngành, nhưng chắc chắn không có chuyện Ðỗ Minh Tuấn khoe ảnh chụp với Lê Ðức Thọ làm nhiều người khiếp vía như Trần Mạnh Hảo đã dựng chuyện. Bởi vì, Ðỗ Minh Tuấn chưa bao giờ có dịp chụp ảnh với ông Lê Ðức Thọ và cũng không có tính đi khoe quan hệ với người có quyền lực. Ngay cả khi viết lại những ý kiến của Lê Ðức Thọ bảo vệ các nhà văn, phê phán sự truy chụp, Ðỗ Minh Tuấn cũng không đứng tên mà đưa cho một nhà thơ khác in trên báo, đến nay nhiều người vẫn tưởng bài viết ghi những ý kiến cởi mở đó là của nhà thơ ấy. Thêm nữa, những người biết quan hệ của Ðỗ Minh Tuấn với Lê Ðức Thọ như Văn Cao, Ðặng Ðình Hưng, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Ðình Hượu, Hoàng Ngọc Hiến, Tương Lai... chẳng ai "sợ khiếp vía" như Trần Mạnh Hảo nói, mà trái lại đều tin cậy nơi nhân cách nghệ sĩ của tôi để chia sẻ ít nhiều những khát vọng giành tự do dân chủ. Khoảng năm 1980, ông Hoàng Ngọc Hiến đã nói với tôi trước của thư viện Khoa học Xã hội rằng: "Mình phục các cậu. Các cậu không để cho những kẻ dốt nát và cơ hội đạp xuống bùn đen như một số người viết ngày xưa". Trong Ðại hội nhà văn vừa qua ông vẫn xác nhận lại là có nhớ đã nói ý kiến đó.

  2. Trần Mạnh Hảo viết: "Nhân dịp 50 năm kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên Phủ 1954-2004, lệnh của Bộ Chính trị cho Ban Tư tưởng Văn hoá + Cục Điện ảnh + Hội Điện ảnh Việt Nam phải tìm một đạo diễn “vừa hồng vừa chuyên”, tuyệt đối tốt về phẩm chất chính trị, có công bảo vệ Đảng nhiều năm, để trao cho một triệu đô-la mà làm phim ca ngợi chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ngoài đạo diễn đỏ Ðỗ Minh Tuấn ra, còn ai có thể vừa mắt Bộ Chính trị để cầm một triệu đô-la tiền đầu tư sáng tác vĩ đại nhất từ xưa tới nay như thế!" Xin hỏi Trần Mạnh Hảo dựng đứng ra chuyện này để làm gì? Có phải ông quá coi thường độc giả talawas nên đem cái logic chính trị trẻ con ra để lừa họ không?

Thực tế là Bộ Chính trị chẳng biết tôi là ai, và cũng chẳng quan tâm đến chuyện làm phim về Ðiện Biên Phủ vì những lý do nội bộ phức tạp. Trong kế hoạch tài chính chi cho đợt kỷ niệm 50 năm Ðiện Biên Phủ không có khoản nào dành cho phim Ký ức Ðiện Biên. Sau khi chị Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa kịch bản xuống Hãng phim truyện đề nghị tôi viết lại kịch bản và đạo diễn, ông Nguyễn Văn Nam có viết một công văn vượt cấp lên Thủ tướng Chính phủ xin tài trợ cho Hãng thực hiện phim này. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm - Trưởng Ban chỉ đạo đợt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ nhận được công văn thì rất băn khoăn, vừa muốn làm, vừa không biết lấy kinh phí ở đâu. Sau khi biết Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký vào kịch bản phân cảnh để lưu bút tích kỷ niệm, nhiều người có trách nhiệm đã có ý kiến ủng hộ việc làm phim. Sau đó, nhờ tác động của báo chí và thiện chí của các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã thu xếp được nguồn kinh phí để làm phim đó.

Khi phim vừa ra đời, đã có trên 20 tờ báo lớn trong cả nước đăng bài khẳng định, ca ngợi về nghệ thuật. Làm gì có chuyện"bị báo chí cả nước chửi cho" như ông Hảo nói. Sau đó hai tuần mới xuất hiện bài viết của Ðức Kôn trên báo Công an TP Hồ Chí Minh và Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh, rồi đến vài tờ báo phía Nam đăng những tin đồn kiểu Gơben rằng phim vắng khách, phim chẳng ra sao mà không có lập luận chứng minh gì cả, thậm chí người viết cũng chưa xem, do những tác giả vô danh kiểu Nguyễn Thông viết xen kẽ một hai câu trong những bài về điện ảnh. Báo Thanh niên là tờ báo đầu tiên đăng bài khen ngợi Ký ức Ðiện Biên, vậy mà trước những biến động của các quan hệ nội bộ và các tương quan quyền lực, một năm sau cũng tự nhiên vô cớ lôi Ký ức Ðiện Biên ra bôi bác trong bài viết Trần Mạnh Hảo đã dẫn. Người ta không khỏi băn khoăn, phải chăng báo Thanh niên đã trót có bản lĩnh bảo vệ cụ Ðồ Chiểu, ngược với quan điểm của tờ Tuổi trẻ nên đã phải cho đăng một bài lạc lõng vô duyên của một tác giả vô danh như thế ở mục Chào buổi sáng để nhằm xoa dịu mấy tờ báo cùng băng nhóm phía Nam, thanh minh khéo rằng tôi tuy có nói khác các anh về cụ Ðồ Chiểu nhưng vẫn đang đồng hành với anh trong chuyện bôi bác những tác phẩm về cách mạng như Giải phóng Sài Gòn, Ký ức Ðiện Biên?


Ðôi lời khuyên chân tình

Tôi bước lên bục đại hội đọc tham luận lôi lại chuyện Trần Mạnh Hảo ký tên thật và tên nặc danh quy kết chính trị tôi trên báo quân đội, công an không phải vì tôi hận thù ông. Thực ra, tôi đã quên những chuyện ấy rồi. Chuyện xảy ra từ năm 1997, 1998, sau đó ông đã gặp tôi ở Hội trường Ba đình trong đại hội nhà văn 5 năm trước (y như ông gặp Nguyễn Huy Thiệp lần này) và nói rằng chúng mình không nên làm đấu sĩ cho người khác giải trí miễn phí. Vì thế, tôi không nói lại chuyện xưa. Sau này, khi tổ chức hội nghị lý luận phê bình trên Tam Đảo, Hội Nhà văn đang muốn đề cao Trần Mạnh Hảo nên đã không mời tôi vì sợ hai người sẽ xung đột trong phát biểu. Khi từ Tam Đảo trở về tình cờ gặp tôi ở Bưu điện Hà Nội, Trần Mạnh Hảo cũng chủ động đưa danh thiếp để sau này liên lạc. Lẽ ra, quan hệ có thể trở lại bình thường, ngờ đâu mấy năm sau phim Ký ức Ðiện Biên ra đời bị bọn người cơ hội, đạo văn, đạo điện ảnh gửi đơn kiện cáo khắp nơi và xúi đàn em xúc phạm trên báo chí, khiến tôi vô cùng phẫn uất. Thêm vào đó, việc báo Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục đăng bài tấn công xúc phạm bộ phim của tôi khiến vết thương ngày xưa do Trần Mạnh Hảo và phe cánh trong tờ báo này gây ra trong tâm hồn tôi đã sưng tấy lại. Khi lãnh đạo Ban TTVH và lãnh đạo Bộ Văn hoá bênh che trắng trợn bọn người này, đối xử bất công với tôi trong LHP quốc gia và trong nhiều việc khác, tôi càng thêm căm giận. Vì thế, mặc dù bận tham gia LHP Singapore với ba bộ phim của tôi, tôi vẫn quyết trở về dự Ðại hội nhà văn ngày cuối để bước lên bục nói lên những suy nghĩ về quan hệ giữa Ðảng với văn nghệ và tầm thời đại.

Có thể Trần Mạnh Hảo cũng đã bắt đầu giác ngộ được sai lầm, muốn làm lại cuộc đời mình nên trong Ðại hội vừa qua ông đã gặp gỡ làm lành với những người từng bị ông "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", đi ăn trưa với Nguyễn Huy Thiệp, tâm sự với Nguyễn Quang Thiều, lên bục đấu tranh cho tự do sáng tác và phê phán công an đặt tường lửa, v.v. Điều đó cũng tốt thôi. Tiếc rằng, cái cung cách không sòng phẳng của ông khiến người ta hồ nghi ông chỉ là một thứ cò mồi trong giai đoạn mới, hoặc đang tiếp tục trở cờ lần nữa. Hay nói theo cách của tôi, cái ca-pốt của Ðảng lại rách thêm một tý. Lẽ ra, thay vì khai báo lý lịch (không đảng viên, không biên chế) một cách hạ mình, tội nghiệp, ông nên có đôi lời sòng phẳng với quá khứ, rằng trước đây tôi có sai lầm quá tay với anh em như thế, nay tôi thấy cần đem bản lĩnh và trí tuệ của mình đấu tranh cho dân chủ tự do. Như thế có phải đàng hoàng và sòng phẳng hơn không?

Nếu Trần Mạnh Hảo có đối thoại lại bài viết này hay các bài viết khác của tôi, mong ông chịu khó động não sáng tạo ra cái gì mới mẻ của riêng mình, không nên ăn theo, nói leo, nói ngược theo kiểu khi bị nói là ca-pốt rách thì nói lại người ta là ca-pốt lành như bài viết vừa đăng trên talawas.


Hà nội 29-5-2005


© 2005 talawas