© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.3.2003
Bách Dương
Người Trung Quốc xấu xa
Nữ Lang Trung dịch theo bản của Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, Trung Quốc, 1987
Nữ Lang Trung dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Loại nhân vật khủng long

Nhảy ra khỏi cái bóng của mình, có lẽ là việc quan trọng bậc nhất của người Trung Quốc.

Triệu Ninh bạn tôi từng phát biểu ở chuyên mục của ông ta rằng đa số người Trung Quốc đều sống trong cái bóng của mình. Rõ ràng chỉ là một con mèo, bỗng thấy cái bóng to lớn thế, thì tưởng mình là một con hùm vậy. Ra là ông Triệu có đôi mắt sáng như ánh đuốc thật đấy, nhưng Bách lão vẫn phải bổ sung. Nếu chỉ tưởng mình là con hùm, là vì cái bóng còn đang giữa trưa, giá mà cái bóng vào lúc mặt trời xế tây, thì không chỉ là con hùm, mà hắn tưởng mình là khủng long chứ lị. Một cái hắt hơi thôi, quả đất phải rung chuyển cơ đấy. Loại nhân vật khủng long này, hang hốc nào cũng thấy. Trên đường cái, vào cửa hàng, lên công sở, bất cứ ngành nghề, ngóc ngách nào cũng đụng phải. Ðụng nặng thì mạng toi chín suối, va nhẹ thì đau thắt bọng đái, mót đi suốt cả ngày.

Mười hai năm trước, ở Ðài Bắc chiếu bộ phim của Holywood (Mang tên Chiếc cốc thánh thì phải, không nhớ lắm). Ðoạn phim tuyệt vời nhất là màn biểu diễn người bay của một gã giang hồ. Gã ta sẵn có một bộ thiết bị tinh vi là một đôi cánh làm bằng chất kim loại nhẹ, cứng cáp, buộc vào hai vai là có thể như con chim, liệng bay trên không trung. Ðến khi gã lên khán đài, trước lời giới thiệu long trọng của nhà vua và tiếng tung hô như sấm vang của một biển người đen ngòm ở dưới, bỗng nhiên cái đuôi của hắn nở ra, không nghĩ gì đến đôi cánh nữa. Gã lao thẳng đến chân tháp, và trèo một mạch lên đỉnh. Cô vợ xinh đẹp của gã quá sợ hãi, vừa chạy theo vừa van vỉ, cho gã biết không thể bỏ đôi cánh như thế. Gã lãng tử này không những không nghe lời khuyên can của vợ, còn nghĩ rằng nàng phản mình, làm bẽ mặt mình, không chịu nổi, liền lấy chân đạp mạnh lên bàn tay ngọc ngà của nàng đang bám lên theo, suýt nữa nàng ngã lộn xuống chân tháp. Song cô nàng vẫn không nỡ bỏ mặc, vẫn theo lên tận cùng, gã lãng tử đóng sầm nắp đỉnh tháp lại, cô vợ đành ôm mặt nức nở ở dưới. Tiếp theo là cảnh tượng anh chàng sừng sững trên chót vót, sự cuồng nhiệt của dân chúng như trời long đất lở, càng làm cho chàng lòng tin như thiêu như cháy, dang rộng hai cánh tay, vác mặt lên trời, dõng dạc tuyên bố : "Không có đôi cánh, vẫn bay..." Thế rồi, dáng vẻ thật hấp hẫn, cao vút từ trên trời rơi độp xuống đất, nát như tương.

Hậu quả nát như tương ấy lại khốn khổ sang vợ, từ nhà vua đến khán giả đều cho rằng bị gã lừa gạt, tiết mục nhẩy tự tử ấy ai mà không làm được, có gì mà xem. Họ ầm ỹ lên suýt nữa thành cuộc bạo loạn, ông vua bắt buộc ra lệnh cho cô vợ phải thay chồng tiếp tục bay. Ðương nhiên là không biết bay, nhưng đứng trước họng súng, nàng đành phải gạt nước mắt trèo lên tháp, và thân nàng cũng lại nát như tương, trả giá cho sự ngông ngạo của chồng.

Ðó vẫn là câu chuyện của ngày xưa, còn thực tế gần đây nhất là: tháng hai năm nay (1980), một máy bay Hãng hàng không Trung Hoa khi hạ cánh xuống Manila, trưởng tổ lái Ngô Z, cũng lặp lại một pha diễn ngông cuồng kiểu như vậy. Ông Văn Kiến Tư có viết trên tờ Trung ương nhật báo của Ðài Bắc rằng : "Tay nghề không cao nhưng to gan", e rằng khách quan quá. Nhìn từ góc độ chủ quan, ông Ngô đã đạt tới giai đoạn của gã giang hồ nọ rồi đó, cho rằng có cánh và không có cánh chẳng khác gì nhau, chỉ cần có lòng tin kiên định, tức là có võ công cao cường rồi. Ông ta đã sớm phát hiện độ cao không ổn trước lúc hạ cánh, nhưng tính sĩ diện đã ngăn cản ông làm lại từ đầu. Mà lại còn rú ga, thả lá cánh và giá đỡ, sử dụng phanh giảm tốc nữa, khiến tốc độ hạ cánh tăng nhanh. Khi gần tới cuối đường băng, xu thế hạ cánh không hãm được nữa, bánh xe đằng mũi và hai bánh xe chính, ba điểm đó đồng thời chạm mặt đất. Một tiếng nổ gẫy cánh, máy bay bốc cháy. Chết bỏng ba hành khách, trọng thương ba mươi chín người. Tinh kiêu ngạo hão của một mình ông Ngô dẫn đến việc hơn bốn mươi người lâm nạn. So với gã giang hồ kia (chỉ đi đời có hai vợ chồng) thì giá trị hơn nhiều.

Một tháng sau cuộc biểu diễn của ông Ngô, tay lái lão làng Hứa Vạn Chi cũng có một cuộc trình diễn. Ông ta lái ô-tô du lịch, trên xe chở đầy sinh viên khoá tốt nghiệp trường đại học sư phạm Ðài Loan năm ấy. Dọc đường, cô hướng dẫn giới thiệu ông Hứa là lái xe bậc nhất của công ty. Hứa công bụng rồng khoái chí, và để chứng tỏ mình đích thị không giống mọi người, ông buông bánh lái, giữa lúc xe lăn bánh trên sườn núi hiểm trở. Ông chắp hai tay giơ cao, vừa ra hiệu cám ơn lời tuyên dương của cô hướng dẫn, vừa ra điều khoe tay lái lụa của mình điêu luyện tới mức thần kỳ, khỏi cần vô-lăng xe vẫn bon bon trên dặm đường. Trong giây phút ông ta nắm hai bàn tay, cả đoàn người trên xe thắt tim lại, có người kêu lên. Nhưng Hứa công ta vẫn bình chân như vại, còn đằng hắng bằng mũi mấy tiếng để tỏ ý dẹp mấy đứa phát ra tiếng kêu nhút nhát kia (có dùng chân đạp mấy cậu hành khách như gã giang hồ đạp tay vợ hay không, trên báo không thấy đăng, chớ có đoán mò), nếu thế thì tổn thương đến lòng tự trọng của ông ta quá. Khi đến gần núi Lê, đâm phải rồi lại đâm trái, cuối cùng đâm cả xe xuống vực thẳm, mười bẩy cậu sinh viên tử nạn.

Nhưng nói kiểu gì đi nữa, ông Hứa Vạn Chi vẫn là tay lái loại hai. Ông ta không giống ông Ngô Z, tính kiêu hão của ông Ngô chỉ mất mạng người khác. Mà tính kiêu hão của ông Hứa lại bị vùi chôn bằng chính mạng của mình.

Mấy sự kiện oanh liện kể trên, lão Bách Dương không tham trận, chỉ có một lần, lão lại trở thành nhân vật chính. Ðó là lão tôi nhờ ông Ngô Cơ Phúc chữa bệnh mắt cho, mấy tháng đầu ngày nào cũng phải tiêm vào tĩnh mạch. Tôi thấy ngại khi mỗi ngày phải đi đi về về tám trăm cây số, tới tiêm thuốc ở Cao Sung. Tôi đành đem thuốc tiêm về Ðài Bắc, tìm một phòng khám tư ở gần Bách phủ, hàng ngày đến để cho người ta đâm chích. Cô y tá ở phòng khám trông ngon lành lắm, để một ả ngon lành như thế cầm nắn tay loạn cả lên, cũng thấy cam lòng. Nhưng công lực của cô nàng này cũng ngang hàng với ông Hứa Vạn Chi, đều là bậc cao thủ cả. Hứa tiên sinh có thể không cần vô-lăng mà lái xe, y tá tiểu thư này có thể không cần để mắt mà tiêm chích. Cô ta cứ vừa tiêm vừa chuyện trò với bạn trai rôm rả, chuyện đến đoạn hứng chí còn khanh khách, khanh khách, gập đằng trước ngả đằng sau. Tôi khẩn khoản: "Cô ơi, xin nhìn vào đây hộ tôi, không phải trò chơi đâu". Dung nhan cô ta giống như tấm rèm cửa sổ, soạt một cái kéo tụt xuống khó chịu: "Qu...an trọng ! Nhắm mắt tôi cũng tiêm được". Tự nhiên bị một cú đau điếng, tôi kêu giời kêu đất lên, cô nói : "Tôi làm nghề tiêm cũng đã chục năm nay, chưa bị sai sót bao giờ, cái ông già này, cứ như trẻ con ấy, đến là khó chiều". Về đến nhà, bầm tím một mảng cánh tay trái. Ngày hôm sau đến chỉ cho cô ta xem, cô ta nói: "Không sao, không sao, dùng khăn mặt nóng chườm một cái hết ngay đấy mà". Ðành đổi tiêm sang tay phải, về đến nhà, cánh tay phải chết tiệt kia cũng thâm tím thành tảng. Một tháng ròng rã, cô ta không ngớt cười tươi hớn hở, trong khi lão gia tôi, hai cánh tay thành hai khúc than hoa.

Chỉ do kiêu ngạo hão của một cô gái thôi, mà Bách Dương tiên sinh đây phải thay cô ta chuộc tội. May cho tôi, tiêm loại thuốc không phải độc dược như 606 đấy, nếu là 606 thì ngay lúc ấy đã lăn lên lộn xuống, bò lê bò toài dưới chân cô ấy rồi.

Nhân vật kiểu khủng long có đặc trưng lớn nhất là sống trong cái bóng xế chiều đó. Biết rõ rằng mặt trời sắp lặn rồi, cái bóng sắp mất rồi, nhưng vẫn cảm tưởng mọi thứ đều vĩnh hằng. Chỉ cần ngồi lên máy bay, lượn một lúc, thì cứ tưởng mình có thể cho máy bay lên ngay xuống ngay được. Chỉ cần bẻ lái một lúc trên ô-tô, là cứ tưởng rằng có thể hai tay xuôi ngược, lượn lách đông tây. Chỉ cần làm mấy năm y tá, là tưởng có thể nhắm mắt mà chọc đúng tĩnh mạch.

Cho nên, chỉ cần có chút tiền bạc, là những tưởng mình quảng đại thần thông, tất cả mọi người đều phải bái phục. Chỉ cần trong tay có được chút quyền hành, là gườm gườm như mắt hổ, chỉ chực để cho thiên hạ nếm trải các miếng võ của mình. Chỉ cần xuất bản hai cuốn sách, là trở thành đại văn hào, cả thế giới phải tung hô. Chỉ cần được làm chủ quản, bất cứ quản người loại một, hai, ba, hay người loại bốn, năm, sáu, là trình độ năng lực của mình sẽ được dâng cao như thủy triều, những tay kém chức vụ, đều trở thành cột sống của Trư Bát Giới - vô tích sự hết. Chỉ cần kiếm được một cái học vị, không cần biết học vị ếch nhái hay học vị chấy rận gì, là cứ tưởng có thể ra oai cả với bọn đồng tính luyến ái. Chỉ cần biết vài câu tiếng Anh, nếu trong khi chuyện trò không kẹp vào mấy chữ, là lỗ đít khéo bị bục ra khói um. Chỉ cần quen biết mấy ông Tây đại nhân thôi, thì còn nguy to nữa, bất cứ lúc nào cũng có thể đem chiêu bài ra lắc lư.
...
Trung Quốc có năm nghìn năm lịch sử và đất đai mênh mông, người Trung Quốc lẽ ra nhìn xa trông rộng, hiểu biết thâm sâu, tấm lòng nồng hậu khí khái. Tại sao lại có nhiều nhân vật loại khủng long lượn ra lượn vào, như là đến dự hội thi khủng long vậy. Hoàn toàn đối nghịch với nền văn hoá thâm sâu của chúng ta, sự thật càng nghĩ càng khó hiểu. Dương dương tự đắc, khoa trương nông cạn, suốt ngày say xỉn trong cái bóng của mình, làm cho người ta chán, người ta sợ, bản thân không hấp thụ được cái mới, thì làm sao tiến bộ, tiến xa được. Ðại đa số người đều như thế, Trung Quốc nguy rồi.

Dễ thường một trăm năm nay, người Trung Quốc chạy theo hai cực đoan. Không chán nản tự ti, thì kiêu ngạo mù quáng, không mấy khi biết được tự trọng. Ôi, nhảy ra khỏi cái bóng, chớ làm khủng long, bài trừ kiêu hão, là công việc quan trọng bậc nhất của người Trung Quốc hiện nay.

Trích từ "Con sâu dậy sớm"


Sùng Tây nhưng không xiểm ngoại

Bảng phong thần là Iliát của Trung Quốc, toàn miêu tả thần tiên yêu quái thần thông biến hoá như mây như gió, câu chuyện rút cuộc vẫn là chính thắng tà, nhưng quá trình huyết chiến của hai bên thì đủ các võ nghệ, thuật phép, oai phong lẫm liệt. Các bậc trong Bảng phong thần lợi hại hơn cả vẫn là Ân Giao tiên sinh, miếng võ "phiên thiên ấn" của ông vẫn là bảo bối kỳ khu bậc nhất dười gầm trời. Chỉ cần miệng khấn ra câu ra cú, hét một tiếng "hịch" thì báu vật kia được phóng lên trời, lộn một phát giáng xuống đất, khỏi bàn đến xương thịt con người, ngay cả núi Himalaya cũng bị bổ đôi. Ðấy còn chưa đáng gọi là ngoạn mục, ngoạn mục là đem cả bảo bối này truyền cho sư phụ - Quảng Thành Tử cũng không ăn thua, một khi Ân Giao giở mặt, khấn trò bảo bối này thì lập tức sư phụ cũng bỏ chạy vãi cả linh hồn.

Bách Dương giờ này được cung sao tốt chiếu rọi, nhưng bất chợt cũng gặp phải bảo bối lợi hại này, song thời đại đã đổi khác, bây giờ người ta không gọi "phiên thiên ấn" nữa, mà thay tên đổi họ, chuyển nghề tu luyện, gọi tên "sùng tây xiểm ngoại" (sùng bái phương tây xiểm nịnh nước ngoài - dịch giả). Câu sùng tây xiểm ngoại này mà được ngài Ân Giao thời hiện đại này oang oang khấn khứa thì còn lôi đình hơn cả "phiên thiên ấn" ba nghìn năm về trước.

Lần gặp mặt ở Lốtx Angiơletx, tôi đang đầu đội cối đá, đang diễn xướng hăng say, đột nhiên có ông thính giả đưa lên một mảnh giấy có ghi: "Ông nội ơi, không ngờ ông sùng tây xiểm ngoại đến thế này, ông cho rằng nước Mỹ tất cả đều tốt đẹp, nhưng nước Mỹ hoàn toàn không tốt đẹp như ông tưởng đâu". Thời báo Hoa Nam ở Lốtx Angiơletx đăng một bài văn của ông Ðạc Dân, trong có đoạn viết: "Quan niệm sùng tây xiểm ngoại, phải được phê phán kịch liệt. Ông Bách Dương cũng giống như một số ông già Trung Quốc mới chân ướt chân ráo đến nước Mỹ, bị mất phương hướng trong cái tốt đẹp bề mặt của xã hội Mỹ, đầu tiên thì tự thấy mình dơ dáy xấu hổ, sau đó tự mạt sát mình. Giả dụ họ được ở lại dăm ba năm, tin rằng cảm quan sẽ không như thế này".

Trùm bảo bối "Sùng tây xiểm ngoại" này, sau "Chiến tranh Nha phiến" khoảng thập kỷ bốn mươi, mới luyện thành chính quả chuyên để hại người. Nội dung vật báu này có thể lấy tiếng gầm rú của ông bạn già này làm tiêu biểu : "Cái lũ sùng tây xiểm ngoại chúng mày (thế là còn khách khí đấy, có lúc còn gọi thẳng là Hán gian, Bồi tây, Quân bán nước), nói xa nói gần chung quy chỉ một câu, bất cứ cái gì của Mỹ cũng tốt chứ gì ? Nếu nói khoa học công nghệ của Mỹ tốt, còn nghe được, nói cả văn hoá nước Mỹ cũng tốt hơn ta thì tôi không phục tí nào, chẳng lẽ ngay cả việc ứng xử làm người cũng phải học Mỹ chăng ?" - Gầm gào không chỉ mỗi ông bạn già này, mà rất nhiều ông già, thực tế còn rất nhiều ông trẻ nữa, cũng gầm lên như vậy, làm cho lão Bách tăng vọt huyết áp.

Ở đây, có người nghiễm nhiên dùng nước bọt dính kết vào hai vấn đề khác hẳn nhau, hai hành vi không hề có mối liên hệ nhân quả, và cũng không thông qua bộ óc nữa, đúng là nhân viên kỹ thuật bậc cao ! "Sùng tây" và "xiểm ngoại" xa nhau những mười vạn tám ngàn dặm, tựa như gió, ngựa, bò không thể gán ghép, mà đã gán ghép, dính kết cứng nhắc như vậy, lại động tí là bới nó ra để đấu tố, thì tai hoạ ắt chẳng còn xa xôi nữa. Nhưng chịu tổn hại không phải lớp người "sùng tây xiểm ngoại" bị mắng mỏ kia, mà là nhân dân của chúng ta, vì sợ mang tội "xiểm nịnh nước ngoài" nên không dám "sùng bái phương Tây" nữa.

Ý của Bách lão không có nghĩa là loại người sùng tây xiểm ngoại tuyệt nhiên không có, loài động vật này nhiều đến mức cần bao nhiêu sọt là có bấy nhiêu sọt. Chỉ muốn nói rằng, còn rất nhiều người khác nữa, họ đúng là sùng tây, nhưng không siểm ngoại chút nào. Tại hội trường Lốtx Angiơletx, lúc tôi hăng máu quá, quên mất tư cách khách mời của mình, quệt vào mặt một cái lộ hết cả chân tướng, tra khảo luôn các vị thân sĩ thục nữ ngay trong hội trường : tại sao các vị không đến gặp lão già này bằng xe một bánh mà lại bằng xe ô-tô ? Lái ô tô tức là sùng Tây rồi. Tại sao không bện tóc đuôi sam, không búi tó lên đỉnh đầu mà lại gạt tóc thành bên phải bên trái như kiểu này ? Rẽ tóc kiểu bên trái bên phải tức là sùng Tây rồi. Tại sao chư vị nữ sĩ không bó gót sen ba tấc, khi đi cứ vẹo bên này vẹo bên nọ, mà bàn chân ngọc ngà lại đi giầy cao gót ? Ði giầy cao gót tức là sùng Tây rồi. Tại sao đàn ông không mặc áo dài khoác yếm ngựa, hoặc cổ hơn nữa, mặc kiểu áo rộng, tay thùng thình như trong vở kinh kịch ấy, mà lại vận com-lê ? Vận com-lê tức là sùng Tây rồi. Tại sao không hút ống điếu nước, ống điếu khô, mà lại hút thuốc cuộn giấy, xì gà ? Hút thuốc cuộn giấy, xì gà tức là sùng Tây rồi. Tại sao nấu cơm không đun bằng than, củi, rơm rạ, bò xuống thổi lửa, mà dùng lò điện bếp ga ? Dùng lò điện bếp ga tức là sùng Tây rồi. Tại sao không nằm bục đất, mà nằm giường gỗ, giường lò xo? Giường gỗ, giường lò xo tức là sùng Tây rồi. Tại sao gặp thủ trưởng không gục đầu xuống đất cốc một cái để cúi lạy, mà chỉ bắt tay nói "chào" ? Bắt tay nói "chào" tức là sùng Tây rồi. Tại sao không đốt dầu lạc, dầu đỗ cho sáng, khêu bấc để đọc sách đêm, mà dùng đèn điện ? Dùng đèn điện là sùng Tây rồi. Tại sao gửi thư không nhờ bạn bè tiện đường đưa giúp, mà lại dán con tem rồi quẳng vào thùng kín ? Dán tem quẳng thùng thư tức là sùng Tây rồi. Tại sao không xem múa rối bóng (hình bóng của các con rối trổ bằng da thuộc - dịch giả) mà lại xem phim điện ảnh ? Xem điện ảnh tức là sùng Tây rồi. Tại sao không kéo dài cổ họng để gào thật xa, mà lại bấm điện thoại ? Bấm điện thoại tức là sùng Tây rồi. Nhưng, tôi không tin các vị nữ sĩ thân sĩ xiểm ngoại !

Về nước rồi, trong lòng nặng chịch như quả cân treo, thấy cần phải làm cho ra môn ra khoai, mới khỏi dằn vặt lương tâm, mới không sợ ma đến đập cửa.

Cuộc đại lễ duyệt binh mừng quốc khánh vừa qua, các vị độc giả chắc trí nhớ còn tươi rói, nào là súng Tây pháo Tây, trống Tây kèn Tây, gậy chỉ huy Tây, đội quân nhạc Tây, có thứ gì không phải sản phẩm của Tây ? Nhưng có cái nào xiểm ngoại đâu ? Từ kiểu tách hàng lối dưới mặt đất, đến cách chia đường bay ở trên trời, đúng là sản phẩm của Tây rồi, thế thì dính gì đến họ hàng "xiểm ngoại" cơ chứ ? Thử làm cuộc thâm nhập thực tế trong nhà xem nào, không khéo biến ngay thành "kinh cung chi điểu" (hễ nhìn thấy mũi tên là con chim sợ hãi - dịch giả) : viết thư cũng vậy, viết văn cũng vậy, viết thư kín để tố giác ông Bách Dương chia rẽ tình cảm giữa "nhân dân" và "chính trị" cũng vậy, đều sử dụng bút bi, bút máy, mà không chịu dùng bút lông. Bút bi, bút máy (cộng thêm cả đánh máy, photo nữa) cố gắng sùng Tây như thế đấy, thì liên quan gì đến xiểm ngoại ? Phòng khách này, phòng ngủ này, phòng làm việc này, công sở này, toàn ngồi ghế sô-fa vừa mềm vừa êm mà không chịu ngồi ghế đẩu ghế băng cứng queo kia nữa. Ngồi ghế sô-fa vừa mềm vừa êm cố nhiên là sùng Tây rồi, nhưng lại dính gì đến xiểm ngoại cơ chứ ?

Mới tuần trước, tôi đến chơi nhà người bạn, ông ta quát tháo "sùng Tây xiểm ngoại" ngay trước mặt, đến nỗi tôi phát khùng như rượu say, lấy luôn chiếc búa đòi ghè tan cái hố xí giật nước của lão. Vợ lão lạy van mãi tôi cũng kệ thây, thề quyết không đội trời chung với cái hố xí giật nước sùng tây xiểm ngoại này. Ðập xong hố xí tôi đòi đập tiếp ti- vi, ra-đi-ô, tủ lạnh, bếp ga, đập điện thoại, bóng đèn... Cuối cùng là do cô con gái nhà lão, sinh viên tốt nghiệp đại học, bị nhiễm nặng chất độc "sùng Tây", không biết kính lão trọng hiền, không biết nhún nhường lễ phép, mà dám tố cáo gọi cảnh sát, quẳng tôi ra khỏi cửa, mới tạm gọi là kết thúc vở kịch náo loạn. Bằng không, cứ búa này giáng xuống, mà họ lại ở tầng mười hai mới khổ chứ, khéo cả nhà nhà ấy không còn chỗ để đặt mông. Nghĩ đi nghĩ lại đến nửa ngày cũng nghĩ không ra : cô gái này có chỗ nào xiểm... ngoại ?

Than ôi, thật không dám tưởng tượng, nếu một khi ông thượng đế ra oai, đem hết đồ đạc do "sùng Tây" mà có được của dân Trung Quốc rút về thiên cung, thì không hiểu Trung Quốc còn lại thứ gì đây ? Lỗ mũi của ông bạn Phiên thiên ấn lại bốc khói : "Không nhẽ cả cách làm người, cách xử thế, chúng ta cũng phải học Tây hay sao ?" Chao ôi ! Z đúng là một lọ tương, còn phải hỏi nữa, về cách làm người xử thế, tất nhiên chúng ta phải bái phục phương Tây rồi, còn phải học tập ưu điểm của phương Tây nữa, nhưng cái điều đó lại dây dưa gì đến xiểm nịnh nước ngoài ?

Về chế độ chính trị của Trung Quốc, sùng Tây sùng đến quá mức đấy thôi, trước tiên là xoá sạch truyền thống thế tập đế vương năm nghìn năm qua, học bằng được cách bỏ phiếu bầu cử của Tây đại nhân. Tiếp đến là đá phăng cả nền chuyên chế phong kiến, học bằng được chính trị dân chủ của Tây đại nhân. Trong lĩnh vực kinh tế, vứt bỏ quan niệm coi trọng nông nghiệp, xem nhẹ thương nghiệp, học bằng được cách đặt công thương lên hàng đầu của Tây đại nhân. Còn vứt bỏ cả nhân sinh quan - bằng con đường duy nhất là làm quan suốt năm nghìn năm nay, để học bằng được một cơ chế đa phương đa tầng của Tây đại nhân. Trong lĩnh vực văn hoá, toàn bộ công cụ truyền thông đại chúng, bao gồm báo chí, phát thanh, truyền hình; toàn bộ sáng tác nghệ thuật, bao gồm tiểu thuyết, thơ ca, kịch nói, hội hoạ, âm nhạc, có mặt nào mà không sùng Tây sùng đến chóng cả mặt ? Nhưng, cả nước trên trên dưới dưới đâu có chịu một sống hai chết để nịnh bợ nước ngoài?

"Sùng tây xiểm ngoại", cái Phiên thiên ấn đầy cảm tính này, là sự lệch lạc của ngữ nghĩa học, chịu không nổi sự suy ngẫm, chịu không nổi sự phân tích.

Ông Ðạc Dân nói : "Nếu ở nước Mỹ khoảng dăm ba năm, tin rằng suy nghĩ sẽ khác đi". Cũng có thể, nhưng cũng chưa chắc.

Chúng ta mong muốn vũ khí TQ ngày càng tinh vi, cần phải học tập phương Tây. Chúng ta mong muốn ngành quản lý công thương của TQ ngày càng hiệu quả, cần phải học tập phương Tây. Chúng ta mong muốn người TQ thành một khối chan hoà, cần học phương Tây nói câu "xin lỗi", "cám ơn". Chúng ta mong muốn người TQ xếp hàng, cần học đứng thành một lối như người phương Tây. Chúng ta mong muốn người TQ tôn trọng vạch chỉ sang đường, cần học tập cách tuân thủ quy tắc giao thông của phương Tây. Chúng ta mong muốn người TQ đi khỏi cánh cửa lò xo phải buông tay từ từ, để người đi sau không bị chấn thương sọ não, cần phải học tập cách đứng lại đỡ cửa của người phương Tây. Chúng ta mong muốn người TQ có tình cảm hào hiệp, cần học tập người phương Tây sẵn lòng trợ giúp, nét mặt tươi cười. Chúng ta mong muốn người TQ thân thể khoẻ như trâu, cần học tập người phương Tây phí thời gian vào thể thao, vào vận động, đừng bỏ thời gian vào việc đấu đá, xâu xé nhau - Hàng loạt những thứ này, tại sao lại lôi tuột ngay sang xiểm ngoại?

Gặp một ông Tây lịch sự lễ phép, chẳng nhẽ chúng ta không ngượng nghịu hay sao ? Ngược lại còn phản ứng "không mất gốc" đến cùng, trợn trừng mắt mũi, cau có mặt mày đến cùng. Sách cổ có câu "tri sỉ cận hô dũng" (biết liêm sỉ tức là gần với dũng cảm - dịch giả), chết cũng không nhận lỗi, chỉ cần nổi xung, đấm ngực, lăn ra đường, là có thể vẹn toàn công đức. Mà để biết thế nào là sỉ nhục, không những cần dũng cảm, còn cần cả trí tuệ nữa.

Ông Ðạc Dân sau khi "tự thấy xấu hổ", tiếp ngay đến "tự mạt sát mình", hai câu nói này cũng không có can hệ nhân quả tất yếu. Tự thấy xấu hổ đương nhiên có thể dẫn đến tự mạt sát mình, cũng có thể dẫn đến hốt nhiên tỉnh ngộ, quyết chí vươn lên. Nhật bản Minh Trị duy tân, là bắt đầu từ chỗ như thế đấy. Sự bó buộc của tính nổi xung là chiến thuật "phong hoả luân", một trong những đặc điểm người TQ.

Một vị giáo sư ở nước Mỹ viết cuốn Nhật Bản số một, không hề có một người Mỹ nào chửi rủa ông ta sùng tây xiểm ngoại. Còn Bách lão này chẳng qua viết được mấy trang, chỉ đề cập ấn tượng lông lá ở ngoài biểu bì, mà Phiên thiên ấn đã bay tứ tung. Trời ôi, ông có bóp cổ tôi nữa, tôi vẫn cứ la : "Sùng Tây tuyệt đối, nhưng không xiểm ngoại". Còn kính mong các ông độc giả ngẫm nghĩ.

Trích từ "Giẫm phải cái đuôi của hắn"


Kỳ thị chủng tộc

Trên thế giới, chuyện thâm thù, kỳ thị chủng tộc giữa người da đen, da trắng, nay đã được khắc phục một cách tỉnh táo bằng tấm lòng rộng mở và ý nghĩa nhân quyền. Nhưng giờ này đây, người Trung Quốc vốn thông minh tuyệt đỉnh là vậy mà vẫn ngâm mình trong vại tương quan niệm địa vực hết sức cảm tính, chuyện chẳng đáng gì lại tính toán so đo, nghĩ mà thương cho số phận mong manh của mình.

Về căn bản, người Trung Quốc không đủ tư cách để phê phán, công kích sự kỳ thị chủng tộc của nước Mỹ. Hiện nay - thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi, nước Mỹ là một trong những quốc gia có tình trạng kỳ thị chủng tộc nhẹ nhất thế giới. Thử vòng quanh vũ trụ mà xem, nước lớn nước bé, nước mạnh nước yếu, hai chục cái bàn tay cũng đếm không xuể, e rằng chỉ còn mỗi nước Mỹ là vẫn còn tiếp nhận người Trung Quốc. Nếu không có nước Mỹ, thử hỏi những đồng bào mong di cư, muốn ra nước ngoài đến phát rồ phát dại ở đất mẹ Trung Quốc kia, còn chỗ nào để nương thân ?

Ðây không muốn nói là người da trắng ở nước Mỹ thật sự trong ngoài như một, không có kỳ thị chủng tộc; cũng không hẳn muốn nói là họ không kỳ thị dân tộc TQ. Mà muốn nói rằng nếu so sánh kỳ thị chủng tộc của người Mỹ thì không những kỳ thị khu vực của người TQ ở mức thấp kém hơn - trong bất cứ quốc gia nào có nền văn minh phát triển, quan niệm khu vực ngày một bị triệt tiêu, thay thế bằng lợi ích của các chính đảng ! Các vị có từng nghe nói người Virginia bài xích người Arizona (hai tiểu bang ở Mỹ - dịch giả) ? Và từng nghe nói người đảo Honshu bài xích người đảo Shikoku (Hai hòn đảo ở Nhật - dịch giả) ? Hơn nữa, kỳ thị chủng tộc của người TQ, so với kỳ thị chủng tộc của người Mỹ còn khủng khiếp hơn, bởi vì bản chất đã bị biến đổi. "Viêm Hoàng tử tôn" (con cháu dòng dõi Viêm đế, Hoàng đế - dịch giả) cộng với "Ðại Hán thiên uy" (tiếng tăm oai liệt của Ðại Hán - dịch giả), "Phi ngã tộc loại" (không phải giống nòi của chúng ta - dịch giả) cộng với "Kỳ tâm tất dị" (lòng dạ chắc là khác - dịch giả), thế là, chẳng còn đường sống cho thiên hạ nữa.

Mấy người bạn TQ cư trú ở nước Mỹ, rõ ràng đang ngang tầm địa vị với dân da đen, nhưng thâm tâm lại khó chấp nhận người da đen. Mỗi khi nhắc đến các bạn da đen, là cái đầu cứ nguây nguẩy như mắc bệnh sài lắc từ bao giờ, thái độ "ta không hơi đâu" kiểu như thế, không khéo làm người ta bị co giật mà chết. Không thể nào tưởng tượng, nếu trong số người TQ có mười một phần trăm là người da đen hoặc người da đỏ, thì anh em da vàng của chúng ta không biết sốt đến bao nhiêu độ ? Người ở khác tỉnh còn khó mà dung nạp, nữa là khác giống nòi.

Kỳ thị chủng tộc là căn bệnh hắc lào dai dẳng, không cần phải kinh ngạc đến thế, cái đáng kinh ngạc là cách xử lý bệnh hắc lào ngoan cố này của người Mỹ kia. Khác hẳn nước Mỹ, cách xử lý của TQ là "Huý tật kỵ y" (giấu bệnh không chạy chữa - dịch giả), kèm theo "Gia tu bất xuất ngoại truyền" (chuyện dơ dáy xấu xa trong nhà không lộ ra ngoài - dịch giả). Nhưng thật ra đó chỉ là nguyên lý, chưa phải phương pháp. Phương pháp đích thực là vừa đi ngoài ra máu vừa dùng hai tay bịt lỗ hậu môn nói tướng : "Ta có mắc bệnh trĩ đâu". Ai mà nói ta mắc bệnh trĩ thì người đó chắc là "có ý đồ", và kèm theo "ý đồ gì đây". Còn "ý đồ thứ hai" là phép bảo bối truyền thống, chỉ cần lầm rầm vài câu, khấn ra phép bảo bối này, thì đối thủ khó lòng thoát nạn, mụn trĩ tự nhiên nó khỏi - Chết, lại sẩy miệng rồi, không phải mụn trĩ tự nhiên nó khỏi, mà là bản thân mình từ có bệnh trĩ bỗng thành hết bệnh trĩ. Sự nỗ lực của những con bọ tương, bọn người méo mó, chỉ là bưng bít lỗ trôn, không phải chữa trị bệnh trĩ.

Nước Mỹ là một xã hội lành mạnh, còn là một xã hội rất cường tráng nữa, cường tráng đến mức có thể tự điều chỉnh bản thân mình. Nên phản ứng của họ không phải bưng bít hậu môn, mà lại rêu rao khắp nơi : nguy to rồi, mụn trĩ sưng tấy lên rồi, một ngày mất đến tám ngàn gallon máu đấy, phải nghe ngóng giá cả cỗ quan tài xem nào... Thiên hạ ai cũng biết chuyện, ai cũng giật nẩy mình, thót tim gan, rồi uống thuốc, tiêm, mổ, rồi thay ghế đẩu cứng bằng ghế sôfa mềm, thay lưng gù bằng sống lưng ngay thẳng.

Sử dụng văn học và công cụ truyền thông để phanh phui kỳ thị chủng tộc, làm rùm beng cho thiên hạ đều biết, khiến mọi người rùng mình thót tim. Một xã hội lành mạnh khoẻ khoắn, chỉ có thể xây dựng trên nền tảng tâm lý lành mạnh khoẻ khoắn của dân chúng, họ có trí tuệ để tôn trọng sự thực, đủ can đảm để thừa nhận sai lầm, đầy năng lực để sửa đổi chữa trị. Kỳ thị chủng tộc là một mớ thực tế, cũng là một mớ sai lầm. Người Mỹ đã dựa dẫm trí tuệ và lòng dũng cảm, tìm kiếm con đường giải quyết ổn thoả, áp dụng các bước đi tỉnh táo, khiến tình trạng kỳ thị chủng tộc thu nhỏ dần, cho đến triệt tận gốc.

Trích từ "Giẫm phải đuôi của hắn"

© 2003 talawas