© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
13.7.2005
Vũ Ngọc Tiến
Ðiều tra đời sống cư dân đô thị Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975
4 kì
 1   2   3   4 
 
III. Giai đoạn 1966-1975: Chiến tranh và hai mặt của mô hình Stalin

1. Chiến tranh san lấp các hố bờ ngăn cách

Ngày 5/8/1954, khi chiếc tuần dương hạm Cơ Ðốc của Mỹ cố tình đụng độ với hải quân Bắc Việt Nam, gây ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ” thì trên thực tế, các tầng lớp cư dân đã bắt đầu cuộc sống thời chiến. Tuy nhiên, ở góc nhìn lịch sử kinh tế, ta vẫn có thể xem giai đoạn này bắt đầu từ năm 1966, khi miền Bắc kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và cuộc chiến tranh đất đối không đã lan rộng khắp các tỉnh, thành phố. Lịch sử đã chứng minh người Mỹ đã sai lầm khi áp đặt tư duy của nền kinh tế mở và tiên tiến vào một nước có mô hình kinh tế đóng, lạc hậu, tự cung tự cấp. Vì vậy, mục tiêu của người Mỹ muốn dùng máy bay phá nát hệ thống giao thông, đánh sập các cơ sở kinh tế, quốc phòng của miền Bắc để ngăn chặn chi viện cho Việt cộng ở miền Nam và kích động dân chúng đô thị miền Bắc nổi loạn đã phá sản ngay từ đầu cuộc chiến. Từ góc độ kinh tế, ta có thể lý giải như sau:

(Hai là con trai ông Nghĩa, anh ruột liệt sĩ Trừng. Vậy là ông Nghĩa sẵn lòng dứt ruột để hai đứa con trai đều tình nguyện đi B – VNT chú giải).


Ông ÐVX, sinh năm 1932, một nông dân ở xã Cao Mại, huyện Kiến Xương, Thái Bình:

“Ở xã tôi, người giáo (Thiên chúa giáo) có mối thâm thù với người lương trong kháng chiến vì họ cho rằng du kích đã giết cha At Khang và mấy trăm giáo dân trong kháng chiến 9 năm chống Pháp. Nhưng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, người dân hai bên lương và giáo đều có chung nỗi mong ngóng, chờ đợi con cái đi B, nhiều đứa cùng đơn vị nên cha mẹ ở nhà đều đọc thư chung của những đứa con. Lâu dần, oán thù cởi nới, họ trở nên thân thiết với nhau, cùng làm việc trong hợp tác xã, cùng chia sẻ mọi nỗi niềm.”


Ông NDL, sinh năm 1947, cán bộ ngành thủy sản, hiện sống ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Ðình, Hà Nội:

“Quê tôi ở Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh, là nơi đất mới quai đê lấn biển nên nghèo lắm. Mẹ tôi không chịu vào hợp tác xã, buôn bán thêm ngoài chợ huyện nên gia đình có chút của ăn, của để. Chính quyền xã và Ban chủ nhiệm hợp tác luôn nhòm ngó, ganh ghét, trù dập, phê vào lý lịch mấy anh em tôi như là con em của phần tử phản cách mạng. Cha tôi bị bạo bệnh chết từ năm 1952 mà họ phê mập mờ vào lý lịch là mất tích, không rõ theo địch hay theo ta. Tôi và ông anh cả đều học giỏi nhưng chúng tôi bảo nhau, lý lịch xấu thì đi thi đại học làm gì cho phí công, đi bộ đội phấn đấu tốt, ra khỏi làng, chẳng đứa nào chặn đường tiến thân của mình nữa. Anh tôi hy sinh ở chiến trường Khe Sanh năm 1968. Ðến lượt tôi vào bộ đội phấn đấu tốt, là em liệt sĩ, lại có văn hóa cao nên được cử đi học kỹ thuật tên lửa ở Nga. Trước ngày giải phóng miền Nam (1975), tôi là thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tên lửa ở đất thép Vĩnh Linh. Giải ngũ, tôi được chuyển sang ngành thủy sản, được đi Nga lần thứ 2 để học về quản lý.”


2. Khái quát về thu nhập quốc dân miền Bắc trong chiến tranh

Nhiều học giả phương Tây tỏ ý nghi ngờ và phủ nhận các chỉ báo thống kê kinh tế của miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1966-1975. Họ sẵn có định kiến với mô hình kinh tế Stalin đã làm Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, nhưng lại quên rằng, chính mô hình đó đã góp phần giúp Liên Xô đánh thắng phát xít Ðức trong thế chiến thứ 2. Bằng những phân tích ở phần II, ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để yên tâm sử dụng các số liệu thống kê ở miền Bắc trong thời chiến. Cho dù nó có đôi chút sai lệch do chủ nghĩa thành tích, dẫn đến gian dối ở cấp cơ sở, song về cơ bản nó vẫn cho ta một bức tranh thu nhập quốc dân khá hoàn chỉnh và có thể tin được (Niên giám thống kê nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1975).

Mức tăng thu nhập quốc dân (GDP) trong chiến tranh:

Mức tăng thu nhập bình quân đầu người (GNP) trong chiến tranh:

Như vậy, ngay cả năm 1968 là thời điểm chiến tranh ác liệt nhất thì GDP giảm 16% so với năm 1965, nhưng vẫn tăng 9% so với năm 1961. Về mặt đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người năm 1968 giảm 24% so với năm 1965, nhưng nó vẫn xấp xỉ năm 1961 (92%) và đến năm 1974 đã tăng 3% so với năm 1965.

Ðây có thể nói là thành công tuyệt vời trong lịch sử các cuộc chiến tranh hiện đại. Một vài nhà Việt Nam học trên thế giới có phần võ đoán cho rằng người Trung Quốc đã nuôi sống dân Bắc Việt Nam trong chiến tranh. Thật ra, ở thời điểm trước khi bước vào cuộc chiến (1965), do chính sách “thắt lưng buộc bụng”, người dân miền Bắc, nhất là khu vực đô thị đã bị bần cùng hóa tới mức không thể nghèo khổ hơn được nữa. Do vậy, nền kinh tế trong suốt cuộc chiến tranh vẫn đủ nuôi sống các tầng lớp dân cư ở mức nghèo khổ như trước chiến tranh cũng là dễ hiểu. Viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và Ðông Âu cả về vũ khí và lương thực đều dồn cho chiến trường miền Nam. Một phần rất nhỏ viện trợ của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế mang tính phục vụ dân sinh, chủ yếu nhằm cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên trong biên chế và cư dân đô thị.

Ðể thấy rõ hơn, ta có thể phân tích cơ cấu sử dụng GDP trước và trong chiến tranh. Giai đoạn 1961-1965, cơ cấu sử dụng GDP chủ yếu là quỹ tiêu dùng: 75,1%-77,4% (trong quỹ tiêu dùng đó 87,74% cho tiêu dùng cá nhân của dân cư, 4,1% dùng cho y tế-giáo dục- văn hóa, 8,16% dùng cho hành chính và an ninh quốc phòng). Phần tích lũy trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, dù Chính phủ đã rất cố gắng, nhưng vẫn rất ít (24,7-25,1%) và nằm trong tài sản cố định (nhà máy, đường xá, công trình thủy nông…), không có tích lũy ngoại tệ, chỉ có rất ít tích lũy về nguyên liệu sản xuất. Bước vào chiến tranh, nền kinh tế nhỏ bé và khép kín này vẫn sử dụng GDP vào tiêu dùng từ 72,7% (1967) đến 83,5% (1973). Cái hay và độc đáo của mô hình kinh tế tập trung, bao cấp là ở chỗ dù trong hoàn cảnh chiến tranh, Nhà nước vẫn có thể tích lũy dưới dạng tài sản cố định 19,2% (1968) đến 24,0% (1974), cá biệt năm 1972 chỉ có 3,5% vì chịu thiên tai lũ lụt lớn năm 1971 và cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ (12/1972).

Những chỉ báo thống kê vừa nêu cho phép ta có bức tranh tổng thể về kinh tế thời chiến, trước khi đi vào điều tra, mô tả đời sống cư dân đô thị.


3. Mức sống và chất lượng sống qua số liệu thống kê

Nhìn chung, bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt, cái mô hình “bãi cỏ xén bằng” được tiếp tục kiện toàn, phát huy tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực trong đời sống cư dân đô thị. Trước hết, ta xét qua các chỉ báo thống kê về thu nhập của khối cán bộ công nhân viên trong biên chế.

Như vậy, trong hoàn cảnh thời chiến, hàng hóa khan hiếm, giá cả sinh hoạt tăng lên, đồng tiền mất giá (24%-31%), Nhà nước đã liên tục tăng lương cho khối cán bộ công nhân viên bằng việc lạm phát tiền. Cách làm này có tác động ổn định đời sống cho khối cán bộ công nhân viên trong biên chế nhà nước, đẩy khó khăn về mức sống sang khối xã viên nông nghiệp ở nông thôn và xã viên thủ công nghiệp, hộ làm ăn cá thể ở đô thị. Ðây là ưu thế tuyệt đối của mô hình kinh tế Stalin trong chiến tranh mà không một mô hình kinh tế nào khác có thể làm được tốt hơn. Thế mạnh của mô hình Stalin còn ở chỗ mức độ tăng giá cả trên thị trường cũng không quá lớn so với các đô thị miền Nam ở giai đoạn này (thường là vài chục phần trăm/năm), nhưng ở miền Bắc:

Xét về cơ cấu thu nhập, người trong biên chế do điều kiện chiến tranh sơ tán về nông thôn không có cơ hội làm thêm để tăng thu nhập. Họ chỉ có thể trồng rau và chăn nuôi thêm để cải thiện bữa ăn, song không đáng kể, chủ yếu dựa vào lương và tiêu chuẩn cấp phát. Ðối với cán bộ xã viên thủ công nghiệp, vì không có số liệu thống kê nên tạm sử dụng số liệu thống kê cho các hộ xã viên ở nông thôn để tham khảo. Nếu trước chiến tranh (1961-1965), cơ cấu thu nhập của họ là thu nhập trong hợp tác xã 40,39%, còn ngoài hợp tác xã là 59,61%, thì các giai đoạn sau con số tương ứng sẽ là: 1966-1970 là 34,53% và 65,47%, 1971-1975 là 35,48% và 64,52%. Tình hình cơ cấu thu nhập của xã viên hợp tác xã thủ công ngoài đô thị cũng na ná như vậy. Họ phải bươn bả kiếm sống ngoài hợp tác xã là chính. Phương thức kiếm sống vẫn giống như đã điều tra, phỏng vấn ở giai đoạn 1961-1965. Chỉ có điều thời gian đầu tư vào việc kiếm thêm và cường độ lao động của họ cao hơn gấp 2-3 lần trước chiến tranh mới đủ sống.

Nghiên cứu các số liệu thống kê, ta còn thấy các mặt y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật đã được phát triển và chuyển hướng để phục vụ đời sống tinh thần dân cư đô thị thời chiến khá ấn tượng và hiệu quả.

Về y tế, mạng lưới bệnh viện, bệnh xá phát triển rất nhanh, phân tán về các vùng có người đô thị về sơ tán. Năm 1965 cả miền Bắc có 252 bệnh viện và 390 bệnh xá. Ðến năm 1967 tăng lên 434 bệnh viện, 390 bệnh xá. Năm 1974 có 441 bệnh viện, 518 bệnh xá. Trong 3 năm chiến tranh ác liệt nhất (1967-1969) số lượng các cơ quan, xí nghiệp và dân cư đô thị sơ tán về nông thôn, rừng núi rất đông nên số trạm y tế - hộ sinh cấp xã tăng lên 6.000 trạm. Số lượng thầy thuốc năm 1966 có 1.998 bác sĩ, 8.806 y sĩ, 40.461 y tá và 15.983 nữ hộ sinh. Các con số tương ứng của những năm sau: 1968 có 2.838 – 12.056 – 46.779 – 15.713; năm 1970 có 3.806 – 18.087 – 48.077 – 12.190; năm 1972 có 4.989 – 20.102 – 45.499 – 11.266 và năm 1974 có 5.513 – 21.035 – 43.499 – 9.552. Cán bộ, công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh trung học chuyên nghiệp được khám chữa bệnh miễn phí, ngoài ra còn được bồi dưỡng bằng tiền hoặc đường, sữa. Các bà mẹ khi sinh con được trợ cấp tiền và được cấp từ 4-8 hộp sữa/tháng. Các xã viên hợp tác xã và người lao động tự do nếu phải cấp cứu do tai nạn chiến tranh cũng được chữa chạy miễn phí toàn bộ.

Về giáo dục – đào tạo, trong chiến tranh, các trường phổ thông và đại học, trung học chuyên nghiệp phải sơ tán từ thành thị về nông thôn đã tạo nên sự giao thoa về giáo dục giữa hai cộng đồng dân cư nông thôn – thành thị, làm cho chất lượng giữa 2 vùng không có chênh lệch đáng kể. Nó cũng góp phần kích thích nông dân cho con đi học để đạt mơ ước “thoát ly” thành người trong biên chế mà họ ấp ủ từ trước chiến tranh (1961-1965). Số liệu thống kê các cấp học giai đoạn này như sau:

Niên học 1966-1967 có 3.325.800 học sinh phổ thông, 101.90 học sinh trung học chuyên nghiệp, 48.400 sinh viên đại học. Các số liệu tương ứng những niên khóa sau:

Qua các số liệu trên, ta thấy đã bắt đầu có dấu hiệu bất hợp lý về cơ cấu đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp (một phần do chế độ cử tuyển (không thi) trong một số năm). Ðây là một sai lầm trong chiến lược đào tạo so với giai đoạn 1961-1965 và nó còn tiếp tục sang các niên khóa sau chiến tranh như GS Tạ Quang Bửu đã cảnh báo. Từ niên học 1965-1966, Nhà nước ồ ạt cử người đi học ở Liên Xô, Trung Quốc, Ðông Âu. Những người này gửi về nước nhiều loại hàng hóa tiêu dùng (xe đạp, xe máy, radio, quạt điện, vải, len, dạ…) cũng góp phần nào cải thiện mức sống cho cư dân đô thị.

Về văn hóa – nghệ thuật, số đầu sách văn học có ít đi, nhưng lượng in tăng mạnh. Năm 1965 có 303 đầu sách với 1.372.000 bản in; năm 1973 có 114 đầu sách với 1.813.000 bản in. Ngành điện ảnh trong chiến tranh đặc biệt phát triển loại phim tài liệu, và phim truyện ngoại nhập chủ yếu là về đề tài chiến tranh. Các đội chiếu bóng lưu động phát triển rất nhanh vể số lượng và xuất chiếu. Suốt thời gian chiến tranh, mỗi năm có 70-100 triệu lượt người xem phim trên dân số 20 triệu, là con số mơ ước của bất cứ nhà kinh doanh điện ảnh nào trên thế giới. Âm nhạc phát triển song hành cả 2 thể loại ca khúc cách mạng và âm nhạc hàn lâm. Ðáng trân trọng là các bản giao hưởng của Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Thương, Cao Việt Bách…


4. Bức tranh đời sống đô thị qua điều tra, phỏng vấn

Có thể nói đây là thời kỳ nông thôn hóa thành thị do yếu tố chiến tranh. Tiêu chí khác biệt giữa nông thôn với thành thị rõ nhất là điện, nước, y phục và tiện nghi sinh hoạt. Tất cả đã được người thành thị và các khu công nghiệp chủ động nông nghiệp hóa. Người đi sơ tán hay ở lại thành phố đều ăn mặc một loại quần áo sẫm màu (đen, nâu, xanh rêu, xanh lá cây). Áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam chỉ dùng cho các nhân viên khách sạn hoặc cửa hàng giao tế, thậm chí có nhiều đám cưới cô dâu cũng không mặc áo dài. Mùa hè, mốt độc đáo của những cô gái Hà Nội, Hải Phòng xinh đẹp, có nước da trắng, cổ cao ba ngấn là loại áo cánh nâu hoặc áo bà ba đen (Nam Bộ) may bằng vải lanh hoặc phin nõn đã nhuộm. Mùa đông, những cô gái này thường mặc áo kiểu nữ quân nhân có hai túi, thắt ở eo lưng, bên trong mặc áo mút hoặc len cổ lọ màu đen, đỏ hoặc màu lòng trứng. Nam giới ở thành phố diện nhất vào mùa hè là quần simili Tiệp màu ghi đá, màu lá cây, còn sơ mi là pôpơlin Tiệp hoặc Trung Quốc, cũng màu ghi đá, màu xanh lá cây. Vào mùa đông, trang phục phổ biến là áo bông xanh Trung Quốc, áo đại cán may theo kiểu Tôn Trung Sơn bằng vải kaki hoặc bông dạ Mông Cổ. Chỉ trong đám cưới mới thấy xuất hiện vài bộ complet, nhưng cũng là loại hàng len màu sẫm. Tóm lại trang phục của người thành phố không có gì khác lắm so với người có trình độ văn hóa hoặc có vị thế ở nông thôn.

Do bị đánh phá ác liệt nên điện và nước sinh hoạt trở nên thiếu, chỉ tập trung ưu tiên cho sản xuất. Người dân trong thành phố luôn phải dự phòng đèn dầu để dùng những lúc bị cắt điện. Trong số đồ dùng thiết yếu trong mỗi gia đình ở thành phố lúc này không thể thiếu những vật như: bao vải để đi đong gạo, can đựng dầu, thông phong, bấc đèn, bấc bếp dầu, can nhựa mua nước mắm, dấm v.v… Nước máy không đủ công suất và áp lực, nhiều nhà phải đào một hố ở vỉa hè, hạ thấp ống nước để hứng nước máy, hoặc đào giếng ngay trong khu phố trung tâm. Năm 1972 đã có hiện tượng dân đào giếng gặp khí độc C02, mêtan bị chết ở phố Hàng Bồ (khu Hoàn Kiếm). Các máy nước công cộng thường đông nghịt những người xếp hàng chờ lấy nước. Nhiều hộ dân, các thành viên trong gia đình đi sơ tán mỗi người một nơi nên cửa luôn khóa và mặt cửa đầy những dòng chữ viết bằng phấn để nhắn tin cho nhau mua dầu, gạo, thực phẩm hoặc chỉ số điện đã tiêu thụ… Ðịnh suất lương thực cho mỗi người vẫn được Nhà nước cung cấp đủ, nhưng gạo để dành tập trung cho bộ đội ngoài mặt trận nên dân phải ăn độn như ở nông thôn. Thông thường tỷ lệ độn là 60% gạo và 40% bột mì, sắn, ngô. Ðể giải quyết việc chế biến chất độn, đã xuất hiện một đội ngũ các hộ tư nhân làm mỳ sợi, làm bánh qui gai xốp hoặc đổi bột mỳ lấy gạo với tỷ lệ chỉ còn một nửa. Lại một lần nữa ta thấy kinh tế thị trường vẫn tồn tại, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách của nhân dân. Từ năm 1969, Nhà nước bán mỳ sợi cho nhân dân ăn độn thì các cơ sở làm bánh qui gai xốp thu hẹp sản xuất theo thời vụ chỉ để phục vụ Tết, cưới hỏi hoặc liên hoan. Lúc này trên thị trường “chợ đen” lại xuất hiện nghề buôn bán nguyên liệu làm bánh qui gai như bột mỳ, đường, sữa, trứng gà…

Ngành thương nghiệp được mệnh danh là “người nội trợ” của toàn xã hội, ngoài việc phân phối cho toàn bộ khối cư dân thành thị cái ăn, cái mặc, chất đốt… theo định lượng tem phiếu, còn phải lo cung cấp cả những mặt hàng thiết yếu trong những ngày lễ, tết, cưới hỏi, ma chay… Người ta chia ra các loại bìa mua hàng: hộ độc thân, hộ bốn người và hộ trên bốn người… Ngày Quốc Khánh (2/9) hàng năm mỗi bìa mua hàng được mua bánh kẹo, thuốc lá Tam Ðảo, chè gói Ba Ðình. Ngày tết Trung thu mỗi bìa được mua bánh dẻo, bánh nướng. Ngày tết Nguyên Ðán thường mỗi bìa được mua một túi hàng tết gồm: bóng, miến, mỳ chính, hạt tiêu, chè Ba Ðình, thuốc lá Ðiện Biên, rượu chanh hoặc cam và một hộp mứt, vài gói kẹo… Người kết hôn được mua một chiếc giường đôi giá 80 đồng loại tốt hoặc 60 đồng loại thường, một chiếc màn đôi 5, 6 đồng và một ít thuốc lá, bánh kẹo dùng trong hôn lễ. Người chết, có giấy báo tử sẽ được mua một chiếc quan tài bằng gỗ giá 50 đồng. Các bà mẹ sinh con, nếu mất sữa toàn phần được mua 8 hộp sữa/tháng, còn nếu mất sữa một nửa được mua 4 hộp sữa/tháng…

Chủ nghĩa bình quân thời chiến thực chất là chia đều sự nghèo khổ, vất vả trong đại bộ phận dân cư. Có lẽ vì thế đã nảy sinh trong tâm lý ứng xử của người dân thành thị một sự suy bì, nhòm ngó từng bữa ăn của người khác.


Bà ÐTH ở phố Mã Mây kể:

“Ngôi nhà của tôi có 8 hộ cùng ở, 5 hộ tầng dưới, 3 hồ tầng trên. Gia đình tôi ở tầng trên đun nấu bằng bếp dầu, nhưng ngại nhất là cái sàn gỗ ọp ẹp. Hễ băm chặt thức ăn gì là kinh động các hộ bên dưới. Tôi làm nghề “phe phẩy” ở phố Ngõ Gạch cũng kiếm được. Mỗi lần đi chợ về có con cá hay miếng thịt mua chui là phải dấu tít tận đáy làn, phủ mớ rau muống lên trên để các hộ khác không nhìn thấy. Nếu bữa nào mổ con gà, con vịt thì đến khổ… Lúc ăn không dám dùng dao chặt mà phải cắt từng miếng bằng kéo…”


Ông N.S kể lại:

“Vợ chồng tôi sống tập thể cơ quan trong dãy nhà cấp 4 ở Thanh Xuân. Tôi đi Tây về bán cái xe máy, đài Rigonda được ít tiền nên chủ nhật thường hay cải thiện. Nói chung mỗi lần như vậy, sáng thứ hai đi làm việc như thấy mình là đứa vừa ăn vụng bị bắt quả tang. Mọi người nhìn tôi nhấm nháy, còn sau lưng thì họ kháo nhau rành mạch hôm trước tôi ăn gì. Có lẽ vì thế mà năm ấy đại hội Ðảng bộ cơ quan, tôi ít phiếu nhất vì ‘không hòa mình với quần chúng.’”

Về “mốt” ăn uống, sinh hoạt thời đó có thể điểm qua vài hiện tượng:


Quán trà

Trước chiến tranh, ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã lác đác có vài quán trà ở cửa chợ, nhà ga, bến xe hoặc ngã tư lớn. Quán trà lúc đó chủ yếu phục vụ dân kéo xe ba gác, đạp xích lô hoặc khách đi tàu xe. Bắt đầu từ năm 1966 quán trà mở ra la liệt khắp mọi nơi và hình thức sinh hoạt quán trà đã trở thành mốt của cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên.

Khắp các đường phố Hà Nội, đi đâu cũng gặp quán trà, thường tập trung đông nhất ở cửa cơ quan, xí nghiệp và bến xe điện, bến ô tô, ga tàu hỏa. Ở các vùng nông thôn, hễ đâu có cơ quan, xí nghiệp, trường học sơ tán về là ở đó mọc lên nhan nhản các quán trà. Hình thức quán trà rất đơn sơ, chỉ là túp lều lợp giấy dầu nếu ở thành phố; lợp rơm nếu ở nơi sơ tán. Ðồ nghề trong quán vẻn vẹn một bếp dầu, 2 hoặc 3 cái phích Trung Quốc, 2 chiếc ấm sành loại 1 lít ủ trong cái thùng gỗ lèn chặt đủ loại giẻ rách hoặc rơm. Hàng hóa trong quán gồm mấy lọ kẹo (kẹo vừng hoặc kẹo bột 5 xu/1cái, kẹo lạc hoặc kẹo vừng thanh, kẹo nhồi 2 hào/1cái), 1 hộp thuốc lá (Tam Ðảo: 1 hào hai điếu, Ðiện Biên: 1 hào rưỡi đôi, Trường Sơn: 1 hào 3 điếu, thuốc lá cuốn: 1 hào 5 điếu). Nước trà bán theo chén, giá 5 xu một chén. Nhiều quán bán thêm rượu “quốc lủi” tức rượu của tư nhân nấu lậu, giá 2 hào/1 chén, có thể nhắm với lạc rang đong bằng chén con (50ml) với giá 1 hào. Ở một số quán còn bán thêm quà sáng như bánh chưng 2 hào/1chiếc, bánh giò 1 hào/1 chiếc. Tất cả bày trên chiếc bàn gỗ thấp chừng 60 cm và mấy chiếc ghế băng thấp khoảng 25-30 cm. Khách vào quán thường không phải vì nhu cầu giải khát. Cán bộ, học sinh, sinh viên đi sơ tán xa nhà rủ nhau đến quán chuyện phiếm. Những người ở lại thành phố, thị xã rủ nhau ra quán tâm sự và bàn chuyện công tác, chuyện vặt vãnh xảy ra trong cơ quan, chuyện chiến sự trong nước và thời sự quốc tế. Vì vậy không thiếu một thứ tin tức gì từ nội bộ cơ quan đến việc quốc gia đại sự được lan truyền từ quán trà. Khái niệm “thông tấn xã quán trà” hình thành từ thực tế này. Thống kê của ngành an ninh năm 1971 cho biết Hà Nội có 7.000 quán trà loại này (theo lời cụ NVK cán bộ về hưu, nguyên là chuyên viên phòng tổng hợp Sở Công an Hà Nội).

Ðối tượng kinh doanh quán nước lúc đầu là những người cao niên (ngoài 50 tuổi). Qua vài năm thấy nghề này kiếm được nên có nhiều phụ nữ trẻ đã bỏ việc cơ quan hoặc hợp tác xã thủ công nghiệp về mở quán trà kiếm sống, thậm chí làm giàu từ những quán trà lụp xụp.


Bà NTT nguyên là công nhân cơ khí nhà máy Trần Hưng Ðạo, bỏ việc về bán quán trà kể:

“Lúc đầu tôi mở quán ở chợ Ðuổi (cuối đường Bà Triệu), sau khi tôi sơ tán với các con về chợ Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) quán cũng khá đắt hàng, lại chẳng thuế má gì. Kẹo, bánh có người làm sẵn mang đến giao cho tôi, chuyến sau lấy tiền chuyến trước. Thuốc lá thì có hai nguồn: Thứ nhất, các cán bộ, công nhân, bộ đội được phân phối căng tin nhưng không dùng đem bán lại. Thứ hai, nhân viên cửa hàng bách hóa tuồn hàng ra ngoài kiếm lời. Chè là thứ nhà nước cấm bán trên thị trường, ưu tiên cho xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chè. Dọc các tuyến đường ô tô, tàu hỏa từ Phú Thọ, Yên Bái hay Bắc Thái về Hà Nội, Nhà nước kiểm soát rất kỹ, ai mang quá 0,2 kg chè là bị thu giữ. Tuy nhiên, các lái xe, cán bộ đi công tác, sinh viên đi sơ tán ai cũng tìm cách mang về trót lọt vài kg, có khi cả yến để kiếm lời. Tôi nghiệm thấy cái gì là nhu yếu phẩm cần thiết của dân mà Nhà nước cấm đoán thì chênh lệch giữa giá Nhà nước và giá thị trường tự do càng cao, càng khuyến khích cán bộ, nhân dân đi buôn lậu. Chè ngon ở Ðại Từ, Núi Pháo giá 5 đồng/1kg, lái xe hoặc sinh viên mua về bán cho chúng tôi 10 đồng/1kg. Ðến lượt chúng tôi bán cân, bán lạng là 15 đồng/1 kg, còn xé lẻ ra từng gói đủ pha 1 ấm là 5 hào/1gói (20 đồng/1kg). Tính ra từ năm 1967-1974 tôi bán quán trà tuyềnh toàng là thế mà mỗi ngày lãi 12-15 đồng, hàng tháng trung bình cũng thu được 400 đồng, đủ nuôi 5 đứa con và để dành hàng chỉ vàng mỗi tháng (vàng trên dưới 100 đồng 1 chỉ lúc này). Mặt hàng lãi nhất là thuốc lá, sau đến chè gói từng ấm, từng lạng. Chè chén bán giá 5 xu/1 chén thường là hòa vốn.”


Bia vại – Cà phê chui:

Ðây là hai hình thức sinh hoạt rất phổ biến trong cộng đồng dân cư đô thị.

Bia hơi còn gọi là “bia vại” vì nó được đong vào loại cốc lớn có hình vại nước, dung tích 0,5 lít, giá bán 1 hào 5 xu/1 cốc. Trước chiến tranh nó chưa là nhu cầu phổ biến của người tiêu dùng đô thị. Nhiều người uống bia lúc đó chưa quen còn phải pha với si-rô ga. Trong quán bia mậu dịch thường có bình C02 và bình si-rô cam màu đỏ đi kèm. Giá một cốc si-rô ga là 2 hào. Người bán bia thường hay hỏi khách có pha si-rô không, nếu khách đồng ý thì họ rót vào cốc bia 10ml nước si-rô cam đặc và tính gộp tiền là 2 hào 5 xu/1 cốc bia pha si-rô. Hồi đó khách uống bia hơi chỉ là trí thức, văn nghệ sĩ hoặc số ít người đã từng đi Ðông Âu về nước quen với bia Tiệp, bia Ðức.

Chiến tranh làm cho hệ thống quản lý các mặt hàng tiêu dùng theo tem phiếu cấp phát có nhiều lỗ hổng rò rỉ ra thị trường tự do. Xã hội nảy sinh một đội ngũ đông đảo các loại “con phe” giàu có, đặc biệt là giới phe xe đạp, xe máy. Ngoài ra, nhiều người trong đội ngũ lái xe chở hàng hóa, vật tư của Nhà nước đã đánh cắp hàng nên cũng nhiều tiền và có nhu cầu hưởng thụ. Những đối tượng trên trở thành khách hàng thường xuyên của quán bia. Công suất nhà máy bia không đủ đáp ứng nhu cầu nên ở các quán bia có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, ồn ã. Quán bia càng lộn xộn khi xuất hiện một số người làm thuê “phe bia”. Hồi ấy mới xuất bản cuốn hồi ký Bất khuất của ông Nguyễn Ðức Thuận, cựu tù nhân Côn Ðảo, có viết về chuồng cọp ở nhà tù Côn Ðảo. Dân “bia vại” ở các quán liền lấy “chuồng cọp” đặt cho các quán bia như “chuồng cọp Cổ Tân”, “chuồng cọp Phùng Hưng”… Lý do đơn giản vì ở các quán bia này, Nhà nước làm một hệ thống hàng rào kiên cố để ngăn ngừa hiện tượng chen ngang, xô đẩy nhau. Giá bia Nhà nước vẫn giữ giá 1 hào 5 xu/1 cốc nhưng giá ngoài lên tới 3 hào, có khi 5 hào. Người có tiền uống bia ngoài đương nhiên là “dân phe” xe máy hoặc lái xe ăn cắp hàng Nhà nước.

“Cà phê chui” là hình thức có phần tương phản với “bia vại” ở hai điểm: Thứ nhất, không khí trong các quán cà phê tư nhân thường rất tĩnh lặng và ở nơi khuất vắng. Thứ hai, đối tượng đến uống cà phê thường là các nhân sĩ nghèo, công chức lưu dung thất thế, các văn nghệ sĩ gặp nhau đàm đạo về nhân tình thế thái… Hồi ấy các cửa hàng ăn uống Nhà nước đều có bán cà phê nhưng pha không ngon, khách đến xô bồ đủ loại - cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên và cả một số người đạp xích lô hay chữa xe đạp. Quán cà phê tư nhân gọi là cà phê chui vì Nhà nước cấm bán hoặc nếu có ai được ưu tiên mở quán cũng phải tế nhị chọn nơi khuất vắng. Tính ra Hà Nội có khoảng hơn chục quán cà phê chui loại này, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất có ba quán với ba đối tượng khác nhau:

Cà phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân có thâm niên bán quán nhiều năm. Ðây là nơi hội tụ của nhiều họa sĩ tài danh như Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… Theo đó có lớp họa sĩ đàn em cũng rủ nhau tìm đến quán cà phê Lâm để có cơ hội chiêm ngưỡng những danh họa bậc thầy. Có lẽ nhờ vậy mà ông chủ quán cà phê Lâm đã có cơ hội trở thành nhà sưu tập tranh nổi tiếng Hà Nội. Thời đó, những bậc tài danh trong làng họa thường rất nghèo. Những lúc túng thiếu họ vay tiền rồi gán nợ cho chủ quán bằng tranh!...

Cà phê Tuyên ở gác hai số nhà 28 Trần Hưng Ðạo. Muốn uống cà phê khách phải qua một sân gạch đầy rêu mốc rồi leo lên cầu thang rất hẹp và trơn. Ông chủ quán là chiến sĩ hoạt động nội thành thời chống Pháp nên được ưu tiên. Khách đến quán của ông Tuyên thường là những nhà sử học, triết học, nhà văn, nhạc sĩ và các nhân sĩ cao niên thời Pháp không di cư, ở lại với cách mạng. Ðến đầu năm 1970 không hiểu vì lý do gì khách quen của quán cà phê Tuyên lại rủ nhau tụ tập ở quán cà phê Mậu ở đường Ðiện Biên Phủ.

Cà phê Lý Hảo ở góc cắt nhau giữa ngõ Phất Lộc và đường Nguyễn Hữu Huân. Quán này có đặc điểm mặt tiền cửa hàng ở phố đóng kín, khách muốn uống cà phê phải đi vòng qua cổng sau ở ngõ Phất Lộc, qua một cái sân luôn ướt và trơn vì là nơi giặt giũ của cả 20 hộ trong căn nhà lớn ấy. Ðối tượng khách chủ yếu là công chức lưu dung, các nhà tư sản, các nghệ sĩ cải lương và các võ sĩ, ngôi sao điền kinh. Chủ nhân của quán là hai vợ chồng Hoa kiều làm nghệ sĩ biểu diễn lướt ván ở hồ Hoàn Kiếm từ thời Pháp. Hai cô con gái họ Lý này cũng là nghệ sĩ lướt ván.


Ðặc sản bụi

Vào thời ấy, ở Hà Nội, Nhà nước chỉ đặt các restaurant trong khách sạn dành cho người nước ngoài như Thống Nhất, Dân Chủ, Hòa Bình, Hoàn Kiếm. Ngoài ra còn một vài nhà hàng cao cấp như Mỹ Kinh ở Hàng Buồm, Bodega ở phố Tràng Tiền, Phú Gia ở phố Lê Thái Tổ…

Các cửa hiệu đặc sản của người Hoa mở nhiều ở mấy phố Tạ Hiền, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giày, Lương Văn Can (Hà Nội), Cầu Ðất, Phan Bội Châu (Hải Phòng). Gọi là “đặc sản bụi” vì những tiện nghi về phòng ốc, bát đĩa, bàn ghế rất sơ sài, thậm chí có quán tối tăm và thường rất chật hẹp, không hơn gì mấy quán cơm bụi bây giờ. Ở đây bán các món ăn Tàu như chim quay, thỏ, gà, dê, ngỗng, ba ba, ếch… Có những tháng ở quán đặc sản này có bán cả thịt thú rừng. Chất lượng món ăn cao nhưng giá cả không đắt: một con chim quay với sa-lát, nước sốt giá 2,00 đồng; thỏ quay, thỏ sốt vang 1,5 đồng/1 đĩa; ếch tẩm bột 2 đồng/1 đĩa; tái dê hoặc dê nướng, dê hầm thuốc bắc 1,5 đồng/1 đĩa. Nói chung những đĩa thức ăn lớn, cầu kỳ cũng không quá 5 đồng/1 đĩa. Có một điều đáng lưu ý là khách ra vào các quán này đều cảnh giác xem chừng công an theo dõi. Ðiều đó dễ hiểu vì không phải ai cũng sẵn tiền từ 15-20 đồng vào ăn.

Trong các loại mốt sinh hoạt thời đó ở thành phố, thị xã cần kể đến mốt xếp hàng mua báo. Thời đó, có 3 tờ nhật báo Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội Mới (báo Thủ Ðô). Báo cách ngày chỉ có 1 tờ Lao Ðộng. Tuần báo (báo chính trị-xã hội) có 7 tờ là Văn Nghệ, Phụ Nữ Việt Nam, Tiền Phong, Ðại Ðoàn Kết, Ðộc Lập, Cứu QuốcNgười Công Giáo Việt Nam. Giá báo ngày hoặc cách ngày là 5 xu/1 tờ, giá tuần báo là 1 hào đến 2 hào/1 tờ. Tuy nhiên mỗi số báo đều có lượng phát hành lớn hàng chục vạn bản. Khách nước ngoài đến Hà Nội thời đó thường hay chụp ảnh những dòng người xếp hàng mua báo rất dài. Họ xem đó là biểu hiện của một dân tộc có nền học vấn và văn hóa cao. Ðiều này phải xem xét từ hai mặt: Thứ nhất, cuộc chiến tranh đã thu hút hàng triệu thanh niên ra mặt trận ở ba loại (bộ đội, thanh niên xung phong và các cán bộ chuyên môn y tế, giáo dục, cầu đường…). Hầu như gia đình nào cũng có thân nhân ngoài mặt trận nên họ khao khát xem tin chiến sự, đặc biệt là những số báo tổng kết chiến dịch mùa khô và những bài viết của Trường Sơn, Cửu Long (các cây bút chính luận nổi tiếng thời đó). Thứ hai, giá báo Nhân Dân 5 xu/1 tờ là giá báo có bù lỗ của Nhà nước. 20 tờ báo trị giá 1 đồng nặng 1kg, trong khi giấy gói bán cho các bà đồng nát là 1,2 đồng/1 kg. Người ta mua báo xem tin tức chiến sự và sau đó bán cho đồng nát vẫn lãi.

Phương tiện đi lại đối với cư dân đô thị trong thời chiến là nỗi vất vả lớn nhất. Xe trong nội thành có hai loại: Xe buýt công cộng, thường rất đông, lèn người như nêm cối, điển hình là tuyến Bờ Hồ - Hà Ðông và tuyến Yên Phụ - Hà Ðông; Xe điện có 4 tuyến: Bưởi – Chợ Mơ, Yên Phụ - Ngã Tư Vọng, Bờ Hồ - Hà Ðông và Bờ Hồ - Cầu Giấy, giá vé 5 xu hoặc 1 hào nhưng rất chậm do phải chờ tránh nhau hoặc bị mất điện. Có khi từ Bờ Hồ lên Bưởi dài 6 km mà đi tàu điện mất 2-3 tiếng. Cán bộ công nhân viên đi làm chủ yếu bằng phương tiện xe đạp nhưng có đến nửa số gia đình hai vợ chồng chung một chiếc xe, đưa đón nhau rất vất vả. Khi cơ quan sơ tán, những gia đình chia ra, vợ, chồng, con cái, ông bà mỗi người một nơi do hoàn cảnh công tác và học tập. Lúc này phương tiện ô tô chạy đường dài và tàu hỏa Nhà nước vốn đã quá ít, càng thêm quá tải.

Tình hình đi lại của cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên trên các tuyến đường liên tỉnh đặc biệt căng thẳng vào các năm 1969-1971. Tết năm Kỷ Dậu (1969) ở Hà Nội xảy ra vụ “Xô Viết nhà ga” vì những người quê Nghệ Tĩnh phá cửa sắt ga Hà Nội tràn vào đường ray khiến tàu không đi được, một số nhân viên nhà ga bị thương. Nguyên nhân vụ này là do lượng khách quá đông, tàu không thể đáp ứng. Sau khi Giôn-sơn (Lyndon B. Johnson, tổng thống Hoa Kỳ từ 11/963 đến 1/1969) tuyên bố ngừng bắn từ vĩ tuyến 19 trở ra, những người có quê ở Nghệ Tĩnh nóng lòng muốn về thăm quê xem mức độ tàn phá đến đâu và người thân ai còn ai mất. Họ tạm được sống yên ổn nhưng cha mẹ, họ hàng, bạn bè vẫn đang trong tầm bom đạn giặc ném xuống bất cứ lúc nào. Hơn nữa họ cũng muốn mang một ít quà tết ở Thủ đô về cho người thân trong dịp năm mới. Giá vé tàu Hà Nội – Vinh chỉ có hơn 3 đồng một chỗ ngồi, nhưng dân “phe vé” bán đắt lên tới 10-15 đồng vẫn không có mà mua. Người ta chen lấn, xô đẩy ở cửa ga, kết quả người không có vé thì lách được vào, kẻ chịu mua vé giá cao lại đang ở ngoài, dẫn đến sự phẫn nộ, đập phá. Tình hình ở bến xe ô tô Kim Liên cũng xảy ra tương tự đối với khách đi tuyến Hà Nội – Thái Bình (theo hồ sơ lưu trữ của ngành giao thông công chính thành phố Hà Nội năm 1969-1970). Tình hình trật tự ở ga Hà Nội và bến xe Kim Liên vào dịp Quốc Khánh (2/9) và Tết âm lịch những năm 1973 và 1974 cũng phức tạp không kém năm 1969.

Vấn đề nhà ở của cư dân thành phố, thị xã, khu công nghiệp trong thời gian chiến tranh có thể chia làm hai thời kỳ: từ năm 1966-1969 do các cơ quan, trường học và các hộ dân phải đi sơ tán về nông thôn nên chỗ ở không còn là nhu cầu bức thiết nữa. Sau khi Mỹ hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 19 thì vào mùa xuân Canh Tuất (1970), các cơ quan và hộ dân bắt đầu chuyển dần về thành phố, thị xã. Mặt khác, tình hình dân số cũng tăng cả hai dạng sinh học và cơ học. Sự tăng dân số cơ học chủ yếu do nguyên nhân các cán bộ, công nhân, sĩ quan quân đội quê ở phía Nam vĩ tuyến 19 tìm cách đưa gia đình, họ hàng của mình ra khỏi tọa độ lửa và an toàn nhất là về sống, làm việc trong cơ quan Nhà nước ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhà ở do Nhà nước quản lý vốn đã ít, lại bị chiến tranh tàn phá, nên lúc này sức ép tăng dân số đã trở nên gay cấn. Tâm lý người cán bộ trong biên chế Nhà nước, đặc biệt là những người có chức quyền hoặc học hàm, học vị dù đã có chỗ ở với bố mẹ vẫn muốn được ở nhà lắp ghép do Nhà nước phân. Ðiều này dễ hiểu vì trong cơ chế quản lý thời đó, được ở nhà tầng là biểu hiện trước mọi người về vị thế xã hội của mình. Mặt khác, được phân căn hộ là có thêm một tài sản đáng giá, khi cần có thể “hỏa hồng” cho người khác được một số tiền không nhỏ - tuy hiện tượng này thời đó chưa phổ biến. Với tất cả những lý do vừa nêu, cho dù là từ năm 1970 Nhà nước cố gắng xây thêm một số khu nhà cao tầng ở Kim Liên, Láng, Nguyễn Công Trứ… ở Hà Nội thì cũng chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu nhà ở ngày một tăng.

Vụ án về một phụ nữ ở quận Lê Chân – Hải Phòng phục ở cửa, chặn đón đường ông phó giám đốc Sở nhà đất trước giờ đi làm để nhét cả gói phân vào mồm ông ta là một điển hình. Các báo lớn năm 1971 tường thuật về phiên tòa xử vụ này đã làm xôn xao dư luận. Người đàn bà khai trước tòa: Căn hộ của bà vốn ở từ trước năm 1954, không có tranh chấp gì; từ năm 1965 gia đình bà đi sơ tán, đến năm 1970 quay về thì căn hộ đã bị ông phó giám đốc Sở nhà phân cho người quen, gia đình bà phải ở trong góc tăm tối gần nhà vệ sinh; đơn từ, thưa kiện nhiều lần không được giải quyết nên bà ta nghĩ mình chịu ngửi phân nhiều rồi nay để ông ấy ngửi một lần trước bàn dân thiên hạ. Tòa xử bà 18 tháng án treo vì tội xúc phạm danh dự và thân thể công dân nhưng bù lại bà được trả lại nhà như cũ.

Vụ thứ hai xảy ra ở khu nhà ký túc xá của học sinh trường Trung cao cơ điện trên đường Nguyễn Trãi, quận Ðống Ða (nay là quận Thanh Xuân). Khi trường này đi sơ tán về thì toàn bộ 6 khối nhà 5 tầng nằm bên phía tay phải cổng trường bị cán bộ công nhân khối nhà máy cao – xà – lá chiếm làm nơi ở. Nhà nước đành phải đề ra phương án: phần còn lại của trường Trung cao cơ điện giao cho trường Ðại học Tổng hợp quản lý, còn trường Trung cao cơ điện phải chuyển toàn bộ lên Thái Nguyên.

Năm 1974 xảy ra vụ tranh chấp giữa giáo viên, học sinh trường Kế toán – Tài chính trung ương với Bệnh viện E…

Nhìn chung tình hình chỗ ở của các thành phố khác như Việt Trì hoặc khu mỏ Quảng Ninh trong thời gian này khá căng thẳng. Tuy nhiên căng thẳng nhất vẫn là Hà Nội.


Kỹ sư LVH quê ở Thanh Hóa, làm việc tại một cơ quan thuộc Bộ công nghiệp nặng sống ở Thanh Xuân kể:

“Tôi lấy vợ năm 1965. Ðến năm 1972 vợ tôi sinh cháu gái thứ hai thì bị băng huyết. Hai vợ chồng được phân một buồng xép ở chiếu nghỉ cầu thang nhà tầng rộng 9m2 đủ kê một cái giường và bộ bàn ghế con vừa uống nước vừa làm việc. Mọi thứ sinh hoạt khác đều ở dưới sàn nhà bé tí teo. Bố vợ tôi thương con gái lặn lội từ Thanh Hóa mang gà, gạo nếp ra thăm. Thấy con trai tôi quấn quýt với ông ngoại nên đêm ấy tôi bố trí cho con ngủ với ông dưới đất còn mình với vợ và đứa bé mới sinh ngủ trên giường. Sáng sớm tôi giật mình thấy ông cụ bỏ ra ga về quê không nói một lời nào. Từ đó tôi mang tiếng với làng mạc, họ hàng khinh bố vợ nhà quê cho ngủ dưới đất còn mình nằm giường. Ðến chết tôi cũng không quên nỗi nhục này.”


Nhà văn Tô Ngọc Hiến xuất thân là thợ mỏ ở Quảng Ninh kể lại một giai thoại thợ mỏ Ðèo Nai mang màu sắc tiếu lâm cười ra nước mắt:

“Ở khu tập thể công nhân mỏ Ðèo Nai mỗi gia đình được chia nửa gian nhà cấp 4 rộng chừng 12m2. Nhà nào đông con thường gặp điều bất tiện trong sinh hoạt vợ chồng vì nghề nghiệp nảy sinh sự éo le. Có nhà chồng làm ca đêm, còn vợ làm ca hành chính. Suốt một tuần vợ chồng chỉ giáp mặt nhau vào bữa cơm chiều, muốn “sinh hoạt” một lúc lại vướng ba đứa con mà nhà thì quá chật. Ðến cuối tuần anh chồng không chịu được nghĩ cách sai con đi làm một số việc. Hai đứa lớn anh sai đi ra phố mỏ vì thiếu gì việc cho chúng chạy chừng 15 phút. Riêng đứa con nhỏ mới 5 tuổi thì anh bí quá vì không dám sai đi ra phố sợ xe cộ cán phải thì nguy, mà trên vùng mỏ vốn nhiều xe đi lại rầm rập. Cuối cùng anh nghĩ ra cách sai đứa con 5 tuổi ra đầu ngõ mua nước mắm nhưng không đựng bằng bát mà đựng bằng… đĩa. Miệng đĩa thì rộng, lòng đĩa thì nông nên đứa bé phải đi rón rén đủ 15 phút…”