© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
4.7.2005
Alekxandr Solzhenitsyn
Diễn từ Nobel (1970)
Đoàn Tử Huyến dịch
 1   2 
 
1.

Như một gã dã nhân ngớ ngẩn nhặt được một vật lạ - vừa bị đại dương ném lên? lộ ra từ trong cát? hay từ trên trời rớt xuống? - với những đường cong bí ẩn ánh lên khi mờ khi chói, - hắn ta đảo đi đảo lại trên tay, nghĩ xem có thể dùng nó vào việc gì, cố tìm hiểu những khả năng sử dụng đơn giản của vật tìm thấy mà hoàn toàn không nghĩ đến những công năng cao cấp của nó.

Chúng ta cũng vậy, nắm Nghệ Thuật trong tay, ngạo mạn tự phong cho mình là chủ nhân của nó, định hướng nó một cách táo bạo, làm mới, cải tạo, tuyên ngôn, bán lấy tiền, lấy lòng kẻ mạnh, biến nó khi thì để giải trí - đến thành cả những ca khúc nhạc nhẹ và quán đêm, khi thì - làm cú đấm hay làm gậy, tùy dịp - cho những nhu cầu chính trị nhất thời, nhưng đòi hỏi xã hội hạn hẹp. Còn nghệ thuật - vẫn không bị vấy bẩn bởi những mưu toan của chúng ta, không vì thế mà đánh mất nguồn gốc của mình, lần nào và ở cách sử dụng nào cũng giành cho chúng ta một phần ánh nội quang bí ẩn của mình.

Nhưng liệu chúng ta có ôm trọn được hết toàn bộ cái ánh sáng đó? Có ai dám nói rằng đã định nghĩa được Nghệ Thuật? đã liệt kê hết tất cả các phương diện của nó? Mà có thể trong các thế kỉ quá khứ, nó đã được hiểu, được gọi tên, nhưng chúng ta chỉ có thể dừng lại không lâu: chúng ta đã nghe, và đã xem thường, và liền đó vứt đi, như chúng ta vẫn thường xuyên vội vã đem đổi dù là cái tốt nhất để lấy một cái gì đó chỉ cần mới là được! Rồi khi lại được nghe nói về cái cũ thì chúng ta không còn nhớ là mình đã từng có nó.

Một vị nghệ sĩ tưởng chừng mình là đấng sáng tạo của thế giới tinh thần độc lập, và tự chất lên đôi vai của mình cái hành động sáng tạo ra thế giới đó, cư dân của nó, trách nhiệm vô biên đối với nó, nhưng liền bị gãy sống lưng - vì một sức nặng như thế thì một kẻ thiên tài trần thế làm sao kham nổi; cũng như nói chung con người, tự tuyên bố mình là trung tâm của sinh tồn, không thể tạo nên hệ thống tinh thần cân bằng. Còn nếu như gặp thất bại, họ sẽ đổ tất cả lên sự bất xứng muôn đời của thế giới, lên sự phức tạp của tâm hồn tơi tả hiện đại hoặc lên sự tối dạ của công chúng.

Một người khác tự biết sức mạnh tối cao ngự trị trên mình và hân hoan làm một chân thợ phụ nhỏ bé dưới bầu trời của Chúa, mặc dù trách nhiệm của anh ta đối với những gì được viết, được vẽ ra, đối với những tâm hồn tiếp nhận càng nghiêm túc hơn. Bù lại, thế giới này không phải do anh ta tạo ra, không phải do anh ta cai quản, không có nghi ngờ trong những căn gốc của nó, người nghệ sĩ chỉ được trao cho khả năng cảm nhận sâu, nhạy hơn người khác sự hài hòa của thế giới, vẻ đẹp và xấu của sự đóng góp của con người vào thế giới - và truyền đạt lại cái đó một cách sắc sảo cho mọi người. Và trong những thất bại, thậm chí cả nơi đáy sâu của sự tồn tại - trong bần cùng, trong tù ngục, trong bệnh tật - cái cảm nhận sự hài hòa bền vững không thể rời bỏ anh ta.

Nhưng toàn bộ tính duy lí của nghệ thuật, những đường bay bất ngờ chói sáng, những thành tựu không đoán trước được, những tác động rung chuyển đối với con người của nó là quá thần diệu để có thể gói gọn nó bằng thế giới quan của người nghệ sĩ, bằng ý tưởng của anh ta hay bằng công việc của những ngón tay không xứng đáng của anh ta.

Các nhà khảo cổ học không phát hiện ra những giai đoạn tồn tại sớm của con người khi chúng ta chưa có nghệ thuật, ngay từ buổi tranh tối tranh sáng trước bình minh của nhân loại chúng ta đã nhận nó từ Bàn Tay mà chúng ta chưa kịp nhìn rõ. Và không kịp hỏi: cái quà tặng này cho chúng ta để làm gì? phải sử dụng nó như thế nào?

Và chúng ta đã sai lầm. Và sẽ sai lầm tất cả những ai đoán trước rằng nghệ thuật sẽ tàn suy, sẽ cạn kiệt các hình thức của mình, sẽ chết. Chúng ta chết, nhưng nghệ thuật sẽ còn lại. Và liệu cho đến lúc chết chúng ta có hiểu được tất cả những phương diện và những chức năng của nó hay không?

Không phải tất cả - có thể nói như vậy. Có cái sẽ đi xa hơn lời nói. Nghệ thuật làm ấm lại thậm chí cả một linh hồn nguội lạnh, u tối đối với một kinh nghiệm tinh thần cao cả. Thông qua nghệ thuật, đôi khi chúng ta được ban tặng những mặc khải, mơ hồ, ngắn gọn - mà một tư duy trí não không thể nào khám phá được.

Như tấm gương bé nhỏ trong các câu chuyện cổ tích: nhìn vào đó ta trông thấy - không phải bản thân mình - mà thấy trong một thoáng Cái Không Thể Ðạt Tới, cái ta không thể chạy, không thể bay đến. Và chỉ có tâm hồn trăn trở...


2.

Dostoevski [1] một lần buông lời đầy bí ẩn: "Cái đẹp sẽ cứu thế giới". Ðó là cái gì? Rất lâu tôi cảm thấy đó chỉ đơn giản là một câu nói. Làm sao có thể như thế được? Cái đẹp đã cứu ai và cứu khỏi cái gì, khi nào trong lịch sử khát máu? Che chở, nâng đỡ - có thể; nhưng đã cứu được ai?

Nhưng có một điều đặc biệt trong bản chất cái đẹp, một điều đặc biệt trong vị thế nghệ thuật: sức thuyết phục của một tác phẩm nghệ thuật chân chính là tuyệt đối không thể chối bỏ và nó bắt quy thuận thậm chí cả những trái tim ương ngạnh. Có thể trên cơ sở sai lầm, thậm chí dối trá tạo dựng một bài phát biểu chính trị, một tác phẩm chính luận hùng hồn, một chương trình sinh hoạt xã hội, một hệ thống triết lí có vẻ ngoài trơn tru, cân đối: không thể nhìn thấy ngay được những gì ẩn giấu bên trong, những gì bị bóp méo. Và để tranh luận lại, sẽ có một phát biểu trái ngược, một tác phẩm chính luận, một chương trình, một hệ thống triết lí khác - và tất cả cũng lại cân đối, trơn tru, và lại ổn thỏa. Vì vậy mà đối với chúng, tất cả những cái đó, vừa tin đấy mà lại vừa không đáng tin.

Cái gì không thể thâm nhập được, thì chỉ là nói suông vô ích vào trái tim.

Còn các tác phẩm nghệ thuật đã mang trong mình một sự tự thử thách: những khuynh hướng giả tạo, gượng ép không chịu nổi những thử thách trên các hình tượng: chúng sẽ sụp đổ, sẽ rệu rã, nhợt nhạt, không thuyết phục được ai cả. Còn những tác phẩm tìm chứa sự thật và trình bày nó cho chúng ta một cách cô đúc - sinh động, thì sẽ chinh phục chúng ta, lôi cuốn chúng ta một cách mãnh liệt, - và sẽ không có ai, không bao giờ, thậm chí sau nhiều thế kỉ, phủ nhận chúng.

Vậy thì có thể cái bộ ba thống nhất Chân - Thiện - Mĩ già cỗi kia không đơn giản là một công thức cũ kĩ dùng để trưng bày như chúng ta đã từng cảm thấy vào cái thời tuổi trẻ duy vật ngạo mạn? Nếu như đỉnh ngọn của ba cái cây này sẽ chụm vào nhau, như các nhà nghiên cứu khẳng định, nhưng những thân cành quá thẳng thắn của cây Chân và cây Thiện bị chèn ép, bị đốn chặt, không vươn lên được, - thì liệu có thể chăng những thân cành lạ lùng, chúng ta không chờ đợi, không đoán trước được của cây Mĩ có lớn lên, vươn tới đúng vào chính cái chỗ đó, và như vậy thực hiện công việc thay cho cả ba cái cây hay không?

Và lúc đó câu nói "Cái đẹp sẽ cứu thế giới" của Dostoevski không phải là một sự buột miệng, mà là lời tiên tri? Bởi vì ông được ban cho khả năng thấy được nhiều điều, được khải thị kì diệu.

Và khi đó nghệ thuật, văn học có thể thực sự giúp đỡ thế giới ngày hôm nay hay không?

Những gì ít ỏi mà tôi đã nhìn ra được qua năm tháng trong cái nhiệm vụ này, tôi sẽ cố gắng trình bày ở đây hôm nay.


3.

Ðể bước lên cái bục này, cái bục đọc Diễn từ Nobel, cái bục không phải dành cho mọi nhà văn và chỉ được dành một lần trong đời, tôi đã phải đi qua không chỉ ba bốn bậc tam cấp bằng phẳng, mà là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bậc khó vượt, cheo leo, trơn lạnh, từ trong tối tăm và giá buốt, nơi tôi may mắn được sống sót, còn những người khác - có thể tài năng hơn tôi, khỏe hơn tôi - thì đã chết. Trong số họ chỉ có vài người bản thân tôi được gặp ở trong Quần đảo Gulag [2] với vô vàn đảo nhỏ nằm rải rác khắp nơi, và dưới những ánh nhìn dò xét và thiếu tin cậy không phải với ai cũng nói chuyện được, về những người khác chỉ nghe nhắc đến, về số thứ ba chỉ có thể đoán ra. Những ai rơi vào cái hố sâu đó khi đã có tên tuổi văn học, mặc dù nổi tiếng - nhưng biết bao nhiêu người không được nhận ra, không được một lần nào gọi tên công khai! và gần như - gần như không một ai trở về được. Cả một nền văn học dân tộc đã ở lại nơi đó, bị chôn vùi không chỉ không có quan tài, mà không có cả quần áo lót, trần truồng, với sợi xích nơi ngón chân. Nền văn học Nga không một khoảnh khắc nào bị đứt đoạn! - mà từ ngoài nhìn vào chỉ thấy như một chỗ hoang. Nơi đáng lí có thể mọc lên một cánh rừng đông đảo, chỉ còn lại sau tất cả những trận đốn chặt vài ba cây tình cờ bị bỏ qua. Và tôi hôm nay, được tháp tùng bởi những cái bóng của những người đã khuất, cúi đầu nhường bước những người khác xứng đáng sớm hơn đi lên chỗ này, tôi hôm nay làm sao đoán được và nói ra những gì mà họ muốn nói? Trách nhiệm này từ lâu đè nặng lên chúng tôi, và chúng tôi hiểu nó. Bằng lời của Vladimir Soloviov [3] :

Và cả trong xích xiềng, chúng ta cần phải
Ði trọn vòng của Chúa đã vạch ra.

Trong những chuyến chuyển trại nhọc nhằn, trong đoàn người tù tội, trong bóng tối những chiều đêm lạnh giá với dải đèn le lói, - không phải một lần đã dâng lên tận cổ chúng tôi tiếng kêu muốn thoát ra cho cả thế giới, giá như thế giới có thể nghe thấy một ai đấy trong số chúng tôi. Khi đó điều này dường như rất rõ ràng: vị sứ giả may mắn của chúng tôi sẽ nói - và thế giới sẽ ngay lập tức lên tiếng đáp lại. Tầm nhìn của chúng tôi được chứa đầy một cách rất rõ ràng cả các đối tượng vật chất và các chuyển động tinh thần, và trong thế giới không phân đôi chúng không thấy có sự nghiêng lệch. Những ý nghĩ đó không phải đến từ sách vở và không phải để cho suôn sẻ; chúng được hình thành trong những xà lim và bên những đống lửa trong rừng, qua các câu chuyện với những người mà nay không còn nữa, được kiểm nghiệm bởi cuộc sống mà từ đó chúng đã sinh ra.

Còn khi áp lực bên ngoài giảm xuống - tầm nhìn của tôi và của chúng tôi được mở rộng, và dần dần, dù là qua một khe hẹp, cái "toàn bộ thế giới" đó đã được nhìn thấy và được nhận biết. Và thật kinh ngạc đối với chúng tôi, cái "toàn bộ thế giới" đó hoàn toàn không giống như chúng tôi chờ đợi, chúng tôi hi vọng: nó sống không phải "bằng cái đó", nó đi không phải "về hướng đó", nó thốt lên với bãi lầy hôi thối: "Ôi cái vũng nước mới đẹp làm sao!", nó thán phục những chiếc gông bê tông đeo cổ: "Ôi vòng dây chuyền mới tinh tế làm sao!", còn nơi số người này đang nhỏ những giọt nước mắt không thể lau khô thì những kẻ khác nhảy những điệu nhạc vô tư.

Tại sao lại xảy ra như vậy? Từ đâu trống hoác cái vực thẳm này? Chúng ta vô cảm chăng? Thế giới vô cảm chăng? Hay đó là vì sự khác biệt ngôn ngữ? Tại sao con người không có khả năng nghe được mọi lời được nói ra rõ ràng của nhau? Những lời nói cứ tắt lặng và trôi đi như nước - không mùi, không vị, không màu sắc. Không dấu vết. Trong khi tôi hiểu dần ra điều này, đã thay đổi và thay đổi cùng với năm tháng cái thành phần, ý nghĩa và giọng điệu của lời phát biểu có thể có của tôi. Của lời phát biểu ngày hôm nay của tôi.

Và nó chỉ còn giống rất ít với những gì đã được nghĩ ra lúc ban đầu trong những đêm giá lạnh ở trại tập trung.


4.

Con người từ xa xưa đã được tạo ra để cho thế giới quan của anh ta, - khi nó không bị thôi miên, - động cơ và thang giá trị của anh ta, hành động và dự định của anh ta được xác định bởi kinh nghiệm sống cá nhân và tập thể của anh ta. Một câu ngạn ngữ Nga nói: đừng tin người anh em ruột của mình, hãy tin con mắt lé của mình. Ðó chính là cơ sở lành mạnh nhất để hiểu thế giới xung quanh và cách ứng xử trong thế giới đó. Và trong suốt nhiều thế kỉ, khi thế giới của chúng ta trải rộng một cách bí ẩn, hoang vu, khi nó còn chưa có được những tuyến liên lạc thống nhất, chưa biến thành một khối co giật duy nhất, - thì con người đã ứng xử một cách không sai lầm bởi kinh nghiệm sống của mình trong cái địa phương giới hạn của mình, trong công xã của mình, trong cộng đồng của mình, và cuối cùng, trong lãnh thổ dân tộc mình. Lúc đó bằng từng con mắt người riêng rẽ có thể thấy và chấp nhận một hệ thống định giá chung nào đó: cái gì là bình thường, cái gì là phi thường; cái gì là tàn bạo, cái gì nằm ngoài phạm vi cái ác; cái gì là trung thực, cái gì là dối lừa. Và mặc dù các dân tộc rải rác sống rất khác nhau và các thang giá trị xã hội của họ có thể rất nhiều điều không trùng hợp, cũng như không trùng hợp các hệ thống đo lường của họ, nhưng những khác biệt đó chỉ làm ngạc nhiên những khách du lịch hiếm hoi và trở thành những chuyện lạ trên các tờ tạp chí mà không mang lại bất cứ một mối nguy hiểm nào cho nhân loại lúc đó còn chưa trở nên thống nhất.

Nhưng rồi qua mấy thập kỉ gần đây nhân loại bỗng đột nhiên và không ai nhận thấy trở nên thống nhất - thống nhất một cách đầy hi vọng và thống nhất một cách nguy hiểm, cho nên sự chấn động và viêm cháy của một phần nào đó của nó gần như ngay tức khắc lây chuyển sang các phần khác nhiều khi không có một mối quan hệ liên thông nào với điều đó. Nhân loại trở nên thống nhất - nhưng không phải sự thống nhất bền vững như trước đây của một công xã hay thậm chí của một dân tộc: không phải thông qua kinh nghiệm sống chậm rãi, không phải thông qua con mắt riêng được gọi là một cách bao dung, thậm chí không phải thông qua tiếng mẹ đẻ dễ hiểu, - mà, vượt trên tất cả các thứ rào cản, thông qua hệ thống truyền thanh và in ấn toàn cầu. Hàng núi sự kiện đổ ập lên chúng ta, chỉ sau một phút đến nửa thế giới đã biết về chúng, nhưng qua làn sóng điện và các trang báo chúng không mang truyền, - và không thể mang truyền - các thước đo - để đo và đánh giá các sự kiện đó theo quy luật của các phần thế giới xa lạ đối với chúng ta: các thước đo này mọc sâu và bám rễ quá lâu và quá đặc thù trong cuộc sống riêng của các đất nước và xã hội khác nhau, chúng không thể được truyền đi trong không khí. Tại các khu vực khác nhau người dân áp dụng thang giá trị riêng đã được kiểm nghiệm đối với các sự kiện - và kiên trì, tự tin phán xét chỉ theo thang giá trị của mình, chứ không phải của bất kì một ai khác.

Và những thang giá trị như vậy trên thế giới nếu không phải là vô số thì ít ra cũng khá nhiều: thang để đo các sự kiện gần và thang để đo các sự kiện xa; thang của xã hội già cũ và thang của xã hội mới; thang của những người may mắn và thang của những người không may mắn. Sự phân chia các thang giá trị không trùng hợp một cách ồn ào, sặc sỡ, chúng làm ta lóa mắt, và để khỏi chói đau, chúng ta quay lưng lại với tất cả các thang giá trị xa lạ như những gì điên loạn, lầm lạc, - và chúng ta tự tin phán xét cả thế giới theo thang giá trị riêng của mình. Vì thế cái mà chúng ta cảm thấy lớn lao, đau đớn và khó chấp nhận hơn không phải những gì trong thực tế lớn lao, đau đớn và khó chấp nhận hơn, mà những gì gần với chúng ta hơn. Còn cái gì ở xa, không đe dọa ngày hôm nay sẽ ập đến ngưỡng cửa ngôi nhà chúng ta, thì chúng ta sẽ coi - với tất cả những tiếng rên rỉ, kêu thét của nó, với những số phận bị hủy hoại, cho dù cả hàng triệu nạn nhân - nhìn chung là chịu đựng được và ở một chừng mực có thể chấp nhận.

Ở một phía, trong sự đàn áp không hề thua kém thời La Mã cổ đại, hàng trăm ngàn người Thiên Chúa giáo không tiếng nói cách đây không lâu đã bỏ đời mình vì niềm tin vào Chúa Trời. Ở bán cầu khác, một kẻ mất trí nào đó (và có lẽ ông ta không chỉ một mình) lại xông qua đại dương để bằng cú đòn thép nhằm vào đại linh mục giải phóng chúng ta khỏi tôn giáo! Theo thang giá trị của mình, ông ta đã tính toán như vậy cho tất cả chúng ta!

Cái mà theo một thang giá trị từ xa là tự do cao cả đáng thèm muốn, thì theo thang giá trị khác ở gần lại cảm thấy như một sự bắt buộc đáng buồn kêu gọi phải quay hướng xe. Cái mà nơi này được ước mơ như một sự phồn vinh khó tưởng tượng thì nơi khác lại gây phẫn nộ như một sự bóc lột man rợ đòi hỏi phải bãi công ngay tức khắc. Những thang đo khác nhau đối với thiên tai: cơn lũ với hai trăm ngàn nạn nhân có vẻ nhẹ hơn một trường hợp tai nạn của thành phố chúng ta. Những thang đo khác nhau đối với sự xúc phạm nhân cách: nơi thì thậm chí một nụ cười mỉa mai và một cử chỉ lảng tránh cũng đã là hạ nhục, nơi thì những trận đòn tàn nhẫn cũng có thể được bỏ qua như một trò đùa không đúng chỗ. Những thang đo khác nhau đối với sự trừng phạt, đối với tội ác. Theo một thang đo thì một tháng tù giam, hay bị gửi về nông thôn, hay không gian cá nhân, nơi thức ăn là bánh mì trắng và sữa, - đã gây chấn động tâm trí, đổ tràn phẫn nộ lên mặt các trang báo. Còn theo một thang đo khác thì tất cả những cái đó đều bình thường và được chấp nhận - cả những hạn tù lên đến hai mươi lăm năm, cả những xà lim nơi trên tường hơi nước đóng thành băng nhưng con người vẫn ở trần, cả những nhà thương điên dành cho những người khỏe mạnh, cả những loạt súng nơi biên giới bắn chết vô số những kẻ mất trí nhưng không hiểu vì sao cứ tìm cách chạy đi đâu đó. Và trái tim vẫn đặc biệt thản nhiên vì cái xứ xa lạ và quái dị ấy, nơi ta hầu như không biết một tí gì, từ đó không có tin tức gì tới được với chúng ta, mà chỉ có một số phỏng đoán mơ hồ của vài ba phóng viên ít ỏi.

Và vì cái sự tách đôi đó, vì cái sự không hiểu biết khô cứng đó đối với nỗi đau khổ xa lạ xa xôi đó, ta không thể trách cứ tầm nhìn của con người: con người sinh ra vốn vậy. Nhưng đối với cả loài người bị ép nén vào trong một khối duy nhất thì sự không hiểu biết lẫn nhau như vậy đe doạ một cái chết gần kề và nhanh chóng. Khi tồn tại sáu, bốn, hay thậm chí chỉ hai thang đo giá trị thì không thể có một thế giới thống nhất, một nhân loại thống nhất: chúng ta sẽ bị xé lẻ bởi sự khác biệt nhịp điệu, khác biệt rung động đó. Chúng ta không thể cùng sống chung trên một Trái Ðất, cũng như con người không thể sống với hai trái tim.



[1]Dostoevski, Fedor Mikhailovich (1821-1881): nhà văn Nga.
[2]Gulag: từ viết tắt trong tiếng Nga, chỉ hệ thống các trại giam giữ và cải tạo lao động thời Stalin (những năm 1930-1950).
[3]Soloviov, Vladimir Sergeevich (1853-1900): nhà triết học, nhà thơ, nhà văn Nga.