© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.6.2005
Lê Đạt
Bóng chữ
5 kì
 1   2   3   4   5 
 
LÃO NÚI
(trích)

Róc rách con nước tuổi xa
rừng cầm giữ một kỳ trận chữ

Nhân con ngựa gỗ

Tôi không ác cảm thơ “mới” năm 1930. Tôi từng đã có thời say mê các nhà thơ “mới” và hành bút dưới bóng của họ.

Nhưng tôi không muốn tiếp tục. Thành tựu của họ đòi hỏi ta phải thử những thành tựu khác.

Thơ “mới” năm 1930 chịu ảnh hưởng nặng chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ XIX. Nó chưa ra khỏi quỹ đạo mà các nhà thi pháp học gọi là định lý Đalămbe: “Chỉ có thể coi là ưu trong thơ cái được đánh giá là tối ưu trong văn xuôi!”

Thơ không phải văn xuôi được nâng cấp, mông má tại một mỹ viện. Văn xuôi chủ yếu dựa vào “ý tại ngôn tại”.

Thơ khác hẳn, dựa vào “ý tại ngôn ngoại”.

Đã “ý tại ngôn ngoại” tất nhiên, phải cô đúc, đa nghĩa.

Đa nghĩa vì câu thơ mang nặng lịch sử chữ, hoạt động ở nhiều tầng văn hóa, cả trong ý thức lẫn vô thức người viết. Nhà thơ ít nhiều ngoại cảm chữ.

Có người hỏi Malacmê:

“Ông định nói gì trong bài thơ?”

“Nếu biết định nói gì thì nói, việc gì phải viết thơ.”

Lại hỏi:

“Sao tôi nhiều ý hay mà làm thơ lại không hay?”

“Người ta làm thơ không phải bằng ý mà bằng chữ.”

Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng” nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ bài thơ.

Nói như Valêri, chữ trong thơ và văn xuôi tuy giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về giá trị (hóa trị có lẽ đúng hơn).

Người đọc thời trước là một người đọc tương đối thụ động tìm lý giải một ý đã có sẵn.

Người đọc thời nay là một người đọc tích cực cùng tham dự phát nghĩa với nhà thơ.

Người đọc phần nào đồng tác giả với người viết.

Ông phó cả ngựa có thể là một nhà thơ không tự biết. Nhưng con ngựa của ông họ hàng với những con chữ, nó sinh sôi nảy nở bất tận với trời đất.

Bậc phó cả
dễ ít nhiều
Tạo hóa
Cùng cánh thợ

Đây là một loài ngựa gỗ đặc biệt, loài ngựa công nghệ sinh học đời mới. Người nghệ sĩ già đã cấy vào đó gien của số phận.

Ngựa lên mấy
mà nghìn tuổi cây
và một tiểu sử người

Và câu chuyện về Ông phó cả ngựa biết đâu chẳng là một ngụ ngôn về thi pháp, về truyền thống, đổi mới.

Đại sư Cổ Đức nói: “Khi ta trỏ mặt trăng, nhiều người mải nhìn ngón tay mà quên mất mặt trăng”.

Bạn đọc trước khi bước vào bài thơ xin tạm để lại cách đọc tuyến tính thuần duy lý ở ngưỡng cửa như người khách bỏ giày trước khi vào một trà thất Nhật Bản.

Bạn hãy thử để những hình ảnh những con chữ trong câu thơ dắt dẫn trên con đường tâm thức ra khỏi lối đi ngữ nghĩa “tiêu dùng” một chiều quen thuộc hàng ngày.

Ông phó cả ngựa...

Khúc sung già cong chỏng rễ rừng
Mưa xả gần già dốc dựng

Cháu đồng chiêm lững chững
tuổi ngàn
quà đàn tuấn mã
Khúc gỗ như sinh ra để ngựa...

Cảm thông số phận cây cỏ
hay ông già tồn chất gỗ
Thiên hạ danh xưng phó mộc


*


Bậc phó cả
dễ ít nhiều
tạo hóa
Cùng cánh thợ
Kỹ thuật già
mộng trẻ

sòn sòn loại lạ
đuôi rồng mặt hổ
bờm bờm sư tử
sơn lông thì hươu sao
Rất mực tung hoành Xích thố
mà lù đù gỗ

Ngựa số
và không số
cổ ba ngấn
năm sáu
tiếp theo
Và cứ...

Lỗi mùa xuân rủ rê lớn
Con cu gù xanh
hay cao số ngựa cây còn
sự mọc

Lũ vật lớn bốc
Một đàn lốc nhốc
guốc khua cốc cốc
sơn bốn chân thò mộc
lộc ngộc
ngựa quần cộc

Ơi cái dậy thì của gỗ!
Một tay thang nghếch đầu quên
cửa mở
thông đồng trời
đập
vẫn cánh viễn du

*


Kiểm mất hôm sau một ngựa

*


Lẳng lặng ông già thang chỗ khác

*


Có phải đời ngựa rồi
cây vẫn nỗi niềm
hoàng hôn tha thiết xanh
dăm vì sao đổi ngôi

E đường vân tâm cây
khi không phải thớ gỗ
biết đâu chẳng những ghi âm con trống
ơi tình
sớm ấp xuân nào
cứ ai...
Cô trẻ thư người yêu tối qua
sớm khăng khăng ngựa chim hát
Hỏi ông già
ông già mải đâu
Chừng ông cũng đương chim hát
một ngày rất dĩ vãng

Ngựa lên mấy,
mà nghìn tuổi cây
và một tiểu sử người

Ông già từng đâu
loại lạ
đời đường trường

Thì long
Thì ly
Thì sư
Thì hổ
Thì hươu
Thì anh cán bộ bảo tàng một hai
Thời ma-mút ngựa xếp hạng
văn minh Xahara
Nghé nghiêng cô trẻ tay bỗng vỗ
Giống cụ phó

Ông già tủm tỉm
Ngựa là tinh tôi

Cụ phó sinh năm Bính Ngọ
Hai bên lại có tin tìm hiểu
Bà kể chuyện dân gian
mọc mộng
bằng tuổi nước

Khốp khốp
Cái con ngựa ô

Cũng có thể ông Q. thợ trời
dăm ba chi tiết sửa đổi
ngày Chúa nhật...

Ông quyền trưởng ban cải tiến nông cụ
Hợp tác Rừng
Hay ông già bất giác
sự ngựa
ga Kỳ Lừa nào

Có người bảo
cụ biết mã ngựa

Phép dưỡng gỗ đời nhận ra
mấy ai ...

*


Nhất thanh thản phân vẫn là món trẻ
phốc tốc luôn mình ngựa
giật cương

Nhong nhong cắt cỏ Bồ đề
Xứ xứ đồng chiêm nước bạc
đại lộ rừng chưa kịp tên
Cột cây số mơ ông
lại cột kilômơ (viết tắt km) cháu

Đường bụi trang lịch cũ
ếp ếp
đàn Thời gian...


Ông cụ chăn dê

Ông cụ mịt mù dê phía núi
Rít rít làng và khói xóm lưng

Mặt con chim hót
Thuở ông già nhập núi
gió cửa rừng vơi lạnh

Ơi! Cái hơi người

Lũng vắng
Ba lần thuốc ông châm
Mảnh tinh lạc trời
Có quẹt đúng tẩu ông già gỗ sâng
mồi thuốc Mán bỗng rực
Ông rít hơi dài
Đàn dê bõm bẻm trăng
Mấy lũn cũn dê con
Chân tân tất trắng
vểnh râu thang gọi
Be he ông
Ông vuốt râu cháu nhỏ
đứa ông đón tay hạt muối
Bầy chiên lành cỏ mộng
luân mùa đất hẹn
Chăn đàn râu nắng

Ông là ông cụ chăn dê
Lòng những nơi mầm

Ông cải cỏ nương Voi
Cửa núi mình tơ tơ đẹp
Tỉa ngọn rừng non xòe lá tán
Miệng nõn nà dê
Đàn dê ông nuôi Hợp tác
nhân như rừng…

Anh kế bổ túc về
Biết phép tam suất
Đếm đi đếm lại
Một con dê trắng... hai con trắng dê
ba con dê trắng...
Dê hằng hà nghìn lẻ vỗ bạch đêm
Ơ những con A con B con C [1]
con Dê
bản trang trang trắng thảo thơm
ông rén bước nhẹ
Mùa chẳng là xuân
Đất dậy men
Trời ghẹ xanh
Yếm trúc mẩy măng đôi núm sừng bò
Mót xoan
Gốc lim mười năm sét đánh
Ngó ngoáy chồi tơ trái đào
gọi là tí xuân
Con đông thử
đất lòng nửa năm tu ngủ
hé him mắt
ngáp cái xuân khởi động...
Bụng mầm xoan ba tháng
Rừng động xanh
Ai đừng được xuân
Mấy dê non buồn sừng húc gió
cẫng lên cỡn lên
Be he xuân

Ông bắt quả tang cây bạch đàn

Nồi cơm phì
phưỡn bụng khì

Anh kế thì say ông già đong lẫn
thì ông già khà khà
“Mùa xuân... mùa xuân
gạo nở”

Ngày lún phún nắng
Gió xông nhà đỏ hoa hí hởn
màu phong bao

Anh kế lên cây “xi-mi-li”
đánh mới nước lần đôi xăng đá
Ông cháu ta xuất hành hướng nào
Ria vân vê đăm chiêu ông cụ
một câu khai bút
gầm sàn con hoa mơ bỗng

Đét đùi ông cụ nét hơ hớ
một sự sinh
tay ha hả phía mọc trời
“Hướng cục tác”
Ơ hỡi ngực son
phập phồng non nõn xuân
Con mái đuôi xòe ngơ ngỡ
Chiều bạn chân đàn núi
gặm xanh đồng sao

Ông ngồi... thời gian
Trán bồi nếp địa tầng
Đêm vô cùng ông hàn huyên gì
Mải trời
Chiếc tẩu Mán khẽ rung
Có phải cần vô tuyến điện
Tút tít bên kia lúc lại bíp bíp về
Như tiếng chim bìm bịp đôi khuya
Ông hắt hơi thông ba lần
Chân ông con cún mực dương không động
leo lét ánh mắt sao ơi là xa
Nó anh em gì chó đăm chiêu Kim tự tháp
Năm trầm ngâm cát
nung nấu mơ mầm đá
Ông biết chờ…

*


Giang cánh cửa trời xanh ông
“Chào bác”

Tức có hồi âm
“Chà... ào b... aác”

Trịnh trọng ông ngả mũ
Anh kế chợt à
Hai người chào ngôi thứ ba
Bông hoa mười giờ ai hẹn hò
Có người gọi hoa đồng hồ
Ông nghiêng bình toong nhựa Hàm Rồng
khà thôi nước luộc
tóc vòm lơ đãng trắng
Gối đầu tay hoa chờ
Ô sợi tóc tiên nào cù râu
Từng duyên nợ loài chim hiếm
Thời đồng đá đâu bay biển cạn
Tay hơi ai một chiếc lông đuôi
Nhịp nửa cầu vồng
ngã tư áo giải nàng công chúa
Be he Be he

Từng tiếng đơn thanh gió
Người khách du thấp thỏm chân trời
Nương sắn chiều nhớ lửa
Con gà rừng gáy gọi

Ông lim dim
nghe im cựa máy mùa

Sớm nay nhìn gì
Đỉnh núi ông đứng
Ông đứng nhìn gì
Bảy mươi năm làm người
hòn đá trôi xuôi
Con mương nay mừng thuận ngược
Dâu chiêm rể mùa
Hai họ lúa đi tơi tới
Ai thống kê bản Phượng hoàng xanh đèo đôi
Vườn đồng bào xen như vui vườn trẻ
Trạm thủy điện nhỏ đầy tuổi tôi bật đèn
Cây me mũ thóp đỏ đầu nhà sinh

Ông đứng cả giờ
Ông vẫn đứng.

*


Dân bản xì xào
Như đỉnh núi ít lâu nay nhô cao
Các cụ rằng
Sách chép Âm Dương vận hành
Trăm linh xuân
lần đá đẻ
điềm Đại Mùa

Chòm núi hình sương sớm ông cụ chăn dê
Người ta gọi chòm núi
Ông cụ Chăn Dê





Ông cụ Nguồn

Ông cụ quê ở đâu
Tên gì
Quen miệng... ông cụ Nguồn

Dắt ông cháu tiểu lích chích trái đồng
Khăn gói mấy lần cổ tích

Ông già mù
Chuyện rằng...
người lại chi tiết
chi tiết nào cũng đẹp
cũng mùi
chính bâng khuâng ông cụ
hơn một lần xuýt xoa
không đúng thế là không đúng
Hai ông cháu tung tăng huyền thoại
trường kỳ hỏi nước
tìm nguồn

Mây trắng đồng dao đưa cụ xã Việt Hà
Đất đậu
xưa đàn cò lả
Mùa hoa nắng
Ban quản trị khách đãi trà bạch trúc
tuyết một lừng tiếng rừng

Cụ nhấp ngụm
Nhăn mặt
Trà thanh... nước tạp
Phủi quần ra hiệu cháu
không đoái hoài chiếu rượu lủi
món giả hùm
khói mâm đồng Lạc Việt
phập phồng một vị riềng quê
Đám trẻ rất sự mê
níu áo người đi
hai ba
mạch đòi thứ thiệt

Ông cụ khà khà râu
đứng bắt tay từng mộng trẻ
giọng bỗng trầm
“Các cháu đừng buông tuồng nước”

Trong thanh trắng
Ông nhìn phía bên kia vật
Tay lần mạch đất
như người lần mạch chữ
vượt biên thùy cõi biết

Nguồn nơi đàng trong

Và khác người thuận trũng
mà giếng
Ông ngược cao
Rẻo mùa xuân én hẹn
cánh mơ đầu trắng
Lúc lại dừng bước
Tay áp ngực
trầm ngâm
tiếng nước tâm sự đáy
Người thâm canh sống

Mắt ông
bỗng sóng sánh
như vì sao tắt ngàn năm
tấc lòng giờ mới thông tin sáng

Ông cắm giếng
Cồn đất múp
Sừng gái mười bảy
Đào lút hai vầu cột cờ

Anh kỹ thuật đo
vừa loa
mười chín... tám

Thì reo
Rồi ùng ục
Rễ nước đại thụ
từ sơ địa
mịt mù dã sử
phun sáng ngần
Đêm pháo hoa mừng tuổi nước

Một ngôi sao mới lớn
mải gương mơ kỳ thi hoa hậu
vô ý lăn tùm giếng
Đường Ngân hà giọt giọt
niềm trần
lấp lánh

Non một chiêm bao
Giếng cắn chỉ hai mươi thước nước
gầu xuân
em múc mắt giăng thề

Một chị mẹ
Gái một con
Thon nở phì nhiêu
Mẫu tự suối
Vú mầm
Tia ngó cần
Tăm
lòng giếng động

Bát nước tuổi đầu
tâm phau
khối bạch

Những năm đất hạn
Nước xót rỉ máu

Con trai con gái đổ xô giếng Cụ
(còn tên giếng Sữa)
Kín nước
kìn kìn như hội Nhảy

Rồi nhiều năm
Vùng Rừng không thấy cụ xuất hiện
Chừng ông cụ về Nguồn.

1970



[1]Đọc là A, Bê, Xê