© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
6.6.2005
Réti Pál
"Một người Hung trầm lặng"
Trương Đức dịch
 
Những phân tích và nhận định sau này về cuộc chiến đẫm máu đã kết thúc cách đây đúng ba mươi năm tại Việt Nam cho thấy: chiến tranh Việt Nam lẽ ra có thể kết thúc sớm hơn một thập kỷ trước đó, và, thậm chí còn không xảy ra nếu các chính khách chịu khó "lắng nghe" tin tức tình báo.

Năm ngoái, trong thời gian tranh cử tổng thống, các báo cáo của CIA về tình hình Iraq cho Nhà trắng có đề cập đến khả năng chiến tranh du kích tại đây. Một số nghị viên chống chiến tranh còn nhìn xa hơn khi nói về một Việt Nam thứ hai. Và như thực tế cho thấy, khả năng này không bị thời gian phủ nhận hoàn toàn. Những điều này đã không "phù hợp" với chính phủ Bush lúc đó. Người đứng đầu CIA (lúc đấy vừa nhậm chức), ông Porter Goss, ngay sau đó ít lâu đã cho tiến hành một cuộc "quét dọn” lớn.

Không phải Bush là vị tổng thống đầu tiên muốn các bản báo cáo tin tức tình báo phải được "lựa theo" chính sách đối ngoại của Nhà trắng. Và tại Hoa Kỳ, cũng không mới mẻ gì khi chính phủ không đếm xỉa đến các nhận định tình báo "không có lợi". Bởi vì, chẳng hạn trong cuộc chiến Việt Nam, nếu các tướng lĩnh Mỹ tham chiến hồi đó biết "quan tâm" đến ý kiến của một vài nhân viên CIA - những người cảm nhận được mối nguy hại của cuộc chiến - thì có thể cuộc chiến đã kết thúc nhanh chóng hơn, ít đổ máu hơn, và mất ít thể diện hơn.

Thậm chí là cuộc chiến - có nhiều khả năng - không nổ ra! "Chiến trận ở miền Nam Việt Nam sẽ kéo dài và sự tốn kém không thể lường trước được. Kỷ luật của quân đội bản địa rất thấp. Giữa người dân và binh lính không có sự tin tưởng lẫn nhau. Sự lan tràn của cộng sản trong nhiều địa bàn quân sự của quân đội Cộng hoà là hiển nhiên!" - điều này có thể đọc thấy trong bản báo cáo trình lên Tổng thống của Cơ quan mật vụ Hoa Kỳ vào tháng Hai năm 1963. Báo cáo này đề cập sự vô hiệu quả của nhiều đợt viện trợ quân sự. Và khi bản báo cáo chính thức được đặt trước mặt Jonh F. Kenedy, nội dung của nó đã được "chỉnh lý": "Có thể thấy rằng sự lan tràn của cộng sản đã bị chặn lại. Tình hình ổn định. Những kết quả thu được trong một năm cho thấy: bằng sức mạnh quân sự có thể kìm hãm làn sóng cộng sản và tăng cường an ninh ở các địa phương". Và như vậy, John McCone, trùm CIA thời đó, rút ra kết luận rằng: báo cáo để tăng cường chạy đua chiến tranh sẽ phù hợp hơn với Quốc hội Mỹ, còn những bản nhận định tình hình mang tính thực tế nhưng biểu lộ "tiêu cực" sẽ bị chối bỏ. Trong khi đó, Washington có ý định rút hết vài ngàn chuyên gia quân sự của mình khỏi miền Nam vào cuối năm 1965. Còn John McCone, ông lại không muốn làm cấp trên thất vọng.

Nhưng ba tuần sau, Tổng thống Kenedy bị ám sát. Vài tháng sau nữa, tại Sài Gòn diễn ra cuộc đảo chính: Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại. Xác của ông bị chở rong khắp nơi trong cảnh hỗn loạn. Quân lực Cộng hoà, đồng minh của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt nam, đổ vấy cho những kẻ hoạt động bí mật có tên là Việt cộng. Người Mỹ thì cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi "nạn" cộng sản bằng viện trợ vũ khí và đô-la. Vì thế, các đời tổng thống Mỹ tiếp theo đều xem điều được cho là "Nếu Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ" - do Truman đề xướng vào năm 1940 - là nguyên tắc đối ngoại của mình. Năm 1954, Eisenhower "chắp nối" thêm: "Nếu mất Đông Nam Á, những tai hoạ khôn lường sẽ xảy ra cho Thế giới Tự do!".

Bên trong bộ máy chính quyền Mỹ, đầu tiên - và thật kỳ lạ - chính CIA lại nghi ngờ những quan điểm "không thể nghi ngờ" về tình hình chiến sự, là những quan điểm mà trước đó đã khơi gợi và ủng hộ hoàn toàn việc mở rộng chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương. "Có thể giảm thiểu và kiểm soát được" những rủi ro của việc rút quân ra khỏi Việt Nam - các nhân viên tình báo đã đề xuất sự rút lui như vậy trong bản tin tối mật tháng Chín năm 1967.

Trong hồi ký viết vào năm 1995, Bộ trưởng Quốc phòng thời đó của Hoa Kỳ, ông Robert McNamara nhận định: "Lẽ ra, vào mùa thu năm 1967 chúng ta có thể rút ra khỏi cuộc chiến một cách êm đẹp, và điều này không gây nguy hại đến an ninh của nước Mỹ cũng như của Phương Tây". Ông cho biết lý do của sự nhận biết muộn màng là: chỉ đến khi thu thập tài liệu cho cuốn hồi ký, ông mới bắt gặp bản tin "nói những điều rủi ro" này của CIA. Cấp trên của ông lúc đó, Tổng thống Johnson đã không thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng tài liệu quan trọng này. Và như thế, những người lính Mỹ đã phải tiếp tục vùi mình vào chiến tranh Việt Nam thêm tám năm nữa!

Từ tháng Giêng năm 1973, sau khi Hiệp định ngừng bắn giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết tại Paris, "chiến tranh bẩn thỉu được thay bằng hoà bình cũng bẩn thỉu như thế"! Ông Tom Polgar, Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn, một trong ba nhân vật quan trọng nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong thời kỳ nước Mỹ tham chiến tại Việt Nam, đã phát biểu như vậy (theo lời kể của một nhân viên dưới quyền ông).

Cuối những năm 30, cậu học sinh Tom Polgar rời Hungary đến Hoa Kỳ. Sau bốn mươi tư năm làm việc cho CIA, tướng tình báo "ba sao" người Mỹ gốc Hung này đã về hưu và hiện sống ở Florida. Ông tiết lộ cho HVG (Tuần báo Kinh tế Thế giới) biết: "... Những năm của "hoà bình bẩn thỉu", Nhà trắng không quan tâm đến tình hình ở Việt Nam nữa. Bộ máy chính quyền Mỹ bận tâm vào nhiều vấn đề khác...".

Tổng thống Richard Nixon đương đầu không nổi với vụ bê bối "Watergate", cuối cùng phải từ chức. Tổng thống thay thế, Gerald Ford thì muốn rũ khỏi người "khối suy sụp không ai mong muốn là tiếp tục cuộc chiến ở Việt nam". Ông đã phát biểu thẳng thừng với Quốc hội Mỹ rằng chiến tranh Việt Nam không liên quan gì đến ông. Vào thời gian này, cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới lần thứ nhất đang ở vào giai đoạn trầm trọng, chiến tranh Ảrập - Israel lần thứ hai nổ ra, và tại Mỹ, phong trào chống chiến tranh Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.

"Người Hung trầm lặng" kể tiếp: "Trong tình hình như thế, nội các Mỹ một lần nữa lại không lắng nghe các báo cáo của các nhân viên CIA. Ngay sau khi Ngoại trưởng Hoa kỳ Henry Kissinger cùng Ngoại trưởng Bắc Việt Lê Đức Thọ ký vào Hiệp định ngừng bắn tại Paris, cảnh báo của chúng tôi cho Nhà trắng - rằng: cộng sản Bắc Việt sẽ vi phạm Hiệp định, thậm chí, nếu thấy phía Mỹ không phản công lại, họ sẽ tiến công toàn diện vào miền Nam - đã trở thành vô ích. Nixon và Kissinger đã không tin chúng tôi và liên tục giảm viện trợ cho miền Nam Việt Nam. Thực tế họ đã bỏ đói quân đội Cộng hoà. Miền Nam Việt Nam không có ngân quỹ để cân bằng tỷ lệ lực lượng quân sự được quy định trong Hiệp định Paris".

Tháng 12 năm 1974, Bắc Việt thực sự công khai vi phạm Hiệp định ngừng bắn. Quân đội cộng sản chiếm Phước Long, một căn cứ quân sự không có tầm quan trọng - theo Tom Polgar - nhằm chờ xem phản ứng. Và sau khi không thấy động tĩnh gì từ phía các tướng lĩnh Mỹ, vốn đã bỏ qua sự cảnh báo của CIA, Bắc Việt mở chiến dịch tấn công dứt điểm vào toàn bộ các căn cứ quân sự trọng yếu của miền Nam.

"Ngày 16 tháng Ba năm 1975, tôi điện về cho Washington rằng tình hình không còn hy vọng gì nữa - Tom Polgar nhớ lại điều hoang mang cuối cùng của mình trên đất Sài Gòn - sự sụp đổ là không thể nghi ngờ, bởi vì quân đội Cộng hoà thiếu viện trợ quân sự từ Mỹ, không còn khả năng chiến đấu. Trong khi đó, lực lượng quân sự của Bắc Việt được Liên Xô và Trung Cộng hỗ trợ thì quá hùng mạnh. Nhà Trắng đã không trả lời và cũng chẳng đưa ra đường đi nước bước gì cho tôi, mặc dù lúc đó vẫn tồn tại khả năng có thể đàm phán cho một giải pháp hoà bình. Nước Mỹ, lẽ ra có thể dựa vào đó để rút quân đàng hoàng hơn và mất ít thể diện hơn".

Chính quyền Sài Gòn thực tế đã sụp đổ trong vài tuần. Những thước phim ghi cảnh chạy chốn khỏi lực lượng cộng sản, nhất là cảnh các lính Mỹ dùng chân đạp xuống biển những thường dân miền Nam Việt Nam cũng muốn bỏ chạy đang cố bám vào càng trực thăng, được chiếu đi chiếu lại trên khắp thế giới. Chiếc trực thăng cuối cùng của quân lực Hoa Kỳ chở Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn cất cánh khỏi sân thượng toà đại sứ Mỹ vào lúc 4 giờ rưỡi rạng sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Tom Polgar, gần hai mươi năm sau, năm 1993, với tư cách khách du lịch quay lại Sài Gòn cùng với vợ. Hòn ngọc Viễn Đông nay được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Nhân viên của công ty du lịch địa phương muốn để hai người khách Mỹ nghỉ ở một khách sạn kém phần sang trọng. "Tôi hỏi người nhân viên: anh có biết cách đây hai mươi năm tôi ở vị trí nào tại thành phố này không? Một tiếng sau, hai vợ chồng được đưa đến khách sạn mà chúng tôi đã đặt, nhưng không phải vào phòng giường đôi bình thường như trong vé du lịch, mà vào phòng dành cho VIP!" - ông tướng tình báo về hưu vui vẻ kể lại cuộc phiêu lưu cuối cùng của mình tại Sài Gòn cho HVG.


Réti Pál là phóng viên thường trú của HVG tại Washington.


© 2005 talawas
Nguồn: HVG (Tuần báo Kinh tế Thế giá»›i, Hungary) số 20, năm thứ XXVII, ra ngày 21-05-2005.