© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
20.7.2005
Bùi Văn Phú
Có không văn hóa hòa giải?
 
Những năm 1986 và 1987 tôi công tác tại các trại tị nạn Ðông Nam Á.

Ở trại Pulau Bidong, Mã Lai, có tượng xi măng hình một cụ già ngồi trông ra biển. Hỏi những người ở đảo về nguồn gốc sự hình thành của tượng thì tôi được nghe những câu chuyện tuy chi tiết có khác nhau nhưng điểm chung là về số phận của con tàu TV148 mà xác tàu còn nằm trên bờ biển đảo Bidong, ngay dưới chân cầu jetty dẫn vào đảo, nửa tàu đã chìm dưới cát.

Con tàu rời Việt Nam vào những năm cao điểm của làn sóng vượt biển, chở mấy trăm người. Sau chuyến vượt trùng dương, gần đến đảo thì bị hải quân Mã Lai nổ súng đuổi đi nhiều lần. Tàu bị sóng đánh lật úp. Người trên tàu chết hết, chỉ còn một mình cụ sống sót.

Lên đảo cụ ông sống không được bao lâu thì cũng qua đời. Cái chết của cụ là những huyền thoại. Có người nói cụ nằm nghỉ dưới gốc dừa bị một trái rớt trúng đầu. Có người kể đại gia đình của cụ mấy chục con cháu chết hết trên chuyến tàu đó, được vớt lên đảo, cụ buồn, không ăn uống cho đến kiệt sức rồi qua đời.

Tượng đài được người ở đảo dựng lên, gọi tên là “Ông thần Bidong” để tưởng nhớ sinh linh mấy trăm người vượt biển trên chuyến tàu TV148 định mệnh.

Ở Galang, Indonesia, có một miếu thờ hai cô gái xây năm 1985 dưới một tàng cây lớn như cây đa, tại ngã ba đường dẫn vào chùa Phật giáo trại 2. Hai chị em trên đường vượt biển gặp hải tặc, bị hãm hiếp. Ðến được trại tị nạn, quá xấu hổ nên tự tử. Người ở đảo lập miếu thờ ngay dưới gốc cây chỗ hai cô treo cổ.

Miếu Hai Cô, trại tị nạn Galang 2 (ảnh Bùi Văn Phú)
Trong trại Galang cũng có một nghĩa trang chôn cất hơn 400 người đã đến đảo nhưng qua đời ở đó. Cổng vào có một tấm bia lớn ghi hàng chữ “Tưởng niệm đồng bào đã tử nạn trên đường vượt biển tìm tự do” bằng năm ngôn ngữ. Nơi đó có mộ phần của những người già, của em bé, của thanh niên thiếu nữ, của người hiền lành, của kẻ hay quậy phá.

Bia tưởng niệm thuyền nhân ở nghĩa trang Galang, ảnh chụp năm 1986 (ảnh Bùi Văn Phú)
Nhiều lần tôi đi chơi với thanh niên trong trại. Buổi tối về ngang qua khu nghĩa trang, nghe tiếng lá cây theo gió đong đưa xào xạc, một số bạn sợ ù chạy, họ nói là có ma. Tôi thường khuyên các bạn bình tâm, tùy theo tôn giáo mình tin mà thầm cầu nguyện cho những người đã chết được yên giấc ngàn thu.

Trong một chuyến đi công tác Philippines, ông trưởng đại diện Cao ủy Tị nạn có cho tôi xem tập hình tài liệu cứu vớt người vượt biển, trong đó có hình ảnh những xác chết trên một đảo san hô. Mấy chục xác người, chỉ còn da bọc xương, có màu đỏ đen nằm vất vưởng trên những bãi san hô và cát trắng. Tôi bật khóc khi thấy cảnh hãi hùng đó.

Những năm đi công tác tôi được nghe kể nhiều chuyện tang thương. Sóng lớn, giông bão khiến con tàu như chiếc lá mong manh. Sống sót nhờ ơn Trên phù hộ. Không may bị chết chìm, chết đói, chết khát, chết do bởi bàn tay hải tặc. Ðến đảo có khi bị quấy nhiễu, làm khó dễ, bị ức hiếp. Nhưng trong những nỗi khổ đau, người vượt biển luôn hướng về một tương lai định cư.


*


Hai mươi năm sau hơn 100 cựu thuyền nhân đã thực hiện chuyến đi tìm về chốn cũ, nơi từng được gọi là “cửa ngõ của tự do và tình người.” Tôi mừng cho đoàn du hành và mơ ước một ngày mình được về lại vùng biển, đặt chân trở lại Bidong, Galang, ở đó tôi đã sống và được chia sẻ ít nhiều nỗi gian nan của đồng hương.

Tôi theo dõi chuyến đi của đoàn vào tháng 3. 2005 qua những hình ảnh được ghi lại.

Bidong bây giờ hoang phế. Xác con tàu định mệnh TV148 bằng sắt nay đã mục để trơ trọi ra những đầu máy rỉ sét. Tượng “Ông thần Bidong” không còn thấy đâu. Ðồi tôn giáo trông hoang tàn. Chùa chỉ còn lại khung sườn xiêu vẹo, tượng đức Phật không còn nguyên vẹn. Những tấm bảng tạ ơn dưới chân tượng đài Mẹ Maria đứng trên một con thuyền nay đang rơi rụng theo mưa nắng.

Xác tàu TV148 tại đảo Bidong, Malaysia, ảnh chụp năm 1987. Mấy trăm người vượt biển trên tàu này chết hết (ảnh Bùi Văn Phú)
Galang còn những nét thiên nhiên và được chăm sóc, tổ chức hơn. Ngôi chùa trên đồi cao ở trại 1 và nhà thờ công giáo trại 2 bên ngoài trông vẫn như hai mươi năm trước. Nơi tiếp đón đoàn khách tha hương, Youth Center, bên trong được sơn lại sáng sủa và đẹp. Ở đây đã có biết bao sinh hoạt văn nghệ giúp vui cho người tạm trú vào những dịp lễ lạt hay khi có phái đoàn cứu trợ nước ngoài vào thăm. Nơi nghĩa trang xưa, một góa phụ khóc lóc thảm thương trong tiếng kinh cầu Chúa, khấn Phật khi trở lại thăm mộ chồng sau 20 năm xa cách. Tấm bia tưởng niệm ở cổng vẫn còn, tuy đã phai bạc theo thời gian và sương gió.

Rồi văn phòng cao ủy, văn phòng ICM, ban đại diện trại được dựng lại, với bảng tên chỉ dẫn, tuy có chữ đánh vần sai.

Xác vài con tàu gỗ vượt biên, năm 1986 nằm phơi nắng mưa bên cạnh cầu tàu, ẩn náu sau những đống gỗ và lùm lau, sậy nay được kéo lên, sơn phết lại, để trong một công viên, dưới những tàng cây xanh rũ phủ bóng mát.

Tại công viên này, cộng đồng người Việt hải ngoại đã dựng một bia đá hoa cương khắc lời tỏ lòng biết ơn chính phủ Indonesia và những cơ quan quốc tế đã giúp đỡ thuyền nhân.

Lời tưởng niệm trên bia dựng tại trại tị nạn Galang vào tháng 3-2005. Do sự phản đối của nhà nước Việt Nam, bia đã bị đục bỏ vào tháng 5 (ảnh từ tạp chí Thế Kỷ 21, tháng 7-2005)
Trên bia còn ghi lời Anh ngữ:

“Ðể tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên đường tìm Tự Do (1975-1996).

Dù họ chết bởi đói khát, bị hãm hiếp, kiệt sức hay vì nguyên do khác, chúng tôi cầu xin cho họ được vui hưởng an bình vĩnh cửu.

Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị quên lãng.

Các Cộng đồng người Việt hải ngoại, 2005”

Do sự phản đối của nhà nước Việt Nam với chính phủ Indonesia, tấm bia đã bị đục bỏ.


*


Tôi nhớ lại một đoạn trong phim Ðời cát dựa trên truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của Hữu Phương, Nguyễn Quang Lập viết kịch bản, Nguyễn Thị Hồng Ngát biên tập và sản xuất.

Ông Cảnh là một bộ đội tập kết ra bắc sau hiệp định Genève 1954. Chiến tranh chấm dứt, năm 1975 ông trở vào nam đoàn tụ cùng vợ là bà Thoa.

Bà Thoa đưa chồng ra nghĩa trang thăm mộ thân nhân, thắp nhang cho những người đã chết. Mộ ông bà nội chết vì bệnh dịch. Cha bị giết khi luật 10-59 ra đời. Mẹ bị tù và chết trong đó. Mộ chị Lài, bác Cả, o Luân, thím Hai chết vì bom năm 1966. Dì Út là một du kích can trường, chết trẻ năm 19 tuổi. Ông Cảnh đốt nhang, đến cắm trước từng nấm mộ.

Bà Thoa: Ông còn nhớ thằng này không?

Ông Cảnh: Thằng Thọ xóm dưới, học cùng lớp đệ tam với tôi phải không?

Bà Thoa: Thằng này hồi còn sống làm xã trưởng, quậy lắm. Ðàn bà trong xã có chồng tập kết nó đều tra hỏi, cật vấn, gạ gẫm chịu làm bậy với nó, nó lờ đi cho. Năm 68 nó định hiếp tôi trong rừng dương. Nó bị ông Huy bắn chết.

Ông Cảnh: Ai bắn?

Bà Thoa: Ông Huy. Ổng cùng trung đội du kích với tôi.

Lấy nhang trong giỏ, bà Thoa nói với chồng: Thắp cho nó một que. Dù sao cũng là đồng môn.

Ông Cảnh không thắp nhang cho Thọ. Lẳng lặng bước đi.

© 2005 talawas