© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.7.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
27.

Năm 1974, hắn trở lại cái nghề làm báo, viết một lúc cho mấy tờ báo: Nhân dân - Văn nghệ - Tạp chí Tác phẩm mới. Vẫn là làm báo nhưng văn chương dồn nén hơn, câu chữ lợi hại hơn, được bạn đọc bình luận sôi nổi, cả khen và chê, nhất là các bài báo nối tiếp nhau mỗi sáng chủ nhật trên báo Nhân Dân. Rồi vở kịch ngắn để đọc Ðối mặt, bài báo Chúng tôi chăm sóc tài năng trẻ, truyện ngắn Người mơ mộng, tạp văn Nghĩ về anh L.M ít nhiều đều có tiếng vang trong giới yêu văn chương của thủ đô. Thoạt đầu thì vui về sau hoá ra không vui và hắn không viết nữa, nói cho đúng là không viết được nữa, ý tưởng, câu chữ đã mất tự do, mất tự tin thì làm sao quyến rũ được bạn đọc. Và đã có ý kiến của lãnh đạo: "Nó viết lách linh tinh chẳng qua là cứ quẩn quanh ở Hà Nội nghe chuyện hay có ít, chuyện dở thì nhiều, cho nó vào chiến trường một thời gian để rèn luyện là tốt đấy". Thế là hắn chuẩn bị vào miền Nam đang ở trong tình thế nửa hoà bình nửa chiến tranh và quân ta cũng đang chuẩn bị một chuyện gì đó rất lớn và từ rất lâu rồi, phải ít ngày sau hắn mới được biết đầy đủ. Người cùng đi với hắn một chuyến đi nghĩ là thường như mọi chuyến đi mà hoá ra một chuyến đi lịch sử, một đời chỉ được một lần là đủ mãn nguyện. Người đó là Lê Lựu, bạn thân thiết của hắn từ đầu những năm 60. Năm đó Lê Lựu rủ hắn về quê anh ở Khoái Châu, hắn đã ở lại nhiều ngày, rồi đi đi về về trong khoảng nửa năm, trở thành người trong gia đình của Lựu. Chú ruột của Lựu là chủ tịch huyện Khoái Châu, anh ruột của Lựu là chánh văn phòng Uỷ ban huyện và một dây những anh em con cháu vừa ở làng, vừa ở huyện ở tỉnh, là một kho tư liệu về người về việc của một dải đất bãi ven sông Hồng trong vòng nửa thế kỷ. Cũng như hắn đã về viết ở Phú Thọ theo lời rủ rê của anh Tuế, nguyên trưởng ban hành chính của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có bạn bè ở những nơi mình sẽ ở lại và sẽ viết là hết sức thuận lợi. Người của địa phương dễ thân dễ tin cậy một người viết báo là bạn bè của người nhà mình, còn hắn cũng cảm thấy thân thuộc ngay cả cảnh cả người cái nơi vừa đặt chân đến. Chuyến về Phú Thọ hắn viết được Tầm nhìn xa, chuyến về Khoái Châu hắn viết được tiểu thuyết Chủ tịch huyện, là những sáng tác về cuộc sống nông thôn những năm hợp tác hoá nông nghiệp thành công nhất của hắn, có nhiều bạn đọc nhất.

Chiếc xe con quân sự đi vào chiến trường tới quãng trên Thường Tín thì dừng lại, bà cụ sinh ra Lựu cùng ông anh ruột của Lựu từ vùng đất bãi của Khoái Châu đi đò qua sông Hồng từ sáng sớm đã đón đợi sẵn, mang theo rất nhiều thức ăn để anh em ăn dọc đường. Ai ngờ buổi sáng lên đường bữa ấy cũng là ngày bắt đầu của một loạt những ngày tháng rất vui, vui đến nghẹt thở. Với hắn chuyện nước đã vui mà chuyện nhà cũng vui, như người được cởi trói và được đẩy ra khỏi cái ngục tù u ám những chuyện buồn. Ấy là vợ hắn vừa sinh đứa con trai út thay thế cho đứa đã mất. Chuyện như một ao ước hão huyền mà lại là thật. Ngay từ tháng vợ mang thai hắn đã lo. Vợ hắn lại cả quyết sẽ sinh con trai hắn lại càng lo. Vợ có mang được hai tháng đi thử nước tiểu, khoa phụ sản của bệnh viện 108 căn cứ trên xét nghiệm bảo là chửa ngoài dạ con. Hắn bảo phải huỷ thai nhưng vợ hắn kiên quyết giữ vì đã nằm mơ thấy một thằng bé rất bụ bẫm níu chặt lấy chân mình. Tức là đầu óc vợ hắn đã không bình thường rồi, đau đớn quá buồn bã quá rồi lại đòi có mang, rồi lại nói một cách chắc chắn sẽ là con trai, không là điên còn là gì! Vợ chồng tranh cãi ầm ĩ suốt cả tuần, người bảo bỏ, người nói giữ, nếu không cho giữ thì cả hai mẹ con sẽ đâm đầu xuống sông Hồng, ai mà giữ nổi người muốn được chết, đòi được chết. Hắn sợ quá, tin chắc những ngày tới sẽ là những ngày rất u ám đối với gia đình hắn. Cái thai lớn một cách bình thường, rồi nó đạp đau nhói, đạp loạn lên như nó đang đá bóng trong bụng mẹ nó, đạp mạnh thế, nghịch ngợm thế hẳn là thằng cu rồi. Vợ hắn nói một cách chắc chắn, một cách tin tưởng nhưng hắn vẫn chưa thể tin. Vì hắn đã được nhiều nay trời bắt đi một đứa con hắn thương yêu nhất cũng là lẽ công bằng, có được có mất, được lúc trẻ mất lúc già hoặc ngược lại, không một ai ở đời này lại được hết. Ðược hết là sẽ có lúc mất ráo. Có hai gia đình được trời cho một lúc được hết, rồi lại lấy đi sạch sẽ cũng trong một lúc, ở Mỹ là gia đình John Kennedy, ở Việt Nam là gia đình Ngô Ðình Diệm. Mẹ hắn cũng phải nói: "Vợ anh dạo này tính nết thế nào ấy, ai hỏi cũng nói nhất định sinh con trai, lỡ sinh con gái thì nó vứt con đi à?" Một tối ăn cơm xong vợ kêu ngâm ngẩm đau bụng, hắn đưa vợ vào cơ quan ngủ nhờ rồi lại nhờ anh lái xe của cơ quan giúp đỡ nếu trong đêm vợ chuyển dạ đẻ. Dặn dò xong hắn về nhà đọc sách, rồi cho các con đi ngủ, hắn cũng ngủ rất say, chỉ cầu trời cho mẹ tròn con vuông, còn trai hay gái hắn đều thương hết. Sáng hôm sau, hắn cho các con ăn sáng, đưa con nhỏ ra nhà trẻ rồi mới thủng thẳng đạp xe vào bệnh viện. Người trực khoa sản nghe tên vợ hắn nói ngay: "Chị ấy sinh rồi, con trai, nặng 3 ký 8, sức khoẻ của hai mẹ con đều tốt". Hắn ngây người vì quá mừng, lại hỏi lần nữa: "Nhà tôi sinh con gái hay con trai?" Chị kia cười: "Anh mong con trai lắm hả, cả ba ca đẻ trong đêm đều sinh con trai hết, con anh nặng nhất, gần bốn ký". Hắn hối hả đạp xe về nhà mẹ, bà cụ hỏi: "Nó sinh rồi hả? Con gái phải không?" Hắn làm ra vẻ thất vọng: "Vâng, con gái". Mẹ hắn an ủi: "Con nào cũng là con, con gái hiếu thuận còn bằng mấy con trai ấy chứ". Hắn nhìn mẹ rồi cười hết cỡ: "Sinh con trai, mợ ạ, thế mới tài, cầu sao được vậy nhá!" Bà mẹ cũng cười nhưng còn ngờ: "Nó bảo nhất định sẽ sinh con trai, mà là con trai thật à?" Về nhà hắn vẫn chưa hết bàng hoàng, ông trời đã tha hắn thật ư? Ông lại rộng lượng với hắn đến thế sao? Vừa lấy đi thấy hắn buồn quá lại lập tức cho lại! Hắn sẽ đặt tên đứa con mới sinh là Hoàn, có nghĩa là trả lại. Nguyễn Thế Hoàn. Thằng anh vừa mất là Nguyễn Thế Huỳnh. Mấy đứa trẻ con nhà hàng xóm đứng thập thò ngoài cửa nhìn vào, một đứa hỏi: "Cô sinh rồi hả chú?" - "Sinh rồi" Lại hỏi: "Là trai hay gái?" - "Trai!" - "Chú đặt tên em là gì?" - "Hoàn, Nguyến Thế Hoàn". Một đứa nói: "Nguyễn Thế Hoàn, không hay, sao chú không đặt Nguyễn Khải Hoàn, nghe hay hơn?" Hắn ngồi sững, hỏi lại: "Cháu nói cái gì?". "Khải Hoàn, Nguyễn Khải Hoàn!" Hắn nói ngay: "Ừ, Khải Hoàn, Nguyễn Khải Hoàn, có lý đấy. Cảm ơn cháu". Nhân bảo như thần bảo, con hắn sinh ngày 3 tháng 1 năm 1975. Năm 1975 là năm đại khải hoàn của Việt Nam, cả dân tộc khải hoàn sau ba chục năm chinh chiến. Nhưng lúc này hắn chưa thể biết những gì hắn được chứng kiến sau hai tháng nữa. Theo chương trình ở nhà, hắn với Lê Lựu sẽ vào Tây Nguyên nhưng mới vào đường Trường Sơn lại nhận được lệnh trở lại đi theo hướng chủ yếu, đường 1, ở bộ phận của trung tướng Lê Quang Hoà, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Ngày 26 tháng 3 bọn hắn vượt qua sông Thạch Hãn thì quân ta đã giải phóng Huế. Thế là quân tướng vào thẳng Huế vào một buổi chiều. Ngồi trên xe nhìn qua lớp rào hai bên đường thuộc ngoại vi thành phố thấy các cô gái Huế mặc bộ đồ trong nhà nhiều mầu và in rất nhiều hoa hoặc các đường kẻ sặc sỡ nom rất vui mắt, hắn đã lạ lắm. Các đường phố rất vắng, nhiều nhà cửa sắt mở toang nhưng không có người, giày dép, quần áo, túi xách, hòm làn vứt ngổn ngang dọc đường như vừa qua một cơn hoảng loạn, chắc đã có nhiều người rời nhà chạy ra đường nghe ngóng rồi nhập theo dòng người đi luôn. Không có đánh nhau trên đường phố mà lại có nhiều lỗ đạn trên tường và trên nhiều cánh cửa sắt, bắn lẫn nhau sao? Những người Huế còn ở lại nhìn xe bọn hắn chạy qua vẻ mặt bình thản, có nhiều người giơ tay vẫy. Mấy ngày sau hắn và Lê Lựu, Xuân Sách cùng với Hữu Mai, Hồ Phương vừa mới tới Huế đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Suốt mấy ngày ở Huế hắn chỉ nghe có một dòng nhạc của Trịnh Công Sơn ở mọi nhà, mọi nơi, một âm điệu buồn buồn, không thay đổi, như lời tâm sự, như lời cầu nguyện của cả một thế hệ trẻ ở các đô thị miền Nam. Hắn sẽ không thể quên một tối ở uỷ ban quân quản, những người Huế mới ở rừng xuống ngồi quây tròn nghe một người Huế nổi tiếng là Trịnh Công Sơn ôm đàn hát. Lời ca của Sơn đẹp và mênh mông như thơ, là những bài thơ rất đẹp và cũng rất lạ nhưng tác giả lại không thuộc hoàn toàn và những người ở rừng về lại nhắc lời cho người đang hát từng đoạn, rồi họ cùng hát theo vang vọng cả gian phòng lớn. Lê Lựu, Xuân Sách, nhạc sĩ Huy Du và hắn còn được làm quen với một nhà tư sản thương nghiệp tên là Kim ở đường Phan Bội Châu, gần như tối nào bọn hắn cũng có mặt ở nhà ông ta để nghe nhạc qua dàn máy Akai và nghe mọi chuyện về Huế dưới các chính quyền cũ. Mùa xuân năm 1968 ông Kim cũng ở lại Huế một mình để đón quân giải phóng; lần này ông cũng ở lại Huế cùng với người con trai lớn để đón những người kháng chiến trở về, lần này chắc là các anh sẽ ở lại đây mãi mãi, Mỹ đã bỏ thì miền Nam phải thuộc về cách mạng rồi, ông ta nói chắc chắn thế. Rồi bọn hắn cũng gặp các nhà sư ở Huế, là các nhân vật nổi tiếng một thời, góp phần làm sụp đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm trong vụ án Phật giáo cuối năm 1963. Những ông sư trí thức rất ham làm chính trị, rất muốn có phần quyền lực của nhà chùa trong chính quyền mới. Và các em sinh viên của nhiều trường đại học, rất trẻ trung, rất nồng nhiệt tham gia các công việc xã hội trong những ngày đầu của một thành phố vừa được giải phóng. Họ ăn mặc đẹp, gương mặt cũng đẹp, cử chỉ thanh lịch, cười nói thơ ngây như một biểu tượng của hy vọng về một nước Việt Nam thống nhất trong vận hội mới. Ngắm nhìn họ trong mấy ngày cùng lao động để làm sạch đẹp thành phố và cùng gìn giữ trật tự với lực lượng cảnh vệ của quân đội, hắn đã thoáng linh cảm hình như thế hệ của bọn hắn đã hoàn thành tốt đẹp sứ mạng của mình, từ nay về sau sẽ là công việc của một lớp người khác, có cách sống và cách nghĩ khác, vẫn tiếp nối những tinh hoa của cha anh nhưng họ sẽ khẳng định mình bằng những tiêu chuẩn giá trị không hoàn toàn giống với bây giờ. Rồi hắn lại nghĩ tiếp, vậy sắp tới hắn sẽ phải viết như thế nào, bạn đọc chủ yếu của hắn sẽ là những ai, chuyện nông thôn và chuyện bộ đội, các đề tài ruột của hắn sẽ có ý nghĩa gì trong cơ cấu xã hội những chục năm tới. Hắn tự đánh giá hắn chỉ là một tài năng do thời thế tạo nên chứ không phải do trời đất tạo nên, nên không thể tiên đoán những gì chưa xảy đến. Những ý tưởng hay, độc đáo của hắn đều từ những từng trải, những chiêm nghiệm của chính cuộc đời hắn mà có chứ không từ những lời phán truyền huyền bí nào mà có. Vậy thì hãy để sự từng trải mới của hắn sẽ chỉ vẽ cho hắn phải viết cái gì, viết như thế nào để những người trẻ tuổi của hôm nay vẫn là bạn đọc của hắn, vẫn mong chờ hắn, và vẫn tìm được cái họ cần trong những trang văn của hắn. Trước ngày lên đường vào mặt trận Quảng Ðà trong cuộc hành quân dài mà mục tiêu cuối cùng là Sài Gòn, bọn hắn đã được một vị trong hoàng tộc nhưng có quan hệ với kháng chiến từ nhiều năm trước tổ chức cho các văn nghệ sĩ trong quân đội được đến chào bà Từ cung. Bọn hắn xin được gặp Ngài buổi sáng, nhưng các buổi sáng là giờ niệm Phật của Ngài, nên bọn họ sẽ được tiếp vào giờ gần trưa. Năm ấy bà Từ cung đã ở khoảng tuổi trong ngoài chín mươi, người thấp nhỏ, tóc búi rất thưa nhưng mới lốm đốm bạc, mặc cái áo dài hàng tơ nhuộm đen như các bà già ở Huế, đi hài, buớc đi rất nhẹ như lướt trên nền gạch. Ngài chỉ tay cho bọn hắn ngồi hai hàng ghế dựa, sơn son thếp vàng, còn Ngài ngồi vào ghế giữa cạnh cái bàn nhỏ. Hắn ngồi bên tay trái Ngài, nhìn thành kính một nhân vật đã chứng kiến bao nhiêu biến động của lịch sử trong gần một thế kỷ ở những cơ quan quyền lực cao nhất, mà vẫn còn sống, một người đàn bà quyền uy còn sót lại của vương triều Nguyễn, người đại diện cuối cùng cho một lối sống, cho những quan niệm và vô vàn các mối quan hệ thức tạp của các vương triều phong kiến đã vĩnh viễn thuộc về lịch sử. Hắn nhìn bà lão đầy vẻ ngưỡng mộ, bà lão cũng nhìn lại hắn một lúc lâu, ánh mắt rất trẻ, rất vui, giống hệt cái cảnh bà cháu gặp nhau sau nhiều năm xa cách. Bà cụ nói: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp rất quý tôi, năm 1945 con tôi ( [1] ) có được mời ra Hà Nội làm việc với Ông. Ông có gửi thư thăm hỏi tôi và những người trong hoàng tộc". Thoạt nghe một bà cụ gọi lãnh tụ của mình là Hồ Chí Minh, hắn cũng phật ý vì chưa từng nghe ai gọi trống không thế, ngoại trừ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Nhưng đây là các nhân vật lịch sử nói về nhau, họ có cùng một đẳng cấp, lại sinh cùng thời, một người đại diện chính quyền phong kiến đã kết thúc về mặt lịch sử, một người là đại diện cho chính quyền dân chủ vừa mới bắt đầu. Rồi Ngài lại nắm một bàn tay hắn, dẫn hắn tới trước một khung hình mạ vàng, có hình một người đàn bà rất đẹp, mặc triều phục ngồi trên ngai vàng: "Con có biết ai đây không?" Hắn định buột nói: "Nam Phương hoàng hậu!", thì bà cụ đã nói ngay: "Là ta đấy, cũng là một người đàn bà, lúc trẻ thì đẹp rứa về già lại xấu rứa!". Ôi, bà ngoại! Chín chục tuổi đầu mà vẫn biết nói những câu rất hóm của người còn trẻ. Ngài lại nói: "Khi chiến sự lan rộng, Nguyễn Văn Thiệu đã cho máy bay riêng đón tôi vô Sài Gòn. Nhưng tôi không đi, tôi là người con dâu cuối cùng của triều Nguyễn, sớm tối phải chầu hầu liệt Thánh, còn đi mô!" Rồi Ngài nhìn hắn cười rất hồn nhiên. Những ngày tháng còn lại bà cụ chỉ sống với những người đã chết, một vương triều đã chết. Bà vẫn ngồi trước mặt hắn nhưng chỉ một câu nói bà đã lùi dần khỏi tầm nhìn của hắn, lùi mãi vào cái quá khứ đã xa thăm thẳm.


28.

Sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, hắn và các bạn đồng nghiệp của nhiều cơ quan báo chí của Hà Nội và Ðà Nẵng theo đường số 1 vào thẳng thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng trưa ngày 30 tháng 4. Trong khoảng hai chục năm hắn đã được bước vào hai thành phố lớn sau ngày được giải phóng. Một lần vào Hà Nội sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, và lần sau vào Sài Gòn sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày vào Hà Nội hắn tìm mẹ và em theo địa chỉ cũ hắn được biết nhưng không gặp, chủ nhà mới dọn đến cũng không biết họ đã đi đâu. Hắn đến thị xã Hà Ðông lấy một số tài liệu rồi trở lại quân khu đóng ở thị xã Phủ Lý lòng tràn ngập buồn bã, thất vọng. Phải một tháng sau hắn mới nhận được tin chính thức qua người bạn cùng toà báo là hoạ sĩ Phan Bá Thọ, lúc này đã về Tổng cục Chính trị để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lớn nhân ngày thành lập quân đội vào tháng 12 năm 1954. Lần này vào Sài Gòn hắn vẫn chưa biết rõ bố hắn và bà mẹ già còn sống hay đã mất, còn ở Sài Gòn hay đã theo con cháu chạy ra nước ngoài trong những ngày hỗn loạn vào giữa tháng Tư. Nhưng hắn vẫn tìm vì vẫn có một chút hy vọng mơ hồ rằng họ vẫn còn sống, còn ở lại Sài Gòn và bố con hắn sẽ được gặp lại nhau.

Trong một buổi tối gặp gỡ tình cờ giữa mấy anh em viết văn ngoài Hà Nội với mấy anh viết văn của Sài Gòn, theo hắn nhớ có vợ chồng nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Mai Thảo tới tìm gặp nhà thơ Xuân Thiêm, hình như họ có thời cùng học ở trường Ðỗ Hữu Vị, nhà văn Lưu Nghi tới tìm gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng... hắn có hỏi dò địa chỉ những người thuộc giới quan lại miền Bắc di tản vào miền Nam cuối năm 1964. Nhà văn thời bây giờ có thể có quan hệ xa gần với những người làm nghề tự do, hoặc giới doanh nhân, giới sĩ quan chứ ít ai biết tới giới quan lại. Các ông quan của chính phủ Nam triều do Pháp bảo hộ đã thuộc về một thời xa xưa lắm rồi. Hắn đã thất vọng, bỗng dưng một hôm nhạc sĩ Huy Du rủ hắn cùng đi thăm một ông bác họ cũng thuộc giới quan lại ngoài Bắc thời trước gọi là cụ phủ Trước. Thế là hắn đi ngay, hắn rất tin là ông cụ Trước có biết bố hắn nhưng lại sợ ông ấy thốt ra: "À, tôi biết, nhưng ông ấy mất rồi, mới mất..." Hắn mong mỏi được gặp lại bố và mẹ già còn khoẻ mạnh, còn tỉnh táo chỉ để thoả mãn một khao khát rất tầm thường, rất xoàng xĩnh là "được mặc áo gấm về làng". Áo mặc cũng chưa phải gấm võ gì, chỉ là áo lính thôi nhưng là người tử tế, có vợ con, có nghề nghiệp đàng hoàng, không đến nỗi mẹ đã là phường "mèo mả gà đồng" (như mẹ già đã mắng thẳng mặt mẹ hắn như thế) thì con cái không là quân lưu manh cũng phường trộm cướp chứ làm sao có số phận khác được! Không ngờ ông cụ Trước vừa nghe hắn nói xong liền cười ngay: "Còn sống, cả hai ông bà đều còn sống, chắc là chưa đi đâu đâu, đã già rồi còn đi đâu nữa. Nhưng tôi không nhớ phố, cũng không biết số nhà, để xem nào, anh nên đến nhả bà Ðại, bà này là cháu gọi ông cụ nhà anh là cậu. Nhà bà này ở..." Hắn ngồi nhờ xe hơi của nhà văn Nguyễn Chí Trung đến ngay nhà cái bà Ðại nào đó. Nhưng bà ấy không có nhà, chỉ có một ông chồng đã ngoài bảy chục tuổi với hai cô gái giúp việc, nhìn thấy hai ông lính Việt Cộng sầm sầm bước vào căn hộ thì sợ lắm, sợ đến không nói được. Mãi một lúc sau ông già mới bảo: "Bà nhà tôi không có nhà, có chuyện gì cần xin mời hai ông khoảng gần trưa quay lại". Hắn phải nói ngay hắn là ai, tới nhờ bà nhà giúp việc gì, toàn việc vui cả, việc trong nhà cả, không có gì khiến ông bà phải lo lắng. Nét mặt ông lão như giãn ra, ông đã hơi cười: "Ông cụ bên nhà mấy bữa nay người gày rộc hẳn vì có bao nhiêu tin đồn, nghe hãi lắm. Vậy ông là... sao không nghe ông cụ nói bao giờ...". Rồi ông nói nhà bố hắn chỉ cách chung cư này có một dãy phố, đường Quý Cáp, số nhà xanh căng xanh (55). Xuống các bậc thang của toà nhà chung cư đầu gối hắn như nhũn ra, hắn xúc động thật sự, giận thì vẫn giận nhưng vẫn thương, vẫn là cha con xa cách nhau còn kém một năm là vừa tròn ba chục năm mới được gặp lại. Lần gặp sau cùng vào tháng 6 năm 1946, ngày ấy mẹ con hắn đang ở nhờ nhà ông chú họ bên bố, trong cái ngõ cụt gọi là ngõ Yên Bái bây giờ, qua dãy tường chắn ngang trước nhà là khu nghĩa địa Tây, nay là khu nhà tập thể Nguyễn Công Trứ. Hắn nằm quay mặt vào tường, đắp cái vỏ chăn mỏng, tiếng người bố thầm thì những gì dài dòng lắm, có vẻ khó nói lắm, còn mẹ hắn không nói gì cả, chỉ khóc thôi, khóc cũng rất nhỏ. Rồi nghe bố hắn nói: "Tôi bây giờ cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Chả giúp gì được mấy mẹ con đâu. Người ta sống được thì mình cũng sống được". Rồi nghe tiếng giày của ông bước ra cửa, hắn quay người lại còn thoáng nhìn thấy bố đã bước ra đến giữa vuông sân, lưng rất thẳng, tóc rất đen, mảng gáy rất trắng, vẫn là một người đàn ông còn trẻ, mới 46 tuổi chứ mấy. Hắn nhìn mẹ hắn, bà vẫn ngồi lặng lẽ một chỗ, cũng không ngoái đầu nhìn theo người đàn ông đã từng làm bà vui, bà buồn, đã cùng bà chống đỡ những cơn ghen tuông của người vợ cả gần hai chục năm, nay đã biến đổi tâm tính, vứt bỏ ba mẹ con bà một cách lạnh lùng vì thời cuộc đổi thay, từ nay họ sống hay họ chết ông không cần quan tâm tới nữa. Cái gia đình thêm này chỉ là kết quả của những năm tháng dại dột, dư thừa của thời trai trẻ, bỏ đi cũng chả có gì phải ân hận, phải hối tiếc. Và bây giờ, sau ba chục năm cách mạng, chiến tranh, đất nước chia dôi, gia đình phân ly nay tiếng súng đã tắt, khói lửa chiến tranh cũng đã tắt, tất cả lại hợp dần lại làm một, Nam Bắc, cha con, anh em, cả vợ chồng nữa, như một chuyện thần tiên, một chuyện trong mơ mộng, một chuyện không thể có thật mà hoá ra lại là thật, thật đến từng ngày, thật ngay lúc này, hắn vẫn còn sống và sắp gặp lại những người đã đuổi hắn đi. Hắn trở lại không phải là một kẻ khố rách áo ôm dẫn một lũ người rách rưới là vợ con hắn đến gõ cửa một gia đình quyền quý xin tiền, xin ăn, xin ân huệ mà là một nhà báo, một nhà văn của phe cách mạng, phe chiến thắng, của đội quân chiến thắng tới gặp một gia đình hắn đã từng là một thành viên bất đắc dĩ. Nhà của bố hắn là nhà trệt, mặt nhà hẹp, có một vuông sân nhỏ làm vườn, nhà của giới viên chức nhỏ được nhà nước cho thuê, hẳn thế. Hắn kéo chuông, cửa nhà trong mở và bà mẹ già của hắn mang kính râm như người đang đau mắt bước ra. Vẫn là gương mặt quen thuộc rất hiền của những người đàn bà xưa, tóc vấn khăn vẫn đen chỉ hơi lốm đốm bạc phía trước trán, dáng di chậm chạp, đứng trong cánh cửa phần trên có chấn song sắt, hỏi ra: "Ai hỏi gì thế?" Hắn nói nhỏ: "Thưa mợ con là K. đây!" Bà cụ như sững sờ khoảng vài giây rồi tươi ngay nét mặt: "K. hả? Cả nhà mong con mãi". Thế là bao nhiêu oán thù ti tiện của kẻ mới làm nên với bố mình, với mẹ già mình trong phút chốc mất sạch, chỉ còn thương thôi, còn mừng thôi, mừng bố mẹ vẫn còn sống, mình vẫn còn sống để có ngày được gặp lại nhau. Nhưng ông cụ đi vắng, bà cụ nói: "Cậu đi cắt tóc, tự dưng ông lão chống gậy bảo đi cắt tóc, đầu ngứa quá". Hàm răng đen của bà vẫn đều, chưa rụng cái nào, năm nay bà vừa tròn bảy mươi, mẹ hắn bảy mươi mốt, bà thứ nhất hơn bà chính thất một tuổi, lại xấu hơn, lại đã có một đời chồng mà sao ông già lại mê được nhỉ? Cũng là duyên số thế nào! Hắn ngồi chờ một lúc thấy mặt bà cụ tuy tươi tuy mừng nhưng vẫn thoáng có cái ngượng, cái lo, nó tuy là con cái trong nhà nhưng lại là một thằng Việt Cộng, tức là một thằng cộng sản, là cái quân thâm hiểm, đã nghĩ không bao giờ phải gặp lại mặt nó như âm dương đôi ngả, bỗng chốc nó lại lù lù hiện ra ngay ở cổng nhà! Hai mẹ con ngồi đối mặt nhau nhưng không phải là mẹ ruột với con ruột, ngoài vài lời thăm hỏi cũng chả biết nên nói với nhau những gì thêm nữa, vì một người muốn giấu và một người cũng chưa dám nói. Ví như phải hỏi các anh chị hiện giờ ở đâu, đã có gia đình riêng chưa, họ làm những nghề gì, còn ở Sài Gòn hay đã đi di tản. Cũng còn phải hỏi hiện nay bố mẹ ở với ai, các cụ sống bằng nguồn tiền nào. Thời thế thay đổi thì sẽ sống ra sao. Mẹ con không nói những chuyện cần nói ấy thì còn biết nói gì. Cái năm hắn về Hà Nội để tìm mẹ và em sau ngày giải phóng thủ đô, phải tìm đến lần thứ hai hắn mới biết mẹ đang sống với gia đình người cháu gọi bà là cô ruột. Anh ấy là y sĩ của chế độ cũ. Bà cũng không có nhà, cũng phải ngồi chờ vì bà hàng ngày phải đi bán trầu vỏ ở cùng một dãy phố. Ðã cho người đi gọi bà về nhưng hắn sốt ruột quá lại chạy ra ngoài ngóng, cũng lo lắng, hồi hộp không biết sau năm năm xa cách mẹ hắn có thay đổi gì nhiều không. Một lát sau hắn nhìn thấy bà cụ gánh đôi xảo từ xa đi lại, nhìn dáng người bước lểu đểu hắn nhận ngay ra mẹ, liền chạy ào lại, kêu to: "Mợ!" Bà cụ đứng sững lại, hất nón nhìn người gọi, nhận ra con, thế là nước mắt tràn ra chan chứa. Chả nói được câu nào cả. Hắn bước đi bên cạnh mẹ cũng chỉ hỏi được một câu: "Mợ vẫn khoẻ chứ? " - "Vẫn khoẻ, năm ngoái bị bệnh thương hàn đã tưởng chết". Mẹ con chỉ nói với nhau được có thế nhưng vẫn là nói rất nhiều bằng cái im lặng và những bước đi im lặng bên nhau. Về đến nhà mẹ hắn lại một câu thứ hai: "Thằng Toàn năm nay 19 rồi, nó cao cũng gần bằng anh mà gày lắm. làm sư bác ở chùa Hoè Nhai". Hắn nói: "Bán hàng thế này có đủ ăn không?" - "Ăn thì đủ nhưng lúc ốm đau thì lo lắm, cháu chứ có phải con đâu mà nhờ vả mãi được". Chả có câu nào mẹ nhớ con, mẹ mong đợi con, con về mẹ mừng lắm. Hắn cũng thế, chả nói được câu nào tình cảm như hắn vẫn nghĩ về mẹ trong năm năm xa mẹ.

Hắn ngồi chờ bố nghĩ ngợi mung lung một lúc lâu rồi xin phép về hẹn chiều sẽ quay lại. Bà mẹ già đứng lên tiễn, cũng không bảo ở lại ăn bữa cơm trưa đoàn tụ, không nói gì cả cứ như người cùng ở một thành phố lâu lâu lại thăm nhau để biết tin tức. Cũng có nhiều chuyện để nói nhưng không thể nói, đã biết hắn là người thế nào mà nói. Khoảng ba giờ chiều hắn quay lại, người ra mở cửa chính là bố hắn, vẫn nhận ra ngay nhưng đã lạ lắm, người gày tóp, tóc bạc trắng, bước di lom khom. Hai cha con cùng bước vào nhà lặng lẽ. Ông cụ nhìn hắn nói đi nói lại một câu như chả có chuyện gì quan trọng hơn để nói: "Không thể nào nhận ra anh, anh khác quá". Hắn cười mỉm: "Con năm nay bằng tuổi cậu lúc con về Nam Ðịnh". Bố hắn sinh năm Canh Tý, 1990, hắn sinh năm Canh Ngọ, 1930, năm 1945 bố hắn 45 tuổi, năm 1975 hắn cũng đã 45 tuỏi. Hai cha con, hai thời thế, hai số phận. Bố hắn lại nói: "Cái năm ấy chẳng qua là do hoàn cảnh...". Lời nói cứ nhẹ như không. Hắn nói liền: "Cậu mợ chả nên nhắc lại chuyện cũ làm gì. Ðược gặp lại cậu mợ là con rất mừng". Hắn đã nói rất thật lòng, cha con được gặp lại nhau sau mấy chục năm sóng gió đổi thay mới là chuyện lớn, chuyện quan trọng còn những oán giận một thời chỉ là chuyện nhỏ nhoi, vô nghĩa. Lúc chia tay bố hắn cũng không giữ lại ăn cơm, cũng không hẹn một bữa nào đó quay lại cùng ăn với gia đình một bữa cơm. Ðúng là họ đang có một chuyện gì đó rất khó nói, có thể nói với mọi người cùng cảnh ngộ nhưng không thể nói với đứa con đang ở phía bên kia. Và rất nhiều chuyện nửa vui nửa buồn sau đó mà hắn là nhân vật chính. Hắn đã rất chủ dộng và cũng biết điều trong mọi mối quan hệ, có nghĩa là người chiến thắng vẫn khiêm tốn, vẫn là đứa con của gia đình, đứa em của dòng họ, thưa gửi với mọi người kể cả với người làm ở các gia đình anh chị vì họ đều đã lớn tuổi. Hắn vừa trò chuyện vừa quan sát, và trong khi trò chuyện hắn luôn đặt mình là người đối thoại để không làm họ phật lòng, không làm họ buồn thêm và không giở giọng tuyên truyền chính trị bao giờ. Hắn quan niệm những việc đang diễn ra mỗi ngày, mọi người đều nhìn thấy, đều nghe thấy, là một thực tế có sức lay chuyển nhiều tín điều trước đây của họ. Một ông anh là thượng sĩ của chính quyền Sài Gòn, một người có những hai bằng tiến sĩ, hỏi hắn: "Tại sao lại có thể thế?", hắn trả lời rát nhũn nhặn: " Anh biết nhiều hơn em, nhưng nó đã là thế tất phải có những nguyên do rất xác đáng để nó trở thành như thế, phải tìm hiểu nó chứ không thể không chấp nhận nó". Chuyện nhà của hắn lại lồng trong chuyện nước ở vào một thời điểm lịch sử của dân tộc, mọi sự việc diễn ra trong tháng 5 năm 1975 đối với riêng hắn cứ như trong một kịch bản sân khấu theo cách viết cổ điển, lại thấm đẫm tính lãng mạn, hơi suớt mướt một chút, hơi "cải lương" một chút, cha con gặp nhau, Nam Bắc gặp nhau, quân xâm lược phải ra đi, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập hoàn toàn, thống nhất được quốc gia sau hơn một thế kỷ nằm gai nếm mật. Quá đẹp như trong sự tưởng tượng của một tài năng văn chương hơi tầm thường, hơi đơn giản.

Hắn viết kịch Cách mạng như chép lại vở kịch của chính đời hắn. Chỉ khác là hắn loại hết mọi cảnh sướt mướt gặp gỡ, thăm hỏi, kể lể mà đưa ngay ông bố vào một tình huống hết sức khó chịu: trong những thành đạt của đứa con ông đã có phần công lao nào trong đó; ông có dám viết thư xin lỗi mẹ hắn hiện vẫn còn sống và đang ở Hà Nội? Hắn đã buộc ông phải đối mặt với chính mình, tự vấn mình và thú lỗi với khán giả. Hắn đã buộc các chính khách khôn ngoan của Sài Gòn phải trả lời những câu hỏi của một đại uý đội quân thất trận về thời thế, về thắng bại và cả về nhân cách của những người cầm đầu một quốc gia khi phải lựa chọn giữa quyền lợi của cá nhân và tính cách mạng, tài sản của dân chúng mà họ có trách nhiệm phải bảo vệ. Các nhân vật trong vở kịch buộc phải tranh cãi nhau, tố cáo nhau và nói hết những điều đã lâu họ rất muốn nói nhưng chưa có dịp để nói. Những lời nó tự bào chữa mà lại hoá ra tự buộc tội, đã từ lâu chỉ là lời nói thầm, nói với chính mình chứ chưa dám nói với ai này buộc phải nói công khai, nói không úp mở mà không có mặt một thằng Việt Cộng nào đứng đó gây áp lực cả. Việt, nhân vật gây sóng gió trong một gia đình, một dòng họ không xuất hiện một lần nào trên sân khấu, hắn chỉ hiện diện qua lời đối thoại của những người khác, màn kéo lên lại nghe nói hắn mới ở đây và chỉ vừa đi khỏi. Và các cuộc tranh luận vắng mặt hắn mới thực sự bắt đầu. Tất nhiên sự thắng bại trong cuộc sống không dễ dàng, rành rọt như trên sân khấu. Sau những ngày lãng mạn (cũng chỉ có một chút thôi) của cuộc trùng phùng cha con (hoàn toàn không mong đợi), ấy là diễn giải một cách văn chương, chỉ còn là sự tính toán tầm thường, thì vào cái lúc hỗn loạn có được một đứa con ở phe chiến thắng cũng là điều hay. Nhưng khi thời thế đã phân định rõ ràng, những tin đồn nhảm thưa dần đi, những cái lo sợ vô lý cũng nhạt dần đi thì sự có mặt của hắn chẳng những không cần thiết mà còn gây phiền phức vì cứ buộc phải nghĩ lại nhiều chuyện không muốn nhớ. Hắn càng ăn ở tử tế lại càng khó chịu, hắn được họ hàng tiếp đón như một thành viên chính thức của họ tộc, một thành viên sang trọng, hắn có mặt ở đâu là họ chỉ ngồi quây quanh hắn, trò chuyện với hắn và quên luôn các người con của bà chính thất, thì có thể nói tức đến ứa máu, đến ngạt thở. Năm 1976 hắn ra vào Sài Gòn đến vài lượt, lần nào vào hắn cũng đều có quà biếu bố mẹ, nhưng cái nhìn của ông bố cứ gườm gườm, ông có thể ngồi trước mặt hắn cả giờ mà không hề mở miệng, còn bà mẹ già thì cười rất nhạt, cái cười ớn rợn như của thuở nào. Thì ra họ chẳng thay đổi tí gì, vẫn còn nguyên vẹn cái ghét cái căm của ngày xưa, còn hơn cả ngày xưa. Tại sao thế nhỉ? Về sau hắn mới hiểu, người ta có thể tha thứ cho kẻ đã làm nhục mình chứ không thể tha thứ cho kẻ đã làm mình phải xấu hổ. Tha thứ cho những người đã từng làm nhục mình cũng là một khoái cảm của người thành đạt. Còn với kẻ đã làm mình phải xấu hổ thì tự giải thoát bằng cách nào? Phải bỏ hẳn cái mặc cảm là mình đã bị thua! Người ta có thể nhận là đã thua với người ngoài (cũng khó đấy!) nhưng không bao giờ dám nhận là thua với người trong gia đình. Thua ngay ở chỗ trốn nấp cuối cùng là thua hoàn toàn, thua triệt để, dẫu là thua với một đứa con!

Vợ hắn cũng thế. Cô ta có thể nhẫn nhịn chồng lúc còn trẻ vì họ vẫn bình đẳng trong trách nhiệm, trong kiến tạo một gia đình, anh kiếm ra tiền, anh có danh vọng nhưng tôi lại sinh cho anh những đứa con và chăm sóc nuôi dạy chúng khôn lớn. Anh có công tôi cũng có công, chả ai sống bám vào ai cả. Lúc trẻ hắn cũng đã nói với vợ nhiều câu rất tệ nhưng vợ hắn không để ý, không có mặc cảm thua kém chồng nên không chấp những câu nói thiếu cân nhắc của chồng. Hắn là người đọc sách, lại làm nghề của chữ nghĩa nhưng sống với vợ con giống hệt một người lao động làm nghề nặng nhọc, ăn to nói lớn, cười đùa rổn rảng, cáu gắt om xòm, sống quá hồn nhiên gần như tự nhiên đã để lại nhiều di chứng xấu cho con cái. Và vợ chồng hắn cãi nhau cũng giống hệt những gia đình bình dân, cãi nhau lúc sáng đến chiều đã làm lành, cãi nhau lúc tối đêm đến lại lăn vào nhau như chẳng có chuyện gì đã xảy ra. Nhưng về già thì phải sống khác, phải sống bằng những lề luật dã thành nếp nhà mới giữ được sự tôn nghiêm trước con cháu. Phải có nghệ thuật sống già. Ví như người già không nên nói to, cười to, không nên cáu gắt, la lối, khuyên bảo nhẹ nhàng thì được nhưng ra lệnh một cách nghiêm khắc là rất không nên, giới thiệu kinh nghiệm thì tốt nhưng khẳng định kinh nghiệm thì nên tránh. Có nhiều việc nên im lặng, nên lờ đi thì tốt hơn là biết, còn đã biết thì phải chọn người, chọn lúc để nói, có việc nói với con trai nhưng có việc chỉ nên nói với con dâu, có việc nên để vợ nói, lại có việc phải chính mình nói. Có khi nhờ đứa cháu nói lại tốt hơn chính ông bà nói. Ðều có luật cả. Luật vẫn thay đổi theo thời nhưng sự tôn nghiêm của những người già trong một gia đình thì xưa là thế nay vẫn là thế. Tóm lại về già phải sống bằng văn hoá chứ không thể sống bằng bản năng. Hắn rất sợ lời tán tụng: "người già mà tính trẻ". Thế là ra quái rồi, là nên lo chứ còn mừng nỗi gì!

Vợ chồng hắn về già không phải lo tiền bạc, không phải lo con cái, thế là sướng lắm, mà lại hoá ra có nhiều phiền muộn, vì giữa họ chưa tìm ra được một cách sống hợp lý của tuổi già. Cả hai đều lớn lên trong thời cách mạng và chiến tranh, của các cuộc cải cách xã hội, của sự đối nghịch giữa cách sống phong kiến, tư sản và cách sống xã hội chủ nghĩa, nói cho thật, cũng chả ai biết cái xấu, xấu như thế nào, cái tốt, tốt như thế nào, và gia đình mình phải sống như thế nào. Ðại khái sống có quá nhiều phép tắc, nhiều lễ nghi là cách sống của phong kiến, tư sản, sống hồn nhiên, giản dị, dễ dãi, có phần tuỳ tiện là cách sống của người vô sản. Những tiêu chuẩn giá trị mới chưa thành phong cách sống của một quốc gia, là nếp sống của mỗi gia đình, ở nơi công cộng thì sống và nói một cách khác, ở nhà sống với vợ con lại sống và nói một cách khác. Trong lề lối làm việc ở các cơ quan nhà nước lúc họp bàn, ra nghị quyết thì rất đàng hoàng, rất dân chủ nhưng trong quan hệ với dân, với nhau thì lại thiếu dân chủ và rất phong kiến. Người sống ngay thẳng, thật thà ngày một hiếm, người sống mưu mẹo, dối trá ngày một nhiều, con dối cha, vợ dối chồng, trò dối thầy, cấp dưới dối cấp trên, dân chúng dối nhà nước và ngược lại. Trong chiến tranh mọi người đều sống vì nghĩa lớn, đức hy sinh trở thành tính cách bao trùm của một dân tộc, mọi tham vọng cá nhân nhất thời bị loại bỏ, sống nay chết mai thì lúc sống phải cho đàng hoàng, lúc chết phải cho oanh liệt. Vào những năm ấy đã có một vị lão thành cách mạng trong một lúc cảm khái đã phải thốt lên: "Con người thời cộng sản chủ nghĩa cũng chỉ mong được như thế này". Và một vị khác cũng nói: "Ra ngõ gặp anh hùng!" Thời sau người ta hay đem những câu nói rất chân thật của một thời thành chuyện khôi hài lúc trà dư tửu hậu là rất nhầm. Cũng như lấy cái thật của một thời khái quát thành cái thật của mọi thời lại càng nhầm.

Nhiều năm trước hắn đã nghĩ, thời trẻ vất vả, thiếu thốn vẫn chịu được chỉ mong về già đời sống dư dật, con cái trưởng thành, được an nhàn tí chút là đã có phúc lắm. Về già hắn được sống đầy đủ hơn thời trẻ nhiều, hầu như không có gì phải lo mà hoá ra cuộc sống gia đình lại ngột ngạt hơn cả những năm còn trẻ. Có lúc hắn đã nghĩ đến cái chết để thoát khỏi cảnh ngộ nửa khóc nửa cười này. Với hắn là một tai hoạ bất thần ập xuống, không thể tính trước, không thể ngờ tới nhưng nghĩ cho kỹ, một gia đình sống tuỳ tiện, sống không có kỷ cương làm sao tránh được bi kịch lúc đã về già. Lấy ngay cái gia tộc của hắn làm một ví dụ: Ông nội hắn có những bốn bà vợ, bốn dòng con mà những đứa con của các dòng thứ vẫn rất hiếu kính với mẹ già, anh em một đời chăm sóc lẫn nhau và cả con cháu của nhau. Ðó là cách sống của các danh gia vọng tộc nên sự hoà thuận của anh em con cháu còn giữ mãi cho đến tận bây giờ, sau gần một trăm năm. Bà mẹ già của hắn xuất thân tầm thường, gặp may mà vào được nhà quan, lấy được chồng quan nên không biết cách ứng xử cho đúng với sự tôn nghiêm của một dòng họ, sinh ra ghen tuông, sinh ra hận thù, không chỉ hại đời mình mà còn hại cả đời con đời cháu. Cũng là một gia đình không tạo được gia pháp gia phong, nên chưa được một đời mà cả phúc lẫn lộc đều cạn kiệt, con cháu ly tán không kết tụ thành một tộc hệ, vinh dự cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia.


29.

Từ năm 1980 tới 1988 hắn viết được năm cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn chỉ khoảng dưới 200 trang: Gặp gỡ cuối năm - Thời gian của người - Ðiều tra về một cái chết - Vòng sóng đến vô cùng - Một cõi nhân gian bé tí. Và cả năm cuốn đều đọc được cả, đều được hắn chọn đưa vào Tuyển tập tiểu thuyết in năm 2001. Có thể nói cả năm cuốn sách đó đều do phần đất phía Nam của tổ quốc ban tặng cho hắn. Cho hắn đề tài, cho hắn ý tưởng, cho hắn nhân vật và bao trùm là tư tưởng dân chủ của một miền đất đã thoát khỏi tư tưởng phong kiến từ lâu. Mỗi nhân vật là một phát hiện, một kinh ngạc đối với hắn, vì hắn chưa từng biết, chưa từng gặp. Ngay đến những người thân thuộc trong gia đình cũng mỗi người mỗi vẻ và người nào đối với hắn cũng đều quan trọng, đều hấp dẫn trong sự tìm hiểu mãi mãi của hắn về lai lịch của con người. Hắn gặp Quân vào những ngày đầu tiên của Sài Gòn vừa giải phóng tại gia đình, rồi gặp anh ở quán cà phê với bạn bè, gặp anh lang thang ở khu chợ bán chó, bán cây kiểng, rồi gặp anh ở Hà Nội tại một cơ quan hết sức quan trọng như là một chuyện không thể có thật, mà hoá ra có thật. Nhận được ra một nhân vật có thể chuyển tải được ý tưởng của mình là đã tìm đuợc việc làm cho những ngày sắp tới. Còn nhận được ra nhân vật của mình trong môi trường hoạt động quen thuộc của họ tức là cuốn sách đã được viết non nửa. Hắn đã gặp ông Hai Riềng tại khu vườn ươm của nông trường cao su Dầu Tiếng, gặp chị Ba Huệ tại văn phòng huyện uỷ huyện Thống Nhất tỉnh Ðồng Nai, gặp linh mục Vĩnh tại nhà thờ chánh toà của Sài Gòn, gặp anh Mười tại xã Ðốc Binh Kiều của tỉnh Ðồng Tháp, và gặp các nhân vật "phản loạn" muốn cải tạo giáo hội Cao Ðài cho phù hợp với vận hội mới ngay tại vùng đất của toà thánh Tây Ninh. Mỗi người trong bọn họ lại kéo theo hàng loạt bạn bè, người thân, kẻ thù chìm nổi trong sóng gió của chiến tranh trong suốt ba chục năm, người đã lạ, chuyện đời của họ lại càng lạ, hắn nghe họ kể ngày này qua tháng khác, đi về cả năm cái nơi hắn sẽ viết mới dần dần nhập vào hồn cốt những mẫu người rồi ra sẽ là các nhân vật văn học trong cái thế giới tiểu thuyết của hắn. Cũng rất may các nhân vật ấy đều là người cùng thời với hắn, dẫu nghề nghiệp khác nhau, cảnh ngộ khác nhau, số phận khác nhau nhưng vẫn hiểu nhau hoàn toàn, lấy chính mình mà hiểu họ, lấy sự từng trải của mình hoà lẫn với sự từng trải của họ, nhưng hồn cốt là của hắn, lắm lúc chính hắn cũng không phân biệt được trong một nhân vật phần nào là của người, phần nào là của hắn. Thông thường câu chuyện là của đời, giọng kể là của hắn, hắn đến với bạn đọc chủ yếu là nhờ vào cái giọng kể, nó là từng trải, là nỗi niềm, là tâm sự, là cái vui và cả nhiều cái buồn suốt một đời của hắn. Giọng kể chính là cái hồn của hắn đã nhập vào chữ nghĩa, nhịp điệu để được đi sóng đôi với bạn đọc cho đến trang cuối cùng của cuốn sách. Tất nhiên chỉ ở những cuốn sách hay mới có giọng kể, còn ở những cuốn sách dở thì giọng kể quen thuộc đã biến mất chỉ còn lại một kẻ thuật chuyện vô danh và vô duyên thôi. Theo hắn năm cuốn sách viết trong những năm 80 đều có giọng kể riêng cả.

Trong tám năm hắn viết năm cuốn sách, lại đã ở vào quãng tuổi ngoài 50 xấp xỉ 60, viết như thế là khoẻ, sức viết có thể sánh ngang với vài vị nhà văn tiền bối, nhưng lại là những năm hắn và vợ con phải sống túng thiếu nhất, vất vả nhất. Tiền nhuận bút không thay đổi nhưng cuộc sống của người cầm bút đã thay đổi trong sự di chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài Bắc lương chồng đại tá, lương vợ thiếu tá đã là một gia đình vào bậc trung lưu trở lên, chưa kể còn có tiền nhuận bút thêm vào. Ở thành phố Hồ Chí Minh ăn vẫn theo chế độ bao cấp nhưng tiêu thì chả ai bao cho, mà cái tiêu ở một thành phố lớn thì vô chừng, vài lần đóng góp giỗ tết, ma chay, cưới xin là coi như hết nhẵn. Năm ấy viên chức nhà nước, sĩ quan quân đội không phải trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước nên mới có "phong trào" ăn cắp điện làm nước đá bán cho các quán giải khát. Một tủ làm đá giá tiền khoảng hai chỉ vàng, có nhà hàng xóm có ba tủ, hai lớn một nhỏ. Năm vào Sài Gòn vợ chồng hắn không có một phân vàng nào, có vài chỉ vàng đã gửi lại cho các em bán dần nuôi mẹ ốm. Thế là vợ hắn phải đi làm thuê, tức là nhận cho người ta đặt tủ đá ở nhà mình, tiền bán đá chia đôi. Một ngày một đêm lấy được ba mẻ đá cục, bỏ vào các lon nhỏ. Nhưng chỉ khoảng 3, 4 giờ đã có thể gỡ ra vài chục lon nước đặt trong cùng đã thành đá, nếu chịu khó một ngày cũng có thể được thêm một trăm viên của riêng mình, không phải chia với ai cả. Nhưng mà cực. Nửa đêm đang ngủ say với chồng con chợt nghĩ tới mòn "đá ăn cắp" đó là vợ hắn liền vùng ngay dậy chạy sồng sộc vào mở tủ đá, dùng chính bàn tay mình xỉa thẳng vào và lấy ra những cục đá trắng toát. Tiểu thư thành phố không thể làm được, chỉ có các cô nông dân với bàn tay to và khoẻ mới dám làm, làm như không, chả thấy mệt nhọc gì. Vợ hắn đã được bạn bè của Ðoàn văn công sau này là Ðoàn Kịch tặng danh hiệu "B. xe tăng" vì sức khoẻ và sự tháo vát trong những công việc nặng nhọc còn hơn các công tử thành phố nhiều. Vệ sinh doanh trại, dọn kho phim và chuyển kho phim những năm sơ tán vợ hắn bao giờ cũng là tướng tiên phong. Năm chửa đứa con thứ ba đã được năm sáu tháng, cơ quan cho xe lên vùng đất sản xuất dỡ khoai, dỡ sắn gì đó, vợ hắn xung phong xin đi, cản thế nào cũng không được, còn nói: "Các anh không cần em đi luộc sắn cho các anh ăn à? Nấu xôi sắn tươi rưới thêm tí mỡ hành còn ngon hơn nem công chả phượng". Thế là cô ấy được đi. Tới nơi cô ta tổ chức dỡ sắn, bóc sắn, làm món xôi sắn như đã hứa, giờ nghỉ cầm dao phát chặt đám cây nhỏ mọc lúp xúp quanh đồi, chặt chơi bời thôi mà cũng được mấy gánh củi vứt lên xe phải đun được cả tháng. Ðêm đi đẻ buổi chiều còn đèo bằng xe đạp các thứ quần áo chăn màn và đồ dùng lặt vặt về nhà mẹ chồng vì vợ hắn sẽ nằm cữ ở đấy, bãi Phúc Xá sắp vào mùa lụt rồi.

Vợ hắn đẻ thằng út, nhà không có ai giúp, nhờ chồng nấu cơm, nấu cháo, nấu nước tắm cho con nhỏ và giặt tã lót mấy ngày đầu mặt chồng nhăn như mặt khỉ, động nói động gắt mà nào có phải việc của hàng xóm. Gái đẻ bị chồng xử tệ là dễ uất lắm nhưng vợ hắn vẫn cười, nói năng với chồng vẫn dịu dàng vì cô ấy biết tính chồng, người lười phải làm việc vặt là khổ tâm lắm, chứ không phải lòng dạ đã thay đổi, nên không chấp. Có một chị lớn tuổi đã nói với vợ hắn: "Thằng chồng có lúc nó là bố mình, có lúc là con mình, cứ nghĩ thế là bỏ qua được hết".

Trong những năm ở Hà Nội, gia đình hắn chưa bao giờ phải thiếu tiền, hắn chưa bao giờ phải nghĩ đến tiền, phải tính toán, cân nhắc việc tiêu tiền. Tiền lương tiêu đã không hết lại còn tiền nhuận bút. Hàng xóm hỏi vay năm hào một đồng, mỗi lần gặp người cho vay lại xin khất, giọng nói nét mặt nom rất thảm. Nhà văn không phải lo sinh kế, không phải chạy tiền là chả hiểu bao nhiêu về những người đang sông quanh mình, văn chương hoá ra cao xa, hoá ra trong veo vì thiếu hẳn cái đục của trần gian, mùi bùn của trần gian. Nên trong rất nhiều năm hắn chả viết được gì về cái khu tập thể bám theo ven sông của hắn. Phải vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh hắn mới trở lại làm nhà văn của mọi thời, nghĩa là luôn luôn thiếu tiền. Và những người có tiền, có quyền coi thường hắn, khinh rẻ hắn, dẫu hắn là một đại tá, lại là một nhà văn. Bà Ðại là bà chị con cô con cậu, con trai và hai người con gái sang Mỹ ở từ trước năm 1975, còn lại ở thành phố chỉ có cô con gái út, con rể và hai đứa con của họ. Mấy năm đầu mỗi lần hắn đến chơi với chị, cháu gái, cháu rể đều chào: "Cậu đến chơi ạ", những đứa trẻ khoanh tay cúi đầu: "Ông đến chơi". Hắn cũng chưa hỏi xin hỏi vay tiền các bà chị bao giờ, nhưng các chị cho gì đều nhận, mà của cho cũng nhếch nhác lắm, là cho người nghèo, người không được trọng. Lâu dần mỗi lần hắn đến chơi cũng chả ai buồn chào hắn, đến chơi tay nhẹ lúc về tay nặng, toàn thứ tập tàng nhưng không nhận lại phải mua, nhà có tiền không dùng nhưng nhà nghèo vẫn phải dùng. Chị và các cháu sẽ khinh nhưng vợ con lại mừng, thôi, lấy cái vợ con mừng làm nước rửa đi cái nhục, chả sao cả. Con trai lớn nhờ bạn xin mãi mới được chân chạy bàn của một khách sạn nhà nước. Nhưng lúc con được về chơi cả nhà xúm xít nghe nó kể nó đã được ăn những món gì, đến tên gọi cũng lạ nói gì đã được nếm, toàn thức ăn thừa, nhưng làm bồi được ăn thừa là sướng hơn các em ở nhà rồi, con chị xuýt xoa, thằng em gầm gào: "Ngon thế mà chỉ biết ăn một mình". Còn bố mẹ thì sung sướng lắm vì con được ăn những miếng ngon. Rồi nó bị đuổi việc cùng với mấy đứa bạn do bị nghi đã lấy cắp khăn trải giường. Rồi lại được nhận làm tiếp vì kẻ cắp từ ngoài trèo vào chứ không phải người ở trong khách sạn nhưng con hắn phải đổi đi làm nhà hàng khác, nhỏ hơn, lương ít hơn. Thế là hắn phải chạy đến xin với giám đốc cho con được ở lại vì nó đã quen việc. Hắn ngồi chờ ở hành lang, hai tay thu vào lòng, điệu bộ lo lắng, khúm núm. Giám đốc bước vào cùng với các trợ lý, hắn đứng bật lên, giám đốc hất hàm hỏi: "Bác là ai, đến có việc gì?" Hắn phải nói thật nhanh lời xin của mình rồi nín lặng chờ đợi. Giám đốc nhìn quanh quéo một lát, hình như ông ta đang đợi ai đó chứ chả để lọt tai những lời nói đã được tính toán đến từng chữ của hắn rồi bảo: "Bác cứ về đi, nếu nó phải làm nơi khác bác có bằng lòng không hay xin thôi việc hẳn." Hắn cười mếu: "Dạ, thưa anh, tuỳ anh quyết định" Nhà thơ Trần Nhật Thu có sáng kiến tổ chức một quán ăn mà đội quân chạy bàn là các văn nghệ sĩ vừa hấp dẫn khách ăn vừa có tiền nhét túi cho các nghệ sĩ. Nhưng quán ăn không thành nên hắn vẫn thất nghiệp. Lại có lời mời hắn tới ngủ đêm tại một nhà hàng, là ông bảo vệ nhưng được ngủ ở phòng giám đốc có máy lạnh, có điện thoại, được ăn bữa cơm chiều, bữa điểm tâm sáng, lương tháng khoảng vài trăm, vừa nhàn vừa đỡ túng. Hắn cũng nhận nhưng chờ mãi không thấy ai nhắc lại, rồi cũng thôi. Bạn bè có gợi ý hắn viết hồi ký thuê cho một số vị giám đốc các ngành công nghiệp có thành tích nổi trội, tên tác giả là của người bỏ tiền, mình chỉ là thợ sắp xếp câu chuyện, đẽo gọt chữ nghĩa, nếu sách viết hay có nhiều bạn đọc, có dư luận tốt thì còn được thưởng thêm tiền. Nhưng hắn từ chối phắt. Xưa nay hắn chỉ viết những gì hắn thích, xác của người hồn của hắn, chứ chưa viết thuê bao giờ. Ðói chết thôi chứ hắn kiên quyết không đi làm cái nghề hầu bút. Hắn cũng có tài viết truyện trinh thám, gián điệp nhưng hắn nhất định không dính vào, chuyện săn người, bắt người chỉ là cái vỏ, còn cái ruột phải là những vấn đề khác cần nói hơn, đáng nói hơn. Ðói thế, túng thế mà vẫn viết được năm cuốn sách tiếp tục một phong cách, tiếp tục một dòng tư tưởng, chính hắn cũng phải tự khen sống thế là được, viết thế cũng là được, có thể chưa hay nhưng không làm tổn hại đến nhân cách của một cây bút.


[1]( ) Ông Vĩnh Thị (Bảo Ðại)

Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà ná»™i 2003