© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.7.2005
 
Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc
Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn (5/15)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15 
 
11. Hoàng Cầm

Tập thơ Việt Bắc thiếu chất sống thực tế

Sức truyền cảm của đa số bài thơ trong tập Việt Bắc thường thường là đi từ từ, nhẹ nhàng vào lòng người đọc, rồi đi vòng quanh, lởn vởn ở bên ngoài chứ không đột phá vào một khía cạnh nào của tâm hồn cho thật sắc bén.
Bài “Cá nước”: tình cảm gặp gỡ giữa anh cán bộ và anh bộ đội cũng chỉ nhẹ nhàng lớt phớt:

Một thoáng lặng nhìn nhau
Mắt đã tìm hỏi chuyện
Ðôi bộ áo quần nâu
Ðã âm thầm thương mến.

Từ nguồn gốc sâu xa nào hai người mới gặp nhau mà trở nên thân thiết, bài thơ không gợi ra được. Ở đây tôi chỉ thấy hai người gặp nhau như một chút "duyên cá nước" rất ít mặn nồng như một cảnh gặp nhau thường, giữa hai người bạn. Sự gặp gỡ, cuộc nói chuyện giữa anh bộ đội và anh cán bộ chưa truyền cho người đọc một phút nào rung động mãnh liệt. Ðọc hết bài thơ tình cảm còn lại trong lòng tôi chỉ thoáng như một cơn gió mát của một buổi trưa hè, dịu dàng, thân mật và hơi gợn một chút buồn. Cái buồn ở ngoài lời. Lời ru cháu xa xôi văng vẳng của một bà cụ già, rồi "chia nhau điếu thuốc lào", đến lúc "anh về xuôi tôi ngược", thì cái buồn đã lên tới độ khá cao. Bài thơ êm êm rồi thoảng tan đi, không để lại trong lòng tôi một chút gì gắn bó thiết tha. Lòng anh cán bộ của thời đại yêu mến anh chiến sĩ bộ đội không những chỉ có cái bề ngoài ấy mà bên trong còn xoắn xít ràng buộc với nhau như gan với ruột, không thể có gì dằng xé ra được. Bài thơ không nói được bề sâu, chỉ mới thấy bề rộng. Ðọc lần đầu, cái không gian của bài thơ choán lấy tâm hồn tôi một lúc, như bóng rợp một đám mây giữa đường trời nắng. Bóng mây qua... “Tình cá nước” ở tên đề và ở câu kết cũng không bật lên được: cá nước từ đây dường như cũng cách biệt nhau, mỗi bên mang theo một kỷ niệm đẹp, lòng vấn vương như sau một giấc mơ. Ðâu, cái khăng khít, mật thiết cụ thể, từng giờ, từng phút của quân và dân trong một cuộc chiến tranh du kích?

Ðến tình cảm bài “Phá đường” mở đầu bằng "rét" và kết thúc bằng "gió rét trăng lu", còn đoạn giữa tả một cảnh lao động bình thường, cặm cụi trong lúc "trăng non mới hé", tất cả chỉ truyền vào lòng tôi một chút hơi thở nhè nhẹ của công việc phá đường, vẫn đượm một chút hắt hiu. Tại sao lại gió rét? Gió rét ấy có cắt nghĩa được cái gian nan vất vả của việc phá đường không? Tuyệt nhiên là không! Nó chỉ gợi được ra cái buồn. Tôi đã đi qua những nơi nhân dân phá đường hồi đầu kháng chiến. Một buổi sáng mùa hè, một đêm mưa, một trưa nắng gắt. Nặng nhọc vất vả ở hai cánh tay và ở cả trong lòng những người phá đường. Nhưng giặc đã đến đầu ngõ, phải phá ngay, không thì nó đi được nhanh, nó sẽ giết con mình, đốt nhà mình! Ðau đớn, nhưng mạnh mẽ quyết liệt. Bài thơ “Phá đường” cũng lại không truyền được tình cảm đó của thời đại.

Trong khi đó thì ở “Giữa thành phố trụi” không khí u tối, lạnh lẽo hiện lên ngay từ đầu:

Ðông lạnh ghê người
Chiếc lá vèo rơi xuống cỏ



Ô cửa mắt tròn thăm thẳm
Ai lên tiền tuyến đường muôn dặm

Tuy về sau, bài thơ cố gợi ra tương lai:

Ngày mai xanh lại từng cây
Ngày mai lại đẹp hơn rầy, hơn xưa



Từ trong đổ nát hôm nay
Ngày mai đã đến từng giây từng giờ...

Cái cảm giác chung vẫn là một sự tan vỡ, u uất. Mấy câu sau chỉ là suy luận, khái niệm chứ không truyền cảm. Cái hắt hiu cô đơn ấy lại rõ ràng trong “Bà bủ nằm ổ chuối khô”:

Ðêm nay tháng chạp mồng mười
Vài mươi bữa nữa tết rồi hết năm



Ngoài phên gió núi ù ù
Mưa đêm mưa tự chiến khu mưa về...

Cả bài, câu nào cũng ngậm ngùi, điu hiu vắng vẻ. Mà bà bủ lại "càng nghĩ càng căm thù". Căm thù ai? Một ý nghĩ rất trừu tượng, đại khái. Cả bài là một tình cảm buồn vắng, nhớ con, nhớ đứa con bộ đội, con đi "bước run, bước ngã, bước lầy, bước trơn" và "năm xưa cơm củ ngon chi, năm nay cơm gié nhà thì vắng con". Thật rất thương tâm, não nuột! Có một đồng chí bộ đội đọc bài thơ này thấy buồn quá, nói với tôi: “Mẹ tôi không nhớ tôi thế này”.

Tôi hỏi: “Thế nhớ thế nào?”

“Nhớ hơn thế này, nhưng mà... khó nói quá... không buồn thế đâu!”

Buồn, lạnh lẽo đến ghê rợn khi tôi đọc:

Xác ai nằm ngổn ngang
Bãi tuyết lặng quanh làng
Phố đổ nhà hoang vắng
Mẹ của em đấy ư?
Cái thân trắng lắc lư
Ðầu giây treo lủng lẳng
Cha của em đấy ư?
Cái đầu lâu rũ tóc
Máu chảy dài thân cọc
(“Em bé Triều Tiên”)

Không căm thù, chỉ thấy ghê rợn. Tuy về sau bài thơ cố tạo ra cái không khí chiến đấu rộn ràng vẫn không át được cái ghê rợn ban đầu. Không khí buồn, xa vắng vẫn kéo dài sau cái chết của đồng chí Sta-lin:

Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

Ðành rằng sau một cái chết thì buồn, nhưng sau khi Sta-lin mất, cái buồn đã biến thành sức mạnh. Không khí và tình cảm bài thơ “Ðời đời nhớ ông” không phản ảnh được tình cảm thực của nhân dân ta sau cái chết đó: xót thương, nhưng rồi băng băng đi dân công, đi gánh thóc thuế, sôi nổi phát động đấu tranh chống giai cấp địa chủ toát ra "ngoài lời" ở khắp bài thơ, trong đó có cái ngậm ngùi trách móc của một đôi tình nhân chia tay, tuy miệng thì nói là chung thủy mà trong tình ý đã thấy là sẽ không gặp nhau bao giờ nữa.

Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng?
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

Ý hỏi thì nhẹ nhàng trách móc như thế, thấm thía như thế, mà trả lời thì gượng quá và hơi loanh quanh:

Ðường về đây đó gần thôi
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông càng giục chân nhanh bước đường

Người về xuôi không nói lên được là lòng vẫn ở Việt Bắc. Người ở lại núi rừng thì chỉ thấy xa xôi chia cách mà ít thấy hy vọng tin tưởng. Nhớ Hồ Chủ tịch, cũng lại thấy hình bóng người xa dần.

Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người

Hai câu này khiến tôi nhớ đến câu thơ Nguyễn Du:

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Cô đơn vắng vẻ, đó là hai cảm giác của bài thơ gợi ra.

Một cán bộ ở Việt Bắc về Hà Nội cuối tháng 10-1954 đã kể chuyện với tôi:

“Khi thấy bài thơ Việt Bắc tôi đọc và thích quá, tôi ngâm cho một gia đình ở vùng Chợ Chu nghe. Cả nhà sụt sịt khóc. Cảm động quá. Nhưng sau đó, tôi vẫn phải tạ từ, đeo ba lô đi. Nhìn lại, trong bóng tối nhà sàn: ông ké, bà mé và chị con gái vẫn ngồi im, khóc lặng lẽ. Tôi cũng cảm thấy như không bao giờ mình còn trở lại Việt Bắc nữa. Thật là một cảnh chia ly đau xót.”

Bài thơ “Việt Bắc” đã dựng lên cảnh chia ly ấy và bồi thêm mũi kim đau xót vào chỗ yếu đuối nhất của lòng người.

Và bài thơ vớt vát lại ở hai câu kết giả tạo, gượng ép:

Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô

Người ở lại Việt Bắc thấy cầm tay gượng, ậm ừ với lời chào hẹn chiếu lệ nghe đã quá quen tai. Chưa kịp nghĩ đến bao giờ "hát cùng Thủ đô", hát thế nào và cái hát ấy có sẽ bù được sự chia ly hay không thì... thôi thế là xa rồi!


*


Với nội dung truyền cảm trình bày trên kia, tập thơ Việt Bắc đã tạo nên những hình ảnh như thế nào của những tình thế, nhân vật điển hình của thời đại?

Ðầu tiên là hình ảnh anh bộ đội:

Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ



Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo

Có những hình ảnh cụ thể do tác giả vẽ nên và có những hình ảnh không vẽ ra, nhưng do toàn bộ bài thơ để lại, thí dụ như trong các bài “Bắn”, “Voi”, “Bao giờ hết giặc”, v.v...

Nói chung hình ảnh bộ đội trong tập thơ Việt Bắc là hình ảnh đẹp một cách mỏng manh, mờ nhạt như dáng dấp một người lẩn trong sương, trong một bức tranh chấm phá. Con người bằng xương bằng thịt, có bao nhiêu tình cảm, lúc bồng bột, lúc vui buồn, hờn giận, thương xót, lúc vào bộ đội, khi nhớ quê hương đồng ruộng, cha mẹ vợ con, khi tác chiến anh dũng, khi nhịn đói hành quân, lúc chia sẻ ngọt bùi cay đắng với cán bộ, với đồng đội, tôi chưa tìm thấy trong thơ Việt Bắc. Chỉ thấy những hình ảnh chung chung, gặp bất cứ ở chỗ nào, thoáng qua và mờ dần vì không rõ hình nét, không "thực" đến độ in sâu vào lòng người.

Anh bộ đội trong bài “Cá nước” chỉ thấp thoáng trên lưng đèo rồi lại đi. Anh bộ đội Tây Bắc:

Quê hương anh đó, gió sương mù
Và rú rừng đây của chiến khu
Cỏ ngập đồng khô mờ lối cũ
Tan hoang làng cháy khói căm thù

Anh đi rất nhiều, gian nan cũng lắm, lòng anh chưa có gì bật lên trong bài thơ và kết cục thì "anh nằm sưởi nắng mắt lơ mơ". Bà bủ nhớ con bộ đội, trong ý nghĩ của bà thấy anh bộ đội bé bỏng đáng thương:

Nó đi đánh giặc đêm nay
Bước run, bước ngã, bước lầy, bước trơn
Nhà còn ổ chuối lửa rơm
Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì?

Trong bài “Voi”, tôi thấy có anh bộ đội khiêng pháo lên đèo, thấy gian nan khó nhọc nhưng mới thấy ở "chữ", chưa thấy ở "người". Nghe như kể một câu chuyện vác pháo gian lao khó nhọc, bài thơ mới tả cảnh chứ không dựng được người "bộ đội khiêng pháo" anh dũng và vĩ đại trước mắt tôi.

Còn ở bài “Bắn”, thì hình ảnh anh bộ đội là một tượng gỗ tay cầm giây súng và có hình ảnh một anh bàng quan đứng ngoài hô hào gào hét ầm ỹ, giục pho tượng giật giây nổ súng bắn cho hả.

Năm phút nữa: Sao mà lâu thế nhỉ
Anh pháo binh, anh còn đợi chờ gì?

Không thấy anh pháo binh đâu, chỉ thấy một người nào đứng ngoài múa tay hoa chân giục bắn:

Anh pháo binh, anh chưa bắn đi à?
Một phút nữa. Ðầu tôi cháy bừng lên như cục lửa
Sướng bao nhiêu chốc nữa sẽ thành than.

Anh pháo binh không trả lời (vì có anh ấy đâu mà trả lời). Người nào đó lại gọi:

Ơi các anh xung kích dưới cỏ âm thầm
Hãy sẵn sàng tay mác nhảy lên đâm
Giết, bắt sống không mống nào được thoát.

Bài thơ tuy có vẻ sôi nổi giục bắn, mà thực ra bàng quan lạ lùng. Việc bắn là việc của anh bộ đội, đứng ngoài hò hét như thế không những không động viên được bộ đội, mà còn làm cho anh pháo binh bực mình. Anh bộ đội trước khi bắn, tâm tư thế nào, không ai biết, lại chỉ thấy tiếng giục, và kết thúc bằng một câu rất khó chịu:

Anh đại bác, tôi chờ anh để hát!

Còn hình ảnh chú bé liên lạc (trong bài “Lượm”):

Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng

Lượm là người thân yêu khi bị giặc bắn chết mà người còn sống lại thấy cái chết ấy đẹp và nhẹ:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng

Chú Lượm chết không khác gì một con chim trúng đạn chết ở giữa đồng lúa. Rồi cái chết ấy thoáng đi, trên đường vắng lại có những con chim chích khác.

Hình ảnh một em bé liên lạc của kháng chiến, một em bé thân yêu ruột thịt của những cán bộ, của bộ đội của nhân dân, sống thế nào, chết thế nào? Sau cái chết ấy, hình ảnh của em còn lại trong lòng người thế nào, chua xót, đau đớn, nhưng trong trẻo, mạnh mẽ thế nào? Bài thơ chỉ để lại trong óc tôi hình ảnh của một con chim đẹp, sống hồn nhiên, chết tự nhiên. Nhà thơ đau đớn và căm thù ở chỗ nào?

Ðến hình ảnh lãnh tụ, là đúc kết những tinh túy của quần chúng. Hình ảnh lãnh tụ chính là hình ảnh vĩ đại của quần chúng lao động đang đấu tranh, và cuồn cuộn đi đến một tương lai tốt đẹp.

Ta thường ví Hồ Chủ tịch với "ngôi sao", với "trời biển" với

Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến.

Tôi chưa thấy bài thơ nào tả đúng lãnh tụ, tả đúng Hồ Chủ tịch, chỉ mới có những bài thơ, những đoạn thơ tả đúng một phần, hoặc tả bề ngoài hoặc thần thánh hóa, tách rời lãnh tụ với quần chúng.

Trong tập thơ Việt Bắc, tôi thấy Hồ Chủ tịch:

Người ngồi đó với cây chì đỏ
Chỉ đường đi từng phút từng giờ
... Bác Hồ đó ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông thanh thản một vòm trời
... Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo

Lãnh tụ xa xôi và cách biệt, có lúc giống như một đạo sĩ đi nhàn du trong núi rừng:

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Hồ Chủ tịch của chúng ta không những chỉ có thế. Tất cả hình ảnh trên mới là một đôi chút bề ngoài của Hồ Chủ tịch. Còn những giờ Người ra tiền tuyến, đến bên cạnh dân công, bộ đội; Người ở nông thôn, bàn bạc chuyện trò với các cụ phụ lão nông dân, Người ở đâu đến đâu thì quần chúng thêm mạnh mẽ phấn khởi.

Hình ảnh Hồ Chủ tịch trong tập thơ Việt Bắc thong dong nhiều hơn là hành động và lúc hành động tôi thấy "cây chì đỏ", "cúi xuống bản đồ" và nhân dân nhìn lên Hồ Chủ tịch chưa thấy ấm áp gần gũi, dù có những câu: Ta bên Người, Người tỏa sáng ta, Ta bỗng lớn ở bên Người một chút, tôi vẫn chưa thấy "sáng" ở chỗ nào và "lớn" ở chỗ nào.

Cách ca ngợi lãnh tụ như thế chưa phải là tình cảm của toàn dân đối với Hồ Chủ tịch.

Nghệ thuật tập thơ Việt Bắc có nhiều sức thấm vào lòng người đọc, vì nó hay gợi cái buồn kín đáo, man mác. Thời đại chúng ta có nhiều cái buồn, nhưng cái hơi buồn của một số bài thơ tập Việt Bắc là một hơi thở đã trở thành cũ kỹ, lạc hậu, trong khi thời đại chúng ta đang tràn đầy một niềm vui lớn, một sức chiến đấu mãnh liệt, băng băng tiến tới...

Tập thơ Việt Bắc cũng có "nói" đến những cái đó, nhưng chưa "xây dựng" những cái đó. Vì chỉ "nói" thôi nên có thể êm tai, đẹp mắt, nhưng giả tạo, gò ép.

Ðây, vui mừng giữa những người về giải phóng Hà Nội và những người ở Hà Nội giải phóng:

Hôm nay về lại đây Hà Nội
Giàn giụa vui lên ướt mắt cười
... Ðường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
...Tay vui sóng vỗ rạt rào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn

"Mừng nào mừng hơn" chưa thể bao hàm cái mừng vô cùng trong ngày lịch sử giải phóng Hà Nội.

Và đây là quang cảnh Hà Nội giải phóng.

Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại gặp đây
Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ

Sao quang cảnh thủ đô giải phóng lại "tĩnh" và lặng lờ như thế? Bài thơ “Lại về” là tâm trạng của một người du lịch se sẽ rung động vì cảnh, vì người gặp lại, rồi trong lòng lại yên tĩnh như không. Lạnh lùng, bàng quan và giả dối.

Biết đâu bao nhiêu đau đớn quằn quại, bao nhiêu lúc vùng lên, ngã xuống rồi lại quật khởi cho đến ngày giải phóng thì tất cả Hà Nội trào lên như sóng bể.

Còn tình cảm chiến đấu? Cả bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” nói đủ ý về chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nói đầy đủ quá nên không chen vào chỗ nào được những tình cảm con người của chiến dịch Ðiện Biên. Bài thơ đó là một bài tham luận về chiến dịch Ðiện Biên đã thi vị hóa bằng một kỹ thuật khá điêu luyện.

Ðao to búa lớn:

Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp

Một loạt hình ảnh một chiều, cứng nhắc, kém sinh động:

Chiến sĩ anh hùng
Ðầu nung lửa sắt
...Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Ðầu bịt lỗ chân châu mai
...Những bàn tay xẻ núi lăn bom

Những hình ảnh ấy đã có sẵn ở chiến trường và ở trong cảnh thực còn sâu sắc hơn trong bài thơ. Nếu bài thơ muốn ôm tất cả, cả đến Hội nghị Giơ-ne-vơ, thì còn hàng nghìn hình ảnh nữa cần phải nêu ra. Bài thơ đầy đủ quá cho nên thiếu thốn. Và kết luận:

Nhân dân Việt Nam anh dũng
Ðã cầm súng tiến lên
Nhất định hoàn toàn thắng lợi

Một khẩu hiệu chính trị đã nêu lên ngay từ khi toàn quốc bắt đầu kháng chiến. Khẩu hiệu diễn biến trong tâm trạng người dân Việt Nam, trong lòng anh bộ đội thành những tình, những ý gì thầm kín, sâu sắc? Khẩu hiệu đó đã tạo ra bao nhiêu hình ảnh đẹp, mạnh, sinh động vô cùng trong thời đại chúng ta? Muôn sắc muôn màu, muôn hình vạn trạng trong chiến dịch Ðiện Biên, ta không thể tham vọng nói hết trong một bài thơ và lại kết luận bằng khẩu hiệu.

Người đọc, đọc một bài báo tóm tắt về chiến dịch Ðiện Biên và đọc một bài thơ trên, có thấy gì khác không? Bài thơ dễ lọt tai hơn, thế thôi. Anh bộ đội đã chiến đấu ở Ðiện Biên Phủ, không thấy được ở bài thơ chút gì tâm sự, bè bạn thâm tình. Nhiều độc giả bộ đội khen bài thơ hay rồi hôm sau thì quên. Bộ đội muốn có những bài thơ để nắn nót chép vào sổ tay, đút vào túi ngực, giữa hai đợt chiến đấu lại giở ra đọc, lúc vui, lúc lo nghĩ là lại lấy bài thơ làm người bạn tâm tình. Ða số bài thơ về bộ đội đã có trong tập Việt Bắc chưa thành người bạn tâm tình của bộ đội.

Vì nhiều bài thơ rộng quá, tổng hợp quá, "chính trị" quá, nên nó bao quát và tất nhiên trở nên chung chung đại lược. Ta đi tới, ta đi khắp cả và nhất định "ta đi tới" thống nhất đất nước. Lời đẹp, ý đúng, tình cảm bay rộng khắp nhưng không xoáy chặt vào lòng người. “Ta đi tới” cũng giống như “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” từ đầu đến cuối rất đầy đủ về ý nghĩa chính trị. Ở bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” tôi thấy những câu những chữ rắn chắc, sấm sét, hùng mạnh, đến bài “Ta đi tới” tôi thấy những chữ những câu bóng bẩy, tha thiết, trùng điệp những tên thị trấn địa phương để khêu gợi lòng yêu đất nước. Một cảnh lấp lánh ánh sáng khắp nơi, khi lại gần thì nhạt nhẽo, không thấy đẹp nữa.

Ở một số bài thơ gần đây của Tố Hữu, tôi thấy như vậy: Ðầu tiên thì nêu lên một vấn đề rồi tiếp đến suy luận bằng những câu văn đèm đẹp. Thành phố đã phá trụi thì nhất định là ngày sau phải tưng bừng. Cha mẹ em bé Triều Tiên chết treo khủng khiếp, em bơ vơ lạc lõng thì nhất định là có cả một dân tộc ở bên em, săn sóc cho tương lai em, và nhất định em sẽ sung sướng. Ðã chia ly Việt Bắc thì sau phải nghĩ đến Việt Bắc và trao đổi hàng hóa với Việt Bắc. Ðiện Biên đã thắng thì nhất định ở Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ thêm điều kiện thuận lợi đấu tranh với kẻ thù. Thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm nào về ý nghĩa chính trị. Những bài thơ đó đầy đủ thế, nhưng rất ít chất của cuộc sống một dân tộc đã đấu tranh gay go phức tạp và đã giành được thắng lợi hòa bình. Tôi thấy bài “Ta đi tới” hoặc bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” giống như một vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa. Loãng quá. Tôi thèm một cốc dù nhỏ thôi, nhưng chan chứa những chất sống nuôi dưỡng tâm hồn.

Theo ý tôi, giá trị thơ không phải ở chỗ đầy đủ mạch lạc về một vấn đề chính trị. Thơ phải đi vào từng góc cạnh của tâm hồn từng lớp người đang xây dựng thời đại mới. Muốn nói tất cả phải đi sâu vào một khía. Và nhiều bài thơ góp lại, mỗi bài một góc tâm hồn khác nhau sẽ thành ra toàn bộ phản ảnh thời đại đi vào hiện thực chủ nghĩa. Như vậy từ con người đang dào dạt sức sống kết lại thành thơ, chứ không thể từ một khái niệm về đời sống, từ một luận đề chính trị viết ra thơ, dù rằng lúc viết, tác giả cũng cố tìm cảm xúc và tạo hình ảnh. Làm như thế, dễ rơi vào công thức, giả tạo. Và lập trường chính trị trong thơ chính là nói đúng được sự sống và xây dựng tâm hồn của con người đang sống trong một thời đại cách mạng. Ở thời đại chúng ta, cái hiện thực xã hội chủ nghĩa nhất là ở lòng người dân đang tiến lên đè bẹp đế quốc và phong kiến. Sức sống mãnh liệt này tôi thấy rất ít trong tập thơ Việt Bắc. Tôi đã ngâm nga những bài đứng về phía đánh đế quốc chủ nghĩa để xem con người Việt Nam đứng lên tiêu diệt đế quốc xâm lược ra sao? Tôi thấy nhiều chữ, nhiều lời, nhiều cảnh đẹp và buồn, ít thấy hình ảnh con người điển hình của thời đại hiện ra bằng xương thịt rắn chắc, bằng đau đớn xót xa, bằng bước đi vững chãi. Thơ nói:

Ta đi tới trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng
Ðội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông

Tôi vẫn chưa thấy con người bước đi rắn như thép cụ thể ở chỗ nào. Và "trùng trùng điệp điệp" chỉ là bốn chữ cố khêu gợi sức mạnh nhưng bản thân sức mạnh ấy không hiện ra.

Còn những con người đau khổ tủi nhục vì bị giai cấp địa chủ bóc lột đến xương tủy, những người nông dân ngấm ngầm nuôi sức mạnh và rồi ào ào tiến lên, phá tung cảnh đọa đày của mấy nghìn năm phong kiến, tôi chỉ thấy vẻn vẹn có hai câu nói hăng hái nhưng trống rỗng:

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!

Ðọc thơ và ngâm những bài thơ trong tập Việt Bắc, nhiều khi tôi thường có cảm giác buồn ngậm ngùi, đôi lúc xa vắng. Có ấm áp cũng là cái ấm áp mong manh chóng tắt và thấy cái đẹp cũng nhè nhẹ mơ màng. Ðôi khi thấy tha thiết mến thương nhưng không được bao lâu vì nhẹ quá và rộng quá. Tôi thèm ở Tố Hữu những bài thơ tâm sự với mình lâu dài. Nhưng trong tập Việt Bắc, phần lớn tôi chỉ gặp những bài rủ rỉ một lát rồi thôi.

Rồi tôi suy nghĩ: Những bài thơ nào diễn tả lòng người sâu sắc nhất, lòng người của một thời đại, nhất định đều để lại trong lòng người ta những hình ảnh rung động lâu bền nhất. Tập thơ Việt Bắc ít chất thực tế để đúc thành thơ. Ðành rằng cần phải có những bài thơ do suy luận, nhằm mục đích hô hào, động viên, nhưng thực chất của bài thơ vẫn phải tìm trong cuộc sống sâu sắc. Thiếu sự sống phong phú, thơ trở nên vô duyên, khô khan, dù lời đẹp ý tốt. Tôi đã đọc nhiều bài thơ "mới nghe thì hay, nghe nhiều lần thì chán". Ðó cũng là cảm tưởng cuối cùng của riêng tôi đối với tập thơ Việt Bắc.

Văn nghệ, s. 67 (1.4.1955)



12. Nhân dân
Ðẩy mạnh phong trào phê bình văn nghệ

Trong vòng hơn một tháng nay, một phong trào phê bình đã nhóm lên trong giới văn nghệ với những cuộc hội họp thảo luận về truyện Vượt Côn đảo của Phùng Quán, tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, và những bài phê bình về hai tác phẩm đó đăng trên các báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Văn Nghệ Việt Nam, Sinh hoạt văn nghệ, của quân đội và một vài báo khác. Báo Nhân dân, rất hoan nghênh phong trào phê bình văn nghệ hiện nay, vừa rồi cũng đã đăng bài của các bạn Ðức Minh, Thúc Ðạt phát biểu ý kiến về truyện Vượt Côn đảo, bài của Hoàng Yến về tập thơ Việt Bắc.

Ðó là một dấu hiệu tốt cho văn nghệ. Việc phê bình có tác dụng nâng cao lập trường, tư tưởng của anh chị em trong công tác văn nghệ, giúp anh chị em nhận rõ những ưu điểm cần phát huy, những khuynh hướng sai lầm cần sửa chữa, để tiến tới xây dựng những tác phẩm có giá trị hơn nữa về nội dung và nghệ thuật.

Cuộc phê bình truyện Vượt Côn đảo và tập thơ Việt Bắc đã được một số khá đông anh chị em công tác văn nghệ ở thủ đô sốt sắng hưởng ứng. Ðiều đó tỏ rõ trong các buổi họp thảo luận do Hội Văn nghệ Việt Nam và Phòng Văn nghệ quân đội tổ chức, hoặc bằng những bài phê bình gửi đăng trên các báo. Nhưng muốn thu được nhiều kết quả, cuộc phê bình cần được sự hưởng ứng rộng rãi hơn nữa của giới văn nghệ, không những ở thủ đô, mà cả ở các khu, các tỉnh. Ngoài ra cuộc phê bình cũng cần được sự hướng ứng và tham gia của quần chúng. Báo Sinh hoạt văn nghệ vừa rồi đã có sáng kiến trích đăng một số thư của bộ đội nhận xét về cuốn Vượt Côn đảo. Chúng tôi thấy đó là một ưu điểm. Vì những tác phẩm văn nghệ của chúng ta ngày nay đã có một số người đọc tương đối đông đảo trong hàng ngũ bộ đội, cán bộ, học sinh, trí thức, trong nhà máy và ở nông thôn. Do đó, việc thu thập những ý kiến phê bình của quần chúng là một điều cần thiết. Mặt khác, tiếng nói phê bình của quần chúng cũng đã đặt một sự liên hệ tốt giữa người đọc và nhà văn, một sự liên hệ chỉ có thể thực hiện dưới chế độ dân chủ của chúng ta, và có tác dụng khuyến khích nhà văn trên con đường tu dưỡng và sáng tác.

Ðể mở rộng phong trào phê bình, trước hết phải phát huy tự do tư tưởng trong phê bình, mỗi người cần mạnh dạn và thành thật nói lên những ý nghĩ đối với tác phẩm đề ra phê bình. Mục đích duy nhất của sự phê bình đúng đắn là giúp đỡ nhau học tập, tiến bộ, gây một không khí phấn khởi sáng tác. Các cuộc thảo luận phê bình truyện Vượt Côn đảo và tập thơ Việt Bắc cho thấy rằng nói chung anh chị em công tác văn nghệ có một thái độ phê bình xây dựng cần hoan nghênh. Bên cạnh đó, cũng có một vài hiện tượng phê bình cần tránh là thiếu tinh thần xây dựng, giúp đỡ. Phê bình với thái độ đả kích hoặc thiên vị cố nhiên không đúng. Nhưng nay phong trào phê bình mới chớm bắt đầu, hiện tượng e dè còn nhiều, ta cần khuyến khích làm sao để mọi người hăng hái tham gia phong trào phê bình. Còn những lệch lạc có thể xảy ra thì không đáng ngại. Và nhất là khi phong trào phê bình chưa hăng hái rộng rãi mà ta nhấn mạnh quá về thái độ phê bình, e rằng khó gây được một phong trào rộng rãi hoặc khó gây được thành phong trào.

Muốn cho công tác văn nghệ của ta tiến lên mãi, chúng ta cần nhân dịp này mở rộng phong trào phê bình, tự phê bình về một số tác phẩm. Rồi do những cuộc phê bình ấy mà đi đến những kết luận cần thiết, giúp ích cho công tác của chúng ta từ đây về sau.

Báo Nhân dân rất hoan nghênh các bạn đọc có ý kiến phát biểu về hai tác phẩm trên. Vì hiện nay ta còn nhiều công tác lớn hơn rất quan trọng nên thì giờ và tâm sức để vào việc phê bình văn nghệ này chỉ có hạn. Cuối cùng báo Nhân dân sẽ phát biểu ý kiến của mình đối với hai tác phẩm nói trên để cùng các bạn trao đổi ý kiến [1] .

10.4.1955



13. Văn nghệ
Tin văn hóa (trích)

Hai cuộc nói chuyện văn nghệ:

Tối 5-4-1955, trước 3000 sinh viên các ngành đại học và đại học nhân dân, anh Xuân Diệu đã nói chuyện về "Ðịch và Ta trong thơ Tố Hữu".

Tối 8-4-1955, nhân buổi Thành Ðoàn Thanh niên Việt Nam ở Hà Nội phát giải thưởng cho cuộc thi ca dao chống Mỹ, cùng một diễn giả đã nói chuyện trước 400 thanh niên về "Thơ ca kháng chiến của nhân dân".

Số 68 (11.4.1955)



14. N.H.
Cuộc hội nghị phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu lần thứ 2 sôi nổi và tiến bộ rõ rệt

Sau cuộc họp thứ nhất tối 31-3-1955, Ban văn học Hội văn nghệ Việt Nam lại triệu tập cuộc họp tối 7-4-1955 phê bình lần thứ hai tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Lần họp này chủ yếu vẫn dành riêng cho những anh chị em trong ngành thơ và một số bạn yêu thơ. Có 68 người dự, trong đó có 5 phụ nữ, nhiều anh em công tác văn thơ miền Nam và nhiều anh em văn nghệ bộ đội. Những nhà thơ quen biết đều có mặt: Tú Mỡ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Bảo Ðịnh Giang, Tế Hanh, Hằng Phương. đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm Tổng cục chính trị cũng tới dự. Lần này lại có thêm các giáo sư đại học Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Giầu tham gia. Không khí thảo luận sôi nổi hơn lần trước.

Cũng như lần trước, cuộc họp này chứng tỏ dưới chế độ dân chủ cộng hòa, tự do tư tưởng đang được phát triển, và giữa thủ đô Hà Nội không khí phê bình, tự phê bình lành mạnh đang thu hút các bạn văn nghệ cùng nhau tìm rõ phương hướng tiến lên. Trong buổi họp, cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề mà Hoàng Yến đã đặt ra "thơ Tố Hữu đã hiện thực chưa? " Nhiều bạn đã đi sâu phân tích, so sánh thơ Tố Hữu trong thời kỳ đấu tranh bí mật và thơ Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến vừa qua. Việc phê bình đang dần dần đi vào nề nếp suy luận chín chắn, căn cứ vào hoàn cảnh thời gian, không gian và xúc cảm thật của tác giả trong khi sáng tác mà đối chiếu với tiêu chuẩn tư tưởng của văn học, phê bình với tinh thần xây dựng. Nhà văn Nguyễn Hữu Ðang phát triển những ý kiến đã phát biểu trên báo của Hoàng Yến và Hoàng Cầm cho rằng trong tập thơ Việt Bắc cái buồn tiểu tư sản rơi rớt từ đầu đến cuối và không thấy con người Việt Nam qua kháng chiến thử thách lớn mạnh lên chút nào. Giáo sư Hoàng xuân Nhị và thi sĩ Huy Cận bênh vực những bài thơ của Tố Hữu đã bị phê bình nhiều nhất. Theo giáo sư Hoàng Xuân Nhị, thơ Tố Hữu đã được nâng cao, đã đạt tới chỗ "thơ ở ngoài lời" mà người xưa đã nói. Thi sĩ Huy Cận muốn phân biệt chủ nghĩa hiện thực với tưởng tượng lãng mạn, và cho rằng chủ nghĩa hiện thực là đi từ thực tế theo một hướng phát triển có lãnh đạo của giai cấp công nhân mà sáng tác, như vậy thì thơ Tố Hữu trước kia có nhiều tính chất tưởng tượng lãng mạn, còn thơ Tố Hữu ngày nay là hiện thực chủ nghĩa: hướng chung là có đi lên trên cơ sở thực tế. Tuy vậy theo thi sĩ Huy Cận, tập thơ Việt Bắc chưa phải là kiệt tác, chất thơ có hạn, gợi đồng cảm còn ít, nhiều chỗ còn ngậm ngùi, rơi rớt buồn.

Thi sĩ Huy Cận nhường lời cho thi sĩ Lưu Trọng Lư, chưa nói hết ý kiến mình về điểm này. Nhiều người còn muốn phát biểu ý kiến nhưng vì thời giờ hạn chế nên phải để đến những lần khác.

Nhân dân, 11.4.1955



15. Nhân dân
Cuộc họp thứ ba thảo luận về tập thơ Việt Bắc

Tiếp theo hai cuộc họp trước, tối thứ năm 14-4-1955 Ban văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam đã triệu tập cuộc họp thứ ba để thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Ðến dự, cũng như trong hai cuộc họp trước, có đông đủ anh chị em quen biết trong ngành thơ và một số anh chị em yêu thơ hoặc hoạt động trong các ngành nghệ thuật khác.

Cuộc thảo luận rất sôi nổi vẫn xoay quanh vấn đề tính chất hiện thực trong thơ Tố Hữu.

Cuộc thảo luận vẫn tiếp tục.

17.4.1955



16. Văn nghệ
Tin văn hóa (trích)

Các cuộc họp phê bình tập thơ Việt Bắc:

Tối 7 và tối 14-4-55 vừa qua Ban Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam tiếp tục triệu tập các cuộc họp phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Các buổi họp này vẫn chủ yếu dành riêng cho anh chị em trong ngành thơ và một số bạn yêu thơ. Các giáo sư đại học, sinh viên, cán bộ phụ nữ, nhiều anh em công tác Văn nghệ miền Nam và nhiều anh em văn nghệ và cán bộ quân đội đều có mặt.

Số 69 (21.4.1955)



17. Hiện thực [2]
Sổ tay văn nghệ (trích)

Trong một bài thảo luận về tập thơ Việt Bắc, tác giả có viết một câu: "Phút công đồn là phút quyết liệt nhất trong cuộc đời người lính chiến đấu… Nhân dân nuôi cơm nghìn bữa để hôm nay đánh giặc một giờ…" [3]

Tôi rất hiểu tác giả muốn nói bộ đội biết ơn nhân dân, biết ơn công sức của nhân dân, nên quyết tâm vì nhân dân diệt địch. Nhưng cách nói không ổn. Ðọc câu này tôi liên tưởng nhớ đến thời nhỏ đọc sách truyện Trung Quốc, khi các nhà vua và tướng phong kiến đưa quân đi đánh trận, chúng thường kể ơn cho ăn cho mặc, đại khái nói: "Nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một lúc", v.v... Câu văn của tác giả cũng vậy, có tính cách đếm ngày nuôi, đếm bữa ăn, đếm giờ đánh giặc, gợi ra một tương quan đếm lường không đúng. Nhất định chúng ta không bao giờ có ý nghĩ "ăn cơm bà chúa, bây giờ múa đi!"

Tinh thần tác giả muốn nói một đằng, câu văn tác giả lại nói một nẻo.

Văn nghệ, số 68 (11.4.1955).





[1]Bài này không ký tên tác giả. Có thể coi đây là ý kiến của Ban biên tập báo Nhân dân.
[2]Hiện Thực là bút danh ký dưới các bài trong tiểu mục “Sổ tay văn nghệ” của báo Văn nghệ trong năm 1955. Chưa rõ những nhà văn nào thường viết cho mục này. Sang năm 1956, một trong số những người viết mục này ký là Bạch, tức là nhà văn Nguyễn Tuân.
[3]Ðây là ý và câu trích từ bài của Hoàng Yến.