© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Người Việt ở Đông Âu
 1   2   3   4   5   6   7   8 
9.6.2005
Phạm Việt Vinh
Ánh mắt Praha
 
Sài Gòn. Tháng 8 năm 1963. Ðể phản đối chính sách Phật giáo của chính quyền Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Hòa thượng Thích Quảng Ðức đã tẩm xăng vào người và tự thiêu. Trên đường phố, vị sư già chắp tay niệm chú, điềm nhiên tĩnh tọa khi thân mình đang biến thành một ngọn lửa rợn người. Ông đang tử vì đạo; nhưng đối với bậc chân tu Phật giáo, đời người là cõi tạm, là bể khổ, rời bỏ nó để về cõi Niết bàn có lẽ không phải là một quyết định quá khó khăn. Dù sao, xuyên qua làn lửa thiêu diệt vẫn thấp thoáng một đôi mắt trầm tư, mang nặng nỗi đau cho những cái ác của người đời. Ðôi mắt đó truyền đi một ánh sáng hóa giải.


*


Praha. Tháng 5 năm 2005. Quảng trường Vaclav (Vaclavske Namesti ) trong trung tâm thành phố rực rỡ nắng vàng. Trên cao, ở phía đầu của quảng trường, pho tượng ông vua lập quốc Vaclav sừng sững minh chứng cho sự bất diệt của một quốc gia mặc cho những bước khúc của lịch sử, vẫn biết tiến cùng nhân loại đi về phía trước. So với Champs Elysees của Paris, đại lộ nối dài quảng trường Vaclav tuy nhỏ hơn, vắng người hơn, nhưng không hề kém phần cổ kính, duyên dáng. Khu phố này có quyền sánh vai cùng đại lộ nức tiếng của Pháp; và hơn thế nữa, tại đây, người dân Tiệp còn có quyền tự hào về một chứng tích anh hùng. Không xa ông vua lập quốc là một đài tưởng niệm khiêm nhường, ghi ơn tích của những thanh niên, sinh viên Tiệp Khắc [1] đã lấy thân mình ra chặn xích xe tăng Hồng quân Xô Viết, với ước vọng bảo vệ sự đổi mới và dân chủ hóa đất nước vào thời kỳ 1968-1969. Tuy thất bại, nhưng họ đã tạo ra Mùa xuân Praha 68, và là những viên kim cương nền móng cho thể chế dân chủ của Cộng hòa Tiệp hiện nay.

Dưới chân đài tưởng niệm là chân dung và tên tuổi của hai người:

Jan Palach, sinh 11.08.1948, mất 19.01.1969;
Jan Zajic, sinh 03.07.1950, mất 25.02.1969.

Năm 1968, nhiều nhân vật chủ chốt trong Ban lãnh đạo Tiệp Khắc hồi đó đã chủ trương một số đường lối cải tổ theo hướng dân chủ và được sự ủng hộ sâu rộng của dân chúng, đặc biệt là của giới trẻ. Trước nguy cơ mất quyền lực độc quyền, một số nhân vật bảo thủ của chính quyền Tiệp Khắc đã báo động cho Mạc Tư Khoa, và Hồng quân đã tràn sang, bắt giữ những nhà lãnh đạo cách tân, đàn áp thô bạo phong trào dân chủ Tiệp Khắc, nhằm không để đứt tung một mắt xích quan trọng của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa đương thời. Ðể phản đối cuộc can thiệp mang tính ngoại xâm, ngày 16.01.1969, chàng thanh niên Jan Palach đã châm lửa tự thiêu trên quảng trường Vaclav, và từ trần ba ngày sau đó. Ðối với ước vọng thoát cũi sổ lồng của người Tiệp Khắc, Palach được mệnh danh là "Ngọn đuốc số 1". Ngọn đuốc này đã gây xáo động đất nước, nhưng vẫn không chặn đứng được xích sắt xe tăng. "Mùa xuân Praha 68" dần dần mất sắc, Tiệp Khắc phải lùi vào trầm lặng trong "vòng kim cô chuyên chính vô sản". Phẫn uất về sự tiêu tan một ước mơ cao đẹp, về sự nén chịu của lòng người trước bạo lực bất công, ngày 25.02.1969, cũng trên quảng trường này, "Ngọn đuốc số 2" bùng cháy, Jan Zajic đốt lửa tự thiêu. Cái chết của hai chàng trai trẻ tuy không trở thành một vầng hồng nhưng đã nuôi dưỡng được những tia lửa tự do bất diệt, để rồi đúng 20 năm sau, sự hy sinh của họ đã được đắp đền xứng đáng với thành công của cuộc Cách mạng Nhung bất hủ.

Ngày nay, xung quanh đài tưởng niệm, bên hai bức chân dung của Palach, Zajic, lúc nào cũng có những vòng hoa, những bông hoa thắm sắc và những ngọn nến lung linh. Người Tiệp và du khách, sau khi nhẹ đặt một nhành hoa, nâng niu thắp một ngọn nến, lặng đứng suy ngẫm và tri ân hai con người kỳ diệu. Cùng với U. và C., hai thanh niên Việt Nam sống ở Praha, chúng tôi cũng làm như bao nhiêu du khách khác, và chăm chăm nhìn vào những cặp mắt đầy sức sống trong hai bức ảnh. Nhìn kỹ, chúng tôi - những người Việt Nam, thấy ánh mắt của họ chiếu ra những tia nhìn thật lạ.


*


Theo ước tính thì ở Tiệp có khoảng 30.000 người Việt làm ăn, sinh sống, trong đó, khoảng trên dưới 10.000 người sống ở Praha. Phần lớn họ là những sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân hợp tác lao động sang Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc trước đây và ở lại sau cuộc Cách mạng Nhung. Phần còn lại là những người mới sang lập cơ sở buôn bán với giấy lưu trú ngắn hạn và những người mới nộp đơn xin tỵ nạn với một dạng tạm trú mong manh. Tại đây, người Việt có công việc và địa vị ổn định trong công sở hay các hãng lớn coi như không có. Tuyệt đại đa số người Việt sinh sống bằng ngạch kinh doanh, từ lớn tới nhỏ. Họ làm việc, kiếm tiền với một công sức và quyết tâm thật lớn, nhưng chẳng mấy vui.

K., 34 tuổi, sang Tiệp từ 1998, cùng với một người bạn mở một quầy ăn Châu Á nhỏ trước cửa một siêu thị. K. thuê căn phòng 14 m2 tại nhà một người đồng hương. Phòng của K. có một chiếc giường nhỏ, và một cái tủ quần áo cũ, xộc xệch. K. bảo, cuộc sống của anh chỉ cần có thế. Quầy ăn 9 giờ mở cửa, nhưng 7 giờ sáng K. đã dậy, rồi đi, vì còn phải "mua nguyên vật liệu và chuẩn bị". 11 giờ tối K. về, leo lên giường, cầm đọc tờ An ninh thế giới rồi thiu thiu ngủ. Hỏi chuyện vợ con, K. bảo em không có thời gian – "quầy ăn của bọn em một năm chỉ đóng cửa nghỉ 5 ngày". Tối về, K. vui lắm khi chúng tôi đến thăm nói chuyện. "Vì nếu không, ngoài thằng bạn cùng bán hàng, em chẳng có ai ở đây, nên cũng chẳng cần quan tâm đến cái gì". Cứ thế từ 7 năm nay; và cứ mỗi năm, K. lại phải ra Sở Di trú để gia hạn thị thực lưu trú một lần. K. bảo: "Khi nào có đủ tiền, em sẽ cưới một cô vợ Tiệp để có dấu lưu trú dài hạn hơn".

Còn hai vợ chồng T. và Q. thì có một quầy rau quả khá lớn ở một quận rìa thành phố. Q. trước đây học cao đẳng kỹ thuật ở Tiệp Khắc, sau về nước "thấy chán quá", chạy đường "du lịch" sang Nga lập nghiệp, nhưng "kiếm sống bên đó phập phù lắm, rồi thì hết Mafia Nga lại đến Mafia Việt, không trụ nổi", thế là Q. lại chi tiền "dịch vụ" sang nước Tiệp "dân chủ hơn" để kiếm sống. Theo chân Q. là T. - vợ Q., trước đây là một giảng viên đại học tại Hà Nội. T. học tiếng Tiệp, qua giao tiếp với khách hàng, khá nhanh. Và, với "bản gốc sư phạm", T. được khách hàng rất quý, do vậy, từ 6 năm nay, quầy rau quả của T., Q. ngày càng trụ vững. "Bọn em chỉ tập trung vào làm ăn, chứ hầu như chẳng muốn quan tâm tới người Việt nào quanh đây". Hai, ba năm một lần, họ lại thuê người bán hàng thay để "về phép Việt Nam". "Ðể thăm ông bà già thôi, chứ bọn em không có ý định về hẳn. Ở đây lâu nên quen với xã hội văn minh tại Tiệp mất rồi". Cả T. và Q. đều đã trên 40 tuổi, với trên 6 năm họ đã quen được với cuộc sống nơi đất khách, vậy thì cái sự "làm quen lại" với cuộc đời nơi bản quán tại sao mà quá khó? Có vẻ như chưa bao giờ phải suy nghĩ đến điều này, nên sau một hồi im lặng khá lâu, T. mới khẽ nói: "Cũng có thể, sau này nước mình thay đổi, chúng em sẽ về. Không biết tụi nhỏ sẽ như thế nào, nhưng với bọn em, đây chẳng bao giờ là đất nước của mình".

Ðương nhiên, không phải người Việt nào tại Tiệp cũng ngày ngày phơi nắng hay đội tuyết. Nhiều người có bằng cấp đã trở thành những chủ chợ, chủ công ty xuất nhập khẩu hàng Âu-Á, chủ nhà hàng hay văn phòng mối manh, dịch vụ. Cuộc sống của họ giàu có hơn, sang trọng hơn, nhưng điều này không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với sự đứng trên về hiểu biết và trí tuệ. Hàng loạt những tạp chí tiếng Việt như Tuần tin mới, Vạn Xuân…, ngoài những thông tin hoặc dịch, hoặc lấy từ Internet và những bài viết theo kiểu báo tường, cũng không có gì khác với những phụ bản báo từ Hà Nội. Cũng như đại đa số những đồng bào lầm lũi bán buôn không dám nghỉ vì sợ hụt thu nhập, không ít người trong số họ được thấm nhuyễn tâm linh "chính thống" và coi mảnh đất Tiệp không khác một bãi chợ kiếm tiền. Họ không hề ý thức được thực chất của Cuộc Chạy Trốn Tập Thể đối với quê hương của chính mình, và trong họ vẫn nung nấu một nỗi tự hào.

Với não trạng tự tôn đó, tại buổi hội thảo chính trị về tình hình Việt Nam được tổ chức vào ngày 22.05.2005, một người sau hàng chục năm phục vụ trong hàng ngũ cộng sản, nay tỉnh ngộ, đòi đổi thay chế độ, đã bị một người trong số đó sỉ mắng là "phản bội" [2] . Họ không biết rằng: không có ai "phản bội" để từ chỗ "vương, tướng" tự nguyện đi vào chỗ gian lao. Sự phản bội chỉ ngự trị trong những bước đường ngược lại. Họ hoảng hốt khi có người đòi "khuyên" “ngài Thủ tướng Phan Văn Khải" mà không hiểu rằng, ở một thể chế dân chủ, như ở ngay nơi họ đã học tập và sinh sống từ hàng chục năm nay, bất kỳ ai cũng có quyền "khuyên" bất cứ ai. Với họ, địa vị vẫn là một cái thiêng liêng. Họ căm giận khi có ai "hỗn láo", dám "lăng mạ Bác Hồ kính yêu" bằng một câu "Ông Hồ đã mắc những sai lầm", vì không có khả năng chân nhận ra bản chất những vấn nạn chết người mà ông Hồ và các đồng chí của ông - vì bất cứ động cơ gì, đã góp phần không nhỏ mang lại cho đất Việt. Ðược sống trong không khí tự do của thế kỷ 21, nhưng họ vẫn chưa qua được não trạng sùng bái thánh nhân. Nhưng, trên tất cả, là họ rất yên tâm và tự mãn với vị thế "sang đây là chỉ để làm ăn", và căm thù những ai "làm rối lòng" họ "vì những vấn đề chính trị". Một thời, họ tụng niệm "chính trị là thống soái", ngày nay, họ ngoan ngoãn nép mình khi coi kiếm tiền và du hí là tối thượng. Có người trong số họ thống thiết: "Tôi yêu dân chủ, hãy cho tôi nghe về dân chủ, nhưng hãy đừng nói xấu chế độ!". Không thể xây dựng lâu đài mà không biết dưới chân là đầm lầy hay hố cát. Ngày mai không thể tự trên trời rớt xuống không biết đến ngày trước, ngày nay. Người ta chỉ có thể giải thoát những nô lệ thể xác, chứ không thể giải phóng những tâm thức nô lệ một cách tự tin. Dân chủ không thể lọt vào những ai nô lệ mà vẫn tự hào tưởng mình là chủ!

Không biết đã có bao nhiêu người Việt Nam tại Tiệp lặng đứng trước chân dung Jan Palach và Jan Zajic trên quảng trường Vaclav. Nhưng có lẽ, những kẻ nô lệ ranh mãnh hay vô thức thời nay, khi đi qua đài tưởng niệm, đã nghĩ thầm: "Thật đáng tiếc cho những con người dại dột!".


*


Không, Palach và Zajic không hề khờ dại! Họ bất tử với tuổi trẻ và chiến thắng của họ. Họ tự nguyện chết để tố cáo sự tàn ác và mang lại sự sống cho tự do. Một người 21 tuổi, một người 19 tuổi, không như bậc tu hành Phật giáo, họ cảm nhận được cái cực hình đau đớn của ngọn lửa thiêu. Có thể họ đã có người yêu, đã từng đắm đuối trong nụ hôn dài của cô bạn gái. Họ còn trẻ, tương lai còn bao la phía trước. Không như các bậc tu hành Phật giáo, họ ý thức rằng chết đi là mất hết tất cả những lạc thú đầy ắp của đời. Nhưng, họ đã hiến dâng tất cả cho nước Tiệp và cho cả chúng ta. Từ các bức chân dung, ánh mắt của họ tràn đầy sức sống mãnh liệt và thiêng liêng muôn thuở. Còn chúng tôi, vào ngày tháng 5 đầy ánh sáng hôm nay, đứng trước hai bức ảnh, lại thấy như chạm phải những ánh cười vừa buồn, vừa giễu cợt: "Thưa quý vị con dân nước Việt, chúng tôi đã tự chết đi để chối bỏ chế độ độc tài, để tự do cho con người giành chiến thắng. Nước Tiệp hôm nay mà quý vị đang thừa hưởng là thành quả đầu tiên của chúng tôi. Xin quý vị đừng phỉ báng hy sinh của chúng tôi bằng sự hân hoan với chế độ độc tài của quý vị! Xin quý vị đừng mua quá rẻ cái chết của chúng tôi khi coi mảnh đất tự do này chỉ đơn giản là một chỗ kiếm tiền cho những ai đang đắc chí trong thân phận nô lệ của mình!".

Rồi cuối cùng, guồng máy độc tài nào cũng bị tiêu vong. Mùa Xuân năm 1968, người Việt Nam chúng tôi được người ta dạy rằng các thanh niên như Palach, Zajic là những phần tử "xét lại, phản động". Nhưng, trong cuộc Cách mạng Nhung của Các Anh, đã có mặt những bạn trẻ Việt Nam. Và, trong mấy ngày tháng 5 này ở Praha, không ít người đã vượt qua những đe dọa, đến với những trao đổi chính trị trong tâm sự của những ưu tư trí tuệ. Nên, Palach và Zajic, mong Các Anh hãy cùng chúng tôi hy vọng!

Praha - Berlin 05.2005

© 2005 talawas



[1]Tiệp Khắc: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa trước đây, đã từng là Liên bang của hai nước Tiệp (Czech) và Slovakia hiện nay.
[2]Những chữ viết nghiêng trong ngoặc kép là được dẫn từ những tạp chí tiếng Việt ra tháng 5 và 6.2005 tại Tiệp.