© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.7.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
tự truyện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
23.

Năm 1957, sau khi đăng rải trên tạp chí Văn nghệ Quân đội nhiều tập ghi chép có cái tựa đề chung là Xung đột, tên của hắn bắt đầu được các tiền bối trong nghề lưu ý. Ông thầy của hắn là cụ Nguyễn Tuân nhìn hắn một cách ưu ái rồi bảo: " Xem ra cậu cũng biết nhiều nhỉ?", cũng có thể hiểu có nhiều chuyện ở một vùng nông thôn theo đạo Thiên Chúa cụ chưa được biết, nhờ đọc hắn mà biết. Lời khen của giáo chủ văn xuôi đâu phải lời nói đãi bôi, nói cho có nói. Hắn bắt đầu nhen nhóm lại lòng tin, là rồi ra hắn cũng có thể viết được. Lại một tin vui khác nhưng buộc hắn phải cân nhắc, tính toán, vì trước mắt là được, về lâu dài có khi lại không được. Ấy là cấp trên muốn hắn được theo học khoa lý luận văn học của trường dạy viết văn nổi tiếng Gorki, thời gian cũng dài, khoảng bảy, tám năm gì đó. Cùng đi với hắn có anh Nguyễn Minh Tấn, là cán bộ của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hắn muốn đi học xa trong một thời gian dài để tiện nói lời hoãn hôn hoặc thoái hôn với cô gái mà hắn đã để ý, đã thương yêu, đã hứa hẹn. Người yêu của hắn sẽ là một người vợ rất lý tưởng nếu hắn gặp cô sớm hơn dăm năm, đất nước vẫn còn chiến tranh, người vợ ở nhà nuôi mẹ, nuôi con, trong trường hợp của hắn còn làm chỗ dựa cho em trai nữa để hắn yên tâm đi kháng chiến. Vả lại ở làng quê trong thời kháng chiến thì vợ hắn thuộc loại xinh đẹp, lại thông minh, nói năng cũng duyên dáng, cái duyên dáng thơ ngây, mộc mạc của đồng quê, của cách mạng, của đời sống mới. Còn bây giờ người yêu của hắn lại sống giữa một Hà thành hoa lệ, giữa cả mấy chục người đẹp được tuyển chọn từ nhiều địa phương của cả nước về để múa, để hát, để diễn kịch và làm người giới thiệu. Từ sáng đến tối ở các đoàn nghệ thuật ấy người ta chỉ bàn về các vai diễn, các giọng ca, các điệu múa; về quần áo và phấn son, về cái đẹp và cái duyên của người này người nọ; và cả về những người đàn ông và các mối tình khi vui khi buồn giữa họ. Hết nói chuyện nghệ thuật trong nước lại nói chuyện nghệ thuật từ nhiều nước anh em sang Hà Nội biểu diễn trong mấy năm đầu hoà bình. Trong cái thế giới son phấn, nghệ thuật, trí thức, dầu tất cả mới chỉ là học đòi, làm ra vẻ của đám lính tráng mới tạm buông tay súng để sống trong các thành phố của hoà bình, người yêu của hắn đứng tách riêng hẳn một mình, ngây ngô, ngơ ngác như của lạ. Bao nhiêu cái duyên khi còn ở quân khu liền bị tước sạch lúc bước vào Hà Nội, thành người thừa, nói cười thừa, đứng đâu cũng thừa, làm gì cũng thừa, vừa thương tâm vừa khó chịu. Thế là hắn bắt đầu chán, bắt đầu ghét, tránh gặp mặt và rất khổ tâm khi phải đi với nhau ngoài phố, cùng ngồi với nhau ở một quán hàng hoặc cùng đi xem một phim nghe nói là hay hoặc một vở kịch mới công diễn. Bạn gái hắn nghe hắn báo tin sẽ sang Liên Xô học bảy, tám năm cũng sững sờ nhưng không phản đối, vì đi học là một vinh dự, là đã được cấp trên tin cậy tuyển vào đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo chính quy để mai này đảm nhiệm những trách nhiệm lớn hơn. Một lần khác hắn lại nói chưa nên tổ chức cưới xin vội, lúc về cả hai mới trong ngoài ba mươi, còn trẻ chán, vả lại thời nay đâu cần nhiều con, chỉ một hai đứa là đủ. Bạn gái hắn vẫn không nói gì. Ðến lần thứ ba lại bàn về việc hoãn tổ chức đám cưới, bạn gái hắn mới nói, cưới nhau trước khi đi học lại hoá hay, lúc trở về con đã lên bảy lên tám mà người chồng không phải bận bịu gì, không phải mó tay vào tã lót cứt đái mà vẫn được con, con lại đã lớn, đi trẻ đi học cả ngày, nhà ở có chật chội cũng chả ảnh hưởng gì đến công việc nếu phải làm việc ở nhà. Ơ hay, cái cô này ngây ngô vậy mà tính toán cũng hay nhỉ! Hắn vốn là thằng lười, muốn có cả vợ đẹp lẫn con khôn mà không phải tốn công sức nên nghe thấy phải quá. Vả lại bảy, tám năm ở nước ngoài, sống độc thân thì thiếu gì người đẹp ở trong nước sang học đủ các ngành nghề, có mèo mỡ chim chuột nhau cũng chẳng ai để ý, nước người ta văn minh, chuyện trai gái yêu đương là chuyện thường tình, miễn là không để lại dấu vết. Ở nước ngoài trong tuổi thanh xuân lúc về nước đã ngót nghét bốn chục, lao đầu vào sự nghiệp là vừa đẹp, lại đã có một gia đình yên ấm, cùng một lúc được cả việc công lẫn việc tư, còn mong gì hơn, nhưng chả lẽ mọi chuyện khó khăn ở nhà lại dồn hết lên vai vợ? Nhưng cái người tình nguyện sẽ là vợ hắn, dầu hắn phải đi học xa và dài ngày, nghe những băn khoăn của hắn đã cười rất dễ dãi: "Một mình sinh con nuôi con rồi nuôi cả mẹ chả có gì là vất vả với em cả. Như chị em ấy, cũng nuôi con một mình trong suốt tám năm anh ấy đi kháng chiến, lại còn chạy giặc, giặc đốt nhà mấy lần còn làm lại nhà, vay ăn từng bữa mà lúc chồng về vẫn có nhà, có thóc, có cả con, có sao đâu!" Ờ nhỉ, bạn gái hắn là một cô gái nông thôn quen sống trong vất vả, thiếu thốn, lại có tính hy sinh cho chồng cho con như mẹ, như chị, như những người đàn bà khác trong làng, chứ có như các cô gái ở thành phố đâu, ở nhà cha mẹ nuôi, lấy chồng chồng nuôi, chồng hầu, biến mình thành mèo cảnh, chó cảnh, nũng nịu hờn dỗi, lúc gù lúc gừ, vớ phải thằng chồng vừa lười vừa có máu nghệ sĩ thì tan cửa nát nhà ngay. Thế là hắn quyết định sẽ lấy vợ, và vợ sẽ có mang trước ngày hắn lên đường ra nước ngoài. Nhưng cũng còn một chút tính toán nữa, hắn đang viết được, các tập ghi chép có tên là Xung đột đang được bạn trong nghề khen và bạn đọc yêu văn chương đón đợi từng số tạp chí, sau nhiều năm gò gẫm chữ nghĩa ý tứ mà vẫn chẳng đâu vào đâu. Thêm nữa hắn lại sống trong cái không khí náo nức sáng tác của ngôi nhà số 4 Lý Nam Ðế. Hắn ở một phòng với Ngô Thông, nguyên thư ký báo Quân đội Nhân dân khu 5, cạnh phòng của Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện, rồi đến phòng của Minh Giang và Phác Văn, phòng ngoài cũng là của Hữu Mai và Nguyễn Ngọc Tấn. Tấn là người Nam Ðịnh nhưng vào Sài Gòn kiếm sống từ năm 13, 14 tuổi. Sau cách mạng tháng Tám, Tấn tòng quân tham gia kháng chiến ở trong đó suốt 9 năm, viết báo, làm thơ. Nào dè anh lại trở thành một cây bút viết truyện ngắn hết sức đặc sắc, vừa có chất thơ nhưng vẫn trĩu nặng những ý tứ thâm trầm. Vào những năm ấy Hữu Mai có truyện ngắn Mất hết đang gây bàn luận sôi nổi cùng với truyện Ðẹp của Xuân Cang. Phùng Quán sau Vượt Côn Ðảo có trường ca Võ Thị Sáu. Nguyên Ngọc vẫn cái mạch sống của Ðất nước đứng lên, viết tiếp nhiều truyện ngắn, truyện nào cũng đẹp như một bài thơ bằng văn xuôi. Hồ Phương có Cỏ non, Phù Thăng ở dưới đơn vị gửi lên truyện ngắn Con những người du kích... Có tối đã khuya lắm, dọc đường Phan Ðình Phùng chỉ còn nghe có tiếng rao buồn nản kéo dài của hàng phở gánh: "Phở...ở...ở....", thì Tấn đến gõ của từng phòng kéo mọi người lại phòng anh để nghe anh đọc một truyện ngắn vừa mới đặt dấu chấm hết cách đó dăm phút. Ðó là truyện ngắn Im lặng. Học lý luận có thể dành cả đời, nhưng khoảng thời gian để viết ra văn có khi chỉ dăm năm. Bỏ quên hoặc đánh mất hoặc tiêu phí năm năm trời cho, nghề cho coi như thành người khác, làm nghề khác chứ không thể trở lại tìm kiếm đoạn đường đã lạc. Nó đã là cái hư ảo, cái thoáng chốc mất hút mãi mãi rồi... Thế là lại có một quyết định mới, ở lại, lấy vợ, sinh con và làm nghề theo kinh nghiệm, theo bạn bè, theo cái nghiệp ông trời đã buộc, bỏ ngoài các thứ lý luận, các thứ vinh dự, vui thú khác.

Cái sự tính toán tầm thường, ích kỷ lúc mới vào nghề nào ngờ sẽ là lối sống một đời văn của hắn. Trước hết hắn là một tên ích kỷ không thể cứu chữa, bất kể cái gì không liên quan đến sáng tạo nghệ thuật hắn đều gạt bỏ sang một bên, không nuối tiếc gì cả. Nhưng để lỡ một cơ hội hiểu thêm một nhân vật, một cảnh ngộ, một tình huống là hắn khắc khoải mãi, vì biết đâu từ những thứ vớ vẩn đó lại chả vật lên một cái gì đó rất lạ, rất đẹp thì sao? Hắn đã để lỡ nhiều dịp may lắm, cái cơ hội lớn nhất đã để mất đi mãi mãi là tám năm kháng chiến chống Pháp. Những năm ấy hắn đã trong ngoài hai mươi tuổi rồi, đâu còn trẻ con nữa. Ông Chế Lan Viên năm 16, 17 tuổi đã có tập thơ Ðiêu tàn gây chấn động trong làng thơ thuở ấy. Ông Nguyên Hồng cũng khoảng tuổi ấy đã có Bỉ Vỏ được giải thưởng của nhóm Tự lực Văn đoàn. Ông Vũ Trọng Phụng năm ngoài hai mươi tuổi đã viết được cuốn tiểu thuyết hoạt kê Số Ðỏ, các nhân vật của ông còn gây cười cho tới tận bây giờ. Nguyên Ngọc năm 23 tuổi viết tiểu thuyết Ðất nước đứng lên, là vốn sống chắt lọc của một nghệ sĩ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên. Hắn vào nghề báo từ năm 19 tuổi, làm báo tỉnh, làm báo mặt trận, rồi báo quân khu, sáu năm làm báo trong kháng chiến mà hồn nhiên, thơ ngây như đứa trẻ. Cái sự thơ ngây đáng trách ấy, cái thứ nước lã trong veo ấy đã gột nên hai cuốn sách nhạt như nước ốc, là truyện Xây dựng (cũng được giải khuyến khích của Hội Văn nghệ Việt Nam vì đề tài) và truyện Người con gái quang vinh, viết về nữ liệt sĩ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Chả có một tí từng trải nào, chiêm nghiệm nào trong kháng chiến ẩn hiện trên các trang sách, chữ nghĩa cứ bạc phếch, trống hoác như văn của thằng học trò sống trong Thành, nghe chuyện của kháng chiến ngồi viết lại. Giả thử khôn ngoan như bây giờ, ngày ấy cứ ghi chép lại những chuyện tai nghe mắt thấy ở Hà Nội năm 1945, 1946, ở Hưng Yên năm 1947, ở Thái Bình năm 1950, rồi ở các cơ quan lãnh đạo kháng chiến cấp khu những năm 1951, đến 1954, vùng địch hậu nam Nam Ðịnh vừa được giải phóng năm 1952, vùng du kích Thanh Liêm và các cơ quan huyện xã của Hà Nam chạy sang Bồng Lạng để chỉ đạo cuộc chiến tranh du kích các xã bên kia sông Ðáy. Những năm ấy ngôn ngữ thường dùng ra sao, chuyện vui, chuyện tếu kháng chiến ra sao, những dãy phố bất thần mọc lên, bất thần mất đi ở mọi nẻo đường kháng chiến, những thị trấn nổi tiếng một thời Quỳnh Côi, Ðống Năm, Cống Thần, Sêu Tiết, Hậu Hiền, Rừng Thông... Có hàng trăm chuyện, hàng ngàn chuyện ghi đậm những dấu vết không bao giờ phai nhoà của một thời. Cái pho sách biết sao chép ấy chắc phải dầy cả ngàn trang, chỉ như thế thôi rồi chết hoặc gác bút cũng đủ làm nên một sự nghiệp và những trang sách ấy chắc chắn phải hay hơn những tập ký sự nói chuyện dông dài của các cụ ở những thế kỷ trước. Từ ngày hắn biết làm nghề, tức là từ năm 30 tuổi (cùng trạc tuổi trong ngoài ba mươi, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam đã hoàn thành một sự nghiệp bất hủ và đã chết rồi, Nguyễn Tuân đang thời rực rỡ nhất của một đời văn, Nam Cao đã có Chí PhèoLão Hạc. Thì họ là những thiên tài, hắn bì thế nào được!) cho tới bốn chục năm sau hắn không để phí một giờ nào không dỏng tai, không giương mắt, sống gấp hai gấp ba lần so với những người cùng thời làm các nghề khác để nghe cho rõ, nhìn cho tinh và ngẫm nghĩ về mọi sự mọi việc đang diễn ra quanh hắn. Nghĩ được điều gì hay là viết liền, được là văn thì tốt, không được là văn thì cũng là tài liệu lưu giữ cho đời sau. Truyện dài mở đầu thời kỳ này hắn gọi là ghi chép cũng từ cái ý không để mất đi bất cứ cái gì hắn đã ngẫm nghĩ và ghi nhận được. Có truyện được khen, có truyện bị chê, chê thì chê hắn đã bắt tay vào viết truyện khác rồi. Năm 1962 hắn in cuốn tiểu thuyết Một chặng đường, sách ra bị bạn đọc chê dữ quá. Họ đang đón đợi ở tác giả Xung độtMùa lạc một cái gì hơn thế, nào ngờ phải đọc những trang văn quá nhạt nhẽo. Hắn chỉ buồn một chút vì nhân vật Nam của nông trường Ðiện Biên đã lờ mờ xuất hiện, nghĩ là nó sẽ nhanh chóng qua đi vì thời gian này hắn đang phải theo học một khoá chính trị cho cán bộ trung cao cấp kéo dài một năm tại Quần Ngựa. Nào ngờ cái anh chàng thợ mộc ấy càng ngày càng hoá ra lắm lời, thì thào với hắn mỗi đêm và cả mỗi ngày, ngay cả giờ lên lớp hắn ta vẫn tiếp tục trò chuyện. Thế là hắn viết liền, ngay tại giảng đường, giáo viên thì giảng giải về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, còn hắn thì bắt đầu cuộc trò chuyện dài ngày với nhân vật chính có tên là Nam, trong cái truyện vừa Hãy đi xa hơn nữa, truyện in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội được bạn đọc khen ngay. Người khen đầu tiên là ông Phạm Lê Văn tức Thợ Rèn, là người bạn vong niên của hắn từ thời kháng chiến chống Pháp ở khu 3. Ông Thợ Rèn nói: "Mấy ông viết văn trẻ chỉ được một, hai cuốn sách đầu là đáng đọc, còn về sau, đã có nghề hẳn hoi thì ngay đến một câu văn viết cũng không thành, sao thế nhỉ?" Rồi ông nắm tay hắn, nhìn hắn rất ưu ái: "Nhưng Hãy đi xa hơn nữa thì được lắm đấy, chính mình cũng mê cái thằng Nam của cậu". Sau khoá học hắn lại ba lô lên đường về Phú Thọ, theo lời mời của người bạn cùng cơ quan, phục viên về xã đã mấy năm, nay là chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp tiếng tăm lừng lẫy khắp miền Bắc. Cuối năm 1963, truyện vừa Tầm nhìn xa in liền hai số tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhân vật nửa chánh nửa tà Tuy Kiền xuất hiện với bộ mặt ngây ngô ăn người và cái nháy mắt tinh quái của ông ta có sức quyến rũ bạn đọc ngay lập tức hơn nhân vật chính phải có tên là Nam nhiều.

Những năm 60 là những năm mãn nguyện của đời văn nhưng vất vả về đời người. Năm 1961 vợ hắn sinh đứa con trai thứ hai sau thằng anh sinh năm 1958 và một con chị sinh năm 1960. Nhưng con bé nhẹ nghiệp, không phải làm con một thằng văn nghệ sĩ, nên mất ngay sau khi sinh do bị dây nhau quấn quanh cổ. Mặt con bé ra sao hắn không biết, chôn con bé ở đâu cũng không biết vì bệnh viện nhận lo lắng cho tất cả. Hắn có tính lười nên bằng lòng ngay chỉ hơi buồn một tí, vợ chồng hắn còn trẻ muốn đẻ lúc nào chẳng được. Ngay đêm hôm đó vợ vẫn nằm khóc ở khoa sản, hắn đã thản nhiên ngồi viết đoạn kết của truyện Người tổ trưởng máy kéo! Thế là hắn đã phạm tội bất từ, ở đời này có gan dám phạm luật trời thì ông trời sẽ bắt một đời phải chuộc cái lỗi đã phạm. Ðứa con trai sau nặng có 2 ký 8, bị hen suyễn từ ba tháng tuổi, hắn phải hầu hạ đứa con bệnh tật đó trên ba mươi năm, theo nó vào bệnh viện khi hắn đã sáu chục tuổi, phải giúp đỡ nó cho tới tận bây giờ khi nó đã bốn mươi tuổi còn hắn đã là ông già ngoài bảy chục. Chưa hết, mười hai năm sau vợ chồng hắn còn phải chôn đứa con trai đầu khoẻ mạnh, tháo vát, học giỏi khi nó vừa tròn 15 tuổi. Hắn giẫy giụa than khóc mất mười năm, vợ hắn ứa sữa non, đái ra máu, thành người ngớ ngẩn mất vài năm. Năm đó hắn đã 43 tuổi, so với cái khổ bị hắt hủi lúc còn niên thiếu thì cái khổ mất con vào tuổi trung niên còn đau đớn hơn cả trăm lần. Từ đó hắn bắt đầu biết sợ luật quả báo, luật bù trừ của ông trời, rất hãi cái ngông nghênh của sự được thời, cái lấn sân lấn phần của kẻ hãnh tiến, chỉ xin nhận phần thiếu chứ không dám tranh phần dôi, thích đứng phía sau hơn chen ngồi phía trước, thích nhường nhịn, thích rút lui, vì tin rằng cái hụt cái thiếu của mình sẽ được bù lại cho con cho cháu.

Trong những năm 60 hắn có hai chuyến đi rất thú vị. Một chuyến ra biển vào giữa năm 1965 sống với một đơn vị đang chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh phá hoại. Và một chuyến đi vào cuối năm 1967 đến một đại đội công binh phụ trách một tuyến đường chiến lược trên nước bạn Lào. Chuyến ra đảo Cồn Cỏ lúc ở Hà Nội thì nghĩ sẽ được đi bằng tầu ngầm từ quân cảng Vinh, nghe đồn thế chứ chẳng ai nói rõ với hắn là đi bằng phương tiện nào. Tới bờ biển xã Vĩnh Kim hắn mới được biết là bọn hắn sẽ đi bằng thuyền theo những chuyến tiếp tế hàng tuần ra đảo. Người không biết bơi lại ra đảo bằng thuyền, chuyến đi nào cũng có thuyền đắm, hàng chìm và thuỷ thủ bơi như cá trên biển, nghe kể lại cũng đủ sợ. Sợ thì sợ nhưng vẫn cứ phải đi, chả ai ép cả nhưng cái nghề viết nó ép, cả nước vào cuộc chiến, người viết văn không có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió thì biết viết gì về đồng đội, về nhân dân đang dốc toàn lực cho cuộc chiến đó. Chuyến đi sang Lào cũng mất đúng bảy đêm, ngồi trên xe tải của anh em hậu cần công binh, đêm xe chạy, ngày lại lùi xe vào các cánh rừng nấu ăn và ngủ. Chiều khoảng 4, 5 giờ lại đưa xe ra đường 7 nhắm những dãy núi phía Tây lao tới. Xe chạy qua những đồng cỏ rồi lại leo dần lên các mép núi, leo cao mãi, một bên là vực, một bên dốc núi thẳng đứng, xe chạy bằng đèn gầm, nhiều đoạn xe chạy như leo dây, người hàng nếu không chằng buộc kỹ là tuột hết xuống vực. Trước mặt là sương mù, vén một mảnh bạt ở thùng xe nhìn ra phía mép vực mây đùn lên từng mảng nhạt nhoà, nhễ nhại ánh trăng, mây phủ kín thân xe, trườn vào lòng xe, nhìn người đối diện bên kia các thùng hàng cũng không rõ mặt. Mấy đêm đầu còn sợ, mấy đêm sau quen dần rồi hết cả sợ. Ðã đi chiến trường, dầu là một chiến trường ít bom đạn, hiền lành cũng có thể hy sinh lắm, có lắm thứ tai nạn chết người chứ chả phải cứ giáp mặt với kẻ thù hoặc bom vương đạn lạc. Nên mỗi lần khoác ba lô lên đường coi như một chuyến đi vĩnh biệt, về được thì tốt, không về được cũng chẳng có gì bất ngờ, mình biết thế, vợ con cũng biết thế. Cái năm ra Cồn Cỏ ở ngoài đó một tháng rồi trở về đất liền, đêm đầu tiên nằm lại ở xã Vĩnh Kim, bao quanh lại vẫn là những tiếng động quen thuộc của một vùng dân cư ở đất liền mới cảm thấy hết cái sung sướng, cái khoan khoái của sự được trở về với cuộc sống bình thường, dầu vẫn là cuộc sống trong chiến tranh nhưng xung quanh đã là dân, là những nẻo đường, đi bộ, đi xe, đi mãi mãi cũng chưa thể tới chỗ tận cùng, cuộc sống là mông mênh, những cơ hội để sống cũng mông mênh, nghĩ lan man một lúc rồi ngủ thiếp tới gần trưa, tiếng máy bay đã vang động từng tốp trên bầu trời, rồi lại nghe những tiếng nổ nhưng xa lắm, mờ nhạt lắm, như đã không còn chiến tranh nữa. Nằm lại một ngày rồi nằm lại đến gần một tuần cho giãn xương cốt mới lên xe đủng đỉnh chạy về Hà Nội. Năm ngày sau khi qua thị xã Ninh Bình, qua Gián Khuất, qua Phủ Lý, cứ bồi hồi như đã xa cách các địa danh này từ lâu lắm. Trời lại mưa to, từ Thường Tín về Hà Nội trời đã ngớt mưa nhưng mặt đường vẫn ngập nước lấp loáng ánh điện. Xe đỗ ở nhà số 4 Lý Nam Ðế vào khoảng nửa đêm. Phòng làm việc của anh Thanh Tịnh vẫn còn sáng đèn, hắn đứng ở ngoài cổng sắt gọi với lên: "Anh Thanh Tịnh, em đã về đây!" Tiếng gọi sung sướng trong đêm vắng vang lên suốt một đoạn đường. Anh Thanh Tịnh mở cửa chớp ngó đầu nhìn xuống: "K. phải không? K. về rồi đấy à?" Giọng anh lạ lắm, như chưa tin hẳn hắn đã về, đã lên tiếng gọi ở dưới đường kia! Rồi anh nói ngay: "Hai mẹ con cô ấy mới từ chỗ sơ tán về lúc chiều". Thế là hắn xốc lại ba lô đi bộ về nhà hắn ở mép sông Hồng, cách tạp chí chưa đầy một cây số. Trời lại mưa nhỏ, từ mặt đê vào khu tập thể K.95 phải qua một quãng đường đất lầy lội, hắn tụt đôi dép lốp cầm tay, bấm ngón chân lên mặt đường trơn, bước rất nhanh gần như chạy, một bên là hồ, một bên là bãi trồng mía, gió thổi hun hút, lá mía đập vào nhau rào rào, trong lòng hắn chưa bao giờ rạo rực như thế, nhiệm vụ với tạp chí đã hoàn thành, tài liệu để viết trong một chuyến đi vào những ngày đầu của chiến tranh xem ra phải viết được vài trăm trang, lại vẫn còn sống, lại vẫn được về với vợ với con. Cả hãy nhà tối đen, im lặng trong giấc ngủ, hắn ra vòi nước rửa chân, vặn nước rất nhỏ, cọ chân rất khẽ, rồi bước lên hè nhà, kéo rộng cánh cửa sổ hé mở, vợ con hắn đang ngủ trong nhà, hắn khẽ gọi, gọi tới lần thứ hai hơi lớn tiếng, thế là vợ hắn vùng dậy nói từ trong màn: "Anh vẫn còn sống về với vợ con đấy à?" Vợ hắn bật đèn nhìn hắn chằm chằm, có vẻ như còn ngờ con người thật của chồng đang đứng trước mặt, có thể là một giấc mơ, cũng có thể là hồn ma, chết trẻ là thiêng lắm. Thằng con trai thứ hai cũng từ trong giường nhảy ra ôm chặt lấy một bên chân: "Bố về rồi à?" Thì ra theo lời vợ hắn kể, từ một tháng nay cả cơ quan đều biết tin chuyến thuyền ra đảo tám chiếc đã bị bão và tàu địch đánh bật ra biển Ðông, thuỷ thủ và khách ra đảo chết trên tám chục người, chỉ còn có dăm người sống sót (thật ra là chuyến trở lại đất liền vào đêm sau của tám cái thuyền đã đưa bọn hắn ra đảo). Tin nói nhỏ nhưng chắc chắn lắm, chỉ còn đợi thông báo chính thức sẽ làm lễ truy điệu. Vợ hắn nói mẹ và thằng con lớn đang ở trại trẻ chưa được biết nhưng bà cụ đã ngờ rồi vì những cái nhìn không thẳng thắn của các bà cụ khác cũng theo cháu đi sơ tán và những lời hỏi thăm nhiều ý tứ của bố mẹ những đứa trẻ tới trại thăm nuôi con mỗi tuần. Và bà đã khóc với con dâu. Nếu hắn chết thật thì vợ hắn nuôi nổi làm sao hai đứa con, rồi nó cũng còn trẻ chả lẽ ở vậy nuôi con tới già, thời xưa là thế, nhưng thời bây giờ đàn bà goá sống với đàn ông con trai trong một cơ quan, nói đùa nói tục từ sáng tới tối, giữ được thân còn khó hơn đi trên chông nhọn. Trong một gia đình mất một người đàn ông là mất tất cả. Con dâu đi lấy chồng, con cái về với bà nội, một nồi cơm trộn với mì sợi, một đĩa rau muống luộc và bát nước chấm là nước rau đánh cà chua pha muối, mắt hắn đã từng được chứng kiến, nên sự trở về của hắn gần như một phép lạ, trong một thoáng tất cả lại trở về cái trật tự bình yên như trước đây. Ðêm ấy hắn lại nghĩ những người bạn trong cơ quan lên đường vào chiến trường B2 từ năm 1962, thấm thoắt đã ba năm. Trường hợp của Nguyễn Ngọc Tấn gần như là một biểu tượng của sự chia ly thời chiến. Năm 1955, Tấn tập kết ra Bắc vẫn để lại một người vợ ở Sài Gòn hoạt động nội thành và một đứa con gái do ông bà ngoại nuôi. Bảy năm sau Tấn lại trở vào Nam, để lại một người vợ ở Hà Nội (vì Tấn đã ly hôn với vợ cũ do thiếu những tin tức chính xác về một trường hợp nếu Tấn còn sống chắc anh sẽ rất ân hận) và anh cũng phải một lần nữa nghiến răng dứt áo lên đường, không dám nhìn lâu đứa con trai mới được vài tháng tuổi. Và con nhiều bạn hữu khác nữa, cả ông Nguyễn Văn Bổng, anh ấy vào chiến trường tuổi cũng đã lớn, anh hơn bọn hắn cả chục tuổi, để lại ở Hà nội một gia đình cũng đông đảo. Cho nên cái vui đã thoát chết một lần, lại được về với vợ với con thêm một thời gian nữa, gần như là một tội lỗi khi nghĩ tới những người đang ở xa và chưa biết đến bao giờ mới trở về.

Năm 1967, hắn tới một đại đội công binh anh hùng chốt giữ một đoạn đường chiến lược trên đất bạn, khi xe dừng lại ở một đoạn đường heo hút, không còn nhìn thấy gì ngoài một biển mây và sương sáng trắng ánh trăng, tham mưu phó trung đoàn ở trong buồng lái mở cửa xe nhảy xuống, nhìn vào thùng xe có hắn ngồi trong đó, hét to: "Anh K., đến rồi đấy!" Hắn choàng tỉnh dụi mắt xách ba lô nhảy xuống, cặp chân cứng đơ như chân giả, hỏi lại: "Ðã đến rồi hả?" Người kia rút một điếu thuốc Ðiện Biên châm lửa cho hắn hút, nói thì thào: "Chúc mừng chuyến đi an toàn, tất cả chúng ta đều khoẻ mạnh, an toàn". Hắn rít một hơi thuốc quá ngon, đáp hững hờ: "Ðã vào chiến trường bất cứ lúc nào mà chả gặp nguy hiểm". Tham mưu phó cười mỉm, vẻ bí mật: "Chuyến đi này cái nguy hiểm dính chặt vào mỗi chúng ta từng giây kia". Hắn hỏi, giọng đã tỉnh hẳn: "Có gì đặc biệt hả anh?" Tham mưu phó nhe răng cười, chỉ thấy hàm răng mờ trắng trong đám râu: "Cái thùng xe của ta chở toàn kíp mìn. Anh ngồi trên những thùng kíp mìn cả tuần nay đấy chứ!" Người hắn như đột ngột hạ nhiệt độ, lạnh toát và bắt đầu run, nhưng mọi sự đã thuộc về những đêm trước rồi. Sau này mỗi lần nhớ tới chuyến đi hắn lại nghĩ ngay đến cuốn phim nghẹt thở của Pháp được xem vào cuối những năm 50, Salaire de la peur (Ðồng lương khủng khiếp), một cái xe tải chở những thùng chứa đầy một chất lỏng chỉ cần va mạnh là nổ, lại thấy đầu ngón chân, đầu ngón tay buốt lạnh. Hắn về đến Hà Nội khoảng 6 giờ chiều ngày chủ nhật, xe dừng ở cuối phố Lò Ðúc có căn hộ của thằng em ruột, vì các gia đình ở chân cầu Long Biên phải sơ tán cả phố. Ðứa con trai sau bị suyễn nên không gửi trại trẻ được, ngày ngày theo mẹ lên cơ quan sơ tán ở nhà Ngân hàng trung ương, là một khối nhà xây bằng đá đồ sộ, có một tầng hầm dài rộng như một dãy phố. Hắn chỉ buồn con hắn đã lên bẩy mà chưa nhận được mặt chữ. Ðường phố buổi tối đông người dần, đèn đường đã bật sáng nhưng vàng tối như đèn dầu. Con hắn đứng ở cửa, cổ đeo dây chìa khoá, nó chờ mẹ từ chỗ sơ tán thăm bà nội và anh về chứ không nghĩ là bố sẽ về. Nó bước lại nắm chặt lấy tay bố nó, mặt rạng rỡ: "Bố về! Bố có mua gì không?" Hắn cười: "Ở chỗ các chú bộ đội chỉ có mìn với bộc phá chứ có gì mà mua. À, có rất nhiều kíp mìn nữa, nhưng trẻ con không được chơi kíp mìn".


24.

Cuối năm 1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Ðầu tháng 11 hắn lên trại trẻ đón đứa con trai sau về Hà Nội. Nó vẫn lên cơn hen mỗi dêm, vì trời đã bắt đầu lạnh. Ở với bà nội không chừng bà sẽ ốm theo cháu. Cuộc chiến tranh phá hoại kéo dài bốn năm chỉ mới tạm dừng vì cuộc chiến tranh lớn vẫn chưa kết thúc, nhưng dứt tiếng bom đạn một ngày là vui được một ngày, ngày sau lại bom lại đạn cũng chả sao. Từ năm 15 tuổi cho tới năm 38 tuổi chưa có ngày nào hắn được sống trong cái cảm giác hoàn toàn yên ổn, có thể hình dung một cách chắc chắn những năm tháng thuộc về tương lai. Tương lai một cá nhân, một gia đình phụ thuộc vào tương lai của đất nước. Một đất nước trên hai chục năm luôn chao đảo trong sóng to gió lớn. Ðánh thắng Pháp mới chỉ thắng có một nửa, còn một nửa nước Mỹ sẽ thay Pháp giữ chặt lấy, sẽ trở thành thuộc địa mới của Mỹ với tay sai mới, quân quyền mới, thế trận mới. Mỹ không phải là Pháp nhá, nên trận chiến mới này sẽ có nhiều gian nan, trở ngại không thể ngờ, không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước vì Mỹ vẫn là bá chủ hai phần ba thế giới. Nước mình sẽ là cái gì trong sự tính toán vị kỷ giữa các cường quốc trên bàn cờ chiến lược. Sống ở Hà Nội ngay từ năm 1962 đã có nhiều người trong cơ quan đeo ba lô lên đường vào các chiến trường phía nam rồi. Cuộc chiến tranh mới đã bắt đầu nhen nhóm. Những người ở lại tuy ngày ngày vẫn về nhà ăn cơm với vợ con, đêm đêm ngủ cạnh vợ nhưng trong lòng đã mất hết mọi yên tĩnh, đã hoá ra bất an vì chả ai có thể ngồi yên khi bạn bè lần lượt đi vào các chiến trường. Vả lại một thế hệ lớn lên trong chiến tranh, lập nghiệp, lấy vợ sinh con trong chiến tranh lại không được sống dài ngày ở những nơi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt thì cũng không thể hiểu hết được cái khả năng chịu đựng và thích ứng của chính mình và những người đương thời.

Cho nên Mỹ vừa ngưng ném bom miền Bắc được một tuần là hắn lao vào Quảng Bình, Vĩnh Linh ngay. Hắn muốn được sống ở Vĩnh Linh ít ngày, tuy không còn bom đạn nhưng đám cháy chỉ vừa mới tắt ngọn, tàn đỏ vẫn chưa lụi hẳn, khói bom vẫn chưa tan hẳn, những mất mát còn nguyên vẹn, những nỗi đau cũng còn nguyên vẹn, không chừng cái đau lúc này còn day dứt hơn vì đã có một khoảng thời gian yên tĩnh để ngấm nghía về những cái đã mất đi mãi mãi của một gia đình. Hai bên bờ sông Gianh đã có những túp lều mới dựng bán nước, xôi, thuốc lá. Ngồi ở quán chờ phà đã được nghe bao nhiêu chuyện, chuyện còn mới cả, nói rằng trẻ con ở các xã Hương Thuỷ, Hương Dũng chăn bò chăn trâu ở vùng đồi nghe tiếng máy bay tới gần vẫn bình thản như không, tới lúc một đứa hô: "Hướng 34, tăng độ cao, chui vô hầm ngay!" lúc đó chúng mới tản ra nhảy xuống hầm. Một ông nói, chúng tôi làm giao thông hào từ giáp Quảng Bình đến tận sông Bến Hải khoảng hai chục cây số từ Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Hoa đến Vĩnh Tân, Vĩnh Giang, Vĩnh Quang. Lại có giao thông hào liên thôn, liên xã. Trong năm 1968, toàn dân Vĩnh Linh không ai đi trên đường cả. Một người khác nói, dân chúng tôi chỉ có một nghề đi bể, nó đánh bể thì làm lộng, trong lộng cũng bị đánh thì làm cá trên sông nhưng gặp khó khăn về thuyền, về lưới, về cách làm. Sông có bom từ trường thì đi câu ở ruộng, làm lưới nhỏ trên ruộng, làm vẫn đủ ăn. Buổi chiều qua Ðồng Hới, cổng thành Ðồng Hới như bị chẻ đôi. Nhà máy gỗ sát cầu Dài mất hẳn. Thanh Hoá, Vinh, Ðồng Hới trở nên giống nhau vì tất cả chỉ còn là những đống gạch vụn. Chiều hôm sau qua phà Quán Hàu, rất nhiều thuyền chở gạo trên sông Nhật Lệ, mỗi thuyền chở khoảng 5 tấn. Bộ đội trùm vải dù vác các bao gạo 50 cân chuyển lên xe. Mấy cô nhà thuyền ngồi ở mũi thuyền xé cua bể nấu cơm chiều, nói chọc nói ghẹo gì đó mấy anh bộ đội rồi họ cười lanh lảnh, tiếng cười trong trẻo vô tư vang vọng cả một khúc sông. Những cánh buồm trắng và nâu chạy lờ lững ngoài sáng một đoạn dài rồi như bị hút vào vùng tối huyền bí của chân núi. Khung cảnh sông nước vào lúc chiều đã có cái buồn hiu hiu của một ngày thanh bình, một ngày sống bình thường như những ngày chưa có chiến tranh. Ðêm đó hắn ngủ tại nhà hầm của khu đội Vĩnh Linh, được chủ nhà đãi một bữa cơm thịnh soạn, tuy chỉ có một con gà luộc chấm muối và hạt tiêu xanh và một bát nước dùng lơ thơ vài cọng hành, không có rau, đến cỏ và lá tre cho trâu bò ăn cũng hiếm nói gì rau. Còn thiếu rau xanh hơn cả đảo Cồn Cỏ năm nào. Ngồi trò chuyện một lúc thì có hai o dân quân tới thăm. Một o tên là Lương, một o tên là Phú, đều ở tuổi 19, họ đã dùng đại liên 12 ly 7 bắn rớt một máy bay F4H vào tháng 11 năm 1967. O Lương kể : " Khoảng 5 giờ chiều, trời hơi mù, có hai chiếc F4H bay rất cao rồi một chiếc lao thẳng xuống trận địa, bọn em đã lấy sẵn góc độ, tầm hướng rồi, nổ súng luôn. Ðạn bay từ dưới lên một cột thẳng rồi toả ra như bông sen chụp lấy thân máy bay. Máy bay xịt lửa, kéo vệt lửa bay đi, bản đồ và ghế phi công rơi vào nhà hầm của khu hội phụ nữ, còn thằng phi công nhảy dù xuống Gia Ninh cách trận địa khoảng ba cây số". Khu đội trưởng Vĩnh Linh nói tiếp: "Tôi đứng ở cửa hầm ngó xuôi cũng đã biết có một F4 trúng đạn nhưng không rõ là bộ đội bắn hay dân quân miềng bắn, một lúc thì thấy hai con nhỏ Lương và Phú chạy lại, người trắng toát như không còn máu kêu thét từ xa: "Tụi em bắn rớt máy bay rồi đó!" Tôi phải nói ngược lại để tụi nó khỏi mừng quá mà đứng tim: "Tụi bay nói trạng, tao có thấy chi mô?" O Lương phải báo cáo thêm, tụi nó bắn có 36 viên đạn, báo luôn cả góc độ tầm hướng, và nhắc cả con heo bốn chục ký mà uỷ ban đã hứa thưởng cho đội nào bắn rớt mày bay". Hắn hỏi: "Lần đầu bước vào cuộc chiến đấu các o có thấy sợ không?" O Phú nói rất sợ, năm hoà bình Vĩnh Linh thuộc miền Bắc, là vùng đất tự do, bọn họ mới có 6 tuổi, có nghe tiếng nổ, có nghe nói người chết vì bom đạn nhưng ở xã khác, mắt chưa thấy người chết bao giờ, mãi tới năm 1965 mới nghe tiếng máy bay gào rú trên đầu, bom nổ chỗ này chỗ kia, gà bay, lợn kêu, chó chạy, người cũng chạy quáng chạy quàng cả, lần đầu giáp mặt với chiến tranh mà. O Lương đã suýt chết một lần vào năm 1966, bom nổ cạnh hầm, đất phủ lên hầm còn thiếu ba tấc đầy bẩy mét (?) Ðào đến 12 giờ đêm vẫn chưa tới, lúc kéo người lên phải cạy máu đông ở miệng, nằm đúng mười chín ngày mới lò dò đi lại được. O Phú lại kể chuyện bắt phi công Mỹ cuối năm 1965, vào giờ giữa trưa, nhìn thấy cái cẳng thằng phi công đu đưa đu đưa dưới cái dù, bu xung quanh có hàng chục cái trực thăng, phản lực bay rầm trời rầm đất. Nhưng cái dù lại rơi vào trong rú, Phú lao theo cứ nhìn dấu giầy mà vọt đi, tới một bờ sông trong rú thì nhìn thấy cái lưng nó, trong súng có năm viên đạn, bắn theo một viên cảnh cáo, nó ngồi thụp xuống co người lại, bắn luôn hai phát nữa rồi chạy tới lấy cái đài con đeo bên người nó, lấy dây dù lúc nào cũng sẵn trong người để trói biệt kích, trói hai khuỷu tay quặt ra sau nhưng không bắt cởi giày, cũng không bịt mắt, nó đi chậm thì nó cực mà mình cũng nhọc. Nó trẻ lắm, chỉ hơn em khoảng một hai tuổi nhưng rất to con, cũng phải nặng hơn tạ, nó ăn bơ uống sữa dư đủ chứ đâu có ăn rau ăn khoai mà vẫn không được no như mình. Hắn nghe chuyện chả ghi chép gì cả, cứ nhìn chằm chằm hai cô gái xạ thủ của đất lửa, trạc tuổi vợ hắn lúc mới làm quen nhau, hắn 24, vợ hắn 19, dáng người cũng gọn gàng như thế nhưng vợ hắn trắng hơn, hai o này da ngăm ngăm nâu nhưng cái cười thì giống hệt, tươi tắn, dễ gần. Và cả hai đều có những bàn tay, bàn chân rất to như chân tay của nam giới. Hai cô gái ở một vùng đất đã thành bùn thành bụi vì bốn năm bom đạn, không còn nhà, không còn cây, không còn những vạt rau xanh, nhưng ruộng cấy lúa vẫn còn, trước mắt hắn là những cánh đồng lúa đang vào gặt vụ mùa, thì sự có mặt của các o dân quân đã làm dịu hẳn, tươi hẳn cả một khung cảnh chết chóc, khô cằn. Họ đẹp từ khuôn mặt, dáng đi, giọng nói, tiếng cười và cả những bàn chân, bàn tay hơi thô cũng vẫn rất ưa nhìn, như là tặng vật của ông trời vẫn dành lại cho một vùng đất không bao giờ chết, không bao giờ bị huỷ diệt. Nếu chỉ nhìn cảnh tượng trên mặt đất của các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Chấp thì quả là cuộc sống đã bị huỷ diệt như mình đã bị ném lên mặt trăng vậy. Nghe anh em kể có những tháng của năm 1968 cả khu vực Vĩnh Linh chỉ thấy khói và bụi bom bao bọc cả bốn phía như cả hành tinh đã bốc thành khói, khói quẩn suốt ngày, bụi khói như bụi đất dính vào người có mùi khét. Bom rải thảm của B.52, bom sát thương, bom đào khoan, bom bi, có đêm nó nã pháo tử Cồn Tiên, Dốc Miếu sang tới 5000 quả, bắn suốt đêm, có ngày có 95 lần chiếc B.52 rải bom từng đợt, giờ nào cũng có từng tốp B52 bay ì ì trên trời, rồi chớp xanh chớp trắng nhấp nhoáng trong khói khắp mặt đất. Nhưng không nghe thấy tiếng nổ vì hai tai đã ù đặc, rồi mắt cũng như bị loà bị mù vì khói, không thở được, không nói được vì khói, cũng không chạy được vì chân tay như đã bị những vòng khói siết chặt. Có một chuyện nghe như đùa mà là chuyện có thật. Một bà mẹ đã ngoài bảy chục tuổi chui vào hầm chữ A đào ngay trong nhà. Bom nổ, nhà bị sập, hầm bị lấp, đang cho người vào kéo bà lão lên thì bà nói vọng ra: "Ðể mẹ ăn xong miếng trầu rồi ra". Dân Vĩnh Linh vốn nổi tiếng là dân nói trạng mà! Có một điều làm hắn rất kinh ngạc là Vĩnh Linh lấy đâu ra người mà gánh vác quá nhiều việc. Vì nhiệm vụ chính của lực lượng dân quân không chỉ là bắn máy bay mà còn sản xuất và chuyển hàng từ Bắc vào Nam qua sông Bến Hải. Chỉ trong chín tháng của năm 1968 đã phải huy động 136 ngàn công chuyển hàng từ Bắc vào Nam. Lại còn công làm giao thông hào liên thôn, liên xã, công làm trận địa pháo cho bộ đội, công lấp các đoạn đường bị bom đánh cho xe qua, bao nhiêu là việc mà nhìn quanh quẩn đâu có thấy người. Trong một đêm ngày 3 tháng 2 năm 1967, dân quân xã Vĩnh Thuỷ nhận lệnh làm 8 cây số đường, 3 cầu và 3000 gánh bổi lót đường cho xe pháo ra gần mép biển đánh tầu chiến. Rồi còn phải tiếp tục đào địa đạo nữa, mỗi chiếc cuốc chim ngắn cán, một cái xẻng lưỡi sắc như dao cạo cũng ngắn cán, một cái rổ, mấy chục mét dây chão và một cái trục quay, đêm nào cũng phải đào, có đoạn đào sâu 20 mét, có đoạn sâu 30 mét, đào ở mọi hướng mà đều có điểm để gặp nhau thành các ngã ba ngã tư như một thị trấn dưới lòng đất. Trên mặt đất như vùng đất chết, dưới lòng đất vẫn là một Vĩnh Linh đang sống, đang chiến đấu, có những trạm y tế kiêm nhà hộ sinh, có vườn trẻ, có cả câu lạc bộ biểu diễn văn nghệ, chả học kinh nghiệm nơi nào cả, thấy cần là làm, vừa làm vừa học cách làm và học cả cách sống dưới lòng đất. Tới đâu cũng gặp các cô gái, một thế giới toàn phụ nữ đảm đang đủ mọi việc của thời chiến, vẫn cười đùa, vẫn làm duyên làm dáng và đôi lúc vẫn nghĩ tới chuyện chồng con. Trong chiến tranh vẫn lấy chồng được, vẫn sinh con được, chứ đâu phải đợi tới ngày thống nhất đất nước! Mười năm nữa chiến tranh mới kết thúc thì thành bà già cả bọn sao? Một cảnh tượng dọc đường đến xã Vĩnh Chấp làm hắn nhớ mãi. Một hố bom lọt vào giữa bốn cây mít, rễ sát đất đều bị tiện cụt mà cây vẫn sống, một đàn lợn teo tóp như một lũ chuột leo lên tụt xuống quanh miệng hố bom. Một bãi bùn với những thân cây cháy đen bị tiện ngang, trơ trụi, lầy lội. Một cái nhà sát miệng hầm bị cháy từ lâu, mái tranh lợp trên như mới cắt nửa xanh nửa vàng, có một cây cột điện vẫn còn nguyên các bình sứ cách điện đưa vào làm cột chống mái nhà. Bếp đun ở cửa hầm, có một cái chạn, mấy cái rá, có cả một cái liễn bằng đất nung. Một điểm sống đã nhú lên trên vùng đất mặt trăng sau ngày ngừng bắn phá mới khoảng mươi ngày chứ mấy. Một anh bộ đội ở đường 9 vào xã mua chè, đội mũ tai bèo cũng là khăn lau mồ hôi, đeo đủ thứ quanh người, cái nào cũng có vỏ bọc vằng vải bạt, đang kể chuyện cho mấy o dân quân nghe về dốc Bà Ðịnh, dốc Anh Trỗi, dốc Anh Bé. Anh ta nói năm 1965 mới vào chiến trường đã bị sốt rét ngay, cặp nhiệt độ lên tới 42 độ người đã mê đi tưởng chết, mà rồi qua khỏi, từ đó chẳng còn ốm đau gì nữa, bệnh chê mà bom đạn cũng chê, chắc là sẽ sống được tới già. Một o hỏi: "Anh bị sốt rét có báng không?", anh kia cười, hàm răng trăng bóng: "Leo dốc thót bụng lại, thở lên đến ức lấy đâu ra báng!" Hắn đến xã Vĩnh Linh chỉ để nghe công tác đảm bảo giao thông trên các trục đường qua địa phận của xã. Một hố bom trên mặt đường phải bỏ vào đó 550 gánh bổi, hai mươi mét khối đá và gạch, chặt cả cây cối, hòm tủ ném xuống hố bom. Vẫn không đủ, sau phải dỡ cả nhà đưa ra mặt đường, nhà bí thư, chủ tịch đập trước, sau đó là nhà của dân, phải đăng ký để đập nhà từng đêm, chứ đập sạch bữa sau lấy gì mà lấp. Có nhà chị Mẹt, chồng cụt chân, năm con dại, nhà ba gian mới làm cũng xin cho dân quân vào đập. Xã phải ngăn: Từ từ, chiến tranh còn dài, mần một lần, làn sau lấy chi mà mần. Bà con có quyền đăng ký nhưng không có quyền tự đập nhà". Hắn ngồi với một nhóm dân quân bất ngờ được gặp cả giờ, hỏi đủ mọi chuyện. Một o mặt hơi rỗ mà vẫn xinh lắm, giọng nói như hát hỏi hắn: "Eng là phóng viên mặt trận à, da eng trắng rứa chắc là mới đến Vĩnh Linh lần đầu?" Hắn nói, cũng là ngượng quá nên phải khoe: "Năm 65 tôi có đến Vĩnh Kim đợi thuyền ra Cồn Cỏ nên không đi được nhiều trong đất liền". Ánh mát cô bé dịu lại, thân thiện: "Bọn em cũng ao ước được ra Cồn Cỏ để phục vụ các anh trên đảo nhưng chưa có dịp nào". Hắn lại nói: "Ở trên đảo chỉ toàn là đàn ông thôi, các o mà ra đó lên ngôi nữ chúa hết!" Cô bé lại cười: "Chu cha! Sướng hí, ở trong ni chỉ có ông già mụ lão với bọn con gái chúng em thôi, đàn ông con trai đi sạch nên mọi việc ở nhà bọn em phải làm hết". Cô bé nói tiếp, mỗi lần nghe xã giao việc người cứ chết lặng vì lo, người còn một nhúm mà trăm thứ việc, lấy người đâu làm, làm lúc nào, không ăn không ngủ cũng không có thời gian để làm; ví như có lệnh trong ba ngày phải mở 10 cây số đường cát, đào 250 hố cá nhân, làm ba trận địa để bộ đội đưa pháo ra mép biển. Người giao việc cứ nói như không, bọn em phải mọc thêm mấy chân mấy tay để làm cho tròn mọi việc. Mà vẫn còn mấy chục mẫu ruộng chưa cấy, vẫn còn mấy trăm tấn gạo để gần bến phà nội trong một đêm phải bốc hết lên xe, lại còn người đi tải đạn, người đi cáng thương binh... Rồi cô gái kết luận: "Việc của bọn em các anh bộ đội đóng quân ở đây chỉ nhìn cũng đủ ngán. Chỉ có nữ mới làm được thôi, làm không tính tới ăn, không tính tới ngủ, làm hết ngày này qua tháng khác suốt bốn năm nay, không nghỉ ngày nào, không đau bệnh ngày nào, mấy anh có làm được như bọn em không?"
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà ná»™i 2003