© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.6.2003
Bùi Ngọc Tấn
Rừng xưa xanh lá
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Quyển sách tặng Ðịnh

Có những lúc không muốn gặp bất kỳ ai, kể cả những người bạn đã từng chia sẻ mọi chuyện vui buồn. Và hình như bạn cũng vậy. Gặp. Nhìn. Những cái nhìn cày nát cả mặt nhau. Như thơ Thanh Tùng. Còn nói? Nói gì? Vốn đều rất trung thực nên lại càng không thể mở miệng. Thậm chí hỏi thăm tình hình vợ con bạn sinh sống ra sao cũng không muốn. Hỏi làm gì? Thừa biết sống khó khăn. Hỏi làm gì khi không thể giúp được nhau. Vật chất đã hẳn. Một câu động viên thôi cũng không thể cất thành lời. Bởi vì bạn cũng như mình đều quá hiểu, quá thuộc những cụm từ loại ấy.

Riêng tôi một thời gian dài khi lên Hà Nội còn ngại gặp bạn vì một lý do khác nữa. Nhà các bạn tôi trên ấy bao giờ cũng là nơi lui tới của những người làm báo, những người viết văn, những đạo diễn, diễn viên, những người làm nghệ thuật, nghĩa là những văn nhân tài tử. Câu chuyện của họ, giữa họ hoàn toàn xa lạ với tôi và nếu vẫn có một liên hệ gần gũi nào đó thì ở chỗ nó chỉ rõ cái chết của tôi, tôi chỉ còn là một cái xác biết ăn uống đi lại...

Ở nhà Hứa Văn Ðịnh nhiều lần tôi đã ngồi im trên chiếc ghế đặt lảnh ở một nơi nghe họ nói. Những câu chuỵên về nghệ thuật, những câu chuyện về những người làm nghệ thuật, toàn những điều cao siêu. Họ nói và hoàn toàn không để ý đến sự có mặt của tôi dù Ðịnh đã giới thiệu tôi với họ. Cái tên tôi, cái địa danh Hải Phòng chẳng gợi một ý niệm gì. Tên người, tên đất ấy đầy tính vô danh tỉnh lẻ. Sự có mặt của tôi cũng chẳng hơn một củ khoai trong đống khoai mới rỡ ở đồng đất Thái Bình người ta mang lên tặng Ðịnh.

Tất nhiên tôi buồn. Ý nghĩa của sự tiêu diệt thật thấm thía, trọn vẹn, hoàn hảo. Chắc chắn Ðịnh biết những gì tôi đang nghĩ. Anh vẫn tiếp chuyện những khách của anh sôi nổi vui vẻ và thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía tôi như muốn nói: Chịu khó ngồi một tý nữa nhé. Thông cảm với mình. Khi khách ra về, Ðịnh đối với tôi thật ân cần dịu dàng. Anh lấy rượu Tây ra mời tôi, anh kéo tôi đi chơi phố, vào hiệu giải khát hay ăn cơm tiệm.

Nhà Ðịnh ở ngay Cửa Nam, đầu đường Ðiện Biên Phủ, thuộc trung tâm Hà Nội. Nói cho đúng đó là nhà của bố mẹ vợ anh, trước đây anh vẫn sống trong một phòng của cái biệt thự ấy, chung với cả nhà. Nhưng giờ đây anh đã có một gian riêng cho mình. Một gian xây trên ô đất ngăn cách đường phố với tường nhà, một ô đất chạy ngang đầu hồi ra tới tường bao làm cho ngôi nhà trở thành biệt thự. Ngăn mới xây ấy ngay đầu cổng, hoàn toàn riêng biệt. Ðặt một bộ xa-lông song mây với nhiều ghế con để có thể chứa thêm, tiếp thêm, mời ngồi thêm những người mới đến, những người đến sau... Một cái giường liền đó, rồi một cửa hậu đi ra một mảnh sân rộng hơn chiếc chiếu còn nguyên một cây cổ thụ. Và cuối cùng là một cái toa-lét rất hẹp. Dù nước cực kỳ khan hiếm, Ðịnh cũng không cho tôi đánh răng rửa mặt ở nơi công cộng phía trong. Anh chịu khó hứng nước, xách nước từ vòi nước chung trong ngôi nhà đang trĩu xuống vì tải trọng các hộ, các khẩu, cái vòi nước rỏ từng giọt lúc ban ngày và chỉ về đêm mới có nước chẩy, xách từng xô vào cái toa-lét sơ sài cho tôi dùng. Một kỳ công.

Vốn là người giao tiếp rộng, lúc nào cũng có chè móc câu cũng như thuốc lá và nhiều khi cả Johnnie Walker nữa nên nhà Ðịnh rất ít khi vắng khách. Anh là chủ cái vương quốc riêng biệt ấy. Chị Hoà, vợ anh chỉ xuất hiện như một cái bóng khi cần tiếp thêm nước sôi, hay pha vài cốc nước mát. Hoặc bưng mâm lên cho chồng ăn cùng với khách. Chúng tôi có nói lời cảm ơn về sự chăm sóc của chị đối với chúng tôi, hoặc trêu chòng chị, chị chỉ cười. Tôi ít thấy nụ cười nào hiền hậu đầm ấm đến thế như nụ cười của chị.

Ngày ấy Hứa Văn Ðịnh in nhiều. Nhưng anh không tặng tôi sách và cũng không đưa cho tôi xem bản thảo. Anh biết tôi không thể nào đọc được dù là sáng tác của anh. Chỉ bắt đầu từ Sống trên điểm chết anh mới tặng sách tôi đều đặn. Hình như anh biết tôi đã tập đọc trở lại. Tôi đọc một mạch hết quyển truyện. Với tôi đó là một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất những năm 80, một trong những thành tựu xuất sắc trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, nó báo hiệu rằng sẽ có những Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng. Thời gian ghi khi Ðịnh hoàn thành quyển tiểu thuyết: 1986. Sống trên điểm chết được nhà xuất bản Giao thông vận tải in lần đầu với số lượng 15.000 bản, một tirage bây giờ nằm mơ cũng không thấy. Ðã lâu lắm rồi văn chương Việt Nam mới có một quyển tiểu thuyết nói về chiến đấu, về đời sống, về quan hệ giữa người với người một cách chân thực đến thế.

Quyển tiểu thuyết viết về những cô gái thanh niên xung phong đảm bảo giao thông trong chiến tranh chống Mỹ ở Trường Sơn. Và những ngày hoà bình sau đó. Những cô gái hy sinh. Những cô gái còn sống khi gặp một chàng lái xe rủ nhau lảng đi cho con Tuy kiếm tí. "Nhưng mà đây chúng em gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc của những người biết hạnh phúc chẳng bao giờ đến với mình nữa, kiếm lấy đứa con để sau này dựa vào nó mà sống..." Và ít ngày sau cái cô Tuy ấy reo lên: "Hoa ơi. Tao tắt kinh rồi...Liệu trước đi, chứ ngộ nhỡ sống được, đến lúc về già lại chỉ trơ một mình thì khiếp lắm. Mày chưa biết nổi cái cảnh quá lứa chúng tao..."

Nhưng quyển truyện đâu phải chỉ có các cô gái. Còn một xã hội phía sau. Những đại tá Tỷ có biệt danh là đại tá nướng quân, nịnh hót bợ đỡ, vu cáo thiếu tướng chỉ huy mình hủ hoá để mình thế chân, đeo quân hàm thiếu tướng. Lần đầu tiên có một quyển tiểu thuyết đề cập đến những vấn đề nhức nhối của xã hội. Một ông bí thư huyện uỷ, chủ tịch huyện đồng thời cũng là một Lý Thông. Anh vạch ra cái sức mạnh đồng tiền nó chi phối những suy nghĩ, hành động, thậm chí cả chiếc ghế của những cán bộ cao cấp. Chúng ta đã nghe nói thành vần thành vè về bốn người đàn bà, bốn mệnh phụ Hà Nội buôn lậu vàng, kim cương, đô-la xuyên quốc gia. Những điều nhất nọ nhì kia tam này tứ ấy được mô tả trong Sống trên điểm chết. Ðành rằng cho đến hôm nay đã có nhiều truyện ngắn truyện dài đề cập đến những tệ nạn xã hội, nhưng hãy nhớ rằng Sống trên điểm chết được viết năm 1986. Vả lại cái hay của tác phẩm không phải ở đề tài. Nó nằm trong những trang thấm đẫm tình người, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên một mảnh đất nhỏ giữa Trường Sơn, nơi tám trăm chín mốt người đã ngã xuống, nó đặt ra bao điều suy nghĩ về cuộc sống, một cuộc sống hôm nay ta đang đối diện mà Hứa Văn Ðịnh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ non hai mươi năm trước.

Tôi lật bìa bốn quyển truyện. Kín bìa bốn là những gạch đầu dòng với những tên sách đã xuất bản, tên kịch bản đã được dựng thành phim của Hứa Văn Ðịnh. Ðến lúc ấy tôi mới biết Ðịnh đã in nhiều đến thế. Gặp lại tôi khi tôi đã đọc xong tập sách, biết rằng đây là lúc thuận tiện nhất để nói, anh khuyên tôi:
- Ông viết đi. Tôi nói thật, ông không viết là một sai lầm.
Tôi cười:
- Mình sẽ viết. Ðọc ông mình lại muốn viết.
Câu trả lời của tôi làm anh cười đắc thắng:
- Tôi đã nói mà. Thế nào ông cũng lại viết mà. Ông bỏ làm sao được.
Ðã nhiều lần Ðịnh khuyên tôi viết. Tôi chỉ cười trừ hoặc lắc đầu. Có lần tôi còn khùng lên với anh:
- Thằng gàn. Ðất nước này không cần đến văn chương mà cần sự thay đổi.
Ðịnh im lặng. Tôi cảm thấy mình có lỗi với bạn:
- Sau những gì đã trải mình không thể đọc được. Ðừng nói viết.
Ðịnh thở dài:
- Ông hơi cực đoan. Tôi hiểu sự cực đoan của ông. Nhưng ông không thể không viết. Rồi ông xem tôi đúng hay sai.

Cho đến bây giờ, thời gian càng chứng tỏ Ðịnh hiểu tôi hơn tôi. Anh nhìn rõ những gì đang chẩy trong huyết quản của tôi. Và anh kiên trì thuyết phục nhắc nhở tôi về món nợ đời tôi phải trả. Khi anh xuống Hải Phòng hoặc tôi lên Hà Nội, gặp nhau, thỉnh thoảng anh lại nói gần nói xa tới chuyện tôi phải viết và lần nào anh cũng tìm được lúc thích hợp nhất để nói. Sự rụt rè tế nhị của anh làm tôi cảm động.

Ðịnh đánh giá cao khả năng sáng tác của tôi, một sự đánh giá theo tôi, cao hơn thực tế. Nhiều người viết văn, làm thơ Hải Phòng lên Hà Nội đến nhà Ðịnh chơi đều được nghe những lời Ðịnh nhận xét tốt, thậm chí có phần hơi quá mức về tôi. Họ nói lại với tôi tất cả. Tôi thầm cám ơn bạn và hơi ân hận về những lời lẽ đôi khi gay gắt của tôi khi cùng anh bàn luận văn chương.

Ðịnh muốn tôi viết lại hình như còn vì anh mang một cái gì giống như sự phẫn uất thay tôi. Sự phẫn uất mỗi khi thấy tôi ngồi lảnh ra trên cái ghế ở góc nhà anh, im lặng nghe người ta sôi nổi tranh luận về những điều cao siêu của nghệ thuật. Anh không muốn tôi bị khuất chìm trong bóng tối. Sự phẫn uất mà anh đã một lần bộc lộ ngay ở nhà tôi. Ðó là thời gian cuối những năm 70, tôi đã ở tù ra, và nhờ ông Hoàng Hữu Nhân, tôi đã được đi làm ở xí nghiệp đánh cá. Chiến tranh đã kết thúc. Hoà bình đã lập lại, đất nước đang đi đến thống nhất (tất nhiên về mặt hình thức, còn nội dung đã thống nhất lâu rồi). Thời gian miền Nam nhận họ miền Bắc nhận hàng ấy, phương tiện, thủ tục đi lại giữa hai miền Nam Bắc rất khó khăn, tốn kém. Xí nghiệp tôi làm lúc đó -Quốc doanh đánh cá Hạ Long- có vài chục con tầu đánh cá suốt hai miền Nam Bắc, nên thỉnh thoảng lại có người đến nhà tôi nhờ tôi về chuyện đi lại, mỗi khi họ biết có một con tầu sắp vào đánh cá tại vịnh Thái Lan hay tới Sài gòn tiếp dầu nhận cá từ những con tầu bạn.

Hôm ấy Ðịnh xuống chơi nhà tôi và anh đã chứng kiến cảnh hai ông khách đến gặp tôi để tìm cách đi nhờ tầu cá. Ðó là một người làm thơ đã có thơ đăng báo và một anh thợ ảnh. Anh làm thơ thì biết tôi từ trước, hiểu tôi là một kẻ thất thế đã xa rời văn chương và thật phúc tổ lại được đi làm lọ mọ ở một nơi toàn mùi tanh của cá nên tranh thủ trong câu chuyện xã giao, nói với tôi những chuyện thời sự trong văn chương nghệ thuật khiến tôi rất kính nể và đánh giá anh cao chứ không như hồi trước. (Khi mình bị hất ngã, người ta vẫn cứ tiến. Mình trở thành lạc hậu, đời đúng là như vậy.) Và trong chuyện nhờ vả, anh vừa có vẻ tôn trọng vừa có vẻ bề trên, đại loại như thế nào anh Tấn nhỉ, tất nhiên là chúng tôi sẽ có đủ thủ tục, giấy tờ của nhà trường (anh làm thơ là một giáo viên) giấy của chi hội văn nghệ. Anh xâu đầu mối bố trí cho chúng tôi trực tiếp gặp giám đốc thì rất cám ơn anh, coi như chúng tôi đi thực tế dưới tầu, thế lại hay đấy anh ạ. Chắc chắn chúng tôi sẽ có thơ, có cả ảnh đăng báo nữa...
Anh thợ ảnh với vẻ của một người khai hoá, giảng cho tôi vì sao các anh lại muốn đi tầu cá. Không phải vì sợ tốn kém hay không lấy được vé, đi tầu thuỷ Thống Nhất hay đi tầu hoả cũng được thôi. Nhưng... Anh rít lên một thứ âm thanh the thé:
- Chúng tôi văn nghệ sĩ mà. Ðiều ưa thích nhất đối với văn nghệ sĩ chúng tôi là thoải mái mà.
Tôi rất hoang mang sợ hãi. Những tiếng văn nghệ sĩ mà, thoải mái mà của anh ở cung bực cao làm tôi nổi da gà:
- Vâng. Vâng. Các anh có xuống tầu cá thì cũng không phải là hành khách, mà là người nhà. Chỉ riêng chuyện không phải trông nom hành lý cũng đã thoải mái rồi.
Anh thợ ảnh, phải, đúng là một anh thợ ảnh xịn, một thợ ảnh trăm phần trăm (sau này tôi đã thấy anh hành nghề ở vườn hoa và một vài cái đám cưới tôi có được mời cũng như đám ma tôi đến viếng), anh thợ ảnh mặt dãn ra khi thấy tôi sớm nắm bắt được cốt lõi của vấn đề, việc khai tâm của anh lại nhanh chóng đạt kết quả như vậy, hẳn là tên đánh cá này sáng dạ:
- Chí phải. Chí phải. Chúng tôi cần nhất sự thoải mái. Văn nghệ sĩ mà...
Ðến đây dường như nhà thơ thấy cần chen vào câu chuyện. Anh nói to nhắc anh thợ ảnh:
- Anh Bùi Ngọc Tấn đấy!
Cái tên ấy chẳng là cái đinh gì với anh thợ ảnh. Nó quá bình thường. Anh thợ ảnh vẫn tiếp tục giảng cho tôi về những phẩm chất rất khác thường, rất đặc biệt của văn nghệ sĩ đó là sự tự do thoải mái, điều không thể thiếu được là sự thoải mái, chúng tôi văn nghệ sĩ mà, khiến anh làm thơ vội nói một cái tên khác của tôi:
- Anh Tân Sắc đấy!
Tân Sắc là tên tôi vẫn ký khi làm báo. Cái tên này nghe có vẻ hơn, nhưng anh thợ ảnh nào có biết Tân Sắc cũng như Bùi Ngọc Tấn là ai nên vẫn tiếp tục bài giảng về phẩm chất của văn nghệ sĩ.

Hứa Văn Ðịnh đột ngột đứng dậy. Tôi vội đưa mắt cho anh. Tôi sợ anh văng ra một câu gì đó. Tôi muốn nói với anh: Ðịnh ơi. Cứ ngồi yên. Những chuyện như thế này mình quen rồi. Thậm chí có người nhờ vả mình lại thấy vui, vì người ta vẫn nhớ đến mình và mình vẫn được coi là có ích. Hình như Ðịnh cố nén một cái gì đó trong họng. Anh chỉ làm ra vẻ sốt ruột đi đi lại lại trong buồng, một cái buồng hẹp lủng củng những giường bàn ghế... Chỉ riêng bộ xa-lông gỗ gõ tôi mới nhờ anh em thuỷ thủ mua ở Hố Nai sáng trưng cả căn phòng cũng đủ làm những người đến nhờ tôi tin rằng họ đã đến đúng nơi cần đến. Ði lại một lúc Ðịnh lại ngồi xuống. Cũng như ở nhà anh tôi ngồi riêng ra một chỗ, Ðịnh ngồi một mình trên chiếc giường ba xà, không tham gia vào câu chuyện.

Anh nhà thơ dường như cũng hiểu tình trạng trớ trêu khi bạn anh cứ tiếp tục bài giảng về phẩm chất văn nghệ sĩ cho tôi nghe, và để kết thúc câu chuyện, với giọng nài nỉ, anh nói: anh cố giúp tôi, nói với xí nghiệp cho chúng tôi đi nhờ, lấy vé tầu Thống Nhất vừa tốn vừa chầu chực suốt ngày đêm mà chưa chắc đã lấy được. Bao nhiêu vé vào tay con phe hết, còn lấy vé chui thì chúng tôi không đủ tiền...Thế là anh thợ ảnh lại nói:
- Chúng tôi nghèo lắm. Văn nghệ sĩ mà. Lấy đâu tiền mua vé chui.
Tôi hoàn toàn thông cảm với anh điều ấy:
- Vâng. Văn nghệ sĩ thì nghèo rồi.
Anh nhà thơ lại cau mặt nhìn anh thợ ảnh. Khi hai anh ra về chúng tôi phá lên cười. Ðịnh bỗng nghiêm mặt và bừng bừng phẫn nộ:
- Ông vẫn có những ông khách như thế này đấy à?
- Còn hơn thế. Ðây dù sao vẫn là những người tôn trọng mình. Dù sao người ta cũng đến nhờ vả mình. Có những người chỉ hăm doạ bóng gió và đặt điều vu cáo mình nữa cơ.
- Cái ông văn nghệ sĩ ấy là ông gì?
Tôi nói cho Ðịnh biết đôi điều về ông thợ ảnh, người tôi đã thuê in tráng cuộn phim tôi tập chụp bằng máy ảnh Konica tự động của xí nghiệp để hoàn chỉnh cho nghề thi đua cờ đèn kèn hoa của tôi.
- Còn ông kia?
Tôi nói tên nhà thơ.
Ðịnh gật gù:
- Mình có đọc một hai bài của nó in trên báo. Mình nghe nói thằng này toàn ký tên học sinh để dễ được đăng. Thơ của nó cũng đạt dưới mức khu phố trên mức tiểu khu đấy.
- Nó biết mình nên không đến nỗi như ông chụp ảnh.
- Nhưng cũng phải nói thẳng với nó rằng nó không được phép dắt những thằng như thế đến gặp ông. Trước khi đến, chúng nó phải biết rằng sẽ đối thoại với ai chứ!

Ðịnh nổi doá lên thực sự. Tôi biết anh thương tôi, anh đang đau nỗi đau của tôi. Nỗi đau trước việc tôi đã mất chỗ đứng dưới ánh mặt trời, tôi đã chìm vào bóng tối.

*


Tôi quen Hứa Văn Ðịnh khi anh từ bộ đội chuyển về nông trường bông Gia Lâm, nông trường đầu tiên của miền Bắc sau chiến tranh chống Pháp kết thúc. Ðó là vào khoảng mùa đông năm 1955. Tôi, khi ấy làm phóng viên báo Tiền Phong về đó viết bài. Chuyến đi có ba ấn tượng tôi không quên được:

1-Chiếc máy cày với hàng lưỡi cày sáng loáng vật đất lên phá băng những bờ ruộng ngăn cách, tư hữu của nông dân ngàn đời cá thể, biến những ô ruộng nhỏ manh mún tiểu nông thành cánh đồng bao la của một nông trường mà chỉ hai tiếng nông trường thôi cũng đã đồng nghĩa với khát vọng đã biến thành sự thật, một thiên đường đang đến. Trên cánh đồng nông trường mới hình thành, tiếng máy cày gọi nông dân quanh vùng kéo đến phấn khởi nô nức như một ngày hội lớn. Họ đến để xem, để nhìn tương lai của họ.

2-Những chị công nhân nông trường cắp ngang sườn những cái rá đựng một thứ gì mang một mầu trắng tinh khiết. Ðó là phân đạm. Các chị bốc từng nắm, vung tay vãi trên cánh đồng đất vừa cày. (Một kiểu bón phân chẳng khoa học tý nào, sau này tôi mới biết như vậy.) Lần đầu tiên tôi trông thấy một thứ phân không có mùi hôi thối, trắng như đường kính, sạch đến thế, văn minh đến thế, tinh chất nhẹ nhàng đến thế. Thôi nhé! Vĩnh biệt những gánh phân bắc ủ đất ủ tro, những gánh phân chuồng lẫn bao rơm rạ trĩu vai kĩu kịt...

3-Ấn tượng thứ ba là cuộc đối thoại giữa tôi và Hứa Văn Ðịnh, anh cán bộ kỹ thuật của nông trường. Chung quanh anh là những đĩa hạt bông đang lên mầm, dài ngắn khác nhau. Anh cùng một số người nữa cũng trẻ như anh, cũng mặc quần áo bộ đội như anh, đang cầm những con dao nhỏ, mảnh, bổ tách những hạt bông đen và ngắm nghía cái lõi xanh xanh của nó.

Tôi tự giới thiệu và xin được làm việc với anh, nói rõ phần viết về anh là dành cho cái kết: Những người lính rời tay súng bước sang mặt trận mới, mặt trận kinh tế, mặt trận khoa học kỹ thuật, những người xây dựng nông trường đầu tiên trong cả nước.

Ðịnh từ chối thẳng thừng đề nghị của tôi:
- Mời anh lên làm việc với trưởng phòng.
Tôi vẫn lễ phép:
- Thưa anh. Chính đồng chí trưởng phòng giới thiệu tôi đến gặp anh.
Ðịnh rất thành thật:
- Thế thì trưởng phòng nhầm rồi. Trước tiên là tôi không biết kỹ thuật. Tôi làm việc này hoàn toàn bất đắc dĩ. Một bước đệm khi ra khỏi bộ đội thôi. Thật mà.

Cuộc phỏng vấn không thành. Ít ngày sau tôi sang bộ Nông Lâm làm việc (tôi là phóng viên nông thôn báo Tiền Phong, hay sang đấy nắm tình hình và gặp các cộng tác viên Dương Hồng Hiên, Lã Xuân Ðĩnh..., những kỹ sư đồng thời là thủ trưởng của những vụ chủ chốt ở bên ấy đặt bài) và gặp Hứa Văn Ðịnh ở toà soạn báo Nông Nghiệp có trụ sở ngay trong bộ. Anh đã làm phóng viên ở đấy.

Thế là chúng tôi cùng là đồng nghiệp. Và kết bạn. Rồi thân nhau. Vì cùng chí hướng, cùng khát vọng. Vì tuổi trẻ. Tôi và Ðịnh có những việc xẩy ra trong đời gần như trùng nhau. Chúng tôi cùng yêu vào một thời gian. Cùng cưới vợ một năm. Cùng sinh con đầu lòng một năm. Thời gian yêu thấm câu thơ Lê Ðạt:

Có yêu nhau mới thấy phố phường là bé
Ði đâu cũng gặp người quen


Thật may, Ðịnh có một cái ngách áp mái trên cầu thang tầng thượng một căn nhà ở phố Lò Ðúc, chẳng biết thuê lại của ai. Ðó là thiên đường gặp gỡ giữa Ðịnh và Hoà. Và những khi hai người không hò hẹn nhau ở đấy, Ðịnh giao chìa khoá cho tôi. Nó trở thành thiên đường của hai vợ chồng tôi thời còn đang yêu, thời còn chưa cưới. Ðể tới được thiên đường, chúng tôi phải đi qua cửa một căn buồng rộng, tiêu chuẩn hoá ở tầng hai trước khi lên thang, cái cầu thang dẫn tới ngách áp mái. Chủ căn buồng là một phụ nữ đã có tuổi sống độc thân rất quý chúng tôi cũng như quý Ðịnh và Hoà: Bác Thế. Chúng tôi bên nhau đôi lứa thần tiên suốt một ngày (Huy Cận) trên cái ngách xép của Ðịnh. Chúng tôi kéo xuống phòng bác Thế, nghe bác kể chuyện thời bác còn là nữ sinh trung học, ăn bánh su sê bác làm. Món quà quý nhất là toàn bộ tập Một nghìn một đêm lẻ in thời Hà Nội tạm chiếm mà bác cho chúng tôi mượn đọc. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc một cách trọn vẹn với tinh hoa ấy của văn hoá nhân loại. (Cũng xin mở một ngoặc đơn rằng tôi cứ đinh ninh bác Thế đã mất từ lâu mà không biết rằng bác vẫn còn sống. Ðịnh chết, bác biết tin nhưng đã yếu, không thể đến thắp hương ở bàn thờ Ðịnh được.) Cũng có khi cả bốn chúng tôi, nghĩa là Ðịnh, Hoà, tôi và vợ tôi bây giờ cùng tụ tập trong căn buồng áp mái chật chội của Ðịnh và mời bác Thế lên liên hoan, ăn bánh mì bít-tết, uống nước ngọt do vợ tôi và Hoà chuẩn bị.

Ðịnh cưới trước tôi. Hôm ấy tôi đang ở Thái Bình. Kết thúc sớm đợt đi lấy tài liệu viết bài, tôi đạp xe một lèo (ô-tô thời đó rất hiếm) về Hà Nội, kịp dự bữa cỗ cưới tổ chức vào buổi tối ở nhà Hoà, vợ Ðịnh.
Sau khi cưới, Ðịnh về ở nhà Hoà, ngôi nhà phố Ðiện Biên hiện nay. (Tôi không hiểu cái ngách áp mái phố Lò Ðúc anh bàn giao cho ai, bởi vì ít ngày sau tôi cũng kết hôn và không cần tới thiên đường ấy nữa.)

Ðó là quãng thời gian đẹp nhất của chúng tôi. Chúng tôi còn trẻ. Chúng tôi làm việc. Chúng tôi mơ ước. Chúng tôi tin rằng mình sẽ vẽ nên diện mạo mới của văn học Việt Nam. Hứa Văn Ðịnh đi mỏ. Anh viết về cuộc đình công ở mỏ năm 1936. Và đi các tỉnh. Tôi chuyển về Hải Phòng, bám chắc lấy Xi-măng, Duyên Hải. Ði các đảo, các nhà đèn. Dù Ðịnh ở Hà Nội, tôi ở Hải Phòng nhưng chúng tôi luôn gặp nhau. Tôi hay lên Hà Nội. Lên giao dịch với các nhà xuất bản. Lên năn nỉ xin tạm ứng. Khi những bức thư lâm li gửi Phan Xuân Hạt, Nguyễn Trí Tình nhà Thanh Niên, Nguyễn Gia Nùng nhà Lao Ðộng, Nguyễn Kiên nhà Văn Học, Trần Cẩn nhà Phổ Thông có hồi âm lộ ra hy vọng hay thất vọng thì cũng cứ phải lên để tác động thêm. Và tôi đều ghé nhà Ðịnh. Cũng như mỗi khi Ðịnh đi tỉnh nào có thể tạt qua Hải Phòng là anh không bỏ lỡ. Cả khi cuộc chiến tranh bắn phá của Mỹ đã leo thang ra quá vĩ tuyến 20, Sở Dầu đã cháy, Ngã Sáu đã bị bắn rốc-két. Nhà chật. Vợ con tôi nằm cả trên chiếc giường độc nhất. Tôi và Ðịnh nằm dưới sàn gỗ. Suốt tối báo động. Tôi bọc bóng đèn tròn bằng giấy báo. Ngọn điện hắt những đốm vàng nhạt đu đưa nhè nhẹ lên trần. Ðịnh bảo: "Cái ánh sáng này rất xi-nê-ma ông ạ." Khi đó Ðịnh đã chuyển về Cục Ðiện ảnh. Anh đã kéo tôi lên trại sáng tác kịch bản phim. Ðề cương của tôi được nhà biên kịch Xuân Tùng, tác giả kịch bản Chung một dòng sông và cục trưởng Phạm Tuấn Khánh thông qua với những nhận xét tốt và tôi được ký hợp đồng, được tạm ứng gần một nghìn đồng, món tiền khổng lồ ngày ấy.

Cái ánh sáng xi-nê-ma trên trần nhà tôi nhiều khi cũng tắt nốt. Hoàn toàn tối đen. Xuống cầu thang càng tối. Ðịnh nắm áo tôi mò mẫm lần từng bậc thang trong tiếng còi báo động rền rĩ và tiếng máy bay rầm rầm trên trời:
- Ðồng chí. Ðồng chí đưa tôi đi đến đâu đấy đồng chí?
- Báo cáo đồng chí. Tôi đưa đồng chí đến hầm trú ẩn.
Liền đó là những tiếng pháo, tiếng đại liên và cả những tiếng súng trường đơn lẻ. Bầu trời sáng lên những đường đạn đỏ lừ.

Một lần Ðịnh một mình với một lái xe trên chiếc U-oát đến tôi. Chưa bao giờ anh đi với tiêu chuẩn cao như vậy. Thì ra anh đang làm phim ở Hải Dương. Anh đang là thượng khách ở trên ấy. Anh xin xe về Hải Phòng đón tôi lên ăn món đặc sản tỉnh uỷ chiêu đãi mà anh rất thích: Ba ba. Ăn xong, rượu xong, ngà ngà say, chúng tôi ngủ ở nhà khách tỉnh uỷ. Sáng hôm sau, đang đánh răng rửa mặt, cả hai chúng tôi bỗng dừng lại lắng nghe: Ðài Tiếng nói Việt Nam truyền đi thông cáo về hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung Ương Ðảng Lao Ðộng Việt Nam.
Ðịnh bảo tôi:
- Một buổi sáng lịch sử.
Ðúng là một buổi sáng lịch sử vì đó là buổi sáng công bố chính thức quan điểm của Ðảng về phong trào cộng sản quốc tế, về những mâu thuẫn, chia rẽ trong phong trào và thái độ của Ðảng.

Chúng tôi đón buổi sáng lịch sử đó không phải ở Hà Nội, không phải ở Hải Phòng mà ở Hải Dương. Hình như một buổi sáng có gió heo may, thứ gió đánh thức tình yêu cuộc sống.

*


Tôi đã ngừng viết hơn hai mươi năm, ngừng in gần ba mươi năm. Mặc bạn bè thúc giục. Mãi tới năm 1990 tôi mới cầm bút trở lại. Các bạn tôi mừng vì chuyện ấy. Không chỉ mừng vì tôi không bỏ nghề, mà còn vì sức khoẻ tinh thần của tôi như cách nói của Dương Tường. Nét mặt Ðịnh tươi rói:
- Tôi đã nói sớm muộn thế nào ông cũng viết. Ông bỏ là ông thua.
Tôi bảo:
- Thật ra chẳng hay ho gì cái nghề này. Nhưng chúng mình đã trót rồi. Với lại bây giờ là lúc viết được.
Ðịnh ký tặng tôi kịch bản phim Số Ðỏ do anh chuyển thể. Anh tặng tôi tập thơ Cung Trăng...

Tôi vốn không thích nói về những gì sẽ viết. Nên Ðịnh cứ gặng:
- Bao nhiêu chuyện chờ ông đấy.
Ðịnh giục tôi viết về những ngày tôi đi lang thang, những ngày tôi sa vào vòng lao lý. Tôi ướm thử:
- Ông thấy Papillon của Henri Charrière thế nào?
Ðịnh xuýt xoa:
- Khá quá. Quyển ấy khá quá.
Tôi bảo Ðịnh:
- Chuyện tù của Charrière dễ viết. Nó có nhiều sự kiện. Nó ly kỳ...
Ðịnh bảo tôi:
- Mình biết có một người đi tù về rồi cứ ra sân đào bới một cái gì đó.
Và vỗ lên đầu:
- Anh ta bị hỏng cái này.
Tôi gật đầu:
- Mình cũng xuýt bị hỏng cái đầu đấy. Mình sẽ viết với hết sức mình. Nhưng không phải chỉ có chuyện ấy.

Thỉnh thoảng gặp nhau, Ðịnh hỏi:
- Ông viết đến đâu rồi?
Tôi cười: "Mình đang viết."
Nói vậy để Ðịnh yên lòng. Viết trở lại đâu dễ. Tôi đang đánh vật với chính tôi. Dù có bao chuyện để viết. Văn ôn vũ luyện. Lâu lắm không cầm bút. Lại gần như không đọc. Lại có biết bao người không muốn mình viết. Tôi chẳng ham hố. Càng không cay cú. Tôi viết để chơi. Viết để cân bằng sinh thái, cân bằng đầu óc, để tập thể dục cho trí não. Tôi viết ít. Và chỉ viết những gì tôi thấy là cần thiết. Những gì tôi sợ rồi sẽ bị lãng quên đi.

*


Khoảng cuối năm 1994 sức khoẻ Ðịnh có vấn đề. Sang năm 1995 thì suy giảm rõ rệt. Vốn là người mập nhất "hội" anh sút cân rất nhanh. Mỗi lần gặp, anh một gầy. Gầy trông thấy. Anh bị suy tim. Ði đứng chậm chạp. Nhưng vẫn mắt sáng và vẫn những suy nghĩ sắc sảo về nghề nghiệp. Vẫn những cách nói riêng biệt của anh, sâu và khinh bạc. Và vẫn không ngừng thúc giục tôi, lần này là một đề tài khác:
- Ông phải viết về đánh cá. Ông ở đấy bao nhiêu năm rồi. Ông viết về những thuyền viên bị biển vây quanh, không biết dùng thời gian vào việc gì, vùi đầu vào bài bạc...

Ðịnh kéo tôi đi ăn tiệm. Bia. Chim tần. Từ khi anh bệnh, tôi lên là anh kéo tôi đi ăn hàng, không ăn ở nhà nữa. Bữa ăn cuối cùng giữa hai chúng tôi là bữa cơm niêu tại đường Ðiện Biên Phủ (Hà Nội) gần nhà anh. Anh đã yếu lắm. Tóc bạc xoã vai. Anh chậm chạp nhấc chiếc xe Mifa qua bức tường phân cách giữa lòng đường. Chậm chạp đạp xe ra giữa lối. Hơi loạng choạng. Rồi giữ vững tay lái. Mặc cả đoàn xe ô-tô nối đuôi bóp còi giục giã, bực tức. Cứ từng vòng chậm chạp.
Chỉ mình tôi ăn. Anh ngồi nhìn, thỉnh thoảng mới nhấm nháp ngụm bia và bảo:
- Ăn ở đây chứ bắt bà Hoà nấu làm gì. Mà bà Hoà bà Bích không làm được món rau cải này đâu. Ông ăn xem nào. Có đúng là còn nguyên mùi cây rau vừa nhổ ở vườn lên...
Ðó là thứ rau cải non mọc chưa đầy gang tay, để cả cây, chần vào dầu sôi. Xanh ngắt. Dòn. Tươi hăng. Nhưng đã chín tới. Ăn ở nhà hàng nhưng cứ có cảm giác đang ở giữa vườn rau như Ðịnh nói.
Anh sung sướng nhìn tôi ăn.

Ngày ấy chưa bao giờ tôi nghĩ Ðịnh cũng như bọn tôi bắt gặp cái chết. Chúng tôi đã sống được mấy đâu. Dù cách đó ít lâu chính tôi đã điện lên cho Ðịnh về cái chết của Minh Ðà. Nhưng Minh Ðà bị ung thư, một căn bệnh vô phương cứu chữa. Còn tim mạch như Ðịnh chúng tôi lại coi là bình thường. Mạc Lân đấy. Nhồi máu cơ tim cả hàng chục năm có sao đâu.

Hôm nay tiếng Ðịnh như vẫn còn bên tai tôi, với âm sắc rất riêng biệt của anh trong lúc anh ngồi nhìn tôi ăn:
- Ông đã bắt đầu viết. Tôi mừng cho ông. Cái truyện Người ở cực bên kia của ông trên Văn Nghệ được. Tôi chỉ muốn ông viết khoẻ khoắn, không những không than vãn mà còn hài hước. Hãy kể những chuyện đau bằng cái giọng hài.

Dương Tường đã khuyên tôi như vậy. Và bây giờ là Ðịnh. Nhưng u-mua đâu dễ. Tôi khoe với Ðịnh tôi đã hoàn thành một tập hồi ký. Và đưa cho Ðịnh xem bức thư của Vương Trí Nhàn, biên tập viên nhà xuất bản Hội Nhà văn viết cho tôi, những nhận xét tốt của Nhàn về tập hồi ký ấy.
- Ông còn bản phô-tô nào không?
Tôi bảo nhà xuất bản Hội Nhà văn đang in, anh sẽ có sách trong một ngày gần đây thôi. Ðịnh bảo:
- Ông phải viết tiểu thuyết. Tôi tin ông sẽ có những thành công rất đặc biệt. Trách nhiệm của ông nặng lắm.
Tôi hiểu lời Ðịnh nói. "Quyển tiểu thuyết của đời tôi" cũng đã hoàn thành. Tôi viết quyển tiểu thuyết không phải chỉ vì Ðịnh và bè bạn khuyên mà còn vì nhiều lý do khác nưã. Tôi mong tập hồi ký của tôi sớm được xuất bản.

Mùa Ðông năm 1995, nghĩa là nửa năm sau đám tang Minh Ðà, tập sách mới được in xong. Ðỗ An Bình mang từ Hà Nội về cho tôi mười tập sách bản quyền. Tập Một thời để mất do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Lâu lắm mới được in sách nên tôi hơi ngạc nhiên: Sách bản quyền chỉ có mười quyển chứ không phải hai mươi quyển như trước.

Mười quyển sách "mới ra lò" tinh khôi xếp chồng lên nhau, không một vết bẩn, không một vết nhầu, chưa từng có ai lật giở dù chỉ một trang. Mười quyển sách còn hoàn toàn nguyên sơ, trinh tiết của tôi chờ tôi lật giở!
Tôi nhìn tên mình in trên bìa sách, một bìa sách rất trang nhã do Trần Vũ trình bầy. Tôi lật bìa 4. Cái ký hoạ của Nguyễn Hồng Hưng vẽ tôi trong năm phút đầu tiên chúng tôi vừa gặp nhau, còn chưa biết tên và nghề nghiệp của nhau. Tôi lật trang bìa lót. Rồi trang đầu in chữ ngả mà chúng tôi gọi là italic. Một cái rùng mình gai gai khe khẽ chạy suốt dọc người tôi. Không. Tên tôi đã được in trên nhiều bìa sách. Nhưng đây là tập sách sau 27 năm. 27 năm chết. 27 năm sau tôi lại được đứng dưới mặt trời. Từ thế giới bên kia, 27 năm sau tôi trở lại thế giới này. Tôi sống lại. Ngay khi mới bước vào nghề, nhìn tập sách đầu tiên của mình được in cũng không xúc động như vậy. Lúc đó chí đơn giản là sống. Còn bây giờ là sống lại.chết đi sống lại.

Tập sách tôi viết về Nguyên Hồng, về tôi, về Nguyên Bình, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Vũ Thư Hiên, Thi Hoàng, Nguyễn Văn Chuông... Tôi đề nghị nhà xuất bản chuyển tất cả nhuận bút của tôi thành sách. Ðể tặng bạn. Ðể các bạn tôi thấy tôi đã chính thức xuất hiện trở lại. Tôi đề tặng các bạn tôi. Tặng Ðịnh & Hoà. Ðể hai bạn biết rằng mình lại viết. Rằng mình vẫn còn thoi thóp chứ chưa chết hẳn.

Tôi chưa thể mang sách lên Hà Nội tặng các bạn tôi trên ấy được.
Vì Nguyên Bình.
Nguyên Bình từ Hà Nội về mở một lớp huấn luyện ngắn ngày cho tôi và mấy người bạn khác về khí công động, về cách khai mở các luân xa, về mạch đốc, cách thở bốn thời kỳ... Khoá học bẩy ngày. Ðã được bốn. Thì chiều hôm ấy đi học về tôi thấy vợ tôi đứng trong con hẻm ngay trước cửa nhà, tay cầm một tờ giấy nhỏ, nhìn ra đầu hẻm ngóng tôi.
Thấy tôi, vợ tôi mếu xệch, oà lên:
- Anh Ðịnh chết rồi.
Rồi đưa cho tôi tờ giấy. Ðiện. Ðiện của Mạc Lân. Tôi giữ bức điện ấy cho đến hôm nay như giữ dấu chấm hết cuộc đời một người bạn: Hứa Văn Ðịnh chết. Ðưa sáng chủ nhật. Lân. Dấu bưu điện Hải Phòng: 29-12-1995. Tôi kiếm xe lên Hà Nội ngay lúc đó. Lại là ô-tô của Ðỗ An Bình. Tất cả sách đã ghi tặng bạn đều để lại. Bởi vì dù sẽ gặp rất đông các bạn trong đám tang nhưng không thể tặng sách trong một ngày như vậy. Chỉ mang lên một quyển tặng Ðịnh. Dù đã muộn rồi. Chẳng thể đưa cho Ðịnh được nữa.

Ngay đêm hôm đó tôi và Ðỗ An Bình có mặt ở nhà Ðịnh. Vừa kịp cùng Hoà và những người khác khâm liệm anh. Hôm sau chúng tôi đưa tiễn Ðịnh tới nghĩa trang. Lại qua Lò Ðúc. Căn buồng áp mái của Ðịnh bên trên nhà bác Thế, thiên đường của bốn chúng tôi ở chỗ nào tôi không nhận ra.

Lại qua Phà Ðen. Và Vĩnh Tuy nơi anh yên nghỉ cũng là nơi tôi và vợ tôi vẫn ngồi trên bãi cỏ khoác vai nhau nhìn sao thời còn đang yêu. Tôi bỗng hiểu ra một điều đơn giản: Cuộc đời thật ngắn ngủi và thế hệ chúng tôi đã bắt đầu kết thúc kiếp phù sinh của mình. Tất cả chúng tôi sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào.

Trời rét. Tôi cho tay vào túi áo bông sờ nắn quyển Một thời để mất tặng Ðịnh.
Chờ mọi người lên xe ra về tôi mới rút tập sách ra. Chỉ còn tôi và anh. Tôi thì thầm với Ðịnh mấy câu. Cầm quyển sách vái Ðịnh. Rồi xé từng tờ. Bật diêm đốt trước mộ anh phủ kín những hoa tươi.

Ngã Sáu
22-12-1999
Rằm tháng 11 Âm lịch, ngày thay áo cho Ðịnh
Nguồn: Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003