© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
13.8.2005
Phạm Quỳnh
Pháp du hành trình nhật ký
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922 (13 kì)
Vương Trí Nhàn chú giải
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
XII.

Thứ tư, mồng 7 tháng 6

Quan sáu L. hồi xưa đã có tòng quân ở bên ta, nay hưu trí. Mới quen mình từ bữa diễn thuyết ở trường Thuộc địa, hẹn sáng hôm nay đến chơi ở Ligue maritime et coloniale (Hội cổ động về Hải quân và Thuộc địa), ở số 30 đường Capucines. Hội này tập hợp được nhiều người, nghe như thế lực cũng mạnh. Chủ ý là cổ động cho quốc dân Pháp chú ý đến việc hải quân và việc thuộc địa, cho rằng hai khoản ấy có quan hệ to đến vận mệnh nước Pháp. Đổng lý sự vụ trong Hội là ông Maurice Saint Rondet, quan sáu giới thiệu mình cho ông, ngồi nói chuyện ít lâu về việc bên ta, rồi ông tặng hai quyển sách của ông xuất bản trong khi chiến tranh (1916-1917) thuật về cuộc du lịch của ông ở Đông Pháp mấy năm trước, một quyển đề là: Choses de l'Indochine contemporaine (Sự vật ở Đông Pháp ngày nay), một quyển đề là: Dans notre Empire Jaune (Trong cái đế quốc giống da vàng của ta). Ông này làm sách viết báo nhiều, toàn là về việc du lịch, về quân sự và về thuộc địa cả, chủ ý cổ động truyền bá hai cái chủ nghĩa đế quốc và quân quốc, khuếch trương cái thế lực nước Pháp trong thế giới; cứ xem những tên sách của ông như sau này thì đủ biết: La Grande Boucle. Notes et Croquis de l'ancien Continent et des deux Amériques (Cuộc du lịch hoàn cầu. Biên chép về tân cựu thế giới), sách được Hội Hàn lâm ban thưởng; L'Afrique équatoriale française (Đất Trung Phi châu thuộc Pháp); Dans notre Empire Noir (Trong cái đế quốc giống da đen của ta); L'Avenir de la France est sur mer (Hậu vận nước Pháp là ở trên mặt bể); Aux confins de l'Europe et de l' Asie (Giáp giới châu Á với châu Âu); En France africaine (ở đất Phi châu thuộc Pháp). Mấy quyển đó, quyển nào cũng đến tái bản, tam bản [1] cả. Xem đó thời biết người Pháp không phải là không thiết đến chuyện thuộc địa, không phải là không có cái chí chinh phục và cái tính hiếu võ vậy. Ông Maurice Saint Rondet là một tay trước thuật tiêu biểu rõ nhất hai cái tinh thần đó.

Quan sáu L. cũng vào phái cổ động về thuộc địa. Từ ngày về hưu, thường viết trong các báo nói về chuyện thuộc địa. Chính trong tạp chí Les Annales một đôi khi cũng có bài của ngài. Về việc Đông Pháp thì nghe chừng ngài đã xa bên ta lâu năm, không được am tường về hiện tình lắm. Nhưng việc về ba bốn mươi năm trước thì ngài biết rõ, nhất là hồi Đức Đồng Khánh mới lên ngôi. Ngài nói ngài có được bệ kiến tiên hoàng mấy lần.

Ông P. giáo học tiếng An Nam ở trường Đông phương Bác ngữ, trước làm quan cai trị bên ta, có mời mấy anh em 9 giờ tối đến uống nước chè ở nhà ông, đường de Luynes, số 9. Đường này mình chưa đi đến bao giờ, lại đi tối, quanh quẩn mãi không tìm thấy, thuê cái taxi thì chẳng may gặp bác cầm lái cũng bỡ ngỡ như mình, thành ra mãi đến 10 giờ mới đến, ông giáo và phu nhân có ý đợi. Ông P. năm trước mình đã có quen gặp ở trường Bác cổ Hà Nội, không những là một người thuộc tiếng An Nam đã sành mà lại là một tay khảo cứu có công nữa. Ông đã có làm một bài khảo về lễ “động thổ” và một bài khảo về “vàng trong lễ tục An Nam”, in trong sách biên tập của trường Bác cổ. Ông người tính khí ôn hoà điềm đạm, ra tư cách một nhà bác học chứ không phải một quan cai trị thuộc địa. Nghe đâu định chuyên về đường học vấn, không có chí trở về làm quan bên ta nữa. Ông vừa dạy tiếng An Nam ở trường Đông phương (nguyên là thay cho ông giáo chính D., nhưng ông này bị đau luôn có lẽ cũng từ chức, thời ông sẽ được thực thụ) lại vừa kiêm một khoa giảng nghĩa về cổ văn tự Đông Pháp ở học viện Collège de France thay quan chánh đốc Finot trường Bác cổ Hà Nội. Nói chuyện về sự học tiếng An Nam, ông có ý phàn nàn rằng ông dạy học lấy làm khó lắm, vì không có sẵn sách vừa tầm sức học trò. Ông ước ao rằng có ai biên tập được những bài nho nhỏ, ngăn ngắn, dê dễ, gồm được đủ các giọng các lối mà phần nhiều nói về phong tục, cách ăn ở, cách sinh hoạt người An Nam ta, thì giúp đỡ cho người Pháp ở bên Pháp học tiếng ta nhiều lắm. Mình nghĩ bụng rằng không những người Pháp học tiếng An Nam không có sách, mà đến người An Nam học tiếng “mẹ đẻ” cũng là vô sư vô sách nữa, một là bởi chính người An Nam đối với tiếng nước mình vẫn chểnh mảng, hai là bởi các trường Nhà nước không chịu cho tiếng An Nam được một địa vị xứng đáng, nên dẫu có nhà làm sách cũng ngại không dám xuất bản, sợ in rồi bỏ đó không ai mua! Sách giáo khoa đứng đắn, trừ phi sở Học chính công nhận và bắt học trò phải mua, còn đời nào tiêu thụ được mạnh bằng những sách tiểu thuyết ngôn tình hay là những sách thi ca bá láp. Nhiều ông ở bên mình nhiệt thành cứ giục: Sao không lập cuộc tu thư đi? Sao không mở hội dịch sách đi? Không biết rằng dịch sách với tu thư mà xuất bản độ ba nghìn quyển, ba năm không bán chạy được năm trăm quyển, thì sớm trưa cũng đến phá sản mà thôi!


*


Thứ năm, mồng 8 tháng 6

Hôm nay quyết đi xem viện bảo tàng Le Louvre. Đã mấy lần rắp đi mà vẫn ngần ngại, sợ hãi, như người sắp vào một chốn thiêng liêng, chưa chắc mình đã đủ trai giới, đủ kính cẩn mà dám bước chân vào. Chỗ này là chỗ bao nhiêu cái tinh hoa của văn minh Thái Tây đã mấy mươi đời nay sưu tập cả ở đây, biết rằng con mắt phàm nhìn vào có hiểu được không? Cho nên từ khi tới Paris đến giờ, rảnh được chút thì giờ nào thì đọc những sách, xem những tranh cùng ảnh về nghề họa và nghề tượng ở Âu châu và nhất là nước Pháp, khảo những bộ “chỉ nam” về Le Louvre, mua những phiến ảnh các danh họa danh tượng họp thành từng tập dầy, nói tóm lại là dự bị sẵn để cho có đủ tư cách đi xem viện bảo tàng cho thật ích lợi. Mới đây lại mua được quyển sách: Mes promenades au Musée du Louvre, của J.F.Raffaelli, sách của một nhà họa giỏi bình phẩm về nghề họa. Xem sách này khám phá được nhiều điều lạ, lĩnh hội được nhiều lẽ hay về mỹ thuật Âu tây. Như ông giải cái tâm lý của nhà mỹ thuật như thế này: “Nhà mỹ thuật có tính hay cảm kích, không thể không tự phô diễn ra ngoài. Phô diễn ra là vừa phát biểu cái tinh tuý của tạo vật, vừa phát tiết ra cái tinh anh của riêng mình, kết quả sự đó có nhiều cách. Sáng nghĩ [2] được một “lối” riêng, thế là phát tiết được cái tinh anh của mình, mà phát biểu cái tinh tuý của tạo vật là suy tôn những cảnh thiên nhiên cho có vẻ mĩ lệ, lại phụ thêm cái văn vẻ của tính tình mình. Một bên thì biểu dương cho mình, một bên thời giáo dục cho người: tức là ông thầy dạy đẹp cho đời vậy” [3] . Nay cái đẹp là cái gì? Làm thế nào cho người đời công nhận một sự hay một vật là đẹp? Ông thí dụ một việc như sau này ở trong họa sử nước Pháp, đủ chứng về sự phát sinh ra cái quan niệm “đẹp” ở trong tâm trí người ta. Đời vua Louis thứ 14, có một nhà họa tên là Téniers dâng vua mấy bức tranh vẽ bọn bình dân cục súc, vua bắt đi mà nói rằng:

«Đem cất cái lũ khố rách này đi!»

Đời ấy các nhà họa không ai thèm vẽ đến bọn “khố rách”, và trong tư tưởng chung coi bọn đó đáng khinh bỉ vô cùng. Sau ý kiến mỗi ngày một đổi đi. Kịp đến thế kỷ thứ 18 thì cái lý tưởng bình đẳng lại thịnh hành lắm. Bấy giờ có một nhà họa tên là Millet, ông là con nhà quê đất Normandie, trong những bức tranh của ông chỉ vẽ người nhà quê xứ ông mà thôi: bác thợ cầy, kẻ chăn bò, toàn là bọn “khố rách” cả, nhưng ông có cảm tình với bọn ấy, ông cảm kích về tình cảnh bọn ấy, ông không thể không phát biểu cái tinh thần nó ngụ ở trong nghề lam lũ, tức là ông suy tôn kẻ nhà quê cho đến cái phẩm giá đẹp, khiến cho người ngoài trông vào cũng phải cảm. Ông làm thế là ông vừa gây được một “lối” riêng cho nghề họa mình, nghĩa là tìm được một cách để phát tiết cái tinh anh, tức là cái cảm tình của mình; lại vừa phát biểu được một cái vẻ tinh tuý của tạo vật, trước kia chưa ai biết đến mà từ đấy nhờ ông thiên hạ cảm được cả. Thế là ông vừa biểu dương được cái tài tình của ông mà lại vừa giáo dục được sự đẹp cho đời. Đó là cái vinh dự tối cao của nhà mỹ thuật.

Theo cái lý tưởng về mĩ thuật đó thì phàm sự vật gì trong trời đất, bất cứ sang hèn, đều có ngụ một cái vẻ đẹp cả; nhà mĩ thuật là người biết cảm kích cái vẻ đẹp ngầm đó mà có tài phô diễn được nó ra, trong khi phô diễn ấy không những là phát biểu được cái tinh tuý của sự vật mà lại phát tiết được cái tinh anh của mình nữa. Cái lý tưởng về mĩ thuật của á Đông ta có khác, nhất là về nghề họa. Nhà họa Tàu hay nhà họa Nhật không chủ phô diễn cái đẹp ngầm ở trong sự vật, nhưng cốt là tả một cái thái độ của thần trí người ta đối với cảnh vũ trụ bao la. Mĩ thuật ấy có một cái vị triết lý, một cái vẻ siêu hình, cho nên không châu tuần ở trong vòng sự vật mà muốn siêu thoát ra ngoài cõi thanh không [4] . Nhìn một bức thuỷ mạc Tàu với một bức nhân vật Tây đủ biết hai cái mĩ thuật khác nhau thế nào. Đó là một vấn đề người An Nam mình cần phải nghiên cứu, vì có quan hệ to cho sự tiến hoá về đường tinh thần của dân tộc ta. Chuyến này về, có thì giờ phải nên khảo về họa học của Trung Quốc và của Nhật Bản…

Trước khi xem nhà bảo tàng đã dụng công dự bị như thế, thế mà xem còn không hiểu thì thật là hủ lậu quá!

Xem viện Le Louvre này cũng như xem cung Versailles, không thể một buổi khắp được; phải đến vài ba ngày. Ấy là xem qua cho biết đại khái mà thôi, chứ nếu muốn nghiên cứu về nghề họa hay nghề tượng cho rành từng thời đại một hay từng môn phái một, thì không biết mấy tuần mấy tháng cho khắp. Vì trong một viện bảo tàng này không biết mấy mươi nghìn pho tượng, mấy mươi vạn bức tranh, tự thượng cổ, qua trung cổ, cho đến cận đại, đời nào cũng có, và toàn là những kiệt tác trong mĩ thuật Âu tây cả. Nghe đâu khắp trong thế giới không có sở bảo tàng nào nhiều đồ quý đồ lạ bằng ở đây. Mà không những đồ chứa ở trong đẹp, lại cái nhà chứa cũng đẹp nữa. Nhà này là cung các vua nước Pháp tự thế kỷ thứ 16, đời đời sửa sang và mở rộng mãi ra, đến năm 1857 mới thật là làm xong như quy mô bây giờ. Sách chép trong khắp thế giới không có nơi cung điện nào nguy nga tráng lệ và diện tích to rộng bằng sở Le Louvre này; mặt rộng tới 197.000 thước vuông, có sở Vatican là cung đức Giáo hoàng ở La Mã kể đã là rộng mà mới chỉ bằng chia ba một phần đây mà thôi. Cung Le Louvre bây giờ hình như chữ môn, ở trên lại chồng một chữ khẩu nữa: phần chữ khẩu gọi là “cung cũ” (Vieux Louvre), có bốn điện chạy quanh, sân rộng ở giữa, xây tự thế kỷ thứ 16 và 17; phần chữ môn [5] thời về phía Nam chạy dọc sông Seine, nguyên trước đã có cung sẵn tự thế kỷ thứ 16 và 17, nhưng về thế kỷ thứ 19 sửa đổi lại nhiều; về phía Bắc thì mới làm tự đời vua Napoléon thứ I, đến đời vua Napoléon thứ 3 và chính phủ Dân quốc lại làm thêm ra nhiều. Ở giữa hai vế chữ là nơi công trường Carrousel, một bên có cửa khải hoàn Carrousel của vua Napoléon thứ I dựng từ năm 1806, một bên có hai tượng ông thủ tướng Gambetta là người đã có công to lập ra chính phủ Dân quốc, và ông Lafayette là tướng Pháp đã giúp cho nước Hoa Kỳ trong trận Độc lập. Ngoài nơi công trường là sở công viên Tuileries. Khu này là một nơi thắng cảnh đệ nhất thành Paris dây; một ngày mình đi đi về về qua biết bao nhiêu lần, vì ở bên tả ngạn sang hữu ngạn bao giờ cũng đi đường autobus "Gobelins - Notre - Dame de Lorette” chạy qua ở dưới cửa cung Louvre này. Mỗi lần trông thấy cung điện sừng sực trước mắt mà tưởng tượng đến cái công gây dựng văn minh của giống Pháp Lan [6] này, không thể cầm lòng tán thán, nghĩ bụng rằng cái mục đích của giống người ở trên mặt đất này chẳng qua là tổ chức lấy cuộc đời cho sung sướng, trang sức lấy cảnh đời cho đẹp đẽ, như thế thời giống Pháp này đã được hưởng cái sướng cái đẹp đến tuyệt phẩm vậy. Dẫu đời ấy sang đời khác có kinh qua lắm buổi gian nan nguy hiểm, nhưng đời nào cũng còn để lại những di tích như chốn này, thật là đủ tô điểm cho non sông rực rỡ biết dường nào! Làm dân một nước như nước này, mở mắt ra đã được trông thấy những quang cảnh tráng lệ như thế, khác nào như cái bài học của đời trước khuyên cho đời sau càng ngày càng làm tốt làm đẹp mãi lên, khiến cho vui lòng hởi dạ mà dũng dược [7] tinh tiến biết dường nào! Cớ sao cũng một kiếp người mà lại sinh ra giống khoẻ giống yếu, giống mạnh giống hèn, để cho khách du quan mỗi lần nghĩ đến cái câu “ưu thắng liệt bại” ở đời, bỗng dưng chạnh mối thương tâm, mà tấc dạ đỗ quyên những khắc khoải đòi hồi!…

Cung Louvre từ đời các vua ở cũng đã đặt làm sở bảo tàng rồi. Ngày nay thì ở trong chia ra làm bảy kho, có thể gọi là “thất khố bảo tàng”: 1/ Kho các đồ cổ Hi Lạp và La Mã, phần nhiều là các tượng đá cả; 2/ Kho các bức họa và bức vẽ; 3/ Kho các đồ cổ Đông phương và đồ gốm về cổ đại; 4/ Kho các đồ chạm và tượng về trung cổ, đời Phục Hưng và cận đại; 5/ Kho các đồ mĩ thuật về Trung cổ, đời Phục Hưng và Cận đại; 6/ Kho các đồ cổ Ai Cập; 7/ Kho các đồ cổ về hải quân.

Trong bảy kho ấy có kho họa là quý nhất và nhiều nhất, toàn là những bức không có hai ở trong thế giới. Chia ra từng phái (écoles), bày thành từng gian, theo loại mục như trong họa học sử Thái Tây. Có phái nước Pháp, phái nước Ý, phái nước Tỉ (école flamande), phái nước Hoà, phái nước Tây Ban Nha, phái nước Đức và phái nước Anh; lại một phái riêng các danh sư ở thành Venise ngày xưa (école vénitienne). Đi qua một lượt các gian cũng gọi là thu được cái hình ảnh mường tượng về các thời đại và các môn phái trong nghề họa Âu châu. Lấy con mắt phàm của mình mà xem, không mong biết được hơn nữa. Đến trước bức họa nào nhìn đến tên cũng thấy là tên một danh gia mình đã từng đọc ở trong sách. Về phái nước Pháp là phái nhiều nhất, thì nào là: Poussin, Claude Lorrain về thế kỷ thứ 17; Watteau, Fragonard, Greuze, Chardin về thế kỷ thứ 18; David về đời Đại Cách mệnh; Ingres, Delacroix, Millet, Corot về thế kỷ thứ 18. - Phái nước Pháp, trước thế kỷ thứ 17, vào hạng gọi là các danh sư tiền cổ (les primitifs) thì có ít lắm, chỉ có mấy bức của François Clouet về thế kỷ thứ 16 là có giá trị hơn nhất. Như thế thì nghề họa ở nước Pháp cũng chẳng lấy gì làm cổ lắm, sánh với nghề họa nước Tàu ngày nay còn giữ được những bức thuộc về thế kỷ thứ 4 thứ 5, như của Kou K’ai Tche (Cố Khải Chi), kém xa nhiều. Phái nước ý thì có những bức của Fra Angelico, Pérugin, Léonard De Vinci (vẽ hình mĩ nhân đề là La Joconde, bức này có tiếng lắm, năm trước bị ăn trộm, rồi lại tìm được), Le Corrège; riêng về phái thành Venise bày hẳn một gian thì có Titien, Véronèse, Le Tintoret. Phái Tây Ban Nha, có ít bức thôi: Le Greco, Velasquez, Murillo, Goya, v.v… Về phái nước Tỉ và nước Hoà thì nhiều lắm, những bức có tiếng nhất là của Rembrandt, Rubens, Van Dyck, Franz Hals; - Phái nước Đức có ít thôi: Holbein, Kauffmann, Durer, v.v. Phái Anh cũng vậy: Lawrence, Reynolds, v.v…

Ngoài những bức chia ra các môn phái như trên, khiến cho nhà khảo về họa học dễ theo thời đại lưu phái mà xét, lại còn nhiều những bức thuộc về di sản của mấy bậc phú hào bình sinh sưu tập được, đến khi chết tặng cho nhà nước để vào bảo tàng, như Legs Duchatel, Collection Chauchard, v.v., lắm bức quý lắm.

Kho tượng cổ thì phần nhiều là những tượng đá của Hi Lạp La Mã, các nhà bác học đào được ở dưới đất, có cái sứt vỡ cả, nhưng hình thể tuyệt đẹp. Đẹp nhất là tượng nữ thần Vénus ở đảo Milo, để trần một nửa người, gẫy mất hai cánh tay, người Tây cho là thân thể người đàn bà đến thế này là tuyệt xảo, tạo vật vị tất đã nặn được hình người nào đẹp như thế. Tượng này của Hi Lạp, thuộc về thế kỷ thứ 4 trước Giatô giáng sinh, mãi đến năm 1820 người ta mới đào được ở dưới đất lên, cạnh làng Castro ở đảo Milo. Còn một pho tượng nữa cũng cho là kiệt tác của nghề chạm Hi Lạp, nay sứt vỡ cả, gọi là tượng “Thần Chiến thắng” ở Samothrace, hình người đàn bà có cánh, vẫy cánh bay ở trên cái thuyền trận, nhưng đầu và một cánh đã gẫy, mất, và cái thuyền cũng không còn hình nữa, thế mà người Tây khen là hình tượng sự chiến thắng một cách hùng tráng vô cùng.

Nghề tượng ở nước Pháp thì từ thế kỷ thứ 17 cho đến ngày nay không thiếu một người nào, bắt đầu từ ông Puget cho đến ông Carpeaux.

Còn những gian đồ cổ của Á châu (chỉ về đất Tiểu á Tế á [8] nhiều, còn về á Đông thì có một ít đồ gốm Tàu, Nhật và Xiêm của ông Grandidier đem về năm xưa và một mớ những đồ họa và đồ chạm của ông Pelliot đem ở Tân Cương - Turkestan - bên Tàu về), đồ cổ về Ai Cập, Phi châu, v.v. chỉ đi qua thôi không xem kỹ.

Duy đến năm cái phòng lớn bày toàn những đồ gỗ và những tấm thảm của Pháp về các đời trước, không thể không dừng lại xem kỹ một lượt. Có đủ các thứ đồ về đời vua Louis thứ 14, 15, 16, trông thật là choáng mắt. Lại đẹp hơn và quý hơn nữa là nơi gọi là Galerie d'Apollon, là một cái điện dài, quy mô hùng vĩ (hơn 60 thước dài, ngót 10 thước ngang, cao 11 thước), trang sức tuyệt đẹp (có những bức họa sơn về tứ thời, về buổi sớm, buổi chiều, về các tích thần tiên Hi Lạp, v.v…); trong điện bày toàn những đồ vàng, đồ sứ, cùng những kim cương bảo thạch, quý giá vô cùng. Có một hòn kim cương gọi là Le Régent (ông Nhiếp chính), người ta cho là suốt trong thế giới không đâu có hòn kim cương nào to và đẹp bằng, nặng 136 carats, trị giá 12 triệu.

Đi xem qua một lượt như thế, mà cũng mất ba giờ đồng hồ, vừa đến giờ đóng cửa nghỉ trưa mới ra về. Định hôm nào đến một buổi xem riêng về các bức hoạ cho kỹ hơn một chút, chứ như hôm nay sơ lược quá.

Xét ra những bức họa cổ ở viện bảo tàng Le Louvre này, người nước Pháp lấy làm quý báu vô cùng. Có một hội những nhà ái mĩ, gọi là “Hội các bạn sở Louvre (Société des Amis du Louvre) lập ra để giúp nhà nước giữ gìn các bức cổ họa ấy, và tìm cách sưu tập những bức chưa có, cùng mua thêm cho nhiều ra. Lại người ngoại quốc đến nghiên cứu về nghề họa ở đây cũng đông lắm. Có người đem giấy bút, bắc giá vẽ, ngồi mà phóng [9] những bức cổ họa, cứ ngày hai buổi, có khi đến hàng tuần hàng tháng. Sáng hôm nay gặp hai người Nhật Bản đến phóng như thế. Lại mỗi tuần lễ có một ngày các ông giáo mĩ thuật đến diễn thuyết và bình phẩm các bức họa cho người đến xem nghe. Những buổi có diễn thuyết như thế thì phải biên tên trước và nộp tiền mới được vào xem. Vào xem những ngày thường như hôm nay thời không mất tiền, nhưng nghe nói chính phủ đương định đặt một cái thuế vào xem các sở bảo tàng công, sắp thi hành nay mai. Trong sách ông Raffaelli có nói rằng: “Nếu đặt ra cái lệ những ngày nào vào xem sở bảo tàng phải trả tiền thật đắt, thời bấy giờ thiên hạ mới hiểu rằng được xem những cái kỳ quan như thế này, đã phải bao nhiêu công phu mới tích lũy được, mà bày ở trong một nơi cung điện như thế này, là một sự khoái lạc biết dường nào!” Song lại có kẻ bác rằng làm như thế không được bình đẳng, người có tiền đã đành, còn người thường dân, người nghèo, không cho người ta được hưởng cái thú mĩ thuật hay sao? Nghe đâu chính phủ muốn châm chước hai phương diện, định đặt ra lệ lấy tiền, nhưng trừ ngày thứ năm và ngày chủ nhật cho vào không.

Ngày hôm nay thứ năm có diễn ban ngày ở rạp Comédie Française (bây giờ người ta thường gọi là Théâtre Française, hay là Française không thôi). Cơm trưa xong đi lấy vé vào kịp 1 giờ 1/2 vào xem. Những buổi diễn ban ngày như thế này là để cho học trò các trường và các nhà nền nếp không hay đi chơi buổi tối, cho nên thường diễn những bài kịch thuộc về cổ điển, nghĩa là hoặc là bài cổ hẳn, như Corneille, Racine, Molière, v.v., hoặc là bài mới nhưng kết cấu theo lối cũ, có cái ý tứ, cái phong vị cũ, chứ không bạo quá như các bài tối tân ngày nay (thí dụ bài Nói chuyện gì với các bà của Tristan Bernard mình mới xem hôm nọ). Buổi nay diễn bài Ông cố Constantin, hí kịch có ba hồi, do hai ông Henry Crémieux và P. Decourcelle trích ở bộ tiểu thuyết L'abbé Constantin của L. Halévy. Chuyện cũng hay. Đại khái như thế này: Cố Constantin là một người hiền hậu, coi xứ Longueval. Đấy có một cái phủ đệ, chủ cũ sa sút, vừa mới bán cho hai người đàn bà Mỹ giàu lắm, là Scott phu nhân và em gái là Bettina Percival tiểu thư. Hai người dọn đến ở đấy, trước tiên lại thăm ông cố. Thiên hạ cũng có đồn rằng tung tích làm giàu của hai người Mỹ có điều ám muội, nhưng mà người tử tế, nhã nhặn, lại có tiền sẵn trong tay, thời chuyện gì mà không che đi được. Vậy hai người đến thăm nhà đạo viện, cúng nhiều tiền bạc để cố giúp cho kẻ nghèo, rồi làm thân ở lại đấy ăn cơm tối. Cố bấy giờ trong nhà có một người cháu tên là Jean Raynaud, hiện làm quan một pháo thủ, người đẹp trai lắm, Bettina tiểu thư trông thấy cũng động tình; ăn xong vui vẻ, ca xướng một lúc, rồi hẹn một tuần lễ nữa mời cả ông cháu vào phủ uống rượu. Chuyện sau thế nào, đoán cũng đủ biết: quan một với tiểu thư hai người có tình với nhau, tiểu thư thì chỉ dốc một lòng muốn lấy quan một, nhưng quan một còn giữ ý, vẫn ngần ngại, sợ mang tiếng là người tham của. Đương khi ấy lại thêm một chuyện rắc rối, là có một bà Lavardans phu nhân, có người con trai tên là Paul, là một tay phá gia chi tử, bà cố vận động để hỏi tiểu thư cho chàng. Bà lại khéo lấy lòng được bà chị tiểu thư là Scott phu nhân. Tiểu thư còn chống lại chưa thuận, nhưng quan một Raynaud không tự quyết, lại có ý ghen, muốn đâm ngang để phá đám hẳn. Bấy giờ tiểu thư mới tức mình, một hôm nhân có tiệc, thuận để cho chàng kia “nhẩy đầm” với mình. Bà mẹ chàng thừa cơ mới phao tin lên rằng hai bên đã thuận lấy nhau rồi. Quan một phát phẫn, quyết chí đi theo quân ngay. Nhưng trước khi đi đến giáp mặt với chàng kia, hai bên nói mát nhau, rồi đến cãi nhau, sau đến đem nhau ra đấu gươm, nhưng may không bên nào bị thương cả. Bấy giờ tiểu thư nghĩ lại, biết rằng quan một thực có tình với mình, chỉ vì sợ mang tiếng tham của nên không dám hỏi làm vợ, tiểu thư bèn tự mình tuyên bố ái tình, và nói khéo đến nỗi khiến cho quan một phải nhận lời. Thế ra người chỉ vị tình, không tham của, được cả của lẫn người; còn chàng kia chỉ tham của, không có thực tình, thành ra xôi hỏng bỏng không…

Bài này diễn khéo lắm, nhiều đoạn rất cảm động. Vai Scott phu nhân, bà Sorel đóng, bà là một vai đào có tiếng ở rạp Théâtre Française, giọng nói lơ lớ hệt như giọng người Mỹ nói tiếng Pháp, buồn cười lắm.

Nhân đi xem qua trong rạp hát, thấy vô số những tượng cùng tranh các nhà danh kịch danh ưu ở nước Pháp từ xưa đến nay. Vì rạp này là một rạp cũ nhất ở thành Paris, năm 1900 bị cháy nên mới trùng tu lại. Ông Molière khi xưa thường ra trò ở đây, nên có khi gọi là “nhà ông Molière” (la maison de Molière). Trong phòng khách có tượng ông Voltaire của Houdon chạm, lại có một cái lò sưởi có tượng “Các con hát đặt vòng hoa lên đầu ông Molière”; còn những tượng khác nữa nhiều lắm, không biết đâu mà kể.

Xem hát về, nhận được ba cái thư ở nhà sang. Tin tốt cả.

Tối ra ga Lyon đón anh N. B. N. ở Marseille lên.


*


Thứ sáu, mồng 9 tháng 6

Quan Thuộc địa Thượng thư Sarraut có viết giấy xin phép cho các phái viên Nam Bắc kỳ vào xem một nhà “băng” lớn ở Paris, là nhà Crédit Lyonnais. Nhà này ở đường Italiens, là một nhà “trữ kim ngân hàng” (banque de dépôts), lập ra từ năm 1863, trước ở Lyon, sau chuyển ra Paris, nay có chi điếm không những ở khắp các tỉnh lị ở nước Pháp, mà lại ở khắp cả các đô thành lớn trong thế giới nữa. Vào trong nhà băng này như vào một cái thành phố lớn, các phòng làm việc hai bên như hai dẫy phố, lại đường ngang, ngõ dọc, từng dưới, từng trên, thật là mê li, không có người dẫn đường thì lạc. Nhà băng có phái mấy người đưa đi từng khu từng sở mà cắt nghĩa rõ ràng; lại cho xem các tủ bạc, các hầm để bạc nữa; thật là kiên cố vô cùng. Đến khi ra về, lại biếu mỗi người một quyển tiểu sử về nhà Crédit Lyonnais, in năm 1913, hồi làm lễ ngũ thập chu niên của nhà băng. Xem cách sắp đặt và quản lý một nhà ngân hàng lớn như thế này, thật không khác gì cách cai trị một nước vậy.

Chiều hôm nay trời mưa, không muốn ra ngoài nữa, bảo chủ trọ dọn đồ ăn trong phòng, mấy anh em đánh chén với nhau.


XIII.

Thứ bảy, mồng 10 tháng 6.1922

Các ngài phái viên Nam kỳ xử với thượng quan thật là khéo quá. Những cách thù phụng như thế, tự mình không mấy khi nghĩ đến, hoặc có bao giờ cũng là bất đắc dĩ, vì lấy làm chẳng hay ho gì. Nhưng mình không nghĩ đến, may đã có các ngài nghĩ cho. Số là các ngài định đặt một bữa tiệc trọng thể để đãi quan Thượng thư Sarraut và ông nghị viên Nam kỳ Outrey. Các ngài đã sửa soạn cả rồi, bèn bảo cho anh em Bắc kỳ biết để dự vào một phần. Tiệc định đặt ở một hiệu cao lâu lớn ở Versailles. Thế là mình nhân tiện lại được đi xem Versailles một lần nữa.

Có ăn tất phải có nói, đặt tiệc trọng thể như thế, tất phải có “đít cua”. Ông L. K. N [10] là ngài phái viên Nam kỳ cao tuổi nhất, có đọc một bài tán tụng quan Thượng thư và ông nghị viên, không nhớ nói những gì nữa. Quan Thượng thư trả lời lại, có ý vỗ về, khuyên lơn, cũng không nhớ rõ những câu gì, nhưng nói hùng hồn lắm.

Tiệc xong có chụp ảnh làm kỷ niệm.

Nhân tiện ở cả buổi chiều đây, để xem điện Versailles một lần nữa cho kỹ hơn.

Trước lên xem lại hai lầu “Trăm Gương” và “Trăm Trận”, các phòng của vua Louis thứ 14, 15, 16, ở trong cung chính, rồi ra xem các cung Đại Trianon và Tiểu Trianon, ở trong ấy các phòng bày biện như sinh thời các vua chúa. Ngày nay trông còn rực rỡ như thế, huống đương thời thì lộng lẫy biết bao!

Xem xong các cung rồi ra dạo chơi ngoài ngự uyển, đi lan man đến hai ba giờ đồng hồ. Chợt đến một chỗ, như hình cái làng lạc vào ở giữa vườn ngự uyển. Giở sách ra xem mới biết chỗ này tức là cái “xóm quê” (le hameau paysan) của bà phi Marie Antoinette dựng ra ở cạnh cung để thỉnh thoảng ra ở đấy giả làm cách nhà quê. Các bà sung sướng quá, không được biết cái thú thôn quê là gì, nên phải bịa đặt ra thế. Nhưng biết một cái thú quê chưa đủ, phải biết cả cái khổ sở, cái khó nhọc dân nhà quê nữa. Nghe nói hồi bấy giờ, các cung phi, các công chúa, những buổi ra ở “xóm quê” cũng làm lụng như người nhà quê, nấu bếp, vắt sữa, v.v…, nhưng làm chơi với làm thật nó vẫn khác nhau lắm.

Đi chơi trong vườn này có cái vẻ êm đềm lặng lẽ; chim kêu, gió thổi, cành cây sột sạt, lá cây lác đác, nước chẩy róc rách, thật là cảnh đìu hiu, bỗng thấy lòng quê lai láng.

Bóng đã xế chiều, gió đã thấy lạnh, mới bước ra về; về tới Paris vừa tối.

Tối đi xem hát ở Opéra . Nhà Opéra này là nơi ca trường sang trọng nhất ở Paris. Hôm nay có Hội ái hữu các người làm việc Sở Xe lửa mở một cuộc diễn kịch để quyên tiền cho Hội, mời quan Thủ tướng Poincaré đến chủ toạ. Cơm tối rồi mới đi lấy vé, vé đã gần hết cả. Hôm nay diễn bài nhạc kịch Faust, soạn theo bộ tiểu thuyết trứ danh của nhà đại văn hào Đức Goethe, ông CH. Gounot nước Pháp đặt ra bài đàn. Lối nhạc kịch này thì mình không sành âm nhạc, không thuộc ca điệu, không sao hiểu hết; người mình nghe ả đào hát, nhiều khi cũng không hiểu được cả, nữa là nghe người Tây hát theo giọng điệu của người ta. Xem ra chính người Tây đi Opéra lắm khi nghe cũng lỗ mỗ như mình. Nhưng mà cảnh bày đẹp, con hát lịch sự, lại cái thanh âm dáng điệu thật khéo, dẫu người không sành cũng sướng tai vui mắt. Bài kịch có năm hồi, mỗi hồi nghỉ lại có họa những khúc danh nhạc xưa nay, như của Massenet, Saint Saens, v.v…

Giá ở Opéra này đắt hơn các rạp khác: một ghế ở sàn (fauteuil d'orchestre) giá 30 quan (tính ra bạc 6 quan là 5 đồng bạc bên ta). Nhưng khách đây toàn là khách lịch sự cả, vào xem phải mặc lễ phục, như đi dự tiệc buổi chiều vậy. Lệ đó ngày xưa là nhất định và nhất luật cả, nhưng ở một nước dân chủ lấy bình đẳng làm trọng, không khỏi có người dị nghị, nên bây giờ phải đặt riêng mỗi tuần lễ mấy ngày, ai vào xem ăn mặc thế nào cũng được. Nhưng nghĩ cũng lạ, những buổi được ăn mặc tự do như thế, thiên hạ đến xem lại ít, và những buổi phải có lễ phục mới được vào thì khách lại đông. Thế mới biết người ta tuy ngoài miệng nói rằng muốn bình đẳng, mà trong bụng bao giờ cũng muốn đặc biệt với kẻ khác. Cũng có lẽ là đặt ngày riêng như thế thì người nào đi vào ngày không phải ăn mặc lễ phục tự cho là không sang trọng, nên ít người muốn đi. Muốn điều hoà sự bình đẳng với cách lịch sự thật cũng khó thay.


*


Chủ nhật, 11 tháng 6.1922

Hôm nay nghỉ nhà, không đi chơi đâu.

Các phái viên Nam Bắc kỳ định cùng nhau tổ chức một cuộc du lịch các miền chiến địa cũ. Định trước đi Origny en Thiérache, là quê Đức cha Bách Đa Lộc, làng này bị tàn phá cả, Nam kỳ đã quyên tiền cho để trùng tu lại; rồi đi ra Soissons, Reims, Verdun, là những miền chiến tranh dữ nhất mấy năm trước. Ước nhau đến sáng ngày thứ ba đi sớm, đã thương lượng với một công ty ôtô chở thuê để đón sẵn ở các ga, rồi đưa đi các trận địa. Họp nhau lại vài chục người đi luôn thể thế này, rẻ hơn là đi riêng một vài người. Các ngài phái viên Lục tỉnh bàn ra trước, mình lấy làm phải lắm, nhận lời ngay. Cứ thực ra thì việc này xướng suất tự quan cai trị E. đầu phái bộ Nam kỳ, nên cũng nhờ một tay ngài sắp đặt hết.


*


Thứ hai, 12 tháng 6.1922

Buổi sớm đi xem sở Sorbonne, là nơi trường đại học thành Paris ở đấy. Mình đã vào đây mấy lần, một bữa lại nghe diễn thuyết ở đây, nhưng chưa bao giờ đi xem được khắp. Hôm nay nhờ có bộ Thuộc địa đã xin phép trước, các phái viên đến xem được người phần việc dẫn đường và cắt nghĩa tường lắm.

Xét ra sở Sorbonne này có đã lâu lắm, tự năm 1250. Nguyên trước là một trường chuyên về thần học, do ông Robert De Sorbon, là nhà thấy coi việc lễ bái trong cung vua Saint Louis, lập ra. Mười năm sau, trường đã đông học trò; đến thế kỷ thứ 14 thì nổi tiếng khắp Âu châu, về khoa thần học đến các giáo hoàng ở La Mã cũng thường phải theo ý kiến của các thầy Sorbonne. Sau ông tể tướng Richelieu sai Lemercier xây mấy lớp nhà, ngày nay chỉ còn cái nhà thờ lại. Đến trường Đại học bây giờ thì mới dựng từ năm 1885, theo kiểu của ông Nénot. Sách chép bề dài tới 250 thước, bề mặt 83 thước, từng trên và từng dưới có tượng đá hình các khoa học, như Hoá học, Tự nhiên học, Vật lý học, Số học, Sử học, Địa dư học, Triết học, Khảo cổ học, mỗi bức tượng của một tay danh sư chạm. Trên bức phá phong lại có hai tượng lực lưỡng hình Văn học và Khoa học.

Sở Sorbonne bây giờ là nơi trường Đại học Paris, trừ có hai ban Luật khoa và Y khoa là có nhà riêng. Trong sở có ban Văn học (29 khoa) và ban Khoa học (25 khoa); lại có trường Cổ điển, khảo về các sử liệu cũ nước Pháp, viện Cao đẳng nghên cứu, cùng Thư viện của trường Đại học cũng ở đấy. Sinh viên các khoa đến nghe giảng và đến khảo cứu ở đây, có tới 2 vạn người. Độ rầy đã bắt đầu nghỉ hè, nên các lớp vắng dần. Nhân thấy một lớp đương học, người phần việc đưa vào nghe một chốc. Lớp này là lớp quan giáo Schneider đương giảng về mĩ thuật Pháp, nghe đâu là một lớp riêng cho người ngoại quốc đến học mấy tháng hè. Ông giáo đương bình phẩm về mấy bức họa, có chiếu bóng lên cho người nghe xem. - Xong rồi lại vào phòng thí nghiệm của quan Giáo Lapique. Ngài chuyên dạy khoa thực vật sinh lý học; ngài nói buồng ngài làm việc đây chính là buồng ông Paul Bert khi xưa, vì ông Paul Bert trước khi sang làm Thống sứ bên ta có dạy sinh lý học ở trường Đại học Paris. Trong phòng thí nghiệm đây đương có một cô nữ học sinh khảo về các giống rêu đổi sắc; cô trông mặt thông minh và lanh lợi lắm, quan Giáo bảo cô thử cho chúng mình xem, thấy một cây rêu khi ra nắng và khi ở tối đổi sắc hiển nhiên.

Xem xong các phòng học rồi ra đại diễn đường, rộng thênh thang, ngồi được đến bốn nghìn người. Giữa có một bức hoạ to lớn lạ thường, vẽ "Rừng học", của nhà danh hoạ Puvis De Chavannes. Lúc ra về vào xem nhà thờ Sorbonne và mộ tể tướng Richelieu.

Buổi chiều sắm sửa ít đồ hành lý để mai đi chơi sớm.


XIV.

Thứ ba 13 đến thứ năm 15/6.

Ba hôm nay đi cũng đã nhiều đường đất. Bây giờ về mở địa đồ ra tính mới biết cái số cây-lô-mét đã khá to. 8 giờ 50 phút sáng ngày thứ ba ở Paris đi chuyến xe lửa phía Bắc, đến 11 giờ 1/4 tới xã Origny, vừa 192 cây-lô-mét, chạy trong hai giờ rưỡi đồng hồ, tức là mỗi giờ ngót 80 cây (chẳng bù với xe lửa bên ta mỗi giờ không chạy được 25 cây). Bốn giờ kém mười, ở Origny về Soissons, 87 cây-lô-mét, chừng hơn một giờ tới nơi. Ngày thứ tư ở Soissons ra Reims, 55 cây, đi ô-tô, mất 2 giờ đồng hồ (xe này là xe chở khách, ngồi đến 20 người một, nên chạy chậm). Năm giờ rưỡi chiều đi xe lửa tự Reims ra Verdun, 120 cây-lô-mét, đường xe lửa này là đường nhà quê nên chạy chậm, mãi đến 8 giờ rưỡi mới tới nơi. Hôm sau là thứ năm, cả ngày đi xem các trận địa Verdun, đến 6 giờ 50 phút chiều lên xe lửa về Paris, chạy thẳng một mạch 280 cây-lô-mét, 10 giờ 1/2 tối tới nơi. Thế là trong ba ngày đi xe lửa tới 730 cây-lô-mét mà ung dung, còn thừa chán thì giờ để đi vãn cảnh mọi nơi. Giá bên mình phải đi đến bấy nhiêu đường đất trong ba ngày thì chỉ những ngồi trên xe mà hết ngày giờ. Ở đây cách giao thông tiện lợi quá. Nói về xe lửa thì toàn hạt nước Pháp chia ra làm bốn đường chính hoặc thuộc về Nhà nước, hoặc thuộc về công ty kinh lý: là đường phía Bắc và phía Đông (Nord et Est), đường phía Tây (Ouest-), đường Trung Ương và phía Nam (Orléan et Midi), đường Đông Nam (Paris - Lyon - Méditerranée), bốn đường ấy chạy tự kinh đô Paris đến các đô thành lớn. Tiếp với các đường chính đó thì có những đường chà chạnh, chạy khắp các tỉnh thành, các đô thị lớn nhỏ, các châu huyện, cho chí các xã, các ấp lớn nữa. Bấy nhiêu đường chính đường phụ chằng chịt nhau như cái mạng nhện, cứ trông một bản đồ xe lửa ở nước Pháp thì đủ biết. Mà bấy nhiêu đường đều có đối chiếu nhau hết cả, hành khách muốn đi đâu giở địa đồ ra tính trước, sắp sẵn cái hành trình của mình, đến chỗ nào cũng hình như có xe đón, không sai tí nào và không mất thì giờ vậy. Duy những đường xe lửa nhà quê, tức gọi là "xe lửa hàng quận" (chemins de fer départementaux), thời chạy chậm, đỗ ở các ga lâu, cũng như xe lửa bên ta.

Trưa ngày thứ ba đến xã Origny, là quê Đức cha Bách Đa Lộc. Xã này ở giữa trong vòng chiến tranh năm trước, nên bị tàn phá dữ lắm. Nay đã xây dựng lại được ít nhiều, nhờ tiền lạc quyên của Nam kỳ giúp đỡ, nhưng cái dấu vết phá hoại vẫn còn rõ lắm. Nhà thờ đổ nát cả. Nhà thị sảnh (tức là nhà đốc lý), cũng bị đổ, đương chữa lại chưa xong.

Quan Thuộc địa bộ đã có tư giấy cho dân xã biết trước, nên bọn mình đến nơi, cả hội đồng hàng xã, xã trưởng đứng đầu, mặc lễ phục chỉnh tề cả, đã đứng đón sẵn ở sân ga; còn người dân, nam phụ lão ấu, cũng đến đứng đông nghịt cả ga, trẻ con thì cầm cờ tam tài phất. Vì chúng mình đến đây là lấy tư cách kẻ ân nhân mà đến, nên được nghênh tiếp trọng thể như thế. Không biết dân làng đây trước kia họ không biết mình, tưởng tượng người An Nam mình ra thế nào; hôm nay trông thấy xem ý lấy làm lạ, có lẽ họ tưởng mình là một giống kỳ khôi lắm, nay thấy phần nhiều cũng ăn mặc như họ - trừ có mấy ông vẫn giữ quốc phục, - mà xem ra lại ăn mặc óng ả lịch sự, các anh các chị nhà quê chỉ trỏ ra dáng phục lắm.

Khi các phái viên ở xe lửa xuống, phường nhạc trong làng thổi mừng. Rồi ông xã trưởng mũ cao áo dài bước lên đọc một bài diễn văn rất dài, đại khái nói dân làng cảm ơn xứ Nam kỳ đã có bụng tốt giúp tiền cho chữa sửa lại những nhà cửa bị tàn phá, và bữa nay kẻ đồng hương của đức cha D'Adran được nghênh tiếp các ngài đại biểu nước Nam Việt để cùng nhau tỏ tấm lòng ân ái cả hai bên, thật lấy làm mừng rỡ vô cùng. Ông xã trưởng nói xong, ông nghị viên Nam kỳ Outrey bèn thay mặt các phái viên An Nam ứng khẩu nói mấy lời đáp lại, đại khái tỏ cái ý rằng người An Nam giúp tiền cho xã này tu bổ lại, không phải là làm ơn, chính là trả ơn lại đức cha Bách Đa Lộc khi xưa. (Thế mà lúc nãy mình đã tự cao cho là bậc ân nhân rồi! Té ra cái nợ ông Bách Đa Lộc bấy lâu nay ta trả vẫn chưa hết đấy...). Mình chưa được nghe ông nghị Outrey diễn thuyết bao giờ, vẫn tưởng là một tay ngôn ngữ giỏi lắm thì phải. Nghe ông nói hôm nay, lái đi lắp lại, giọng đã không lấy gì làm hùng hồn, lời cũng lại không được chải chuốt lắm, cũng lấy làm lạ. Cho hay cái nghề nói này, không cứ là làm nghị viên mới sành.

"Đít-cua" xong rồi, kèn trống đi trước, dẫn các phái viên ra nhà thị sảnh, đi qua phố chính trong làng, người dân kéo ra xem và đi theo sau đông lắm. Nhiều cô con gái nhà quê dễ coi quá, trông thấy bọn mình cứ cười tít lên, có người bạo lại đến tận bên cạnh mà biếu hoa. Các ông phái viên giá ở đây mấy ngày thì vô số chuyện vui... Đến nơi, các ông hội đồng làng mời phái bộ lên trên lầu, vào buồng hội đồng, trong đã bày bàn ghế, cắm cờ xí trang trọng lắm. Khi mở rượu sắp đụng cốc thì một ông hội viên trong hội đồng làng lại đọc một bài diễn văn chúc tụng; quan cai trị Eutrope là đầu phái bộ Nam kỳ đáp lại, đại khái cũng là xuất nhập cái đầu đề mấy bài diễn trước...

Uống rượu ăn bánh xong rồi, đi dạo chơi trong làng. Làng này trước khi chiến tranh chắc cũng là một làng to, nhưng nay đã đổ nát cả, nên không có gì lạ mà xem. Người làng có nghề đan rổ (vannerie) khéo lắm. Vào xem các nhà tư, thấy đàn bà con trẻ ngồi làm cũng như bên ta. Có một cái xưởng lớn của một nhà phú hào ở đây chuyên làm đồ đan để chở bán đi các nơi, ông chủ có mời phái bộ vào xem khắp trong xưởng, từ nhà máy cho đến các kho, cách sắp đặt rất chỉnh đốn, nhưng hôm nay nhân trong làng có mở hội đón phái bộ An Nam nên thợ nghỉ cả, không được xem cách làm bằng máy như thế nào. Đoạn rồi xem nhà thờ, và nhà cũ của đức cha Bách Đa Lộc, nay sửa làm như một cái bảo tàng viện nhỏ để họp những đồ kỷ niệm về Đức cha. Nhà thấp bé, ở ngay sau nhà thờ, nên trong khi chiến tranh không bị hại mấy. Ở trong vẫn còn giữ quy mô như hồi xưa, cái buồng xúc xích nhỏ hẹp, đây là chỗ Đức cha sinh, kia là buồng của cha mẹ nằm, nọ là buồng các anh các chị. Ở phòng khách thì có bày những đồ thường dùng của Đức cha hồi bình sinh, quyển kinh, tràng hạt, mấy cái lọ cổ, v.v... Lại có một cái bằng phong tặng của Đức Cao hoàng ta lồng kính, nghe đâu là chính nguyên bản; và nhiều những tranh cổ và sách cổ. Sở "bảo tàng" này giao cho ông cố trụ trì ở nhà thờ bên cạnh coi, có một hội khảo cổ về Đông Pháp ở Paris trông nom, hội này có phái riêng một người đại biểu đến để chỉ dẫn cho phái bộ xem. Người đại biểu ấy chính là quan thanh tra thuộc địa hưu trí Salles, bên ta nhiều người biết, vì trước ngài đã có công với các hội học và hội "Trí Tri" ở Nam Bắc kỳ nhiều lắm.

Chuyện vãn một hồi, rồi cáo biệt các quan viên hương chức, 3 giờ 50 phút, lên xe lửa về Soissons. Mấy giờ trước, khi mới trên xe xuống, hai bên còn như bỡ ngỡ, nay từ giã nhau trong sân ga, tình khứ lưu [11] xem ra có một đôi chút vậy. Lúc trước còn thuần là sự lễ nghi, lúc này đã hơi có lòng âu yếm. Kẻ Đông người Tây, gặp nhau ở trong khoảnh khắc, mà biệt nhau không đến nỗi vô tình, thế thì biết rằng dân Pháp cũng là một dân có bụng, mà người Nam không phải là giống không tình. Cứ như thế thì hai giống ăn ở với nhau lâu năm, tất phải thương yêu nhau lắm thì mới phải. Cớ sao các nhà chính trị hai nước cứ thường phải hô hào, cổ động luôn về sự Pháp Việt tương thân, Pháp Việt đề huề, tựa như sự đề huề, sự tương thân ấy chửa được thập phần mĩ mãn vậy? Không nói về đường chính trị, nó lại biệt ra một câu chuyện khác; nói về sự giao tế thường, muốn có cảm tình, tất phải bình đẳng; không có bình đẳng thời tình người dưới đối với người trên không ngoài sự sợ, tình người trên đối với người dưới không ngoài sự thương; thương với sợ, ngoài tình cốt nhục trong gia đình, không đủ gây nên sự cảm tình đích đáng. Cho nên muốn cho hai giống đề huề thân ái với nhau, phải làm thế nào cho sự cách biệt bớt dần đi, dẫu không thể tiêu được hẳn, cũng không đến nỗi xa nhau như thiên nhưỡng [12] vậy. Cứ xem người Pháp ở bên Pháp này, đối với người ta sang đây, tuyệt nhiên không có lòng sai kỵ [13] , không có ý cách biệt gì cả, nên mối cảm tình dễ bén và dễ thân.

Khi xe lửa đã chạy, trông lại nhà ga vẫn còn có người phất khăn vẫy, như quen thuộc nhau đã lâu vậy.

Chiều tối đến Soissons, nhưng hãy còn đủ sáng để đi dạo chơi ngoài phố được một vòng. Cả vùng này ở trong vòng chiến địa mấy năm trước, nên ngồi trong xe lửa trông ra chỉ thấy những đồng điền trơ trụi, nhà cửa đổ nát, phong cảnh tiêu điều. Ấy là đây còn vừa đấy, chứ đến gần ReimsVerdun lại thảm hơn nhiều nữa. Ngay thành phố Soissons này, mấy lần bị quân Đức chiếm cứ, cả thảy đến ba mươi tháng trời; trong khi ấy thì quân Pháp ở ngoài bắn vào, đến khi quân Pháp đuổi được quân Đức đến đóng thì lại bị quân Đức bắn lại. Có toà nhà thờ và toà thị sảnh là hai nơi đẹp nhất, nay tan tành cả. Phố nào cũng có nhà đổ, vôi gạch chất đống, chưa kịp dọn. Ngay trong thành phố còn có dấu vết những hầm hố của quân Đức và quân Pháp đào để chống nhau.

Tối hôm nay ăn và ở trọ ở nhà khách sạn "Kim Thập tự" (Hôtel de la Croix d'Or): nhà này trong khi chiến tranh cũng bị hư hỏng mất ít nhiều, đã chữa lại, nay là nơi khách sạn lớn nhất trong thành phố. Khi ăn cơm được mấy chị hầu bàn cũng coi được, ứng đối rất hoạt, lại được uống thứ rượu cidre ngon lắm, ai nấy đều vui vẻ thoả thích; ăn xong rồi có người không muốn lên buồng vội, còn ở lại, phòng ăn, uống rượu mạnh nước ngọt để nói chuyện cà kê với các cô hàng...

Sáng hôm sau đã có xe ô tô của công ty Le Bourgeois đến đón đi Reims. Thành Soissons trông đã tiêu điều mà thành Reims này lại còn tiêu điều hơn nữa. Nghe nói trong thành phố có một vạn hai nghìn cái nhà, mà bây giờ tính ra không được năm trăm cái còn đứng vững. Nhưng trông thảm nhất là cái nhà thờ. Nhà thờ thành Reims là một nơi danh thắng đệ nhất của nước Pháp, về đường mĩ thuật, về đường lịch sử, đều có giá trị đặc biệt. Về đường mĩ thuật thời là một cái kiểu nhà thờ lối gothique đẹp nhất trong thế giới. Suốt từ trên ngọn tháp cho đến dưới chân tường đều chạm trổ soi lồng cả. Người ta thường nói nhà thờ thành Reims chính là một tấm "đăng ten" bằng đá; thật thế. Tấm "đăng ten" ấy trong bốn năm chiến tranh đã chịu không biết mấy vạn viên trái phá của Đức, nên chỗ thì rách toạc, chỗ thì nát nhầu như tờ giấy lộn, không còn ra hình thể gì nữa. Những khách ái mĩ [14] trong thế giới cho sự tàn phá ấy là cái tội ác đệ nhất của người Đức, dẫu thiên vạn cổ không bao giờ chuộc lại được. Về đường lịch sử thì nhà thờ này rất có quan hệ với vận mệnh nước Pháp đời xưa. Những vua các tiền triều mỗi khi lên ngôi thường đến làm lễ "gia miện" ở đây, nghĩa là để cho một vị Đức cha thay mặt Giáo hoàng đặt cái vòng mũ đế vương lên đầu. Nước Pháp xưa nay vẫn có tiếng là "con gái cả của Giáo hội Gia tô", tức là nước có thế lực nhất trong các nước sùng đạo Gia tô, nên lễ "gia miện" ấy quan hệ lắm. Đời đời các vua đã gây dựng cho nước Pháp được như bây giờ đều "chịu chức" ở đây cả, nên chốn này quốc dân coi như một nơi bảo tàng của linh hồn tổ quốc. Có người nói cũng vì thế nên quân Đức cố ý bắn cho đổ. Chẳng hay người Đức quả có cái ý hiểm độc vô ích như thế không, vì nghe đâu nhà quân Pháp ngay khi thành Reims mới bị vây đã tuyên cáo rằng nơi nhà thờ này không dám dùng gì về việc binh cả, như thế mà bắn thì thật không ích gì cho quân Đức. Song phải biết rằng phàm đại bác đứng xa mà phóng pháo vào một nơi tỉnh thành nào, cốt để triệt hạ cả thành trì, thời không thể không lấy những lầu cao tháp lớn làm đích hay là làm cữ, và cho dẫu có muốn tránh nữa cũng không thể sao được; có lẽ bởi thế nên người Đức đến vây thành Reims bất đắc dĩ phải lấy hai cái tháp nhà thờ là nơi cao nhất trong thành làm đích hoặc làm cữ cho pháo binh mình, chứ nước Đức cũng là một nước có văn hoá, há lại không biết trọng mỹ thuật mà cố ý làm một sự phá hoại vô ích như vậy.

Dù thể nào mặc lòng, nhà thờ thành Reims nay bị hủy hoại như vậy, thật là một sự thiệt to cho cái kho mỹ thuật chung của thế giới. Có người thương tiếc đến than khóc, buồn rầu, coi như một cái tang chung cho nhân loại văn minh, vì bây giờ dẫu phí bao nhiêu công, bao nhiêu của để tu bổ cũng không bao giờ khôi phục được lại hoàn toàn cái kỳ công có một không hai của nghề kiến trúc trong thiên hạ đó.

Dạo qua các phố phường, trông thấy cái cảnh nhà đổ tường xiêu mà thương tâm. Ấy là trong ba năm nay đã sửa sang xây dựng lại được nhiều, chứ hồi mới chiến tranh xong, trông còn thê thảm hơn nữa.
Nay giữa trong khi binh lửa đương nồng nàn thời người dân ở đây chạy trốn vào đâu? Thành Reims này trước khi chiến tranh có tới 11 vạn 5 nghìn người ở, không lẽ bấy nhiêu người thiên cư đi cả nơi khác được, mà cố ở lại cũng không sao tránh khỏi sự nguy hiểm được, vì trong bốn năm giòng, quân Đức đóng ở chung quanh thành, cách vài ba cây-lô-mét, cứ bắn luôn, không ngơi lúc nào, cố ý triệt hạ cả thành trì mới nghe. May sao ở dưới đất thành Reims lại có một cái thành phố nhỏ, cách mặt đất từ 15 đến 20 thước; thành phố ngầm ấy là hầm rượu của công ty Pommery, công ty này chế rượu "sâm banh" đã có tiếng trong thế giới. Hôm nay nhân tiện được phép vào xem trong hầm, quả nhiên là một thành phố thật, mà một thành phố dài tới 18 cây-lô-mét, trong có đường ngang lối dọc, ngã ba ngã tư, đều có biển đề tên cả, mà rộng thênh thang, giá hai cái ô tô tránh nhau được. Ấy trong khi ở thành phố trên bị phóng pháp dữ quá thời trừ đàn ông có phần việc mạo hiểm phải ở trên, còn bao nhiêu đàn bà, con trẻ, người già, đều xuống ở dưới hầm cả, đặt nhà thờ để lễ bái, nhà trường để dạy học, y như trên mặt đất.

Xét ra nghề làm rượu "sâm banh" này thật cũng công phu, không trách rượu bổ mạnh và quý giá như thế. Lấy thứ rượu "vang" trắng thượng hạng mà còn phải để cho lắng cặn trong mấy năm, sang đi lọc lại biết mấy mươi lần, rồi mới thành ra thứ "bồ đào mĩ tửu" là rượu "sâm banh" này. Bởi thế nên cần phải có hầm rộng để chứa được nhiều và được lâu, càng lâu càng quý. Người ta nói trong dẫy hầm này hiện chứa có tới 16 triệu chai, chia ra làm nhiều hạng, hạng để được một năm hai năm, hạng để được dăm mươi năm, mười lăm hai mươi năm, cứ cách mấy năm lại một lần sang chai cho thật hết cấn cặn, thật trong sạch, chỉ còn như cái tinh túy rượu mà thôi.

Xem hầm rượu mất cả buổi sáng, trưa về khách sạn ăn cơm, rồi liền lên ô tô đi thăm các trận địa và đồn lũy ở chung quanh thành. Công ty ô tô vừa cho thuê xe, vừa phái một người hướng đạo đi đến đâu chỉ dẫn và cắt nghĩa đến đấy. Trông anh chàng này không khác gì một anh cung văn ở bên ta, có một bài học đã thuộc lòng, đọc đi đọc lại không biết đến mấy trăm lần rồi, nên tựa hồ như không còn có tinh thần nghĩa lý gì nữa. Cứ cách năm trăm thước, hay một nghìn thước, anh ta lại dừng xe lại, quay mặt lại mình, rồi hét lên: "Thưa các ngài, chỗ này là thế này, chỗ kia là thế kia", nói nhai ra từng chữ như người kêu đường. Mình không biết, được người chỉ dẫn cho thế không phải là không có ích, nhưng nghe mãi một anh nhai chữ như nhai bã mía, truyền âm như máy lưu thanh [15] ấy, cũng chán thay!

Hai bên đường toàn là nơi chiến trường cả, bây giờ cỏ đã mọc xanh rì, nhưng dưới cỏ còn bao nhiêu xương người chưa thu nhặt được hết. Quan binh đã phải đặt biển yết thị bằng chữ to ở bên đường rằng: "ở đây mỗi tấc đất là một nắm xương. Khách du lãm phải nên dè bước và nếu có bụng tốt nên ngậm ngùi thương xót cho kẻ chiến sĩ đã vì nước liều mình". Có chỗ mấy trăm thước tới nghìn thước toàn những vỏ đạn và dây thép gai chất thành đống, khi nhà quân dọn lại để mà sửa sang đường đi quân lính thường bị hại vì cuốc phải hay đập phải những viên đạn chôn xuống đất mà chưa nổ. Bởi thế người dân ít người chịu ra phá hoang các trận địa cũ để cầy cấy. Người ta đã tính ra cứ rẫy phá được một cây lô mét mỗi năm hơn bù kém chết mất một người vì đạn nổ như thế. Thế là chiến tranh xong rồi mà cái di hại chiến tranh chưa hết.

Đi thăm đồn Pompelle, nơi gọi là "số cao 108" (cote 108), và nơi gọi là "Đường các bà" (Chemin des Dames), toàn là những chỗ đánh nhau dữ mấy năm trước, bây giờ chỉ những gò đống ngổn ngang, hang hốc sâu thẳm, trên phủ một tấm cỏ xanh, dưới che không biết bao nhiêu xương mục, nhưng trông xa tưởng là một đồng cỏ rộng, biết đâu là nơi đạn bắn như mưa, người chết như rạ, vừa mới mấy chục tháng nay! Tạo vật khéo thay, đem cỏ cây mà vùi cái thảm trạng của loài người! Độ vài mươi năm nữa, mà có lẽ cũng không đến thế đâu, rồi những chỗ này sẽ có bò ăn cỏ, người cày ruộng cả. Tạo vật lại lấy cái chết mà gây ra cái sống, theo lẽ tuần hoàn của trời đất, chỉ còn có tấm bia đá hay cây câu rút để nhắc lại cho hậu thế rằng đây là nơi cổ chiến trường đây. Hậu thế hoặc có tay sính văn chương muốn làm một bài "Điếu cổ chiến trường" thời tưởng cũng phải dụng sức tưởng tượng lắm mới tả ra được những cái cảnh gió sầu mưa thảm, đạn lạc tên bay, hay là đêm khuya văng vẳng, quỷ khóc hồn than; lại phải dụng sức suy nghĩ lắm mới lường được cái tâm sự kẻ chiến sĩ: "Hàng ư? chung thân làm nô lệ; chiến ư? phơi xương trên bãi cát" [16] ; và muốn kết luận một câu về cái nạn chiến tranh rằng: "Ô hô! ý hi! Thời da? Mệnh da? Tòng cổ như ti, vị chi nại hà? [17] (Than ôi! Thương thay! Là thời hay là mệnh? Xưa nay vẫn thế, biết sao bây giờ?) [18] , cũng phải dùng triết lý lắm mới được, chớ cái cảnh cỏ xanh mơn mởn đây, thật không có một chút thảm sầu gì cả; trừ ra... sau này thế giới lại diễn một cái chiến cục kịch liệt hơn để làm trò tiêu khiển cho loài người một phen nữa thì không kể... Nhưng người dầu bày trò đến thế nào cũng không địch nổi với Tạo vật; Tạo vật chỉ phủ một lượt cỏ xanh là che đi hết cả. Ôi! Ông Hoá công vốn vẫn vô tình...



[1]In lần thứ hai, thứ ba.
[2]Nghĩ được một điều chưa ai từng nghĩ.
[3]Lược bỏ đoạn diễn nguyên văn tiếng Pháp.
[4]Tức thinh không, nơi hoàn toàn vắng lặng.
[5]Nguyên văn viết chữ vuông, chúng tôi chuyển ra chữ quốc ngữ.
[6]Nói tắt chữ Pháp lan tây, một cách phiên âm chữ France.
[7]Vui vẻ làm việc.
[8]Vùng đất phía tây châu Á.
[9]Mô phỏng, bắt chước.
[10]Lương Khắc Ninh.
[11]Kẻ ở người đi.
[12]Trời và đất.
[13]Sai: ngờ, kỵ: ghen ghét.
[14]Yêu cái đẹp.
[15]Tức máy ghi âm.
[16]Bài Điếu cổ chiến trường văn của ông Lý Hoa đời Đường.
[17]Lược bỏ hai câu viết bàng chữ vuông.
[18]Bài Điếu cổ chiến trường văn của ông Lý Hoa đời Đường.

Nguồn: Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, VÆ°Æ¡ng Trí Nhàn chú giải, Nhà xuất bản Há»™i Nhà văn, tr. 163-196