© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.7.2005
 
Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc
Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn (9/15)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15 
 
26. Nguyễn Viết Lãm

Tư tưởng và tình cảm trong tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?

L.T.S - Hiện nay cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu đang sôi nổi trên các báo chí cũng như trong các cuộc họp hàng tuần do Hội Văn Nghệ Việt Nam tổ chức. Ðể cho phong trào được sâu rộng hơn và được có kết quả tốt, chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng ý kiến của anh chị em văn nghệ cũng như của các bạn đọc gửi tới, không phân biệt ý kiến tán thưởng hay phản đối. Chúng tôi tin rằng sự góp ý kiến xây dựng của tất cả các bạn trong vấn đề này sẽ đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ nói chung của giai đoạn hiện tại. [1]


*



Cuộc tranh luận về thơ Tố Hữu được đặt ra dưới nhiều câu hỏi, nhưng tựu trung vẫn phải giải quyết vấn đề căn bản: tập thơ Việt Bắc đã đi đúng con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa.

Thời đại chúng ta dập dồn biến chuyển. Cuộc đấu tranh vũ trang chống xâm lược và cuộc đấu tranh chính trị hiện nay, cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng của chúng ta vô cùng gian khổ, đòi hỏi những người công tác văn nghệ, phải phản ảnh cho được thực tế khách quan, một thực tế càng ngày càng tiến triển trên những bước đường thắng lợi. Diễn tả được cuộc sống đang lên ấy, chỉ có phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mới làm được. Và muốn đi đúng đường lối hiện thực, người sáng tác phải nắm vững thế giới quan Mác - Lênin, một thế giới quan cách mạng đòi hỏi sự nhận xét tinh vi, sâu sắc đối với thực tế, thấm nhuần thực chất của các sự kiện lịch sử.

Trong tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã sử dụng thế giới quan cách mạng đó. Chúng ta không nhìn tác phẩm qua con người của Tố Hữu, cũng không nhìn qua tư chất chủ quan của chúng ta. Vấn đề cốt yếu để xác định giá trị nội dung của tác phẩm là phải đối chiếu với sự việc cụ thể trong quá trình của nó. Tố Hữu đã thấy rõ những biến cố lịch sử, nhận thức đầy đủ quy luật phát triển của dân tộc, của con người Việt Nam chiến đấu và trưởng thành, cho nên thơ Tố Hữu đã ghi lại được những nét lớn của con người đang lớn mạnh ấy. Tập thơ Việt Bắc đã biểu hiện được hầu hết những tình cảm lớn của thời đại. Ðầu tiên là lòng yêu nước và chí căm thù. Mở tập thơ, bài đầu tiên “Cá nước” đã cho thấy ngay được lòng thiết tha đối với đất nước của người cán bộ và người Vệ quốc. Hai người chưa hề quen biết nhưng "chỉ" một thoáng lặng nhìn nhau mắt đã tìm hỏi chuyện, dù chỉ gặp nhau chốc lát trên lưng đèo, họ đã mến thương rồi vì chính họ đã gặp nhau trên đường vinh quang chung, trong lý tưởng cao quý chung: chiến đấu để giành lại đất nước.

Lòng yêu nước chí căm thù ấy đã thấm vào xương tủy của mọi người, Kinh cũng như Thượng. Trong bài “Bà mẹ Việt Bắc”, sự việc cụ thể đã tự nói lên sự áp bức dã man của quân thù và trong giờ phút nghiêm trọng của tổ quốc người lính cụ Hồ tạm gác hạnh phúc riêng của mình, đã trả lời cho mẹ già bảo cưới vợ:

Nó chỉ cười khì
Vợ con gì gấp!
Con còn phải đi
Giữ gìn độc lập!

Cả đến cỏ cây, cả những vật tưởng chừng vô tri giác cũng sùng sục hờn căm:

A! các anh chiến lũy
Sắt gỗ giăng thành
Cả các anh
Những di lăng, sấu, gạo
Không tiếc lá cành xanh
Vật ngang đường cản giặc

Lòng yêu nước chí căm thù ấy đã làm cho dân tộc chúng ta phấn khởi chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ. Cảnh "con bế con bồng" của người phụ nữ phá đường, cảnh "bầm ra ruộng cấy bầm run" của người mẹ chiến sĩ, "màu da vàng nghệ" của người bộ đội là một thực tế cách mạng, chẳng những nó không làm cho những bà mẹ, những người lính thân yêu của chúng ta bé lại, mà càng vĩ đại hơn, vì chính những con người gian khổ thiếu thốn ấy là những con người chiến thắng.

Tố Hữu đã thấy trước bước đường phát triển của sự vật, luyện cho chúng ta chắc niềm tin tưởng cùng với nhân vật trong thơ. Năm 1947 khi chúng ta đứng lên kháng chiến chưa được mấy tháng, biết rằng cuộc chiến tranh ái quốc này còn phải gian khổ lâu dài nữa, nhưng ngay từ đầu, Tố Hữu đi “giữa thành phố trụi” mà đã thấy:

Ngày mai về lại thủ đô
Ngày mai sống lại từng mô đất này
Ngày mai xanh lại từng cây
Ngày mai lại đẹp hơn rày hơn xưa

Tố Hữu đã nắm chắc quá trình phát triển thắng lợi của toàn bộ cuộc kháng chiến, lại thấy cả sự trưởng thành của từng con người. Ðó là một nhận thức duy vật biện chứng. Bài “Phá đường” viết năm 1948, trong thời kỳ lực lượng vật chất, tư tưởng của ta chưa được mạnh, cơ sở đoàn thể còn đương trong thời kỳ xây dựng, sự giáo dục của Ðảng chưa đi sâu. Trong hoàn cảnh ấy, người phụ nữ phá đường đã được diễn tả với một trình độ cao tương đối, báo hiệu cho sự xuất hiện cả một thế hệ con người sắp đến. Tố Hữu đã đi đúng mức xây dựng nhân vật điển hình, đã đi trước quần chúng một bước trong sự lãnh đạo quần chúng đi lên. Chúng ta không thể đòi hỏi mức giác ngộ của nhân vật cao hơn nữa. Trong hoàn cảnh ấy, đi xa hơn là rơi vào tiền phong chủ nghĩa.

Sở dĩ dân tộc chúng ta yêu nước căm thù như thế là do Tổ quốc chúng ta đẹp đẽ vĩ đại, đất nước giàu có mà chúng ta không được yên hưởng, quân thù xâm lược dựa vào bọn phong kiến tay sai đã làm cho nhân dân lao động chúng ta sống cảnh cơ cực khốn cùng. Cho nên lúc kháng chiến thành công, nước nhà giải phóng, Tố Hữu đã nói lên được nỗi vui mừng của dân tộc, đã chỉ chúng ta thấy đất nước tươi vui bát ngát trong bài “Ta đi tới”.

Tình yêu lãnh tụ là một tình cảm lớn và phổ biến. Trong lòng của mỗi một người dân Việt Nam, ai lại không tôn thờ hình ảnh của Hồ Chủ tịch, người đã đem lại cho chúng ta không khí để thở, cơm áo để ấm no và ngày mai tươi sáng. Tố Hữu yêu lãnh tụ và đã thể hiện được tình yêu ấy của dân tộc. Trong văn thơ Việt Nam, có lẽ chưa có bài nào nói lên được thấm thía tình yêu ấy bằng thơ Tố Hữu. Có bạn cho rằng Tố Hữu đã thần thánh hóa lãnh tụ, làm cho quần chúng mất tự tin và ỷ lại, do đó lãnh tụ kém tầm vĩ đại. Tôi đồng ý trên nguyên tắc lãnh tụ không tách rời quần chúng, và sự vĩ đại của lãnh tụ do sự vĩ đại của quần chúng tạo nên. Nhưng tôi cố gắng tìm ở bài thơ "Sáng tháng Năm" của Tố Hữu, vẫn không thấy sự tách rời, trái lại lãnh tụ đã khăng khít với nhân dân, giản dị như tất cả những người lao động khác. Bên cạnh những nét hùng tráng cao cả của Hồ Chủ tịch, bài thơ “Sáng tháng Năm” đã chỉ cho ta thấy:

Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ…
… Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Thật là đơn giản và gần gũi.

Bên cạnh lãnh tụ, quần chúng không hề nhỏ bé lại, chưa hề mất tự tin. Trái lại, quần chúng đã lớn mạnh và quyết tâm hơn:

Ôi! Cái tên yêu Hồ Chí Minh!
Trong sáng lòng anh xung kích
Nửa đêm bôn tập diệt đồn
Vững tay người chiến sĩ nông thôn
Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo [2]

Và sở dĩ Hồ Chủ tịch đã có một tác dụng lớn lao trong quần chúng như thế là do chúng ta được Tố Hữu cho thấy rõ: Lãnh tụ do quần chúng xây dựng nên và đã trở lại lãnh đạo, giáo dục quần chúng chiến đấu.

Tinh thần quốc tế của tập thơ Việt Bắc cũng chính là tinh thần quốc tế của nhân dân. Tố Hữu đã phát ngôn đúng lòng xót xa của nhân dân ta khi nghe Sta-lin mất. Năm 1953 buổi sáng khi nhận được tin đau xót này, các lớp chỉnh huấn, các đại hội chiến sĩ, các đơn vị bộ đội, trường học nông đoàn, v.v... đều như đứt thở. Trên mặt của đàn con chiến đấu gian khổ, đã phải thấy những nét đau thương vì những giòng nước mắt. Nhưng nhân dân ta đã kịp thời biến đau xót thành hành động. Tố Hữu đã viết:

Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con…

Cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân ta hiện nay không khác cuộc chiến đấu gian khổ của nhiều dân tộc khác. Tiếng nói căm hờn của chúng ta là tiếng nói căm hờn của những anh em chúng ta đang sống dưới nanh vuốt của đế quốc chủ nghĩa. Tố Hữu đã nói lên được sự cảm thông đậm đà ấy.

Tố Hữu đã nhất trí với tư tưởng tình cảm chung của dân tộc, đã nói được tiếng lòng của dân tộc một cách thấm thía. Trong giai đoạn lịch sử này cũng như rất lâu về sau dân tộc tính không tách rời giai cấp tính, vì quyền lợi của giai cấp đã nhất trí với quyền lợi của toàn thể dân tộc. Ðó là quyền lợi sống còn của tổ quốc trước sự uy hiếp của quân thù. Cho nên chúng tôi không thể đồng ý với một bạn đọc trong cuộc tranh luận vừa rồi do Hội Văn nghệ Trung ương tổ chức bảo rằng trong giai đoạn đấu tranh vừa qua "Các giai cấp phải tạm thời xóa bỏ thắc mắc quyền lợi của riêng mình để băng mình vào chiến đấu" vì thực tế, băng mình vào chiến đấu là để bảo vệ quyền lợi của bản thân giai cấp mình. Ở đây, các mâu thuẫn đã được thống nhất. Và sự thống nhất ấy phải được hiểu là chí thành, cũng như chính sách mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất của chúng ta đề ra hiện nay, cũng như mọi chính sách khác, đều xuất phát từ lòng chân thành phục vụ quyền lợi của dân tộc trong ấy có quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ðó là một thực tế khách quan mà thi sĩ Tố Hữu đã nắm vững.

Những đề tài thi tứ của Tố Hữu, những sự việc nhân vật của thơ Tố Hữu đều đi lên, đó là những thực tế có cánh "đang bay đến một trình độ tư tưởng, tình cảm cao hơn. Ðó là lãng mạn cách mạng". Anh bạn nói trên đã cho rằng Tố Hữu sở dĩ có đôi phút buồn là do "anh đã đi vào con đường lãng mạn cách mạng, chứ căn bản thơ Tố Hữu là vui". Tôi xin sẽ bàn đến trong một bài sau về những nhược điểm của thơ Tố Hữu trong tập Việt Bắc. Nhưng cách mạng lãng mạn không phải là buồn, không phải là đường lối sai lầm trong sáng tác. Trái lại, hiện thực mà không có lãng mạn sẽ là hiện thực phê bình tự nhiên chủ nghĩa, vì "hiện thực và lãng mạn là hai yếu tố cơ cấu" không xa rời nhau được (Fa-đê-ép).

Ðộc lập, s.96 (23.4.1955)



27. Nhân Hồng

Vấn đề phê bình văn nghệ ở Liên Xô


I. Phê bình và tự phê bình đảm bảo cho văn nghệ Liên Xô tiến bộ không ngừng:

Các nhà văn nghệ Liên Xô thấm nhuần lời dạy của các lãnh tụ, hiểu sâu sắc rằng phê bình và tự phê bình cần như nước để uống, không khí để thở, có tác dụng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự trưởng thành và tiến bộ mãi mãi của văn nghệ cũng như đối với mọi ngành.

Sau khi cuộc chiến tranh ái quốc thắng lợi hoàn toàn, trong khi bắt tay vào hàn gắn những vết thương chiến tranh và kiến thiết hòa bình, Liên Xô đã mở một cuộc vận động lớn phê bình văn nghệ và khoa học. Gần đây, trước và trong Ðại hội lần thứ hai của các nhà văn Liên Xô, phong trào phê bình văn nghệ lại được nâng lên một trình độ cao hơn. Nó duyệt lại tất cả công trình 20 năm xây dựng văn nghệ Liên Xô sau Ðại hội lần thứ nhất. Trên thế giới, chưa có một nền văn nghệ nào có cuộc phê bình náo nhiệt, sâu sắc như thế. Không những các tác phẩm, mà cả vấn đề phê bình và các nhà phê bình cũng được đem ra mổ xẻ, phân tích. Nhà văn Ê-ren-bua tiếp thu những lời phê bình về những khuyết điểm trong cuốn Tuyết tan, tự nhận thiên truyện ngắn đó là một bước lùi trong sự nghiệp sáng tác của mình. Nhà văn Xi-mô-nốp đã phê bình kịch liệt cuốn Tuyết tan cũng được đại hội phê bình giọng bút chiến không đúng của ông.

Báo chí tư sản phản động nhân dịp đại hội này tìm cách vu khống văn nghệ Liên Xô. Một tờ báo Pháp đã bịa ra chuyện nhà văn Ê-ren-bua tại đại hội bị cấm hút thuốc bằng điếu, ngụ ý rằng nhà văn ở Liên Xô không có tự do sáng tác. Thật không có gì ngu xuẩn bằng.

Trong không khí phê bình gay gắt của đại hội, đã có một vài lời than phiền "văn nghệ suy đồi". Nhưng nhà văn Pha-đê-ép đã trả lời: "Thực tế là văn nghệ Liên Xô tiến triển, giành lấy nhiều lực lượng, bao trùm những địa hạt luôn luôn mới, và con số nhà văn có năng lực giải quyết các vấn đề nghệ thuật phức tạp không ngừng tăng lên".

Trình độ phê bình văn nghệ ở Liên Xô đã được nâng lên rất cao. Tuy không tránh được lệch lạc, nó vẫn luôn luôn vượt qua những lệch lạc ấy. Ðiều cần nhất là phải tin tưởng vào vũ khí phê bình và tự phê bình. Ðồng chí Ða-nốp [3] năm 1948, trong khi nhân danh Ban chấp hành trung ương Ðảng cộng sản Liên Xô, phê bình những lệch lạc của hai tờ báo Ngôi saoLê-nin-gờ-rát đã nhắc lại lời huấn thị của đồng chí Sta-lin như sau: "Ðồng chí Sta-lin đã nhiều lần vạch rõ rằng điều kiện chủ yếu cho sự phát triển của chúng ta là mỗi người Xô viết phải nhận thấy sự cần thiết hàng ngày tính sổ công tác, không ngần ngại tự kiểm tra mình, phân tích công tác của mình, can đảm phê phán sai lầm và thiếu sót của mình, nghĩ cách làm cho công tác được kết quả tốt nhất và luôn luôn gắng sức tu dưỡng bản thân. Cái đó cần cho các nhà văn cũng như cho tất cả những người lao động khác. Kẻ nào sợ đưa công tác của mình ra phê phán là một kẻ nhút nhát đáng khinh, không đáng để nhân dân mến yêu".


II. Văn nghệ phải có đảng tính và phê bình văn nghệ phải có nguyên tắc tính đanh thép, sắc bén:

Kinh nghiệm của Ðảng cộng sản Liên Xô trong việc phê bình hai tờ báo ở Lê-nin-gơ-rát năm 1948 rất đáng cho chúng ta chú ý. Hai tờ báo này đã đăng những tác phẩm văn nghệ dâm ô, thần bí và nói xấu xã hội Xô-viết của hai nhà văn đồi bại theo phái "nghệ thuật vị nghệ thuật". Các đồng chí phụ trách hai tờ báo đó đã phạm sai lầm đặt tình bạn lên trên lợi ích của nhân dân và nhà nước Xô-viết. Ðồng chí Ða-nốp đã vạch trần sai lầm vô nguyên tắc của các đồng chí đó, đồng thời phê bình cả Thành ủy đảng bộ Lê-nin-gơ-rát và sự lãnh đạo của Hội liên hiệp các nhà văn Liên xô kém sáng suốt, thiếu tinh thần đấu tranh phê bình.

Ðồng thời đồng chí Ða-nốp đã vạch rõ quan điểm lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin trong văn nghệ: "Chủ nghĩa Lê-nin xuất phát từ nguyên tắc định rằng văn nghệ chúng ta không thể phi chính trị, nó không thể biểu hiện một "nghệ thuật vị nghệ thuật" mà nó phải nhận một nhiệm vụ tiên phong chủ yếu trong đời sống xã hội. Do đó mà có nguyên tắc của chủ nghĩa Lê-nin là trong văn nghệ phải có tinh thần Ðảng, đó là điều quý giá nhất mà Lê-nin đã cống hiến cho khoa học văn chương".

Ðồng chí Ða-nốp nêu rõ cần kết hợp tự do chân chính của nhà văn với lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân và phản đối thứ tự do vô nguyên tắc, lợi dụng danh nghĩa Ðảng để tuyên truyền chống lại Ðảng, bênh vực những tư tưởng lạc hậu, phản động.

Văn nghệ phải có đảng tính nghĩa là phải phục vụ lợi ích của nhân dân lao động, phải là một bộ phận khăng khít của phong trào quần chúng. Ðó là lập trường, nguyên tắc bất di bất dịch, đó là điều mà các nhà văn nghệ cần phải được chú ý trước tiên.

Phê bình sai lầm của hai tờ báo văn nghệ nói trên, Ða -nốp phản đối luận điệu cho rằng trong chiến tranh, sách báo xuất bản ít, nhân dân thèm khát lắm rồi, vì vậy một khi hòa bình đã trở lại thì người đọc sẽ ngốn ngấu bất cứ một món văn nghệ nào, dù là của thiu thối. Ða-nốp vạch rõ rằng nhân dân đang cần những món ăn tinh thần lành mạnh giúp sức cho nhân dân khôi phục và kiến thiết Tổ quốc. Nhân dân phản đối văn nghệ lạc hậu, không hài lòng với một thứ văn nghệ không có tư tưởng tiền tiến của xã hội mới. Nhân dân đòi hỏi văn nghệ phải có tác dụng cải tạo xã hội, đóng vai trò tiên phong, nghĩa là đòi hỏi mặt trận tư tưởng phải đặt ngang hàng với mọi mặt trận đấu tranh khác.

Chỉ có đứng trên lập trường Ðảng mà phê bình không nhân nhượng những thứ văn nghệ đồi bại, phản động thì mới xây dựng được một nền văn nghệ chân chính của nhân dân lao động.


III. Thế nào là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa?

Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa chính là văn nghệ có đảng tính. Ðây là một phương pháp sáng tác mà nội dung thì xã hội chủ nghĩa, hình thức thì dân tộc. Ðặc tính của nó là biểu hiện thực tế trong sự tiến triển cách mạng nghĩa là không kể nó biểu hiện thời đại nào, nhà văn nghệ cũng phải thấy cái hướng phát triển chính và đề nó ra cho đúng với quy luật lịch sử. Hướng phát triển đó ở Liên Xô là lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác phải chú ý rằng xã hội Xô viết hiện nay đang kiến thiết chủ nghĩa cộng sản, khác với xã hội Xô viết hơn 30 năm trước. Con người Xô viết lớn lên thay đổi nhiều lắm. Cho nên phương pháp đó không thay đổi trong nguyên tắc căn bản nhưng vẫn không ngừng phát triển theo kịp với thực tế muôn hình muôn vẻ. Chính vì vậy mà hướng chung là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà giữa các nhà văn Xô viết thì thật là trăm hoa đua nở, mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai. Báo Sự thật Liên Xô đã giải thích rõ ràng: "Quy luật của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là biểu hiện sự thật của đời sống trong toàn diện của nó, là phản ánh những mâu thuẫn thực tế trong cuộc sống, đấu tranh quyết liệt cho cái mới, cho cái đang nảy nở, chống cái già cỗi, chống cái đang chết". Một mặt phản ánh thực tế, một mặt phải kết hợp làm nhiệm vụ cải tạo tư tưởng và giáo dục những người lao động theo tinh thần xã hội chủ nghĩa. Cho nên chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mỗi bước phát triển là một bước đấu tranh quyết liệt với những khuynh hướng sai lầm như chủ nghĩa phi chính trị, chủ nghĩa công thức, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa thế giới, v.v... Trong thời kỳ chuẩn bị đại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ hai, nó lại phải đấu tranh với "lý luận" muốn vẽ toàn màu hồng vào cuộc đời, lấp liếm những mâu thuẫn có thật trong thực tế, chỉ nói đến mặt tích cực, giấu giếm mặt tiêu cực của đời sống.

Phê bình văn nghệ chính là phải nắm vững quy luật chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đánh tan những khuynh hướng chống lại chủ nghĩa xã hội, làm nổi bật tư tưởng tính trong sáng, đảng tính đanh thép của văn nghệ nhân dân. Ðó là một kinh nghiệm quý báu của văn nghệ Xô viết.


IV. Phê bình nghiêm khắc những khuynh hướng sai lầm không có nghĩa là phủ nhận tất cả nền văn nghệ nhân dân:

Chống lại khuynh hướng nhìn đời toàn đẹp là rất đúng. Nhưng trong thời gian chuẩn bị Ðại hội lần thứ hai các nhà văn Liên Xô, một hiện tượng lệch lạc đáng chú ý lại nảy ra là có tờ báo văn nghệ Thế giới mới nêu ra vấn đề "thành thật trong văn nghệ", vu khống toàn bộ văn nghệ Xô viết thiếu thành thật, rồi phủ nhận tác dụng giáo dục của văn nghệ, chế diễu những nhà văn Xô viết đang lấy con người Xô viết mà sáng tạo hình ảnh tích cực. Ðó là một khuynh hướng lệch lạc có tính chất phá hoại, trái với đảng tính, tỏ rõ thiếu tinh thần quý trọng sức lao động của nhà văn. Phủ nhận hoàn toàn như thế không có bổ ích gì cho nhà văn, cũng không giúp được gì cho người đọc. Tại đại hội, nhà viết tiểu thuyết Xô-bô-lép đã nói: "Trong một việc tế nhị, dễ rung động như công việc nhà văn, tình đồng chí là quan trọng bậc nhất. Sự giúp đỡ thân ái có thể làm nên những chuyện thần kỳ. Chẳng hạn có nhà văn bắt đầu chìm ngụp hay đuối sức trong khi sáng tác một cuốn sách hay, hoặc đang vì những điều kiện riêng của mình mà không hoàn thành được tác phẩm, thì sự giúp đỡ thân ái có thể cứu được tác phẩm đó. Trái lại, hờ hững vô tình đối với cảnh ngộ nhà văn thì có thể giết chết một tác phẩm hay mà nhà văn mới bắt đầu viết".

Nhìn lệch, chê bai hoàn toàn cũng như quá khen một cách trống rỗng đều tỏ ra là phê bình thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu tình đồng chí. Vả lại, lấy thành thật làm tiêu chuẩn đâu có phải là đúng. Nhà văn Ê-ren-bua đã nhận xét rằng một nhà văn có thể rất thành thật nhưng vẫn nhìn đời lệch lạc, sai sự thật.

Văn nghệ Xô viết chống lại khuynh hướng phá hoại, phủ nhận hoàn toàn, vì biết làm đúng lời Goóc-ki đã chỉ bảo: "Phê bình tức là phải chỉ dẫn cách viết giản dị, sáng sủa, có sức mạnh thuyết phục. Nếu nhà văn bị phê bình không tỏ ra là một kẻ thù hiển nhiên hay trá hình của giai cấp vô sản, mà chỉ là viết kém, viết sai làm lệch sự thật, không biết phân biệt cái quan trọng với cái không quan trọng, thì phải chỉ bảo ôn tồn và nghiêm chỉnh cái nào không đúng, tại sao mà hỏng, chỗ nào lệch lạc…

Làm tiêu mòn và hủy hoại phẩm chất con người, cái đó tuyệt nhiên không phải là nhiệm vụ của phê bình, cái đó công khai biểu lộ tính chất tiểu tư sản, là đối đãi với người như một kẻ thuộc hạng thấp kém hơn nhà phê bình, thế là tỏ ra buồn nản, biếng nhác, không có năng lực đọc tác phẩm hoặc là giận mình bất tài".

Xuất phát từ lập trường Ðảng, Gooc-ki rất quý mến văn học Xô viết và thẳng thắn trả lời những nhà phê bình bi quan rằng "họ mù về học thức, kém cỏi trong việc tu dưỡng tư tưởng, cho nên luôn luôn không thể hiểu văn nghệ hiện thời của chúng ta là một hiện tượng lạ lùng, cần được thương yêu và trân trọng biết chừng nào".

Phủ nhận hoàn toàn một tác phẩm hoặc toàn bộ nền văn nghệ nhân dân là bỏ rơi lập trường Ðảng. Ðó cũng là một kinh nghiệm quý báu của văn học Liên Xô.

Rút kinh nghiệm mấy chục năm qua, Ðảng cộng sản Liên Xô hiện nay rất chú trọng tăng cường việc chỉ đạo phê bình, nâng cao trình độ nhà phê bình theo kịp trình độ nhà văn và đòi hỏi họ phải hiểu thấu cuộc đời như nhà văn hoặc hơn nhà văn, phải có tinh thần chí công vô tư, phải yêu mến nghệ thuật, và giầu tình đồng chí. Về phương pháp phê bình, Ðảng cộng sản Liên Xô nhắc nhở cho nhà phê bình văn nghệ nắm vững lời Goóc-ki đã nghiêm khắc kết án lối phê bình giáo điều, công thức "không xuất phát từ tính chất những con người từ những mối quan hệ giữa người với người, từ những sự thật trong cuộc sống cuồn cuộn mà mình đã trực tiếp xem xét".


V. Gắn liền phê bình văn nghệ với cuộc đấu tranh chung của toàn dân:

Một điểm sau hết cần chú ý và cần nhấn mạnh trong kinh nghiệm phê bình của Ðảng cộng sản Liên Xô là phê bình văn nghệ phải gắn liền với cuộc đấu tranh chung của nhân dân và phải có một ý nghĩa chính trị to lớn.

Trong khi vạch rõ khuyết điểm của hai tờ báo văn nghệ ở Lê-nin-gờ-rát, Ða-nốp đã phê bình thành ủy Lê-nin-gờ-rát buông lỏng nguyên tắc Ðảng không đề cao việc phê bình những hiện tượng xấu trong sáng tác văn nghệ. Thành ủy Lê-nin-gờ-rát đã bị lôi cuốn vào việc khôi phục thành phố, phát triển công nghiệp mà quên mất tầm quan trọng của việc giáo dục tư tưởng. Ða-nốp đã phân tích tình hình lúc đó, vạch rõ thế giới đã chia ra làm hai phe mà Liên Xô phải làm gương cho toàn thể nhân loại tiến bộ. Văn nghệ Xô-viết không thể chỉ ăn miếng trả miếng với những điều vu khống bỉ ổi của bọn đế quốc đối với văn hóa Xô-viết, mà còn phải dũng cảm tấn công văn hóa đế quốc đang thối nát, suy đồi. Nhà văn Xô viết phải nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, và hiểu rõ nhiệm vụ quan trọng Ðảng đã giao cho là đứng trên hàng đầu của mặt trận tư tưởng, là không được theo đuôi thời cuộc mà phải đi trước thời cuộc, đi trước dẫn đường nhân dân tiến lên. Ða-nốp phân tích rất rành mạch: "Trong điều kiện tiến triển hòa bình, các nhiệm vụ của mặt trận tư tưởng, thứ nhất là của văn nghệ, không tan biến đi đâu mà trái lại càng phát triển mạnh. Trung ương muốn rằng chúng ta được phong phú về văn hóa, vì thấy rằng làm cho có sự phong phú đó chính là một trong những nhiệm vụ chính của chủ nghĩa xã hội. Trung ương tin rằng đội ngũ văn nghệ Xô viết của thành Lê-nin-gờ-rát vốn rất lành mạnh về tư tưởng và chính trị sẽ sửa chữa mau chóng mọi sai lầm của nó để giữ vững cương vị mà nền văn nghệ Xô viết đã dành cho nó".

Ðặt vấn đề phê bình văn nghệ cho Ðảng bộ thành Lê-nin-gờ-rát trong nhiệm vụ chung của toàn Ðảng, toàn dân Liên Xô, Ða nốp đã chỉ rõ phê bình văn nghệ phải có tác dụng gấp rút nâng công tác văn nghệ lên một trình độ cao, phù hợp với lợi ích của Ðảng, của nhân dân, và của Nhà nước.

Hiện nay, việc phê bình văn nghệ của nước ta đang tiến hành trong hoàn cảnh đấu tranh hòa bình gay go và phức tạp. Chúng ta cần nghiên cứu cụ thể kinh nghiệm của Liên Xô để áp dụng vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam. Chúng ta phải chú ý gắn liền phê bình văn nghệ vào cuộc đấu tranh chung, đặt cho nó một yêu cầu nhất định là làm cho các nhà văn nghệ cùng Ðảng ta, nhân dân ta thông suốt ý nghĩa chính trị của nó, và nhiệt tình ủng hộ nó.

Nhân dân, 27.4.1955; 28.4.1955



27. Thẩm Lăng

Việt Bắc và Tố Hữu

Trên báo Văn nghệ số 65, Hoàng Yến trong bài “Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?” có nêu lên vài điểm dẫn chứng: Thơ Tố Hữu qua cuốn Việt Bắc không hiện thực. Tôi cũng đồng ý với Hoàng Yến ở điểm đó, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối. Vì một nhà thơ cách mạng, - thơ mang tình cảm - tình cảm đó có lý do gì không hiện thực? Thơ của Tố Hữu được quần chúng đọc và nhớ nhiều. Ngôi sao Tố Hữu trên thi đàn hùng lắm! Vì âm hưởng của thơ Tố Hữu thuần túy, người đọc thấy thấm thía và rộn lòng. Qua thơ Tố Hữu, tình cảm đất nước, nhạc đất nước thấm vào lòng yêu nước của người đọc. Hình ảnh của đất nước ấm áp quá, khêu gợi quá để cùng thi sĩ thốt lên "Ðẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!" Phần căn bản thơ Tố Hữu nằm trong trong câu thơ đó.

Tố Hữu dựng rất nhiều hình ảnh trong thơ của mình. Dù màu sắc đậm đà hay sơ sài, những hình ảnh của Tố Hữu đều sáng sủa và in sâu!

Hình ảnh lãnh tụ Staline của thế giới tự do:

Ông Staline bên cạnh nhi đồng
Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười
………

Hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bài “Sáng tháng Năm”:

Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà!

Hình ảnh những nhà lãnh tụ đẹp hơn tranh vẽ. Lòng yêu mến Hồ Chí Minh trào lên khi tôi đọc những vần thơ trên đây.

Hình ảnh anh bộ đội:

Tay dao tay súng gạo đầy bao
Chân cứng đạp rừng gai đá sắc!

Hình ảnh chú bé linh động:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
…………..

Ở Tố Hữu còn có một điểm đặc biệt về hình ảnh: lấy tình cảm thực để dựng hình ảnh. Bài thơ “Bao giờ hết giặc” đã đưa lên được hình ảnh một bà bủ, một bà cụ bần nông nhiều con lắm cháu. Nhất là thằng út cũng lại đi "giải phóng" lâu ngày:

Bà bủ nằm ổ chuối khô
Bà bủ không ngủ bà lo bời bời
Ðêm nay tháng chạp mùng mười
Vài mươi bữa nữa Tết rồi hết năm
Bà bủ không ngủ bà nằm
Bao giờ thằng út về thăm một kỳ

Sang hình ảnh quê hương trong thơ Tố Hữu, tôi muốn trở về một vài điểm của bài thơ “Việt Bắc”:

Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao ánh nắng, dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng...

Ðẹp thay rừng Việt Bắc, "lâu đài xanh" của người Việt! Những hình ảnh ấy còn được giải ra những vần thơ địa phương tính:

Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đượm cho ai nhớ mình
Trâu về xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt tấm tình ngược xuôi

Hình ảnh người lao động trên sông, trên mặt ruộng với tài sản của đất nước do bàn tay lao động mình tạo ra:

Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tầu chạy bốn bề lưới giăng
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái tường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về vui luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cầy bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng [4]
Vải tơ Nam định, lụa hàng Hà đông


L. Soubotsky có viết: "Chiến tranh kết liễu, những cuộc xây dựng bắt đầu. Tiếng nói của nhà văn lại cất lên giữa tiếng ầm ầm của xưởng máy và công trường. Giúp nhân dân gắn lại những vết thương đau, làm đằm thắm lại những rung động đã mòn mỏi. Ðó là sứ mạng cao quý của nghệ thuật…"

Qua những vần thơ trên đây và nhiều vần thơ khác Tố Hữu đã làm nhiệm vụ đó. Ðây phải chăng là câu hò tiếng hát của người phụ nữ trên cánh đồng hay đầu mũi con đò buông sông. Những hình ảnh quen thuộc xa xôi trở lại với vần thơ.

Ở cuốn Việt Bắc người ta không tìm thấy nữa những vần thơ nóng hổi của Tố Hữu:

Gió, gió ơi, hãy làm giông làm tố
Cuốn trung liên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ôi!
Ta ngã cuốn trong dòng người cuộn thác [5]

Từ khi cuộc kháng chiến bùng nổ, mỗi một giây phút nhạc "Muôn phương chân nện gót rầm rầm", rõ rệt và gần lại ta hơn. Ðáng phàn nàn thi sĩ không cho reo tiếp bản nhạc vĩ đại đó của cách mạng trong tám chín năm qua!

Cũng theo bản chất ấy, người ta chỉ tìm thấy Tố Hữu của cuốn Việt Bắc ngồi rít hơi thuốc lào dài với anh bộ đội dưới bóng tre già, hay là đứng cạnh đồng chí pháo binh đợi giờ chiến đấu và nóng nảy thúc giục "Anh đại bác tôi chờ anh để hát!" Rồi thi sĩ có một hôm lên đường cùng anh bộ đội:

Sáng nay ra trận lên Tây Bắc
Hai đứa ta cùng đi đánh giặc

Nhưng bỗng nhiên thi sĩ rời xa anh bộ đội hiên ngang và thi sĩ Tố Hữu của ta đã biến người chiến sĩ ra một bức tượng vô cùng đẹp:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi tay vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo

Cũng chỉ vì người ta không tìm thấy nữa những vần thơ nóng hổi của thi sĩ Tố Hữu trước năm 1945 nên ông Hoàng Yến đã cay nghiệt nẩy ra ý nghĩ so sánh thơ Tố Hữu thời kỳ đầu và nay. Ông cho rằng. “Thời kỳ trước cách mạng, với nhu cầu cụ thể của nó, thơ Tố Hữu là lá cờ tiền phong hướng dẫn đấu tranh. Với thời đại kháng chiến bây giờ, với đòi hỏi lớn lao gấp bội, thơ Tố Hữu quả chưa làm được nhiệm vụ tiền phong chiến đấu như thời kỳ trước và nếu đem so sánh đối chiếu với mỗi thời đại cái tỷ lệ tương xứng ấy cho ta thấy thơ Tố Hữu ngày nay còn bé hơn thơ Tố Hữu trước kia. Bé vì Tố Hữu chưa thổi được vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại để đốt cháy lòng người đọc. Bé vì chất sống chưa được sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức”.

Tôi đồng ý với Hoàng Yến rằng "Bàn về thơ Tố Hữu nói chung là một vấn đề lớn có nhiều mặt, nhiều phương diện và trong một bài báo ngắn không thể nói hết được ưu khuyết điểm". Nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý với Hoàng Yến về điểm so sánh thơ Tố Hữu qua hai thời kỳ. Theo tôi trình bày ở trên, Tố Hữu qua cuốn Việt Bắc nặng về ca ngợi nên tình cảm hiện thực về chiến đấu thường bị lu mờ. Xét thơ Tố Hữu cần biết qua Tố Hữu. Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến là một cán bộ trăm công nghìn việc hơn là một thi sĩ với sứ mạng nghệ sĩ của mình. Chính vì giai đoạn kháng chiến đã đòi hỏi Tố Hữu như vậy. Thơ Tố Hữu sáng tác rất ít, tuy nhiên Tố Hữu đã nói lên được tình cảm quần chúng qua tác phẩm của mình. Tình cảm bài thơ “Bao giờ hết giặc” là tình cảm thật của bà bủ. Tình cảm bài thơ “Bà mẹ Việt Bắc” là tình cảm thật của đường Mé rừng. Tình cảm bài thơ “Cá nước”, “Bầm ơi!” là tình cảm thật của anh bộ đội.

Ðọc tác phẩm Tố Hữu, người ta cảm thấy như được nghe những mẩu chuyện con con rất say sưa và kích thích:

Anh kể chuyện tôi nghe
Trận chợ Ðồn chợ Rã
Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả

Những tình cảm ấy nẩy nở rất thích hợp với thời đại và xã hội. Những tình cảm ấy là những tình cảm ngấm ngầm nằm trong quần chúng, chứng tỏ tư tưởng cách mạng đương ăn sâu vào quần chúng. Những tình cảm ấy là căn bản của sức chiến đấu của dân tộc ta. Nó sửa soạn cho hành động tự giác một cách toàn diện. Lẽ dĩ nhiên nó phải là những tình cảm hiện thực. Xem bài thơ “Bầm ơi” anh bộ đội nào mà chẳng thấy mình đã có đôi lần nói lên những tình cảm ấy? Bà mẹ nào mà chẳng thấy nhớ con, căm giặc và sao chẳng trở thành bà mẹ nuôi của bộ đội? Xem bài thơ “Cá nước” ai chẳng tin ở sức ta, thấy tiền đồ sáng sủa qua tiếng cười ha hả…

Theo ông Hoàng Yến, Tố Hữu chưa thổi vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu của thời đại. Nhưng theo tôi Tố Hữu đã nhóm, đã khơi ngọn lửa đó để nó bốc lên rực rỡ!...
3-1955

Ðộc lập, số 97 (30.4.1955)



29. Văn nghệ

Tin văn hóa


Hưởng ứng phong trào phê bình văn học của báo Văn nghệ, Hiệu đoàn học sinh trường Sư phạm Trung ương đã mở một cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Các bài phê bình và tranh luận rất nhiều, trong số đó có hơn 10 bài viết rất công phu, ba bài góp ý kiến về bài phê bình của Hoàng Yến, hai bài góp ý về bài của Hoàng Cầm. Ngoài ra còn nhiều bài phê bình tập Vượt Côn đảo, Vùng mỏ, Cứu đất cứu mường… Phong trào phê bình và tranh luận đã làm anh chị em học sinh ban xã hội nâng cao trình độ lý luận văn học của mình lên rất nhiều.

Số 70 (1.5.1955)



30. Hiện thực [6]

Sổ tay Văn nghệ (trích)


Thơ của ta đang ở thời kỳ tìm tòi, học hỏi. Gần đây, một số bạn thơ của ta có lẽ muốn theo bước nhà thi sĩ thiên tài Liên Xô Mai-a-kốp-ski, thí nghiệm một hình thức trình bày câu thơ, là xuống giòng nhiều.

Như trong bài "Một đêm" (V.N. số 62) có những câu thơ:

Còn một đêm nay
Một đêm nay nữa
Ngày mai là
Quyết ở

Hay đi?


Thực ra, nếu ghép lại theo lối thường, thì chỉ là hai câu:

Còn một đêm nay - Một đêm nay nữa
Ngày mai là quyết ở hay đi

Nhưng tác giả cắt sẵn hộ ra làm năm khúc, cho người đọc nghỉ hơi ở giữa câu theo ý muốn của tác giả. Chưa biết lối xếp đặt câu thơ như vậy là tốt hay không tốt; các bạn thơ cứ nên tìm tòi, thí nghiệm. Nhưng có một điều chắc: là cái gì thái quá cũng không hay. Hiện nay chúng tôi nhận được đôi bài thơ đã sử dụng lối "leo bậc thang" hoặc "xuống thang gác" ấy một cách vô điều độ:

Chúng tôi
Lớn


Trẻ

Già

Toàn dân Việt

Ðang theo đường
Trung Hoa

Xô Viết

Cố tiến lên

Tất cả mười giòng mà ý thơ không có gì đặc biệt. Tôi chắc người đọc cũng không ai tán thành.

Câu thơ hay hay dở, trước hết ở tự bản thân nó, còn việc xếp đặt là một việc rất phụ. Tôi tưởng trước hết nên học tập nội dung mãnh liệt của hồn thơ Mai-a-kốp-xki là hơn. Vả lại, có lẽ câu thơ Liên Xô có những đặc tính khác với câu thơ Việt Nam, chúng ta nên nghiên cứu cụ thể câu thơ Liên Xô trước khi bắt chước.

Văn nghệ, số 68 (11.4.1955)



31. Hoàng Cầm

Bổ sung ý kiến của tôi về tập thơ Việt Bắc



Cần thống nhất với nhau về thái độ phê bình:


Tôi sẽ không nói đến những lời gay gắt thiếu bình tĩnh hoặc giọng tán tụng lấy được của một vài bạn trong cuộc tranh luận này. Tôi sẽ nói đến một vấn đề quan trọng hơn.

Tìm tòi, tranh luận về một khía cạnh nào của một nhà thơ hay một tập thơ không phải để phân ngôi thứ trong làng thơ. Bởi vậy không nên hỏi rằng "thế bây giờ thì thơ ai hiện thực nhất?" Nếu thơ Tố Hữu chưa hiện thực thì nói là chưa hiện thực, chứ không nên vì "hiện nay cũng chưa có thơ ai được hoan nghênh như thơ Tố Hữu, thì ta cứ cho là thơ Tố Hữu hiện thực nhất".

Ðọc thơ, nếu không tỉnh táo ta dễ rơi vào thói quen "tán" thơ, tỉa tót từng câu từng chữ, suy luận ra hàng nghìn ý nghĩa sâu xa. Ðó là lối chơi núi non bộ, thấy hòn non bộ giông giống một cảnh đời thì liền cho nó là cảnh đời, và vui thú với cảnh "đời" nhỏ mọn đó. Chính vì vậy mà hòn non bộ vẫn hấp dẫn, an ủi được những tâm hồn già yếu, bất lực trước cuộc sống vĩ đại.

Nếu đó chỉ là vấn đề thưởng thức văn nghệ của một số cá nhân thì sự tai hại còn ít. Nhưng nếu đó lại là thái độ phê bình văn nghệ mà người ta đem phổ biến thì thật nguy hiểm vô cùng.

Người phê bình văn nghệ, nhất là ở trường hợp tranh luận về một khía cạnh của tác phẩm như chúng ta đang làm đây, phải có cách nhìn sâu vào cuộc đời, vào thực tại khách quan, mới có thể đem ngòi bút phê bình hướng cho văn nghệ đi lên. Nếu chỉ thỏa mãn ở cảnh non bộ, tức là bắt văn nghệ đứng một chỗ, tức là lùi.


Hồn thơ và lập trường:

Tiêu chuẩn phê bình văn học là chủ nghĩa hiện thực mới. Nhân dịp phê bình tập thơ Việt Bắc chúng ta cùng nhau đem ánh sáng của chủ nghĩa hiện thực mới soi rọi vào tập thơ đó và cùng nhau học tập, luyện chắc ngòi bút phục vụ cách mạng và nhân dân.

Lần này, bổ sung ý kiến mà tôi đã phát biểu, tôi chỉ muốn nói đến hồn thơ của thi sĩ, là một mặt trong chủ nghĩa hiện thực mới.

Thái độ của thi sĩ trước cuộc đời, Ðảng tính, chiến đấu tính, tư tưởng tính, nghệ thuật tính, dân tộc tính v.v... đều gồm ở hồn thơ của thi sĩ.

Nhưng hồn thơ là gì? Nó vô hình chăng? Hồn thơ là ở thực tế sinh hoạt xã hội, ở giai cấp của bản thân thi sĩ, ở cách nhìn cuộc đời nhìn con người của thi sĩ. Cho nên hồn thơ gồm hai yếu tố thống nhất lại: đó là thực tế xã hội mà thi sĩ đã sống và đang sống và cách nhìn của thi sĩ vào thực tế ấy. Nhiều khi, thi sĩ có yếu tố thực tế mà cách nhìn sai lạc thì hồn thơ cũng hỏng. Nhiều khi có cách nhìn đúng mà thiếu thực tế thì thơ cũng không có hồn, hoặc chỉ là cái "hồn" rất riêng của bản thân thi sĩ tách rời thực tế, không ích lợi gì cho thời đại.

Ta đã từng nghe, đọc trên báo chí vùng tạm chiếm trước đây một số bài thơ "ngụy" cũng hô hào yêu nước, diệt xâm lăng, cũng thương xót nòi giống, nhưng toàn là những tiếng hão, không có hồn, vì hồn người làm thơ đã xa lìa quần chúng, xa lìa cả đến ý nghĩa của những tiếng kia rồi. Không có rung động thực, nhất định thơ sẽ khô khan hoặc giả tạo. Thi sĩ rung động thế nào thì thơ toát ra như thế.

Hồn thơ tóm lại chính là lập trường, là tâm hồn của thi sĩ. Trong một bài thơ, cái hồn đúc lại do lời, do hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu. Nó toát ra ngoài những tiếng, những chữ, tưởng như nó vô hình nhưng chính nó mới là sức tác động tâm hồn người đọc, người nghe.


Trở lại cái yếu đuối của hồn thơ Tố Hữu:

Bài trước, tôi nói thơ Tố Hữu thường phảng phất buồn. Tôi không phản đối tất cả những bài thơ buồn, vì ta không thể bắt thi sĩ phải làm thơ vui khi thi sĩ muốn diễn tả cái buồn có thật trong lòng mình và trong cuộc đời. Nhưng thơ Tố Hữu phảng phất cái buồn vô duyên cớ, cái buồn tiểu tư sản chứ không phải cái buồn đau xót thấm thía đưa đến căm thù và phấn đấu. Hướng đi lên của thời đại của nhân dân là khỏe: vui khỏe, nhớ khỏe, buồn khỏe, căm giận khỏe, yêu thương khỏe. Vui buồn yêu ghét của nhân dân cách mạng đều có cái đặc tính là khỏe khoắn, chắc nịch. Những bà mẹ có con đi bộ đội rất nhớ con, nhưng sâu sắc lành mạnh, thấy đứa con mình ra người, chứ không yếu đuối như bà bủ của Tố Hữu. Bà cụ này không còn sinh lực, loanh quanh với cái nhớ u ám trên ổ chuối khô. Ở bài “Bà mẹ Việt Bắc”, bà cụ này tương đối khoẻ hơn bà bủ và anh bộ đội trong nhiều bài khác, thế mà hồn thơ Tố Hữu vẫn cứ cài vào cho bằng được cái yếu đuối trong ba dòng lục bát:

Phên nan gió lọt lạnh lùng
Ngọn lửa bập bùng, mé khóc rưng rưng
Nghẹn ngào chuyện cũ nửa chừng...

Ðó, cái hồn yếu đuối của nhà thơ. Ðó, cái tiểu xảo của tác giả dùng để khêu gợi một cảnh heo hắt rất không cần thiết cho bài thơ.

Tố Hữu đã bắt cái thực tế (bà bủ, bà mẹ Việt Bắc) nhịp theo cái yếu đuối, cô độc của tâm hồn mình. Nếu nói bà bủ tiêu biểu hay đại đa số bà bủ (nông dân) thì trằn trọc suốt đêm là vì căm thằng địa chủ cướp mất ruộng, vì mừng một tin chiến thắng, vì phải tính chuyện sản xuất thế nào, v.v... Còn đứa con đi bộ đội, nhớ nó nhưng không bao giờ chỉ nhớ loanh quanh với toàn những hình ảnh khổ cực như thế mà mất cả một đêm. Thi sĩ lại bắt ngọn lửa, phên nan ở trên nhà sàn cũng hiu hắt theo chiều tâm hồn vắng lạnh của mình chứ không theo thực tế. Vì thực tế là cảnh nhà sàn đêm khuya, dù bên trong có ôn lại chuyện đau khổ ngày xưa, đối với người dân Việt Bắc cũng như đối với cán bộ kháng chiến không hề có vẻ thê lương ảm đạm. Ðó, cách thi sĩ nhìn vào cái nhớ, cái thương của những bà mẹ trong cách mạng, trong kháng chiến. Theo ý tôi, cách nhìn đó là cách nhìn tiểu tư sản.

Còn cách nhìn hòa bình của Tố Hữu thế nào? Ðường rộng, cảnh đẹp, đi những bước ung dung đến thống nhất. Bài “Ta đi tới” có một không khí nhẹ nhàng thoải mái, đường mở rộng thênh thang từ Bắc đến Nam. Nó không diễn tả được cái thực chất bước đi của dân tộc sau khi hòa bình lập lại. Chỗ nào giặc còn tạm đóng, nơi ấy còn đe dọa, còn máu, nước mắt. Hòa bình không dễ dàng. Cái mừng hòa bình gắn ngay với lo âu, với căm thù, phấn đấu: Nạn đói đe dọa, địch cưỡng ép di cư, tan cửa nát nhà vì đế quốc Mỹ và bè lũ hiếu chiến. Gió mát hòa bình gắn ngay với mồ hôi kiến thiết, đường sắt, đập, kè, ruộng hoang, nhà máy. Vì vậy bài “Ta đi tới” chỉ có tác dụng trong một lúc bàng hoàng vui sướng khi hiệp định Giơ-ne-vơ vừa ký xong. Nó rất hợp với những tâm hồn xa thực tế đấu tranh, coi hòa bình như cơn gió mát, không còn giặc, không còn máy bay, được đi giữa ban ngày hưởng thắng lợi hòa bình, rồi đi đến thực hiện thống nhất một cách thực ngon lành. Cách nhìn hòa bình thống nhất của tác giả là cách nhìn lạc quan tiểu tư sản, không phải cái lạc quan cách mạng xây dựng trên một lòng tin sắt đá, cụ thể vào từng bước đấu tranh gay go, gian khổ, nhưng vững chãi, quyết thắng.

Khi hòa bình rồi, chính phủ về thủ đô, thi sĩ thấy ngay cảnh biệt ly man mác (“Việt Bắc”). Người ở lại Việt Bắc mất hút vào rừng vào núi, người về xuôi cũng mất hút vào phố phường đông đúc. Bài thơ này trái với cách nhìn cách mạng: Việt Bắc, thủ đô, toàn quốc là một. Vui chung hòa bình, lo chung phấn đấu. Sao tác giả lại chia Việt Bắc và thủ đô ra làm đôi, chia người ở, kẻ về ra làm đôi, cố tình chia cho thành đau khổ để rồi an ủi, hứa hẹn - hứa hẹn rất nhiều mà vẫn bi.

Chia tay Việt Bắc rồi, khi gặp lại Hà Nội, thi sĩ thật là một khách du, đi xa tám năm nay gặp lại một người tình cũ. Hai người nói với nhau vài câu cửa miệng, nhưng không thực bụng yêu nhau:

Người đi kháng chiến tám năm giời!

Người dân của Hà Nội ở lại thủ đô, từ sau khi lực lượng vũ trang của ta tạm rút ra ngoài, đã cùng với nhân dân toàn quốc, cùng với bộ đội tạo nên ngày 10-10-1954, ngày mà thi sĩ "lại về" Hà Nội. Vùng tạm chiếm, vùng tự do đã "gặp" nhau trong trường kỳ kháng chiến từ tám năm rồi. Tại sao lại cách biệt đến thế? Có người về, kẻ đợi thật đấy, nhưng sự thực điển hình vẫn là khối thống nhất đã tạo nên ngày lịch sử đó.

Từ giã Việt Bắc, thấy xa Việt Bắc, mang tâm tình bàng quan của một khách du đi kháng chiến tám năm trở lại Hà Nội, cũng hời hợt, ít thắm thiết với Hà Nội, đó là một điệu tâm hồn của thi sĩ đã hiện ra ngoài lời thơ.

Thành ra từ bài “Ta đi tới” đến bài “Lại về”, tôi thấy hiện ra cái hồn thơ thoải mái nhẹ nhàng, yếu ớt, chênh vênh của thi sĩ. Hồn thơ ấy lạc lõng bên cạnh một sự thật vĩ đại của một thời kỳ lịch sử.

Tôi có thể tóm tắt cách nhìn của Tố Hữu như sau:

Ðó là cách nhìn tiểu tư sản rất có hệ thống trong suốt tập Việt Bắc.

Nội dung thơ Tố Hữu có nhiều đức tính gần thời đại, gần con người. Nhưng những ưu điểm của thơ Tố Hữu chưa đủ chất lượng của một ngòi bút hiện thực mới. Thơ Tố Hữu mới gần thời đại, gần con người mới, chứ chưa phải là thời đại và con người mới đã hiện lên trong thơ Tố Hữu. [7]

Thơ Tố Hữu có tình yêu nước trong sáng, thiết tha nhưng thiếu cụ thể. Tình yêu nước của thơ Tố Hữu nhẹ quá, dễ bay thoảng.

Vì vậy đa số các bài thơ trong Việt Bắc có tác dụng động viên tuyên truyền, nhưng chưa đến một trình độ tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc.

Do cách nhìn tiểu tư sản của thi sĩ, nhiều bài có xúc động với thực tế, có dụng ý rất tốt (như bài “Việt Bắc”) bỗng trở nên không đúng. Ví như tác giả gạt đi những đoạn thơ lai láng biệt ly (kiểu Nguyễn Du, Tản Ðà) ở bài “Việt Bắc”, giữ lại những đoạn rung động nhiệt thành với thực tế, thì chúng ta có được cả mối tình nhớ Việt Bắc đằm thắm, thân mật. Ta sẽ có mươi lăm dòng ý vị ngọt ngào làm cho ta nhớ Việt Bắc, tác dụng ấy tốt hơn là để người đọc thấy chia ly ngậm ngùi, heo hút, lê thê hàng trăm câu.

Tôi rất đồng ý với nhiều bạn cho rằng thơ Tố Hữu làm ta thêm yêu nước, yêu bộ đội, yêu nhân dân, yêu chiến thắng, yêu hòa bình. Ðó là ưu điểm của Tố Hữu. Nhưng nhược điểm của Tố Hữu là những tình yêu đó còn yếu ớt, chưa vững chắc, cụ thể, chưa toát ra ngoài bài thơ thành một sức mạnh truyền cảm mãnh liệt. Ðó là một sự thực khách quan chứ không là tưởng tượng do cái "bệnh thời đại trong văn nghệ" mà bạn Vũ Ðức Phúc đã gán cho tôi.

Kết luận:

Tôi tin chắc chính Tố Hữu, và một số đông các bạn cũng như tôi, chưa thỏa mãn về những ưu điểm của thơ Tố Hữu. Chúng ta đòi hỏi ở các người làm thơ:

Tôi mượn mấy câu ca dao cũ để chứng dẫn sự đồng tình của tôi đòi hỏi một sức sống mạnh, một tiếng hát cao, hướng dẫn cho cuộc sống con người phát triển.

Có hát thì hát cho bổng, cho cao,
Cho gió lọt vào cho chúng chị nghe;
Chị còn ngồi võng ngọn tre,
Gió đưa kĩu kịt chẳng nghe tiếng gì.

Rất nhiều bài thơ của anh, của tôi, của các bạn chúng ta là tiếng hát thấp quá, quần chúng đang "ngồi võng ngọn tre" gió thổi lộng trời, quần chúng không nghe thấy.

Khi sức sống trong văn thơ thấp bé hơn sức sống quần chúng thì chưa thể đi tới hiện thực xã hội chủ nghĩa được. [8]

Thơ hiện thực là thơ mang trọn vẹn những tư tưởng mới. Tư tưởng và con người thời đại không ở chữ ở câu này câu khác mà ở sức mạnh của bài thơ, ở hơi thở trong bài thơ toát ra.

Văn nghệ, số 70 (1.5.1955)



[1]Ðây là lời tòa soạn báo Ðộc lập.
[2]Lưu ý: ở đây tác giả dẫn thơ có chỗ thiếu chính xác; ví dụ ở câu đầu đoạn trích này.
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.
[3]Ða-nốp: tức là Zhdanov, Andrei Alexandrovich (1896-1948), quan chức cao cấp đảng CS Liên Xô. Thời kỳ kháng chiến ở Việt Bắc, có 2 cuốn sách dịch của ông được xuất bản: cuốn Báo cáo của Ang-đơ-rê Ða-nốp (Nxb. Sự thật in 6000 cuốn, xong ngày 12.11.1950; nói về tình hình thế giới) và cuốn Andrei Jdanov: Vài quan điểm văn học nghệ thuật, Xuân Trường dịch, Nxb. Văn nghệ, 1951. Ở cuốn kể sau có bài phê phán sự lệch lạc của 2 tạp chí Ngôi saoLeningrad. Lưu ý: tác giả Nhân Hồng lầm thời điểm: các sự kiện trên xảy ra không phải vào năm 1948 mà là năm 1946, với quyết nghị của Trung ương Ðảng CS Liên Xô đóng cửa tờ Lenigrad và thay đổi thành phần biên tập tờ Ngôi sao. Hai nhà văn bị công kích nặng nề trong vụ này là M. Zoshenko và A. Akhmatova. (N.S.T)
[4]Lưu ý: tác giả dẫn sai một số từ trong các câu thơ, ở đây giữ nguyên do yêu cầu tư liệu (NST).
[5]Lưu ý: Tác giả bài này dẫn thơ thiếu chính xác: “cuốn tung lên” chứ không phải “cuốn trung liên”. Ở đây giữ nguyên vì tính tư liệu của sách này. (NST)
[6]Lưu ý: Hiện Thực là một bút danh ký dưới các bài trong mục “Sổ tay Văn nghệ” của báo Văn nghệ năm 1955. Sang 1956, người viết mục này ký là Bạch. Chưa rõ nhà văn nào viết cho mục này ký Hiện Thực; còn người ký Bạch chính là Nguyễn Tuân.
[7]Ở bản gốc câu này in chữ đậm (NST).
[8]Câu này ở bản gốc in chữ nét đậm (NST).