© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.7.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
tự truyện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
25.

Sau chuyến đi vào Vĩnh Linh hắn thương vợ hơn, tôn trọng vợ hơn, và tự nhận vợ hắn quả đã có công lao rất lớn trong cái sự nghiệp văn chương của hắn, là một nửa sự nghiệp của hắn. Hắn vốn lười, lại kém tháo vát ở những việc không tên, lại sống trong cái thời nửa chiến tranh nửa hoà bình mọi thứ đều thiếu thốn. Trong gần hai chục năm gia đình hắn chỉ có mỗi cái quạt tai voi dùng trong mùa hè, cái quạt về sau lại hỏng một bộ phận nào đó không quay được, cứ chĩa thẳng về một phía mà thổi gió nên trẻ con nằm vài ngày là ho sốt ngay, nên vợ hắn phải dùng quạt nan quạt suốt đêm. Nghĩ lại cái cảnh tượng ngủ trưa mùa hè ở Hà Nội vừa thương vừa nhớ, ba con nằm ba góc chiếu, chồng nằm trên nền đất, còn vợ nằm ghé nửa chiếu nửa đất, cái quạt nan trên tay phe phẩy không lúc nào ngưng, lắm lúc buồn ngủ quá vợ hắn vật cánh tay cầm quạt lên người chồng, là hắn đã cằn nhằn: "Em ngủ rồi à, không quạt nữa à?" thế là cánh tay cầm quạt lại nhấc lên, hơi gió lại thoang thoảng bay qua người và hắn lại tiếp tục ngủ. Nói cho cùng vợ hắn lấy hắn, rồi về sống ở Hà Nội, lại làm cái nghề liên quan đến nghệ thuật là sự lựa chọn nông nổi. Lầm lẫn tai hại. Ðất Hà Nội và đất nghệ thuật cần cái giả dối hơn là cái chân thật, vui buồn giả dối, nhan sắc giả dối, học vấn cũng giả dối, mọi sự giả dối ấy đều rực rỡ, loé sáng dưới các lớp đèn mầu của thành phố và cái thật thà, cái hồn nhiên, cái mộc mạc của những vừng quê hoá ra thô lỗ, hoá ra vênh váo, không thể ăn khớp trong cái guồng máy nịnh người, lừa người của cuộc sống thành phố. Vợ chồng hắn sống với nhau đã 45 năm, vợ hắn cũng đã là người của thành phố từng ấy năm mà vẫn không bỏ được thói quen mời khách ăn cơm là cầm cả bát cơm lẫn đôi đũa ấn vào tận tay khách, cứ như vẫn bày cơm trên nia trên mẹt đặt dưới đất của cái thuở xa xưa nào. Mới lấy nhau chồng đã dặn vợ ăn cơm ở thành phố khi nhai không nên há to miệng, không nên nhai cơm, húp canh, cắn cà thành tiếng vừa khó nghe vừa khó nhìn. Lại cãi người ăn chứ có phải ma ăn đâu mà không có tiếng động, với lại có đi ăn cơm khách bao giờ mà phải quá giữ ý, còn khách đã mời đến nhà là khách thân cả, chồng thành phố vợ gái quê ai chả biết. Người già lục phủ ngũ tạng tanh bành hết duy hàm răng vẫn trắng đều, vẫn khoẻ, cắn miếng cà nghe cứ giòn tan, các con nhìn nhau cười, còn chồng thì nhăn mặt, gần năm mươi năm ngồi ăn cơm với nhau mỗi lần nghe vợ cắn quả cà anh chồng vẫn cứ phải nhăn mặt. Ðã bảo vợ sống ở thành phố phải biết che đậy, biết giả dối, chả hại ai cả chỉ để giữ mình khỏi thành trò cười thôi. Dạ vâng một hồi lúc tối, sáng hôm sau vẫn sống nguyên như cũ, bảo không thể sống khác được, ăn khác đi ăn không ngon, nói khác đi nói không xuôi, vậy biết làm sao hở trời! Ði lĩnh gạo ở bếp ăn của chồng, thấy bạn chồng đứng chơi ở cổng Tạp chí Văn nghệ Quân đội là xuống xe ngay để vào chào. Một người hỏi: "Cái thằng ấy không lấy gạo giúp vợ lại bắt vợ tới lấy à?" Thế là nói một thôi một hồi, nào anh ấy bận viết, nào anh ấy lười, mọi việc nhà đều đùn cho vợ, vợ đẻ cũng trốn, con đau cũng trốn, trốn đi tỉnh, trốn vào ngủ ở cơ quan, nhà em là sướng nhất đấy! Bạn của hắn đều là lính cả, lính đã đùa thì gái thành phố còn phải hãi nói gì gái quê. Nên họ mới nói rằng họ không bao giờ bắt vợ phải làm việc nhà, không bao giờ bắt vợ xếp hàng đi chợ hoặc tệ hơn bắt vợ đi lấy gạo ở bếp cơ quan. Vợ họ là những bà hoàng, chỉ có sinh con, nuôi con vì đàn ông không thể thay được nên đành chịu để vợ phải chịu cái đau, cái vất vả một mình. Ðể bù lại họ đã... Họ nói đùa nói giỡn nhưng vợ hắn lại nghĩ là thật cũng giận chồng mất mấy ngày vì chồng đã coi mình như con ở, không tôn trọng vợ, giúp đỡ vợ như các bạn của chồng. Nhưng khi hắn hỏi: "Vậy mấy bà ở quê em, là các bà chị của em, chồng đi đánh Pháp suốt tám, chín năm, ở nhà nuôi con một mình, vừa chạy giặc càn, vừa chạy bữa ăn thì trách ai?" Thế là cúi mặt, tủm tỉm cười: "Chuyện! Thời xưa khác thời nay khác". Hắn được thể lại nói: "Thế thời nay không phải là thời chiến tranh à? Một dãy nhà này đã có ba bà vợ nuôi con một mình để chồng đi B, các bà ấy than thở với ai?" Thế là im luôn, thì đã bảo vợ hắn vốn nhẹ dạ cả tin mà. Ở thành phố, lại sống trong giới nghệ thuật, đôi lúc cũng nên nói dối một tí cho bạn vui, mình cũng vui, như một thứ tra dầu, bôi mỡ cho cỗ máy sinh hoạt chạy êm hơn, nhẹ hơn. Chả hạn, bạn cho sách, gặp lại nhau nên nói dối một tí: "Mình mới đọc một lượt, có ấn tượng tốt lắm, để đọc thêm một lần nữa mới có ý kiến được" hoặc " Ðọc rồi, cuốn này viết được lắm; thích hơn cuốn trước". Nghe bạn bè nói thế mình nói theo một câu; chả mất gì mà bạn lại vui. Hoặc gặp một cô bạn làm nghề ngâm thơ, đọc truyện đêm khuya, cũng nên khen dối một câu là giọng vẫn truyền cảm lắm, giọng vẫn đẹp lắm, hoặc cô bằng tuổi vợ tôi, mỗi lần gặp cô về nhìn lại vợ thấy bà ấy già hẳn. Dẫu cô em có thét lên: "Ðừng có nịnh! Cái miệng ông nói ai mà tin!" Nói thế nhưng mà thích lắm đấy, vui lắm đấy. Ðó là nghệ thuật sống của những người ở thành phố. Hắn cũng đã bảo vợ chớ nên thật thà quá, thật quá là lạc điệu, thi thoảng cũng nên nói dối một tí cho giống với mọi người. Và vợ hắn đã tập nói dối, với ai, với ông Hữu Mai là một ông đùa không cười, một người hay nói dối như hắn cũng không dám nói dối với Hữu Mai. Ông Hữu Mai hỏi: "Anh ấy vừa có cuốn sách dầy lắm, chị tiêu làm sao cho hết tiền nhuận bút?" Nghĩ là bạn chồng nói thế để hỏi vay tiền, vợ hắn vội nói: "Chả được bao nhiêu đâu anh ạ, cầm về có ít lắm". Lại hỏi: " Ít lắm à, có được một ngàn không?" Chối ngay: "Làm gì được nhiều thế hả anh? Chỉ có mấy trăm thôi". Ông đùa không cười nhăn mặt đầy vẻ thông cảm: "Họ tính toán thế nào mà lạ thế nhỉ? Như chúng tôi một cuốn sách gần hai trăm trang phải được lĩnh chín trăm mấy chục đồng tiền nhuận bút. Anh ấy tính hiền quá nên họ dễ bắt nạt, chứ nhầm lẫn gì mà lại tính hụt tới quá nửa số tiền có thật. Anh ấy không dám nói thì để tôi nói cho, chiều nay tôi sẽ sang hỏi đám tài vụ của nhà xuất bản giúp chị". Cái số tiền ông Hữu Mai nói đúng cả số chẵn lẫn số lẻ nên mặt vợ hắn vừa đỏ vừa tái, vội thanh minh cho chồng: "Chắc là nhà em mới đưa cho em một ít, chưa đưa cả". Ông bạn chồng lại ra vẻ giận dữ: "Hắn giữ lại một nửa để làm gì, để cho gái hả, cái thằng ấy thế mà hỏng, ông Vũ Cao biết chuyện là kỷ luật nặng đấy!" Lại cuống quýt thanh minh một lần nữa: "Chắc không phải đâu, có khi nhà em đưa cho mẹ em giữ cũng nên". Vẫn chưa buông tha: "Chị cũng phải hỏi bà cụ cho biết chứ, hơn sáu trăm bạc đâu phải ít tiền. Chị không dám hỏi cứ để tôi hỏi". Hỏi mẹ chồng một số tiền mà cả vợ lẫn chồng đều chưa nói tức là muốn giấu, còn chết nữa! Chả lẽ vợ hắn phải oà khóc và thú nhận là đã nói dối. Thấy cô gái quê đến nói dối cũng không biết cách nên ông hay đùa nghĩ cũng thương tình: "Trong mấy ngày tới chị phải hỏi anh ấy xem đầu đuôi thế nào. Bọn tôi đã lĩnh tiền nhuận bút là phải đưa hết cho vợ, có cần tiêu gì lại xin vợ chi cho. Vợ là nội tướng mà lại!" Tối về nghe vợ kể lại câu chuyện đối đáp với ông Hữu Mai, hắn vừa giận vừa buồn cười. Khốn nạn ai bảo lấy vợ nhà quê đem lên thành phố làm gì, lại sống chung với những người làm văn làm báo làm nghệ thuật mới thành trò cười cho chúng bạn. Vợ hắn cũng là diễn viên đoàn kịch nói của quân đội được mấy năm, diễn vai nào cũng hỏng, giọng thì mượt mà nhưng không biết cách diễn, ra sân khấu đi lại cười nói cứ cứng đơ, đành phải vào vai ma, trùm một cái khăn xô trắng từ đầu tới gót, bước qua bước lại trong cái tranh tối tranh sáng, hoặc vào vai quần chúng hò hét, nói qua nói lại dăm ba câu trong đám người lố nhố ở một góc sân khấu. Thì vẫn cứ là người làm nghệ thuật, vẫn phải học nghề làm nghệ thuật, tối về lại hỏi chồng ông đạo diễn Nga này là người như thế nào, ông viết kịch Ðức kia là người như thế nào, và rất nhiều thuật ngữ của nghề diễn mà hắn cũng chỉ mới được nghe lần đầu. Hắn tuy là người viết văn nhưng lại rất sợ bàn chuyện văn chương và những lý luận này khác của văn chương. Hắn chủ trương chấp nhận mọi phong cách nghệ thuật, mọi cách nhìn, mọi quan điểm rồi tuỳ cái tạng của mình mà thâu nạp, biến hoá. Vợ hắn thấy chồng trả lời thờ ơ mọi câu hỏi cho rằng hắn là thằng ích kỷ, chỉ muốn tiến bộ một mình, không muốn dắt kéo vợ cùng tiến theo. "Anh sợ vợ anh đầu óc mở mang thì không dễ bắt nạt như trước chứ gì?", vợ hắn đã có lần đay nghiến hắn thế. Hắn liền hỏi lại, chị Sửu ở đoàn chèo có học hành gì đâu, đàn bà đã lớn tuổi mà say sưa tối ngày thì là cái giống loài gì? Vợ hắn nín thinh, hắn lại nói tiếp: "Chị ấy thuộc cái giống loài các nghệ sĩ rất có tài, tài bẩm sinh, em đã xem chị ấy diễn trích đoạn Suý Vân giả dại rồi đấy! Học thế nào được, bắt chước thế nào được mà cũng chả có phương pháp nào, lý luận nào giải nghĩa nổi. Nó là cái huyền bí muôn đời của nghệ thuật". Nhưng vợ hắn không thể nghe ra, không thể hiểu nổi và về già đã nói thẳng: "Anh đã coi khinh tôi, ruồng rẫy tôi từ ngày ấy".

Cũng trong những năm ở đoàn kịch, vợ hắn chả có vai diễn nào khiến người xem phải nhớ, nhưng sau mỗi chuyến đi của đoàn vợ hắn vẫn có thêm rất nhiều bạn bè thuộc nhiều quân chủng mà đoàn kịch tới phục vụ. Có ông cán bộ cấp trung đoàn viết cho vợ hắn: "Trong những ngày được gần gũi đoàn anh chỉ để ý có mình em thôi, mọi lời nói của em đều đẹp, mọi cử chỉ của em đều đẹp, em là đại diện cho mọi vẻ đẹp của các cô gái quê vùng đồng bằng Bắc Bộ..." Cũng như các cô gái vùng đất lửa Vĩnh Linh, họ đều rất trẻ, rất đẹp nhưng là cái đẹp trong hy sinh, trong vô vàn những vất vả của mỗi ngày, cái đẹp trong khói lửa chiến tranh. Nếu kéo các cô ấy ra khỏi môi trường họ đã sống, theo chồng ra Hà Nội để làm một nhân viên cửa hàng mậu dịch hay một cơ quan nào đó thì họ lại trở thành các cô gái nửa quê nửa tỉnh rất khó chịu, rất vô duyên vì họ đã phải chối bỏ những cái vốn là phép mầu của mình để học đòi những cái vốn là khắc tính của mình.

Trong những năm 60 hắn viết rất khỏe, cái nào hắn viết cũng đọc được cả, các nhà phê bình đã nói về hắn khi kết bài là "một cây bút trẻ có triển vọng". Năm 1960 hắn được giải nhất truyện ngắn Một cặp vợ chồng của tuần báo Văn Nghệ. Rồi hắn viết truyện vừa Chuyện người tổ trưởng máy kéo đăng trên Tạp chí Văn nghệ. Năm 1961 hắn đưa in tập truyện ngắn đầu tiên Mùa lạc. Năm 1962 in tiếp tiểu thuyết Xung đột quyển 2. Năm 1963 ra tiếp tiểu thuyết Một chặng đường và các truyện Hãy đi xa hơn nữa, Tầm nhìn xa, Người trở về, Gia đình lớn. Năm 1968 in tiểu thuyết Ðường trong mây.
Nửa năm sau những năm 60 chiến tranh đã lan ra cả nước. Miền Bắc sau mười năm được sống trong hoà bình lại phải đối mặt với bom đạn của chiến tranh, không phải chỉ một vài năm mà sẽ kéo dài tới ngày cả nước đã giành được độc lập và thống nhất. Mình thì quyết tâm thế nhưng Mỹ cũng không thể chịu thua, một cuộc chiến tranh của Mỹ, không chỉ có tiền bạc, sinh mạng lính Mỹ mà có cả danh dự một siêu cường ký cược vào đó. Nên hắn lo lắm. Một đời người phải tham gia những hai cuộc chiến tranh lớn, là cuộc đọ sức dài ngày giữa một nước nghèo và yếu với những nước giầu và rất giầu, mạnh và rất mạnh, quả là ê ẩm. Chả có việc gì được hoàn thành trọn vẹn trong vòng mười năm hoà bình cả, gia đình dang dở, nghề nghiệp dang dở, thậm chí đến chỗ ở, chỗ làm cũng tạm bợ, cũng có thể đổi thay. Và không thể hình dung trong mười năm nữa mình sẽ như thế nào, vợ hắn đã tỏ rõ cái gan lì, cái tháo vát, cái tự lập và coi những vất vả của cuộc sống thời chiến chả đáng là cái gì. Vẫn cười đùa, vẫn làm đẹp theo sự chỉ dẫn của chúng bạn, tính toán mọi việc thản nhiên, bình tĩnh như có thể sống với những cái không bình thường, những cái tạm bợ đến hết đời. Một gia đình bỗng chốc phải chi tiêu những mấy nơi, mẹ và con trai lớn đi sơ tán ở trại trẻ quân đội, hắn có lúc làm việc ở Hà Nội có lúc làm việc ở nơi sơ tán, còn vợ và con nhỏ lại ở một nơi sơ tán khác cùng với cơ quan. Một tuần vợ hắn vẫn phải về Hà Nội một lần, ngủ lại một đêm để sáng sớm hôm sau đến của hàng nhà thờ mua hàng ở các ô phiếu, phiếu thịt, phiếu cá, phiếu nước chấm, cả phiếu đậu phụ cũng phải mua. Thịt lọc nạc làm ruốc hay kho mặn, mỡ rán lấy mỡ đổ vào các lon gigô, cá kho mặn hoặc rán, đậu phụ cũng rán, làm hì hụi cả buổi trong một khu nhà rộng mênh mông chỉ còn lưa thưa vài bóng người, lại là khu dân cư ngay dưới chân cầu Long Biên, cầu lại chưa bị sập nên máy bay quần đảo cả ngày, còi báo động cũng hú suốt ngày, và những tiếng loan báo trên đài máy bay tới gần, máy bay đã bay xa ra rả từ sáng đến tối như đã là một phần của cuộc sống thành phố. Khoảng 3 giờ chiều, vợ hắn buộc các làn túi vào xe đạp lên chỗ trại trẻ đưa thức ăn cho mẹ và thăm con, đi vào những giờ máy bay hoạt động mạnh nhất, cứ đạp xe lững thững, vừa đạp vừa tính toán những việc phải làm, số tiền phải chi tiêu và chương trình sẽ phải đến nơi này nơi kia trong tuần, tuyệt nhiên không để ý đến còi báo động, đến tiếng loa báo xa gần của máy bay, và cả tiếng bom nổ nếu không phải ngay trên đường mình đi, vợ hắn nói với hắn thế. Vợ hắn đến chỗ mẹ và con trời đã xâm xẩm tối, lại lăn vào nấu nướng một bữa ăn tươi, giặt giũ khâu vá quần áo, trò chuyện với gia đình cho bà cháu ở trọ, biếu quà, gửi tiền trọ mỗi tháng, sáng hôm sau lại đạp xe sang cơ quan của chồng, ra chợ mua thức ăn làm một bữa cơm thành phố để chồng và các bạn chồng được ăn ngon một bữa, khoảng gần tối mới trở về cơ quan của mình, tắm rửa và cho con nhỏ ăn, hỏi han công việc phải làm trong ngày mai và những ngày tới. Những công việc của vợ hắn trong năm năm sơ tán cũng là những công việc của chị Vách vợ ông thiếu tá hàng xóm, cũng là gái quê lên tỉnh, học vấn chỉ viết được một chữ ký, suốt những năm ở cùng một dãy nhà hắn chưa bao giờ nhìn thấy vợ chồng họ đi sóng đôi với nhau, cũng không thấy họ đi xem phim xem kịch cùng với con cái (giống hệt vợ chồng hắn). Ông chồng suốt ngày đọc sách, nghiên cứu, viết lách những gì gì, ăn cơm riêng, ngủ phòng riêng như ông chủ. Rồi ông ta phải nằm bệnh viện cả năm vì bị tai biến mạch máu não và chết ở bệnh viện. Hai con trai học hành dang dở, chả có nghề ngỗng gì, sau ngày bố chết thằng anh tự dưng mắc bệnh tâm thần, lúc đi trại, lúc ở nhà, hai đứa con gái xấu xí, lòng khòng, đã hăm mấy tuổi vẫn chưa có thằng con trai nào tới thăm hỏi, chọc ghẹo. Bà mẹ ngày một già đi, sáng sáng đội thúng xôi ra đầu đường ngồi bán cho những người đi làm sớm ăn vội. Bà vẫn cười nói suốt ngày, như đã lấy cái vui thay cho cái buồn, lấy cái cười để át đi tiếng khóc. Truyện ngắn Ðời khổ viết về bà Vách hai chục năm sau chính là chuyện của vợ chồng hắn, là sự tự nhận lỗi và bày tỏ lòng biết ơn đối với vợ theo cái cách của hắn, dẫu sao vợ hắn vẫn may mắn hơn bà Vách vì công sức một đời đã được chồng con đền bù. Nhưng vợ hắn lại không cần được đền bù bằng cái danh của chồng hay sự trưởng thành của con cái, vợ hắn vẫn nói: "Tôi không cần cái danh của anh, cũng không cần tiền bạc của chúng nó, tôi cần cái tình cảm kia, sống được một năm như vợ chồng bác Ðiềm rồi chết tôi cũng hả!" Bác Ðiềm là bà chị ruột của vợ hắn, hơn em gái gần hai chục tuổi, chị sinh con đầu thì mẹ sinh con út, em bú chị, cháu bú bà, mẹ chết sớm thì chị buôn bán nuôi em, coi em như con. Năm hắn lấy vợ thì ông anh rể của vợ đạp xe xích lô, còn bà chị thì buôn bán vặt vãnh ở cửa ga Hà Nội, con cái làm các nghề vất vả nhưng lương thiện và họ không hề hỏi vay tiền vợ chồng hắn bao giờ. Chính hắn cũng thích đến chơi nhà bà chị vợ và ông anh rể, nhà của họ ở trong ngõ sâu của phố Khâm Thiên, hơi lầy lội khi trời mưa và rất chật với một gia đình có những năm người. Mà lại hay bày cỗ bàn mỗi lần giỗ tết, khách mời ngồi chen nhau trên cái phản mộc, còn con cháu trải chiếu ngồi chen chúc dưới đất. Mâm mời khách có mọi đồ xào nấu của một bữa cỗ, còn mâm dưới chỉ có một đĩa thịt ba chỉ luộc, miến xào lòng và một nồi to canh bánh đa nấu với cua. Mà vui lắm, cười đùa rầm rầm, mặt ông lão đã đỏ ửng sau vài chén rượu, bắt đầu nói năng huyên thuyên, bà vợ cũng uống rượu rồi bước ra giữa nhà vừa hát vừa múa vì bà có máu đồng bóng. Con cháu ngồi xung quanh nhìn mẹ nhìn bà hò hét cổ vũ. Ðó là cảnh tượng một gia đình hạnh phúc, một cặp vợ chồng hạnh phúc như ước ao từ thời còn trẻ của vợ hắn. Những lúc giận dữ với chồng với con, vợ hắn lại gầm gào: "Thà tôi lấy một thằng phu hồ, một thằng đạp xe xích lô nhưng là vợ chồng thật, còn lấy một ông nhà văn vừa có danh vừa có tiền nhưng sống với nhau như khách trọ tôi cũng chả thiết đâu!" Vợ là của hắn, là tài sản của hắn, là một nửa của chính hắn lại có thể nghĩ về hắn lầm lẫn đến thế sao!


26.

Những năm 70 cũng là những năm hết sức quan trọng đối với một đời văn cũng như một đời người của hắn. Ông Trời đã chiều hắn một nửa, ít người được chiều đến thế. Nhưng ông cũng trừng phạt hắn một nửa, cái sự trừng phạt vừa bất thần vừa tàn nhẫn. Từ những năm này hắn mới hiểu ra lời khuyên của các cụ từ những ngày xửa ngày xưa: "Mất nhiều cũng chớ vội buồn, được nhiều cũng chớ vội vui". Trong mất có được, trong được có mất, nhất là được nhiều là tai hoạ sẽ tới liền nếu không biết giữ cái ngấn chừng mực. Khi vợ hắn sinh đứa con gái út vào năm 1970 liền được bạn bè bình luận: "Cái số thằng ấy đến là may mắn, muốn sao được vậy". Lại có người nói: "Nó có biết buồn là gì, một đời người không có buồn, không có thất bại làm sao viết được văn!" Thế là hắn bắt đầu sợ, vì đã linh cảm được một tai hoạ rất lớn đang tìm đường đến hắn, đến vào lúc nào, bằng cách nào thì hắn không thể biết, nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện vào lúc hắn bất ngờ nhất. Cũng trong năm 1970 hắn đưa in một lúc hai cuốn tiểu thuyết: Ra đảo Chủ tịch huyện. Cuốn Ra đảo viết rất công phu nhưng bị chê vì tác giả đã lạm dụng tiếng địa phương quá nhiều. Quả thật cái giọng Quảng Trị, ngôn ngữ Quảng Trị là hết sức thích hợp với một vùng đất sóng gió, cát đá, bão tố. Con người cũng như được tạc bằng đá, cây cối của vùng đất này cũng gân guốc, nhọn sắc, đất và người đều đã quen với biến động, với chinh chiến từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất không hiền, người cũng không hiền và tiếng nói càng không hiền. Hắn là người hiền lành, thích nhân nhượng, thích rút lui nên rất ngưỡng mộ những tính cách đối nghịch: cái dũng mãnh, cái không khoan nhượng, cái quyết liệt. Và hắn đã tìm thấy những cái hắn thiếu ở những con người dọc ven biển Quảng Trị. Nhưng sự sùng mộ thiếu tỉnh táo ấy đã làm hỏng cuốn sách về phương diện nghệ thuật. Còn ở Chủ tịch huyện hắn và các nguyên mẫu bao giờ cũng có một khoảng cách, cái khoảng cách về tầm nhìn, tầm nghĩ, cái khoảng cách về tư tưởng. Tức là các nhân vật văn học đều cao hơn, đẹp hơn, lý tưởng hơn những mẫu người có thật, kể cả nguyên mẫu là một ông bí thư tỉnh uỷ nào đó. Vì cảm nhận của nghệ sĩ do đọc nhiều, biết nhiều, lại làm nghề nghệ thuật nên bao giờ cũng tinh tế, nhạy bén hơn các nguyên mẫu mà họ chọn lựa. Với hắn chỉ cần nghe một tiếng cười, nhìn một ánh mắt, nắm một bàn tay là đã biết được phần nào người nói chuyện với mình là đáng tin hay không đáng tin, là người có thể cộng tác được hay chỉ nên quen biết qua loa rồi quên đi. Và hắn đã truyền những kinh nghiệm của hắn cho các nhân vật của mình. Nói cho đúng các nhân vật văn học của hắn chỉ mượn các nguyên mẫu có cái vỏ ngoài, cài phần xác, còn cái phần hồn, cái phần tư tưởng của nhân vật thì vẫn là hắn, bất kể họ là bí thư tỉnh uỷ hay chỉ là chủ tịch một xã, là một nhà báo hay một lãng tử, một ông già đã gần kề cái chết hay một chàng trẻ tuổi đng háo hức bước những bước đầu tiên trên đường đời. Chủ tịch huyện được bạn bè khen, bạn đọc khen, còn ông Nguyên Hồng gặp hắn ở quán bia đường Trần Hưng Ðạo liền giơ một bàn tay lên và bảo: "Này, Chủ tịch huyện viết tốt đấy!"

Khoảng cuối năm 1970, hắn được đi dự Hội nghị các nhà văn Á Phi cùng với nhà văn lão thành Tô Hoài, họp ở New Delhi - Ấn Ðộ cùng với đoàn nhà văn miền Nam là Phan Tứ và Thu Bồn. Cả hai đoàn đều phải qua Mátxcơva, ở lại mấy hôm rồi cùng lên đường với các nhà văn Liên Xô trên một chuyến máy bay. Hắn đến Mátxcơva lần này là lần thứ hai cách lần thứ nhất mười ba năm. Lần trước hắn đi cùng đoàn Thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên 1957, đi bằng xe lửa, qua Trung Quốc ở lại ít ngày rồi đi xe lửa tiếp qua vùng đất Viễn Ðông của Liên Xô rồi tới Mátxcơva. Chuyến đi cuối năm 1970 đi bằng máy bay IL.62, lần đầu tiên trong đời hắn được đi máy bay mỗi lần lên xuống muốn nôn thốc, rồi hắn lại nghĩ lẩn thẩn như một anh nhà quê, cái ống thép bọc kín chứa mấy trăm con người bay lơ lửng từ Á sang Âu lỡ nó rơi một cái thì sao nhỉ ? Cho đến bây giờ mỗi lần đi máy bay hắn đều nghĩ nếu bất thần nó rơi xuống thì sao nhỉ? Thì chết cả nút chứ còn sao! Nên hắn sợ lắm, cứ bước chân lên máy bay là sợ. Hắn rong chơi nước ngoài khoảng nửa tháng rồi về, ở nhà được khoảng một tháng thì được lệnh đi chiến dịch Ðường 9 Nam Lào. Hắn đến nơi thì chiến dịch cũng đang hồi kết thúc. Bộ Tư lệnh chiến dịch giới thiệu hắn xuống một đơn vị xe tăng, rồi hắn đi la cà các đơn vị bộ binh khác, giữa các đợt đi ngắn ngày hắn lại về nằm khu lán của các phái viên thuộc nhiều Tổng cục của Bộ Tổng tư lệnh. Họ đã thay nhau đi xuống các binh chủng trong suốt chiến dịch để kiểm tra, đôn dốc những công việc của chuyên ngành nên mỗi người có cả một kho chuyện còn chưa nhạt mùi máu và mùi khói đạn của chiến trường, tối tối lại ngồi quây quần trên những tấm giát nứa thay giường, căng thêm một tấm vải dù lớn chắn gió, pha một bình nước trà đặc, hút thuốc cuốn, thuốc điếu, thuốc lào; bình luận, tranh cãi, tán róc đủ thứ chuyện, từ chuyện lính đến chuyện quan cho mãi tới nửa đêm. Chắc hẳn cái ông Vũ Trọng Phụng cũng đã được nghe vô khối chuyện buồn cười của cái thời ông ở những căn phòng chật chội, bẩn thỉu mà khách trọ mỗi đêm đều là dâng làng bẹp, dân nghiện lúc đã no thuốc thì thiếu gì chuyện để nói, toàn là những chuyện đã được chắt lọc, được ép nén thành biểu tượng, những điển hình cùng với những câu nói cửa miệng trong dân gian thời ấy, Xuân Tóc Ðỏ, bà Phó Ðoan, cụ Cố Hồng và cả một lũ lĩ người ngợm của một thời nhố nhăng chắc đã lần lượt xuất hiện trong những câu chuyện phiếm quanh những ngọn đèn dầu lạc của dân nghiện cả. Chính là các bạn hút có danh và vô danh đã cung cấp cho Vũ Trọng Phụng những mẩu chuyện quý giá, những điển hình quý giá để ông có thể xây dựng được cuốn tiểu thuyết hoạt kê bất hủ Số Ðỏ. Tất nhiên phải có cái thiên tài của Vũ Trọng Phụng nữa. Chính trong những ngày đi lang thang với nhiều đơn vị tham gia chiến dịch, gặp đủ mọi người cần gặp, nghe đủ mọi chuyện, toàn là những chuyện có thể vào thẳng văn chương được cả mà hắn đã nghĩ rất nhiều đến một tài năng tiểu thuyết rất mạnh mẽ mà hắn vô cùng ngưỡng mộ: Vũ Trọng Phụng.

Giữa năm 1971, không quân Mỹ lại bắn phá trở lại những tỉnh thuộc khu 4, thưa thớt hơn nhưng cuộc sống trong đó lập tức trở lại thời chiến như những năm 1965 đến 1968. Trong đợt bắn phá này, bên báo bạn mất hai người: anh Tô Ân và Tuấn. Hắn không thể nào quên được cái cảnh tượng đau đớn của gia đình Tuấn buổi chiều làm lễ truy điệu anh tại trụ sở báo Quân đội Nhân dân. Anh là con trai duy nhất của một dòng họ rất hiếm con trai. Bố mẹ sinh anh khi họ đã lớn tuổi, anh đã có vợ con nhưng đứa con đầu lại là con gái, nghe nói vợ anh đã mang thai, hy vọng đứa con sau là con trai thì cái mất của hôm nay chưa phải đã mất hoàn toàn. Cả hai cụ đều đã gần tám chục tuổi, tóc bạc phơ, bà dựa vào ông cứ run bần bật, ông cũng run, cả hai dúm xương da cứ dính vào nhau, đến một giọt nước mắt khóc con cũng không thể có, chỉ thấy hai tròng con mắt ngầu đỏ như đã bị đốt cháy. Hắn cùng bạn bè đến trước mặt hai cụ, đầu cúi xuống như kẻ có tội, là cái tội hắn đã có hai con trai nối dõi mà hắn vẫn còn sống, còn bạn hắn đến một giọt máu lưu lại cho bố mẹ dựa vào đó mà sống tiếp cũng không có. Ông trời cũng bất công, có gia đình ở Hà Nội, hắn đi lại từ năm còn học tiểu học, có năm con trai vừa là đàn anh của hắn vừa là bạn hắn đi đánh Pháp suốt tám năm, đến ngày hoà bình lần lượt trở về đủ năm người, không phải năm mà là tám người vì có thêm ba cô con dâu nữa, thêm hai đứa cháu nội là mười người, đi năm về mười là chuyện có thật. Còn một chuyện thương tâm nữa, là cái hồi sau của buổi lễ truy điệu, cũng là nghe nói chứ chưa hẳn đã là chuyện thật, cũng mong thế. Ấy là người vợ của Tuấn, y tá một bệnh viện, đã ngầm phá cái thai đã ba tháng. Vì chồng chết thì ai nuôi các con của cô, nuôi một đứa thì được chứ nuôi hai đứa chịu sao thấu. Bố mẹ chồng thì quá già, các bà chị chồng đều nghèo, xưa nay em trai vẫn giúp các chị chứ các chị giúp thế nào được em dâu. Cô ấy lại còn trẻ, mới ba mươi tuổi, gái goá hai con thằng đàn ông nào dám rước. Thương chồng và bố mẹ chồng thì vẫn thương, nhưng vì nhà chồng mà phải sống khốn khổ nhiều năm tháng còn lại thì không nên mà cũng không thể. Cái việc phá thai bảo là tàn nhẫn cũng được, mà bảo là nhân đạo cũng được, vì một người đã chết mà hành hạ những ba người còn sống, theo hắn mới thật là tàn nhẫn. Trong thâm tâm hắn ủng hộ việc làm của vợ bạn, hãy cứu lấy những người còn sống là việc quan trọng nhất, nên làm nhất. Hắn là nhà văn có tư tưởng tự do và cấp tiến mà lại. Nhưng vợ hắn về già lại nói với hắn trong nước mắt: "Anh đi rồi anh viết, hết cuốn này đến cuốn khác, người đưa kẻ đón, chả có lúc nào anh phải buồn cả, nhưng vợ anh một đời hầu hạ bố con anh mà không được một lời động viên, một câu nói âu yếm, chỉ có cau có với gắt gỏng thôi, sống như thế là khổ lắm nhưng tôi còn biết đi đâu bây giờ, ở với ai bây giờ. Chả lẽ lại về quê sống một mình chờ chết!" Lời nói ấy là lời nói từ đáy sâu địa ngục vọng lên, và cái người đã tạo ra cảnh địa ngục trần gian cho vợ mình lại chính là nhà văn tự do có tư tưởng cấp tiến. Trong một con người chả lẽ lại cùng tồn tại hai cách nghĩ hai cách sống trái ngược nhau đến thế sao!

Năm 1972 Mỹ ném bom trở lại thành phố Hải Phòng và rải mìn ở cảng, dữ dội hơn những năm trước. Các cơ quan của quân đội và dân sự lại rục rịch sơ tán lần thứ hai. Lần này mẹ hắn đi sơ tán với em trai hắn vì đã yếu nhiều. Còn hắn cho thằng lớn đi cùng với cơ quan của hắn vì nó đã lớn. Thằng bé mới 15 tuổi nhưng lực lưỡng, tháo vát như trai 18. Nó tự nguyện nhận làm những việc nặng phụ giúp chị nấu cơm người địa phương được cơ quan thuê đến nấu cơm cho bộ phận sơ tán. Lại nhận giúp các bạn đào hầm tại các gia đình đến trọ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ mỗi tối để các bạn khỏi buồn, rồi viết cả đơn xin được tòng quân đánh Mỹ dẫu chưa đến tuổi. Những ngày nghỉ nó không đi chơi đâu cả, gánh phân ra ruộng giúp gia đình bố con hắn ở nhờ, giúp chị chủ nhà nấu cơm mỗi sáng sớm để chị có thì giờ chăm lo cho mấy đứa nhỏ trước khi đi làm. Và rất say mê nghe chuyện chiến trường của chú Ngô Thảo, vì chú là người của chiến trường mới được điều về tạp chí phụ trách phần phê bình, lý luận. Nó là đứa con có đầy đủ phẩm chất một công dân xã hội chủ nghĩa, là nhân vật tích cực trong các sáng tác văn học của bố nó. Nhưng thằng em nó, một đứa làm nghề kinh doanh gặp may mắn mấy năm gần đây đã bình luận về người anh cả nhân ngày giỗ của anh với bố: "Nếu ông H. còn sống thì cũng chỉ làm được một anh viên chức gương mẫu nhưng nghèo kiết là cùng, người tốt thế thì còn làm gì hơn được. Không chừng con lại phải cấp lương tháng như với ông K." Bố nó bảo: "Nếu còn anh H. thì làm gì có mày, tao đã có hai thằng con trai là quá đủ đâu cần đến một thằng thứ ba". Thằng con út cười toe toét: "Thế là số bố may mắn đấy, bố luôn luôn gặp may mà, thời này mà bố mẹ có trong nhà những hai thằng viên chức ăn lương tháng thì có muốn ăn bát phở mỗi sáng cũng phải tính toán". Nó nói một cách trắng trợn, một cách đáng ghét nhưng chả lẽ lại bảo không đúng? Trong thời gian phải rời Hà Nội đi đến những nơi sơ tán, mỗi gia đình phải làm thêm bao nhiêu việc mà chỉ có hai vợ chồng, các con đều còn nhỏ cả. Trong khu tập thể tai hoạ đã giáng xuống hai nhà trong những ngày này, một bà bị bom trên cầu phao sông Hồng trên đường đi thăm con, một bà bị xe quân sự cán chết ở Phùng trên đường về Hà Nội. Hai người đàn ông với một lũ con dại, với một đống công việc, không có người chia sẻ, mắt trõm sâu, môi nhợt trắng, mặt mũi lem nhem những râu ria không kịp cạo, nhìn vào mặt bạn hắn muốn ứa nước mắt. Còn hắn, hắn vẫn là người sung sướng. Lúc con còn nhỏ thì mẹ chồng chia sẻ mọi khó nhọc với con dâu để hắn yên tâm đi viết. Lúc con đã lớn thì con thay mẹ hầu bố để bố ngồi viết. Ngồi viết mà được con hầu cơm, hầu đào hầm nơi ở, hầu đun nước nóng để bố tắm một tuần hai lần khi trời vào rét và cũng một tuần hai lần giặt quân áo cho bố. Ðợt sơ tán thứ nhất hắn còn phải đạp xe đến cơ quan của vợ đưa tiền hàng tháng và nhiều thứ lặt vặt, đợt sơ tán thứ hai mọi sự đi lại hắn đều nhờ con cả. Hắn chỉ có một việc ban ngày ngồi viết, tối đến thì ngồi tán chuyện nhân tình thế thái với ông giáo chủ nhà, nguyên chủ tịch xã những năm đánh Pháp, mới trở lại nghề gõ đầu trẻ khoảng mươi năm nay. Cả hai ông bà đều ăn nói nhỏ nhẹ, cử chỉ khoan thai, đều thưa dạ với nhau, kính nhau như khách, thoạt nhìn hắn cũng ngượng, hơi khó chịu, với những người ruột thịt mà còn gò bó thế thì cái phần tự do của mình được dùng vào lúc nào. Nhưng ở lâu lại thấy chỉ có sự kính trọng lẫn nhau mới tạo được sự gắn bó và ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên với truyền thống của gia đình, bất chấp mọi thay đổi của thời cuộc. Người ở nông thôn mà xem ra cách sống lại văn minh hơn nhiều gia đình ở Hà Nội. Như gia đình của hắn chẳng hạn, gia đình trí thức mà sống buông tuồng, tuỳ tiện, bắt đầu từ chính người chủ gia đình, rồi đến vợ con cũng quen theo cách sống đó, cười nói rất to, gắt gỏng nhau cũng rất to, ăn cơm trải chiếu dưới đất, nồi nhỏ đặt giữa, nồi lớn đặt cạnh mâm, vừa ăn vừa dặn bảo công việc, nhồm nhoàm, hể hả, mồ hôi chảy nhễ nhại trên mặt bố mặt con như gia đình của mọi người lao động. Hắn thích thế, hắn tự hào được sống như thế vì hắn là nhà văn của giai cấp vô sản, thù ghét mọi biểu hiện của tầng lớp quí tộc và tư sản. Về già hắn mới biết, ở các xã hội trước, giai cấp vô sản là tầng lớp nghèo khổ nhất nên không làm chủ được vận mệnh của mình, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự may rủi. Công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nuôi dạy con cái ăn học gặp cơ may thì mọi sự trót lọt, không gặp may thì gia đình chia ly, con cái mỗi đứa đi một phương kiếm sống hoặc phải đi ăn đi ở cho những người giầu có trong họ, có chí và có điều kiện theo học thì học cũng giỏi, nhiều người rất giỏi, còn tự buông thả thì suốt đời vô học. Do nghèo đói nên gia đình thiếu kỷ cương, gặp đâu hay đó vì không thể tính trước, không có điều kiện để tính trước bất cứ việc gì sinh ra thói quen tuỳ tiện, rồi do quá túng thiếu, do buồn chán không tìm được lối thoát lại sinh ra cờ bạc, nghiện hút. Một gia đình như thế rất hiếm hoi sinh được nhân tài, vì nhân tài cũng như thiên tài đều phải được nuôi dưỡng, được chăm bón trong những môi trường thuận lợi. Chả nói đâu xa cứ lấy ngay chính hắn làm một ví dụ, người như hắn nếu không gặp được thời thế đổi thay thì suốt đời chỉ là anh làm công, lại nhút nhát, lại kém tháo vát thì chỉ làm thằng gác đêm tại các biệt thự hay các công sở ở Hà Nội. Cách mạng đã đưa hắn lên thành một người có danh vọng, nhưng cách mạng không thể thay đổi được nếp sống buông tuồng, tuỳ tiện từ nhỏ của một gia đình không có người đàn ông làm chủ, không có nguồn thu lợi nào bền vững đủ để tính toán được những việc của tương lai, cũng không có truyền thống học hành, giao tiếp và một nếp sống căn cơ như những gia đình đã nhiều đời ở Hà Nội. Hắn là người gặp thời mà nên. Thời thế có thể thay đổi vị trí xã hội của hắn nhưng không thể thay đổi được nếp nhà của hắn. Bây giờ hắn đã là người có danh, ngấp nghé tầng lớp thượng lưu của xã hội nhưng nhìn vào những ngày giỗ tết của nhà hắn thì vẫn là một gia đình bình dân thuộc tầng lớp nghèo của xã hội, cỗ bàn bát nháo, cúng kiếng bát nháo, cha con vợ chồng trò chuyện với nhau cũng bát nháo. Muốn thành một gia đình có nền nếp kỷ cương thì phải bắt đầu từ đời hắn ngay từ những năm hắn mới lập gia đình. Cũng vẫn còn chưa quen, hắn chưa quen, vợ hắn càng không quen nên phải có ý thức nhắc nhau cho trở thành thói quen. Sang đời con hắn may ra mới bắt đầu thuần thục, đến đời các cháu hắn mới trở thành thói quen, sống khác đi, xử sự khác đi là không thể làm đượ, không thể chịu nổi. Hắn có một người bạn lớn tuổi, biết nhau từ thời đầu chống Pháp, là đồng hương, đồng đội, về sau còn là người cùng một cơ quan, đó là nhà thơ XuânThiêm. Chồng là con ông ấm, vợ là con ông tuần, một đời khổ sở vì cái lý lịch quan lại nên cả vợ lẫn chồng đều cố gắng tự cải tạo thành người bình dân để khỏi bị chú ý. Nhưng tới ở đâu dầu chỉ là một căn phòng rất chật hẹp bà vợ vẫn phải mua mấy thước vải xô may rèm che các cửa sổ. Dẫu đã là người của giới lao động họ vẫn không thể quen sống trống trải, sống toang hoác không có một tí gì riêng tư để giữ kín. Con cái những gia đình sống không có kỷ cương chúng chỉ sợ có pháp luật, nếu lừa được pháp luật, hối lộ được pháp luật thì mọi cái đều có thể đối với chúng, kể cả hiếp người, giết người. Lại trở lại gia đình ông giáo. Lần sơ tán thứ nhất thì người con trai thứ hai của ông (con bà cả đã mất) vừa lên đường đi bộ đội, ở một đơn vị cao xạ đóng tận mãi Quảng Bình. Lần sơ tán thứ hai hắn vẫn ở nhà ông nhưng ông già đi, buồn hơn vì đứa con ở pháo cao xạ đã hy sinh vào giữa năm 1968 ở Ninh Bình. Anh trai nó cũng chuẩn bị lên đường theo đoàn cán bộ giáo dục của tỉnh vào miền đông Nam Bộ. Bữa cơm chia tay bố con, hắn cũng được mời tham dự. Anh con trai lớn của ông giáo kém hắn mươi tuổi, đã có vợ và hai con nhưng đều là con gái cả. Anh vừa ăn vừa nói chuyện với bố mẹ và mẹ kế, toàn những chuyện đâu đâu không đả động gì tới chuyện đi ở. Người vợ chỉ ngồi xới cơm cho chồng, gắp thức ăn cho bố và hai con, mắt toàn nhìn xuống. Bà mẹ kế cười nói gượng gạo, có lúc bà chống đũa nhìn chằm chằm cô con dâu, vè mắt của bà cứ đỏ dần lên. Lúc tiễn nhau, hắn đứng trong hè nhìn theo hai bố con ông giáo cùng đi ra cổng rồi bất chợt người con trai quay lại ôm chầm lấy bố, dụi đầu vào vai bố và cứ đứng nguyên như thế rất lâu. Người con dâu đi theo cũng quàng tay ôm lấy lưng bố chồng, hai đứa con gái, một đứa ôm chân bố, một đứa ôm chân ông nội. Một gia đình cắn răng chịu đựng mọi đau đớn để những đứa con được làm tròn nghĩa vụ với tổ quốc trong thời chiến.

Từ tháng 3 đến đầu tháng 8, hắn không đi đâu cả, miệt mài ngồi viết cuốn tiểu thuyết Chiến sĩ tại nhà ông giáo. Tháng 9 hắn ôm một cặp bản thảo về Hà Nội đưa cho nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hai tháng sau nhà xuất bản trả lời nhận in, sẽ đưa vào kế hoạch in quí I năm 1973, khoảng tháng 5 sách sẽ được phát hành. Tết năm Quý Sửu là một cái Tết rất vui, tiền tiêu không thiếu vì hắn đã nhận của nhà xuất bản một khoản tiền ứng trước, đất nước hoà bình, lần này chắc là lâu dài, con cái đã lớn, trước mắt sẽ là những năm an nhàn hơn, hắn sẽ trượt dần vào tuổi 50 một cách êm ái, mãn nguyện vì hắn vốn cũng chả có ước mơ gì quá cao xa ngoài tầm tay với. Nhưng tới giữa tháng 5 thì thằng con khoẻ mạnh nhất, tháo vát nhất và rất yêu bố bị chết đuối ở sông Hồng. Chỉ trong vòng có một tiếng vắng mặt nó mà hoá ra mất nó mãi mãi. Hắn không tin được, không có cách gì khiến hắn tin được hắn đã mất một đứa con, lại là đứa trẻ hắn gửi gắm mọi hy vọng, mọi niềm vui của một đời người. Bỗng chốc mất trắng cả, tất cả trong một sớm một chiều hoá ra vô nghĩa. Hắn vật vã khóc than như đàn bà, ruột quặn đau, cái đau có thật, cái đau sinh lý, dẫn đến nghẹt thở. Mất con đau đớn đến thế ư? Vợ hắn đau đớn đết bật ra sữa non, đái ra máu tươi, nằm lăn lộn ở một góc đường để chờ con từ bờ sông trở về như mọi chiều nó vẫn đi bơi và trở về theo lối ấy. Những lúc tỉnh táo hắn lại chợt nghĩ đến gia đình ông giáo. Ông cũng đã mất một đứa con trai khi nó ở tuổi hăm hai, là lao động nông nghiệp chính của gia đình khi bố mẹ đã già. Nhiều năm sau hắn còn biết người con vào Nam dạy học đã trở về nhà sau ngày đất nước thống nhất, sống với bố mẹ, vợ con được một năm thì bị cảm đột ngột và mất trên đường cáng đến bệnh viện. Chết đột ngột trong dân nay nói là bị cảm mạo phong hàn mà chết, chứ cái chết ấy cũng là bệnh của chiến trường. Một người chết chưa vợ con gì, một người chết mới có hai đứa con gái, ông giáo sẽ không bao giờ có cháu đích tôn nối dõi, một dòng họ bị mất hương khói từ đây. Nghe nói ông gắng gượng sống thêm được vài năm rồi bị liệt, nằm thêm mấy năm nữa mới mất. Một người già hầu một người già nằm bất động trong năm gian nhà vắng lặng, lạnh lẽo, cái buồn ấy là cái buồn thiên cổ, cái buồn của thân phận làm người.
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà ná»™i 2003