© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
22.6.2005
Tạ Văn Tài
Giới thiệu sách Khi đồng minh tháo chạy của GS Nguyễn Tiến Hưng và bàn thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam
2 kì
 1   2 
 
I. Tác phẩm Khi đồng minh tháo chạy

Năm 1986, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng [1] (Phân khoa Kinh tế Đại học Howard, Washington, DC.) cùng viết và xuất bản với ông Jerrold L. Schecter cuốn Palace File (Harper & Row Publishers), sau đó được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (HDMDĐL). Cuốn này hướng trọng tâm vào việc trình bày mối bang giao Việt Mỹ trong những năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, nhất là những biến cố xoay quanh hoà đàm và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, đặc biệt đưa ra những mật thư giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các Tổng thống Mỹ Nixon và Ford, từ 1971 đến 1975, xác nhận Mỹ cam kết yểm trợ mạnh mẽ cho Việt Nam Cộng Hoà (nhưng rút cục lại bỏ rơi). Dư luận chính giới và báo chí Mỹ hồi đó chú trọng đến và khen ngợi giá trị của cuốn sách (bản gốc tiếng Anh). Bộ trưởng Ngoại giao G. Schultz và tờ báo uy tín New York Times đưa cuốn này vào danh sách các tác phẩm mà chính giới và ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải đọc.

Hiện nay cuốn sách trên không tái bản, độc giả khó tìm được, nhưng Giáo sư Hưng đã viết cuốn Khi đồng minh tháo chạy (KĐMTC) [2] . Tác phẩm KĐMTC căn cứ một phần vào các dữ kiện của HSMDĐL, nhưng đã đi xa hơn nhiều. Trong khi HSMDĐL được viết cho các độc giả quốc tế, nhất là những người trong chính quyền, báo giới Mỹ và các nhà nghiên cứu lịch sử, thì KĐMTC đào sâu hơn các bằng chứng hay dữ kiện cụ thể về những năm suy sụp kinh tế, quân sự và chính trị của tiểu quốc Việt Nam Cộng Hoà khi đại cường đồng minh Mỹ tháo chạy, sau khi đã bắt tay được với Trung Quốc. Trong khi HSMDĐL trình bày khá nhiều chi tiết và tài liệu về những bí ẩn trong quan hệ chính quyền và tại hoà đàm Paris mà có lẽ người Mỹ nào muốn thâm cứu lịch sử sẽ quan tâm đến, thì cuốn KĐMTC nhắm vào đại chúng, nhứt là người Việt, có lẽ ưa một cuốn sách sử viết theo lối kể chuyện, kiểu như cuốn của David McCullough về Tổng thống John Adams (đã thành một cuốn best-seller), để nghiền ngẫm về một giai đoạn lịch sử rất đau thương của miền Nam Việt Nam; họ đã trải qua một cuộc hành trình đoạn trường trong cuộc chiến tàn bạo, trong hoà bình bấp bênh và trong cuộc di tản hoảng hốt lên máy bay hay ra biển năm 1975 -trong thời gian miền Nam Việt Nam hấp hối, mà Ngoại trưởng Kissinger lại có lời nguyền rủa tàn nhẫn: "Sao bọn chúng không chết sớm đi cho rồi?" (Nên ghi nhận là "Vua tình báo" (intelligence czar) của Tổng thống Bush, trùm tất cả mười mấy cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có CIA, là John D. Negroponte, phụ tá của Kissinger hồi đó, là người đã phản đối với Kissinger rằng đồng ý cho bộ đội Bắc Việt ở lại miền Nam là sẽ dẫn tới việc họ chiếm trọn miền Nam và như thế là bỏ mặc đồng minh. Bạn ông là Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Richard Holbrooke nói rằng, vì thế mà Negroponte bị hạ tầng công tác trong hầu hết thập niên 70.) Những người Việt Nam vượt biên, vượt biển sau năm 1975, ở những đợt di tản sau, cũng sẽ thấy diện mạo mình trong cuốn này và sẽ có tài liệu cắt nghiã cho con cháu mình về lý do và nguồn gốc của chuyện mình bỏ nước ra đi. Những người Việt Nam ở phiá thắng cuộc năm 1975 cũng nên đọc để bớt tự hào, bởi vì trong cuộc nội chiến do hai khối cường quốc theo hai ý thức hệ đối chọi giúp cho hai phiá của dân tộc Việt Nam, thì một phía thắng cuộc vì lý do chính là cường quốc của bên thua, là Mỹ, tháo chạy, trong khi các cường quốc bên thắng, Liên Xô và Trung Quốc, vẫn yểm trợ tối đa vào năm 1975, mặc dầu trước đó, 1974, Liên Xô còn chưa tin là Bắc Việt Nam có thể thắng bằng quân sự nếu miền Nam có Mỹ yểm trợ (theo tài liệu Văn khố Đảng Cộng sản Xô Viết mới giải mật sau khi Liên Xô sụp đổ ), và Mao Trạch Đông dè dặt hơn khi nói với Phạm Văn Đồng là cái chổi ngắn không quét xa được. Quân viện của Trung Quốc đã tới miền Bắc từ lâu (thí dụ, xe tăng T40). Thiết nghĩ, mỗi gia đình Việt Nam đều nên có một cuốn KĐMTC này. Hơn cuốn trước, cuốn KĐMTC còn nói đến những cố gắng vận động của Giáo sư Hưng vào ngày 30 tháng 4. 1975 và những ngày sau đó về vấn đề định cư đồng bào di tản Việt Nam, lúc đó đang chạy tán loạn ra biển và đang cầu xin tạm cư tại các trại tạm cư (các chương 14-18).

Tác phẩm KĐMTC cho ta một số bài học về một cuộc nội chiến mang thêm hình thức một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm (war by proxy) mà hai phần của một tiểu quốc, bên ít bên nhiều, đã thi hành và đổ xương máu chém giết nhau đến nỗi một cuộc nội chiến biến thành một cuộc chiến tranh quốc tế giữa hai khối do các cường quốc theo hai ý thức hệ đối lập tranh hùng. Một số bài học mà, qua sự trình bày các sự kiện của Giáo sư Hưng trong sách này, chúng ta có thể rút tiả sau đây, thì dĩ nhiên chỉ liên quan đến giai đọan suy sụp của miền Nam Việt Nam mà ông bàn tới, nhứt là các năm 1971-1975 (chứ không bàn tới toàn thể 30 năm, 1945-1975, trong đó có chiến tranh Việt-Pháp 1945-54 và sáu năm hoà bình 1954-1960), và cũng chỉ liên quan đến chiến tranh và hậu quả chiến tranh, chứ không bàn tới các chính sách nội bộ của hai miền Nam và Bắc Việt Nam.

Nhưng các bài học đó chỉ có thể được trình bày rõ ràng sau khi đã liệt kê cho độc giả duyệt lại sơ qua các biến chuyển về cuộc sụp đổ mau chóng của Việt Nam Cộng Hòa, mà Giáo sư Hưng mô tả rải rác trong tác phẩm này cũng như cuốn trước của ông.


[1]Vài lời chú thích về tác giả cuốn Khi đồng minh tháo chạy

Xin thêm vài lời về Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, mà chúng tôi hân hạnh được gọi là bạn và đã chia sẻ, khi còn là sinh viên cùng du học tại Đại học Virignia, những hoài bão của thanh niên Việt Nam yêu nước.

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng là một nhân chứng lịch sử cho những chuyện “thâm cung bí sử” trong bang giao Việt-Mỹ ở cấp cao nhất, giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger tàn bạo, nham hiểm. Ông Thiệu và Đại sứ Martin đã qua đời mà không để lại hồi ký, thành ra chỉ còn Giáo sư Hưng, đã nói chuyện nhiều với hai người quá cố, mới là người ở trong vị thế trình bày được những ý nghĩ của hai người ấy về các biến cố ở miền Nam Việt Nam cho đến khi Mỹ tháo chạy.

Tuy Giáo sư Hưng viết sách với tư cách là nhà học giả làm nhân chứng, chú trọng đến những điều mắt thấy tai nghe, nhưng ông cũng là một nhà hành động yêu nước và thương dân tộc. Ông sinh tại Thanh Hoá trong một gia đình Thiên Chúa giáo thấm nhuần tinh thần bác ái. Trong thời niên thiếu, ông lại thấy cảnh dân nghèo chết trong nạn đói năm 1945, mà gia đình khá giả của Giáo sư cũng đã ra tay cứu giúp, được nhân dân trong tỉnh quý mến, giúp ông cụ thân sinh của Giáo sư thoát được thảm cảnh cải cách điền địa. Nguyễn Tiến Hưng du học tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ, từ năm 1958, theo ngành kinh tế học, là một môn học mệnh danh là dismal science (khoa học ưu sầu) vì bàn về phát triển tài nguyên thiếu thốn để phục vụ nhân sinh. Có lẽ vì lúc trẻ như vậy mà những hoạt động của Giáo sư Hưng đều có tinh thần bác ái theo Thiên Chúa giáo hay tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo. Khi gặp ông vào tháng 9/1960, khi chúng tôi vừa tới Đại học Virginia để theo Khoa Chính trị học, thì ông ân cần thăm hỏi, giúp đỡ và chỉ dẫn khi cần thiết, chở tôi đi thuê nhà trong chiếc xe cũ Studebaker chạy "cà rịch cà tàng" trên đường phố. Tôi đã chứng kiến cảnh sinh viên ban tiến sĩ ấy hoạt động trong Câu lạc bộ sinh viên nước ngoài, được các bạn gọi là "Ông Hưng xóc áo can thiệp" vì ông thích mặc quần áo chỉnh tề để đi "can thiệp" giúp đỡ các sinh viên trẻ hơn, mỗi khi họ gặp khó khăn cần giúp đỡ.

Ông giúp Tổng thống Thiệu trong cương vị Phụ tá Tái thiết, rồi Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển, theo đuổi mục đích xây dựng lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, cũng là theo đuổi mục đích xóa đói giảm nghèo cho dân tộc. Ý thức được việc hiệp thương với miền Bắc, xóa đói giảm nghèo ở miền Bắc Việt Nam có thể mang lại hoà bình, vì có thể bớt nhu cầu phải xâm chiếm vựa lúa ở miền Nam, ông đã khuyến cáo Tổng thống Thiệu, trong lúc lo lắng Mỹ bỏ rơi, là nên tái lập giao thương giữa hai miền Nam Bắc, tuy là hai nước Việt Nam nhưng cùng ở trong một thị trường, và nối lại đường hỏa xa Nam Bắc. Ông Thiệu đã nghe và nói tới đề nghị này trong bài diễn văn tuyển cử ngày 1/10/1971. Giáo sư Hưng cũng trình bày chi tiết và cố vấn Tổng thống Thiệu đề nghị với Bắc Việt cùng nhau cộng tác trong Dự án Phát triển sông Cửu Long như một cách đẩy mạnh hơn chung sống hoà bình. Dự án này đã được Tổng thống Johnson tuyên bố ngày 7/4/1965 là đồng ý tài trợ một tỷ Mỹ kim (tiền hồi đó giá trị nhiều), vì nó giúp mang lại "cơm ăn, nước uống, và nguồn điện lực còn lớn hơn cả vùng thung lũng Tennessee Valley" quản lý bởi cơ quan Tennessee Valley Authority của Mỹ - lời tuyên bố này đã đẩy mạnh thêm nguồn cảm hứng của Giáo sư Hưng muốn đóng góp vào việc phát triển quê hương mình ngay từ hồi mới đậu tốt nghiệp đó.

Theo lệnh ông Thiệu ngày 14/4/1975, Giáo sư đi Washington, DC. cầu viện, nhưng đã quá muộn. Giáo sư đã đổi sứ mạng, vào ngày 30/4/1975, sang việc vận động nhân dân Mỹ, từ báo chí đến Quốc hội đến Hành pháp, để Mỹ nhận cứu vớt người di tản từ Việt Nam, và đóng góp ý kiến vào việc chọn các địa điểm trại tạm cư.

Sau này, khi Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đổi mới và mở cửa hội nhập quốc tế và để cho nhân dân tự do hơn trong kinh tế thị trường, Giáo sư đã làm các công việc của Quỹ tền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới trong công cuộc chuyển đổi kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, thí dụ phát triển dự án "Bank on Wheels" (Ngân hàng lưu động), mang đến cho các gia đình nông dân, đặc biệt là những gia đình nghèo nhất, trên cao nguyên miền Nam và tại vùng thượng du miền Bắc, số tiền vay 200 Mỹ kim mỗi gia đình để tăng gia sản xuất. Các gia đình nông dân, với số tiền nhỏ nhoi đó, đã làm ăn thành công và hoàn trả cả vốn lẫn lời. Vì công việc lợi cho dân, ông đã được ngay những người lãnh đạo cao cấp tôn trọng, mặc dù họ thừa biết ông đã là một cố vấn của Tổng thống Thiệu "Bốn Không" (vẫn nói không chung sống với cộng sản).

Con người Nguyễn Tiến Hưng, với lòng nhân, ưa giúp người dân cùng khổ Việt Nam. Cuốn KĐMTC là một phương cách để ông vinh danh đồng bào Việt Nam di tản của ông, họ đã kinh qua những con đường rất đoạn trường, cùng khổ, để có ngày nay và tương lai xán lạn hơn.
[2]Nhà xuất bản Khi Đồng Minh Tháo Chạy, 173 Silcreek Drive, San Jose, CA,USA, 2005