© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.3.2003
Franz Kafka
Nhật ký 
Đoàn Tử Huyến dịch
 1   2   3   4 
 
1912

3 tháng 1
Trong tác phẩm tự thuật không thể tránh được việc nhiều khi đáng ra phải viết "một lần" mới đúng với sự thật thì người ta lại viết "thường thường". Bởi vì bao giờ ta cũng hiểu rằng cái vừa được lôi ra từ bóng tối bằng hồi tưởng sẽ bị huỷ diệt ngay bằng từ "một lần", và mặc dù từ "thường thường" cũng không hẳn bảo vệ được nó nguyên vẹn, thì ít nhất trong mắt người viết, nó cũng được giữ lại và đưa anh ta đến với các sự kiện mà có thể không xảy ra trong cuộc đời anh ta, nhưng đối với anh ta lại như một vật thay thế cho điều mà trong kí ức của mình thậm chí anh ta không thể tiếp cận.

5 tháng 2
Hôm qua ở nhà máy. Những cô gái ăn mặc cực bẩn thỉu và cẩu thả, tóc rối bù như vừa ngủ dậy, mặt đờ đẫn - vì tiếng động không ngừng của máy truyền động và một vài cái máy khác dừng lại tự động nhưng đột ngột, - họ dường như không phải là người, không ai nói chuyện với họ, không ai xin lỗi khi đụng phải họ; nếu bị sai đi làm những việc lặt vặt - họ làm, nhưng ngay tức khắc quay lại máy, người ta hất đầu ra hiệu bảo họ việc phải làm, họ đứng đây trong những chiếc váy lót, một thế lực nhỏ nhất cũng có quyền hành đối với họ và họ thậm chí không có lấy chút hiểu biết tỉnh táo để nhìn nhận cái thế lực đó là ai để bằng một cái nhìn hay một lần cúi chào tỏ lòng biết ơn nó. Nhưng khi đồng hồ vừa mới điểm 6 giờ, họ liền hét toáng lên để thông báo cho nhau điều này, cởi khăn ra khỏi đầu và cổ, đánh bụi trên người bằng cái bàn chải được chuyền từ người này sang người kia và bị những người thiếu kiên nhẫn réo gọi, họ lột váy qua đầu, rửa tay qua loa, - dù sao thì họ cũng là phụ nữ, mặc dù mặt tái nhợt và răng xấu vẫn biết mỉm cười, họ vươn thẳng cơ thể cứng đơ của mình, bây giờ thì không thể xô đẩy họ, không nhìn thấy họ, bây giờ ta phải nép sát vào những cái thùng bẩn thỉu để nhường đường cho họ, phải bỏ mũ xuống khi họ nói "chào anh" và không biết phải làm sao khi ai đó trong số họ giữ sẵn áo bành tô để ta mặc nó vào.

2 tháng 3
Ai khẳng định cho tôi tính chân lí hoặc tính hiển nhiên rằng chỉ do thiên hướng văn học của tôi mà tôi không quan tâm đến điều gì khác và chính vì thế, là một kẻ vô cảm.

18 tháng 3
Có thể, tôi là một kẻ khôn ngoan, bởi vì bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng chết, nhưng không phải vì đã thực hiện tất cả những trách nhiệm đặt ra cho tôi, mà là vì tôi không làm được một cái gì trong số trách nhiệm đặt ra cho tôi và không thể thậm chí hi vọng lúc nào đó sẽ làm dù chỉ một phần điều đó.

26 tháng 3
Ðừng quá đánh giá những gì tôi đã viết, nếu không tôi sẽ không viết được cái mà tôi cần phải viết.

1 tháng 4
Lần đầu tiên trong suốt một tuần gần như thất bại hoàn toàn trong việc viết. Tại sao? Mà trong tuần trước tôi cũng gặp phải đủ thứ tâm trạng và tôi đã giữ gìn để chúng không tác động đến sáng tác của tôi; nhưng tôi sợ viết về điều này.

3 tháng 4
Một ngày trôi qua như sau: trước bữa trưa - ở nhiệm sở, sau bữa trưa - đến nhà máy, bây giờ buổi chiều - những tiếng la hét trong căn hộ cả hai bên trái và phải, sau đó - đón chị gái xem kịch "Hamlet" về, - và không có một khoảng khắc nào tôi biết phải làm gì.

9 tháng 5
... Bất chấp mọi lo lắng, tôi giữ chặt cuốn tiểu thuyết của mình, - hệt như một tượng đài mắt hướng nhìn ra xa và gắn chặt vào bệ tượng[1].

6 tháng 6
Tôi đọc trong những bức thư của Flaubert[2]: "Cuốn tiểu thuyết của tôi là một tảng đá, tôi bám vào đó và không biết tí gì về những chuyện đang xảy ra trên thế giới". Thật giống như tôi viết về mình hôm mồng 9 tháng 5.

Nhẹ bẫng, không cảm thấy thân thể, xương cốt, hai tiếng đồng hồ tôi lang thang các phố và suy ngẫm về những gì tôi đã trải qua khi ngồi viết suốt nửa ngày qua.

11 tháng 8
Không có gì. Hoàn toàn không có gì. Tôi mất bao nhiêu thời gian để in được một cuốn sách nhỏ, và bao nhiêu là sự tự tin có hại và lố bịch khi đọc lại những tác phẩm cũ định đem ra xuất bản. Chỉ riêng điều này đã kìm hãm tôi viết. Nhưng dù sao trên thực tế tôi chưa đạt được điều gì, sự ngưng trệ là một chứng cớ của điều đó. Sau khi được in sách rồi, trong mọi trường hợp, bây giờ tôi sẽ cần phải tiếp tục tránh xa hơn các tạp chí và phê bình, nếu như tôi không muốn thoả mãn bằng việc chạm đến sự thật bằng các đầu ngón tay. Tôi đã trở nên thật nặng nề! Trước đây chỉ cần nói với tôi một từ ngược lại với cái khuynh hướng được đưa ra vào thời điểm đó, là tôi đã ngay lập tức bay sang hướng khác, còn bây giờ tôi chỉ đơn giản đứng nhìn mình và ngồi im như cũ.

14 tháng 8
Thư gửi Rowohlt[3]
Thưa ông Rowohlt vô cùng kính mến!
Tôi gửi đến ông những truyện ngắn mà ông muốn xem; chúng có lẽ sẽ làm thành một cuốn sách nhỏ. Khi tôi tập hợp chúng cho mục đích này, đôi khi tôi buộc phải lựa chọn giữa một bên là tinh thần trách nhiệm và một bên là khao khát được nhìn thấy tập sách nhỏ của mình giữa những cuốn sách tuyệt vời của ông. Tất nhiên, sự lựa chọn không phải lúc nào cũng tuyệt đối trung thực. Nhưng bây giờ hiển nhiên là tôi sẽ sung sướng nếu các tác phẩm của tôi được ông thích, ít ra là đủ để ông xuất bản chúng. Nói cho cùng, những thiếu sót trong các truyện ngắn này kể cả những độc giả có kinh nghiệm và hiểu biết cũng không phát hiện ngay được, Tính độc đáo phổ biến nhất của các nhà văn chủ yếu thể hiện ở chỗ mỗi người biết cách che giấu những thiếu sót bằng cách riêng của mình.
Kính thư.

23 tháng 9
Truyện ngắn "Lời tuyên án" tôi viết một mạch từ đêm 22 đến sáng 23, từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Hai chân tê cứng lại vì ngồi lâu, tôi phải khó khăn lắm mới duỗi ra được dưới bàn viết. Một sự căng thẳng khủng khiếp và một niềm vui khi câu chuyện mở ra trước mặt tôi giống như có một dòng nước cuốn tôi về phía trước. Nhiều lần trong đêm nay tôi mang tất cả sức nặng của mình trên lưng. Có thể nói, có một ngọn lửa lớn đã được nhóm lên cho tất cả, cho những điều hoang tưởng lạ kì nhất, chúng chết đi rồi hồi sinh trong ngọn lửa đó. Trời xanh dần ngoài cửa sổ. Một chiếc xe tải chạy qua. Hai người đàn ông đi qua cầu. Lần cuối cùng tôi nhìn đồng hồ đã là 2 giờ. Tôi viết xong câu cuối cùng khi cô người làm đi qua tiền sảnh lần đầu tiên. Tắt đèn, trời đã sáng như ban ngày. Những cơn đau nhẹ trong tim. Sự mệt mỏi tan biến trong đêm. Tôi run rẩy bước vào phòng các chị em gái. Ðọc thành tiếng. Trước đó tôi đứng trước mặt cô người làm và nói: "Tôi viết cho đến tận giờ". Giường chăn còn chưa động tới như thể người ta mới mang nó đến. Một niềm tin đã được khẳng định rằng bằng việc viết cuốn tiểu thuyết của tôi, tôi đang ở trong vực sâu nhục nhã của sự sáng tác[4]. Chỉ như thế mới có thể viết, chỉ trong tình trạng như thế, chỉ trong sự trải mở tâm hồn và thể xác đến tận cùng như thế. Tôi nằm trong giường đến bữa ăn trưa. Hai mắt luôn mở chong. Rất nhiều cảm xúc tôi đã trải qua khi viết, ví dụ niềm vui vì sẽ có một cái gì đó kha khá để gửi đến "Arcadia"[5] của Max, dĩ nhiên, những ý nghĩ về Fred, về một đoạn trong "Arnold Beer"[6], đoạn khác trong "Wassermann"[7], trong "Mụ khổng lồ" của Werfel[8], dĩ nhiên, cả về "Thế giới đô thị" của tôi nữa.


1913

11 tháng 2
Nhân sửa bản in thử "Lời tuyên án", tôi ghi lại tất cả những mối quan hệ mà giờ đây tôi nhìn thấy chúng ngay trước mắt mình trong câu chuyện này. Ðiều này cần thiết, bởi vì truyện ngắn từ tôi mà ra, như khi sinh nở, mang theo trên mình đủ thứ bẩn thỉu, nhầy nhụa mà chỉ tay tôi mới có thể và muốn đụng đến thân thể.

Người bạn là mối quan hệ giữa cha và con, là cái chung lớn nhất của họ. Khi ngồi một mình bên cửa sổ, Goerge khoái trá đào bới trong cái chung này, anh ta nghĩ anh ta mang ông bố trong mình và cho rằng tất cả, ngoại trừ một thoáng đăm chiêu buồn bã, đều bình yên. Và sự phát triển câu chuyện chỉ ra, từ cái chung, - từ người bạn, - ông bố tách ra và trở thành đối cực với Goerge và được củng cố bằng những cái chung khác kém quan trọng hơn như: tình yêu, sự chung thuỷ với người mẹ, việc luôn nhớ đến bà, đám khách hàng mà ông bố thoạt tiên giành được cho xí nghiệp. Goerge không có gì cả; cô vợ chưa cưới bị ông bố dễ dàng đuổi đi, - cô ta có mặt trong truyện chỉ nhờ mối quan hệ với người bạn, nghĩa là với cái chung, và vì đám cưới chưa được tổ chức, cô ta không thể tham gia vào vòng tròn huyết thống bao quanh ông bố và người con. Cái chung vây kín quanh ông bố, Goerge cảm nhận nó như một cái gì đó xa lạ trở nên độc lập, không bao giờ được anh ta bảo vệ đầy đủ và bỏ mặc cho các cuộc cách mạng Nga, và chỉ vì chính anh ta không còn gì hơn nữa, ngoài việc nhìn lại ông bố, nên lời tuyên án hoàn toàn ngăn trở anh ta tiếp xúc với người bố đã tác động đến anh ta mạnh đến như vậy.

2 tháng 5
Câu chuyện của cô con gái người làm vườn làm gián đoạn công việc của tôi vào hôm kia. Tôi đang dự định lấy công việc để chữa bệnh suy nhược thần kinh của mình, thì lại phải lắng nghe chuyện về người anh trai của cô ta, - tên là Jan, thật ra đã là một người làm vườn, thậm chí đã là chủ một vườn hoa, là người sẽ kế nghiệp ông già Dvorsky, - hai tháng trước ở tuổi 28 đã rơi vào căn bệnh trầm uất và uống thuốc độc tự tử. Mùa hè, mặc dù có tính ẩn dật, anh ta cảm thấy mình tương đối thoải mái, bởi vì dù sao cũng cần phải tiếp xúc với khách hàng; còn mùa đông, anh ta chui hẳn vào vỏ ốc của mình. Người yêu của anh ta cũng là một cô gái đa sầu. Họ thường hay cùng nhau đi đến nghĩa trang.

4 tháng 5
Tôi không ngừng tưởng tượng về một con dao làm bếp rộng bản, rất nhanh và đều đặn như máy chém đâm vào sườn tôi và xẻ tôi ra thành từng lát hết sức mỏng, với tốc độ nhanh chúng bắn văng ra và cuộn tròn lại.

24 tháng 5
....Rất tự đắc, vì tôi coi "Người thợ lò"[9] là một thành công lớn. Buổi chiều đọc cho bố mẹ nghe; khi tôi đọc một điều gì đó cho một người rất không muốn nghe là cha tôi, thì không có nhà phê bình nào tốt hơn tôi. Có nhiều chỗ quá nông cạn trước những độ sâu rõ ràng là không đạt đến.

21 tháng 6
Một thế giới thật khủng khiếp chật cứng trong đầu tôi! Nhưng làm sao để tôi thoát ra khỏi nó và giải thoát cho chính nó mà không làm nó nổ tung. Nhưng dù sao thì nổ tung nó ra nghìn lần còn tốt hơn là giữ nó lại hoặc chôn cất nó trong đầu. Chính vì việc đó mà tôi sống trên đời này, đó là điều tôi hoàn toàn biết rõ.

1 tháng 7
Khao khát cô đơn không giới hạn. Ðược ở riêng với chính bản thân mình. Có thể tôi sẽ có được điều này ở Riva[10].

2 tháng 7
Tôi nức nở trước bản báo cáo về vụ án cô Marie Abraham 23 tuổi vì nghèo và đói đã thắt cổ đứa con gái nhỏ chín tháng Barbara bằng chiếc caravat đàn ông được cô ta dùng làm vải quấn chân. Một câu chuyện cũ mèm.

3 tháng 7
Một ý nghĩ khi được tôi nói ra thành tiếng ngay lập tức mất hẳn giá trị; khi được ghi lại, ý nghĩa nó cũng luôn luôn bị mất, nhưng đôi khi nó lại có được ý nghĩa mới.

21 tháng 7
Ðừng tuyệt vọng, đừng tuyệt vọng cả với cái cớ là mi không tuyệt vọng. Khi tưởng như tất cả đã chấm hết, thì từ đâu đó xuất hiện những nguồn sức mạnh mới, và điều đó có nghĩa là mi còn sống. Còn nếu chúng không xuất hiện nữa, khi đó quả thật tất cả đã chấm hết, và chấm hết thực sự.

Không ngủ được. Chỉ toàn mộng mị, không có giấc ngủ...

Ðây là bản liệt kê tất cả những điều ủng hộ và phản đối việc tôi lấy vợ:

1. Không có khả năng chịu đựng cuộc sống một mình, không có khả năng sống, hoàn toàn ngược lại, thậm chí có vẻ khó tin rằng tôi có thể sống chung với ai đó, nhưng tôi không có khả năng chịu đựng áp lực của cuộc sống của chính mình, những đòi hỏi của chính cá nhân tôi, của những đòn tấn công của thời gian và tuổi tác, của cơn khát khao mơ hồ được viết, của những đêm mất ngủ, của tình trạng sắp hoá điên, - tất cả những cái đó tôi không có khả năng chịu đựng một mình. Lấy F[11]. sẽ tạo thêm cho tôi sức mạnh để chống đỡ.

2. Tất cả đều cho tôi cớ để suy nghĩ. Câu chuyện cười trong tờ báo cười, hồi tưởng về Flaubert và Grillparzer[12], hình dạng những chiếc áo ngủ trên giường ngủ của cha mẹ tôi, đám cưới của Max. Hôm qua chị gái tôi nói: "Tất cả những người có gia đình (những người quen của chúng tôi) đều hạnh phúc, chị không thể hiểu được điều này", - câu nói này cũng buộc tôi phải suy nghĩ, tôi lại cảm thấy sợ.

3. Tôi cần nhiều thời gian để ở một mình. Tất cả những gì tôi đã làm được đều là kết quả của sự cô đơn.

4. Toàn bộ những gì không liên quan đến văn học tôi đều căm ghét, tôi cảm thấy buồn chán khi phải nói chuyện với ai đó (thậm chí về văn học), tôi cảm thấy buồn chán phải đến thăm ai đó, những buồn vui của người thân làm tôi buồn đến chết. Những câu chuyện làm cho những suy nghĩ của tôi mất đi tính nghiêm túc, chân thực và quan trọng.

5. Nỗi sợ hãi trước sự kết hợp, hoà nhập. Sau đó tôi sẽ không bao giờ có thể ở một mình.

6. Khi đứng trước chị em gái của tôi, tôi thường là một người hoàn toàn khác hơn là trước những người khác, đặc biệt trước đây đã thế. Dũng cảm, cởi mở, mạnh mẽ, đầy bất ngờ, hứng khởi hệt như khi tôi viết. Giá mà tôi có thể nhờ vợ để trở nên như vậy trước tất cả mọi người! Nhưng điều đó liệu có phải có được nhờ trả giá cho việc viết lách? Chỉ cần không phải, chỉ cần không phải thế!

7. Nếu tôi sống một mình, có thể đến một lúc nào đó tôi nhất định sẽ bỏ việc ở nhiệm sở. Lấy vợ rồi tôi sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện được điều này.

Một người thảm hại!

Quật con ngựa khéo ra trò! Từ từ chọc những cái đinh thúc ngựa vào nó, sau đó giật phắt chúng ra, rồi lại dùng toàn lực đâm vào thịt nó một lần nữa.

Thật là khốn khổ!

Không sao, không sao, không sao cả. Sự hèn yếu, sự tự huỷ diệt, những lưỡi lửa địa ngục xuyên qua tầng đất.

15 tháng 8
Tôi sẽ lẩn tránh tất cả, sẽ trốn vào cô đơn đến vô cảm. Sẽ cãi nhau với tất cả, sẽ chẳng chuyện trò với ai hết.

21 tháng 8
Hôm nay tôi nhận được cuốn "Sách của quan toà" của Kierkegaard[13]. Ðúng như tôi nghĩ, trường hợp anh ấy, mặc dù có những nét khác biệt lớn, vẫn giống tôi; ít ra anh ấy cũng ở cùng một phía của thế giới. Anh ấy như một người bạn đã giúp tôi khẳng định bản thân.

Tôi viết vội lá thư sau đây gửi bố của cô ấy[14], ngày mai tôi sẽ gửi nếu có đủ can đảm.

"Bác chần chừ trả lời yêu cầu của cháu, điều này rất dễ hiểu, bất kì người cha nào cũng xử xự với con rể tương lai như thế, và cháu viết thư cho bác hoàn toàn không phải vì điều đó, điều mà cháu hi vọng nhất là muốn bác xem xét lá thư của cháu một cách bình tĩnh. Cháu viết vì e rằng sự ngần ngại và băn khoăn của bác có nhiều nguyên nhân nói chung lớn hơn chứ không phải chỉ vì một chỗ duy nhất, - chỉ có nó mới gợi ra những băn khoăn trên, - trong lá thư đầu tiên khiến cháu có thể bộc lộ mình. ý cháu muốn nói về công việc ở nhiệm sở đối với cháu là không chịu đựng nổi.

Có thể bác không chú ý đến điều này, nhưng đáng ra không nên như thế. Ngược lại, bác cần phải hỏi thật kĩ về điều này và khi đó cháu sẽ phải trả lời bác thật ngắn gọn và chính xác như sau. Cháu không chịu đựng nổi công việc ở nhiệm sở bởi vì nó đối lập hẳn với thiên hướng và công việc của cháu - đó là văn học. Vì cháu là nhà văn chứ không phải là ai khác, không thể và không muốn là ai khác. Công việc ở nhiệm sở không bao giờ cuốn hút cháu, nhưng nó có thể làm cháu bị suy sụp hoàn toàn. Cháu sắp đến nước đó rồi. Những trạng thái tinh thần tồi tệ nhất luôn dày vò cháu, những vướng bận và buồn khổ vây kín tương lai của cháu và con gái bác suốt một năm nay đã chứng tỏ rằng cháu không có khả năng chống đỡ. Bác có thể hỏi tại sao cháu không bỏ công việc ở nhiệm sở và thử - tài sản thì cháu không có - sống bằng những công việc văn học. Về điều đó cháu chỉ có thể đưa ra một câu trả lời thảm hại rằng cháu không có sức để làm điều đó và, trong chừng mực mà cháu có thể phán xét tình trạng của mình, công việc ở nhiệm sở sẽ giết chết cháu, hơn nữa sẽ giết chết thật nhanh.

Bây giờ bác hãy so sánh cháu với con gái bác, một cô gái khoẻ mạnh, yêu đời, tự nhiên và mạnh mẽ. Dù cho cháu có nhắc đi nhắc lại với cô ấy trong năm trăm lá thư và dù cho cô ấy thường xuyên trấn an cháu bằng cái từ "không"không được thuyết phục - vấn đề vốn là thế này: trong chừng mực cháu nhận thấy, thì với cháu cô ấy sẽ bất hạnh. Không chỉ vì hoàn cảnh khách quan, mà chủ yếu tính cách của cháu là người cô độc, ít nói, không chan hoà, rầu rĩ, nhưng đối với riêng cháu thì đó không phải là điều bất hạnh, bởi vì điều này chỉ phản ánh mục đích của cháu. Có thể rút ra một vài kết luận từ cách sống của cháu ở nhà. Chẳng hạn, cháu sống trong gia đình mình giữa những người thân yêu và tử tế nhất mà còn xa lạ hơn cả người xa lạ. Trong một vài năm gần đây cháu nói với mẹ trung bình không nổi hai mươi từ một ngày, với bố có lẽ không nói gì khác ngoài những lời chào hỏi. Còn với các bà chị đã lấy chồng và các ông anh rể cháu hầu như không nói chuyện, mặc dù cháu chẳng xích mích gì với họ. Nguyên nhân đơn giản là cháu hoàn toàn chẳng có gì để nói với họ cả. Tất cả những gì không phải là văn học khiến cháu buồn và căm ghét tại vì nó cản trở hoặc kìm hãm cháu, mặc dù đó chỉ là do cháu nghĩ ra. Cháu không có lấy một chút hiểu biết nào về cuộc sống gia đình, khá nhất cháu chỉ có thể làm một người quan sát. Cháu hoàn toàn không cảm nhận được tình thân, cháu thấy trong sự thăm viếng ý đồ độc ác chống lại cháu.

Hôn nhân có lẽ cũng không thể thay đổi cháu, cũng như công việc ở nhiệm sở vậy."

20 tháng 10
Từ sáng buồn không chịu nổi. Chiều đọc "Sự nghiệp Jacobson" của Jacobson[15]. Khả năng sống, khả năng quyết định của ông, thích thú được đặt chân lên đúng nơi, đúng chốn. Ông ngồi vững chãi trong bản thân mình như người chèo thuyền tài ba trong con thuyền của mình. Tôi muốn viết thư cho ông. Nhưng thay vào đó lại đi dạo, sau khi đã dập tắt tất cả những tình cảm chi phối tôi bằng cuộc nói chuyện với Haas[16] mà tôi gặp trên đường, những người phụ nữ kích động tôi, bây giờ tôi đang ở nhà đọc "Hoá thân" và thấy nó tồi. Có lẽ không gì cứu đuợc tôi nữa rồi, nỗi buồn ban sáng quay trở lại, tôi sẽ không thể chống chọi với nó lâu, nó cướp đi hết mọi hi vọng của tôi. Tôi thậm chí còn chẳng muốn viết nhật kí, có thể vì trong đó thiếu quá nhiều điều, có thể vì tôi lúc nào cũng phải miêu tả những thứ nửa vời và có vẻ không tránh khỏi những hoạt động nửa vời, có thể chính việc viết lách làm tăng thêm nỗi buồn trong tôi...

26 tháng 10
"Tôi là ai đây?" - tôi trách mắng mình. Tôi nhổm dậy khỏi ghế đi văng mà tôi co hai đầu gối, ngồi thẳng lên. Cánh cửa dẫn thẳng vào phòng tôi từ một đoạn cầu thang mở toang ra và một người đàn ông trẻ bước vào, đầu cúi xuống và mắt nhìn dò xét. Anh ta đi tránh, vừa đủ mức có thể trong một căn phòng chật hẹp, qua ghế đi văng và dừng lại ở một góc tối om cạnh cửa sổ. Tôi muốn xem đấy có phải là ma không, tôi đi đến đó và cầm lấy tay anh ta. Ðó là người sống, thấp hơn tôi một chút, anh ta dướn mắt nhìn tôi và mỉm cười, và chính cái vẻ vô tư lự khi anh ta gật đầu và nói: "Ông cứ kiểm tra đi" lẽ ra phải trấn an tôi. Thế nhưng, tôi túm lấy đằng trước áo gi lê và đằng sau áo khoác của anh ta, và lắc mạnh. Ðập vào mắt tôi là chiếc dây chuyền đồng hồ vàng dầy, đẹp và tôi giật nó xuống mạnh đến nỗi bung cái khuy áo móc chặt sợi dây chuyền. Anh ta bình thản chịu đựng điều này, chỉ nhìn vào vết toác và hoài công cố gắng cài lại cúc áo gi lê vào cái khuy áo vừa bị giật ra. "Anh làm gì vậy?" - cuối cùng anh ta nói và chỉ tay vào áo gi lê. "Im!" - tôi gằn giọng đe doạ.

Tôi bắt đầu chạy quanh phòng, mỗi lúc một nhanh hơn và mỗi lần chạy qua kẻ đột nhập lại dứ nắm đấm vào anh ta. Anh ta cứ loay hoay với cái áo gi lê, chẳng chú ý gì đến tôi cả. Tôi cảm thấy mình rất tự do, tôi thở nhẹ khác thường, và chỉ mỗi bộ quần áo là cản trở lồng ngực tôi đang phồng to lên một cách lạ thường.

6 tháng 11
Sự tự tin đột ngột này ở đâu ra? Ước gì nó sẽ ở lại! Giá như tôi có thể đi vào đi ra tất cả các cánh cửa như một con người tương đối lương thiện! Tôi chỉ không biết mình có muốn điều này hay không.

18 tháng 11
Tôi sẽ lại viết, nhưng việc viết lách đã gây cho tôi quá nhiều nghi ngờ. Về cơ bản tôi như một kẻ bất tài, dốt nát, người mà nếu như không bị bắt phải đến trường (thêm vào đó đến trường cũng chẳng có chút công cán nào, nhưng cũng không chắc đã nhận ra sự bắt buộc), thì đúng là phải nằm bẹp nơi ổ chó, chỉ nhảy ra khi người ta mang thức ăn đến, rồi lại nhảy vào sau khi đã nuốt hết thức ăn.

19 tháng 11
Tôi đọc nhật kí suốt. Liệu có phải nguyên nhân là giờ đây tôi chẳng có lấy một chút nào niềm tin vào thực tại? Tôi cảm thấy tất cả được gá ghép. Mọi nhận xét, mọi cái nhìn tình cờ đều đảo lộn trong tôi, thậm chí cả điều đã bị lãng quên hoàn toàn vô nghĩa. Tôi chưa bao giờ mất lòng tin vào bản thân nhiều như vậy, chỉ cảm nhận được sức ép của cuộc sống. Và tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi giống như con cừu bị lạc trong đêm trên núi, hay như con cừu đang chạy theo con cừu kia. Bị lạc mất và không còn sức để khóc cho điều đó.

4 tháng 12
Từ ngoài nhìn điều này thật kinh khiếp - chết khi đã là người lớn nhưng hãy còn trẻ và hoặc giả lại là tự tử. Chết trong cơn hoảng loạn tột cùng mà chắc nó sẽ có ý nghĩa nếu như nó phải kéo dài sau khi để mất tất cả mọi hi vọng, ngoại trừ một hi vọng duy nhất là việc sinh ra trên đời được xem như không có trong sự toan tính vĩ đại. Lúc này đây tôi như đang ở trong tình trạng ấy. Chết không có nghĩa gì khác là đưa cái hư không cho cái Hư không, nhưng lí trí chống lại điều này, bởi vì làm sao có thể trao mình - cho dù chỉ là hư không - cho cái Hư không, hơn nữa không đơn thuần là cho cái Hư không trống rỗng, mà là một Hư không đang sôi réo, cái mà chúng ta cảm thấy nó Hư không chỉ vì không thể nào đạt tới nó.

Nỗi sợ hãi trước cái ngu xuẩn, cái ngu xuẩn hiển hiện trong mỗi một mong muốn hướng tới mục đích, khiến quên đi tất cả những điều khác. Khi đó cái gì là không - ngu xuẩn? Không - ngu xuẩn là đứng như một gã ăn mày ở bên lối vào, đứng cho đến khi chết... Có lẽ có những cái ngu xuẩn lớn hơn cả những kẻ thể hiện chúng. Nhưng tởm lợm biết mấy những kẻ ngu xuẩn nhỏ bé lại gắng sức làm những điều ngu xuẩn lớn. Chẳng phải trong mắt những kẻ Pharisei[17] Ðức Chúa Christ không là như vậy sao?

9 tháng 12
Tôi ghét sự tự quán tỉ mỉ. Những giải thích tâm lí tương tự như: hôm qua tôi như thế này thế nọ là vì thế nọ thế này... còn hôm nay tôi thế nọ thế này là vì thế này thế nọ...Không đúng, không phải vì thế và vì thế, không phải vì vậy mà tôi như thế này thế nọ. Cần bình tĩnh chấp nhận và chịu đựng, không vội vã kết luận, sống như cần phải sống, chứ không loay hoay như con chó chạy quanh cái đuôi của mình.

10 tháng 12
Không thể tính hết và đánh giá hết tất cả hoàn cảnh lúc này hay lúc khác ảnh hưởng đến tâm trạng hay thậm chí xác định chính cả tâm trạng, cả việc đánh giá nó, và sẽ là không đúng khi nói rằng hôm qua tôi cảm thấy tự tin, còn hôm nay tôi tuyệt vọng. Những sự nhận biết như thế chỉ chứng minh một điều là con người muốn tự kỉ ám thị và sống một cuộc sống tách biệt khỏi bản thân, trốn vào sau những thiên kiến và ảo tưởng, phần nào ngụy tạo, giống như kẻ ngồi trong một góc quán rượu, nấp sau cốc rượu, tự tiêu sầu bằng những hoang tưởng và những mơ ước hết sức viển vông và giả dối.

16 tháng 12
Tôi ngồi trên ghế xích đu nhà Weltsch[18], chúng tôi nói về tình trạng bất ổn trong cuộc sống của hai chúng tôi, anh ấy dù sao vẫn còn chút hi vọng nào đấy ("Cần phải mong điều không thể"), còn tôi - không chút hi vọng nào, dán mắt vào những ngón tay của mình với một cảm giác dường như tôi là kẻ đại diện cho cái khoảng trống trong mình, một khoảng trống hoàn toàn đặc biệt và thậm chí không phải là quá lớn.




Chú thích

[1]Ở đây nói đến cuốn "Nước Mĩ" của Kafka.
[2]Flaubert (1821 - 1880) - nhà văn Pháp, tác giả cuốn "Bouvard và Pécuchet".
[3]Ernst Rowohlt (1887 - 1960) - người đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của Kafka, tập truyện "Quan sát", tháng 1 năm 1913 tại Leipzig.
[4]Vào thời gian này Kafka đang viết cuốn tiểu thuyết "Nước Mĩ" của mình.
[5]"Arcadia" - tạp chí xuất bản hàng năm do M. Brod xuất bản (chỉ xuất bản một số, năm 1913); lần đầu tiên cho đăng truyện vừa "Lời tuyên án" của Kafka.
[6]"Arnold Beer" - tiểu thuyết của M. Brod (1912).
[7]Jacob Wassermann (1873 - 1934) - nhà văn Ðức.
[8]Franz Werfel (1890 - 1945) - nhà văn Áo, bạn của Kafka.
[9]Ðây là tiểu thuyết "Nước Mĩ", sinh thời Kafka in chương đầu dưới tên "Người thợ lò" (năm 1913).
[10]Một thị trấn ở Thuỵ Sĩ, nơi Kafka mấy lần đến nghỉ.
[11]Ở đây nói về Felice Bauer (1887 - 1960), - một cô gái Berlin, Kafka làm quen vào tháng 8 năm 1912; cuối tháng 5 năm 1914 hai người đính hôn tại Berlin, nhưng cuối tháng 7 lại huỷ hôn; năm 1915 hai người quan hệ trở lại, tháng 7 năm 1917 họ làm lẽ đính hôn lần thứ hai nhưng đến tháng 12 lại huỷ hôn. Nhiều trang nhật kí của Kafka nói đến F.
[12]Franz Grillparzer (1791 - 1872) - nhà viết kịch lớn và là nhà văn cổ điển Áo, viết tiếng Ðức.
[13]Soeren Kierkegaard (1813 - 1835) - nhà văn Ðan Mạch, triết gia và nhà thần học.
[14]Ý nói bố vợ tương lai của Kafka, F. (Felice) đã được nhắc đến.
[15]Siegfried Jacobson (1881 - 1926) - nhà báo Ðức và nhà phê bình sân khấu.
[16]Willy Haas - nhà báo người Ðức; sau này đã cho đăng những bức thư của Kafka gửi Milena esenskaia.
[17]Pharisei: nguyên là một tổ chức tôn giáo - chính trị của Giêđa cổ đại (thế kỉ II tr. CN - thế kỉ II sau CN). ở đây có nghĩa là những kẻ đạo đức giả.
[18]Felics Veltre (sinh năm 1884) - nhà văn và là một triết gia, bạn của Kafka.

Nguồn: Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Ná»™i, 2003