© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.10.2003
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Lời giới thiệu

Hồi đầu những năm 90, trong một cuộc thăm dò dư luận ở Thượng Hải, người dân Trung Quốc được quyền bình chọn những nhà văn mình yêu quý nhất. Ông Vương Sóc đã được xếp thứ ba sau Kim Dung và Lỗ Tấn.

Phát biểu tại Học viện chính sách cộng đồng Baker của Mỹ tháng 11 năm 1998, nhà văn Vương Mông, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc đã nói về Vương Sóc như sau: "Vương Sóc có thể vui đùa trên mọi lĩnh vực, từ xã hội đến lối sống Mỹ, v.v... Ông có một tâm thế đặc biệt đến nỗi, ông luôn luôn tìm ra những điểm khôi hài trong mọi thế hệ người dân Trung Quốc. Câu nói nổi tiếng của ông là: "Tớ là kẻ bất lương, việc gì tớ phải sợ ai ?". Vương Sóc cũng từng viết: "Thời xưa, luôn luôn có những kẻ bất lương trong số các nhà văn nhà thơ. Còn ngày nay thì lại rất nhiều nhà văn nhà thơ là những kẻ bất lương". Sách của Vương bán rất chạy, chính vì vậy rất nhiều cây bút căm thù ông đến cùng cực. Họ bảo Vương đích thực là một kẻ bất lương, vừa bần tiện, vừa vô học, lại còn thoái hoá nữa. Họ chỉ trích ông là điếm nhục của văn chương Trung Quốc. Ðến bản thân tôi cũng bị khiển trách vì trong một lúc nào đó tôi đã tìm cách bảo vệ ông ấy. Ðến mức, có khá nhiều nhà văn trẻ tài năng bạn bè tôi cũng hiểu nhầm tôi...".

Vương Sóc sinh năm 1958 tại Bắc Kinh trong một gia đình quân nhân. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Vương Sóc đi bộ đội, làm y tá ở một đơn vị hải quân. Năm 1978 tác phẩm đầu tay "Chờ đợi" ra đời. Năm 1980 ông được điều về toà soạn tạp chí "Văn nghệ quân giải phóng". Sau khi phục viên ông về công tác ở Công ty Dược. Năm 1984, Vương Sóc xin thôi việc, làm nhà văn tự do, chuyên viết tiểu thuyết, kịch bản phim, tuỳ bút và phê bình văn học. Năm 1992, Văn tập Vương Sóc ra đời, gồm 4 cuốn, 31 loại, 1 triệu 60 vạn chữ. Tác phẩm chủ yếu của Vương Sóc là "Cô gái hàng không", "Mất đứt tình yêu của tôi", "Một nửa là ngọn lửa, một nửa là nước biển", "Nổi lên mặt biển", "Nghiền cho đã rồi chết", "Chúa gàn", "Chơi nhưng mà hồi hộp", "Tao là bố mày", "Ðộng vật hung dữ", "Xin chớ coi tớ là người"... Nhiều tiểu thuyết của Vương Sóc đã chuyển thành kịch bản phim như "Khát Vọng", "Câu chuyện ở ban biên tập", "Anh không phải là người thường", "Yêu em không thương lượng".... Văn của Vương Sóc hóm hỉnh, dí dỏm, phóng túng, thường hay dùng ngôn ngữ lưu hành ở đô thị, tự xưng là "tiểu thuyết mang mùi vị đô thị mới".

Sau một thời gian bảy năm gác bút đi buôn, lập Công ty làm kinh tế, tháng 3 năm 1999, Vương Sóc lại xuất hiện trên Văn đàn với tác phẩm hoàn toàn khác trước : "Trông vào đẹp lắm" có độ dài 233.000 chữ, do Nhà xuất bản Hoa Nghệ xuất bản lần đầu 200.000 cuốn. Tháng 8 năm 2000, Vương Sóc lại cho ra cuốn phê bình tiểu luận: "Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê", dài 100.000 chữ do Nhà xuất bản Văn nghệ Trường Giang xuất bản, in lần đầu 200.000 cuốn.
Tôi đã chọn dịch cuốn sách mới nhất này để qua đó bạn đọc nước ta có thể hình dung ra một phần nhân cách và văn cách của nhà văn có một không hai này của Trung Quốc.

Ngày 8 tháng 4 năm 2001
Người dịch
Vũ Công Hoan
Phần 1
Sống bằng sự chân thực


1. Sáng tác và đời sống giả tạo

Lão Hiệp: Từ tác phẩm "Chúa gàn", sáng tác của anh mới bắt đầu tìm được mình. Vậy tại sao, từ những truyện tình hạng bét, bỉ ổi như "Cô gái trên bầu trời", "Nổi lên mặt nước" bỗng chốc anh đã quay sang chế giễu những cái cao cả giả tạo. Hình thái chính ý thức dòng và thời thượng chính văn hoá lưu hành (như nhà thơ, học giả, Nietzsche hay Freud). Những tác phẩm bị gọi là "Văn học lưu manh" của anh, trên thực tế, có tính lật đổ rất mạnh. Tác phẩm "Xin chớ coi tớ là người" là trạng thái sinh tồn cơ bản của người Trung Quốc. Những lời nói dối vô liêm sỉ trong "Chúa gàn" là kỹ xảo và sách lược sinh tồn cơ bản của nhiều người... Nếu những tác phẩm này của anh không được một thứ như Tôn giáo quan tâm, nâng đỡ thì anh dựa vào đâu mà đi vào trạng thái này ?

Vương Sóc: Dựa vào chân thực, trạng thái chân thực của đời sống bản thân, trạng thái sinh tồn của những người ở chung quanh mà tai nghe mắt thấy. Lúc vừa mới viết tiểu thuyết, tôi có quan niệm hết sức sai lầm về văn học, cho rằng văn học là hư cấu, mà hư cấu là nói dối, nói giả. Ðương nhiên, các "kỹ sư tâm hồn", các nhà lý luận, các nhà biên tập không nói như thế, họ gọi cái đó là tính chân thực nghệ thuật, phải bắt nguồn từ đời sống cao hơn đời sống, là sự thăng hoa nghệ thuật đem đến cho con người hy vọng và phương hướng... Thời ấy, các nhà biên tập nói với tôi như vậy. Nhà xuất bản Văn học Nhân dân có một cán bộ biên tập lão thành, rất có tiếng tăm, đã từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản, chủ quan tiểu thuyết đương đại, thời kỳ chống hữu khuynh cũng bị quy là phái hữu. Ông ấy nói với tôi như vậy. Hình như Tần gì đó.

Lão Hiệp: Tần Triệu Dương

Vương Sóc: Ðúng: Tần Triệu Dương. Một truyện của tôi không có kết thúc ở cuối. Ông Dương bảo, chủ nhân này thế nào cũng phải có một chỗ quy tụ chứ ông, mà nhân vật của tôi không có chỗ quy tụ, chỉ viết một ít chuyện của anh ta, viết xong là xong. Tôi đâu có biết chỗ quy tụ của anh ta, khi cầm bút viết không biết, khi viết xong cũng không nghĩ đến chuyện quy tụ. Tần Triệu Dương bảo như vậy là không được, nhân vật này của cậu phải thăng hoa, phải cho con người ý nghĩa gì chứ. Lời ông nói lúc bấy giờ hình như còn làm tôi mất mặt hơn, nào là phải xây dựng một con người mới. Lúc đó tôi cũng không biết cách viết tiểu thuyết nên thế nào, qua gợi mở của ông Dương, hình như tôi đã hiểu ra một chút, tôi đã tiếp thu quan niệm văn học này, phải có một kết thúc sáng sủa, phải đem đến hy vọng cho con người. Nhưng niềm hy vọng sáng sủa này ở đâu ? Vậy thì tôi đành phải bịa ra. Cái kết thúc kia hoàn toàn được sáng tạo ra một cách sống sượng. Làm thế nào để anh ta thăng hoa đây ? Từ trong cốt truyện tôi viết thăng hoa không nổi, đành để anh ta đột nhiên thăng hoa tinh thần, nghĩ đến lúc đi bộ đội, hừng hực niềm say mê hăng hái, yêu nước, có lý tưởng, thế là nói cả vào đấy. Tôi cũng đã từng nghĩ liệu có cho nhân vật bất mãn với hiện trạng của mình hay không, chẳng phải cũng là một sự thăng hoa, cuối cùng anh ta nghĩ mình không thể cứ tiếp tục sống đần độn thế này nữa, dù sao cũng phải hạ quyết tâm thay đổi bản thân... Cũng coi như tôi đã có lời nói rõ với người đọc. Nhưng trên thực tế không có những cái đó, không có chuyện thăng hoa đó trong vốn sống của tôi.

Lão Hiệp: Quan niệm văn học lưu hành thời đó là như vậy. Lúc còn ở trên ghế nhà trường đại học, hễ lúc nào nói đến nhà văn tư sản là thầy giáo lại phải phê phán vài câu, lời phê phán nhất trí hơn cả là bảo nhà văn ấy chỉ vạch trần mặt đen tối, mà không cung cấp cho người đọc một tia hy vọng sáng sủa nào. Chủ nghĩa tự nhiên không thể vận dụng được, chủ nghĩa hiện thực thì có tính hạn chế, chủ nghĩa lãng mạn thì trống rỗng phù phiếm quá, chỉ có phương pháp sáng tác kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta với chủ nghĩa lãng mạn, mới là phương pháp sáng tác duy nhất đúng đắn.

Vương Sóc: Học sinh xuất thân chính ngạch được trải qua sự giáo dục một cách có hệ thống, còn loại như tôi không trải qua huấn luyện có bài bản hệ thống, thì những lời nói giả dối không trụ được lâu. Tôi nghĩ nếu mình qua trường đại học, đèn sách vài năm, rồi học kiểu quân tử vỏ, đạo mạo trang nghiêm một ít phương pháp, kỹ xảo, ví dụ thăng hoa như thế nào, vẽ rồng chấm mắt ra sao, thì có lẽ tôi sẽ dễ dàng hơn, ít nhất làm như thế này sẽ không khó khăn gì. Cho nên sau khi nghe ông Dương nói thế, tôi cảm thấy mình không viết nổi nữa. Một con đường còn lại của tiểu thuyết ngôn tình, là đi theo lối của Quỳnh Dao, tìm mấy chủ đề lớn như Nàng Tiên nâu, Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Trà hoa nữ, sau đó chế tác hàng loạt bán kiếm tiền to, tôi cũng có thể làm như thế, cuối cùng cũng có thể trở thành cây viết như thế. Có thể, hoàn toàn có thể. May mà tôi đã không đi tìm. Tôi biết mình phải sống khác. Trong cái vòng tròn này của chúng ta, không phải anh muốn nói thật là nói được đâu, cũng không phải anh biết một số việc nào đó, là có thể vì nói dối mà nói dối. Ðiều mà anh phải đối mặt là: Trong kho ngôn ngữ sách vở của tôi không có một câu nói thật, anh khỏi phải làm giả một cách có mục đích, hễ nói ra một cái đã giả rồi, mà anh dùng ngôn ngữ của kho ngôn ngữ này để nói thật thì nghe ra đã như giả. Ở vào lúc này, anh có thể nói là một trạng thái mất ngôn ngữ. Muốn nói, anh không thể không nói dối, anh cũng chỉ biết nói thế, nhưng nói thế rõ ràng không phải ý tôi định nói việc tôi định nói ra, không thể nói bằng ngôn ngữ này, cho nên tôi đành phải dùng phương thức nói vui đùa, phương thức chế giễu để nói. Tôi dùng phương thức này, là muốn để đối phương biết những điều tôi nói không thật đâu, đừng có nghĩ nó là thật, đừng có tin nó là đúng.

Lão Hiệp: Trong ngôn ngữ của anh, có hàng loạt từ chính trị, cũng có cả từ ngoại lai rất mốt lúc đó, anh cho vào trong khẩu ngữ giọng lưu manh Bắc Kinh ranh mãnh, những từ vựng cách mạng kiểu "cách mạng văn hóa" và các vị Nietzsche của thời kỳ mới. Thế là ngôn ngữ của anh có tính huỷ diệt lật đổ, còn lại chỉ là một đống hoang tàn có giá.

Vương Sóc: Thật ra trong chúng ta có một phương thức nói như thế, tôi cảm thấy trong con người ai cũng có sự trống rỗng, hết sức chán chường, uể oải thì mình tìm một chút này mua vui... Chế giễu nhiều hiện thực này thì về sau có một sự hoài nghi toàn diện. Nhưng lúc đó, thậm chí tôi không dám hoài nghi. Ðương nhiên bây giờ tôi nhận thấy hoài nghi thì hoài nghi, hoài nghi cái giả không cần phải trí tuệ lớn gì hết, cái không có một khi đã nhìn thấu thì chẳng có gì hết. Tôi luôn luôn cảm thấy nếu có cơ hội, ví dụ tôi trở thành một nhà văn đăng bài dễ dàng, tôi sẽ viết một truyện thật. Trước đó, trên lĩnh vực ngôn ngữ tôi luôn luôn ở vào trạng thái tròng trành. Có cán bộ biên tập bảo tôi ngôn ngữ của tiểu thuyết nghiêm chỉnh không chấp nhận khẩu ngữ này cuả tôi. Loại khẩu ngữ hiện nay, ở thời kỳ mới bắt đầu, tôi chưa dùng bao giờ, tôi luôn luôn tu luyện một thứ ngôn ngữ văn học tốt đẹp theo quan niệm văn học thời đó. Ngôn ngữ văn học ấy, gọi nó là tốt đẹp, tôi đã dùng ngôn ngữ tốt đẹp viết ra tiểu thuyết, thấy hết sức xấu hổ, tức là thứ giọng học trò hết sức tốt đẹp mà tôi đã học được. Ðương nhiên may mà vị cán bộ biên tập kia cũng là một người đứng đắn. Ông ấy bảo ngôn ngữ này của anh không ra làm sao cả. Ông ấy không đăng. Nếu hồi ấy ông ấy đăng cho tôi, thì tôi cứ tiếp tục đi theo, biết đâu đã thành Quỳnh Dao của Ðất liền. Còn khẩu ngữ sau này của tôi, là bởi vì tôi không luyện cho mình được một loại ngôn ngữ văn học, chẳng biết làm thế, nào tôi đành phải nhặt nhạnh những cái quen thuộc nhất, thuận tay nhất đem ra dùng.

Lão Hiệp: Những người tu luyện một loại ngôn ngữ văn học tốt đẹp theo quan niệm văn học thời đó, có lẽ đã bị phế bỏ từ lâu. Nhưng loại ngôn ngữ của Dư Thu Vũ chẳng phải cũng rất dễ bán đó sao ? Xem ra, người Trung Quốc mình vẫn yêu chuộng tốt đẹp. Ðiều ấy gọi là "si tình không sửa".

Vương Sóc: Trong văn tập của tôi có lẽ cũng có một truyện có loại ngôn ngữ tốt đẹp đó, bản thân tôi cũng rất không muốn đưa nó vào, nhưng cán bộ biên tập bảo nên cho vào, cũng phải để người ta xem cái xấu xí của anh chứ. Về sau tôi cảm thấy tại sao không thể nói thật, không thể nói tiếng nói của con người, tại sao cứ phải bịa ra câu chuyện, cách viết thể thức hoá ấy, đối với tôi không mâu thuẫn lắm, tôi chỉ cảm thấy khó viết, không thuận tay. Trong chuyện sáng tác, sau này tôi gặp phải một vài việc cụ thể đã gợi ý từ mặt trái. Ví dụ, có lần xem vô tuyến truyền hình cho tôi tiết mục do Tô Thúc Dương và Thư Ất dàn dựng. Hình như là chọn bình tiểu phẩm của các chuyên gia. Phần đầu của tiết mục là một tiểu phẩm, một trai và một gái cầm tay nhau. Chàng trai đeo kính không gọng, cứ ngập ngà, ngập ngừng, e e thẹn thẹn, tỏ ý yêu cô gái, song không nói ra được, không mở được mồm. Còn cô gái thì cứ chờ anh ta nói, mà anh ta không nói. Hai người cứ chủng chà chủng chẳng, khủng khà khủng khiểng ì ra một chỗ không đi. Cuối cùng cô gái có vẻ sốt ruột hỏi, anh còn điều gì cần nói với em không, chàng trai cứ ậm à ậm ừ, cô gái liền bảo: Vậy thì em đi. Vừa quay người định đi, thì hai người dính làm một, cứ xoắn xuýt lấy nhau, xoắn xuýt chỉ để mà xoắn xuýt. Ớn hết chỗ nói, ớn đến tận cổ. Ðiều gợi ý nhất cho tôi là, tiểu phẩm vừa xong, thì Tô Thúc Dương và Thư Ất xuất hiện, bắt đầu dạy bảo người xem một cách nghiêm chỉnh. Họ nói: Các bạn xem, đấy gọi là tình yêu kiểu Trung Quốc. Họ bắt đầu họ nói với mọi người sự hàm súc của người Trung Quốc, cái đẹp của sự hàm súc này, trăm ngàn lời nói của chúng ta hoàn toàn nằm trong sự im lặng v.v.. Họ nói một thôi một hồi, cứ vanh vách. Lúc ấy tôi ngồi trước máy cứ ngẩn tò te ra mà xem. Mối quan hệ ấy được phác hoạ, miêu tả tới mức hết sức không chân thực, ít nhất thì những điều tôi đã nhìn thấy, tôi cho là không chân thực. Cái thứ không chân thực như vậy còn phải nâng lên đến tầm cao đức tính tốt đẹp của dân tộc, thì lại càng giả dối. Song tôi cảm thấy trong mối quan hệ giữa hai người đàn ông và đàn bà, dù sao thì hào khí của người Trung Quốc thường thể hiện trên thân thể người đàn bà...

Lão Hiệp: Giống như Ðỗ Thập Nương, Thôi Oanh Oanh, Lâm Ðại Ngọc... bắt đầu từ "Kinh Thi", đàn bà đã phóng khoáng bộc trực, dám hận, dám yêu trong những giờ phút then chốt. Ðàn ông Trung Quốc, đặc biệt là những sĩ đại phu, những người có học đều rất dung tục. Hào khí của đàn ông Trung Quốc chỉ thể hiện trên lĩnh vực bạo lực, như Võ Tòng, Trương Phi, Lỗ Chí Thâm và Lý Ðạt...

Vương Sóc: Ðúng. Dường như ra tay thực sự bằng bất cứ giá nào đều là đàn bà. Ðàn bà bao giờ cũng đi đầu, đàn ông không thể không theo, hoặc rất bị động, lúng túng. Ðàn ông bao giờ cũng do dự, cũng muốn chừa một khoảng trống, một lối rút lui... Trong quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, thì loại này chiếm đa số, chứ không phải là loại hai bên cùng e dè, ngập ngừng với nhau. Lúc đó đã công khai, đã không tuyên bố rồi, hai bên với nhau nên làm thế nào thì làm chứ... Thế nào là tình yêu kiểu Trung Quốc, cảm giác chất phác của tôi là, không có cái gọi là tình yêu kiểu Trung Quốc. Nghĩa là việc của Trương Tam và Lý Tứ, Vương Ngũ và Triệu Lục là chuyện của một người nào đó với một người nào đó, cụ thể, không nhất thiết anh ta là người Trung Quốc thì phải như vậy. Khi viết đến truyện "Chúa gàn" đã có người hẹn tôi đưa bản thảo. Hình như Tạp chí "Thu hoạch" hẹn tôi thì phải. Ðã có người hẹn đăng, thì tôi hăng máu lên viết liền. Tôi vốn định viết câu chuyện về một tên lừa đảo; bọn họ này đúng là đã lập ra một công ty để làm chuyện lừa đảo; thậm chí cuối cùng tôi còn muốn kết thúc ở ý nghĩa giáo dục, nghĩa là đến hồi kết, bọn họ sẽ đau đớn, hối hận, bứt rứt trong lòng thế nào đó. Nhưng càng về sau, tôi càng không viết tiếp được, tôi chép miệng bảo, kết thúc ở đây thôi. Mình cứ bịa tiếp, quả tình không bịa nổi. Ở phần trên mình đã viết những chuyện có thật, bây giờ lại định cho những cái giả dối vào, thì cho sao nổi. Chỉ cần những ai thành thật với mình một chút đều không cho vào nổi. Cuối cùng dừng ở đây, chấm hết. Sau khi cho ra đời, cảm thấy rất thoải mái nhẹ nhõm, không có điều gì lấn bấn khó xử với mình.

Lão Hiệp: Cảm giác khi con người hẹn đăng bản thảo có lẽ là thứ cảm giác như anh nói: Trúng quả bự !

Vương Sóc: Tôi cảm thấy trong số các Tạp chí thời ấy, thì tạp chí "Thu hoạch" tương đối tôn trọng tác giả. Tôi không biết Tạp chí sừng sỏ này trước kia có cứng cựa hay không. Dù sao thì bản thảo của tôi gửi đi rồi, Tạp chí "Thu hoạch" không gửi thư yêu cầu cho thêm một kết thúc sáng sủa nào. Bắt đầu từ tác phẩm "Chúa gàn", thì không còn ai đòi cho thêm cái đuôi gì nữa, không ai nói như thế nữa. Thật ra trước đó, khi tôi viết truyện "Một nửa ngọn lửa... ", tôi đã gửi cho Tạp chí "Tháng Mười". Những Tạp chí như "Tháng Mười" cũng còn bảo với tôi: Câu chuyện của anh kết thúc thế này sao ? Nhân vật của anh phải được học tập tốt. Khi đến với Tạp chí "Thu hoạch", tôi mới bắt đầu cảm thấy niềm vui của tự do sáng tác. Ôi có thể không ai hạch sách nữa, nghĩ thế nào cứ viết thế được rồi, hơn nữa những tác phẩm ấy đăng lên, thậm chí còn được một số người khen hay. Ðương nhiên, sau khi chuyện "Chúa gàn" được đăng, tôi nghe được phản ứng đầu tiên là ở đám độc giả chuyên xem tiểu thuyết ngôn tình. Vừa xem một cái, họ đã đặt câu hỏi, đây chẳng phải viết về một lũ lưu manh đó ư ? Tại sao viết thế nhỉ ? Truyện của anh chàng Vương Sóc này chẳng ra sao nữa rồi, từ nay trở đi bọn tôi không xem tác phẩm của anh ta nữa. Về sau lại có một đám độc giả đàn ông nhận xét, chao ôi vẫn là cái ý ấy.

Lão Hiệp: Thái độ của Tạp chí "Thu hoạch" là một sự cổ vũ khích lệ đối với sáng tác của anh, đúng không ?

Vương Sóc: Lúc đó tôi cảm thấy tự tin, tự ý thức được mình, mức độ tự do cũng có mối tương quan, mức độ tự do của bạn càng lớn, thì đương nhiên bạn có thể tự chủ bản thân hơn. Về sau này đã mở cửa, đã dần dần nới rộng... Thật ra, đây là việc hết sức cụ thể. Hồi ấy tôi mới chưa đầy 30 tuổi, chỉ hơn 20 tuổi, vẫn còn là một con người rất đơn thuần. Bây giờ những cái đơn thuần đã ít đi. Hiện giờ tôi cũng có vấn này, hễ xuất hiện là muốn nói lý lẽ với người ta. Chẳng lẽ hễ có tuổi là ai cũng như vậy ? Bởi vì, quả thật tôi cảm thấy, con người khi đã có tuổi, sẽ nhìn ra nhiều lý lẽ vụn vặt trong đời sống, mà khi đã biết rồi, định không nói ra là rất khó, không giữ nổi, hết sức muốn nói với người khác rằng thật ra việc đó là cái gì, về mặt bản chất nó là thế nào. Lúc còn trẻ mình chúa ghét cái trò áp đặt lý lẽ cho người, bây giờ tuổi cao một chút, nó liền ập tới, bản thân cũng đem lý lẽ ra nói, thực tế là muốn ép người ta. Tôi cảm thấy bây giờ tôi viết truyện không có những thứ cảm tính đơn thuần trước kia. Tôi muốn cố gắng trở về trạng thái ấy, trạng thái tôi vốn cảm thấy một cách bản năng rằng, sự việc này chỉ có thể viết như vậy, không thể viết khác được. Bây giờ tôi nhận thấy tiểu thuyết phải tự thân, phải viết như thế này, chứ không đơn thuần như trước đây tôi hiểu, trái lại cũng cho rất nhiều nhận thức vào bên trong được. Thời ấy tôi thích xem những cuốn sách hết sức sâu sắc, hết sức rộng lớn, nhưng không dám xem. Tôi cứ cảm thấy hễ đọc vào là bị những lý lẽ ấy sai khiến, sau khi chịu ảnh hưởng của những lý lẽ ấy, thì rất nhiều cái vốn có sẽ mất đi. Mối quan hệ này tôi vẫn chưa giải quyết được một cách đúng đắn.

Lão Hiệp: Không thể tổng kết bằng lý luận trạng thái ban đầu của nhiều thứ, hễ tổng kết là mất. Có hai loại nhà văn, ví dụ một loại như Jean-Paul Sartre, trước tiên ông ấy học triết học, sau đó dùng văn học để giải thích tư tưởng triết học của mình, thì chỉ là so với người khác, ông biểu đạt hơi tài giỏi hơn một chút, có một ít thể nghiệm đời sống cụ thể của cá nhân ở bên trong. Một loại khác như Genet. Ở nước Pháp Genet cũng là một lưu manh, đi móc túi, lang thang khắp nơi, nghiện hút, đồng tính luyến ái, lại còn bị bắt ngồi tù. Tiểu thuyết của ông đã trở về với đời sống của ông và những người như ông, viết nguyên chất nguyên vị, viết đến đâu tính đến đó. Kinh nghiệm sáng tác của nhà văn này hết sức giống anh. Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông đều là lớp người bên lề, lớp người dưới đáy xã hội phương Tây, như lưu manh côn đồ, sống bất chấp, làm đủ thứ. Về sau Genet lại bị bắt, đưa ra toà. Những người có ảnh hưởng như Sartre đã đứng ra bảo lãnh với nhà chức trách, nói ông là một thiên tài văn học. Kinh nghiệm của anh khiến tôi nghĩ đến dạo vừa mới cải cách mở cửa, lúc còn có nhiều cấm kỵ. Lúc ấy, những chuyện thuộc trào lưu mới như công khai hát những bài của Ðặng Lệ Quân, mặc quần bò, đeo kính nhái đều là những tên côn đồ, lưu manh choai choai ở tầng lớp tận cùng xã hội, cũng là bọn người đã cắt một miếng ở gấu quần bò sớm nhất. Bọn này hỗn, sống trà trộn, dám đi trước thiên hạ, dám ăn quả cấm đầu tiên. Bọn người này không phải có ý trở thành tiên phong phá bỏ cấm cố, mà là bởi vì không có ai nói với họ cái "lý lẽ" mà anh nói. Có người nói thì chúng cũng không nghe, hoặc hoàn toàn không nghe ra. Bọn họ không có ý thức trách nhiệm gì đối với xã hội này, sống hết sức bản năng, không cảm thấy ai có thể nói lý nói lẽ với mình, bộ quần áo nào xuất hiện, thấy hay hay, mốt mốt, liền mặc vào. Mặc vào để mọi người đều nhìn mình, mình cũng rất vui, rất đắc ý. Có một chút hư vinh, hư vinh một cách trong sáng chất phác, mình cần phải để người khác chú ý đến.

Vương Sóc: Trong văn hoá đại chúng hiện nay, đang có tư trào chạy theo mốt mới. Lúc mới mở cửa đúng là do bọn lưu manh choai choai thưởng thức sớm nhất. Bọn họ không biết thế nào là đúng, thế nào là cao nhã, nhìn thấy màu sắc rực rỡ, tươi mới, trước kia chưa thấy bao giờ, thì thử một cái xem sao.

Lão Hiệp: Ðám người này có thể tiếp thu cái mới một cách không kiêng kỵ. Herbert Marcuse của trường phái Frankfurt ở thập kỷ năm mươi, sáu mươi đã trở thành thần tượng của thanh niên nước Mỹ, là bởi vì ông này nói phải giải phóng khỏi trật tự của nhất thể hoá máy móc. Sự chống lại mạnh mẽ nhất, là những hành vi có tính chất bản năng của quần thể bên lề xã hội như lưu manh, đĩ điếm, kẻ càn quấy, nghiện hút...

Vương Sóc: Tôi cảm thấy ở thời buổi hiện nay cái hậu quả của chúng, cảm hứng của tôi, những cái tôi học được trong nghề này, so với đời sống của những người ấy, thật ra đã quá ư bảo thủ. Cái tầm thường của tôi, đã không còn tầm thường như thế nữa. Cho nên những tác phẩm đó có ảnh hưởng nhất định. Bởi vì bản thân tôi cảm thấy tiểu thuyết của tôi, hoàn toàn do tôi viết (không phải kịch truyền hình sáng tác tập thể), luôn luôn không thuận lợi suôn sẻ cho lắm, đều do những vấn đề về mặt nhận thức gây nên. Hễ nghĩ đến phải thảo luận vấn đề về nhận thức, mình đánh nhau với chính mình, thì sẽ bỏ mất nhiều cái trong tiểu thuyết. Ðương nhiên bây giờ tôi không làm được đơn thuần như thế nữa, nhưng tôi cũng không muốn có một cách viết cố định. Tôi muốn cứ từ từ thong thả, vẫn phải thông qua việc khôi phục những cái bản năng đơn thuần. Tôi muốn cuối cùng, lúc mình giải phóng mình, sẽ viết một cái gì mình cảm thấy hứng thú.

Lão Hiệp: Viết tiểu thuyết không có một lối mòn nào cả. Khi trả lời câu hỏi của người khác về viết tiểu thuyết bằng phương pháp nào, lúc ấy Tiêu Hồng đã trả lời rất đáng yêu. Chị ấy nói viết tiểu thuyết các cách này cách kia, tôi hoàn toàn không biết những cái đại loại như cách viết tiểu thuyết thế nào. Tôi viết như vậy là xong. Trả lời như thế còn hay hơn những lời bàn về tiểu thuyết của Lỗ Tấn. Ðáng tiếc Tiêu Hồng mất quá sớm, tác phẩm để lại không nhiều, nhưng mấy tác phẩm chị để lại đều hay, ít nhất cũng vượt xa các tác phẩm của Băng Tâm và Ðinh Linh. Thật ra, thứ ngôn ngữ trong tiểu thuyết của anh, thứ ngôn ngữ chính trị hoá tràn lan, chắt lọc từ khẩu ngữ Bắc Kinh, đã để cho công chúng cảm thấy đó là những lời nói bình thường của đám anh em (người Phương Bắc). Trạng thái mà nhân vật của anh thể hiện hết sức gần gũi với đời sống thường ngày của họ. Ðằng sau thái độ sáng tác của anh có một thái độ tâm lý xui giục, xúi bẩy mừng. Những người ấy xem xong, thấy có nhà văn viết về họ, họ sẽ cảm thấy đây là một sự chấp nhận lối sống của họ, không như các nhà văn truyền thống cứ nhất định phải dạy họ tiến bộ, nhất định phải đứng tít trên cao giáo huấn họ. Thì ra, nhà văn cách họ xa quá. Dường như đều là những người đứng đắn, thanh cao, nhã nhặn mới được làm nhà văn, không bao giờ nhìn thẳng vào họ một lần. Bây giờ đã có nhà văn nhìn đến họ, viết về họ. Nhà văn đã viết như thế thì chứng tỏ lối sống này hợp lý. Không biết anh viết về những người này, nguyện ước lúc đầu khi viết như thế là gì, có lẽ không có nguyện ước ban đầu gì đâu, nhưng về khách quan là một sự xui bẩy. Chỉ có những người dám nhìn thẳng vào mình, mới có thể viết như vậy. Chân thực đều là những thứ xa lạ đáng sợ, nói dối mới là những thứ nhẹ tênh tênh. Ðằng sau sự giễu cợt trong tiểu thuyết của anh nên có cái sâu cay, chua xót, nhưng tôi không thấy rõ lắm. Cũng được, có thể chân thực được một chầu, là chẳng phải dễ dàng lắm đâu.

Vương Sóc: Rất nhiều năm sau đó, tôi mới phát hiện tôi không được coi thường bản thân. Thì ra tôi luôn coi thường chính mình, cứ cho rằng mình sống vô vị, trống rỗng, không có ý nghĩa. Tôi nhận thấy, phải sống cuộc sống có ý nghĩa hơn, hoặc thậm chí miêu tả cuộc sống có ý nghĩa hơn trong tiểu thuyết. Bây giờ tôi mới cảm thấy đời sống của tôi vô cùng quan trọng, không được xem nhẹ những gì mình đang sống. Tôi cứ đem những cái đó viết ra là được rồi. Ðời sống của tôi, mới là căn cơ, nền tảng. Và gốc rễ của tôi, là điểm xuất phát sáng tác của tôi. Ðối với tôi mà nói, viết như vậy là chứng tỏ tôi dứt khoát đoạn tuyệt với đời sống giả tạo, chia tay với đời sống làm người theo một thứ đạo lý nào đó.

Lão Hiệp: Có một loạt người viết như anh, ví dụ Genet. Cũng có người chỉ viết những cái trong lòng, như: "Ðồi gió hú" của Emily Bronte. Ðời sống bên ngoài của bà hết sức đơn điệu, bà chưa bao giờ nói đến yêu đương, cũng chưa bao giờ đi ra khỏi nơi bé nhỏ bà đang ở, song đời sống nội tâm của bà rất mạnh mẽ, rất rộng mở. Ðúng là những bão tố, những yêu và hận gớm ghiếc đưa người vào chỗ chết, hoàn toàn là những thứ trong linh hồn. Còn có nhà thơ nữ người Mỹ tên là Dickinson. Thơ của bà cũng hoàn toàn là những thứ nội tâm. Thường ngày bà sống trong nội tâm. Ðời sống hiện thực, đối với bà là đời sống nội tâm. Bà hướng nội, cô đơn, lẻ loi, không qua lại với ai, ngày nào cũng trò chuyện với trái tim của mình, sau đó biến những cuộc trao đổi và tự nhận xét ấy thành thơ, cho ra đời những áng thơ hết sức rung động, truyền cảm.

Vương Sóc: Nhà văn sống trong linh hồn loại này ở Trung Quốc có không ?

Lão Hiệp: Tôi chưa thấy bao giờ. Trong "Cỏ dại" của Lỗ Tấn có đôi chút cái này, nhưng ông không giữ vững nổi. Phái kinh viện của Trung Quốc, hễ thấy một người không qua chương trình giáo dục cao đẳng như anh, viết về một đám lưu manh choai choai, trong hành văn lại có những biểu hiện không tôn trọng đối với người có học thức, tự nhiên đã có ác cảm. Thời đó, còn có một loạt nhà văn tiên phong, rêu rao về kiểu nhà tiểu thuyết học giả, họ nói Trung Quốc thiếu những nhà tiểu thuyết học giả. Ðám người như Dư Hoa, Mã Nguyên, Cao Hành Kiện, bọn họ lúc ấy chuyên rao bán tiểu thuyết hết sức uyên bác của Borges. Viết "Vườn hoa giao chéo", thì lạc lối không tìm được cửa ra vào.

Vương Sóc: Dù sao thì cách viết tỏ ra uyên bác kiểu khoe đọc nhiều sách ấy hết sức dễ dàng được tôn kính muốn nói thế nào thì nói, cứ nhìn thấy đọc nhiều sách như vậy, cũng không dễ đâu. Borges, Giám đốc thư viện, đấy là những người mà bất cứ ai cũng không được coi thường, hễ coi thường là bạn không có học vấn, không có văn hoá, không có bối cảnh, không có nền tảng, bất cứ người nào cũng vui vẻ ngả lối theo lối uyên bác ấy, bám lấy bậc uyên bác ấy.

Lão Hiệp: Tiểu thuyết của anh bỗng dưng bưng bê kinh nghiệm đời sống của bản thân anh ra, mà kinh nghiệm đời sống của anh lại tương tự với hàng loạt người, lại cộng thêm cả khẩu ngữ, cho nên bỗng chốc anh đã trở thành một nhà văn có rất đông đảo bạn đọc, có diện tìm đọc rộng khắp.

Vương Sóc: Cũng chỉ được thừa nhận ở phương Bắc, đến phương Nam thì hết trò.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002