© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.2.2003
Bách Dương
Người Trung Quốc xấu xa
Nữ Lang Trung dịch theo bản của Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, Trung  Quốc, 1987
Nữ Lang Trung dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Ba câu nói

Lễ phép, lịch sự kiểu người Mỹ, là phiền hà lớn nhất đối với người Trung Hoa mới đến sinh sống ở nước Mỹ. Rảo bước trên đường phố, sượt qua vai người khác, hình như chạm phải, cũng hình như chưa chạm phải, họ vẫn cứ ngại ngần rồi "xin lỗi". Nếu là trận giáp lá cà, da thịt đụng chạm thật sự, thì lời "xin lỗi" của họ càng giống như lời ai điếu vậy. Dù biết là anh cắm đầu cắm cổ mải đi mà va phải giời động phải đất ấy, họ cũng cứ "xin lỗi" anh lia lịa. Tình trạng động một tí là "xin lỗi" thật khó mà đương đầu nổi. Nhưng ở Trung Quốc, cảnh tượng thì khác hẳn, một khi hai người va đụng như con rùa rơi xuống tảng đá, cứng lại gặp rắn, thì phản ứng nhanh như chớp, mắt mũi ai nấy đều nứt toác ra, còn biểu diễn nhẩy cao cho mà xem nữa chứ, câu đầu tiên hẳn là: "Mù đấy hả ?". Phường kia lập tức nhẩy cao hơn cãi trả: "Này, tôi không cố tình đâu nhé, anh cũng đụng vào tôi, tôi đã không nói thì thôi, anh la cái gì ?" Ðối phương lại dài giọng ra : "Ðâm phải người ta còn hung hăng cái gì, anh là người có giáo dục không đấy ?" Phường kia cũng dài giọng không kém : "Ðụng vào anh chứ có phạm tội giết người đâu, anh muốn gì, muốn tôi quỳ xuống chắc. Anh bảo tôi đụng vào anh hở, hừm, lạ thật đấy, sao tôi lại không đụng phải người khác, rõ là xô vào người ta trước, còn vu vạ". Câu chuyện phát triển đến nước này, yếu thế một chút thì vừa đi vừa chửi, vừa chửi vừa đi, gọi là khua chiêng rồi thu quân kéo về. Rắn rỏi một chút, thì cho cú đấm thẳng thừng, gọi đâm gọi chém, lập tức xúm đen xúm đỏ, hô hoán ầm ỹ.

Xin các ngài độc giả lưu ý, từ cú va đụng đầu tiên cho đến cảnh cuối cùng tan tác như lợn gà ấy, tôi chưa hề nghe thấy một tiếng "xin lỗi" đâu nhé. Học thuyết uyên thâm - Chết cũng không chịu nhận lỗi được phát huy cao độ và đầy đủ trong màn tiểu phẩm đầu đường xó chợ này. Bởi thế Bách Dương tôi cho rằng đồng bào của chúng ta đã đánh mất khả năng nói lời "xin lỗi", mỗi người Trung Quốc cứ như là một vòi phun lửa, chỉ có can trường dốc sức lực để đua tranh.

Một trong những đặc trưng của văn minh phương Tây là sự thừa nhận người khác với mình cùng tồn tại như nhau, cùng được tôn trọng như nhau, cho nên họ mới thể hiện sự tôn kính ấy một cách cẩn trọng như vậy. Giẫm phải bàn chân vàng của quý ngài, họ "xin lỗi" là chuyện đương nhiên, nhưng thực tế chưa chắc đã giẫm phải, chẳng qua suýt nữa giẫm phải thôi cũng "xin lỗi". Vô tình ho lên một tiếng, họ "xin lỗi" cũng bình thường thôi, nhưng hắt hơi một cái nhẹ như tiếng muỗi kêu cũng "xin lỗi". Ðang dở câu chuyện buồn đi tiểu "xin lỗi" đã đành, nhưng thấy bếp bị cháy, họ vội đi dập lửa cũng "xin lỗi".

Khách du lịch thường xuyên được nhìn thấy một tiết mục là anh đang chăm chú chụp ảnh, có người vô tình đi ngang qua tầm ngắm, nhất định họ phải "xin lỗi" anh. Mà đa số người phương Tây, một khi thấy anh giơ cao máy ảnh, thì lập tức đứng dừng lại cười ngô nghê như những chàng ngốc, chờ cho đến khi anh bấm nút xong rồi họ mới đi tiếp. Người chụp ảnh nếu là bà con Trung Quốc của tôi, thì bệnh tê dại đã thành tập quán, không bao giờ có phản ứng gì. Nếu người chụp hình là những Tây đại nhân, thì họ chẳng chịu nín tiếng đâu, thế nào cũng hắng ra một điệu. Lúc này thì không phải điệu "xin lỗi" nữa, mà là "cảm ơn".

Cảm giác bị đe dọa từ "cảm ơn" và cảm giác bị đe dọa từ "xin lỗi", đối với tôi đều nặng nề như nhau. Trên thế giới sao lại có người chịu phung phí nước bọt cho hai câu nói này đến thế, thật khó mà hiểu nổi. Bách Dương tôi dù rằng tinh thông những mười tám môn võ nghệ, nhưng đến nước Mỹ, muốn chạy trốn khỏi tấm lưới bủa vây của hai câu nói này, thật tình còn khó khăn hơn cả lên trời. Anh càng chạy trốn, họ càng "cảm ơn" anh. Anh đợi cho người ta chụp xong hình mới đi ngang qua, tất nhiên người ta "cảm ơn" anh. Nhưng cả khi mua sắm, hàng đến tay xong rồi họ vẫn quay sang người bán hàng để nói "cảm ơn" (thử hoán vị ở Trung Quốc xem, đừng nói là khách hàng nữa, nếu nhân viên bán hàng mà nói được câu "cảm ơn", thì trần nhà cũng sập xuống vì cảm động). Ðến ngân hàng rút tiền, bà lão ngồi quầy trực ban mắt trân trân nhìn anh ôm đống tiền ra đi cũng "cảm ơn" anh (quý ngài độc giả nếu có thể lượn một vòng ở ngân hàng Trung Quốc thử coi, chắc có thể tường tận mọi nhẽ). Nếu có việc phải vào cửa quan, khi ra về trao lại giấy tờ cho anh, họ cũng lại "cảm ơn" (quý ngài độc giả thử vào các cửa quan ở Trung Quốc mà xem, bảo đảm quý ngài lập tức nổi cơn hoài niệm phương Tây da diết). Khi lái xe trót tăng tốc hoặc rẽ sang đường không đúng quy định, ông cảnh sát vừa giao biên lai phạt tiền vừa nói "cảm ơn" anh (nếu ở Ðài Bắc, kết quả nhận biên lai phạt ở đầu đường thì e... sẽ là : một bộ mặt sưng tấy như dì ghẻ, một lỗ miệng lẩm bẩm Tam tự kinh [câu văng tục - dịch giả]"). Khi ở Lốtx Angiơlétx, tôi cùng ông bạn Chu Quang Khải vào nhà gửi xe, khi đánh xe ra cổng nộp tiền lấy biên nhận, bạn tôi cũng bật ra một câu "cảm ơn", tôi trách khéo : "Lễ phép không phải lối, ông anh thử không đưa tiền liệu hắn có tha cho nước này không, có gì mà phải cảm ơn ?" Ông ta nghĩ mãi cũng không trả lời được lý do tại sao không đừng được mà phải "cám ơn". Nhưng lần thứ hai đi lấy xe, ông bạn vẫn "cám ơn" như cũ, làm tôi tức chết đi được.

Bách Dương tôi có ấn tượng sâu sắc nhất với câu "cảm ơn" là do vụ "kỳ án cửa lò xo". Mọi khi lão tôi đi qua cánh cửa lò xo, thường là đẩy cửa đi khỏi rồi buông tay bỏ mặc nó. Sang tới nước Mỹ, hồi đầu vẫn như thế. Có bạn nhắc nhở : "Ông ơi, đây là bang mũi lõ, ông đừng đem văn hóa truyền thống năm ngàn năm của Trung Quốc nhà ông sang cả bên này, cần phải xem đằng sau có người hay không đã, rồi từ từ buông tay". Ðùa ! Tôi đến Mỹ tham quan du lịch, chứ có phải đến trông coi cửa nẻo cho các người đâu, tôi đi qua cửa lò xo còn nhiều hơn cửa lò xo mà ông nhìn thấy đấy, chẳng nhẽ còn phải mượn ông lên lớp giảng dạy nữa sao ! Cứ như thế một lần, tôi vừa buông tay, cánh cửa bật mạnh ra phía sau, ông già da trắng đứng sau lưng hét lên một tiếng, tôi và ông bạn suýt nữa phải quỳ xuống xin được tha thứ (đáng lẽ tôi định bôi mỡ dưới chân, nhưng oái oăm thay lúc ấy toàn những người rách việc ở đâu mà đổ xô đến lắm thế, tôi không thoát nổi). Rất may cho tôi là ông ta chưa đến mức bị chấn thương sọ não, qua tướng mạo và cách ăn mặc của tôi, chắc ông ta nhầm với một nhân vật quan trọng của bộ lạc ăn thịt người Tân Ghinê, nên không dám truy cứu. Sau chuyện đó bạn tôi lại nhắc nhở : "Ông chưa ăn qua thịt lợn, cũng phải xem qua con lợn nó đi đứng thế nào chứ, học hỏi Tây đại nhân, mới là đạo yêu nước chân chính đấy ông ạ". Ô hô, hóa ra là khi Tây đại nhân bước qua cửa, đều phải dừng chân giữ cánh cửa, chờ đến khi người sau bước vào suôn sẻ, hay có người nối tay đón lấy mới từ từ buông tay mình ra. Không kinh qua sự việc, không lớn nổi trí khôn, không bao lâu lão Bách tôi đã thuộc làu quy luật này. Cũng vì vậy mà không ngừng được nghe các ông Tây bà Ðầm "cám ơn" rối rít, kể ra cũng khoái.

Về đến Ðài Bắc, tôi vẫn tiếp tục kiểu sính Tây như vậy. Nhưng không được ba ngày, lại đâu vào đấy, không phải vì tôi thiếu kiên trì, mà là mỗi khi tôi dừng chân xin hầu các vị thì các vị bạn hữu da vàng đứng sau tôi, như bị cứt khô nhét đầy mồm, không có một người nào biết nói "cảm ơn" cả. Thế là tôi rút tay bỏ mặc, cánh cửa đập vào sống hay đập vào chết, kệ mẹ nó. Than ôi, nếu muốn moi một câu "cám ơn" từ lỗ miệng người Trung Quốc, khéo phải trưng dụng đến chiếc bồ cào của bạn tôi Trư Bát Giới mới xong.

Sự thực câu "cảm ơn" và câu "xin lỗi" ở nước Mỹ đều giống nhau, đều đã trở thành một bộ phận sinh hoạt của người dân nước Mỹ, khiến nó phát triển đến mức tràn lan. Ngay cả đứa trẻ mới tập tọe, khi bà mẹ chùi đít cho nó, cũng biết nói "cám ơn mẹ". Các ngài có xem đoạn phim quay cảnh cướp nhà băng chưa, bọn hung đồ cao to chĩa súng ngắn, đang buộc mụ đứng quầy nhà băng xếp hết tiền bạc, xong rồi ngả mũ "cám ơn" rồi mới tháo lui. Theo ý Bách lão, thà để tràn lan còn hơn, chứ đừng để cứt khô nhồi đến ngạt thở.

Còn phải nhấn mạnh một điều rằng, khẩu ngữ "xin lỗi" và "cảm ơn" đều bật ra đồng thời với nụ cười nở miệng. Cho nên, một câu nói khác được nối đuôi rất hồn nhiên là "Tôi có thể giúp ngài được không) ?" Lão già tôi sống đến từng này tuổi, từ Ðại lục đến Ðài Loan, từ miền núi đến thành thị, từ thôn Ba nhà đến trường Tây học, từ bi bô tập nói đến hùng biện như sấm, câu "xin lỗi" hoặc câu "cảm ơn" dù hiếm hoi như vẩy rồng lông phượng, cũng còn thi thoảng được nghe thấy. Chỉ duy có câu "Tôi có thể giúp ngài không?" thật tình chưa hề nghe ai xuất khẩu bao giờ.

Ngày thường, chúng tôi đều được bạn bè đánh xe đưa đón, oai phong lắm, điệu bộ lắm, nhưng có một lần thì đúng như cặp đui mù, tôi và bà lão từ khu trung tâm Oasinhtơn đáp tàu điện ngầm đến thị trấn Xuân Ðiền, Xuân Ðiền là ga cuối, phải đi tiếp một đoạn bằng tăcxi nữa, mới tới được quý phủ của ông bạn mời cơm. Không ngờ xe tắcxi ở nước Mỹ lại ít ỏi đến mức ít hơn cả số tiền trong túi của Bách lão, ngoài trời lại sẩm tối dần, chúng tôi chạy ngược chạy xuôi quanh khu nhà ga để vẫy xe, thảm hại như hai con chó mất chủ. Một bạn trẻ người Mỹ đi ngang qua, chắc đoán ra sự cố, anh ta đến hỏi chúng tôi có thể cho phép anh ta giúp đỡ được không? Ðúng là ngốc ngếch, còn gì phải hỏi. Thế là anh ta trút bỏ tay nải, ra giữa đường cái, mắt đảo tứ phía, tai ghếch tám phương, cuối cùng cũng chặn được một chiếc xe. Hình như lái xe vội về nhà trước bữa tối, không chịu chở, thấy ông bạn cúi xuống cửa xe nói năng mãi mới vẫy chúng tôi sang. Chờ đến khi tôi tỉnh đòn, muốn hỏi thăm đại danh của vị cứu tinh ấy, thì anh ta đã khuất nẻo đường xa, nếu không có anh ta kịp thời giúp đỡ, vợ chồng tôi khéo phải nằm đất qua đêm ở đó.

Trích từ "Giẫm phải đuôi của hắn"


Ðất nước xếp hàng

Người Mỹ là một dân tộc hay giúp đỡ người khác, "Tôi có thể xin được phục vụ ngài?" không phải chỉ là câu nói giao đãi sáo rỗng đưa đẩy, mà là hành động giúp ngay làm ngay. Trừ Niuoóc và một vài nơi có bến cảng, chỉ cần thấy khuôn mặt bạn lộ ra vẻ lo lắng suốt ruột, thể nào cũng có người đến đặt câu hỏi này. Nếu bạn là người có hoài bão, trả lời : "Ðúng rồi, mình đang cần giúp đỡ, cho mình vay khoảng năm mươi tỷ đô-la quay vòng trong hai mươi năm, được chứ?" Tất nhiên là không được rồi. Nhưng giả sử bạn chỉ lạc đường thôi, thì e rằng họ phải bận bịu một thôi một hồi, thế nào cũng giải thích cho bạn biết một cách tỷ mẩn; nếu chẳng may trình độ Anh văn của bạn cũng ngang tầm với ông Bách Dương thì, dù họ có nói giời nói đất đi chăng nữa, bạn vẫn không hiểu, lúc ấy có thể họ kéo bạn chạy ngược chạy xuôi, trông bạn cứ như vương tôn công tử mà họ lại như thằng lái buôn chạy cờ ấy.

Bách Dương phu nhân, vì vết thương ở lưng chưa khỏi hẳn, khi lên đường phải mang theo một tấm mây đan chuyên dụng để dựa lưng. Dùng tấm mây đan ở Ðài Loan đến nửa năm mà chẳng có điều tiếng gì, nhưng khi đến nước Mỹ, nó gây ra bao nhiêu sóng gió. Bất cứ đến đâu, đều có một ông da trắng lo lắng cho tấm lưng của bà, bao giờ họ cũng tưởng tượng nó kêu răng rắc và gẫy đôi bất cứ lúc nào thì phải. Trên máy bay, trên tàu hỏa, bà cứ như khoác long bào trên người, đứng cũng không dám đứng, hơi nhấc mông lên là họ nhún vai cười, đon đả : "Tôi có thể xin được phục vụ bà không ?" Tất nhiên là không thể rồi, bà ấy muốn đi cầu, có ai đi ỉa thay bao giờ ? Bà ta khổ đến nỗi đành phải nhịn, không thì thịnh tình của họ khó từ chối.

Trong quan hệ xã giao của người Trung Quốc, từ trước không sính trò này, mà ngược lại, những người hay giúp đỡ kẻ khác đều được đặt một cái tên hoa lá cành là "những người rách việc". Ngưòi nào mà thấy việc bất bình xẩy ra ngoài đường, dám cả gan rút dao tương trợ, thì lập tức những viên đạn hình dung từ bay vèo vèo đuổi theo găm vào hắn : "Cứ hay nhúng vào chuyện người khác", hành vi cử chỉ "ngược đời", ắt "có ý đồ gì đây". Cho nên, thay vì ở Ðài Bắc, ngay cả bạn mắc chứng thượng thổ hạ tả gục ngay đầu đường, tôi dám đánh cược với bạn là bảo đảm không ai đến dìu bạn đâu.

Còn nhớ năm ngoái, ông Bách Dương vào xem phim ở Ðài Bắc cùng với ông bạn người Mỹ, có ông khán giả tự nhiên sủi bọt mép, từ ghế ngồi ngã vật xuống, hai nhân viên ở rạp chiếu bóng đến khiêng ông ta ra ngoài, không cần phải hỏi, tất nhiên là họ đưa vào bệnh viện rồi. Ai ngờ khi tan rạp, ông tiên sinh nọ vẫn nằm nguyên trên sàn xi-măng bên lối đi cổng phụ, hình như ông ta không phải "con cháu nòi rồng", mà là tù binh vừa tóm được ở bộ lạc man di mọi rợ đâu đây, dòng người ra về ùn ùn như nước, tuyệt nhiên không một người vì thế mà dừng chân, ông bạn Mỹ kinh ngạc vô cùng, than rằng : "Người Trung Quốc với người Niuoóc chẳng khác nhau là bao, vô tình và lạnh lùng quá".

Ông bạn Mỹ của tôi không nói vô tình lạnh nhạt như người Mỹ là chỗ khôn khéo của ông ta, bằng không, lão già Trung Quốc thiết tha yêu nước như tôi đây, có thể cho rằng ông ta ví dụ không đúng, nói năng sọc sía, còn "chia rẽ tình cảm giữa người dân và chính phủ". Sở dĩ ông cố tình nêu ra Niuoóc vì Niuoóc là đại bản doanh của những nhân vật "không mất gốc", nghe nói người nước ngoài chiếm bốn phần năm tổng dân số Niuoóc, đến nỗi hễ nhắc đến Niuoóc là người Mỹ không chịu nhận là thành phố của mình.

Mặc dù vậy, là một người Trung Quốc, đẻ trên đất Trung Quốc, muốn giúp đỡ người Trung Quốc, cũng không phải chuyện dễ dàng. Ông Bách Dương ở trong tập "Ðâm mạnh vào vại tương" đã nói tung vấn đề này, người nào mà không có phẩm chất cao quý, mãi mãi không hiểu được phẩm chất cao quý của người khác, cũng chẳng thể tin rằng người khác có được phẩm chất cao quý đó. Những mũi tên tẩm thuốc độc - "Những người rách việc", "Cứ nhúng vào chuyện người khác", "Hẳn có ý đồ" đã lên cung nỏ từ lâu, chỉ cần đối phương hé ra ý định đòi giúp người khác, thì sẽ bắn ra loạn xạ. Bạn tôi - Dương Hy Phượng, là người lái tăcxi (ông thường xuyên chở hai chúng tôi đi dạo phố). Một buổi chiều mưa, ông chở một phụ nữ ướt như chuột lột, ngồi trên xe vẫn run cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau kêu cách cách, ông Dương động lòng trắc ẩn, vừa vặn bà vợ ông nhờ đi hiệu giặt lấy về bộ quần áo len, ông ta đề nghị : "Tiểu thư, cô có thể thay tạm bộ quần áo ướt ra, đợi khi về đến nhà rồi cô trả cho tôi cũng được." Chị ta nghe thấy nói cởi quần áo, lập tức trợn tròn con mắt, gào lên : "Dê cụ, muốn tôi báo cảnh sát hở ?" Ông tức đến mức phải nguyền rủa chị ta sẽ bị ho lao thối phổi. Còn một ông bạn khác là Lý Thụy Ðằng, giáo viên của Ðại học đường văn hóa Trung Quốc, một lần lên xe buýt, nhìn thấy tay nắm chiếc ô của một phụ nữ (xin lỗi, lại là phụ nữ) bị rơi xuống sàn, suýt nữa bị giẫm nát, ông ta vội nhặt lên, chen chúc mãi mới đến được ghế ngồi phía sau trả cho cô ấy. Ðội ơn Quan Thế Âm Bồ Tát, cô nàng này xem chừng có văn hóa hơn, không chửi "dê cụ", nhưng lại không biết "cám ơn", chỉ giương đôi mắt như cá ươn, nhìn chằm chằm, chẳng nói lấy một lời. Thế là Lý tiên sinh đại thất bại, đến kêu với tôi rằng : "Ông này, ông nói thử xem, người Trung Quốc nhà mình bị làm sao ấy nhỉ ?" Ôi, người Trung Quốc hình như vẫn dừng ở thời đại ăn hang ở lỗ, khoác tấm áo giáp như gai nhím trên mình, chỉ thò ra hai con mắt lạnh lùng, nghi kỵ, tâm thần bất ổn, nhìn thiên hạ bằng con mắt hổ vồ.

Bây giờ trở lại giới thiệu tiếp tấm mây đan của Bách phu nhân, tấm đan ấy thế mà tác dụng lắm, không những khiến các Tây đại nhân hầu hạ mọi chốn mọi nơi, thậm chí gặp cảnh xếp hàng cũng được mọi người nhường lên đằng trước. Nói về chuyện xếp hàng, có thể coi là chiếc nhiệt kế đo nền văn minh bề ngoài của nhân loại. Quan sát trật tự hàng lối của một đất nước, có thể phán đoán trình độ văn minh của họ một cách chuẩn xác. Tôi ở nước Mỹ chỉ hai tháng giời, đã muốn đổi tên Hợp chúng quốc A-me-ri-can thành Xếp hàng quốc A-mê-ri-can, nhưng tóm lại ở nước Mỹ, việc xếp hàng không những quá mức, còn trở thành tai nạn nữa, không thể không tiếc thay cho các bạn da trắng da đen trên hai hàng lối kia, lãng phí bao nhiêu là thời gian trong việc này. Lên máy bay xếp hàng, xuống máy bay xếp hàng, kiểm tra hành lý xếp hàng, xuất trình hộ chiếu xếp hàng, mua tem xếp hàng, gửi thư xếp hàng, nộp tiền, rút tiền xếp hàng, chờ xe buýt xếp hàng, đi vệ sinh xếp hàng, nhưng khiến người ta suốt ruột nhất, là bất cứ cửa hàng ăn nào to hay nhỏ cũng xếp hàng.

Về chuyện xếp hàng, không phải nói khoác đâu, nhưng tôi chẳng đếm xỉa làm gì. Chẳng phải mình tôi đâu, toàn thể người Trung Quốc cũng chẳng ai đếm xỉa làm gì. Nhưng phải phân biệt xếp hàng ở Mỹ và xếp hàng ở Trung Quốc, cả hình thức và nội dung, đều không giống nhau. Nó cũng giống như vạch ngang cho người đi bộ sang đường ở Mỹ và ở Trung Quốc đều không giống nhau. Tóm lại, người Trung Quốc xếp hàng chỉ là một học thuyết, còn người Mỹ xếp hàng lại là một cách sống. Ở Ðài Bắc, xếp hàng chỉ áp dụng được nửa đoạn, mọi ngưòi chờ xe buýt xếp hàng, đang yên đang lành đùng một cái xe đến, là cứ như Mục Quế Anh xông vào trận Thiên Môn, lập tức liểng xiểng gạch ngói, xô trước đẩy sau. Kẻ yên hùng mở đường máu, nhẩy lên chiếm chỗ trước, còn già yếu thương phế binh cứ đâm nháo đâm nhào mãi đằng sau, bươu đầu sứt trán. Trời ơi, thật không biết lúc đầu xếp hàng để làm gì ? Nhằm kiếm một chỗ ngồi, hay sợ không chen được lên xe, đành cho một cái trâu húc mả còn dễ hiểu. Nhưng ngay cả tàu hỏa, ô-tô đã ghi rõ số ghế, mà ghế ngồi thì hàn bằng sắt, chẳng bay mất được cũng chẳng sợ mông người ta cắm đinh, thật sự không hiểu tại sao còn phải tranh cướp nhau ? Còn người Mỹ, hình như đẻ ra số là xếp hàng cả đời, cho nên họ cứ bình tĩnh như không. Hay là Trung Quốc người đông, đến khi xếp hàng thì gáy đằng trước chạm mũi đằng sau, kẻ ôm người đẩy, quần áo người nọ dính chặt người kia, đứa hổn hển, đứa hở cả thịt da, trông xa thân mật như những người bạn chiến đấu. Chỉ Tây đại nhân xếp hàng là uể oải, thưa thớt, gặp lúc có xe qua lại, hoặc đến đầu đường đầu ngõ, họ còn tự động ngắt quãng, trông xa có vẻ thương tâm, nhìn vận nước của họ thế kia mà tự nhiên lâm ly cảm khái.

Ở Niuoóc, một người bạn bảo tôi cùng đến một ngân hàng nổi tiếng chen chúc để rút tiền. Tôi tự nhủ, anh này chắc được nghe nói tôi giỏi võ chen xe buýt ở Ðài Bắc, bèn bảo tôi đem chuông đi đấm nước người, mà bản thân tôi cũng thích diễu võ dương oai. Khi bước vào cửa, thì thấy các quầy xếp thành một hàng thẳng tắp, mỗi quầy chỉ có một khách hàng đứng xì xồ ở đó, bụng đã mừng thầm, nhanh như chớp tôi nhảy phắt vào xếp sau một vị đứng trước quầy, không ngờ ông bạn túm lấy tôi như bắt được thằng ăn cắp, còn chơi chiến thuật khóa họng nữa, lôi xềnh xệch tôi ra ngoài, không những không xin lỗi về hành vi lỗ mãng của ông ta, còn trách móc: "Ông làm gì đấy?" Tôi nói không ra hơi nữa: "Tôi xếp hàng chứ còn làm gì nữa, từ ngày đặt chân đến quý quốc của các ông, làm gì vướng đấy, xếp hàng cũng phạm pháp chắc?" Ông ta nói : "Phạm pháp thì không, phạm quy thì có". Hóa ra trước quầy giao tiền ở ngân hàng, dưới đất có một vạch - giống vạch ở quầy soát hộ chiếu trong nhà ga sân bay, người đến sau đều phải đứng chờ ở dưới vạch đó, chưa đến lượt gọi thì không được vượt ra tùy tiện. Mà ở đó đã xếp đến năm sáu chục người rồi, họ đều phải chờ đến vị khách đứng trước quầy đi khỏi, bàn tay ngọc của ông bà ngồi sau quầy vẫy khẽ, mới được phép nẩy như hạt đỗ, vào trong bổ khuyết. Ôi dào, nước Mỹ thành lập chưa được bao lâu, sao mà lắm quy củ thế, thủ tục lễ nghi thế này, không hiểu có ảnh hưởng đến sĩ khí, lòng dân ?

Thế nhưng, cái đáng sợ còn là, ở mọi cửa hàng cơm lớn nhỏ, cũng phải xếp hàng, điều đó vượt quá xa phạm trù học vấn vĩ đại của tôi, từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa, chưa từng nghe nói vào hàng cơm phải xếp hàng cả. Bách lão lần đầu ăn cơm ở cửa hàng San Francisco, mới bước vào đã bị bà nhà kéo ra. Ô hay, có hàng đâu mà xếp cơ chứ, đương nhiên là sải bước vào trong rồi, lôi lôi kéo kéo gì thế ? Ai mà biết được rằng, dù chẳng có bóng ma nào cũng phải đứng đấy đã, chờ cho cô phục vụ dẫn vào ghế ngồi như dẫn hồn ma ấy. Nếu không có ai đến chỉ dẫn, thì có chết đói ngay tại chỗ cũng không được vượt lôi trì dù nửa bước.

Ấn tượng mạnh mẽ nhất là một đêm ở Thung lũng, vất vả lắm mới tìm được một quán trọ còn mở cửa, quán trọ ấy lại rộng lòng đặc ân, miễn xếp hàng, nhưng khách trọ phải đến đăng ký quý danh tại quầy trực ban trước, sau đó ngồi ngoài cửa chờ người ta gọi. Bà hầu phòng hễ xuất hiện, là trở thành Ðức Mẹ cứu khổ cứu nạn, đại từ đại bi của mọi người. Tất thảy giương đôi mắt như con chiên đang cầu Chúa, lo lắng nhìn về hướng bà ta. Nghe bà ta phun vàng nhả ngọc, truyền gọi mỗ mỗ tiên sinh có thể vào được rồi, cả gia đình lớn bé của ông mỗ mỗ, hô vang như sấm, kêu hét ầm ĩ. Ừ nhỉ, hà tất phải tốn thêm lần thủ tục như vậy!

Ở Ðài Bắc thì không có cảnh này, một lũ ma đói kéo đến hàng cơm, rõ ràng khách đã ngồi kín cả hầm cả hố, vẫn cứ xông vào hang hùm, chọn một bàn đoán là sắp ăn xong vì bát đĩa chổng chơ, cốc tách ngang ngửa, rồi đứng vây kín xung quanh. Khách ngồi ăn dở trên bàn cũng chẳng lạ lẫm gì với thế trận này, mặc cho lũ ma đói giận dữ nhìn chằm chằm vào quý miệng của họ, quý miệng ấy vẫn nhai vẫn nuốt rất từ tốn, thở không bị ngạt, nuốt không bị nấc, mặt không biến sắc. Cuối cùng, chán chê mới chịu rút lui. Lũ ma đói được thăng cấp, trở thành thượng khách. Lại một tốp ma đói khác ào vào, lại vây kín mặt bàn, nhìn ngó tứ phía. Một cảnh chó sói đất Phi châu đang ngoẹo cổ nhìn cá sấu nhai nhồm nhoàm được tái diễn, quả là dễ sợ!

Chuyện đau lòng nhất là nhiều hàng cơm Trung Quốc ở nước Mỹ dần dần cũng nhiễm phải thói xấu thế này, bỏ rơi nền văn hóa "xem ăn" truyền thống của chúng ta. Mọi người đều nói nước Mỹ là một nước tự do, ý kiến của tôi có điều ngược lại, chỉ cần xếp hàng thế thôi, cũng đủ khiến người ta xếp đến phân liệt tinh thần.

Trích từ "Giẫm phải đuôi của hắn"


Rốt cuộc là cái bang gì

Chỉ theo dõi tác nghiệp trên giấy bút, thì Trung Quốc quả là bang lễ nghĩa. Nhưng xét trên hành vi, thì chúng ta lại đi giật lùi về thời hoang dã.

Nguyện vọng lớn nhất của tôi là mong Trung Quốc sớm trở thành một nước lễ nghĩa. Câu nói này nghe ra hơi chối tai, có ông bạn liền khích bác : "Theo ý ông thì Trung Quốc bây giờ là một nước lễ nghĩa giả sao ?" Ông Bách Dương nói : "Ý tôi không phải thế, mà ý tôi là Trung Quốc hiện nay còn chưa đủ tư cách là một nước lễ nghĩa giả, mà là một nước man dại nguyên thủy thật sự". Một câu thế là hết, tôi tiện tay xê chiếc ghế đẩu lót dưới mông ông ấy, may mà ông ấy không ngất xỉu lăn đùng xuống đất, mà chỉ ngồi hổn hển thôi. Tôi nghĩ, sĩ phu yêu nước đến hổn hển như thế, chắc chắn là đếm không xuể, nói thế thì khẩu chứng vô bằng, bây giờ xin các quý ngài chớ có phán đoán trực giác theo kiểu cảm tính, hãy để lão già này dẫn các ngài đi tham quan, tham quan.

Xin mời tham quan tiết mục đầu tiên: Lễ cưới.

Ðến cả ngôi sao màn bạc có số lần ly hôn nhiều nhất, cũng phải thừa nhận, kết hôn là một việc to lớn trong đời người, nếu không thì đã ly nó rồi, tại sao lại kết nó cơ chứ? Tóm lại, kết hôn là một trang nhẩy vọt và đột phá trong lịch trình của cuộc sống. Một trai một gái rời bỏ môi trường xưa nay vốn thân quen, nhảy lên một chiếc thuyền khác, hợp thành một gia đình lấy đôi lứa làm trung tâm, cùng tay chèo tay lái, đưa chiếc thuyền tình vào đại dương vừa xa lạ vừa hứng khởi. Ðó là sự thay đổi quan trọng biết nhường nào, cho nên bất kể nghi thức cổ truyền của Trung Quốc hoặc nghi lễ tôn giáo ngoại nhập từ phương Tây, đều rất trang nghiêm, sự trang nghiêm và sung sướng tràn đầy qua những lời chúc cho cuộc đổi thay này. Cổ xưa quá thì thôi không nhắc nữa, chỉ nói về lễ cưới ở nhà quê trong suốt thập kỷ bốn mươi gần đây, đều rất long trọng, chú rể thân chinh đến tận nhà gái xin đón dâu, hoặc ngồi xe hoặc ngồi kiệu, về đến nhà trai, một lạy giời đất, cảm ơn sự an bài đôi lứa của tạo hóa, hai lạy cao đường, cảm ơn ân đức nuôi dưỡng của mẹ cha, ba là, cô dâu chú rể cúi lạy nhau. Ba lần quỳ lạy rồi mới thành vợ chồng. Lễ cưới ở trong nhà thờ đạo cũng mang ý nghĩa tương tự, chú rể đứng trước bục thánh, cùng với tiếng nhạc đệm trang nghiêm, cô dâu khoác tay người cha hoặc người anh của mình từ từ bước ra, đến trước thánh đường, người cha trao con gái, người anh trao em cho chú rể, sau đó mục sư hoặc cha cố, nhân danh Chúa, Thượng đế, tuyên bố họ đã kết hợp thành một.

Rồi thì, không biết bắt đầu từ khi nào, có lẽ một thời gian sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, người Trung Quốc chê bai tục cúi lạy cũ kỹ, rồi lại chê bai lễ cưới nhà thờ kiểu cách Tây, bèn phát minh ra kiểu "văn minh kết hôn" tứ bất tượng (chẳng biết giống thứ gì - dịch giả), mà đến bây giờ vẫn thịnh hành. Lễ cưới chẳng ra lễ cưới mà thành ra phường chèo. Lễ đường không ra lễ đường mà thành ra lễ hội. Khách khứa đến chúc mừng đám cưới thì ít, đến như trẩy hội thì nhiều. Họ chạy tới chạy lui để kiếm bạn, trong mắt họ thật ra không hề có lễ cưới, chỉ là gặp gỡ xã giao. Tóm gọn lại là mọi người tuy ở cùng một thành phố, nhưng thường hai ba năm, bốn năm năm, không gặp nhau một lần, chỉ còn cách biến phòng cưới thành cao lâu nhà hàng. Cho nên, chi chi chô chô, ầm ào sôi nổi, người thì hẹn xong tiệc cưới ở lại chơi vài ván mà chược, người thì hẹn mấy hôm nữa sẽ tổ chức gặp lại nhau, rồi kể lể quãng ngày xa cách, rồi hỏi han tin tức, rồi cảm thán nuối tiếc thời son trẻ, lôi cả chuyện ra chê trách ông Hai, bà Ba, chú Tư, cô Năm... là chuyện thường tình. Ông chủ hôn thì đầy bụng luân thường đạo lý, gào khản cả tiếng ở trên bục, không một người nào trên thế giới này nghe thấy ông nói gì, đến cả ông ta cũng không nghe thấy tiếng gào của mình. Còn người giới thiệu chương trình, thường là nhổ củ hành tại chỗ, nước đến chân mới nhảy, đã không biết cô dâu họ tên gì, cũng chẳng biết công việc của cô đang đảm nhiệm thánh thiện đến mức nào, thỉnh thoảng trà trộn vai diễn, lôi chuyện động phòng của người ta ra trước quan viên hai họ, lời vang vọt tuôn ra nhảm nhí, thô thiển hạ lưu đến mức ngài biên tập tờ báo Hoa hoa công tử (Playboy) của Mỹ, cũng không chịu nổi phải báo cảnh sát. Hề già hề trẻ, va bên nọ đụng bên kia, nói là cái chợ còn phúc đức đấy, đúng là nơi người dại để truồng, người khôn xấu hổ.

Xin mời tham quan tiết mục thứ hai: Lễ tang.

Việc chết, so với cưới xin trong đời người, còn trọng đại hơn nhiều, một người có thể cưới rất nhiều lần, nhưng chết thì chỉ được một lần thôi, đó là chấm dứt của đời người, chấm dứt vĩnh viễn. Bỏ lại thành quả cả đời phấn đấu vất vả, và người thân yêu dấu, xuôi tay về cõi cực lạc. Nhà tang lễ là trạm cuối cùng cuộc hành trình cuả con người đó. Bước qua trạm cuối, là mãi mãi ở lại trong nhà mồ. Không khí tang lễ, không chỉ nghiêm trang, mà còn vô vàn bi ai. Cổ nhân nói : Ðiếu giả đại duyệt (người viếng rất mừng - dịch giả) là nói mừng cho tang lễ tổ chức đúng phép tắc lệ bộ, chứ không có ý mừng cho người chết, chết được ổn, chết được may. Nhưng bây giờ, các đám tang thường có hiện tượng thế này, khách viếng bước vào nhà, là vào ngay thắp hương vái lạy trước bài vị linh cữu, người nhà quỳ bên linh cữu khấu đầu lễ tạ, có lúc bật ra tiếng khóc thương xót, nhất là mẹ già con dại, bà góa con côi, tiếng kêu khóc càng đau lòng đứt ruột. Nhưng tiếng khóc còn chưa dứt, khách viếng kia vừa xoay người, y đã lao ra như mũi tên, nhẩy ngay đến trước mặt một người khách khác, reo lên mừng rỡ: "Ái dà, lão Bách đấy hở, lâu lắm chẳng trông thấy đâu cả, mặt mũi phương phi như tỷ phú ấy, quên bạn rồi hả." Ông Bách Dương kia cũng vẻ phấn khởi: "Tôi cũng đang tìm ông đây, nhưng mẹ nó, cứ bị những tờ thiếp trắng thiếp đỏ nó bám đến nhức cả đầu, đi, ta tìm một chỗ để đánh chén". Vừa ra đến cửa, lại gặp cái của này tiến vào, hai con động vật máu lạnh kia lập tức cất mông chào: "Dạ, chào bộ trưởng, bộ trưởng vẫn khỏe chứ ạ". Bộ trưởng đại nhân ắt là gật đầu mỉm cười, bắt tay thả bước, hai con động vật máu lạnh kia không buồn đi nữa, bám đuôi đon đả, những người khác cũng ồ vào theo, thế là nhà quàn trở thành câu lạc bộ xã giao. Kỳ thực mà nói, kể cả không có cái của này giá lâm, đám tang cũng chỉ là bản sao của đám cưới, không mấy khách đến viếng mang lòng thương tiếc xót xa, hầu hết cũng là đến để xem hội hè. Thế là cảnh quay ở đám cưới lại được tua lại trong đám tang: chi chi chô chô, ầm ào sôi nổi, người thì hẹn xong đám rước ở lại chơi vài ván mà chược, người thì hẹn mấy hôm nữa sẽ tổ chức gặp lại nhau, rồi kể lể quãng ngày xa cách, rồi hỏi han tin tức, rồi cảm thán nuối tiếc thời son trẻ, lôi cả chuyện ra chê trách ông Hai, bà Ba, chú Tư, cô Năm... là chuyện thường tình. Bà góa con côi đập đầu kêu khóc, gào khản cả tiếng bên linh cữu, không một người nào trên thế giới này nghe thấy tiếng khóc của họ, đến bản thân họ cũng không nghe thấy tiếng khóc của mình. Sự thật, nhà tang lễ đã trở thành phòng giao dịch, rồi tự nhiên gặp bạn gặp bè. Gặp bạn gặp bè rồi tự nhiên đất khách gặp cố tri, rồi tự nhiên tay bắt mặt mừng... Tây đại nhân hay công kích người Trung Quốc lạnh lùng vô cảm, giận quá mất khôn lắm cũng chỉ nổi cơn hen suyễn hổn hển mà thôi. Than ôi, mảnh đất nhà tang lễ, mảnh đất thương tâm của bà góa con côi, mảnh đất đau lòng của ông trời đó!

Xin tham quan tiết mục thứ ba: Nhà hàng.

Nhà hàng là nơi lễ nghĩa Trung Hoa phát triển sum suê nhất, cũng có thể nói, tất cả tinh hoa của lễ nghĩa chi bang tập trung trong "hai trận chiến" ở nhà hàng như thế này. Trận đầu tiên là "lảng tránh chỗ ngồi", kẻ có đủ tư cách ngồi vào ghế số một là thượng khách, đa số thuộc các bậc có địa vị, có nhiều tiền. Nhưng trên ghế có con rắn phục ở đó hay sao mà hắn ta thề không chịu ngồi vào, thế là gia chủ và đủ các mặt người xúm vào lôi, xúm vào đẩy, xúm vào hò lơ hắn. Hắn ta miệng thì sùi bọt, nhưng chết cũng không chịu ngồi. Nhưng có người lại hết sức nhanh nhảu, chơi kiểu "mạnh ai đặt đít trước là được", đặt đít ngồi xuống rồi la lên: "Ghế số một đây rồi." Cũng có người sau cuộc đùn đẩy, ngồi xuống ra vẻ muôn chiều oan ức. Chờ khi ghế số một sắp xếp xong, ghế số hai, số ba, số bốn, ghế nào cũng phải một trận náo động thiên cung hơn mười phút hay mười phút hơn, thì bụi bặm mới chịu lắng xuống.

Trong bữa tiệc, anh chuốc rượu, tôi chuốc thức ăn, lại một trận hỗn chiến xẩy ra, khiến người ta mệt muốn chết, nhưng chuyện đó không kể ở đây. Chỉ kể chuyện tàn cuộc hết vở thì nổ ra cuộc chiến thứ hai, đó là trận "lảng tránh ra cửa", tất cả đứng chen ở cửa như đàn chim cánh cụt, những tưởng bên ngoài bậu cửa là một cái bẫy khôn lường, chỉ bước ra khỏi một bước thôi, thì lập tức sập xuống làm mồi cho chó sói. Bởi vậy ông không chịu ra tôi cũng không chịu ra, cả hắn ta ngồi ghế số một nữa, cũng cầm chắc chủ ý quyết không tiến thêm một bước. Thế là lại một trận náo loạn thiên đình xẩy ra, cuối cùng hắn ta đang giẫy thì bị một cái hất ra ngoài. Kẻ nào suy nhược già yếu đứng không vững mà bị hất ra ngoài như thế khéo quý mồm phải cắn đất gặm cỏ!

Trên đây, những chuyện tôi kể chẳng qua là những thứ ra tấm ra miếng, còn những thứ vặt vãnh, kể ra cũng chưa hẳn là không gây kinh hoàng cho các quý ngài đâu!

Trích từ tập "Con sâu dậy sớm"


Tầm nhìn bằng hạt đỗ

Mọi người đều nói Trung Quốc có năm nghìn năm văn hóa. Vâng, thì đúng là có năm nghìn năm văn hóa, nhưng tất cả vinh quang đều đã thuộc về quá khứ, đúng như vị danh tướng nước Ðức Luđentô sau khi đọc Tôn tử binh pháp nói: "Tôi khâm phục người Trung Quốc, nhưng tôi khâm phục người Trung Quốc cổ đại, không khâm phục người Trung Quốc hiện đại".

Lại nói ông Lutsige, quốc vụ khanh nước Mỹ quyết định không đến Ðài Bắc nữa, đối với lời mời hau háu của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, cách từ chối uyển chuyển không chê vào đâu được, nhưng sự thực của cái không muốn đến thì hùng hồn vô cùng. Ðiều đó khiến người ta liên tưởng đến một câu chuyện trước đây... Năm ấy ngài Kennơđi mới nhậm chức tổng thống, đi chu du khắp thiên hạ, ông Lutsige ngày ấy chỉ là một tiểu dân không mấy thân thiện với Dân Quốc chúng ta, tiểu dân mà dám bàn đến việc nước đã là chuyện hoang đường rồi, nhưng còn hoang đường hơn là ông ta dám viết thư cho một ông ủy viên lập pháp tại Ðài Bắc, yêu cầu sang thăm phỏng vấn Ðài Bắc, đúng là không biết điều. Ông ủy viên lập pháp nọ đưa bức thư sang bộ ngoại giao, sau đó có thật người ta cười rụng cả răng hay không, chúng ta không được biết, nhưng kết quả biết chắc là, nếu như đối với anh nào nói ngược cũng tỏ ra hoan nghênh thì chẳng phải tất cả đều nói ngược ? Cái ý mà ta đoán vậy, tất nhiên không lời giải đáp. Ai tưởng tượng được thời thế xoay vần, một ngày ngài Lutsige được bầu làm quốc vụ khanh, các quan lại của Trung Hoa Dân Quốc, không thể không cung trước kính sau, không biết có nên liệt vào một nét đẹp của văn hóa truyền thống?

Cho nên, người ta lại liên tưởng đến một câu chuyện khác, mười năm vế trước, ông Ngô Ðình Diệm với danh nghĩa thường dân đi qua Ðài Bắc về Việt Nam, ông Trương Quân Lệ có viết một lá thư gửi một vị cấp cao nhà nước, cho biết ông Ngô có khả năng nắm chính quyền ở Việt Nam, để đặt nền móng cho quan hệ hợp tác sau này, ông đề nghị chính phủ nên mở tiệc tiếp đãi. Song kết quả còn thê thảm hơn ông Lut-si-ge. Một là, mở tiệc chiêu đãi không có vấn đề gì, nhưng chẳng may tương lai của ông Ngô không sáng sủa thì chúng ta quan hệ với loại người này còn ra cái thể thống gì ? Hai là, dựa vào bức thư của một thường dân không có chức vụ gì, nếu tiếp đãi thịnh soạn, chẳng phải đi đề cao địa vị đối ngoại của anh thường dân này sao ? Do vậy, ông Ngô Ðình Diệm một mình một bóng ngồi lại trong sân bay Tùng Sơn, chờ cho hết giờ trung chuyển, không có một ma nào đến hỏi thăm ông cả.

Giờ đây, những con mắt vụ lợi chỉ còn cách cầu xin ảo giác của mình, hy vọng rằng các ông lớn đều có được một đức hạnh không thù dai. Các ông lớn không thù dai ư ? Có những ông lớn cố nhiên là rộng lòng cao thượng, nhưng cũng có ông không mấy dễ quên tình cũ nghĩa xưa. Sau này, ông Trương Quân Lệ sang Việt Nam giảng dạy, Việt Nam tiếp đãi ông bằng quốc lễ long trọng (nước ngoài thiết lễ đãi ngộ học giả Trung Quốc như vậy, trăm năm nay mới là lần đầu, là vinh hạnh lớn cho đất nước, nhưng báo chí Ðài Loan không nhắc đến một lời. Than ôi!).

Ðại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc vì tình thế bắt buộc, không thể không mở tiệc tiếp xúc sứ giả các nước và một số nhân vật danh tiếng, họ đến rất đông, chỉ trừ có hai người không dự, một người là tổng thống Ngô Ðình Diệm, một người là ông Trương Quân Lệ, làm cho bữa tiệc lấn cấn mãi. Ðó còn chưa kể, nghe đâu Tổng thống Ngô ra lệnh xóa bỏ quốc tịch người Hoa là có yếu tố tình cảm riêng tây ở trong đó, ảnh hưởng ấy mới lớn làm sao!

Không cần bê nguyên học thuyết Khổng Mạnh ra lần nữa để chứng minh người Trung Quốc hiếu khách như thế nào, đối nhân xử thế ra làm sao. Bài ca ấy đã tuyệt chủng lâu rồi, nó và hành động tư tưởng của người hôm nay hoàn toàn là hai chuyện khác hẳn. Các quan viên còn hơn thế, mải xoay sở kiếm chác đến mức hiện thực như thế, nông nổi như thế, đối với người không tiền của, không quyền thế đều không coi ra gì, đợi đến khi coi ra gì rồi thì không kịp nữa. Lutsige đi qua mà không vào, trách thế nào được ông ta.

Trích từ tập "Con lợn hay"

© 2003 talawas