© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.2.2003
Bách Dương
Người Trung Quốc xấu xa
Nữ Lang Trung dịch theo bản của Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, Trung  Quốc, 1987
Nữ Lang Trung dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Bài học lớn nhất

Nền văn hoá dân tộc Trung Hoa có truyền thống năm nghìn năm, tất nhiên có mặt ưu tú của nó, mặt ưu tú này, bạn bè giới thiệu đã nhiều, nói thành lời viết thành sách, càng mênh mông bể sở, không cần tôi nhúng cái mồm vào nữa, giả sử tôi có nhúng mồm vào, cũng không tăng thêm được trọng lượng ưu tú của nó. Nhưng hiện nay, chúng ta đối mặt với cuộc biến thiên chưa từng thấy trong năm ngàn năm qua, một nền văn minh phương tây cực kỳ mới mẻ, chém ngang lưng vào thời đại, ngọt như lát cắt của lưỡi dao thái khoai.

Khu bảo lưu của thổ dân da đỏ và một số chòm xóm hoang tàn của họ rải rác khắp nước Mỹ khiến ta rùng mình lo sợ. Người da đỏ hầu hết sống trong vùng bảo lưu đó, cái gọi là khu bảo tồn thì chẳng cần phải đảo mắt, chỉ cần bấm ngón tay là có thể tính được ở đó trăm phần trăm là xóm vắng, nghèo khổ. Tuy không đến mức tấc cỏ không mọc, nhưng lương thực hoa mầu ở vùng đó thường không đủ ăn trong một năm. Gay go nhất là xa cách thành thị quá, tức là xa đường giao thông, xa trường học. Thực tình xa cũng chẳng sao, đi cố nữa là tới, nhưng vấn đề là họ nhất mực từ chối nền văn minh hiện đại - văn minh phương tây.

Bây giờ, họ còn có thể tạm bợ sống qua ngày, giống như cảnh tượng trong phim ảnh Mỹ, hai ba trăm năm trước. Ông tù trưởng của họ liệu có bao giờ nghĩ đến, bỗng một hôm (một hôm đó không phải không xẩy ra), dân số nước Mỹ bỗng nhiên tăng vọt đến mười triệu - đừng nói mười triệu mà chết khiếp, chỉ tăng độ ba bốn triệu thôi. Việc đầu tiên, anh có dám đánh cược với tôi không, là sẽ đuổi người da đỏ ra khỏi vùng bảo tồn lên miền núi. Ở đó, đồi hoang vô tận, băng tuyết ngập lối. Kỹ nghệ mưu sinh ở vùng thảo nguyên của họ đã lỗi thời, không áp dụng được, rồi đói rồi chết. Còn đất đai ở vùng bảo tồn dù có cằn cỗi, nhưng nhờ kỹ thuật khoa học hiện đại, làm thuỷ lợi, chăm bón, đều có thể thành ruộng đồng màu mỡ. Trước mắt, chính phủ Mỹ còn chưa đả động đến, nhưng đến lúc đó thì rất cần đả động, chính phủ Mỹ quyết không thể cho phép người da đỏ chiếm mãi nhà cầu mà không đi ỉa, phí hoài miếng đất kia. Ấy là nghĩ xa, nghĩ xa là vì lo gần. Như trên đã nói, sự lo gần là sự duy trì văn hoá truyền thống vừa bảo thủ vừa bế tắc của họ. Thí dụ này nhé, cho đến ngày nay, họ vẫn không tuân theo luật pháp, cũng không tin vào luật pháp, vẫn tiếp diễn tập tục chém giết nhau mấy nghìn năm nay, bộ lạc này với bộ lạc nọ hận thù như biển cả, không thể kể hết. Khi chính phủ Mỹ can thiệp, ông tù trưởng nói : "Ðó là việc riêng của chúng tôi". Ðược rồi, sẽ lắng nghe, sẽ tôn trọng, miễn là đừng ảnh hưởng đến an ninh của người da trắng, các người cứ giết nhau đi, giết bằng sạch đi cũng chẳng can hệ gì, người da trắng rất hài lòng với kết quả đào thải tự nhiên như thế.
...
Tại sao người da đỏ bài xích văn minh phương Tây hiện đại? Có người nói họ vẫn căm giận tội ác của người da trắng, có người nói do tính dân tộc trì trệ bẩm sinh, cơ thể thiếu tế bào tiếp thu quan niệm mới sự việc mới. Tôi cho cả hai nguyên nhân đều kỳ lạ, vì hận thù mà từ chối tiếp nhận báu vật chiến thắng của kẻ địch, là ngu như lợn, vì bẩm sinh mà thiếu tế bào phấn đấu vươn lên, tình cảnh thật đáng thương. Nhưng có một vết thương chí tử mà ta dễ nhận thấy : do nguyên nhân sinh lý, người da đỏ nghiện rượu còn hơn trăm lần đồng bào miền núi ở Ðài Loan. Trong cuốn tự truyện, ông Forankerin viết : "Chính rượu đã hủy diệt người da đỏ, nhưng họ thà chết còn hơn không có rượu". Ngài Bách Dương không đủ tư cách để đi sâu vào phân tích, chỉ nói rõ thêm, bất kể nguyên nhân nào, đều cho ra một loại quả.

Lão già tôi khi ở lâu đài cổ Montema, thấy một đất bãi của người da đỏ bỏ hoang và những sọt thúng họ bện bằng cỏ dại. Thành phẩm của ngày hôm nay - sáu trăm năm sau, và thành phẩm của ngày hôm qua - sáu trăm năm trước, về mầu sắc đường nét, không tài nào phân biệt nổi. Tự nhiên lão nước mắt giàn giụa, tựa hồ nhìn thấy âm khí bốn bề, mây đen che phủ, mơ mơ màng màng của tháng sắp tận, ngày sắp cùng, một màn bi kịch tầm cỡ của tương lai, đang tiến đến gần trong không gian chết chóc này đây. Có thể hàng ngàn năm, có thể chỉ vài trăm năm nữa, ngày mà họ bị đuổi ra khỏi khu vực bảo lưu, cũng sẽ là ngày tận số của dân tộc cổ xưa này. Ðến thượng đế cũng không cứu nổi, trừ phi ban cho họ linh tính để hấp thụ văn hoá hiện đại. Nhưng cho đến giờ đây, thượng đế vẫn chưa ban cho, ngược lại, tựa như trong quyển Kinh thánh viết, quyết làm cho họ : "Không để lại một người nào, tất cả những ai còn thở thoi thóp, đem giết hết".
Ðọc đến đây, hẳn các ngài độc giả đến là kinh hãi : "Lão già này, chắc ba ngày nay không soi gương, nên cứ tưởng mình mọc cả ba đầu sáu tay, thành nhà tiên tri cơ đấy". Tôi chẳng muốn làm nhà tiên tri đâu, mà chỉ nghĩ đến đồng bào ở Trung Quốc, không cầm được nước mắt cá sấu, thương hại giống nòi mà thôi. Hai dân tộc lớn Trung Hoa và Anhđiêng, tuy rằng có nhiều điểm không giống nhau, nhưng cũng nhiều điểm rất giống nhau. Nhất là cả hai đều nặng về thờ cổ, thờ tổ, đó là một tình cảm khá lãng mạn, muôn màu muôn vẻ, khiến người ta dễ xúc động. Cũng do vậy mà chúng ta khó lòng đối mặt với sự thật, dẫn đến đóng cửa từ chối hiện đại hoá, và ôm khư khư trong lòng hàng đống văn hoá truyền thống đã trở thành bệnh hoạn, còn gặm nhấm với vẻ sung sướng. Những điều tương tự như vậy, đều là bệnh chí mạng.

Văn minh truyền thống của các bạn da đỏ, ít đến thảm hại, nếu họ chịu tiếp thu văn minh phương Tây hiện đại, thì dễ như trở bàn tay, đằng nào thì trong nhà cũng trống không, chỉ cần khuân vào bộ sôfa kiểu mới thì đã công đức vẹn toàn. Trong nhà của người Trung Quốc chất đầy ghế đẩu ngắn, ghế băng dài, ghế cao, ghế thấp, ghế to, ghế nhỏ, ghế mặt trơn, ghế mặt gai, nếu không dằn lòng quẳng chúng xuống hố phân, thì sôfa đời mới sẽ mãi mãi không vào được cửa.

Người Anhđiêng, dân tộc da đỏ đáng thương này là một tấm gương sống, giống loại bò lông ở vùng Tây Tạng, đầu cúi thấp, mắt lờ đờ, đi đung đưa, như không còn tự chủ, cặm cụi nhấc từng bước chân tới miền tuyệt chủng. Mỗi khi nghe thấy tiếng bước chân chán chường và tiếng thở phì phò nặng nhọc ngàn đời của chúng, trái tim muốn tan thành mảnh vụn. Có người bảo, ông sao cứ phải lo bò trắng răng, trong khi người Trung Quốc đông như kiến cỏ. Hừ, dưới sức ép của cuộc cạnh tranh sinh tồn và của vũ khí hạt nhân đang lan rộng, người đông thì nhằm nhè gì. Ðế quốc Inca cũng đông dân đấy chứ, nhưng giờ đây còn người nào nữa đâu. Có người nói người Trung Quốc thông minh như thế, đành rằng là thông minh, nhưng đem thông minh để chống lại sự phục thiện của mình, động một tí là phiên thiên ấn và cắn xé nhau trong ổ, thông minh rốt cụôc lại khổ vì thông minh.

Bây giờ phải nhanh chóng tỉnh ngộ, tự biết xấu hổ, hối cải sai lầm, mới có thể tránh khỏi đại hoạ, như người da đỏ đang bị đe doạ.

Trích từ tập "Giẫm phải đuôi của hắn"



Lấy sỉ nhục làm vinh dự

Trường Ðại học Sư phạm Quốc lập Ðài Loan được sự ủy thác của Sở Giáo dục thành phố Ðài Bắc, tiến hành cuộc điều tra về ý kiến đối với hình phạt thân thể, kết quả điều tra cho biết, 91% thầy cô giáo, 85% phụ huynh, và 80% học sinh, đều cho rằng chỉ cần đừng gây thương tổn, cũng nên có hình phạt thích đáng. Bản thống kê này thể hiện bên đánh và bên bị cũng giống như Chu Du và Hoàng Cái trong trận đánh Xích Bích, đều vui vẻ, một bên tình nguyện đánh đấm, một bên tình nguyện bị đòn. Kỳ họp liên tịch hàng năm của Hội tâm lý học và Hội trắc nghiệm tâm lý học Trung Quốc, cũng đã thảo luận về vấn đề này, một vài anh hào phái hiếu chiến, nấp dưới đám mây mù ảo thuật của danh từ phái học viện, yêu cầu khôi phục học đường hiện đại thành hình đường cổ đại. Ngay trong cuộc họp tỉnh, ngài Lâm Tường Cảng - chủ tịch tỉnh Ðài Loan, người có số phận trái ngược hoàn toàn với Bách Dương, đã dùng thuyết hiện thân khẳng định rằng chính là do bị thầy giáo đánh đòn đến kêu cha kêu mẹ thời nhỏ ở nhà trường, ngài mới thu hoạch được nhiều điều tốt lành như ngày nay. Ngài Lưu Gia Dục - thầy dạy Viện y học quốc lập Dương Minh, còn đề nghị Bộ giáo dục rằng : thầy giáo có thể sai học sinh làm một số công việc vừa phải.

Hay nhất vẫn là bài báo đặc biệt của nữ phóng viên Dương Thục Tuệ đăng trên Tự Lập Vãn Báo Ðài Bắc, tiêu đề là : "Lòng thương ư? Hình phạt thân thể ư? Quan trọng nhất là vận dụng sao cho thích đáng. Chỉ cần để học sinh khỏi lầm đường lạc lối, Sở giáo dục không nhất thiết phải đưa ra những quy định cứng nhắc". Trong bài viết có đoạn văn còn để tiếng thơm cho mãi đời sau, bà viết : "Qua tìm hiểu, tôi biết có vị thầy giáo ở một trường trung học quốc lập nổi tiếng của thành phố Ðài Bắc, 'đòn vọt' và 'dậy học' của thầy đều nổi tiếng như nhau, giờ học đầu tiên là để thầy sắp xếp ổn thỏa chỗ đặt roi mây ở trong lớp, (Bách lão nói : một cảnh tượng chờ đợi hình phạt khủng khiếp đấy chứ!). Tiếp đó, đọc vài chương giao ước với học trò, mỗi lần thi cử, so với điểm chuẩn thiếu bao nhiêu điểm thì đánh bấy nhiêu roi. Kết quả, lớp học của thầy luôn luôn là lớp thành tích khá của nhà trường (Bách lão nói : nghĩa là tỷ lệ lên lớp cao). Tên tuổi của thầy vang dội cả trường (Bách lão nói : nếu thầy bầy cả dao chém trên bục giảng, đại danh của thầy có khi còn vang xa mãi tận Luân Ðôn nữa!) Học trò đều mong được thầy dạy (Bách lão nói : cái đó cần phải mở cuộc điều tra khoa học mới được, đừng có lạm dụng bút pháp văn chương!) Sau khi tốt nghiệp ra trường, "xếp hàng đánh lòng bàn tay" lại trở thành sự hoài niệm của rất nhiều em học trò (Bách lão nói : các cậu lớn mợ lớn vừa thi đỗ, có thể nghĩ như vậy, sau này thì chưa chắc!) Ðủ thấy có thực hiện hình phạt hay không, cũng chẳng quan trọng (Bách lão nói : e rằng với thầy giáo tên tuổi vang lừng kia, thực hiện hình phạt thân thể rất quan trọng). Quan trọng chính là nằm trong ý nghĩa do hình phạt đem lại kia."

Ðoạn văn chương vừa rồi là sản phẩm đặc biệt của văn hóa vại tương, tại triều Tống năm 1068 xa xưa, đặc sản này đã bắt đầu có mặt trên thị trường. Bấy giờ ông nhãi hoàng đế lên lớp ngồi nghe thầy giảng bài, trong khi đó thầy giáo như kẻ hầu đứng bên cạnh. Tể tướng kiêm thầy dạy Hoàng gia - ngài Vương An Thạch vốn tôn sư trọng đạo, đề nghị nên sắp một chỗ ngồi cho thầy. Tin tức này loan ra, vại tương lập tức sủi bọt, một trong những nhân vật giòi bọ - đại thần Lã Hối, kêu rống lên cứ như bị giẫm phải đuôi, đằng đằng sát khí đưa ra luận tội : "Vương An Thạch mà dám mơ ngồi để giảng bài, hòng hạ bệ tôn nghiêm của hoàng đế, để làm nổi bật danh giá của người thầy. Ðã không hiểu được sự hòa thuận của trên dưới, lại càng không hiểu cái chức phận của vua tôi!"
Ô hô, thời xưa đấy, có thầy lấy việc đứng chực để hầu hạ làm vinh hạnh. Ngày nay đây, có trò lấy việc "xếp hàng đánh lòng bàn tay" làm vẻ vang. Còn nhớ những năm 1910, Trung Hoa Dân Quốc mới thành lập, có lão già làm việc cho triều đình cũ đến nằm bò ra trước nha môn huyện, thò cái mông trắng như bông tuyết ấy, kêu người nhà lấy roi vụt một thôi một hồi, sau rồi như trút được gánh nặng nói: "Sướng, sướng lắm, đã lâu chưa được biết đến mùi vị này". Hàm ý của sự việc này so với việc thích bị đánh vào lòng bàn tay lại sâu thêm một tầng nữa.

Nghĩ mãi cũng không thể hiểu nổi, tính nô bộc ở Trung Quốc tại sao không thể đứt rễ? Có mấy tập tục truyền thống tàn bạo nhất trong văn hóa Trung Quốc như tục bó chân phụ nữ, lệnh thiến nam giới, và hình phạt thân thể, đều đã bị cách được mạng rồi. Bộ giáo dục nghiêm cấm hình phạt thân thể, là một trong những quyết định đúng đắn hiếm hoi mà họ đã từng ban hành. Nhưng thật không ngờ vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ XX lại phải đối mặt với sự thách thức gay gắt. Vấn đề là, sỉ nhục thì là sỉ nhục, chỉ có những người để tính nô bộc ngấm tận óc tủy, thì mới đầy mình kỹ xảo, biến sự sỉ nhục thành vinh quang. Có hạng người hiếu chiến, dũng cảm, ta không lấy làm lạ; có hạng người như Lã Hối, có hạng người cam chịu "xếp hàng đánh lòng bàn tay", mới là nguy cơ thật sự của dân tộc Trung Hoa. Nếu sỉ nhục này có thể biến thành vinh dự, chắc vinh dự đã không hề tồn tại trên thế giới. Bị sỉ nhục mà cứ vui hơn hớn, nếu không phải là vô tri vô giác, thì là cố tình làm ngơ, bụng đầy toan tính, nếu không thì, chắc chắn là loài nô tài bẩm sinh hoặc là mầm mống nô tài rồi.

Những người bạn chủ trương hình phạt thân thể, nhấn mạnh rằng chỉ cần có lòng thương là được. Nhưng khốn nỗi, lòng thương ư, thiên hạ biết bao tội lỗi, đều phủ lên tấm da mỹ miều của lòng thương. Cha mẹ bó chân cho con gái, để sau này gả được vào nhà tử tế, là lòng thương. "Vua cha" đánh thường dân đến thịt nát xương tan, chỉ vì "hình kỳ vô hình" (trong thời kỳ giam giữ không được đánh đập - dịch giả) cũng là lòng thương. Thử hỏi các ông thầy, đánh một roi là lòng thương, mười roi, rồi một trăm roi có còn lòng thương nữa không? Trên báo chí nói, thầy giáo bạt tai học trò đến nỗi chấn thương sọ não, ông cũng một mực rằng xuất phát từ lòng thương. Ranh giới ở chỗ nào? Nội dung đong đếm làm sao? Trong giáo dục lòng yêu thương tuyệt nhiên không có môn "sửa chữa học". Còn "thích đáng" nữa, thế nào là "thích đáng"? Ai định ra tiêu chuẩn? Giám định bằng cái gì? "Chỉ cần không gây nên tổn thương". Trên thực tế, bất cứ hình phạt thân thể nào cũng gây tổn thương. Ví dụ nói, chỉ cần không gây tổn thương thì có thể đưa tay vào lò lửa? Câu nói nghe ra còn vô nghĩa hơn cả tiếng xịt lốp xe. Bất cứ ai, khi sắp đánh người là vặn vẹo cơ bắp, phồng mũi trợn mắt. Cái bộ dạng hung hãn và ánh mắt dữ tợn kia, chưa động tay đã gây nên tổn thương hãi hùng rồi. Cộng thêm lối ỷ vào quyền lực tuyệt đối để giẫm đạp lên tình cảm, như bắt bọn trẻ tự động giơ tay ra để chờ chịu đòn, thì làm gì có tình thương, chỉ có lòng căm - hai bên căm ghét nhau, vì đó là sự lăng nhục đối với nhân cách.

Một khi học sinh không quan tâm đến việc "xếp hàng đánh lòng bàn tay" nữa, cảm giác hổ thẹn đương nhiên không còn, hình phạt đó cũng mất đi ý nghĩa về mặt cho là "tốt" của nó. Việc thi cử có đáp án mẫu, chuẩn mực, không đúng quy cách thì dùng bạo lực đàn áp, lòng tự trọng, linh tính, và sức tưởng tượng đáng quý của trẻ nhỏ bị tiêu diệt hết. Ðến nỗi 29% thầy cô, vì bộ giáo dục nghiêm cấm hình phạt thân thể, đâm ra "tiêu cực chán trường, thả lỏng học sinh không quản nữa". Loại người mang danh văn hóa công tác trong ngành giáo dục, một khi không được phép trình diễn việc đánh đòn học trò đến kêu cha kêu mẹ nữa thì họ khoanh tay, chểnh mảng với công việc, bộ giáo dục nên mời họ cuốn gói tìm cửa khác, hay là giới thiệu họ vào sòng bạc mà làm bảo kê.

Ngài Bách Dương không đủ sức phản đối 91%, 85%, cả 80% nữa. Nhưng lão tôi phải đề nghị với những ông bố học trò nào không cam chịu sỉ nhục một điều bí mật như thế này : nếu như đánh vào bố, bố tuy không đủ sức chống đối, nhưng bố nên theo học ngài Bách Dương tiên sinh, ghi tạc mối hận này, để làm một cuộc đại trượng phu báo thù, mười năm cũng chưa muộn. Một số thầy giáo thuộc thành phần hiếu chiến có thể nổi giận lôi đình : "Thì tôi đánh đấy, mười năm sau gặp lại!" Ðối với những loại "anh chị" như thế, bố càng mãi mãi không nên quên, hẹn mười năm gặp lại một cách thật tình.

Tất nhiên, đó không phải suy nghĩ chủ yếu của lão Bách tôi, chủ yếu là kết quả điều tra lần này, đồng ý đánh đòn và đồng ý chịu đòn đều chiếm tỷ lệ rất cao, khiến ta đau xót. Phàm mục đích của giáo dục là ở chỗ nuôi dưỡng danh dự và tự tôn của con người, mà nay mọi người lại cùng chung chí hướng, cùng say sưa việc hủy hoại danh dự và tôn nghiêm của tính người, có thể nói là một trong mười vụ xấu xa nhất của ngành giáo dục thế kỷ thứ XX. Ðiều đó nói lên cái vại tương không những thâm sâu mà còn nồng đặc, chính phủ dù có ra tay giúp đỡ, vẫn có người không sao rút chân ra khỏi. Mà cũng nói lên con đường phát triển ngành giáo dục của ta, đến mức trái khoáy và giật lùi, càng nghĩ càng rùng rợn, than ôi!

Trích từ tập "Giẫm phải đuôi của hắn"


Khoe bàn chân nhỏ

Trước thời kháng Nhật, ngài Bách Dương từng đọc bài báo phỏng vấn của một vị phóng viên, vị này chắc lớn lên ở khu phố Tây vùng đất Thượng Hải, cho nên khi đi đến Hành lang Hà Tây tỉnh Cam Túc thì bỗng sửng sốt trước đôi chân nhỏ thó của các quý bà. Nguyên văn bài báo tôi không nhớ, đại để là vị ấy phỏng vấn một bà cụ chân nhỏ, bà lão ấy nhắc đến cảnh ác liệt trong chuyện bó chân, hăng hái kể rằng: "Ở làng tôi, có cô vì bó chân mà bị chết, có cô bó đến nửa chừng không chịu bó tiếp." Vị phóng viên tả : "Khi bà ta nói đến đấy còn cố tình thò bản chân nhỏ ra cạnh giường, như khoe khoang chiến tích." Lời bình đó cứ lởn vởn trong óc tôi. Trời! Lũ giòi bọ vại tương khoe văn hóa truyền thống, và bà cụ khoe bàn chân nhỏ tàn tật ấy, anh thử nói xem, có gì khác không?

Bà lão khoe chân nhỏ là một kiểu đến chết cũng không tỉnh ngộ. Con giòi khoe vại tương lại cũng là một kiểu chết cũng không tỉnh ngộ, kèm theo cả tính vênh vang hão nữa. Tuần trước ngài Tôn Quan Hán có ghi mấy chữ trên một trang in cắt từ tạp chí Chân Thật : "Người Trung Quốc trong lúc 'gặp hạn' mà tâm lý còn lắm thứ tự kiêu tự mãn, thì tôi thật sự khiếp sợ khi 'vận may' nó đến!"

Hiển nhiên ngài Tôn cảm thấy lo buồn đối với tương lai, nhưng "Muốn biết hậu quả kiếp sau, thì hãy nhìn vào nguyên nhân của kiếp này!" Kiếp này tràn đầy tự mãn tự kiêu, thì không bao giờ thành được nước lớn chân chính sau này, xin hãy yên một trăm hai mươi năm cái tâm đi. Nhưng nỗi lo buồn của ngài Tôn lại đánh thức người ta ngẫm nghĩ, Trung Quốc sa sút đến nông nỗi này, đáng ra cha mẹ anh em phải biết đau đớn, phải biết khóc thương, đem tất cả quá khứ ra kiểm điểm. Sau đó, ai hút thuốc phiện cai thuốc phiện, ai nghiện hêrôin cai hêrôin, ai cờ bạc bỏ cờ bạc, ai ăn cắp chừa ăn cắp, ai bao gái thì rũ sạch đi, ốm thì vào viện, mắc bệnh giang mai thì tiêm ngay thuốc 606, cụt chân cụt tay thì lắp ngay chân tay giả; sau đó, cùng nhau xuống đồng, người nào cày thì cày, người nào gieo mạ thì gieo mạ, gánh đất thì gánh đất, tưới tiêu thì tưới tiêu, gia đình như thế mới vượng lên được. Nếu mọi người chỉ biết ngoác miệng ra gào thét, rằng là trước đây chúng ta sướng thế, hay thế, thì sợ rằng chỉ dừng lại cái tốt của ngày xưa, chứ giờ đây không tốt nổi, ngày mai càng không thể tốt nổi nữa.

Trích từ tập "Ðâm mạnh vào vại tương"


Trận mạc giầy thối

Thứ mà các nước khác không có, độc chỉ một Ðài Loan có, là "Mặt trận giầy thối", bất kể đến nhà ai, đều phải công phá trận mạc giầy thối, rồi mới có thể bước vào trong. Bước lên cầu thang, điều đầu tiên gặp phải là mỗi nhà một đống giầy thối bầy ngay trước cửa. Tôi nói giầy thối, chỉ trên cảm quan, chứ ai lại nhất nhất đưa lên mũi ngửi, tất nhiên cũng không dám vơ đũa cả nắm giầy, nói chiếc nào cũng thối. Nhưng nếu nói là thơm, cũng không đủ chứng cứ để luận bàn.

Trước cửa mỗi nhà có một đống giầy thối, quả thật là một trong mười kỳ quan thế kỷ XX, có mới, có cũ, có nam, có nữ, có người lớn, có trẻ con, có gót cao, có gót thấp, có gót không cao không thấp, có lỗ thủng đằng mũi, có lỗ thủng đằng sau, có lỗ thủng bên phải bên trái, có lỗ thủng khắp nơi như bị chuột gặm, có loại rẻ tiền như của ngài Bách Dương mua một trăm đồng một đôi, có đôi mũi rộng như của ngài Trần Nghĩa Thu, nghị sĩ tỉnh Ðài Loan mua bốn ngàn chín trăm đồng. (Ngài Trần Nghĩa Thu còn có đôi mũi rộng giá bốn trăm năm mươi đồng, đó lại thuộc phạm vi đáng nể khác, bụng biết vậy, không cần phải nói kỹ). Tập hợp toàn giầy dép, phong phú lạ mắt, đáng mặt kỳ quan.

Trận mạc được sắp xếp bởi giầy thối, cách bài binh bố trận như cửa trời tại cửa Tam quan của ngài Tiêu Thiên Tá đế quốc Gioócđan : đường tiến đường lui, đường mai phục, bí hiểm khó đoán. Cho nên, có đôi ngửa mặt lên trời, có đôi bò sát mặt đất, có đôi nở như hai bông hoa liền cuống, có đôi mỗi đường mỗi ngả, có đôi phồng má trợn mắt, có đôi khổ sở muôn chiều, có đôi ân ái chồng chéo, có đôi trấn ải cầu thang, trông như cọc buộc ngựa tân thời. Khi gia chủ bước ra, thò gót sen trước, như cây trượng trừ ma của nữ sĩ Mục Quế Anh bạn tôi, lật trái lật phải trong đống giầy thối, gẩy đằng trước, móc đằng sau, cho đến mồ hôi trên mồ hôi dưới cùng đổ, mới gọi là tìm đúng đối tượng. Lại nói khách khứa bước vào, có phần đơn giản, nhưng nếu gặp phải đám bè bạn như Bách lão, đôi bí tất thường có tầm vĩ mô lỗ thủng, thì phải can đảm thế nào mới dám cởi bỏ. Còn có bạn đi giầy buộc dây, thì phải chịu khó ngắm cảnh chổng mông của họ, nếu thuộc diện yểu điệu mỹ miều, tất nhiên ngắm nhìn không biết chán, nếu thuộc loại già lão hoặc bọn chuyên nghề đòi nợ gì đó, thì không thể không lộn mửa, đặc biệt khi có chuyện may hoặc không may, khách khứa đông quá, cứ nối nhau chổng ngược mông tĩ, lúc đó mới tỏ rõ oai phong của mặt trận thối giầy.

Nhưng uy lực lớn nhất của trận mạc giầy thối không phải ở chỗ buộc người ta thò gót sen hay chổng mông tĩ. Thi thoảng thò gót sen, chổng mông tĩ, cũng như hoạt động thể thao co giãn gân cốt, là động tác có ích cho sức khỏe. Vấn đề là thứ mùi lạ từ thông điệp đôi giầy thối kia, quả là một tai họa. Ngày xưa phía Nam có vùng đất Man di, bốc mùi xú khí, không ai hiểu được xú khí là gì, có người nói là hơi thở của loài rắn rết cầm thú, có người cho là tấm lưới trời lồng lộng, do lũ yêu ma quỷ quái buông thả. Tôi thì nghĩ, rõ ràng là không khí bị ô nhiễm, tự nhiên mọi người đều chui vào, nhẹ thì đau đầu chóng mặt, nặng thì đã có âm phủ. Mà các khu chung cư ở Trung Quốc, nhà nhà đều dàn trận giầy thối, làm cho cầu thang từ gốc đến ngọn, không chỗ nào không khiến người ta buồn mửa, có thể gọi là xú khí kiểu chung cư. Một người đi từ tầng một lên tầng mười, ít nhất phải băng qua thập bát bố trận giầy thối, mà mùi thối của mỗi trận đều có tính bức xạ, nó chui qua lỗ mũi thở như trâu ấy, thâm nhập cuống họng và lá phổi, tích tiểu thành đại, dần dà thành ung thư, e rằng giờ đây bệnh có chiều hướng gia tăng, hình ảnh đông như chợ phiên ở trước cửa bệnh viện, có mối liên quan này. Mắc bệnh cũng chẳng quan trọng, cùng lắm là chết mất ngáp. Cái nghiêm trọng là tại sao ở nước ngoài lại không có cảnh tượng này, mà chỉ Trung Quốc có? Lần theo thang gác, một đống giầy thối lại tiếp một đống giầy thối nữa, kể cả không bị mắc bệnh đi chăng nữa, cũng bị bệnh ung thư mũi họng. Bước ra từ thang máy nhà lầu hiện đại, đập vào mắt đầu tiên là đống giầy thối, thật không sao giải thích nổi. Ðặc biệt có nhà nội thất trang hoàng như cung điện Mácxây, sơn son thếp vàng, mà lại đang tâm chất đống giầy thối ở trước bậu cửa. Ðiều đó hình như hàm chứa một mệnh đề hẳn hoi - ích kỷ tuyệt đối và tự ti tuyệt đối. Ích kỷ đó là, đem những thứ mà bản thân mình không thể chịu nổi đẩy ra ngoài cửa, để người khác chịu cho. Ðem những thứ mà bản thân mình nhìn thấy là sốt ruột, đẩy ra ngoài cửa để người ta sốt ruột cho. Ðem những thứ mùi vị quái đản mà bản thân mình ngửi là ngộ độc, đẩy ra ngoài cửa, để người khác bị ngộ độc.

Nhất nhất chỉ nghĩ đến bản thân, không nghĩ đến người khác, chỉ vì lợi ích của bản thân, không vì lợi ích của người khác; chỉ cần nhà mình không có một hạt bụi nào, không cần quan tâm nơi công cộng bẩn thỉu ra sao; chỉ biết mình thoải mái, người khác có ngất xỉu, thậm chí bỏ mạng giữa trận mạc giầy thối trước cửa, cũng không hề động lòng.

Tự ti là, đối với những việc không giải quyết nổi, coi như "mắt không thấy, lòng không phiền", là thủ pháp truyền thống của bài học "cưa cán mũi tên", chỉ cần biết nhà mình giống như cái động tiên là ổn. Người xưa còn quét tuyết trước cổng nhà (không cần quan tâm đến hàng xóm ở bên - dịch giả), bây giờ chẳng những không quét, còn đem cả tuyết trong sân nhà đổ ra ngoài cổng nữa. Có bài thơ cổ chẳng viết thế sao: "Hai tay đẩy trăng ra ngoài cửa, dặn dò hoa mai tự liệu lo." Còn bây giờ thì: "Một chân quẳng ra trận giầy thối, mặc cho thiên hạ loét dạ dày". Còn câu chuyện này nữa, đã sáu mươi năm nay rồi, ngày ấy ngài Bách Dương còn trẻ trung lắm, có lần đến thăm nhà một anh bạn, anh bạn hào phóng khảng khái, trên đời khó có ai sánh nổi, mua ngay bốn lạng xương sườn mời cơm, định cho Bách lão một bữa đã đời. Vợ anh ta không biết thế nào lại làm rơi miếng sườn to tướng xuống hố tiêu. Anh ta không nói không rằng, dùng cây tre, khó nhọc lắm mới vớt lên được, rửa sạch xong vẫn cứ vào nồi ngon lành. Cho đến khi cơm no rượu say, bạn mới cho biết chân tướng, Bách lão thời ấy học qua môn vệ sinh trường Tây học cũng thuộc dạng thông minh, muốn oẹ ra liền, anh bạn nhẩy lên bóp chặt cổ lão, quát lên: "Nuốt vào, nuốt vào, mắt không thấy là sạch, điều đó mà không biết thì học trường Tây làm gì".

Lần đó tôi đành nuốt thật sự, một là tiếc, hai là bị anh ta bóp chặt quá không nôn được. Câu chuyện này lão quên đã lâu, gần đây bắt gặp nhiều trận mạc giầy thối rất hiện đại, nhà nhà cũng : mắt không nhìn thấy là sạch. Lão mới cảm thấy bụng dạ khó ở.

Trích từ "Ðáng để hắn uống bơ sữa"


Nghĩ cho người khác

Chỉ một mực nghĩ cho bản thân mình, coi người khác như không tồn tại, hiện tượng đó ở Trung Quốc nhiều như lông con lừa. Nếu đối phương dám ngang nhiên chứng minh rằng hắn cũng tồn tại, hơn nữa lại có phẩm cách khác biệt nữa thì phiền phức lắm, nhỏ thì cãi vã, lớn thì đánh nhau, còn lớn hơn nữa, là tức thì một chiếc mũ chụp xuống, cho rằng anh việc bé xé ra to, cho rằng anh cà khịa gây gổ; không trách cứ anh là không chịu an phận thủ thường, thì trách anh không đôn hậu nhã nhặn, trách anh hay cáu kỉnh, hay mắng chửi lung tung. Mà vị nào hay cáu kỉnh hay chửi mắng lung tung, nhất nhất đều vào sổ sách hồ sơ, hậu quả thật khôn lường.

Ngài Bách Dương an cư trong gian nhà để ô-tô gần mười tháng nay, trên đầu toàn là các nhà phú quý, nên phía ngoài lan can tầng hai, chủ nhà dựng thêm giá sắt, đặt hàng dẫy chậu hoa. Nhìn chậu hoa vừa thích chí vừa vui mắt, đương nhiên khoái không thể tả. Khốn nỗi gia chủ ấy mỗi ngày phải tưới tắm hai lần, hơn nữa mỗi lần đều lâm ly chứa chan. Một hôm nắng chói gay gắt, Bách lão mua một bát đậu hoa (chè óc đậu - dịch giả), đang ngồi xổm trước cửa xì xụp khoái trá, bỗng mưa như trời đổ, đầu tóc ướt như trôi, nửa bát đậu hoa ăn dở bỗng thành bát đầy bự, bụng nghĩ : "Không biết thần thánh phương nao, thí trận mưa kiểu Tống Giang kịp thời đến thế." Ngẩng đầu mới hay nguồn nước đến từ hoa cảnh, còn chủ nhà biến thành con rùa, rụt cổ không còn tông tích. Tôi định mắng cho hả hê, nhưng sợ bị đòn, lại không mắng nữa. Vẫn muốn lên gác tìm người lý sự, nhưng nghĩ, loại người như tôi không có nhãn mác, không phải đối thủ, lại đành thôi. Cho nên tôi mới tập luyện công phu, học môn nhảy tam cấp từ đó, chỉ cần thấy ông ta tay nâng vòi phun, xuất đầu lộ diện, thì tôi một phát nhẩy vào, hoặc một phát nhẩy ra, người không dính hột nước, thật là giỏi!

La liệt chậu cảnh dọc lan can, thành kỳ quan ở khu nhà tập thể, gặp đâu cũng thấy, có nhà còn tiền hậu giáp công, hàng hiên phần mông gian buồng cũng bầy la liệt một dẫy, quần áo phơi phóng nhà dưới chắc chắn gặp hạn không tránh nổi. Lại còn hết ngày dài lại đêm thâu, khung sắt han rỉ thế nào cũng đến ngày rơi xuống, bộ óc của ông bạn vàng nhà dưới làm sao mà không trổ hoa! Cứ cho là không rơi, nhưng giá sắt để lỗ hổng to vậy, ngộ nhỡ chỉ một hòn đá một hòn ngói vỡ thôi, rơi xuống thì hộp sọ nào chịu nổi. Nghĩ mãi mà không thông, thằng cha ở trên tầng kia, vì sao không nghĩ cho người ở dưới cùng? Kỳ quan nói trên cũng có đồng môn, là máy lạnh treo cao cao ở các nhà lầu. Ô hô, nhà lầu trông thật nguy nga, bẩy tầng này, tám tầng này, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba, mười bốn tầng này, cao, đẹp, văn vẻ, đường nét, hàng lối, hoàn chỉnh như cung điện ấy, nhưng mỗi cửa sổ lại nhô ra một cục đen đen như cỗ quan tài nhỏ. Ðã to nhỏ không đều, kiểu dáng khác nhau, mỗi quan tài lại thò ra một ống dẫn nước giải, lắc la lắc lư, đung đưa theo làn gió. Hệt như một bà mệnh phụ cao sang, đĩnh đạc, nhưng mụn nhọt khắp người, cảm giác cái đẹp bị phá hủy toàn phần. Ðành rằng cái mà ta quan tâm không phải là cái đẹp, mà là ngộ nhỡ một hôm, cái giá đỡ của chiếc quan tài con lại giống như giá đỡ chậu cảnh, lão hóa rồi han rỉ, han rỉ rồi gẫy gục, bỗng nhiên rồi lật đổ, lăn lộn rồi rơi xuống, rơi đúng quý thủ của người qua đường, thiết nghĩ, hiệu quả này so với trận mưa như trút ấy xem chừng lợi hại hơn nhiều. Một lần nữa ta nghĩ mãi vẫn không thông, các cụ giầu có kia, vì sao không nghĩ cho những người qua đường?

Sự đe dọa của chung cư, không chỉ là quan tài nhỏ và mưa nhân tạo của hậu thiên, cũng có cả nọc độc trong bào thai tiên thiên nữa. Ngài Bách Dương vì phải kiếm sống, mỗi ngày đều đi qua đoạn số bốn đường Trung Hiếu Ðông Ðài Bắc ít nhất là hai lần, mỗi khi giá lâm đến một vật khổng lồ có tên là : "Quốc Thái Bảo Thông Ðại Lâu" ấy, thì tim đập thình thịch. Tim đập không phải muốn dọn vào ở, tôi chưa bao giờ nghĩ như thế, cũng như tôi chưa bao giờ nghĩ đến dọn vào ở trong cung điện của Êlidabet Nhị thế bạn tôi. Tôi tim đập thình thịch là vì cửa sổ của nó. Trên những tòa lầu khác, cửa sổ là cánh lùa sang hai bên phải trái, chỉ có cửa sổ của "Quốc Thái Bảo Thông Ðại Lâu" là cánh mở ra phía trước thôi.

Phàm là cửa sổ cánh mở ra phía trước, lượng lưu thông của không khí, tất nhiên lớn gấp đôi cửa sổ cánh lùa sang hai bên, cụ chủ ở trong đó, có thể bởi thế mà sống thêm ba ngàn năm tuổi. Nhưng từ cái đó lại nẩy ra một vấn đề. Hiện tượng cánh mở ra phía trước là, mỗi cửa sổ đều giống cổng nha môn - mở thành hình chữ bát, bản lề kim loại là trụ đỡ duy nhất, trụ đỡ có to mấy cũng không hơn cây sắt giá đỡ chậu cảnh và máy lạnh. Kể cả bằng thép đi nữa, thép cũng có ngày mọt rỉ... ừ thì bản lề của tao làm bằng kim cương, cứ cho là như thế. Nhưng khung cửa sổ, hèm cửa sổ không thể làm bằng kim cương chứ, bản lề không hỏng trước thì khung cửa, hèm cửa cũng phải hỏng trước. Khi hỏng rồi, rủi ro vẫn thuộc về các bạn qua đường. Nếu nó không rơi theo thế thẳng đứng, mà theo kiểu tiên nữ rắc hoa, rắc xuống đường cái, quý bạn ngồi trong ô-tô, cũng khó lòng thoát hiểm.

Chủ yếu nhất là, cường độ sức gió tỷ lệ tăng theo độ cao. Con số của tỷ lệ, ngài Bách Dương một lúc nghĩ chưa ra (cái đó không liên quan đến trí nhớ, nếu ai nợ tiền bạc, tôi nhớ rất rõ ràng), chỉ nhớ mang máng, tòa lầu Ðế Chế ở Niu Oóc. Nếu mặt đất gió cấp một, trên nóc là gió cấp tám, mà gió cấp tám có thể cuốn một người tung lên trời như cuốn một cọng rơm. Cho nên khách tham quan không thể không bắt chước trường mẫu giáo, "tay nhỏ xíu dắt tay xinh xinh". Hoặc là bám chặt lan can, người nào yếu bóng vía còn lấy dây thừng buộc ngang bụng.

Tòa lầu Quốc Thái Bảo Thông ở Ðài Bắc tất nhiên không cao bằng tòa lầu Ðế Chế ở Niu Oóc, nhưng quy luật gia tăng của sức gió thì đâu cũng như nhau. Tòa lầu này mới xây xong, chực chạm trán với ông gió bão. Hơn nữa nếu có chống chế được một hai lần, Bách lão cũng không tin cái bản lề nhỏ xíu kia có thể cầm cự lâu dài với gió mạnh thổi suốt đêm ngày trên tầng cao, ngộ nhỡ một màn trình diễn pháo hoa nổ, thái độ người khác thế nào không biết, tôi thì tự nhủ thề không dám hứng. Lại vẫn cứ nghĩ mà không thông, các cụ công trình sư thiết kế ngày nào kia, vì sao không nghĩ cho những người ngoài khung cửa? Viết đến đây, cô cháu gái đem vào một tờ khai biểu mẫu, cho lão tôi điền vào. Tờ khai là tờ khai gì, không cần nói, cứ biết nhìn thấy tờ khai là nước mắt lưng tròng, chẳng biết vì sao. Nhưng khiến nước mắt người ta sầm sập đổ mưa ấy, là vị trí cho phép điền vào các mục trên tờ khai. Như mục "Nơi ở", các ô trống bên "Ngõ", "Phố", "Ðường", "Huyện", "Thành", "Tỉnh", nhỏ đến mức... có thể nói là tổ chức kiểm tra thị lực. Cũng có ô trống rộng rãi một chút, chỗ để viết cũng to hơn, nhưng cũng chỉ to đến mức nhìn thấy bằng mắt thịt, nếu muốn điền chữ chen vào, e rằng phải sử dụng đến cây bút nhọn nhất thế giới, ngoài ra còn phải dùng thêm kính hiển vi nét nhất thế giới. Mục "Tên sách đã đọc" vừa hẹp lại vừa ngắn, điền vào ba cuốn sách mà tên sách chỉ hai chữ thôi cũng vã mồ hôi, người nào nếu từng đọc ba mươi cuốn sách, thì chỉ cần điền tờ khai là đủ khả năng mắc bệnh cận thị rồi. Càng nghĩ càng không thông, người nghĩ ra biểu mẫu kia, vì sao không nghĩ cho người điền mẫu biểu?

Những thứ đó đều là chuyện nhỏ, nhưng từ những chuyện nhỏ đó, có thể nhìn thấy ổ bệnh trong tâm lý. Nước tưới hoa hắt vào người anh, máy lạnh rơi vào đầu anh, cửa sổ đè nát anh, đến viết chữ cũng không xong, đấy là việc của anh. Nguyên chủ kia, sức mạnh tiền nhiều, thì cứ làm như thế đã sao. Khi chưa xẩy chuyện, có gào lên cũng chẳng ăn thua, mà gào to có khi mang vạ. Khi chuyện đã xẩy ra rồi, thịt nát xương tan, quan phủ tấp nập, hội họp liên miên, hô hào truy cứu trách nhiệm, kết quả truy đi cứu lại, trừ người chết ra, chẳng ai có trách nhiệm cả. Ô hô, ổ bệnh này giống như trận mạc giầy thối trước cửa nhà nhà, nhác qua cũng rõ, ích kỷ và tự ti quá, khiến đầu óc u mê, mắt cũng mù lòa...

Trích từ tập "Ra quân bài theo luật chơi"


Ðộng vật không biết cười

Còn nhớ vài năm trước, người ta rất ngạc nhiên về vẻ mặt lạnh lùng trên sân khấu của diễn viên múa dân tộc, người chủ trì giải thích : "Ðó là vở Cung nữ oán, dĩ nhiên vai cung nữ là phải mặt mày ủ rũ rồi." Nhưng sau đó diễn đến vở Hỷ tương phùng, Vạn thọ vô cương vẫn ủ rũ mặt mày như xưa, không hiểu người chủ trì giải thích thế nào đây. Trước kia tôi đã từng nghĩ có lẽ người da vàng bẩm sinh là không biết cười, và không thích cười. Nhưng khi đến nước Nhật nhìn thấy người da vàng ở đó không những biết cười mà còn rất thích cười. Ngoài cô lái xe biết cười ra, nhìn các cô trực thang máy, làm việc đơn điệu như đứng trong quan tài ấy cũng biết cười thì tôi giật nẩy mình. Nên quay lại tìm hiểu nguyên nhân tại sao nụ cười của người Trung Quốc hiếm hoi đến thế, có thể do hàng trăm năm chiến tranh liên miên, họ khóc quá nhiều. Theo định luật "tiến dùng thoái bỏ" (chọn lọc tự nhiên) trong sinh vật học, cộng thêm suốt ngày lo chạy gạo lo thiếu muối, đến nỗi không cười được nữa.

Người Trung Quốc thiếu vắng nụ cười, là mối đe dọa đối với ngành du lịch tham quan. Nhưng mối đe dọa lớn nhất lại là thái độ dân Trung Quốc cư xử trước mặt người lạ, ngài Bách Dương vì mưu sinh đã đi khắp các tỉnh, phát hiện ra ngoại trừ một nơi là Bắc Bình, hầu hết chỗ nào cũng "bắt nạt ma mới".

Con người là loài động vật biết cười, nhưng ở Trung Quốc, cô y tá và cô lái xe lại là ngoại lệ, về điều này, mọi người đã gào thét mười mấy năm nay, nguyên nhân đại để là lãnh đạo của phòng quản lý xe công cộng và bệnh viện Ðài Bắc (Bệnh viện Ðài Bắc cũng rất hay) đang bận xoay phong bì, không còn thời gian để cải tiến, cho nên nó đông cứng lại, đến nay rất khó thay đổi. Tình hình này, nếu không ném tiền vào mặt các ả ấy, thì đến ông trời cũng không bảo được các ả nhe răng cửa.

Ngoài ra, bộ mặt các cô bán hàng, hình như cũng nên xếp vào nội dung cần cải tiến, khi anh bước vào cửa hàng, cứ như con mèo già xô vào ổ chuột nhắt, các con mắt ti hí nhìn anh đầy xoi mói, nếu anh cầm hàng lên xem thử, họ cân nhắc bộ dạng ăn mặc của anh trước tiên, sau rồi bảo : "Ðắt lắm đấy". Anh mà hỏi : "Còn có loại tốt hơn không?", bảo : "Còn đắt nữa."

Tôi có anh bạn, học trường ngoại ngữ, đã vì mua một chiếc áo len giá năm trăm đồng ở tiệm ký gửi nhìn sang bảo tàng Trung Sơn Ðài Bắc, mà bị móc máy đến khổ. Ông chủ tiệm thò mắt nhìn vào phù hiệu được gắn trên cổ áo anh bạn một cách kỹ lưỡng, khinh khỉnh nói : "Anh tốt nghiệp trường ngoại ngữ, làm phiên dịch, một tháng kiếm giỏi lắm cũng không quá năm sáu trăm, theo tôi tiết kiệm vẫn hơn." Nhưng kết quả lại khiến ông chủ tiệm bất ngờ, bạn tôi nghiễm nhiên bỏ tiền mua chiếc áo.

Nhưng khổ tâm nhất lại là, khi khách hàng xem xong vài thứ, không mua mà cáo lui, thì trên từ ông chủ, dưới đến nhân viên, không ai là không tức bực nhìn theo, mồm thì lẩm bẩm câu gì, mặt mũi như vừa bị con gà hiếp, chiềng hết cả ra. Thấy vậy có người nói : không sao đâu, họ mà gặp các Tây đại nhân thì, tươi tỉnh ngay đấy mà, không sao! Tuy biết rằng sau này ngành tham quan du lịch phát triển, Tây đại nhân như cá bơi qua sông, sẽ dần dần không hiếm hoi nữa, hơn nữa Tây đại nhân cũng có kẻ nghèo người hèn, lâu dần lâu dần, thói tật bẩm tính lại tái phát, khó tránh khỏi sẽ đến một ngày Tây, Ta đều bị như rứa hết.

Ở Trung Quốc, ngồi tắc xi không cần cho tiền thưởng, là việc duy nhất đáng quảng cáo rùm beng, nhưng chỉ vẻn vẹn một việc này, chẳng thể hấp dẫn được mấy du khách. Nên tìm cách triển khai cuộc "vận động không nói thách", phàm người mua hàng ở đường Trung Hoa Ðài Bắc, chắc chắn đều có sự đồng cảm, đúng là nói thách đến tận mây xanh, giá trả sát đến đất mùn, có bị mắc lừa hay không là nhờ may rủi. Ngài Bách Dương ngày xưa còn phát hiện ra một định luật là : "Hãy mặc cả với giá anh không muốn mua, đảm bảo sẽ không bị hớ." Nhưng kết quả lại không vậy, hôm kia đi mua một chiếc va-li, họ đòi ba trăm, tôi cho chỉ đáng giá một trăm năm mươi thôi, nhưng còn chê nó kiểu chưa đẹp lắm, bèn lớn tiếng trả : "Bẩy chục." Cứ tưởng rằng họ thà tự tử chứ không đời nào bán, ai ngờ họ còn lớn tiếng hơn tôi : "Thôi được rồi, cầm đi đi." Ô hô, làm thế nào để người Trung Quốc mang thiện chí và sự thành khẩn cư xử với người lạ, không những chỉ là đạo của du lịch, còn là đạo làm người.

Trích từ tập "Lợn hay"


Lễ nghĩa chi bang

Tu dưỡng của một con người và phẩm chất của cả dân tộc hoàn toàn lộ rõ khi giao tiếp, dù chỉ trên bề mặt quan hệ giữa người với người. Quý ngài còn nhớ Kính hoa duyên không? Ông Ðường Ngạo khi đến "Nước quân tử", có định nghĩa về lễ nghĩa chi bang (Nước có lễ nghĩa - dịch giả) là: "Thánh thánh tương truyền" (Ðược sự truyền thụ của bậc thánh hiền - dịch giả), "Lễ nhạc giáo hóa" ( Ðược sự giáo dục bằng lễ nghi, âm nhạc - dịch giả), "Bát hoang cảnh ngưỡng"(Vùng đất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên - dịch giả). Kỳ thực ông ta chỉ trông thấy một việc người già trẻ nhỏ đều không bị lừa gạt khi mua đồ ở cửa hàng, đã bái phục sát đất. Mà ở nước A-mê-ri-can, việc không ai lừa gạt người già trẻ nhỏ đã trở thành việc bình thường, không những giá cả không bị lừa, còn thái độ phục vụ thì không còn chỗ để chê. Bách Dương phu nhân đến một cửa hàng nhỏ tại Látx Vêgátx, thấy một chiếc áo gilê, đề giá là mười hai đôla Mỹ, hai bên tiền trao cháo múc, chuẩn bị đóng gói, mới phát hiện phía dưới nách bên phải chiếc gilê có một nốt đen bằng hạt gạo, vợ lão hỏi : "Ô, cái gì đấy?" Bà lão bán hàng giơ áo lên soi, ngượng ngập nói : "Ðúng là vết khô của giọt mồ hôi, giặt có thể sạch, cũng có thể không sạch. Nếu bà đồng ý, tôi đi hỏi ông chủ xem có thể hạ giá cho bà không?" Bà lão lập cập chạy lên thang gác, rồi lại lập cập chạy xuống, nói có thể giảm hai đôla.

Không ngờ sự việc này đối với tôi, như bị một đòn giáng vào đầu, tóm lại là bị nhân viên cửa hàng ngược đãi vốn thành thói quen, một khi gặp mưa thuận gió hòa, đâm ra không chịu được phải chạy đến ôm chầm bà lão hôn một cái. Nếu thay vì là Ðài Bắc, hoặc Hồng Kông, chắc chắn sẽ diễn ra một tiết mục tử chiến như cảnh sát hình sự săn bắt cướp. Mẹ già kia dám cả gan bới lông tìm vết, thì nhân viên cửa hàng ắt phải phồng má trợn mắt, cho đòn phủ đầu : "Cái gì, bà nói gì, nốt đen hả? Chuyện đùa, sao tôi lại không nhìn thấy? ừ thì nhìn thấy đấy, cơ mà ở dưới nách có hề hấn chi, chẳng nhẽ bà vừa đi vừa giơ nách lên à? Thích bới móc thì nói sớm đi, người mua cũng còn khối kẻ sống thật thà, bây giờ hóa đơn cũng viết xong rồi, bà đòi trả lại? Bớt tiền? Ðúng là dớ dẩn, lần sau đi mua đồ hãy chui vào xó xỉnh kiểm tra lại vốn liếng đã, không đủ hào thì đừng có đóng vai sĩ. Sao, oan lắm hả, người ta là nước năm nghìn năm văn hóa truyền thống "Lễ nghĩa chi bang", xưa nay đối xử "khách đến như về nhà mình", bà không dám không "về nhà mình" chứ? Còn bĩu môi rồi thì ca cẩm, cứ như là bị ai ăn hiếp ấy, công ty chúng tôi lớn như thế, trông chờ gì mấy đồng cắc lẻ của bà. Loại Tây bánh bao đất như các người, văn hóa nông choèn choẹt ấy, thừa hơi cũng chẳng đi báo cảnh sát. Chung quy một câu, không mua nổi chứ gì? Thôi đưa đây".

Látx Vêgátx là một thành phố cờ bạc tham quan du lịch thuần túy, 99% là khách du lịch, mà trong số du khách ấy 99% chỉ đến đây có một hai lần trong đời, có bắt chẹt số người này cũng không xẩy ra hậu họa. Nhưng họ vẫn cư xử như các cửa hàng khác, đứng đắn, thân thiết.

Trích từ "Giẫm vào đuôi của hắn"

© 2003 talawas