© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.6.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
tự truyện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
20.

Xưa nay hắn vẫn chủ trương những năm tháng ngắn ngủi của một đời người không nên tiêu phí nó vào những chuyện vô ích, không đâu để có thể dành tất cả cho sáng tác. Hắn ngắm nhìn nhiều bậc đàn anh trong nghề, tài năng lớn hơn hắn nhiều, học vấn cũng sâu rộng hơn hắn nhiều nhưng làm nghề cứ như nhà văn nghiệp dư. Họ sinh ra để làm văn làm thơ nhưng được nửa chừng lại chuyển sang làm anh viên chức nhà nước, ngày ngày xách cặp ngồi xe, tham dự đủ mọi cuộc họp, không họp lớn thì họp nhỏ, không có một lúc nào được ngồi một mình, không có lúc nào được nhàn rỗi để đọc sách, để đi chơi với bạn bè tán lếu tán láo, lúc nào cũng công việc, cũng nghị quyết, cũng báo cáo, một đời người chỉ được tiếp xúc với cuộc sống gián tiếp, cuộc sống đã được nguyên tắc hoá, công thức hoá theo một quan điểm, một cách nhìn nên các nhà văn công chức chỉ có thể viết rất giống nhau, sự khác nhau chỉ còn ở sự già tay hay non tay trong nghề mà thôi. Các nhà văn viên chức ấy thường nói với bạn bè và với chính mình, khi nào rời bỏ được các chức vụ mà vì anh em họ phải gánh vác, họ sẽ bắt tay vào công việc chính của đời mình: ngồi viết. Nhưng cái thói quen làm công chức suốt mấy chục năm đã không buông tha họ, họ không thể không được trịnh trọng mời phát biểu tại các cuộc họp. Ðược đi họp, được mời ngồi hàng ghế đầu tại các cuộc họp đã là lẽ sống của họ mất rồi. Họ bấu víu vào cái hôm nay mà quên mất cái họ có thể để lại cho mai sao.

Nói thế chứ hắn cũng đã mất vài năm ra Bắc vào Nam để giữ một chức vụ hữu danh vô thực ở Hội Nhà văn. Rút cuộc là hắn thua, vừa mất thì giờ vừa thân bại danh liệt. Là vì ở xứ ta trong nhiều chục năm (và trong nhiều thế kỷ) chỉ có làm quan mới là người danh giá, được xã hội tôn trọng, bạn bè nể nả, vợ con cũng được vênh vang. Một xã hội mà cả mọi người nếu không là công nhân, viên chức nhà nước thì cũng là xã viên, hội viên của một tổ chức sản xuất hoặc kinh doanh nào đó, không có nghề tự do, không một ai được làm một việc gì hoàn toàn tư nhân cả. Những người buôn bán nhỏ ở các thành thị là những người sống khốn khổ nhất, kiếm sống đã vất vả lại không được khuyến khích, không được tôn trọng, lại bị các ông thuế, ông quản lý thị trường hành hạ vặt. Ngay như những người xưa nay vốn được xem là làm nghề tự do như các nghệ sĩ chẳng hạn cũng phải sinh hoạt trong các hội nghề nghiệp, các đoàn nghệ thuật của các nhà hát, và vẫn phải đi họp, vẫn phải có người lãnh đạo và nhiều người bị lãnh đạo. Và các đại hội của các hội nghệ thuật ấy vẫn mất rất nhiều thì giờ để bàn cãi, cân nhắc sẽ cử những ai vào cơ quan lãnh đạo. Nên làm quan là con đường duy nhất để tiến thân, là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xem xét giá trị một con người, là những lo âu đến cháy ruột, là sự sung sướng đến phát cuồng của nhiều người vốn đã có danh trước khi có quyền. Vì cái danh trong nghề xem ra chả được ai trọng cả. Nhà văn Trần Công Tấn có nói với hắn một chuyện: Năm ông Chế Lan Viên còn sống có lần ông về thành phố họp (vì nhà ông ở mãi đuôi quận Tân Bình) nên Tấn rất muốn mời ông anh về cơ quan mình ăn bữa cơm trưa thật đàng hoàng liền nghĩ ra một mẹo, nói với ông Tổng cục trưởng, rằng có nhà thơ Chế Lan Viên, là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, hiện đang có mặt... Lập tức ông kia liền ra lệnh cơ quan phải tổ chức tiếp ông đại biểu quốc hội ngay, tiếp thật đàng hoàng. Chứ nếu chỉ nói là nhà thơ thì có khi ông kia sẽ hỏi lại: "Là nhà thơ à, là nhà thơ tại sao ta lại phải tiếp?" Cũng như có một ông cán bộ cũng vào cấp lãnh đạo kha khá bảo một trợ lý nhân nghe nói về Nguyễn Du: "Nếu có gặp ông ấy nhớ mời lại cơ quan mình chơi, nói là mình mời". Chả cứ nhiều nhà lãnh đạo coi thường những văn nghệ sĩ chả có chức tước gì, chỉ là nghệ sĩ thôi, mà ngay cả đám doanh nhân trẻ mới đây cũng cậy có tiền coi các nghệ sĩ như một món nhắm của họ lúc tiệc tùng. Một bữa có một doanh nhân trẻ và đám bạn của y mời ông Chế và hắn tới dùng cơm tối tại một nhà hàng sang trọng ở quận 5, có xe đưa rước hẳn hoi. Hai anh em đã nửa năm mới được gặp nhau, mừng quá, cứ dính vào nhau nói đủ thứ chuyện, nói cả nửa giờ, cuối cùng cái đứa bỏ tiền phải nói một cách chả lịch sự chút nào: "Chúng em mời cơm hai bác để các bác nói chuyện với chúng em, chứ đâu phải để các bác nói chuyện với nhau". Cả hai đều ngượng, ông Chế nhìn hắn cười cười: "Ờ nhỉ, bọn mình vô ý quá, các anh muốn nghe chuyện gì nào?" Năm hắn còn ở quân đội, quân hàm đại tá nhưng chả có chức vụ gì, chỉ là anh phóng viên viết báo thôi, lại được giới thiệu trong danh sách các ứng cử viên đại biểu quốc hội của thành phố, khiến cả mọi người ở số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm (cơ quan đại diện của Tổng cục Chính trị ở phía Nam) rất ngạc nhiên. Họ nhìn hắn một cách giễu cợt, một anh chân trắng lại được bầu là đại biểu quốc hội, có nhầm không đấy? Hẳn là một cái tên trong vài tên trong một danh sách bầu để người đi bầu gạch ấy mà, chứ nước non gì! Mà hoá ra hắn lại trúng cử với số phiếu rất cao! Hắn cũng ngạc nhiên, bà con Củ Chi, Hóc Môn thì biết gì về hắn mà dám bỏ phiếu cho hắn. Về sau mới vỡ lẽ, họ nhầm hắn với phó thủ tướng Phan Văn Khải, người ra ứng cử ở đất Củ Chi (quê hương của ông) chỉ có thể là ông Sáu Khải, chứ làm gì có một anh chàng Nguyễn Khải, chả có chức tước gì kèm theo, nào khác. Lần đầu tiên hắn được mời đi họp Ðoàn đại biểu Quốc hội của thành phố tại ngôi nhà tiếp dân của các nghị sĩ lại đi xe đạp nên ông thường trực vội ngăn hắn và bảo: "Bữa nay các vị đại biểu quốc hội đang họp, xin mời bác lại khi khác". Thì ra hắn có một bản mặt rất là dân, không trộn lẫn với quan được. Do đó hắn vẫn thèm được làm quan, dẫu là một chức quan nhỏ hắn cũng không muốn bỏ lỡ, nên khi cấp trên gọi hắn ra Hà Nội để chuẩn bị sau Ðại hội Nhà văn sẽ làm người lãnh đạo Hội là hắn lao ra liền, dẫu hắn chưa làm cái nghề quản lý bao giờ, lại có tính lười và thiếu quyết đoán. Nhưng cấp trên tính không bằng hội viên tính, đại hội phải bầu lần thứ hai cho đủ số uỷ viên Ban chấp hành hắn mới trúng cử, mà cũng chỉ trúng với số phiếu thấp, quá bán một tí thì phải. Thế là hắn đành phải chấp nhận cái ghế ngồi ghé, nói leo, tất nhiên cũng có bẽ bàng một chút, nghĩ rằng "hạ sơn" để làm vương làm tướng gì, hoá ra... Như một đền bù, về hoạn lộ thì hắn thất bại nhưng về nghề nghiệp hắn lại viết được một cuốn sách rất khá, theo dư luận. Ðó là cuốn tiểu thuyết: Một cõi nhân gian bé tí, chỉ viết về những người thất bại. Thất bại ở chính trường, thất bại ở tuổi già, thất bại vì sự cô đơn lúc cuối đời, thất bại không do mình gây ra mà do những ràng buộc vớ vẩn từ một quá khứ. Nỗi buồn của họ, tiếng kêu ai oán của họ như từ thẳm sâu của những kiếp người vọng lên nên nó có một vẻ đẹp riêng, nó gần gũi với con người, nó thuộc về những thăng trầm của một đời người, là những rủi ro một khi đã va phải nó rất khó rũ bỏ. Nó trở thành những hình tượng nghệ thuật để cái cõi nhân gian bé tí nhìn vào đó mà ngẫm nghĩ và được an ủi. Trong mọi thất bại của con người ta chỉ có cái thất bại về hoạn lộ là không nên biết và cũng không nên viết vì nó nhơ bẩn và buồn cười. Khi ông Khơrútsốp, một nhân vật lừng lẫy tiếng tăm một thời, bị tước mọi quyền lực, bị buộc phải nghỉ hưu, có một phóng viên nước ngoài hỏi đứa cháu ngoại: "Lúc này ông cháu ở nhà làm gì?" Ðứa bé trả lời rất hồn nhiên: "Ông cháu chỉ ngồi khóc thôi".Ở nước ta cũng có vị phải ra khỏi trung ương sau nhiều khoá ở trung ương cũng đã bật khóc, nghe nói nước mắt ngắn dài suốt mấy năm, nhà như có tang suốt mấy năm. Con người đã nhỏ lại rất nhiều bởi tiếng khóc ai oán của họ và của vợ con họ.


21.

Nhà thơ lớn của dân tộc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng là một ông tổ của hắn nhưng khác chi. Chi cụ Thiều thuộc ông tổ Sảng quốc công Nguyễn Văn Lỗ, là con thứ năm của Hoằng quốc công Nguyễn Công Chuẩn được xếp vào hàng công thần Bình ngô khai quốc, được ban quốc tính Lê. Còn chi của hắn thuộc ông tổ Châu quận công Nguyễn Như Hiếu là con thứ ba của cụ Chuẩn. Trong số con cháu của cụ Lỗ có Thọ Dương Hầu Nguyễn Hựu là tướng của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, đi đánh quân nhà Mạc ở vùng Gia Lương rồi lấy vợ ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, thuộc trấn Kinh Bắc. Qua mấy đời nữa mới đến đời cụ Nguyễn Gia Ngô (có sách viết Nguyễn Gia Cư) tước Ðạt Vũ Hầu lấy con gái Trịnh Cương, sinh ra cụ Nguyễn Gia Thiều. Cụ Thiều là cháu ngoại của Chúa, được ở trung phủ Chúa từ nhỏ, thuộc dòng dõi cành vàng lá ngọc, có tài cả văn lẫn võ, lại am hiểu cả nhạc và hoạ mà không được Chúa trọng như các cháu bên nội. Ông là người vừa hám công danh lại cũng ham chơi, có máu văn nghệ mà. Nhưng nhà cầm quyền cần người trung thành, tận tuỵ, sai đâu làm đấy, không cần bằng cấp gì, văn chương gì như đám kiêu binh lấy từ trong Thanh ra chả hạn. Nên Trịnh Sâm xem ông như một vật trang trí trong phủ Chúa, chỉ dùng vào những việc vui, văn thơ, đàn hát và trông nom việc trang trí trong nội phủ. Ông là cháu gọi Trịnh Doanh là cậu, là anh em con cô con cậu với Trịnh Sâm mà không có vai vế gì ở lục phiên cả, lại là người có tài ăn nói, chắc cũng hay ngứa miệng nói năng ngông nghênh gì đó, thiếu gì chuyện để nói ở cái thời Trịnh Sâm, Ðặng Thị Huệ và ông em đa dâm, hiếu sát của bà ta. Nên nhà Chúa mất lòng, tỏ ra lạnh nhạt với ông, và không mời ông tham dự những buổi yến tiệc trong cung vua phủ Chúa, về sau cũng không được tự do ra vào nơi cung cấm nữa. Tới năm 1782, sau nhiều năm lặn lội trong bể hoạn ông mới được thăng chức Tổng binh Ðồng tri, Ðồng tri là cùng xem xét, tức chỉ là ông phó tổng binh thôi, rồi đưa đi dẹp loạn ở miền thượng du thuộc Hưng Hoá, giáp mặt với quân biên viễn nhà Thanh. Cái chức Lưu thủ Hưng Hoá không phải là thăng mà là giáng, là bị biếm, là đi đầy, vì đã có câu, quan ngoài nhất phẩm không bằng quan trong nhị tam phẩm. Còn cái tước hầu của ông ngày ấy cũng chả phải sang trọng gì. Ðến một anh Tầu bốc thuốc cho Trịnh Cán còn được phong hầu nữa là. Nhưng ông đâu có chịu ở liền trên đó mà hay bỏ nhiệm sở về chơi bời ở Tây Hồ sớm tối cùng nhóm bạn rượu, bạn thơ lúc bàn về thời thế, lúc bàn về nhân tình thành nhóm "tứ linh tửu hữu" được người kinh kỳ tặng hai câu thơ:

Quần cư Nam Việt ốc Tây Hồ
Thi tửi ngang tàng hảo trượng phu.

Ðã là hảo trượng phu thì không thể làm hảo gia nhận được. Ân sủng của nhà Chúa với ông chấm dứt từ đây, đã làm nhà thơ thì không thể làm đầy tớ, muốn làm đầy tớ thì không nên mơ mộng đến văn thơ. Xưa nay người của phú quý không thể là người của đạo lý, vừa muốn làm quan to lại muốn làm cả thi hào, tham thế! Nên ông mới mượn lời của cung nữ đã từng được vua yêu chúa dấu bỗng chốc bị bỏ quên mà than thở nhớ tiếc cái thời vàng son ấy:

Ngày sáu khắc tin mong, nhạn vắng
Ðêm năm canh tiếng lắng, chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u!

Tiếng kêu bi thương của cô cung nữ - Nguyễn Gia Thiều rền rĩ suốt 356 câu thơ, chả có câu nào muốn dứt hẳn cái quá khứ nhơ nhớp của kẻ tôi đòi, kẻ giúp vui để trở về với cuộc đời tự do như bản tính của một nhà thơ đòi hỏi. Nên vẫn còn: Ðè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi - Nghiêng bình phấn mốc mà dồi má deo. Trong phả viết ông là người không thích vinh hoa phú quý, tự xưng là Hi Tôn Tử và Như ý Thiền, lấy thi tửu cầm kỳ, nghiên cứu Phật học, Lão học làm vui. Nhưng đọc thơ của ông hắn chẳng tin một tí nào về sự đánh giá ấy. Một người đã vào cõi ung dung tự tại, không nhuốm chút bụi trần nào thì làm sao viết nổi những câu thơ da diết những nhớ thương, những luyến tiếc những ngày vui đã qua:

Ðêm hồng thuý thơm tho mùi xạ
Bóng bội hoàn nhấp nhá trăng thanh
Mây mưa mấy giọt chung tình
Ðình trầm hương khoá một cành mẫu đơn.

Trong thơ có mùi của quyền quý, có cả mùi của da thịt, một người lòng đã dửng dưng trước mọi cám dỗ thì cảm thế nào được những tình ấy, dùng thế nào được những chữ ấy. Và cả những câu oán hờn như nghiến răng mà viết, như đã chất chứa bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu căm tức mà viết:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Tiếng thở dài của cô cung nữ - nhà thơ mới tội nghiệp làm sao, mới tầm thường làm sao!

Mồi phú quý nhử làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc Nam kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Ðọc thơ của Ôn Như Hầu hắn cứ lấy làm lạ tại sao ông có thể nhập vào da thịt, vào tận chỗ sâu thẳm trong tâm hồn cô cung nữ bị đấng quân vương ruồng bỏ tài tình đến vậy, như ông viết về thân phận của chính ông, nói thế cũng chưa đủ, như chính ông đã từng là đàn bà, đã từng là cung nữ. Ngay cả lối cấu trúc câu thơ cũng khác nhiều với Kiều, với Chinh phụ ngâm trật tự các từ ngữ cứ xáo trộn cả lên khiến người đọc phải ngạt thở, phải quặn gan quặn ruột: "Mùi tục luỵ lưỡi tê tân khổ - Ðường thế đồ gót rỗ kỳ khu" - "Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc - Lớp cùng thông như đúc buồng gan". Ðã từng là đàn bà ư? Ðã từng là cung nữ ư? Lại có thể thế được sao? Lạ nhỉ! Khó hiểu nhỉ! Phải tới năm hắn đã ngoài bốn mươi tuổi tình cờ được nghe một chuyện cũng hơi bất ngờ đối với hắn, dần dần hắn mới vỡ lẽ...

Cách đây đã ba chục năm, một lần về công tác tại tỉnh N. hắn vừa bước vào văn phòng tỉnh uỷ thì gặp ngay anh M. là thường vụ tỉnh uỷ phụ trách tuyên huấn, anh liền kéo hắn ra ngoài hành lang, nói nhỏ: "Này, mình dặn cậu, nếu ông Ð. (bí thư tỉnh uỷ) có hỏi cậu về cái vườn hoa mới làm lại của tỉnh uỷ thì cứ khen là rất đẹp nhá, đừng có sáng kiến này nọ mà khổ bọn văn phòng". Thì ra có một ông nhà báo khi được bí thư tỉnh uỷ hỏi đã nói: "Nếu có thêm vài khối đá đặt rải rác chỗ này chỗ kia thì sinh động hơn". Thế là ngày hôm sau văn phòng phải lấy một cái xe tải lên tận một huyện giáp núi khuân đá về đặt vào vườn hoa theo lệnh của người lãnh đạo cao nhất tỉnh. Anh M. lại kể có lần Ban thường vụ tỉnh uỷ ra một quyết định, cũng đã bàn bạc với ông già, ông già cũng đã đồng ý rồi, đột nhiên lại bảo nên hoãn, chưa nên làm. Thường vụ hỏi lại nếu không làm thì sẽ trả lời với Ban chấp hành ra sao thì ông nín thinh rồi bỏ họp vùng vằng xách cặp về.
Thường vụ liền cử anh M. đến tận nhà bí thư lấy tình chú cháu mà thuyết phục (ông Ð. là bạn tù với ông già của anh M.). Ông bí thư buông màn nằm quay mặt vào tường, M. phải gọi mấy lần ông vẫn không lên tiếng. Ông già lão thành cách mạng về già trở lại tính trẻ, hay hờn hay dỗi như đàn bà. M. phải tụt dép vén màn, ngồi vào trong giường lay vai bí thư nói như nói với một giá đồng cô: "Cháu đây mà, chú quay lại nói chuyện với cháu đi nào..." Ông nói gắt: "Chúng mày đã quyết định thì cứ thế mà làm, hỏi han gì, tao cũng sắp được nghỉ ngơi rồi". Dỗ dành cả giờ mà cũng phải biết cách dỗ, giọng ông già mới dịu lại nhưng vẫn còn một chút hờn: "Ðược rồi, cứ thế mà làm, làm không xong đừng có đem tôi ra làm cái bung xung nhá!".

Thì ra một người được quyền lực nuông chiều quá lâu dễ biến tính thành đàn bà, thành thái hậu để được tận hưởng những cái ve vuốt làm mê muội con người của quyền lực, lúc vui lúc giận, lúc ban ơn, lúc trách phạt theo cái yêu cái ghét tức thời, lúc bảo nên làm, lúc lại bảo không nên làm, chỉ phút trước phút sau ngay những người cộng tác kề cận cũng không thể nhận ra những dấu hiệu khác thường để biết trước. Nguyễn Gia Thiều cũng thế, ông đã được đấng quân vương - quyền lực chọn làm cung nữ, làm ái phi từ thuở mới lọt lòng, thuộc dòng máu tôn quý nhà Chúa, lớn lên là chàng thanh niên văn võ song toàn, bước đường công danh như đã mở sẵn từ mọi hướng, bước đến là tới, với tay là có. Ấy là lúc cô cung nữ - Nguyễn Gia Thiều, người đàn bà trong Nguyễn Gia Thiều được phô bày mọi vẻ yêu kiều trước cái nhìn tán thưởng của nhà Chúa, như ông đã viết: "Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu - Ghẹo hoa kia lại díu gót sen - Thân này uốn éo vì duyên - Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời..." Nhưng đấng quân vương - quyền lực cũng là người hay chóng chán: Chơi hoa cho rữa nhị tàn lại thôi. Ông ta rất thích thay người, thay là thay, rất tàn nhẫn rất lạnh lùng: "Giết nhau chẳng cái lưu cầu - Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa" - "Tiếng thuý điện cười già hoá gắt - Mùi quyền môn thắm rất nên phai". Ðó là cái giá phải trả của những người trót được đấng tối cao quyền lực yêu và để lọt vào mắt xanh.

Ðã căm đến thế, đã oán đến thế, nghĩ rằng người bị đuổi phải tởm lợm cái mùi phú quý cho đến chết, nào ngờ vẫn thèm lắm, vẫn tiếc lắm, đã phấn mốc má deo mà không hết hy vọng:

Phòng khi động đến Cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa

Hai câu thơ kết thúc của khúc ngâm rằng hay thì hay thật là hay... về phương diện văn chương là cái nghề của hắn, hắn phải nhận là tuyệt hay vì nó quá thật. Nhưng nhìn lại con người thì hắn hơi xấu hổ vì hai câu thơ ấy như được buột viết ra trong lúc thảng thốt, không kịp che giấu những cái tầm thường, yếu đuối của một kiếp người. Bao nhiêu lời dậy hàm súc của các triết nhân, bao nhiêu chiêm nghiệm đau đớn của một đời người vẫn không ngăn được sức sống mãnh liệt của thói quen: Lắng nghe tiếng lăn bánh của cỗ xe phú quý, tiếng gọi của đấng quân vương - quyền lực đêm đêm mỗi lần chợt tỉnh giấc...


22.

Cuối cùng thì hắn cũng nhận ra hắn là ai rồi. Hắn đã trở thành đàn bà, thành thái hậu từ lâu rồi, tuy hắn chả có một tí quyền hành nào ngoài xã hội nhưng vẫn là một quyền uy tối thượng trong gia đình. Hắn đã trở thành cung nữ của đấng quân vương quyền lực với những vui buồn thất thường, những thưởng phạt tuỳ thích, cả những lời nói thiếu cân nhắc, gặp gì nói nấy với vợ với con và càng ngày hắn càng thích xét nét những việc nhỏ nhặt, cay nghiệt trong cách xử sự, và muốn mỗi lời nói của mình phải là một mệnh lệnh không cho phép ai cãi lại hoặc dám làm ngược lại. Thoạt đầu hắn nghĩ những biến tính đó là một biểu hiện của tuổi già. Nhưng khi tiếp xúc với bạn bè, với Hội nghề nghiệp, với quân đội là quê cũ của hắn thì càng già hắn càng biết cách nhường nhịn, biết ngưỡng mộ những ý định đẹp, những hành động đẹp, biết làm lành với những người vốn ghét mình, biết nhận lỗi và sửa lỗi, biết nghe một cách thản nhiên mọi lời chế giễu hoặc đúng hoặc sai, không giận đã đành mà cũng không thấy cần thiết phải nói lại, cứ như một tu sĩ sắp bước vào cõi "ngộ". Là vì ở ngoài đời hắn vốn lạ với quyền lực, cũng thích nhưng là thích gọi là, không mê, dễ thì nhảy vào chơi, rắc rối quá là nhảy ra liền, cũng có nhớ, có tiếc nhưng cái tính lười cố hữu đã lấp kín ngay lập tức cái khoảng nhớ theo thói quen ấy. Cũng có một lần hắn đã được quyền lực để mắt và cho gọi hầu nhưng hắn đã già mất rồi. Già rồi còn được gọi ra nhận chức phó tổng thư ký Hội Nhà văn, do có chân lãnh đạo một đoàn thể mà được mời ứng cử đại biểu Quốc hội và lại trúng cử Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước nhưng hắn không có ý định làm một đại biểu nhân dân chân chính mà chỉ muốn được tiếp tục làm nghề, lấy Quốc hội là một thực tế mới lạ để hắn tìm hiểu và quan sát. Ði họp vài lần hắn mới nhận ra các đại biểu ôm cặp đi họp gánh trên vai họ nhiều trách nhiệm lắm, vì dân hai phần ba, còn một phần ba là vì họ. Vì Quốc hội còn là nơi giao dịch, thương lượng, quyết định nhiều việc mà theo hệ thống các tổ chức nó buộc phải thông qua có khi phải kéo dài cả năm, cả mấy năm. Ở Quốc hội mỗi đại biểu có quyền gặp các Bộ trưởng, các Tổng Cục trưởng, thậm chí gặp cả Thủ tướng tương đối dễ dàng, dễ dàng làm quen, dễ dàng nói chuyện, dễ dàng thỉnh cầu vì họ đều là những đại biểu của nhân dân cả. Có một nữ đại biểu giám đốc một xí nghiệp lớn, khoe với hắn trong một buổi sáng cô đã xin được năm chữ ký tắt của các nhân vật hết sức khó gặp. Hàng ghế của thành phố Hồ Chí Minh là hàng ghế thứ hai và thứ ba sau hàng ghế đầu của các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, hắn lại được ngồi ở hàng ghế thứ hai vì hắn là người làm công tác quản lý một đoàn thể. Ngồi ở vị trí đó hắn được tự do quan sát các vị lãnh đạo khi ngồi họp, chả để làm gì cả, chỉ để quan sát thôi. Hắn vốn thích quan sát các nhân vật nổi tiếng trong mọi sinh hoạt bình thường của họ mà. Còn việc thứ hai thì hoàn toàn bất ngờ, hắn trở thành nhân viên chuyển thư của các hàng ghế sau tới tận tay từng vị lãnh đạo ngồi ở hàng ghế trên cùng. Thư của ai hắn không thể biết, chỉ biết người ngồi ở hàng ghế sau bấu vào vai hắn, một lá thư đưa qua vai và một lời dặn nhỏ: "Họ bảo nhờ ông đưa tận tay cụ X.", rồi cụ Y, rồi cụ Z, đưa nhiều lần quá đến nỗi đã có vị quay lại hỏi đùa: "Này, cậu nhận thêm cái việc này hồi nào vậy?" Nếu các vị ấy lại sinh ngờ hắn đã nhận tiền những người nhờ vả thì hắn biết nói sao? Kỳ họp thứ hai của khóa 8, họp cuối năm, hắn có làm quen với một bí thư huyện uỷ tên là K, do sự giới thiệu của một người bạn khác. Ông bí thư này cũng đã từng là quân nhân thời đánh Mỹ, về nhà đi buôn mấy năm rồi mới ra làm việc lại, tuổi ngoài bốn chục, là người nhìn xa trông rộng, cách nghĩ, cách nói rành mạch, quyết liệt, không từ nan bất cứ một việc gì có lợi cho địa phương mình. Ngay trong lần gặp làm quen, anh ta đã hỏi hắn về ông chủ tịch thành phố cũng là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và có ý muốn mời ông chủ tịch một thành phố lớn nhất nước, đông dân nhất nước tới thăm huyện của anh ta vừa để thắt chặt tình đoàn kết Bắc Nam vừa tìm đối tác làm ăn cho huyện nhà. Rồi anh ta cười: "Huyện của tôi cũng là một huyện biết hoà nhập nhanh vào nền kinh tế thị trường bằng các hàng hoá nông nghiệp của mình". Trước khi chia tay ông bí thư huyện còn nhắc lại lời mời, thành tâm lắm, tha thiết lắm. Hắn cũng tình thực nói lại với trưởng đoàn, trưởng đoàn xem lại lịch làm việc những ngày nghỉ họp, nói: "Có lẽ phải đợi kỳ họp sau vậy, những ngày nghỉ tới không có buổi nào rảnh". Hắn nói lại với ông bí thư huyện uỷ quá nhiệt tình với miền Nam, và nhắc lại lời cảm ơn cùng lời hẹn sẽ tới thăm huyện của anh vào kỳ họp sau của ông chủ tịch thành phố. Anh ta liền nhìn hắn bằng cặp mắt trống rỗng rồi hạ một câu khiến hắn phải sững sờ: "Tôi muốn mời ông ấy đến huyện vào dịp này là muốn nhờ ông giúp tôi đưa mấy vạn mét pháo vào thành phố nhân dịp Tết. Chứ sang năm mới đến chơi thì còn chuyện gì để nói!" Hắn đứng chết sững một lúc vì hãi quá, sau đó lại mừng quá. Vì nếu ông chủ tịch lại tin lời hắn tới thăm huyện của K., rồi tiệc tùng, rồi quà cáp, rồi diễn văn và đáp từ về tình anh em ruột thịt giữa hai miền, người lớn hỗ trợ cho kẻ bé, anh lớn hỗ trợ cho em nhỏ, cuối cùng xin ông anh giúp thằng em đưa vài vạn mét pháo phi pháp vào thành phố nhân dịp Tết thì ông anh biết nói sao? Dứt khoát là ông anh sẽ từ chối thẳng thừng, chả nể nang gì một thằng bí thư huyện uỷ mới quen biết đã giở trò láu cá. Sau đó ông sẽ tự hỏi cái thằng nhà văn có vẻ ngốc nghếch kia đã nhận của thằng bí thư huyện uỷ bao nhiêu tiền nếu vụ làm ăn này trót lọt? Nhà văn kiêm cò pháo, hay nhỉ, đẹp mặt nhỉ, có thanh minh cả một khoá quốc hội cũng chả ai chịu hiểu cho! Thế là hắn liền có ngay một phương châm sống sau hai kỳ họp Quốc hội: "Sống là phải cảnh giác, chớ vội tin vào những lời nói quá đẹp mà chết có ngày". Làm đại biểu Quốc hội thì nên đề phòng, chớ có vội tin nhưng là nhà văn thì cứ phải tin, phải yêu, phải hy vọng vào tất cả những ai mà hắn có dịp tiếp xúc, dẫu vẫn biết rành rành những thói xấu của họ, những cái tầm thường của họ. Ðã là con người, lại là người đang sống ở một thời mọi cơ chế bao cấp dần dần bị dỡ bỏ để chuyển đổi tất cả thành hàng hoá, tất cả đều có thể mua và bán một cách tự do dẫu có nhiễm phải thói xấu của nền kinh tế thị trường cũng là chuyện tất nhiên, chuyện bình thường. Nên hắn vẫn viết về cuộc đời của K, trong một truyện vừa Người làng pháo lý thú. Vì K là một mẫu người rất tiêu biểu cho cái thời bây giờ, sỗ sàng, lì lợm, quyết liệt, tháo vát, biết cách tổ chức mọi thứ đang có trong tay thành hàng, thành tiền hết sức thần diệu. Có nghĩa là những người tốt của thời nay, những người có thể làm giầu cho huyện mình, cho tỉnh mình, nhìn cho kỹ cũng có lắm trò ma quỷ, có tính Tuy Kiền lắm. Muốn giữ cho họ khỏi sa vào tội lỗi thì pháp luật phải chặt chẽ, thi hành pháp luật phải nghiêm minh, cơ chế quản lý xã hội phải khoa học, hiện đại, báo chí phải được tự do phát hiện và tố cáo mọi hành vi lừa đảo, tham nhũng, phải dùng những công cụ của thời bây giờ để quản lý những người của thời bây giờ.

Trong suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khoá 8 hắn chỉ phát biểu có một lần về những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội xem xét cho ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà T. cũng là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật sư danh tiếng của Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối lập với chính quyền Thiệu, đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng hắn chưa từng sống trong xã hội tư bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo của tư nhân nhưng nguồn tài trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của các tổ chức chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực. Họ mới là những ông chủ đích thực của tờ báo, quyết định xu hướng chính trị của nó, còn các nhà báo chỉ là những người làm công ăn lương mà thôi. Theo bà, hãy tổ chức những tờ báo hiện có của các đoàn thể thành những cơ quan ngôn luận thật sự có uy tín, có đông đảo bạn đọc cũng đã tốt lắm rồi. Bà vừa dứt lời tiếng vỗ tay đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Bà là một trí thức yêu nước, đi học và hành nghề ở nhiều nước tư bản từ nhỏ tới già nhưng lại có lập trường của một người cộng sản. Còn hắn là đảng viên cộng sản chính gốc lại hùa theo những đòi hỏi của nhiều người được xem là rất đáng ngờ về quyền được ra báo và mở nhà xuất bản tư nhân. Ông chủ quyền lực bắt đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ ngày ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi nổi về một từ, một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình sự, thì hắn ngủ gục, đầu vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông nghị gật như các báo vẫn chế giễu các ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc. Té ra hắn được vào Quốc hội là do sự hiểu nhầm từ cả hai phía. Phía lãnh đạo thì nghĩ rằng hắn đi nhiều, biết nhiều và cũng đọc nhiều ắt hẳn sẽ có nhiều ý kiến mới lạ để đóng góp với nhà nước. Còn hắn cũng nghĩ do có cơ hội quen biết thêm nhiều nhân vật nổi tiếng của nhiều ngành nghề, lại được tham gia bàn bạc những việc trọng đại của cả nước ắt hẳn sẽ viết được nhiều bài báo rất lý thú như những bài báo đã viết trong năm 1974 chả hạn. Suốt một nhiệm kỳ năm năm, đi về bằng máy bay mỗi năm bốn lượt, lại hai tháng họp Quốc hội, nuôi ăn, nuôi ở, lại chiếm một chỗ ngồi ở cơ quan quyền lực tối cao, rút cuộc hắn chả làm được tích sự gì, nói có một lần lại nói sai, đến một bài báo về đất thép Củ Chi thời đánh Mỹ như hắn đã hứa với bà con ở đó cũng không có nốt. Hắn đã ngượng lắm, lại càng ngượng khi một bạn đồng nghiệp làm tạp chí Người đại biểu nhân dân của Quốc hội hỏi hắn: "Tại sao anh lại ít nói thế nhỉ? Gần hết một khoá Quốc hội mà anh không nói được một câu nào để bọn em nhớ?" Biết nói thế nào nhỉ? Hắn đã ngồi nhầm chỗ, có thế thôi! Chỗ của hắn là quán trọ, bến phà, bến xe, sân phơi hợp tác xã, lán ở của công nhân nông trường, những khu nhà tập thể của gia đình quân nhân, ở bờ ở bụi, nghe đủ chuyện vui chuyện buồn, chuyện hay chuyện dở của thiên hạ, ngứa miệng thì góp vào một đôi câu, sáng gặp bạn trẻ tối gặp bạn già, lúc thì bàn luận nhân tình thế thái, lúc thì nói láo nói lếu về mọi sự ở đời. Một ngày sống thoả mãn, tràn đầy, càng nói càng thông minh, càng nghĩ càng nẩy sinh, lắm điều sâu sắc, chữ nghĩa gọi chữ nghĩa, hình ảnh gọi hình ảnh, dưỡng chất nuôi sống ngòi bút của hắn trong bấy nhiêu năm chủ yếu là ở môi trường đó, chứ có bao giờ ở trong các cuộc họp! Ở các cuộc họp hắn chỉ ngáp thôi, vây vẩy bạc phếch, đứng xa cũng ngửi thấy mùi tanh, còn thả hắn vào nước, nước ao, nước rạch, cống rãnh được tuốt, hắn lại vùng vẫy nhào lộn, vây vẩy sáng loé, môi mép toe toét, tung bọt giỡn sóng, là cá sắp hoá rồng chứ đâu phải là con cá ươn như khi ngồi họp.
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà ná»™i 2003