© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.5.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
tự truyện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 

5.

Những năm kháng chiến chống Pháp đối với hắn là quãng thời gian rất đẹp và rất vui, tám năm trôi qua chỉ trong một chớp mắt. Ðang sống như thằng đầy tớ, bưng bát cơm ăn cũng không dám và miếng to, không dám nhai mạnh, buông cái bát không xuống nhìn nồi cơm còn đầy, thức ăn trên bàn trên mâm mới vơi già nửa là tiếc lắm, bỗng chốc thành người tự do, thành một chiến sĩ nhỏ tuổi, ăn tha hồ, cười nói thoả thích, chả ai ghét cả, chả ai lườm nguýt cả, lại còn được khen là ngoan, chấp hành kỷ luật tốt, chỉ như thế cũng đã được vui từ sáng tới tối rồi. Sau này đọc văn Nam Cao, hắn cứ nhớ mãi một truyện ngắn viết về một bà lão đi thăm cháu gái đang bế con cho một bà nhà giầu ở xã khác, nhớ cháu có một phần, cái chính là sẽ được ăn một bữa cơm no nên phải đến đúng lúc người ta dọn cơm. Cái cách bà lão nhìn mâm cơm dọn ra, cách cầm đũa, cách và, nhìn người khác ăn rồi lại nhìn vào nồi cơm đang vơi dần, nó thật quá, nhục nhã cho một kiếp người quá, nhục nhã là cái miếng ăn, các cụ xưa đã nói thế. Cứ y như hắn tự viết về hắn. Khi hắn đã già viết truyện Mẹ và các con, cái cảnh bà mẹ ngồi ăn nắm cháy trước mặt khách của con trai, viết như xuất thần, như viết về chính mình cái thời còn nhỏ. Cũng như khi hắn viết về ông lão thư ký của trạm máy kéo trong Hai ông già ở Ðồng Tháp Mười, trong một bữa ăn mà hắn là khách, mắt hắn cứ mờ dần đi vì nước mắt tự cái năm nào còn lưu lại và đang chắt ứa ra. Miếng ăn là miếng nhục nhưng cũng là nỗi mong đợi một ngày của người luôn luôn đói, đang phải sống nhờ, ăn nhờ, bưng bát cơm mỗi ngày ở nhà người khác. Mà ông lão vốn là một giáo sư dạy văn chương Pháp của một trường trung học, là cựu sinh viên trường đại học danh tiếng Sorbonne. Trí thức và dân nghèo, già cũng như trẻ đã phải bưng bát cơm ăn nhờ trong ngôi nhà mình sống nhờ đều có một gương mặt giống hệt nhau: nhẫn nhục, sợ hãi và thèm thuồng. Chính là cái nhìn thèm thuồng muốn vồ lấy, muốn nuốt lấy mà mặt người biến dạng. Năm 1987, nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày sinh của nhà văn Nam Cao tổ chức ở thành phố Nam Ðịnh, hắn có hỏi đùa chị Nam Cao: "Chị nuôi anh thế nào mà để anh đói thế?" Chị ấy cười: "Ông ấy mà đói thì còn ai no, nhà tôi đâu phải là nhà thiếu ăn!" Người không đói mà viết về cái đói hay đến thế thì sự cảm thông của nhà văn quả là hoàn toàn.

Năm 1947, trung đội Tự vệ chiến đấu của hắn đóng quân ở làng An Tảo bám dọc con đường 39 nối với đường 5, một buổi chiều, hắn từ ngoài mặt đường chạy như thằng rồ về xóm, chả có chuyện quan trọng gì để phải chạy cả, tự nhiên thấy vui thì chạy, vừa chạy vừa nhảy. Trung đội trưởng đang ngồi ở sân đứng bật dậy, hỏi: "Có Tây à?" Hắn nhìn mọi người ngơ ngác, nói: "Không, không có gì cả!" - "Sao lại chạy như ma đuổi thế!" - "Dạ, dạ...". Bữa ấy hắn bị đồng đội xúm lại mắng một trận nên thân. Chả lẽ hắn lại nói thật, vì bỗng dưng thấy vui quá nên em chạy! Hắn có một tuổi thơ nhạt và buồn, sau này đi kháng chiến được nhìn thấy núi cao sông rộng, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đôi lúc ngoái nhìn lại về cái thời chỉ vừa mới trôi qua mà đã xa xôi thăm thẳm, chả có một khoảng sáng nào để mình phải nhớ, phải tiếc, chỉ có mỗi mầu xám nhờ lặng lẽ, bất động như một ngôi nhà hoang lâu ngày không có người ở. Năm Tổng khởi nghĩa là năm Hà Nội vui nhất, nhìn vào đâu cũng thấy cờ và hoa và rất nhiều báo, báo hàng ngày và hàng tuần. Cả thành phố như chợt thức giấc, ồ ạt lao vào những công việc mới mẻ trong một niềm vui mênh mang. Ấy là hắn vẫn chưa được nhập cuộc, vẫn là kẻ đứng ngoài vì tuổi còn quá nhỏ, một lũ trẻ con lộc ngộc đã bỏ học từ ngày Nhật đảo chính Pháp, kéo nhau đi chơi từ sáng đến đêm, nói với nhau bao nhiêu là chuyện trên trời dưới đất, rồi mơ mộng, rồi hy vọng. Cuối năm 1949, hắn được tỉnh đội Hưng Yên cử về Mặt trận 5 để làm số báo đặc biệt cho Hội nghị Rèn Cán Chỉnh Quân của năm tỉnh tả ngạn sông Hồng, cũng là những ngày hết sức vui. Ðang là một anh viết báo litô của bộ đội địa phương được bước vào quân doanh của bộ đội chủ lực cũng để làm báo niềm vui lớn ấy khiến hắn muốn nghẹt thở. Xung quanh hắn ngờm ngợp những bộ quân phục bằng vải kaki màu vàng sáng, mũ ca lô với những ngôi sao vành vàng, rồi súng ngắn, túi bản đồ, giầy ghệt, sang trọng, hào nhoáng rất giống với cái thứ văn thơ huênh hoang, hò hét của một thời. Ðội quân công tử ấy cũng phải mất nhiều xương máu mới thành đội quân thiện chiến của Việt Nam. Còn cái thứ văn của hắn mà cụ Tuân đã chê một cách tế nhị là pittoresque [*] quá thì hắn phải hì hụi tẩy rửa gần mười năm mới thành câu văn của chính mình. Nghĩ lại những năm đầu của kháng chiến hắn chả tiếc cái gì chỉ tiếc đã mất đi mãi mãi cái niềm vui ngây ngô, hồn nhiên của đứa trẻ lần đầu được sống thoả thuê trong tự do.

Cũng vào dịp các phóng viên của 5 tỉnh lần đầu về phục vụ cho tờ báo của mặt trận, người phụ trách báo liền tổ chức một bữa ăn gặp mặt tại một quán cơm ở thị trấn Quỳnh Côi. Thị trấn kháng chiến, một bữa ăn kháng chiến mà có khăn trải bàn, dao nĩa, cốc tách sáng choang. Sau bữa ăn có cà phê đá với thuốc lá thơm Cotab. Suốt mười lăm năm ở Hà Nội hắn chưa được mẹ dắt vào một hiệu ăn nào cả, chỉ biết mùi vị các món xào nấu ở các bữa giỗ và mấy ngày Tết, còn chỉ là những bữa cơm xoàng xĩnh ngày thường. Nhưng vẫn được ăn no, ngay như năm đói anh em hắn vẫn được ăn đầy đủ, nhưng cơm xới thì phải qui định, có bữa ăn hai bát, có bữa ăn một bát đầy, vì là ăn theo gạo sổ, mỗi bữa vẫn phải dành ra mấy lẻ gạo phòng khi Hà Nội không còn gạo. Không còn gạo thì ăn cỏ, một tờ báo đã bày cách chế biến cỏ cho người ăn. Nhưng cỏ thì mua ở đâu, nếu ăn cỏ cũng sống được thì làm sao lại có cả ngàn người, cả vạn người ở các vùng quê là nơi có rất lắm cỏ, lũ lượt kéo về Hà Nội để nằm chết ở các vỉa hè, các gốc cây, các góc phố, các gậm cầu. Hắn sẽ còn nhớ mãi vài hình ảnh ghê rợn của cái năm đói. Vào khoảng cuối tháng 4 của năm 1945, hắn và mấy thằng bạn rủ nhau đi học lớp vỡ lòng tiếng Nhật vì người Nhật đã thay Pháp cai trị xứ này. Lớp học buổi chiều mở ở một trường tiểu học của phố Hàng Cót. Trong vuông sân của trường đã có mấy trăm người ngồi từng nhóm như để đợi phát chẩn hay đợi đưa đi đâu đó. Có một anh thanh niên khoảng ngoài đôi mươi, mặt mũi đẹp đẽ, da thịt còn tươi, như người ở tỉnh chứ không phải ở quê, trên người anh ta không có một mảnh vải nào, trần truồng với nạm lông đen nhánh ở bụng. Anh ta cứ đi nhồng nhỗng từ góc sân này tới góc sân khác như đang tìm một ai đó, trần truồng mà đi chả xấu hổ một tí nào, và ngay cả đám người ngồi đen đặc ở sân cũng không một ai buồn ngước nhìn anh ta, cũng không ai cất lời hoặc than hoặc mắng một câu. Thì ra cái đói đã thay đổi con người thành con vật rồi, những con vật đã quên mọi thói quen trong các mối quan hệ cái thuở còn là con người. Dẫu thế nào người mẹ cũng không bao giờ quên được thương con, quên sự hy sinh tất cả cho con. Ðầu năm đói, gia đình hắn dọn từ phố Miribel về phố Duvigneau (phố Bùi Thị Xuân bây giờ), bên hông nhà thương chữa mắt. Một buổi chiều có một bà mẹ khoảng ngoài ba chục tuổi tay cắp chiếu, tay cắp con đến trải chiếu ngồi ngay ở trước cửa nhà. Một lúc sau hắn bước ra đã thấy bà ta đang mớm cháo hay cơm hắn không rõ, cũng chỉ có một chút ở mảnh gáo dừa, chỉ thấy đứa bé ngọ nguậy rồi trớ ra tất cả. Bà mẹ rên lên: "Không cố ăn một chút thì chết mất, con ơi!" Khoảng nửa đêm hắn chợt tỉnh giấc vì chợt nghe có tiếng khóc hờn con của người mẹ, tiếng khóc khàn khàn, yếu ớt, thê lương đến đứt ruột. Khoảng gần sáng thì tiếng khóc im bặt, chắc người mẹ cũng đã ngủ. Sáng rõ mặt người từ lâu hắn mới bước ra đường đã thấy mấy người phu nhặt xác đang cuộn chiếu bó chặt xác cả mẹ lẫn con vứt lên xe bò. Hơn nửa năm trời đi lại trên đường phố Hà Nội ngửi đâu cũng phảng phất cái mùi hôi khắm của các xác chết đã khô lại đen lại ở mọi ngóc ngách còn chưa lượm kịp đem chôn. Cứ đi một quãng lại va phải một xe bò chở xác người, các bó chiếu cuộn người xếp chồng lên nhau, mặt thì kín nhưng chân thì hở, những cẳng chân đen khô với những bàn chân có những ngón toè ra, nhìn xa như từng chùm rễ cây của các cây-xác-người. Từ trong đám xác chết đói bước ra, từ cái thân phận bị khinh rẻ bị làm nhục bước ra, nên những gian nan thiếu thốn của kháng chiến hắn chả coi vào đâu, lúc nào cũng vui, bị anh em trong cơ quan bỏ lại tại cái lán trống giữa rừng, dứt cơn sốt ngồi chồm dậy ngơ ngác một lúc lâu mới tỉnh lại dần, thấy bụi mọt đã phủ đầy người, phủ đầy những tấm giát nứa đã bỏ trống, tức là nằm chết ở đây đã lâu lắm, không chừng phải một hai ngày rồi vì hắn rất đói, đói cồn cào, lại dốc gạo trong bao ra, bắc nồi lên, nhìn ngọn lửa bốc cao lại thấy vui, một niềm vui bất tận, vui không duyên cớ gì, cũng không hy vọng vào bất cứ cái gì, được sống, được cất bước cùng với bạn bè là vui, kháng chiến bao năm cũng được, kháng chiến đến bạc đầu vẫn được, có bao giờ phải sống một mình đâu mà buồn, có bao giờ bị làm nhục bị bỏ đói đâu mà buồn.


6.

Trong hai năm 1954 và 1955, không có ngày nào, tháng nào rơi vào quên lãng vì mỗi ngày đều có cái hồi hộp, cái căng thẳng riêng và những niềm vui rất bất ngờ, không dám hy vọng cứ theo chân nhau ùa đến. Một năm các cơ quan chính trị, tham mưu của quân khu cứ hoạt động đều đặn theo các mùa, hạ thu thì nhốn nháo xúm quanh các hội nghị quân chính lớn nhỏ, các lớp tập huấn. Còn đông xuân là mùa tác chiến, cán bộ các ban phòng lại thay nhau đi xuống các đơn vị theo dõi các hoạt động phối hợp với các chiến trường chính. Tháng mưa tháng nắng, mùa nóng mùa lạnh, thời gian cứ nhịp nhàng trôi đi dưới những tán cây, trong các dãy lán, sáng có chuyện sáng, tối có chuyện tối, ngày ngày giống nhau, thi thoảng lại rộ lên một chuyện vui, vợ anh này, mẹ anh kia từ trong vùng "tề", cả từ trong Hà Nội và Nam Ðịnh vừa ra hiện đang có mặt ở nhà khách. Có anh ở Ban Tuyên huấn vừa nhận được tin vợ ra mang theo cả thằng con lớn liền kêu lên thảm thiết: "Người đâu mà liều thế, đường sá xa xôi nguy hiểm lại còn đem theo cả trẻ con đi!" Ăn ở với nhau được mươi ngày vợ con lại trở về Thành, một nửa năm vắng bặt mọi tin tức, nhìn ông anh mà thương hại, cứ như người đã nhận án tử hình chỉ còn chờ ngày thi hành án. Ðầu tháng 7 năm 1954, thành phố Nam Ðịnh được giải phóng, anh đeo ba lô lao về hướng đó ngay, làng của anh thuộc vùng ngoại vi của thành phố.

Tháng 3 năm 1954, phòng Chính trị phân công hắn thêm một việc mới, sáng sáng sang phòng Tham mưu tới chỗ cơ yếu nhận tin mới nhất từ mặt trận Ðiện Biên về thuật lại cho anh em ở cơ quan, sau đó viết bản tin rồi đưa xuống nhà in, sáng hôm sau gửi nhanh xuống các đơn vị. Ngày 7 tháng 5, chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, cả cơ quan làm bữa ăn tươi vào ngày hôm sau để ăn mừng. Ngày 21 tháng 7 Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Miên, Lào được ký kết. Lần đầu tiên hắn đi đại tiện trên một mỏm đồi còn sót lại những gốc chè, lắng nghe tiếng máy bay Dakota từ xa, rồi nó bay ngang qua đầu, trong lòng vẫn yên tĩnh lạ thường, khoan khoái lạ thường, vì chiến tranh đã thuộc về ngày hôm qua. Cuối tháng 11 hắn vào Hà Nội bằng xe taxi tư nhân từ thị xã Phủ Lý để tìm mẹ và em. Mẹ hắn già hẳn, đang quẩy hai cái xảo to bầy trầu cau và những khúc vỏ đi tới thì gặp hắn. Cứ nghĩ hai mẹ con đều phải oà khóc sau năm năm xa nhau trong chiến tranh mà rồi chả ai khóc cả, chân hắn tự nhiên nhũn ra và mẹ hắn cũng chỉ nói: "Anh đã về đấy à?", rồi bà cúi mặt xuống đứng nguyên tại chỗ một lúc mới lại bước tiếp. Hắn cũng gặp lại em trai, nó đã cao bằng hắn, người gày mỏng như cây sậy, mặc quần áo nâu, chít khăn chữ bát làm sư bác ở chùa Hoè Nhai. Tháng 8 năm 1955, hắn được Cục Tuyên huấn triệu tập về Hà Nội để viết truyện anh hùng. Cách đấy năm năm hắn đang là lính ngoài biên chế của một trung đoàn giải thể thì được điều động về báo quân khu cũng không ăn không ngủ được vì quá vui. Lần này cũng thế, người cứ bồn chồn nửa vui nửa buồn nhưng vui nhiều hơn vì những dây rợ để níu kéo hắn ở lại không nhiều, chỉ có một cô gái đang làm cấp dưỡng của đội văn công quân khu còn khiến hắn dùng dằng đôi chút. Nhưng ở Hà Nội thiếu gì người đẹp để hắn lựa chọn, vả lại "anh bộ đội" đang là một hình tượng có giá để phái đẹp săn lùng. Mỗi lần ăn cơm đều gặp nhau nhưng hắn vẫn không hé môi nói lời từ biệt với cô bạn mới quen biết. Hắn cũng chưa từng gặp riêng cô, cũng không mời cô sang thị xã Phủ Lý cùng mua sắm cái gì đó mỗi sáng chủ nhật, hình như hắn cũng chưa nói với cô gái một lời nào ngoài cái câu tẻ nhạt: "Cho xin một cái tăm". Rồi cô theo đội văn công đi công tác, hắn chuẩn bị về Hà Nội. Với cô hắn vẫn chưa thể tự dứt khoát, hoặc là giữ lại bằng một lời hứa, hoặc buông bỏ để được tự do hoàn toàn trong hoàn cảnh mới. Trước ngày về Hà Nội, anh Lê Mai, phóng viên duy nhất còn lại của toà báo đã gần như không hoạt động, gặp hắn và có lời khuyên hắn nên gắn bó với cô gái nông dân vừa xinh đẹp vừa hơi ngốc nghếch nhưng chắc chắn là người rất tháo vát, có đủ tài để gánh vác một gia đình trong mọi cảnh ngộ nếu như hắn còn muốn theo đuổi nghề văn. Anh nói: "Máu của cậu là máu loãng, máu bạc nhược, máu ăn bám của một dòng họ quan lại lâu đời. Cái loại máu ấy không được pha trộn với loại máu sạch, có sức chảy mạnh mẽ của người nông dân thì con cháu cậu sau này chả là cái giống gì!" Năm ấy hắn 25 tuổi, cô gái 19, kém hắn sáu tuổi, đẹp, dáng người đẹp, gương mặt đẹp, không ra người ở nông thôn, chỉ phải tội hai bàn tay dầy và hơi to, ngón tay cũng to, cũng là người lao động vất vả từ nhỏ, mẹ chết sớm, lúc ở với dì (là bà hai do bà cả cưới cho chồng vì bà chỉ có ba người con gái) lúc ở với các chị, phải làm mới có ăn chứ chả ai nuôi không. Ông cụ là đội khố xanh, các anh chị đều là người kháng chiến. Năm ấy lấy vợ là phải chọn người có lý lịch tốt, nếu vợ có liên quan tới tề nguỵ là hết sức rắc rối sau này. Cô ấy được cả người lẫn lý lịch, không nhanh tay thì người khác sẽ vồ mất, lúc ấy lại tiếc. Chỉ hiềm một nỗi cô ấy không được học hành gì, nói năng quá thật thà gần như ngây ngô nên hay gây cười trong bữa ăn vì những câu trả lời thiếu ý tứ. Nhưng ở xa thì nhớ lại sợ mất nữa, già kén lỡ chọn phải một cô vợ không hiền thì tan cửa nát nhà. Trong kháng chiến hắn đã được chứng kiến nhiều cô cán bộ đã lớn tuổi lại xấu gái, lại hay nói chuyện chính trị, cười nói đùa giỡn như đàn ông mà vẫn lấy được những ông chồng vừa đẹp trai, vừa là cấp chỉ huy. Là do bị mắc bẫy mà phải lấy. Một ông đại đội trưởng đóng quân liền nhà văn phòng của huyện hội phụ nữ. Cả xóm chỉ có một cái ao sạch và mát bên nhà huyện hội, nên trưa nào ông đại đội trưởng cũng mặc quần đùi sang tắm nhờ. Lúc thay quần lại nghĩ giữa trưa vắng vẻ nên cứ trần truồng bước lên bậc ao, đứng cạnh cái bể nước giội thêm vài gáo cho sạch, vừa giội vừa vỗ đùi vỗ mông như người khoe. Trong nhà vẫn có một thường vụ huyện hội tuổi ngót nghét ba mươi, mỗi lần thấy ông hàng xóm sang là chồm dậy đứng trong mành ngó ra. Con gái lỡ thì nhìn đàn ông còn trẻ tắm truồng dẫu là nữ tu cũng phát cuồng. Một lần tắm xong ông ta lại cả gan bước lên hè, gọi vào: "Chị có báo Cứu quốc số mới cho tôi mượn với". Chả ai trả lời cả, ông ta vén mành bước vào, cô cán bộ nằm ngủ, quần kéo đến trên đùi, chân co chân ruỗi, tờ báo muốn mượn đang phủ lên mặt. Thế là cái việc không nên xảy ra đã xảy ra. Ngày hôm sau, cô gái già bị cưỡng hiếp liền báo cáo với cấp trên của mình, và một tập thể các bà lên thẳng trung đoàn bộ gặp chính uỷ để kể lể về cái nhục đã phải chịu của một cô gái còn nguyên vẹn trinh tiết. Chính uỷ bảo: "Thế thì cái thằng ấy sẽ phải chịu trách nhiệm với chị suốt đời rồi, chị bằng lòng chứ?" Ðám cưới được tổ chức liền mấy ngày sau đó. Cô dâu tuy thấp mập, nước da hơi đen nhưng nét mặt đều đặn, nói năng lại hoạt bát có duyên, thôi thế cũng là được, lấy vợ cái sắc không quan trọng bằng cái nết. Nhiều chục năm sau, trong một lần dự một Hội nghị Nông nghiệp toàn quốc, hắn đứng trước quầy sách báo thì có người đụng nhẹ vào khuỷu tay và một giọng nói rất sang: "Xin chào nhà văn lớn!" Hắn quay người lại, ngỡ ngàng trước một bà thấp mập, tóc uốn cao đã bạc nhiều, đeo kính trắng, mặc áo dài gấm mầu xanh đen, sang trọng, quí phái không thể tả, làm sao bà ấy lại có thể biết hắn, có thể đùa cợt với hắn, ai nhỉ? Bà nào nhỉ? - "Còn nhớ Huyện hội phụ nữ Phù Cừ không?" Nhớ hết rồi! Hoàn toàn nhớ rồi! Bà nói hiện nay là là phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp một tỉnh, ông chồng đã về hưu, mới đi thăm con đang làm ăn bên Liên Xô chắc phải vài tháng mới về, có một con gái đang ở Mỹ, nó làm bên ngoại giao. Ông bà có ba trai, hai gái, sáu cháu vừa nội vừa ngoại, cháu đích tôn mới sang học đại học ở bên Úc, khéo chừng chúng tôi được làm ông cố bà cố sớm hơn anh đấy nhá. Còn anh thế nào? Thế nào ư? Năm mươi tuổi đầu còn nuôi con lên năm là thua bà chị nhiều lắm rồi. Thì ra con người ta làm gì cũng có số thật. Cặp vợ chồng này nghĩ là ép nhau mà nên hoá ra cũng vẫn là có duyên số.

Năm 1957 cô cấp dưỡng của Ðội văn công quân khu được tuyển về Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị vì có dáng người đẹp, gương mặt đẹp và giọng nói rất ấm. Ðoàn muốn huấn luyện một người đẹp thuần tuý đồng ruộng thành người giới thiệu chương trình của Ðoàn tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới được tổ chức ở Matxcơva vào cuối năm. Người thì đẹp nhưng ít học nên không học thuộc được những lời giới thiệu rất dài dòng, lại không nói được đúng giọng tiếng nước ngoài nhiều bài ca đã được dịch lời sang tiếng Việt. Không làm người giới thiệu được, cũng không hát được, múa càng không được, chả lẽ lại trở về làm nghề cấp dưỡng thì tội nghiệp nên đành phải đưa về Ðoàn kịch nói của quân đội. Ngày từ quân khu lên Tổng cục cô sang gặp hắn ngay, vào khoảng tối. Thoạt nhìn cô sau hơn một năm không gặp lại, hắn cũng ngạc nhiên, vì trong bộ quân phục mới cô như đẹp hơn, thành thị hơn trước nhiều. Hắn giới thiệu cô với Phùng Quán: "Ðây là bạn gái của mình". Cách nhìn đánh giá của Phùng Quán cũng làm hắn mát lòng, tức là Quán không ngờ hắn có cô bạn gái xinh đến thế. Nhưng khi hắn hỏi: "Em có được khoẻ không?" thì câu trả lời của cô khiến hắn sững sờ: "Mấy ngày nay chả hiểu ăn gì em toàn đi ỉa lỏng thôi, người mệt lắm". Phùng Quán quay mặt đi giấu một thoáng cười, còn hắn thì đã giận lắm. Thiếu gì câu nói hay hơn, kín đáo hơn khi lần đầu được trò chuyện với người yêu, ví như: "mấy hôm nay em không được khoẻ", hoặc "mấy hôm nay em bị đau bụng", hoặc "mấy hôm nay bụng dạ không được tốt". Việc gì phải nói rành rọt cái từ rất khiếm nhã, rất không nên nói. Trong hai người, người con gái yêu hắn vô tư, không vụ lợi, yêu là yêu, yêu cả từ cái hướng nhà hắn ở, cả những lối hắn đi, chỉ mong chóng tối để được vào thành gặp hắn. Còn hắn là yêu trong tính toán, trong lưỡng lự, có lúc muốn gắn bó, có lúc lại muốn buông bỏ, là vợ thì có thể được vì cái đức hy sinh cho chồng cho con đã thuộc về bản chất của các cô gái nông dân. Còn là người tình thì chán lắm, chán và nhạt đến kinh người. Cô đã phải từ bỏ chính mình để sống với môi trường mới, nói cười theo người khác, vui buồn theo người khác vì cô đã nghĩ những gì thuộc về cô nó "nhà quê" thế nào, buồn cười thế nào, thành ra một người sống giả, giả từ trẻ đến già. Cô chỉ sống thật khi có chị em, họ hàng từ quê lên thăm vợ chồng hắn. Những ngày ấy cô là một người khác hẳn, hồn nhiên, vui tươi, mọi câu nói đều tự nhiên, đều ấm áp, có cái duyên riêng, có sức quyến rũ riêng. Họ cưới nhau tại nhà Hợp Thiện ở đường Phùng Hưng (nay là nhà tang lễ của Hà Nội), là con đường song song với đường Lý Nam Ðế. Bên nhà trai có mẹ hắn và tạp chí Văn nghệ Quân đội, bên nhà gái có bố vợ và Ðoàn kịch nói Quân đội. Một nồi nước chè khô, thuốc lá Ðiện Biên, Tam Ðảo và bánh kẹo của mậu dịch. Cô dâu mặc áo dài, chú rể vẫn quần áo bộ đội và đi dép râu. Chủ hôn là nhà thơ Thanh Tịnh. Ðám cưới ngày ấy giống như một cuộc liên hoan của cơ quan, mọi người thay nhau chúc tụng, rồi ngâm thơ và kể chuyện vui, những mẩu chuyện mở đầu thì thanh kết thúc thì tục để gây cười, những cái cười nhạt nhẽo vô nghĩa của tuổi trẻ, cái tuổi rất dễ cười. Bọn hắn sống vào cái thời mọi nghi lễ đều bị tước bỏ (vì nó vô ích, nghĩ thế!), tất cả chỉ nhằm nhanh chóng đạt đến cái đích. Cái đích thì vẫn đến nhưng chả để lại một ấn tượng sâu sắc nào, về già mới chợt nghĩ hai người chưa hề đăng ký kết hôn tại một cơ quan nào của chính quyền, thậm chí cũng không có cả giấy hôn thú. Cái lối sống tạm bợ, tuỳ tiện, không kể đến những yêu cầu cần có của mỗi cá nhân, kể cả những yêu cầu rất thiêng liêng lan toả trong mọi hoạt động của xã hội. Một xã hội mà mọi người gần như quên hẳn những cụm từ cần thiết trong các mối quan hệ: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Cứ nghĩ lại những cửa hàng phở của mậu dịch mà hãi, xếp hàng, mua phiếu, xếp hàng cầm bát phở, những bát phở nhày nhụa nước mỡ tràn ra ngoài thành bát, vừa nóng vừa trơn, cầm không khéo là hỏng ăn, rồi và rồi nuốt. Tới đâu cũng được nhìn những gương mặt lầm lầm, những câu nói cộc lốc, gắt gỏng, đưa tiền, cầm hàng và không được chọn, có hàng đâu mà chọn, chọn là muốn đổi hàng, là phạm luật, khách mua to tiếng là quấy rối, là phạm pháp. Chỉ được nhận, có gì nhận nấy, không được phàn nàn, không được tỏ ra bất bình mới là một công dân tốt. Rồi sống mãi trong cái môi trường ấy cũng thành quen, khi hắn được gặp lại những người ruột thịt ở Sài Gòn vừa được giải phóng, ăn bữa cơm gia đình không mời ai cả, thích món nào cứ xỉa đũa gắp mãi một món ấy, tại sao lại nhìn tôi, tôi vẫn cầm đũa chứ có nhón tay ăn bốc đâu mà nhìn. Mấy đứa cháu ở Sài Gòn tỏ vẻ khó chịu khi người chỉ huy dàn nhạc mặc áo sơ mi bỏ ngoài quần thì chính hắn lại ngạc nhiên. Bọn trẻ nói: "Vào nhà hát người xem còn ăn mặc lịch sự huống là dàn nhạc". Chà, thói tật tư sản, thói tật đế quốc! Nghĩa lại trong năm đầu lấy nhau không còn nhớ được một kỷ niệm nào đẹp, không đi chơi đâu (nhìn bến xe khách là mất mật còn muốn đi đâu), không mua sắm gì (lại xếp hàng, thôi, ở nhà), cũng không có điều kiện làm những bữa cơm thân mật mời bạn bè những ngày lễ ngày nghỉ vì bọn hắn chưa có nhà riêng, họ vẫn sống ở cơ quan như trước, tối đến vợ mới sang phòng làm việc của hắn ngủ qua đêm, vợ muốn nấu một bữa cơm ngon cho chồng cũng không thể đành lại dắt nhau ra ngồi vỉa hè đường ăn quà. Mẹ chồng cũng không có chỗ ở riêng, vẫn là ở nhờ nhà người cháu, chỉ có một cái giường kê ở buồng ăn là chỗ nằm của mẹ, cũng là gặp nhau suông, nói dăm ba câu chuyện rồi về, đâu có thể chủ nhật nào cũng ăn cơm nhà anh chị. Chả có gì vui trong cuộc sống vợ chồng, chỉ có một thay đổi là họ không phải nằm lẻ loi mỗi đêm, còn tất cả vẫn như cũ, vẫn là cuộc đời lính, ăn cơm tập thể ngủ trên ván sàn. Mà lại có thêm nhiều cái phiền hà. Những giờ rảnh rỗi buổi tối hắn thường đọc sách hoặc viết, là cái khoảng thời gian sảng khoái nhất, mong đợi nhất trong ngày vì hắn được sống với nghề, được sống với những mơ mộng lớn nhỏ của hắn. Nhưng vợ hắn lại muốn đi xem cải lương, đi xem phim, phim hay thì khó mua vé, phim dở lại tiếc thì giờ, hắn ngồi ngáp ngắn ngáp dài một lúc rồi tựa đầu vào vai vợ mà ngủ. Nhưng vợ hắn thì vui lắm, được đi cùng chồng, được ngồi cạnh chồng ở chỗ công cộng là vui rồi. Ðã bắt đầu có những tranh cãi vặt, những giận hờn vặt, vì những ý muốn khác nhau, thằng đàn ông thì cậy quyền được vợ yêu, càng lúc càng bộc lộ cái tính ích kỷ, độc đoán, người vợ đã nhịn một lần đành phải nhịn tiếp, nhịn cho yên chuyện, xưa nay nhiều người đàn ông trong làng uống rượu say, chơi xóc đĩa vẫn về đánh vợ thì sao, hút thuốc phiện bán cả ruộng cả nhà mà vợ con không dám ho he một lời thì sao? Phận đàn bà thời nào chẳng khổ, không nín nhịn thì bỏ được nhau ư? Thằng đàn ông thành phố bắt nạt người vợ nhà quê bắt đầu là như thế. Vì hắn tự nghĩ hắn là một người chồng tốt, một thằng đàn ông có rất nhiều cái mạnh, hắn xứng đáng có được người vợ đẹp hơn thế, đảm đang hơn thế và cũng không bao giờ dám làm ngược lại ý chồng. Hắn là con thêm con thừa mà cũng vẫn được thừa hưởng đầy đủ máu huyết một dòng họ mà người chồng là ông chủ còn các bà vợ chỉ là tỳ thiếp mà thôi. Hắn không sợ người vợ bị bắt nạt sẽ có lúc tìm được cách trả thù. Không bao giờ! Vì không thể bỏ hắn để lấy người khác được. Hắn vừa có danh vừa có tiền, phải mỗi tội có máu gia trưởng, nhịn một chút là xong cả, còn lấy được ai hơn thế. Ðã có lần, năm còn trẻ, vợ hắn nói: "Tôi thà lấy một thằng chồng làm cu li nhưng vợ chồng quấn quýt nhau vẫn còn hơn làm vợ anh!" Hắn cười nhạo: "Thì đi mà lấy, còn kịp mà, các con tôi nuôi cho". Hắn nói trâng tráo, không chút hối tiếc thì người vợ lại đành nhịn. Nhịn hắn một chút vẫn là hơn cả. Thời trẻ còn không dám trả thù chả lẽ về già lại có cách trả thù? Thế mà cái chuyện trả thù đã xảy ra, khi các con đã trưởng thành, vợ hắn đã già lại bệnh mà vẫn có cách trả thù được, tìm được một hình phạt đáng sợ nhất, nhức buốt đến tận xương tuỷ, với một người thông minh như hắn cũng không thể nghĩ được cách thoát ra.


7.

Trong cuộc sống thường nhật không mấy khi hắn phạm phải lầm lỗi lớn vì hắn luôn biết tự giới hạn trong cái có thể. Một đời người mà không có đôi ba lần dám mạo hiểm vào cái không có thể cũng xem như chưa từng sống, một kẻ đã chết khi còn sống, một kẻ vô tích sự. Hắn quả là một kẻ vô tích sự, chả thế bố đẻ hắn khi ngắm nhìn hắn ngồi ngẩn ngơ ở một góc nhà đã phải thốt lên đầy thất vọng: "Thằng mán tiền!" Một thằng mán tiền mà dám phiêu lưu vào địa hạt văn chương, là cái lãnh vực hoàn toàn không có thể với thân phận hắn, với tính cách hắn. Vậy hắn đã có phép thuật gì để tồn tại được, tồn tại trong suốt mấy chục năm? Cuộc biến hoá ở trong hắn xét cho cùng lại hết sức đơn giản và hoàn toàn không tự giác. Vì hắn không có tính cách mạnh, không có bản sắc rõ ràng, chỉ là cái rỗng không, nhưng cái rỗng không ấy lại có sức mạnh hút vào nó mọi màu sắc của cuộc sống mà chỉ một kẻ nhút nhát, yếu đuối, có nhiều khát vọng dang dở mới cảm nhận được. Hắn tự biến hoá thành đối tượng được quan sát một cách rất dễ dàng. Là anh hùng hoặc một tên tội phạm chỉ qua vài lần tiếp xúc hắn đã có thể lặn vào tận đáy sâu để tìm ra cái then máy bí mật đã chi phối mọi tính toán và hành động của người đối thoại. Cũng có lúc lầm nhưng thường là không lầm. Hắn chỉ sợ có hành động, bất kể hành động gì, là tốt hay là xấu, là lớn hay nhỏ, hắn đều không bịa được, vì hắn chưa từng làm, cũng chưa bao giờ dám thử làm. Hắn nghĩ như triết nhân, làm như con trẻ. Ðã làm là hỏng, dầu là một việc rất nhỏ hắn vẫn không thể biết nên bắt đầu từ đâu nên kết thúc như thế nào! Nhưng nghĩ thì khác, nghĩ ngợi nông sâu, xa gần là thánh địa của hắn. Năm viết Xung đột hắn mới 27 tuổi nhưng chỉ ngồi trò chuyện dăm buổi với chủ tịch xã Nghĩa Hoà hơn hắn gần hai chục tuổi hắn đã có thể biến hoá thành ông ta hết sức tự nhiên. Rồi hắn nghĩ theo nhân vật, nói theo nhân vật và hành động bằng tưởng tượng đúng với tính cách của nhân vật. Nhân vật văn học đã hình thành cùng hắn đi suốt cuộc hành trình gần ba năm là khoảng thời gian đi về xã Nghĩa Hoà, cũng là khoảng thời gian của cuốn tiểu thuyết.

Nhân vật Thuỵ là một nửa khác của chính hắn, là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa một niềm tin trong trẻo với những ham muốn nhơ nhớp của đời thường. Khi nghe một cán bộ của huyện nhận định về Nhàn, phó chủ tịch xã, là một cán bộ có uy tín trong dân nhưng lập trường không kiên định, hắn nhận ra ngay cuộc giằng co khi thắng khi thua giữa niềm tin cũ thuộc về thiêng liêng với niềm tin mới của một Ðảng viên cộng sản. Cuộc đấu tranh này chính hắn đã từng trải qua, cho đến tận hôm nay, khi gặp một chuyện rắc rối không thể tìm ra lối thoát, hắn vẫn lẩm nhẩm khấn khứa: "Lạy trời, cho con qua khỏi được chuyện này, con xin tình nguyện giảm thọ mười năm để thoát ra khỏi chuyện này." Nhưng nhân vật Tam (cũng trong Xung đột) mới thật là mảnh đất hắn có thể tung hoành ngang dọc. Tam là một cán bộ rất trong sạch, rất thẳng thắn, chỉ một chút thiếu tỉnh táo mà thành kẻ phạm tội. Cái đau đớn của một kẻ có phạm tội thật nhưng chưa mất hết lương tri chả thấm vào đâu với một người không bao giờ nghĩ rằng mình có thể phạm tội mà lại hoá ra đã phạm tội, một cái tội vô tình đụng phải nó, rồi nhập làm một với nó, nằm trong danh sách những kẻ đã phạm tội, không có cách gì để thanh minh, để tách khỏi mình ra, để trở lại trong trắng như trước đó. Không có cách nào cả. Phải cúi đầu chịu một cái tội oan chả biết kêu với ai, chính mình kêu cứu với mình cũng thấy khó nghe khó cứu huống là với người khác. Vả lại với người đời, ngay cả với vợ con, với bạn thân tuy lắng nghe những lời bộc bạch với cái vẻ thông cảm nhưng dứt khoát không có một ai tin anh cả, không có một ai tin được anh là một kẻ hoàn toàn không có tội. Hạnh phúc không thể chia bớt với ai khác, bất hạnh cũng thế, phúc ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu, mỗi người là một nắm mồ với niềm vui và nỗi đau của riêng họ. Hắn nhận ra điều đó khi đứa con trai đầu của hắn bị chết đuối ở sông Hồng. Bạn bè kéo đến nhìn hắn vật vã than khóc với những ánh mắt rất buồn bã, rất thông cảm. Nhưng khi hắn nằm vật ra giường vì quá mệt chợt nghe tiếng các bạn hắn ở đầu hè bàn nhau chỗ hẹn để đưa các con lên xe ra Ðồ Sơn nhân chúng được nghỉ hè. Là những giọng nói khác hẳn, rất nhẹ, rất vui của các ông bố hạnh phúc đang nghĩ đến một chuyến đi rất thú vị của bọn trẻ sau một năm ăn học vất vả ở những nơi sơ tán. Có thể hắn là một nhà văn có khả năng bẩm sinh thông cảm tức thời với mọi cảnh ngộ, nhưng đúng hơn, hắn đã từng là một đứa trẻ rất trong trắng chưa hề phạm tội nhưng lại bị những người thân, rất thân, buộc tội là thằng ăn cắp, và đã đối xử với hắn như một thằng ăn cắp thực sự đang sống lẫn lộn trong đám con cái rất nết na của họ. Những kẻ lương thiện bị những tình huống trớ trêu đẩy họ thành kẻ phạm tội một cách oan uổng luôn luôn làm hắn cảm động, làm hắn tò mò muốn được hiểu thêm nữa, nhiều thêm nữa, để thêm một lần được sống lại những ngày tháng bi đát đã thuộc về quá khứ. Ðược sống lại với cái buồn cái nhục tuổi thơ cũng là dịp để hắn được dùng những giọt nước mắt của tuổi già tưới lên một vùng kỷ niệm mãi mãi là nơi ủ ấm những đốm lửa sáng tạo trong sự nghiệp văn chương của hắn. Hắn tin rằng không ai có thể viết hay hơn hắn về hai ông cháu Vũ Hồng Khanh. Người ông vì không có những quyết định đúng ở mỗi bước ngoặt của lịch sử, trở thành tội nhân của lịch sử, đứa cháu thì chả biết một tí gì về ông ngoại mà một đời phải lận đận vì những hoạt động chính trị trong quá khứ của người ông. Hắn đã phải chịu cái tội của tổ tông, là những cái tội hắn không thể biết chứ đừng nói có liên can. Lại một ông cựu đảng viên, vào đảng từ thời Nguyễn Thái Học mới lập đảng rồi cũng chạy trốn sang Vân Nam, rồi nhớ nước quá lại quay về, ra đầu thú với chính quyền kháng chiến, đi tù dăm năm, lúc được làm người tự do mới lấy vợ, mới sinh con, gian truân từ trẻ đến già. Cũng là một kiếp người mà sao đau đớn thế, khốn khổ thế. Nhưng tự mình tìm ra tội, rồi tự mình sống thấp thỏm với cái tội tưởng tượng ấy gần trọn một đời người mới thật là một cực hình. Anh ta là một người có học, thuở mới lớn có tham gia rào làng cùng các chú bác anh chị, nghĩ là rào làng kháng chiến chống Pháp, nào dè lại là rào làng chống Việt Minh, vì đây là làng của Nguyễn Thái Học, địa bàn hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng từ những năm 30. Kháng chiến thành công, anh phải đi tù vì đã có hành động chống cách mạng từ năm 1946. Ði tù năm năm anh được tha trước thời hạn vì là một phạm nhân gương mẫu. Từ ngày được tha, anh mới thật sự là kẻ có tội, thật sự sống trong tù. Cái tội do chính anh tưởng tượng ra và cái nhà anh đang sống với vợ con đã biến thành nhà tù, tự anh là giám ngục. Anh luôn luôn tin rằng mình là kẻ đang bị công an theo dõi nhất cử nhất động của anh đều được ghi chép rất cẩn thận, chỉ cần một chuyện gì đó về chính trị xảy ra ở trong vùng, thậm chí ở trong tỉnh là anh sẽ bị bắt lại ngay lập tức. Anh cười nói, đi lại hệt như một kẻ có tội đang bị theo dõi, lấm lét, khúm núm, nịnh bợ. Là người đàng hoàng ai lại sống như thế, đó là cách sống của một kẻ có tội, cái tội còn được giấu kín, cái tội ấy chỉ có một anh biết, và một cơ quan có nhiệm vụ theo dõi anh chắc chắn là có biết. Và đêm ngày anh ta sống trong sự chờ đợi, phải nói là mong đợi, được bị bắt để chấm dứt một lần cho xong cái kiếp người có mặc cảm là đã phạm tội. Hầu hết các nhân vật trong Một cõi nhân gian bé tí đều có mang tội với ai đó, đều có khả năng phạm tội với ai đó. Người ông có tội với đứa cháu ngoại vì đã để lại một di sản chính trị không được tốt đẹp cho con cháu. Người đàn ông có tội với vợ con vì đã không biết tổ chức một gia đình vững chắc để vợ con có chỗ nương tựa lúc thời thế đổi thay. Người chỉ huy có tội trước cái chết của chiến sĩ vì đã lên một kế hoạch tác chiến thiếu chuẩn xác. Ðứa cháu có tội với bà cô vì đã để bà phải sống cô đơn lúc tuổi già sau nhiều chục năm hy sinh cho anh trai, cho các cháu. Ông uỷ viên của viện kiểm sát cũng phần nào có tội trước những lỗi lầm của các phạm nhân nguyên là chiến sĩ đã từng đánh Mỹ chỉ vì họ không tìm được việc làm thích hợp mà thành can phạm. Xét đến cùng mỗi chúng ta đều ít nhiều có tội trước những bất hạnh của vô số người mà ta đã nguyện một đời phục vụ cho sự no ấm và an toàn của họ. Và ông bố hắn cũng là người có tội khi đã sinh ra hắn mà không có một trách nhiệm gì về cái sinh mạng bé nhỏ mang dòng máu của ông, lại còn vu tội cho hắn để ông được thanh thản rũ sạch cái phần trách nhiệm phải có của mình.

Cái mặc cảm chính hắn cũng là kẻ ít nhiều có tội trước những bất hạnh của bè bạn, của đồng nghiệp, khiến hắn sẵn sàng giải hoà, sẵn sàng nhận lỗi khi có điều kiện, không hề sợ bị mất mặt trước bạn bè, hoặc sợ bị cấp trên hiểu lầm. Năm 1987, Ðảng và Nhà nước bắt đầu đổi mới hệ thống quản lý kinh tế, xã hội và chính trị cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, Ban thư ký Hội Nhà văn có giao cho hắn và nhà văn Xuân Thiều đi mời các nhà văn bị kỷ luật trong vụ án Nhân văn Giai phẩm trở lại sinh hoạt với Hội Nhà văn. Hắn đã nhận nhiệm vụ như kẻ được dịp lập công để chuộc lại nhiều lỗi lầm của mình trong quá khứ. Nhưng những người bị kỷ luật, trong quyết định chính thức là ba năm mà hoá ra kéo dài ba mươi năm, cũng có quyền bất bình, hờn giận với những người đi mời, có anh còn không muốn trở lại Hội nữa, là nhà văn ngoài Hội thì đã sao, vì Hội đâu có bảo vệ được họ khi họ gặp tai nạn. Hắn là tên đao phủ (như có người bạn đã gọi hắn thế trong một lúc quá giận), nhưng lại có bộ mặt của kẻ chịu án, không phải trong lúc này mà suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ hắn có bộ mặt vênh váo của kẻ hãnh tiến, kẻ thắng cuộc cả, chính là cái bộ mặt biết hối lỗi ấy đã khiến mọi việc hoá ra dễ dãi, hoá ra vui vẻ. Một người nói rất gay gắt, người khác lại bảo: "Thằng K. nó đã nói thế thì cũng nên nghe nó, nó cũng là đứa biết phải trái" - "Nó vì anh em mà vất vả, giận dỗi với nó mà làm gì!". Thế là xong, cuộc dàn hoà đã hoàn tất. Ông Trần Dần muốn đi khám bệnh và ông sẽ đi bằng xích lô. Hắn và Xuân Thiều bảo sẽ đưa xe của Hội tới đón ông, Trần Dần gạt ngay: "Mình thích đi xe của dân chứ không thích đi xe của quan". Hắn nói: "Anh không thích nhưng vợ con anh thích, ông Trần Dần đi khám bệnh bằng xe hơi của Hội là người hàng phố sẽ nhìn gia đình anh bằng con mắt khác, nói năng với vợ con anh bằng cái giọng khác". Hắn còn nói đùa: "Thần tiên sống bằng khí trời thì không cần, nhưng người phàm tục sống bằng gạo bằng muối thì vẫn rất cần". Trần Dần cười, không phải vì hắn nói hay mà vì lòng dạ hắn còn ngay thật.

Suốt một đời hắn chỉ sợ nói oan cho ai một truyện gì đó, vậy mà hắn vẫn nói oan và cả viết oan cho hai người bạn mà hắn còn nhớ. Trường hợp thứ nhất là với nhà văn Trần Kim Trắc. Hắn thuộc tên Trần Kim Trắc trước mấy năm khi được gặp mặt. Ấy là cả hai đều có tác phẩm được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952. Trần Kim Trắc được giải nhì với truyện ngắn Cái lu, còn hắn được giải khuyến khích với truyện vừa Xây dựng. Năm 1956, hai người mới được gặp nhau, khi Trắc là một cán bộ của Tiểu đoàn Ba lẻ Bảy lừng danh tập kết ra Bắc và về Phòng Chính trị quân khu 3 làm công tác văn nghệ báo chí thế chân hắn vừa được điều động về Cục Tuyên huấn. Trong một lần về Hà Nội họp, Trắc có gợi ý hắn nên về xứ Quỹ Nhất thuộc huyện Nghĩa Hưng để tìm hiểu một vụ xô xát lớn giữa đám thanh niên công giáo với một đơn vị bộ đội đóng quân ở đó. Trắc nói: "Cũng lớn chuyện đấy, phức tạp hơn trong Nằm vạ nhiều". Một tháng sau hắn bắt tay vào viết tập 1 của bộ tiểu thuyết Xung đột (quyển 1 gồm bốn tập). Năm 1957, Trắc cũng được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội mới được chuyển trụ sở ra nhà số 4 phố Lý Nam Ðế. Nửa năm sau thì Trắc gặp nạn, một lỗi lầm trong sinh hoạt, cũng nhỏ thôi, gặp người phụ trách có lòng độ lượng thì chả có chuyện gì xảy ra cả, có thể vừa cười vừa trách nhẹ một câu là xong. Ðằng này mỗi người có mặt trong cuộc họp nói hùn vào một câu, chuyện lúc đầu thì nhỏ, dần dần hoá ra to, hoá ra nghiêm trọng, cuối cùng bản án anh phải chịu là hết sức nặng nề. Sáu năm sau, năm 1963, hắn có việc phải về Hưng Yên, bất ngờ gặp lại người bạn văn thiếu may mắn là nhân viên phụ động của Ty Công nghiệp tỉnh. Trời đã chạng vạng tối, cùng ngồi với nhau trong ngôi nhà lợp gianh của một thị xã xơ xác, tiêu điều, tối om như cái làng mới lập, nhìn nét viền của gương mặt bạn trong tranh tối tranh sáng mà hắn muốn ứa nước mắt vì xấu hổ, vì ân hận. Trong sáu năm qua, hắn và các bạn ở cơ quan cũ đã có một ai gửi tới người đồng đội gặp nạn một lời thăm hỏi, một lời an ủi? Hoặc một lời giới thiệu với cơ quan mới để bạn được hiểu đúng hơn, để bạn đỡ khổ hơn? Hắn vẫn được viết văn còn bạn hắn đã bỏ nghề từ ngày rời khỏi tạp chí, bây giờ chỉ còn lo kiếm sống chứ tâm địa đâu nghĩ tới chuyện viết văn. Lại nhiều chục năm sau nữa, đôi bạn oan nghiệt lại chạm trán nhau tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn hắn tóc đã bạc phơ, lông mày lông mi đều bạc trắng, nhưng gương mặt lại rạng rỡ như được chiếu sáng từ bên trong. Trong câu chuyện hàn huyên sau nhiều chục năm xa cách, bạn hắn không hề nhắc lại nửa lời chuyện cũ, cái chuyện rất buồn, rất tệ của một thời, thăm hỏi đủ mọi người, chả giận một ai, chả nghĩ xấu về một ai, chỉ khi chia tay mới bảo: "Mình rất biết ơn chín năm làm anh bộ đội Cụ Hồ thời đánh Pháp. Không có cốt cách của một thằng lính thì khó mà chống đỡ những sóng gió của cuộc đời. Ðời rất dài ai mà tránh mãi được những chuyện không may".

Năm hắn 69 tuổi, trong một năm hắn nhận được ba, bốn lá thư của Vũ Bão, một bạn văn quen biết nhau từ thuở thiếu thời. Trong các lá thư Vũ Bão có nhắc lại một bài phê bình của hắn nặng về chính trị, nhẹ về văn chương, gần như kết án cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của anh, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1958, cách đây đã 42 năm. Quả tình hắn đã quên biến mất bài báo đó, quên từ lâu rồi. Vả lại họ vẫn gặp nhau trong suốt mấy chục năm ở Hà Nội, cùng uống trà chén ở các quán dọc đường, nói chuyện trên trời dưới đất rất hồn nhiên, rất vui vẻ, có ai nhắc lại chuyện cũ đâu mà nhớ, một lời bóng gió hằn học cũng không có. Vậy mà nỗi đau của bạn vẫn còn đó, nguyên vẹn, tươi mới như chuyện mới xảy ra trong ngày hôm qua, trong tháng trước. Thì ra người cầm dao không thể có cùng một nỗi đau với người bị chém. Vết chém lành nhưng vẫn còn sẹo, còn bàn tay cầm dao buông dao ra đâu có để lại vết tích gì. Trước ngày họp đại hội nhà văn khoảng một tháng, hắn lại nhận được thư của Vũ Bão. Lần này anh ấy yêu cầu hắn phải có mặt tại đại hội, bằng mọi giá phải có mặt, không được lẩn trốn để nạn nhân có thể đứng trên diễn đàn đại hội vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của một "tên sát thủ", một "dũng sĩ diệt đồng đội" trước mặt bạn bè. Nếu hắn còn ở tuổi 40 có lẽ hắn sẽ có phản ứng khác, nhưng hắn đã bước sang tuổi 70, đang sống mấy năm cuối của một đời người, một đời viết, đã từng có nhiều cơ hội để nhìn lại từng chặng đường của mình, những cái phù phiếm, những ganh đua con trẻ, hiếu thắng con trẻ và cách tự toả sáng cũng rất con trẻ đã tàn lụi theo năm tháng từ lâu rồi, phần còn lại khiến hắn không được an tâm là những lầm lỗi của mình, những lời nói bài viết kiêu ngạo, độc đoán một thời của mình, áp đặt một cách nghĩ đang được người đương thời ủng hộ và loại bỏ mọi cách nghĩ mà lúc về già hắn vẫn thường phải đối mặt, chuyện đời có, chuyện nghề có, chuyện trong gia đình cũng có. Hắn đã sống đời hơn nhiều, thêm tuổi thì mọi cách nghĩ ngợi của hắn càng gần giống với một ông già lương thiện, một ông già biết cách ăn ở lui tới, một ông già từng trải. Xem ra về già bạn bè thương hắn hơn, bạn đọc cũng yêu hắn hơn, và con cái cũng dễ thông cảm với hắn hơn. Là người biết nghĩ thì đã làm việc lầm lỗi phải biết nói lời xin lỗi, phải biết xin những người bị hàm oan mở lòng tha thứ và sẵn sàng chịu nhận những lời mắng mỏ, chửi rủa không chút oán hận. Hắn đến Ðại hội nhà văn với tâm trạng thư thái nhẹ nhõm vì đã tự giải phóng ra khỏi cái ngục tù vị ngã của mình. Khi cái người đã chuẩn bị bản án tuyên đọc trước đại hội hỏi hắn: "Bây giờ ông tính sao?" Hắn đã trả lời rất thản nhiên: "Ông hãy nói hết về tôi như ông đã chuẩn bị, phản ứng của tôi sẽ là tích cực". Vũ Bão lại hỏi: "Ông có lời nói lại không?" - "Không nói lại gì cả, không thanh minh gì cả, tôi chỉ xin lỗi ông trước đại hội thôi". Vũ Bão nhìn hắn với ánh mắt nghi ngờ: "Là thật sao?" Hắn đưa bài phát biểu đã viết sẵn vẻn vẹn chỉ một trang đánh máy: "Tôi sẽ đọc nguyên văn, không thêm một chữ, anh đọc trước đi". Nhưng hắn nói thêm: "Tôi đã có lỗi với nhiều người chứ không phải chỉ với một mình ông. Tôi muốn nhân dịp này được xin lỗi tất cả các anh chị đã có lúc tôi xúc phạm tới niềm tin riêng về nghệ thuật của họ". Sáng hôm sau Vũ Bão lại gặp hắn với lời đề nghị khác, rằng anh không muốn đem chuyện riêng của hai người ra nói trước đại hội, nhưng anh sẽ in lại lời xin lỗi của hắn lên bìa sau của tuyển tập Vũ Bão sẽ in trong nay mai và anh hỏi hắn có bằng lòng không? Hắn nói, lời xin lỗi của hắn là công khai, tuỳ người được xin lỗi muốn dùng cách sao đều được cả. Hai người nhìn nhau một lúc cũng lâu rồi đều cười, cả hai đều đã già, cái thời đòi sự thắng bại đã qua, chỉ còn lại một cách sống hiền minh giữa những người già, lại là những người cùng làm một nghề. Lúc chia tay để vào họp, hắn nói với Vũ Bão: "Ông có gặp Bùi Ngọc Tấn nói giùm tôi rất muốn gặp anh ấy". Vũ Bão nói: "Hắn cũng mới hỏi ông xong, đến bữa cơm gặp lại nhau nhá!".


[*] Pittoresque: quá đẹp (nên thiếu cái thật)
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà Ná»™i, 2003