© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
21.7.2005
Ðỗ Minh Tuấn
Không có cáo phó nào cho nhóm Nhân văn-Giai phẩm
 
talawas số ra ngày 8.7.2005 có đăng bài của ông Phan Xuân Lâm (PXL) trao đổi với tôi về những vấn đề liên quan đến vụ Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) mà tôi đề cập đến trong bài viết “Quyền lực con người trong xã hội dân sự - phần 2”. Trước hết, xin cám ơn ông đã đọc bài viết của tôi và trao đổi lại trên tinh thần học thuật thẳng thắn và tương kính. Thái độ nghiêm túc của ông đã khiến tôi phải đọc lại ngay bài viết của mình xem có phải do viết vội, diễn đạt chưa chuẩn xác nên có những nhận định chưa chính xác, thiếu công bằng, vô tình xúc phạm đến những con người đáng kính ngoài mong muốn của mình không. Mặc dù, thừa biết rằng nếu ông PXL có tỏ thái độ nhún nhường, ra vẻ sợ tôi, thì đó cũng chỉ là một hình thức tự tôn của ông, song cái cung cách phân trần rào đón vì sợ tôi sẽ có những thái độ phản pháo quyết liệt như đã từng bảo vệ bộ phim Ký ức Ðiện Biên cũng làm tôi suy nghĩ.

Trước khi trao đổi lại với ông Lâm những vấn đề mang tính học thuật, tôi xin được nói đôi điều để ông xoá đi cái ý nghĩ vội vàng rằng muốn trao đổi với tôi nhất nhất phải đồng ý với những điều tôi viết. Việc ông bằng thái độ trách nhiệm và niềm tin văn hoá của mình đặt vấn đề trao đổi thẳng thắn với tôi trên văn bản trích dẫn chính xác sao lại có thể đem so với việc Trần Mạnh Hảo và bọn khủng bố bịt mặt tung tin thất thiệt về việc bộ phim Ký ức Ðiện Biên của chúng tôi "bị báo chí cả nước chửi cho”. Tiếc rằng, tôi còn chút ý tứ nên chỉ trích ý kiến của 8 tờ báo lớn, mà không trích hết ý kiến của gần 20 tờ báo nữa để bác bỏ thông tin bịa đặt theo kiểu Gơben của họ. Nếu họ không vu cho báo chí mà thẳng thắn nêu ý kiến có phân tích của mình về bộ phim của tôi để bác bỏ đánh giá của hơn 20 tờ báo đó, thì tôi đâu có thể phẫn nộ với họ được? Ðưa ra chứng cứ và quyết liệt làm sáng tỏ đến cùng điều vu cáo liên quan đến bộ phim không chỉ để bảo vệ tác phẩm mình tâm huyết, mà còn để xới lên vấn đề về chủ nghĩa ngu dân thời đại internet và phơi áo những người lãnh đạo hữu khuynh và bạc nhược đã gạt bộ phim Ký ức Ðiện Biên ra khỏi giải Bông sen Bạc trong LHP Việt nam vừa qua. Ông PXL đã có lúc vì một chủ nghĩa khách quan khoa học có phần lạnh lẽo mà nhiệt tình biện hộ cho những ngoại nhân dã man xả súng bắn chết 8 ngư phủ Việt Nam, vận hết nội lực trí tuệ ra để gieo rắc nghi ngờ về sự lương thiện của 8 người đồng bào xấu số. Chẳng lẽ, khi đọc bài trao đổi của ông tôi cũng phải rùng mình sởn gáy nghĩ rằng: Con người thích chơi trội này đã dám đứng lên cả xác đồng bào để quảng cáo cho những hoạt chất trong neuron thần kinh của mình, thì không có gì ông ta không thể làm để giành chiến thắng, vì thế phải vô cùng thận trọng hay sao?

Thưa ông Phan Xuân Lâm, tôi đã không nghĩ vậy. Tôi đã không sợ ông như ông đã sợ tôi. Trái lại tôi nhìn ông như nhìn một thứ cảnh sát tinh thần được cử đến để soi mói cuộc đời tôi, nhưng rốt cục lại làm cho những gì tử tế và lương thiện đang bị giam cầm có cơ hội thoát ra ngoài ngục tối của ngộ nhận và thiên kiến.


Triết lý sống và những điều ngộ nhận

Trước hết, cần nói rõ để ông PXL và độc giả hiểu giúp là tôi hoàn toàn không có ý định xúc phạm, coi thường hay hạ bệ những người trong nhóm NVGP, là những người tôi luôn kính trọng và ít nhiều gắn bó. Tôi chỉ kể lại triết lý sống của mình ba mươi năm trước đây khi dấn thân vào trò chơi quyền lực. Nếu những triết lý sống đó có gì bất cập thì đó cũng chỉ là triết lý của tuổi đôi mươi, không thể đánh tráo thời gian để biến triết lý sống của cá nhân tôi thành bản cáo phó giành cho nhóm NVGP.

Những suy tư và nhận định của tôi ba mươi năm trước về nhược điểm của những người có tài ở thế hệ trên, như đã viết, là căn cứ vào thái độ của những người đồng nghiệp, những thầy giáo, những nhà văn, nhà trí thức mà tôi có quan hệ ở thời điểm ấy. Trong Viện Triết học, khi diễn ra cuộc đấu tranh tự vệ của tôi và Vĩnh Quang Lê, những người ở phe ông Ðặng Xuân Kỳ mà chúng tôi gọi là phe maoist thì cố kết với nhau, tấn công ráo riết và biết phát huy quyền lực ở cấp cao, còn những người ở phe ủng hộ chúng tôi thì có phần rời rạc, thất thường, nhiều khi bàn bạc xong rồi lại cao ngạo không làm, tỏ thái độ coi khinh quyền lực nhân danh đạo lý, thậm chí gặp phía bên kia lại tỏ ra khách quan, tách khỏi hai chúng tôi. Chúng tôi đau lắm, than thở rằng bọn maoist hoá ra lại có tình với nhau, còn những người tốt, người tài của phe ta hoá ra ích kỷ bạc nhược và cao đạo quá. Tôi đã làm một bài thơ dài “Gửi những người tốt” với nhiều câu đau đớn như:

Các anh ơi, dù có thế nào, xin các anh cũng đừng chối bỏ chúng tôi
Ðừng lột áo chúng tôi đem làm lá cờ hàng
Đừng đem những tâm sự riêng tư để buôn bán trao tay

Dù đã gói kín lại trong mùi xoa tình thương và đạo lý

Từ nỗi đau của kẻ bị những người mình yêu quý và tôn trọng bỏ rơi, tỏ tình kín đáo với địch thủ sau lưng mình, chúng tôi khái quát lên thành căn bệnh của một thế hệ. Cái ý chí vượt qua sự nô lệ có màu sắc đạo lý này để quyết liệt hành động đã hình thành từ những đổ vỡ đau đớn rất cụ thể và trần trụi đó. Nỗi đau và triết lý đó dần dần cũng trở thành động lực để gây sức ép toàn diện với những người có quyền ực thay vì cầu xin họ. Cái ý chí gây sức ép bắt nguồn từ nỗi hận đời của tuổi trẻ thật là dữ dội, nó xui chúng tôi gây sức ép toàn diện bằng cả lý luận và thực tế để đòi Ðảng phải chống Maoism quyết liệt. Khi kể lại triết lý sống đằng sau ứng xử này, trong đoạn ông PXL trích lại, tôi đã ngoằng thêm vào mấy chữ "kể cả nhóm Nhân văn-Giai phẩm”. Mấy chữ ngoằng thêm vào này đã làm rối vấn đề, vì thực ra, cái cơ sở thực tế để tôi lôi thêm các vị NVGP vào danh sách những người mắc căn bệnh đạo lý thất bại không phải là ứng xử của họ khi họ còn đang đương quyền, mà căn cứ vào cách giải quyết sự việc của họ khi sự cố đã bùng ra. Một nguyên nhân quan trọng khiến tôi lôi thêm các vị này vào là những ứng xử tích cực xuất phát từ triết lý sống rút ra từ thực tế của chúng tôi tuy tạo được những hiệu quả, thành công, nhưng luôn bị xã hội căn cứ vào chuẩn ứng xử của nhóm NVGP để phê phán và cô lập. Những điều này tôi sẽ phân tích cụ thể ở các phần sau.

Sự ngộ nhận về việc chúng tôi viết cáo phó cho nhóm NVGP có một phần nguyên nhân do sự diễn đạt chưa chính xác và thấu đáo của tôi mà tôi sẽ phải rút kinh nghiệm, nhưng nguyên nhân chính là do ông PXL đã nhìn nhận một vấn đề mới mẻ, phức tạp và tế nhị từ góc nhìn của một tín đồ văn hoá, nhận diện và đánh giá các vấn đề, sự việc theo những chuẩn mực giá trị khá lỗi thời, mặt khác đã có những thao tác đánh tráo vấn đề, đánh tráo khái niệm, đánh tráo thời gian. Trong bài viết của mình, ông PXL đã tỏ ra có thái độ ăn bớt khi biến hành trình sống và đấu tranh cho cái mới gần ba mươi năm của tôi, từ trước Ðại hội 4 của Ðảng, trước đổi mới, trước Ðông Âu, chỉ còn là một hai năm ở thời “mạt kỳ của chuyên chính vô sản”. Từ sự lầm lẫn đó, ông đã thực hiện một số so sánh và đánh giá không cùng thời điểm, không cùng hệ quy chiếu và không cùng chuẩn mực, tạo nên hình ảnh méo mó, sai lệch về thái độ của tôi.

Ông PXL viết : “Ông Tuấn chưa một ngày nào bị tù đầy, bị đi cải tạo, bị chính thức treo bút, bị chính thức khai trừ khỏi sinh hoạt văn nghệ. Ông mới chỉ bị „ba bốn lần ngấp nghé cửa nhà giam và trại cải tạo“, „suýt bị đuổi học“, „suýt bị đi cải tạo“. Dù tự đánh giá rất cao tình trạng bị „giam lỏng rất cao tay“ của mình, liệu ông Tuấn có nên cho rằng bi kịch của ông còn nặng nề hơn những gì đã xảy ra với những người NVGP hay xét lại? Cái „án không thành văn“ mà ông phải chịu đựng có thể so sánh với cái án cũng không thành văn mà các ông Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Hoàng Minh Chính... phải chịu đựng không? Đây là một đoạn hùng biện lạc đề, đánh tráo vấn đề, ra sức đẩy một cánh cửa đã mở rồi, vì trong bài viết tôi không có câu nào đề cao bi kịch của mình, trái lại, khẳng định rằng mình đã tìm mọi cách để vượt qua bi kịch, để không chịu chết như các bậc đàn anh. Tôi cũng không đánh giá rất cao tình trạng bị «giam lỏng rất cao tay» của mình như ông PXL đã viết, mà chỉ chứng minh rằng mình không bịa chuyện về việc không được làm phim và ký tên khi viết báo như TMH đã quy kết.

Như tôi đã viết, vào những năm 1977, 1978 sau một số bài viết về thơ chống Mỹ, về văn học hải ngoại tôi lại bị các báo chí của quân đội và công an quy kết những tội danh chính trị nặng nề như: “chống lại khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “phủ nhận cuộc kháng chiến công Mỹ của dân tộc”, “Móc nối với bọn phản động hải ngoại để lật đổ chế độ”, “tiếp tay cho bọn chuyển lửa về quê hương”, “lật bàn thờ văn hoá truyền thống”, “kêu gọi lật đổ các giá trị thiêng liêng”. Nếu không nỗ lực tấn công và thuyết phục để vượt qua, thì chúng tôi sẽ phải rơi vào số phận tù đày, cải tạo y như những người NVGP và những người dân chủ. Nhưng với triết lý sống và năng lực hành động của mình, và cũng do biết nhìn nhận lương tri của những người lãnh đạo, chúng tôi đã không phải chịu những trừng phạt như nhóm NVGP và những người hoạt động dân chủ đã chịu. Trong bài viết “Quyền lực con người trong xã hội dân sự - Phần2” tôi đã coi việc không chịu chết, không chịu bị trả giá như các bậc NVGP và các nhà dân chủ đã phải chịu là những thành tích mới mà chúng tôi đạt được bằng đạo lý mới và thái độ mới của mình. Vậy mà ông PXL lại vu vạ rằng tôi đã cho rằng bi kịch của mình còn nặng nề hơn những gì đã xảy ra với những người NVGP. Tôi chỉ nói rằng “không có nghệ sĩ nào bị quy kết nặng nhiều lần như vậy vào những năm 1976-1977”, ông lại thuyết minh với độc giả rằng tôi khoe khoang về khối lượng hình phạt. Đây là một sự đánh tráo khái niệm “tội danh bị quy kết” bằng khái niệm “hình phạt phải chịu đựng”. Từ sự đánh tráo đó ông bắt đầu hứng khởi lôi ra tư liệu về những gì các vị NVGP và các nhà dân chủ đã phải chịu để hùng hồn bác bỏ một điều tôi không hề nói. Chẳng khác gì, khi tôi tuyên bố “Tôi bị rất nhiều rắn độc cắn, nhưng nhờ biết vận nội công nên không hề hấn gì”, ông PXL lại bác bỏ rằng: “Hỡi ôi, ông Tuấn có nên coi bi kịch của ông là lớn hơn bi kịch của nhưng người bị rắn cắn chết lăn quay?” Thật chẳng khác gì cuộc đối thoại của hai người điếc! Ở đây, ông PXL đã không hiểu được cái ý tưởng khá tế nhị của tôi về sự tỷ lệ nghịch giữa tội danh và hình phạt, hoặc ông đã cố tình đánh tráo vấn đề để có cơ hội múa gậy vườn hoang, tuôn ra hàng ngàn chữ kể lại những hành vi tàn bạo của một chế độ độc tài mà ông biết sẽ làm nức lòng bao độc giả.


Thử hình dung một kịch bản phản công cho nhóm NVGP

Để độc giả có thể hình dung rõ hơn ý tưởng này của tôi, tôi xin thử đưa ra một kịch bản hành động cho nhóm NVGP, cùng độc giả trở về quá khứ, xác định lại thế cờ của thời điểm ấy để trình bày phương cách giải ván cờ thế theo quan điểm tấn công của chúng tôi. Trong khi phác hoạ lại thế cờ, tôi cũng đồng thời bác bỏ những nhận định của ông PXL về quan hệ và thái độ của nhóm này với guồng máy chuyên chính vô sản lúc bấy giờ, như quan điểm cho rằng nhóm NVGP muốn bứt phá khỏi vũ trụ quyền lực, nhóm NVGP đã là một tổ chức v.v.

Ai cũng biết, những người cầm đầu nhóm NVGP như Nguyễn Hữu Ðang, Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần đều là những cán bộ lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ. Họ có quan hệ mật thiết với các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Nguyễn Hữu Ðang tổ chức xây dựng lễ đài cho buổi lễ Tuyên ngôn độc lập. TBT Trường Chinh từng sử dụng Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt như những trợ lý. Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tham dự các hoạt động thảo luận phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Nhà thơ Hoàng Cầm kể với tôi rằng khi Trần Dần bị bắt, cứa manh-sơ-lam vào cổ và được đưa từ nơi giam giữ đến bệnh viện, ông đã nhờ bác sĩ báo cho Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Thủ tướng đã gầm lên trong điện thoại: "Ai bắt? Vì sao mà bắt?" Sau đó Thủ tướng báo cho Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng đã đem đường sữa đến bệnh viện thăm Trần Dần, trách ông đã có hành động tiêu cực. Trần Dần nói tôi không làm như thế thì làm sao các đồng chí biết?

Như vậy, nhóm NVGP là những cán bộ có thế lực trong guồng máy chính thống của nền chuyên chính vô sản trong đó quân đội là lực lượng nòng cốt. Họ không có ý thức ly khai khỏi bộ máy quyền lực trong đó họ đang tham dự như những người lãnh đạo. Họ chỉ muốn đổi mới văn chương và giành quyền tự trị cho văn chương quân đội, đòi quyền được tự do sáng tạo. Nhưng vì sao những người này đang là những thành viên của nền chuyên chính vô sản, nhân danh những nguyên tắc của nền chuyên chính đó để dấy lên cả phong trào phê phán tư tưởng của ông trùm tuyên huấn Tố Hữu trong tập thơ Việt Bắc, họ bỗng trở thành nạn nhân của nền chuyên chính đó?

Nhìn từ góc độ mối quan hệ giữa NVGP với quyền lực của chế độ ta chỉ thấy nổi lên sự bất phục của quân đội với tuyên huấn, của những người NVGP với Tố Hữu - cả hai phía đều là những thành viên của nền chuyên chính đó. Mặc dù đang giữ cương vị Trưởng ban tuyên huấn TW Ðảng, khi bị nhóm văn nghệ sĩ tiền thân của NVGP chủ động tấn công vào thơ và sau đó qua mặt ra tạp chí Giai phẩm và báo Nhân văn vào những năm 1955-1956, Tố Hữu không làm gì được vì lúc đó Trung Quốc đang có phong trào Trăm hoa đua nở, như một nguyên-lý-Mẹ bảo đảm tính chính thống trong các hoạt động của nhóm này. Nhưng đến năm 1958 khi Trung Quốc phát động phong trào chống phái hữu, thì nhóm NVGP mất chỗ dựa của nguyên-lý-Mẹ cũ. Phe Tố Hữu được thế phản công trở lại. Thời điểm hội nghị học tập và kiểm điểm ở Thái Hà chính là lúc phe Tố Hữu chủ động tổ chức các hoạt động mang tính đấu tố để hoàn thiện hồ sơ về tội lỗi của nhóm NVGP. Những đại diện thơ mới như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu trong tư cách “con nuôi của cách mạng” đã quây quanh Tố Hữu để tích cực góp sức vào việc hoàn thiện hồ sơ, quật ngã những nhà văn “con đẻ của cách mạng” như Nguyễn Hữu Ðang, Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần. Hội nghị Thái Hà đã tạo được những chứng cứ dày dặn, tạo được áp lực vào nhận thức của Bộ Chính trị, khiến cho các ông Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh dù có nghĩ khác cũng đành bó tay trước kết luận của phái Tuyên huấn, không thể bảo vệ được các “đệ tử” của mình trước đòn chính trị địch-ta quyết liệt của phái này.

Nghĩa là, NVGP thực chất là sự thất bại của một cuộc đấu đá nội bộ, cướp quyền lãnh đạo trong văn nghệ để đưa những quan niệm mới của mình vào đời sống. Những người NVGP bị loại ra khỏi vũ trụ quyền lực chính thống vì họ đã bị mất chỗ dựa của nguyên-lý-Mẹ chứ không phải họ chủ động “bay ra khỏi vũ trụ quyền lực” như ông PXL đã nói. Họ là những con rận khổng lồ trong chăn, họ đánh nhau vì muốn đuổi những con rận thuộc phe Tố Hữu ra, nhưng đã bị thất bại, bị gạt đi chứ đâu phải tự họ muốn ra khỏi chiếc chăn kia! Nếu không kể đến những nội dung sáng tác đã được tự do in ra và đi vào công chúng, sau này do thay đổi tương quan quyền lực mới bị quy là phản kháng với chế độ, thì thực chất vụ NVGP là một vụ đảo chính thất bại trong văn nghệ. Do những nhu cầu đổi mới văn học, họ đã tấn công để hạ bệ phái Tuyên huấn đứng đầu là Tố Hữu, như cách nói của nhà thơ Lê Ðạt là "Cướp cờ của ông Tố Hữu", dẫn đến việc bị Tố Hữu dựa vào cánh thơ mới và những người trung tín như Hà Xuân Trường, Vũ Ðức Phúc để quật lại có phần nặng tay. Từ chỗ là một vế yếu thế đang bị tấn công trong nền chuyên chính vô sản, phe Tuyên huấn đã phản công để biến thành chủ thể của nền chuyên chính vô sản đó.

Nếu trong giai đoạn Hội nghị Thái Hà, những người NVGP nỗ lực liên minh với nhau như phe Tố Hữu để tấn công trở lại, tạo ra hai luồng ý kiến khác nhau trong hội nghị, thậm chí lập một hồ sơ khác về việc phe Tố Hữu lạm dụng hoạt động tuyên huấn để trả thù những người đã phê phán thơ ông, rồi đặt hồ sơ đó lên bàn Bộ Chính trị, lôi các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng và Nguyễn Chí Thanh vào cuộc, tìm kiếm những lý lẽ cao hơn lý lẽ của Tố Hữu, hoặc ít ra cũng song hành với lý lẽ này để thuyết phục các nhân vật có quyền lực lớn bảo vệ mình, dẹp vấn đề đi với lý do là việc đã hai năm, thì biết đâu ván cờ sẽ có một kết thúc hoà?

Trước đây, vào năm 1978-1979 chúng tôi đã phá thế cờ bí lúc đang bị chiếu tướng thua trông thấy để đi đến một kết cục hoà. Trong tình thế bị kiểm điểm đấu tố ở Viện Triết, sinh mệnh chính trị ngàn cân treo sợi tóc, tôi và Vĩnh Quang Lê đã mở một cuộc phản công ở tầm vĩ mô trên những vấn đề chính trị lớn, gắn liền với cuộc đấu tranh chống Maoism để đổi mới tư duy và tổ chức của Ðảng CSVN. Chúng tôi có ý thức làm đổi mới chính trị để tự vệ và phát triển chứ không phải chỉ vô tình làm chính trị hoặc chỉ là chuyện quan võ thì ghét quan văn dài quần như nhóm NVGP. Chúng tôi đã triển khai cuộc đấu tranh chính trị này một cách hợp pháp dựa trên lý luận “làm chủ tập thể” của TBT Lê Duẩn - một người lãnh đạo cấp cao có tư duy triết học với nhiều yếu tố biện chứng và nhân bản tích hợp từ triết học Đông Tây, đặc biệt là Phật giáo. Khi đưa ra lý luận về chế độ làm chủ tập thể, ông muốn tạo dựng một lý thuyết riêng với những dụng ý chính trị nào đó, nhưng từ góc độ của mình chúng tôi lại thấy đó là một lý thuyết có màu sắc hiện sinh kêu gọi nổi loạn tập thể để cải tạo Ðảng từ bên ngoài Ðảng, giống như trong Cách mạng văn hoá của Trung Quốc Mao Trạch Ðông đã dùng lực lượng ngoài Ðảng để cải tạo Ðảng, thay đổi tương quan lực lượng với các xu hướng khác. Về phương diện tổ chức lúc đó TBT Lê Duẩn đưa ra mô hình cấp huyện với những lý luận mang tính thực tiễn, nhưng chúng tôi lại nhìn thấy trong động thái đó có một cuộc cách mạng mở rộng quyền lực nhằm đưa 500 cán bộ mới ở cấp huyện vào hệ thống tổ chức mới do do TBT trực tiếp điều hành để vô hiệu hoá mấy chục ông lãnh đạo tỉnh trưởng thành lên trong hệ thống quyền lực của những người Maoist đang ngoài tầm kiểm soát của ông. Chúng tôi đã nhạy cảm với nhu cầu đổi mới tư duy chính trị của xã hội nên đã tự giác âm thầm tham dự vào cuộc đấu tranh chống Maoism trên bốn phương diện: Chiến tranh thông tin, chiến tranh nhân sự, chiến tranh tâm lý và tư vấn về lý luận. Do biết đúc rút thực tiễn cuộc sống thành lý luận sinh động và biết đối thoại cùng lợi ích và cùng ngôn ngữ - bí quyết của các nhà thuyết khách để lái các bậc quân vương - nên chúng tôi đã tác động được vào các quyền lực chóp bu, tạo nên ảnh hưởng tích cực trong xã hội, chứ không phải như ông PXL nói bừa rằng chúng tôi xông vào những chiếc ô quyền lực để chăm sóc Ðảng. Chính vì chúng tôi tích cực tấn công và liên minh như vậy, tương quan lực lượng trong Viện Triết đã thay đổi dẫn đến kết cục hoà, chúng tôi chuyển đi học đạo diễn điện ảnh, ông Ðặng Xuân Kỳ sau đó chuyển về Học viện Nguyễn Ái Quốc.
Cần nhắc lại rằng, vụ Juda xảy ra với tôi dẫn đến vụ đánh nhau với phe cánh của ông Trường Chinh ở Viện Triết diễn ra vào năm 1978, chứ không phải diễn ra vào năm 1997, 1998 như ông PXL đã viết. Thời điểm 1978 là thời điểm chính quyền Việt Nam mạnh nhất, vừa giải phóng miền Nam, chuẩn bị đánh nhau với Trung Quốc, trí thức trong nước không hề được hậu thuẫn từ các chính sách, các phong trào và các áp lực bên ngoài như thời NVGP và thời đổi mới sau này. Thời NVGP còn có xuất bản báo chí tư nhân và chính sách trăm hoa đua nở của Trung Quốc, thời đổi mới còn có Gorbachev và Ðông Âu với những nguyên tắc cởi mở và dân chủ. Vì thế, cuộc đấu tranh chống Maoism của tôi và Vĩnh Quang Lê hầu như là đơn phương độc mã, không có công thức, không có mô hình, không có điểm tựa phong trào ở cả trong và ngoài nước. Mười mấy năm sau, sau Đông Âu trong nước mới xuất hiện nhưng nhân vật như Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương và Bùi Minh Quốc, v.v với những phát ngôn mang tính phản kháng liên minh với phong trào dân chủ nước ngoài. Vì thế, ông PXL trách chúng tôi âm thầm hoạt động có phần đơn độc, “không lôi kéo được ai, không liên minh với ai” là không nhìn thấy những đặc điểm của thời cuộc khi chúng tôi tiến hành những hoạt động đấu tranh trong bối cảnh rất hiểm nguy. Viện Triết nơi xảy ra vụ việc lại là cái lò của vụ án xét lại Hoàng Minh Chính, điểm nhạy cảm chính trị, rất dễ bị khai thác để quy tội nặng nề. Ðối thủ của chúng tôi lúc đó lại là cả một phe cánh hùng hậu của ông Trường Chinh, Uỷ viên BCT, Chủ tịch Quốc hội, khác với đối thủ của nhóm NVGP chỉ là ông Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn TW, nên ít người ở các cấp dưới dám tham gia cuộc chiến của chúng tôi. Vì thế chúng tôi đã chọn con đường thuyết khách, chủ động liên minh với quyền lực cấp cao, chủ động lập hồ sơ của phe đối lập, nỗ lực tấn công để thoát hiểm và phát triển. Đó là do chúng tôi rút kinh nghiệm từ thất bại của những người đi trước, trong đó có nhóm xét lại và nhóm NVGP.

Sự tình sẽ ra sao nếu những người NVGP, những người ĐÃ LÀ MỘT PHONG TRÀO ấy biết phản công và dám phản công để thay đổi thế cờ? Chắc là ông PXL sẽ lại lập luận rằng ông Tuấn không hiểu hết sự bạo tàn của chuyên chính vô sản, của chế độc độc tài, độc Đảng, làm sao có thể đòi Solzhenitsyn tham dự vào dối trá, có thể bắt những Thuỵ An đang ngồi trong nhà đá, những Trần Dần đang nhổ lạc toé máu tay, những Lê Đạt đang bị “giẻ rách hoá” đứng lên lập hồ sơ về những người khoá còng vào tay họ? Ông PXL đã từng lập luận kiểu này trong bài viết trước và sự đánh tráo thời gian tự nhiên như ruồi ấy cũng đã làm bao người đọc phải thổn thức thầm trước những câu văn hợp mốt của ông. Và cứ thế đời nọ truyền đời kia, câu văn chống độc tài, chống chuyên chính vô sản chẳng bao giờ lỗi mốt, dù nó có thể che đi những lâm lẫn dễ thương về số phận đã an bài, khiến những người trong cuộc cũng quên khuấy rằng mình từng có bản lĩnh kinh hồn của kẻ cướp cờ, mình ĐÃ LÀ NỀN CHUYÊN CHÍNH ĐÓ.

Thực tế là những người NVGP đã không tiếp tục tấn công, không làm được cái việc liên minh lại những người đã từng chung chí hướng và những lãnh đạo đã từng ủng hộ mình để lập hồ sơ ngược lại đặt lên bàn lãnh đạo. Vì cả họ ngày ấy và ông PXL bây giờ đều lầm tưởng rằng hội nghị Thái Hà chính là hình phạt như kiểu một toà án đấu tố và sỉ nhục những tội phạm đã được định danh. Thực ra, trên danh chính ngôn thuận, đó là một cuộc học tập chính trị chung mỗi khi có chủ trương đường lối mới, việc kiểm điểm và tự kiểm điểm chỉ là một sinh hoạt như bất kỳ cuộc học tập chính trị nào xưa nay: đem ánh sáng của chủ trương mới đó soi vào thực tế cuộc sống của bản thân và của xung quanh. Nhưng phái Tuyên huấn do Tố Hữu cầm đầu đã biến sinh hoạt này thành cuộc đấu tố NVGP và biến nội dung đó thành hồ sơ để tiến hành kỷ luật. Có thể nói, thời điểm học tập chính trị ở Thái Hà chính là lúc căn bệnh đạo lý cao ngạo không biết liên minh, không thèm đối thoại, không dám tấn công bắt đầu bộc lộ tạo cơ hội cho phái Tố Hữu thành công trong việc tước bỏ tư cách thành viên trong nền chuyên chính vô sản của nhóm này, đẩy nhóm này trượt dài trong suốt ba mươi năm để trở thành biểu tượng của trí thức ly khai ngoài ý muốn của họ. Theo lời nhà thơ Lê Đạt kể lại, khi Nguyễn Đình Thi nhân danh bè bạn hỏi ông rằng nên nói thế nào khi tổ chức giao cho mình luận tội về ông, Lê Đạt đã nói tuỳ cậu muốn nói thế nào thì nói. Hậu quả là Nguyễn Đình Thi đã nói về Lê Đạt thật thậm tệ. Câu trả lời kiêu ngạo bất cần của Lê Đạt đã khiến Nguyễn Đình Thi thanh thản lương tâm khi nói những điều có hại cho ông. Anh coi thường tình cảm của tôi, anh khinh bỉ tư cách tôi, anh không thèm liên minh với tôi, anh thách thức tôi! Vậy thì tôi cứ việc nói những gì cần nói mà chẳng hề áy náy. Thế là thêm một bản cáo trạng đanh thép và sắc sảo đưa vào tập hồ sơ. Nếu những người NVGP không sớm tự coi mình là tội phạm, không để các văn nghệ sĩ khác nghiễm nhiên coi mình là tội phạm, mà tranh luận bác bỏ, tranh thủ đồng tình, vận động bạn văn và quần chúng gửi kiến nghị lên trên bênh vực họ, thì phe Tố Hữu sẽ rất khó tạo nên một hồ sơ với sự thống nhất cuả các nhận định, sự tự thú của những người trong cuộc khiến các ông lãnh đạo gần gũi họ như Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh phải đành buông bỏ họ. Ðây là thất bại do kỹ thuật tổ chức, do bi quan tan rã, do ứng xử bất cần chứ không phải thất bại của một tổ chức ngoan cường. Nghĩa là NVGP chỉ là một nhóm tự phát gặp nhau trong hứng khởi đổi mới sáng tác, được những người có quyền lực đứng đằng sau ủng hộ sau đó lại buông bỏ, được hỗ trợ bởi chính sách tự do báo chí lúc bấy giờ và được khích lệ bởi phong trào Trăm hoa đua nở từ Trung Quốc, nhưng rồi sau đó đã bị phong trào chống phái hữu cũng từ Trung Quốc rút phép thông công. Họ chưa thành một tổ chức theo đúng nghĩa. Họ là nạn nhân của một văn hoá chính trị lệ thuộc Trung Hoa.

Qua hồ sơ của nhóm NVGP đăng trên tạp chí Hợp lưu, ta thấy ngoài án tù của Phùng Cung về văn chương, của Thuỵ An về tội gián điệp, của Nguyễn Hữu Ðang về tội định vào Nam, hình phạt nặng nhất dành cho nhóm NVGP chỉ là khai trừ khỏi Hội và đưa đi cải tạo lao động. Nhưng một số người sau khi hết hạn kỷ luật (khai trừ và treo bút từ một năm đến ba năm) họ đã bị đè bẹp dưới cái án không thành văn của xã hội trong suốt 25 năm. Nói rằng họ cam chịu thất bại và mang “khoái cảm đạo đức của thất bại” quả là có cái gì không phải. Đó là hệ quả của việc những suy tư đó đúc rút ra từ một nhóm người khác, nhưng sau khi khái quát lại ngoằng thêm nhóm NVGP và tập trung phân tích nhóm này. Dù vậy, ta có thể đặt câu hỏi, nếu không phải là sự kiêu hãnh coi thường quyền lực, đứng trên quyền lực, không thèm đối thoại với quyền lực trong cốt cách của họ thì cái gì khiến họ không đứng lên đòi quyền sống quyền sáng tác của mình 25 năm ấy? Cái gì đã khiến họ không gửi đơn đến Hội nhà văn, không đến gặp những người có trách nhiệm để đòi được in sách, in báo và phục hồi như một Hội viên? Không thèm, không tin, hay đòn dư luận quá nặng, quá dã man đã đánh gục ý chí của họ, đào một vực thẳm giữa họ với toàn xã hội?

Ông PXL cũng đánh tráo thời gian khi biện minh rằng chính họ đã là một tổ chức. Họ chỉ có một tổ chức lỏng lẻo khi họ làm báo Nhân văn và tạp chí Giai phẩm, nhưng sau khi họ bị xử lý kỷ luật thì họ không còn là một tổ chức nữa, họ chỉ là biểu tượng và an phận trong biểu tượng. Việc chúng tôi ở tuổi 25, 26, đứng trước những nguy cơ thất bại nặng nề đã rút kinh nghiệm từ cuộc đời của họ mà tích cực tấn công và chủ động liên minh ngay trong lúc nguy cấp nhất, để vượt qua cả án thành văn và án không thành văn, việc đó có gì là bất kính, nhẫn tâm để ông PXL phản ứng như thể chúng tôi viết cao phó cho họ hay đòi họ làm những việc quá khả năng của một nạn nhân?


Những người thuyết khách, những biểu tượng và những gia nô

Ông PXLviết: “NVGP là một biểu tượng của trí thức ly khai và bất đồng chính kiến, trong khi ông Tuấn có phải là một biểu tượng mang tính toàn xã hội như vậy không thì điều đó tự ông cũng biết. Vì sao ông đã không trở thành một biểu tượng? Vì cuộc chiến đấu của ông âm thầm đơn độc quá chăng?». Ông còn dẫn câu tôi nói rằng “mình tôi làm những cuộc biểu tình mini" để khẳng định điều này. Nói rằng một mình mình làm những cuộc biểu tình mi-ni chẳng qua là cách diễn đạt hành vi bằng ngôn ngữ chính trị phương Tây cho gần gũi và dễ hiểu. Thực ra thì chúng tôi đã hoạt động tác động vào chính thể theo mô hình những nhà thuyết khách phương Ðông xưa. Một mình họ nhân danh trí tuệ cá nhân tiếp cận với Vua để đối thoại, thuyết phục Vua theo dự án của mình rồi sau đó lại rũ áo ra đi. Họ nhân danh quyền lợi của nhà Vua để lái triều đại ấy đi theo hướng của mình. Họ không phải là chiếc đinh trong cỗ máy quyền lực của triều đình nơi họ tìm đến để thuyết khách. Họ cũng không nằm trong tổ chức nào, cũng chẳng có phong trào nào hỗ trợ đằng sau. Họ bay vào vũ trụ quyền lực như những người khách, hoàn toàn khác với tư cách của những người đang sống trong vũ trụ đó với vai trò như những chiếc đinh ốc trong cỗ máy.

Ông PXL đã đòi tôi, một kẻ thuyết khách thời hiện đại, phải như những người "ly khai" chẳng khác gì đòi con chim phải nhảy ra khỏi nước. Tôi đâu có vào Ðảng để rồi ly khai Ðảng như những người NVGP hay những người dân chủ. Tôi cũng không muốn và không tìm cách trở thành biểu tượng của người trí thức ly khai như họ. Tôi chỉ đại diện cho cá nhân tôi và mang những trăn trở của những người cùng thân phận, cùng cách nghĩ trong thế hệ tôi.
Dùng phương pháp thuyết khách, tiếp cận với quyền lực cấp cao và không chịu thất bại là đã đối mặt với định kiến và ngộ nhận của số đông, không thể dễ dàng trở thành biểu tượng như một thứ thước đo giá trị. Vì cái cơ chế sản xuất các biểu tượng dân chủ xưa nay thường gắn liền với một tiên đề ngầm định rằng: xa quyền lực, bị thất bại, bị tù đày là chứng chỉ của con người có tự do, dũng khí và nhân cách. Sau này, khi xuất hiện phong trào dân chủ trong nước thì ở ngoài biên giới cũng ra đời công nghệ chế tạo siêu hiện tượng phục vụ cho thời đại siêu giải trí, thêm vào thực đơn cho bữa cơm chiều của đồng bào hải ngoại những gia vị chính trị đắng cay. Công nghệ này cũng copy từ công nghệ sản xuất các biểu tượng văn hoá trước đây, lấy bất hợp tác với chính quyền, lấy tù đầy và thất bại làm thước đo định giá trị của con người có tự do và nhân cách. Cái tiên đề ngầm định như một thứ cookie văn hoá đó là con đẻ từ cuộc giao phối giữa những ý đồ chính trị bí mật với chủ nghĩa bi quan văn hoá và bản tính giàu lòng trắc ẩn của con người Việt Nam. Văn học nghệ thuật trở thành một vườn tượng mênh mông mà "những kẻ báo thù không thể bị bắt” như chúng tôi lạc vào đó sẽ trở nên khả nghi cô đơn và lạc lõng. Nhưng chúng tôi không mong trở thành biểu tượng kiểu như vậy, mà tìm thấy ý nghĩa trong sự vượt lên các biểu tượng, dù mỗi bước vượt lên vẫn kính cẩn dừng chân vái lạy những biểu tượng này. Chúng tôi có niềm vui của một dũng sĩ không lùi bước trước những trùng trùng điệp điệp những ngộ nhận và nghi kỵ của đám đông. Ông Lâm viết rằng chúng tôi đã xông vào nơi hang hùm nọc rắn để thực hiện được mục đích của mình, thì phải hiểu là chúng tôi đã xông vào những cái hang tăm tối đầy định kiến và ngộ nhận của đồng bào. Cái dũng khí, cái tự tin của người trí thức chính là ở đấy, chứ không phải chỉ ở chỗ dám đối đầu với những quyền lực lớn.

Chê những cá nhân hiệp sĩ giang hồ, những người thuyết khách kiểu mới như chúng tôi không trở thành biểu tượng như nhóm NVGP và những người dân chủ, ông PXL đã bộc lộ chủ nghĩa lấy phương Tây làm trung tâm khi ông đem hệ giá trị của văn hoá phương Tây, chính trị phương Tây áp đặt cho việc nhận diện và thẩm định những nhân cách và những hành vi trong hệ giá trị phương Ðông, theo những mẫu hình nhân cách văn hoá của phương Ðông. Chính cái thái độ nô lệ văn hoá này đã khiến ông không nhìn ra những nhân cách tự do khi đánh đồng người kẻ sĩ thuyết khách tác động vào Vua với những quan lại, gia nhân phục dịch trong triều chính. Sự đánh đồng cảm tính và bất cập về văn hoá ấy thể hiện trong việc ông so sánh chúng tôi với các ông Nguyễn Ðình Thi, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh để cho rằng những nhà văn kia cũng nắm lấy quyền lực, cũng đã bay vào vũ trụ quyền lực, thậm chí đã là chính vũ trụ ấy nhưng đã chẳng làm được việc gì. Xin thưa, chúng tôi khác họ ở chỗ này: họ chỉ là những con tàu chạy trên những đường ray định sẵn, còn chúng tôi là những người góp sức đặt những toa tàu như họ vào đường ray và nỗ lực bẻ ghi cho những con tàu ấy chạy đến cái đích mà mình muốn.

Vì ông PXL đã nhắc đến ông Hữu Thỉnh như một ví dụ, tôi đành phải kể lại cội nguồn quyền lực của ông Chủ tịch Hội Nhà văn hiện nay. Vào đầu những năm 1980, ông Hữu Thỉnh còn là một biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chính tôi và Vĩnh Quang Lê đã giới thiệu ông và bà Nguyễn Thị Ngọc Tú vào Ban thư ký Hội nhà văn. Danh sách ban đầu được lãnh đạo chuẩn bị cho Ðại hội nhà văn chỉ có 7 người không có hai vị này. Sau khi chúng tôi giới thiệu, hai người này đã được lãnh đạo bổ sung vào danh sách. Vì thế, dạo ấy ông Hữu Thỉnh thường hẹn chúng tôi tối thứ tư hàng tuần các chú đến nhà anh, vì chiều thứ tư hàng tuần Ban Thư ký họp, có thông tin, tối đến để bàn bạc và tư vấn. Toa tàu đã được đặt vào ray, nó chẳng thể tự lái mình đi hướng khác. Trong khi đó chúng tôi lại nỗ lực tư vấn và tác động vào Ðảng về đổi mới văn nghệ, đưa trí tuệ của mình và ý chí của nhiều trí thức trong xã hội gửi gắm qua mình vào nghị quyết, góp phần bẻ ghi cho những toa tàu ấy chạy tới hôm nay.

Chính vì tự ý thức mình là những người góp sức bẻ ghi cho con tàu văn nghệ từ đầu thập kỷ 80, nên chúng tôi nhìn những Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp v. v. phất cờ đổi mới cuối thập kỷ 80 khác với cách nhìn của rất nhiều người khác. Ðó là cái nhìn đầy niềm vui của một người bẻ ghi thấy con tàu đến đích, khác với cái hân hoan kiêu hãnh của kẻ đợi tàu nhảy tót lên xí cái ghế đầu tiên và nhìn xuống những người đang đứng cạnh đường ray như chúng tôi bằng cái nhìn ái ngại bề trên dành cho kẻ lỡ tàu.


Những cách nhìn hời hợt và cảm tính
  1. Ông PXL dẫn lời Solzhenitsyn để nói rằng những người nghệ sĩ chân chính không tham dự vào guồng máy quyền lực, không để cho sự dối trá thực hiện qua mình. Ðiều đó, có thể đúng với ông nhà văn Nga kia, nhưng không đúng với nhóm NVGP vì nhóm này là những chiếc đinh vít trong cỗ máy quyền lực. Những nỗ lực đổi mới văn nghệ của họ giống như những chiếc đinh vít lỏng lẻo nghĩ rằng cái lỏng lẻo của mình làm cỗ máy tốt hơn, không ngờ vì sự lỏng lẻo đó mà nó bị loại ra. Vậy mà, ông Lâm lại cho rằng trong khi những người NVGP tìm cách bứt ra khỏi chiếc chăn đầy rận thì tôi lại tìm cách chui vào chiếc chăn kia.
    Thực tế là tôi chưa bao giờ chui vào trong chăn của Ðảng CSVN vì tôi không phải là đảng viên. Tôi không vào Ðảng chẳng phải vì dân chủ cao siêu hay sáng suốt gì, mà chẳng qua vì bản tính tự do không muốn bị gò trong tổ chức và không tìm cách thể hiện ra như một người đủ tư cách được sống trong tổ chức. Việc tôi gửi kiến nghị, gặp lãnh đạo kiện cáo, tham mưu, gây sức ép cũng giống như các ông Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang lâu nay gửi nhiều kiến nghị lên các cấp và làm việc, góp ý với Hội đồng lý luận Trung ương, sao lại coi những việc đó là chui vào trong chăn để trở thành chấy rận? Ông Nguyễn Hữu Ðang có khoe tôi thư ông Bùi Tín gửi ông và nói "Nó bây giờ đã gặp cả Phó Tổng thống Mỹ mà nó vẫn coi trọng mình như bậc đàn anh”. Vậy ông Bùi Tín gặp Phó Tổng thống Mỹ có phải là chui vào chiếc chăn của chính phủ Mỹ hay không?

  2. Với thái độ tỏ ra coi trọng các văn nhân ông PXL chì chiết cái cụm từ "xức nước hoa cho Ðảng" của tôi, cho rằng tôi đã hạ thấp giá trị của những tinh hoa trí thức. Xin thưa, tinh hoa trí thức không phải chỉ là mấy ông văn sĩ đâu, mà còn là những vị như Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp v.v. Người Việt mình coi trọng cái thơm, ca ngợi từ hương bưởi trên mái tóc tới tiếng thơm trong đời sống. Nếu sự có mặt của các ông Nguyễn Tuân, Nguyễn Ðình Thi trong TW có làm nên tiếng thơm cho Ðảng thì đâu phải vì thế mà họ bị mất danh giá và phẩm giá. Vì thực ra, lâu nay họ vẫn chỉ là một thứ mồ hôi dầu của Ðảng, làm Ðảng hơi khó chịu, thỉnh thoảng lại phải lau đi. Tôi không nghĩ cái mùi mồ hôi hăng hắc trên mình Ðảng là cái gì ghê gớm mang giá trị phản kháng của người trí thức. Từ thân phận mồ hôi dầu trong nách Ðảng được nâng cấp lên thành nước hoa làm thơm cho Ðảng là một bước thăng hoa văn hoá. Ấy là trao đổi tận cùng theo kiểu phương Tây với ông PXL cho vui thôi, chứ thực ra cụm từ "xức nước hoa cho Ðảng" chỉ là cách nói uy-mua, một thứ gia vị trong câu chuyện để những người như ông Lê Ðức Thọ có thể nuốt trôi khúc xương ý tưởng một cách dễ chịu hơn. Vì thế, tôi không nghĩ là ông PXL là một kẻ xôi thịt coi thường giá trị của hương thơm, mà chỉ nghĩ ông là người thiếu tinh tế văn hoá khi mang cái bản lĩnh ngậm sỏi của Democrat để hùng hồn tranh luận với một nụ cười mỉm của thiền sư.

  3. Ông PXL đặt ra vấn đề “mạt kỳ của chuyên chính vô sản” một cách sách vở như trò chơi chữ vậy, ông làm như là ở thời mạt kỳ thì công an không dám bắt người mà họ cần bắt. Thế thì cái chuyên chính nào đã bắt những người như bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, luật sư Nguyễn Vũ Bình và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang? Liệu ông PXL có suy nghĩ về khía cạnh này không: ở thời hưng thịnh của chuyên chính vô sản, nhóm NVGP đã từng được sự hỗ trợ của quân đội, công cụ mạnh nhất của nền chuyên chính ấy, được sự hỗ trợ của cả báo Nhân Dân tiếng nói chính thức của nền chuyên chính đang lên ấy trong những bước đầu hạ bệ thơ Tố Hữu, còn ở thời mạt kỳ của chuyên chính vô sản, tôi lại là đối tượng liên tục bị tấn công trên báo chí của quân đội, công an? Vậy đặt ra vấn đề “mạt kỳ của chuyên chính vô sản” ở đây để làm giảm bớt nhưng nguy hiểm trong cuộc đấu tranh của chúng tôi có cần thiết không và có chính xác không, có phải là cách luận anh hùng hạ người này để nâng người kia như điều ông đã chê trách tôi một cách ngộ nhận hay không?

Một anh hùng, một người tử tế hay một kiểu tù nhân?

Ông PXL viết: “Tôi thấy ông anh hùng, tôi bái phục lắm, nhưng tôi cũng bái phục những anh hùng khác. Liệu có cần luận anh hùng bằng cách chỉ có mình là anh hùng nhất, những người khác anh hùng không thấm vào đâu so với mình, hay không?» Ðây là một nhận định hết sức sai lầm, chủ quan và bất cận nhân tình. Tôi muốn kết thúc bài viết bằng việc bàn về ý kiến này của ông Lâm để mong ông có được một cái nhìn sâu hơn vào vấn đề nhân bản.

Chúng tôi không hồn nhiên “điếc không sợ súng” như các vị NVGP đến khi bị trừng trị mới biết mình vừa làm điều nguy hiểm. Vào năm 1978, khi diễn ra cuộc đấu tranh với phe cánh của ông Trường Chinh ở Viện Triết học, trong bộ nhớ của chúng tôi đã có kinh nghiệm của vụ NVGP, vụ xét lại chống Ðảng. Khi làm phim Dịch cười, chỉ đạo diễn viên hài chém tay theo kiểu ông Đỗ Mười vẫn chém tôi rất khoái chí, nhưng khi phim ra rồi thì lại sợ, mỗi hôm phải đi một con đường vì bị ám ảnh bởi huyền thoại về cái chết của Lưu Quang Vũ. Ðến khi có dịp tiếp xúc với ông Ðỗ Mười, thấy ông cũng hồn nhiên xởi lởi tôi mới hết sợ. Nghệ sĩ là vậy, sợ nhưng vẫn lao vào làm những việc nguy hiểm vì không cưỡng nổi những đam mê vô cớ. Sợ, nhưng vẫn dấn thân vì tin rằng mình có thiện chí xây dựng, mình đã tìm thấy những phương cách đặc biệt để giành thắng lợi cho cuộc đấu tranh. Sợ, nên luôn luôn có ý thức đề phòng rơi vào những sai lầm, những cạm bẫy, những tội danh, tránh không bị bắt. Vì thế, tôi không nghĩ mình là cái gì giống như một anh hùng mà chỉ nghĩ mình là một nghệ sĩ tin ở sức mạnh của cái Thiện, đã sống hết mình, trung thực, tự do nhưng may mắn đã không phải trả giá theo cách những người khác đã phải trả giá.
Thực ra thì, để không bị bắt người ta đâu cần thoả hiệp về tư tưởng vì chính quyền không mấy khi hào phóng kết tội công khai về tư tưởng mà nhiều khi chỉ cần tránh những vụng về, dại dột về hành chính, chẳng hạn như không gọi điện thoại hẹn hò đưa tài liệu mật vì biết rõ công an thường nghe lén. Nhưng không bị bắt, không thất bại, không bị tai nạn lao động thì dù có thành tích đến đâu cũng không đủ tiêu chuẩn trở thành biểu tượng. Không trở thành biểu tượng cũng chẳng sao, nhưng bị nghi ngờ, kỳ thị thì đau lắm, vì khi ấy ta đã thành một tù nhân bị giam trong định kiến, thiên kiến và ngộ nhận của đồng bào. Tù nhân trong nhà ngục tinh thần này giống như nhân vật trong Vụ án của F. Kafka, chẳng ai xét xử, chẳng biết vì sao mình bị trừng trị. Trong lúc những người NVGP được tự do, thoát khỏi nhà ngục trần thế để ngủ ngon trên chiếc nệm định kiến thì mình vẫn bơ vơ lạnh lẽo trong nhà ngục của nhân tình thế thái chỉ vì mình bất khuất không chịu gục ngã để phỉnh nịnh lòng thương, lòng kiêu hãnh của thói đời. Khi gắn sự tự vệ của mình với một nỗ lực đổi mới chính trị ở cấp vĩ mô, tiến tới chủ động tấn công tác động, đối thoại, tư vấn, gây sức ép vào các lãnh đạo cao cấp để đưa những nguyên tắc mới, nhân sự mới vào trong đời sống, chúng tôi thực sự đã trở thành một thứ tù nhân lương tâm trong nhà ngục của thói đời vì đã kiên trì một niềm tin, một cách sống, một con đường khác với lối mòn công thức của đám đông. Trong cái tâm thế ấy, gặp sự tấn công của Trần Mạnh Hảo đánh vào nơi nhạy cảm, tôi phải phân trần tự vệ chứ không phải khoe khoang thành tích, cân đong bi kịch hay luận anh hùng. Trong khi tôi giãi bầy như một tù nhân bị đánh đang thanh minh, thì ông PXL vì sợ tổn thương đến hào quang của những người NVGP đã xông ra để nhốt tôi vào những xà lim chữ nghĩa của riêng ông. Nếu nhìn vấn đề ở tầm văn hoá thì chính ông PXL mới là người cai ngục bất cận nhân tình, đã lạnh lùng tàn nhẫn dùng quyền lực của thói đời đàn áp một tù nhân tinh thần theo cái cách ông đã đàn áp những vong linh như phủ ngày xưa để a dua theo lẽ của những kẻ ác và kẻ mạnh.

Có thể nói rằng bây giờ tôi không còn cái dũng khí bất chấp đám đông của thời thanh niên ấy, cũng không còn đau đáu trách nhiệm trước xã hội và thời cuộc như xưa. Tôi vẫn trân trọng quá khứ ấy của mình, nếu có cười giễu nó là thời Đông Ki-sốt thì chỉ có nghĩa là tôi đã khéo léo hơn trong việc vuốt ve tự ái của số đông. Vì tuy đều là những hiệp sĩ tự phong, nhưng Ðông Ki-Sốt thì không có hiệu quả, mà chúng tôi đã làm nhiều điều hiệu quả. Ðông Ki-sốt thì không biết sợ, nhưng chúng tôi biết sợ. Tôi trân trọng sự dũng cảm của mình trong quá khứ khi vượt qua nỗi sợ do trí tưởng tượng phong phú của mình đưa tới để lao vào hành động, đối mặt với ngộ nhận của số đông và với nguy hiểm của chính trường. Nhưng giờ đây nhìn lại, tôi không hề có ý định luận anh hùng, đặt mình cao hơn anh hùng khác như ông PXL kết tội, mà thâm tâm chỉ muốn được xã hội biết đến như một người trung thực, tử tế và lương thiện, có đôi chút đóng góp vào tiến bộ khi lao vào trò chơi quyền lực ở thập kỷ 70-80 của thế kỷ 20.

Tôi đề nghị những xà lim chữ nghĩa mà ông cai ngục PXL đã nhốt tôi vào đó cần phải được phá bỏ.

© 2005 talawas