© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
7.6.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
tự truyện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
13.

Ðề tài vùng nông thôn theo đạo Thiên Chúa cũng là một lãnh vực hắn gắn bó từ nhiều chục năm nay. Chính là với đề tài ấy mà hắn bước hẳn vào nghề văn từ truyện ngắn Nằm vạ, sau đó là tiểu thuyết Xung đột. Từ nhỏ hắn có thiên hướng về cái thiêng liêng, cái thế giới bên kia để tìm một chỗ ẩn náu cho cái thân phận bấp bênh của mẹ con hắn, và cũng là nơi giải toả cho nhiểu ẩn ức của một tuổi thơ có quá nhiều nỗi buồn. Khi trò chuyện với nhiều chúng sinh từ chủng viện Bái trở về quê trong các dịp nghỉ, hắn thông cảm nhanh chóng với những ước nguyện của họ: muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và giáo hội vì tự xem đã có ơn thiên triệu. "Số phận của em đã được định đoạt từ trên làm sao em dám thay đổi, mà em cũng không muốn thay đổi." Nhưng địa phận Bái lại có quá nhiều tội lỗi trong những năm Pháp chiếm đóng, giáo sĩ thành sĩ quan, toà giám thành văn phòng của một tỉnh tự trị, các nhà thờ thành đồn bốt, kẻ xâm lược và giáo hội trộn lẫn với nhau, cùng nhau làm những việc mà một dân tộc đang kháng chiến không thể tha thứ. Những tu sĩ trẻ họ cũng biết thế, họ lấy làm đau đớn vì những chuyện tệ hại ấy nhưng không thể tìm ra lối thoát. Là tu sĩ của một giáo hội có chỗ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc là nguyện vọng tha thiết của họ. Nhưng bằng cách nào thì họ không thể biết, và nhà văn cũng chưa có cách lý giải có sức thuyết phục cả hai phía: nhà nước và giáo hội. Trong một lần về thăm một xứ đạo của tỉnh Thái Bình, hắn chợt nhìn thấy một chàng thanh niên mặc quần xanh và cái áo cánh cộc cũng mầu xanh đang lúi húi cho lợn ăn ở phần sân sau của nhà xứ. Hắn hỏi: "Anh có thấy cha xứ ngài ở đâu không?" Người kia trả lời nhỏ nhẹ: "Thưa, tôi đây, ông có việc gì cần hỏi ạ". Cha xứ chỉ khoảng ngoài ba chục tuổi, có gương mặt rất thanh tú, cặp lông mày đen như nét vẽ, hai con mắt tròn to và cái miệng rất tươi khi nói khi cười. Một người đàn ông còn trẻ và đẹp như thế mà chịu dâng hiến một đời cho xứ đạo buồn tẻ thôi sao? Hắn ngồi nói chuyện với ông ta khoảng một giờ, càng nói càng có cảm tình và càng thông cảm cho cái chỗ đứng éo le của một tu sĩ thánh thiện. Lại một lần khác ở Nam Trực thuộc Nam Ðịnh hắn được nghe nói một linh mục trẻ có sức hấp dẫn khiến các tổ chức thanh niên của địa phương gần như tê liệt mọi hoạt động. Và một cán bộ huyện kết luận: "Ðám linh mục trẻ bây giờ rất lợi hại, họ tranh thủ quần chúng rất có nghệ thuật, còn anh em mình thì..." Hắn lại nhớ tới cha quản hạt của một xứ đạo đã làm lễ rửa tội từ người ông cho đến đứa cháu, ba thế hệ, trong vòng năm chục năm. Cũng chính ông già ấy đã mắng một bà mẹ ẵm con đến xin cha rửa tội vào một sáng mùa đông giá lạnh, mắng như cha mắng con, như ông mắng cháu: "Nhà chị ngu, sinh mấy đứa con mà còn ngu, bữa nắng ấm không đến lại nhè đúng ngày mưa gió ẵm con đến, không sợ đứa trẻ bị nhiễm lạnh sưng phổi à? Ngày mai thì sao, ngày mốt thì sao, tôi còn đi được đâu nữa mà sợ tôi không có nhà". Một lời mắng ấy một đời người mẹ không thể quên, nay đứa trẻ đã là cán bộ xã mà bà vẫn kể lại cho hắn nghe như chuyện mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Ðó là lòng thương yêu con chiên chân thật của một đấng chăn chiên đã ở quá lâu một xứ đạo hay chỉ là thủ đoạn, là phép thuật lấy lòng người? Trong nhiều đợt đi viết tại nhiều xứ đạo, hắn đã trò chuyện với nhiều linh mục, già có trẻ có, dân chủ tiến bộ có, phong kiến bảo thủ có, và nhiều chức sắc trong đạo Thiên Chúa, gần như hắn đã hoà nhập được vào cách cảm, cách nghĩ với người đối thoại, đón trước được những gì họ tin, họ hy vọng và cả những gì họ còn giận còn ngờ. Hắn đã trình bày những cảm nhận mới của hắn về tôn giáo nói chung và đạo Thiên Chúa nói riêng qua tâm sự một linh mục đã nhận được nhiều ảnh hưởng tốt của giới giáo sĩ trẻ tại châu Âu, của phong trào công nhân Pháp và nhiều nước lân cận, và nhất là xu hướng trở về cội của Tin Mừng mà tiêu biểu là các ông linh mục thợ: Tôi vẫn suy ngẫm rằng con người là một sinh vật không bao giờ tự hạn chế trong những cơ cấu sinh lý. Luôn luôn nó muốn vươn tới cái tuyệt đối, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi con người không thể đạt tới. Vì không thể đạt tới nên nó mới gầm thét và than thở qua thi ca, qua nghệ thuật và qua cả tôn giáo. Bảo rằng tôn giáo sinh ra do bạc nhược và ngu dốt, chỉ đúng có một phần, tôn giáo cũng sẽ sinh ra khi con người đã tự ý thức như một chúa tể. Tôn giáo sẽ biểu hiện như một thăng hoa chứ không còn là một công cụ của đe doạ và áp bức. Nó sẽ thuộc phạm trù văn hoá chứ không thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại... Linh mục sẽ chăm sóc linh hồn con người như một nghệ sĩ chứ không phải như một anh lính cảnh sát... Tôi không bao giờ rời khỏi xứ đạo, tôi là trước hết phải thuộc về một tập thể nào đó, hàng ngày được nghe họ nói cười, tham gia vào đời sống của họ như một khuyến khích, một an ủi, một cảm thông, nâng đỡ họ để chính mình cũng tìm thấy sức mạnh tự nâng mình lên... Nhân vật cha Thư trong tiểu thuyết Cha và Con và... đã được hình thành dần từ những suy ngẫm ấy, từ nhiều cuộc trò chuyện với các linh mục trẻ của cả hai miền, những hy vọng của họ và những lo lắng của họ khi phải làm việc tôn giáo dưới một chính thể vô thần. Chàng trai mới được truyền chức phải về một xứ đạo mà cha già quản hạt vốn là một đối thủ về tinh thần với toà giám, phải làm việc với các ông chánh trưởng, trùm trưởng rất lọc lõi, rất khôn ngoan, phải tiếp xúc với những đoàn thể của xứ đạo nửa chính nửa tà, phải làm bạn với một ông linh mục đã mất hết niềm tin vào cái chức phận thiêng liêng của mình, sống rất trần tục và trơ tráo, rồi lại những ảnh hưởng xa gần của một địa phận luôn luôn đối đầu với nhà nước, và một quan hệ có thể là thù địch giữa gia đình ông ta với những người cộng sản trong thời gian Pháp chiếm đóng. Mà ông ấy lại là một người rất thánh thiện, muốn làm một giáo sĩ dân chủ tiến bộ, lấy việc phụng sự nước Chúa và bầy chiên của Chúa làm lẽ sống một đời của mình. Có làm được không? Có được xứ đạo ủng hộ không? Có được toà giám khuyến khích không? Có được chính quyền địa phương tin tưởng không? Và trước hết ông ta phải thoát ra khỏi những thành kiến xấu về người cộng sản đã ám ảnh ông ta từ những năm còn là tu sĩ ở trường đạo. Một linh mục thơ ngây, và phạm nhiều sai lầm trong năm đầu, rồi một linh mục có nhiều hoang tưởng muốn phá bỏ lề luật và thói quen để được sống thanh thản như một giáo dân, như một công dân. Rồi ông linh mục lẩn thẩn, sống đau đớn trong sự đối đầu giữa các chức phận. Và cuối cùng là một linh mục thánh thiện đã tìm ra cách hoà giải giữa các trách nhiệm, cái gốc của sự điều hoà ấy là lấy giáo dân làm Chúa của mình, làm người Chỉ Bảo của mình. Và ông ta đã xin với những người đại diện cho giáo dân và chính quyền địa phương hãy rửa tội cho ông ta lần thứ hai với lời mô truyền do ông tự đặt ra: "Nhân danh Cha và Con và Giáo hữu xứ Nhất... Amen".

Hắn viết rất nhanh, rất sảng khoải như có dịp được giãi bày trên trang bản thảo một nỗi niềm vẫn được giấu kín của mình. Vì khoảng cách giữa nhân vật văn học với tác giả không xa. Hắn cũng là người ngây ngô trong hành động, cả tin, dễ bị lừa, cũng có nhiều mộng tưởng, cũng muốn được sống, được hành động như những nhân vật anh hùng của hắn, và nhất là cũng muốn điều hoà mọi trách nhiệm mà hắn đang gánh vác. Vì hắn trước hết là một đảng viên cộng sản, vào Ðảng từ năm 18 tuổi, hắn cũng là một quân nhân, nhập ngũ từ năm 16 tuổi. Hắn là đảng viên trước, là anh bộ đội trước rồi mới làm nhà văn. Là người lính hắn mới được sống nhiều, tiếp xúc nhiều, chống lại tính nhút nhát và cô độc bẩm sinh, lại cũng vì hắn là đảng viên nên mới xoá được tận gốc mọi mặc cảm hèn kém để có một cách nhìn, một cách nghĩ tiến bộ, tích cực đối với mọi biến động của xã hội. Không có những điều kiện đó làm sao hắn thành nhà văn được. Ðời hắn vốn dĩ chả có gì đáng viết, cũng chẳng thể nghĩ được gì hay ho để trò chuyện với mọi người. Nên hắn chịu ơn sâu với Ðảng, với quân đội, với cả cái nghề nghiệp mà cuộc đời ưu ái đã lựa chọn cho hắn. Nhưng các trách nhiệm ấy không phải luôn luôn hoà hợp được với nhau, có khi được là một đảng viên tốt, một quân nhân tốt thì lại là một nhà văn tồi. Người cầm quyền quan tâm trước hết tới sự vun đắp sức mạnh của cộng đồng, tới sự đoàn kết nhất trí của một quốc gia, một dân tộc để hoàn thành một cách thuận lợi nhất những mục tiêu kinh tế, xã hội từng thời kỳ. Còn người cầm bút thì lại quan tâm tới sự nuôi dưỡng sức mạnh của cá nhân, tính độc lập của cá nhân, cả tính phản kháng của cá nhân và sự sáng tạo muôn màu muôn vẻ của cá nhân chống lại mọi sự độc đoán, mọi sự giản lược, tuỳ tiện, thu hẹp tầm vóc của cá nhân khiến nó bị ngạt dưới sức nặng của guồng máy. Thật ra hai việc ấy chỉ là một, cá nhân là nền tảng của cộng đồng, sức mạnh độc lập của cá nhân sẽ làm sức mạnh của cộng đồng thêm vững chắc có khả năng chống chọi bền bỉ mọi tai hoạ bất kể nó từ đâu tới.

Còn hắn, nếu xảy ra sự va chạm giữa chức năng của một nhà văn và trách nhiệm của một đảng viên thì hắn tính toán cách sao? Thông thường là hắn nhân nhượng và né tránh vì một cái lý rất đơn giản: hắn vẫn còn là đảng viên thì phải chấp hành những nghị quyết của Ðảng. Thành thử các nhân vật của hắn không đi đến tận cùng tính cách của họ, họ thường dừng lại ở khoảng giữa, rồi làm lành, rồi nhân nhượng, trở nên giống nhau ở những số phận mờ nhạt, thiếu tính quyết liệt, tính bi kịch để trở thành những gương mặt lớn có sức ám ảnh lâu dài trong lòng bạn đọc. Hắn chỉ có thể là nhà văn bình thường, một nhà văn loại 2, loại 3 gì đó, biết vậy nhưng hắn vẫn chấp nhận, không có cách mạng thì đến làm người tầm thường cũng khó nói gì làm một nhà văn.


14.

Có lẽ trong các tiểu thuyết của hắn chỉ có một nhân vật dám đi đến tận cùng số phận của mình, dám kết thúc cuộc hành trình gian nan về niềm tin bằng cái chết chứ nhất quyết không chịu rời bỏ niềm tin ban đầu, cũng không muốn vì cứu cái thân mình mà phản lại những người cùng một đạo. Nhân vật văn học đó có tên là Tư Tốn, một chức sắc của đạo Cao Ðài, một người có niềm tin trong sáng, quyết liệt dám ôm cái mộng lớn: cải tạo lại hệ thống giáo lý và quản lý của các cơ quan quyền lực cao nhất của đạo. Mộng thì lớn nhưng không tìm được người cộng tác. Ông Năm Sạng một đời chuẩn bị cho một cuốn sách sẽ viết đầy đủ và chính xác mọi bước thăng trầm của đại đạo từ ngày lập đạo cho tới ngày cuộc chiến tranh ba mươi năm kết thúc, nhưng ông đã quá già lại đau ốm, biết đến bao giờ ông mới hoàn thành cái tác phẩm để đời ấy. Ông Bẩy Tiêu cũng là một người trong cuộc, có quan hệ thân thiết với những người sáng lập đạo, nhưng ông không muốn thay đổi, mọi thay đổi đều là tai hoạ, ông tình nguyện sống trong ngu tín, trong thói quen cho được an phận lúc tuổi già. Tư Tốn đã từng nói với ông trong một lúc phẫn nộ về sự thờ ơ của những người đi trước. Ðoạn đối thoại vắt kiệt tư tưởng của cuốn sách đã được hắn viết như sau:
- Nếu bọn con chết không được yên lành các chú phải chịu hết trách nhiệm!
Ông Bảy cười gượng gạo:
- Bọn mày đã lớn cả rồi, còn nhỏ dại gì nữa mà đòi phải luôn luôn được dạy bảo.
Giọng của Tư Tốn càng gay gắt:
- Nhưng một nửa cái đầu của bọn con đâu có được tự do, các chú đâu có giúp gì để con cháu được suy nghĩ một cách tự do. Rồi chú coi, cha sẽ chôn con, ông sẽ chôn cháu, người già sẽ phải cầm mai chôn hết đám trẻ vì chúng đã là cái tội cái nợ của hội thánh.
Nói rồi y quay người đi thẳng.

Ông Hai Gáo cũng là một nhân vật đi đến cùng tấn bi kịch của mình. Ông là thủ túc tin cẩn của các bậc khai đạo lập giáo. Ông thất học từ nhỏ nhưng là người có chí, chỉ bằng tự học và nhờ bạn bè chỉ dẫn trong mười lăm năm ông đọc được báo Pháp và tinh thông cả Hán Nôm. Ông trở thành người giúp việc không thể thiếu của hộ pháp Phạm Công Tắc, vì ông vừa có cái khôn ngoan, tháo vát của người lao động lại có cả cái trầm mặc, tinh tế của người có học thức. Ông không chỉ biết một chuyện mà là biết hầu hết mọi chuyện, từ ngoài vào trong vì ông lãnh nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, đặc phái viên của giáo chủ, kiêm thư ký, kiêm quản gia, kiêm hầu phòng, là người thân tín, người tâm sự, là chân, là tay, là ghế ngồi, là gối dựa, là đồ vật quen thuộc nhất của giáo chủ, với tay là tới, gọi đến là có. Sau khi ông hộ pháp mất tại Kim Biên, ông Hai Gáo đã năm chục tuổi, đưa vợ con về định cư ở một vùng biển, sống như người không có đạo để quên đi hoàn toàn nhiều chục năm đã qua. Khi miền Nam được giải phóng, đất nước đã thống nhất, ông Hai đã gần bảy chục tuổi. Nào ngờ những năm cuối đời ông lại phải đối mặt với một cảnh ngộ đau đớn, đứa con trai út của ông, đứa con trai ông gắn bó nhất, thương yêu nhất đã bị bắt vì nhận làm tài công cho một đám chức sắc của đạo muốn vượt biển ra nước ngoài vận động dư luận quốc tế công nhận Tây Ninh là thánh địa của đạo Cao Ðài, là vùng đất trung lập, là một xứ tự trị, là Nước Trời. Ông già biết con ông đã phạm tội với chính quyền cách mạng vì nó đã nghĩ nó làm việc đó là vì cha nó, vì nguyện vọng sâu xa của cha nó, chắc là cha nó sẽ bằng lòng và hãnh diện. Vì ông không bao giờ nói thật về người thầy của mình, ông ta đã chết coi như là hết, nói không tốt về ông thời mình là cái gì lại dành một đời hầu hạ một người chả có gì là tốt. Nó xấu hổ lắm, tủi nhục lắm, con cái nó khinh cho. Chúng nó đã khinh người cha sống sao nổi. Chẳng những ông không nói thật mà cũng chẳng cải chính những điều chúng hiểu sai, vì ông còn là người có đạo. Cái đạo ấy chẳng đem lại lợi lộc gì cho ông nhưng nhờ nó ông đã dạy bảo được con cái. Giáo tổ đã lẫm liệt thế ắt cha mình không đến nỗi hèn. Làm con ông già là một kiêu hãnh, ông đã nói là nên nghe, vì lời nói ấy có thời đã được cả hội thánh trọng nể. Nó nghe ông, nó kính ông vì cái vầng hào quang giả, dẫu là giả nhưng vẫn hơn là không có. Người đời họ sống bằng cái thật từ nhỏ tới già nhưng con cái họ đâu có tệ. Còn ông lại dạy con bằng những kích thước giả, nó tiện hơn, đỡ mất công hơn, bỗng chốc lại bảo rằng không có gì hết thì sự tan rã chỉ trong chớp mắt. Ðứa trẻ nhận ra đã bị lừa chỉ có thể làm giặc chứ khó có thể làm người lương thiện. Nó đã được nuôi trong cái háo hức của mộng ảo làm sao có thể sống được trong cái tẻ nhạt của đời thường.

Sự kết thúc rất buồn của hai người tu đạo mỗi người mỗi cách. Người già thì không nỡ nói hết tâm sự của mình với con cái vì cuộc đời vốn đã buồn vì sự kiếm sống nay lại không còn cả đức tin và danh dự một gia đình đã có công lớn với hội thánh thì chúng sẽ lấy gì nuôi sống phần hồn nên sự dối trá vẫn được che đậy cho đến ngày tấn bi kịch không thể tránh khỏi xảy ra. Còn người trẻ tuổi thì dám đối mặt với sự thật bằng một chương trình cải tổ giáo hội, chấm dứt thời mạt pháp để bước hẳn sang một kỳ đạo mới, cùng với những người cộng sản xây dựng đất nước Việt Nam thành một vương quốc của An Lạc. Nhưng ngay trong buổi thuyết pháp thử giữa vị tân giáo chủ Tư Tốn với ông cựu tín đồ Hai Gáo, ông Hai đã hỏi thẳng:
- Anh có đủ bản lĩnh để lập nên một hội thánh mới như anh vừa nói không?
- Cháu chỉ có thiện chí thôi, chỉ có một tấm lòng sốt sắng vĩ đại thôi.
Ông Hai chép miệng:
- Không đủ, trên đời này có một việc nên làm mà không nên làm đó là cái thiện chí. Có một việc không nên làm mà lại nên làm, đó là cái tàn bạo. Ông hộ pháp vẫn thường nói thế.
Ông Hai lại hỏi:
- Anh có hám quyền không?
- Không bao giờ, cháu chỉ muốn làm một giáo chủ tinh thần, một giáo chủ bè bạn và anh em, không cần một quyền lực nào hết.
Ông Hai cười:
- Nói vậy là sai. Có làm hại được người mới làm lợi được người. Có giết chết được thời mới cứu sống được. Phải có quyền anh ạ. Mất quyền thì có ra cái quái gì. Yêu và ghét đều không được. Tha và giết đều không được. Những thứ ấy mà không làm được thì lập giáo làm sao?"

Ðó là một trong nhiều đoạn đối thoại rất lý thú trong tiểu thuyết Ðiều tra về một cái chết. Khi Tư Tốn nói trong thất vọng: Tôi chỉ muốn làm một việc có ích để cứu đạo cứu đời, để đạo với đời hoà hợp là một. Ông Hai đã nói thẳng: Vô ích, không được đâu, đừng có vọng tưởng, làm việc khác đi! Ông khuyên chàng tuổi trẻ có tham vọng cải giáo nên làm việc khác đi là ông nói rất thật. Một trí thức có thiện chí, có tầm nhìn tầm nghĩ xa rộng nhưng lại thiếu cái bản lĩnh làm thủ lĩnh, làm người đứng đầu một phe, một phái, ai không cùng chí hướng lập tức phải gạt bỏ, phải đánh đuổi, nếu cần thì giết đi, không có sự dứt khoát, sự tàn bạo ấy thì làm người đứng đầu thế nào dược, làm thủ lĩnh một giáo phái thế nào được. Rút cuộc cũng chỉ là một anh trí thức nhút nhát, yếu đuối, vô tích sự, thất bại ngay từ trong ý nghĩ. Cái anh trí thức nghĩ thì hay nói thì giỏi nhưng lại không dám làm, hoặc dám làm nhưng lúc thì cực hữu lúc thì cực tả, là một chủ đề hắn rất thích nhắc lại, đã từng viết một lần trong Thời gian của người. Ðoạn kết của cuốn sách, khi viết về cái chết của Tư Tốn, hắn viết vào buổi tối. Một gian nhà quá rộng, trống huơ trống hoác, kê mấy cái đồ gỗ cũ kỹ xin được của người này cái phản, người kia bộ ghế, còn hắn viết trên một cái bàn rất rộng nhưng tấm ván ép của mặt bàn đã gần trở lại mặt mộc, lùng nhùng, ọp ẹp, cũng tự thương cảm cho chính cái thân mình, đã ngoài năm chục tuổi đầu mà dám chuyển dịch chỗ ở từ Bắc vào Nam, từ căn nhà tồi tàn này đến căn nhà tồi tàn khác, vợ thì dại, con thì nhỏ, có nuôi nổi nhau vào những năm cả nước đang gặp khó khăn thời hậu chiến? Chí lớn tài hèn chỉ được cái miệng với cái bút, với cái vốn liếng vớ vẩn ấy thì làm được trò trống gì! Nói cho cùng, nhân vật Tư Tốn dám vứt bỏ tất cả để được sống trọn vẹn cho một niềm tin, còn hắn, hắn có dám buông bỏ tất cả để được sống trung thực với ngòi bút của mình không, để khỏi phải tủi hổ với nó, ân hận với nó lúc cuối đời? Nhân vật của hắn đang bước tiếp những dòng cuối cùng trong cái chập choạng nửa mê nửa tỉnh của cơn hấp hối, còn hắn, hắn phải sống những hai chục năm nữa nếu như sống được tới tuổi ngoài bảy mươi, liệu hắn có bị chết dần mỗi ngày một chút trong lòng bạn đọc đã theo dõi hắn từ buổi hắn mới chập chững bước vào nghề văn?


15.

Hắn vốn nhát lại chịu ơn sâu với cách mạng nên hắn không dám mà cũng không muốn sinh sự với các tổ chức của cách mạng đã cứu sống hắn cả phần xác lẫn phần hồn. Hắn là một đảng viên không bao giờ gây khó khăn cho chi bộ, là một nhân viên rất biết điều ở bất cứ cơ quan nào. Và hắn cũng chưa bao giờ là người lãnh đạo, người chỉ huy ở cấp cơ sở. Có hai lần hắn được cấp trên đề cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội Nhà văn thì cả hai lần hắn đều bối rối, lúng túng, làm đâu hỏng đó, gây khó chịu cho cả cấp trên lẫn người cộng tác. Hắn chỉ là người viết thôi. Và hắn cũng chỉ gắn bó hết lòng với cái suối nguồn của mọi sáng tạo, đó là đời sống với những vận động biện chứng của nó. Chưa bao giờ hắn bị lầm lẫn hoặc phải ân hận vì sự lựa chọn đó. Châm ngôn được hắn tôn thờ là một câu nói của Goethe (hắn cũng không rõ ông Goethe đã nói câu ấy ở đâu, trong cuốn sách nào): Mọi lý thuyết đều mầu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi. Ngay từ năm hắn mới vào nghề viết, năm 1957, khi hắn về huyện Nghĩa Hưng để tìm hiểu một vụ xung đột tuy chưa lan rộng nhưng đã rất phức tạp giữa một đơn vị bộ đội với các thanh niên công giáo của địa phương, hắn không gặp bất cứ một cấp uỷ nào, một nhân vật lãnh đạo nào ở cấp huyện hay cấp tỉnh. Hắn về xã với cái nhìn hồn nhiên và tiếp nhận cũng hồn nhiên những sự việc đang xảy ra, những bàn luận của giáo dân và của anh em cán bộ xã đã có kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh từ thời Pháp tạm chiếm với thế lực phản động của nhà thờ, không một chút thiên kiến nào, không bị phân vân bởi một nhận định, một kết luận có trước nào. Các vấn đề tự nó phơi bày ra, các nhân vật cũng từ trong đám đông mà xuất hiện và sự phát triển của nó cũng tuân theo cái logic nội tại chứ không do ý muốn của tác giả. Sự thay đổi về bản chất của nhân vật Thuỵ có làm hắn bối rồi một thời gian vì hắn chưa từng biết sức mạnh của đồng tiền có thể làm một cán bộ trung kiên bị tha hoá. Hắn chưa từng phải kiếm tiền nuôi ai, tám năm đi kháng chiến càng không biết giá trị của đồng tiền, cả năm không phải tiêu đến tiền làm sao nhận ra sức quyến rũ của nó. Lại những năm đầu hoà bình, một xã hội đang muốn xoá bỏ giá trị của đồng tiền để con người khỏi luỵ nó, làm nô lệ cho nó, có thể sống bình đẳng hơn, tự do hơn nếu không có nó tham gia. Nên sự thay đổi của Thuỵ khiến hắn choáng váng như là một chuyện phi lý, nhưng sự phi lý này không cho phép người ta ngờ vực, bàn cãi, nó là đời sống mà, là một con người cụ thể đang giãy giụa trong sự xiết chặt mềm mại của đồng tiền. Quyển 2 của bộ tiểu thuyết Xung đột không được hoan nghênh là vì thế. Ðó là lần đầu tiên hắn đã khiến những người lãnh đạo giới văn nghệ đâm bối rối trong sự đánh giá về hắn.

Lần thứ hai, to chuyện hơn vì hắn đã dám động chạm tới sự trung thực của một hợp tác xã nông nghiệp toàn xã được xem là kiểu mẫu về năng suất lúa, về thu nhập trong ngành nghề phụ, về cơ chế quản lý. Ðã thành một thói quen hắn về xã, chả có giấy giới thiệu gì, vì bạn hắn đang làm chủ nhiệm hợp tác xã, là một nhân vật được cấp tỉnh và huyện tin cậy. Và cũng là một con người rất lương thiện, rất thuần phác, hết lòng hết sức vì cái sự nghiệp mới mẻ này. Qua nhiều ngày tìm hiểu hắn mới nhận ra giữa tiếng đồn với người và việc đúng như nó có trong thực tế còn có một khoảng cách. Người nông dân chỉ vui cái vẻ ngoài, vui tạm, còn trong ruột thì có nhiều cái lo, những người lãnh đạo cũng không hoàn toàn an tâm về những việc họ đã làm và được các cấp trên khen ngợi. Cơ sở vật chất của hợp tác xã hết sức qui mô như hắn đã từng miêu tả trong các truyện Tầm nhìn xa Người trở về: đường sá, cầu cống, mương máng, trạm xá, trường học, trụ sở uỷ ban và trụ sở hợp tác xã, nhà thông tin với hệ thống loa đến từng xóm... Nhưng từng nhà thì nghèo dần đi, tiền và thóc dự trữ không có, xây nhà, xây sân, xây chuồng lợn bằng những nguồn tiền thu được từ mảnh đất phần trăm, từ các nghề nề mộc lúc nông nhàn và cả những buôn bán lặt vặt phi pháp xung quanh đống phế liệu của nhà máy phân lân. Ruộng thì ít, người nhàn rỗi rất nhiều, mà việc gì cũng muốn dùng máy cho ra vẻ tiên tiến, hiện đại như Liên Xô, như các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, thì máy sẽ ăn hết lúa, người không có việc sẽ ăn bằng gì? Làm ăn cả xã nhưng thu nhập thực tế lại không bằng làm từng nhà, lại họp hành, lại sổ sách, lại phải để mắt tới nhiều sự gian lận trong mọi khâu công việc thì lao động trở thành nặng nhọc, bắt buộc chứ không còn là niềm vui nữa. Ðang làm chủ trở thành người làm công ăn lương, không thể tính toán cho riêng mình bất cứ việc gì, họ không còn đất đai, không còn nông cụ, không còn cả lao động và thời gian, tất cả đều đã thuộc về hợp tác xã thì còn gì để tính nữa. Vì không tính được nên cái lo của người già và những người chủ gia đình là cái lo kéo dài suốt mấy chục năm, từ đời này qua đời nọ, lo quá thì không cần lo nữa là xong, đã lụt thì lút cả làng, no no cả đói đói cả, cả làng đói thì đã có nhà nước lo, sự bình đẳng gần như hoàn toàn, không còn giầu và nghèo thì cũng không còn lười và chăm, ngu và sang, may và không may, các số phận riêng mất dần đi, số phận giống nhau, mặt người giống nhau,vui buồn giống nhau đến ngôn ngữ và cảm nghĩ cũng rất giống nhau, nghĩ khác đi, nói khác đi chỉ ở làng thôi cũng đã được xem là chuyện lạ rồi. Khi viết truyện vừa Tầm nhìn xa thật tình hắn không muốn viết những cảm nghĩ tiêu cực của hắn về hợp tác xã nổi tiếng toàn tỉnh vì bạn hắn đang là chủ nhiệm, vì những người lãnh đạo của xã đã tỏ ra hết sức tin cậy hắn gần như không còn gì phải giấu hắn, kể cả những cuộc họp giữa các uỷ viên thường vụ của đảng uỷ xã. Nhưng hắn đã trót nhận ra ông phó chủ nhiệm phụ trách ngành nghề Tuy Kiền là mẫu người hắn đặc biệt yêu thích, và hắn không thể buông bỏ ông ấy được. Thế là Tuy Kiền ngay tức khắc trở thành một nhân vật văn học với những phát triển tự nhiên phù hợp với tính cách của ông ấy, nửa công nửa tư, vẫn thu vén cá nhân lại vẫn to tiếng về lợi ích tập thể, lại vẫn vùng vằng, hờn giận, ông ta muốn được cả miếng ăn lại được cả vinh dự, ăn của người nhưng vẫn muốn người bị thua thiệt phải hàm ơn mình, phải yêu mến mình. Vì đã dựng Tuy Kiền như ông ấy vốn là thế thì lại không thể bỏ qua sự dính líu của cả đảng uỷ thông đồng với cán bộ nhà máy để ăn cắp dầu, không thể không nói những chuyện mua giấu giếm gỗ của nhà máy về bán cho những người lãnh đạo của xã, bỏ qua những thất vọng và cả sự giận dữ của những xã viên tích cực. Vì trong những chuyện phi pháp ấy người đầu trò luôn luôn là Tuy Kiền, vì ông ấy là đảng uỷ viên nên trách nhiệm của cả tập thể đảng uỷ là không thể trốn tránh.

Thế là những người vốn tin cậy hắn ở xã liền phát đơn kiện tới tận trung ương với đủ thứ tội danh, và gọi vụ việc đã "gây phẫn nộ trong cả đảng bộ" là "hậu nhân văn giai phẩm". Vì những người lãnh đạo ở xã đều là cựu sĩ quan trong quân đội cũng đã từng nam chinh bắc chiến khắp dải đất Ðông Dương, đọc cũng nhiều biết cũng lắm, chứ không phải chỉ là ông nông dân hiền lành có thể bị bọm cầm bút bắt nạt. Rồi mọi chuyện cũng qua đi, hắn được cấp trên bênh vực, vì chống lại sự dối trá và tư tưởng tư hữu của người nông dân là chính đáng. Cũng là cái số hắn may! Chỉ có một người chịu thiệt là ông Tuy Kiền, ông trở thành một nhân vật nổi tiếng trong tỉnh, nhưng không ai ghét ông cả, chỉ buồn cười thôi. Cái tội tư hữu là tội bẩm sinh, đẻ ra đã biết giành vú mẹ, một hai tuổi đã biết tranh cướp những thứ không phải của mình, bé tranh vật nhỏ, lớn tranh vật to, rồi tranh lợi, tranh công, tranh quyền, cho đến lúc sắp chết vẫn còn muốn tranh nữa, vẫn còn chưa thấy đủ. Nó là thói tật cố hữu của con người thuộc mọi giai cấp, mọi thành phần, chứ không chỉ là cái tội riêng của ông nông dân, nhất là ông Tuy Kiền. Nó buồn cười là ở chỗ ấy.

Hắn thì được tiếng, người đọc thì được cười, chỉ có ông Tuy Kiền là hơi thiệt nên ông giận hắn lắm. Ba mươi năm sau hắn lại trở về xã Nam Tiến, bạn bè cũ đã chết nhiều, những người còn lại cũng quên chuyện đã qua, chả ai giận hắn cả, chỉ có ông Tuy Kiền và vợ con ông vẫn còn nhớ và vẫn còn rất giận. Ông không cho hắn gặp dầu hắn đã gặp ông rất tình cờ và muốn được nói chuyện lâu với ông để giải hoà, để xin lỗi. Ông không chấp nhận, tôi muốn quên anh, quên cả cái tên của anh, cái nhìn của ông lộ hẳn ra cái ý hằn học ấy. Khi hắn đến chào bí thư đảng uỷ xã là con rể ông Tuy Kiền, ông bí thư có nói lại lời của bố vợ với hắn: "Ông bủ tôi không giận anh đâu, chuyện ấy có gì mà phải giận, ông cũng muốn mời anh lại chơi nhà nhưng sợ trẻ con chúng nó cạn nghĩ dễ nói hỗn". Nói thế tức là chửi khéo đấy, các ông già đã nói là thâm thuý lắm, cái trò giễu vặt của thằng nhà văn đã thấm vào đâu.
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà ná»™i 2003