© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
22.8.2005
Phạm Quỳnh
Pháp du hành trình nhật ký
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922 (13 kì)
Vương Trí Nhàn chú giải
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
XXVI.

Thứ ba, mồng 1 tháng 8, 1922

Sáng hôm nay ở Paris đi chuyến xe lửa 8 giờ rưỡi xuống Marseille, 10 giờ rưỡi đêm mới tới nơi. Đi suốt một ngày và một phần đêm như thế, ngồi luôn trên xe kể cũng mệt. Trên xe lửa có buồng ăn cơm, có hàng cơm sẵn, hai bữa đều ăn cả trên xe, thật là tiện lắm. Đến Lyon đỗ có một khắc đồng hồ, không kịp xuống chơi thành phố. Tới ga Marseille thì đã thấy mấy ông ra đón cùng đưa về trọ nghỉ. Lần này lại trọ ở nhà khách sạn Saint Louis, mấy anh em cũng đều ở đấy cả.

Đương ở Paris mà xuống Marseille, thấy cái khí vị nó khác ngay. Paris cũng chán nơi phố phường ồn ào rộn rịp, nhưng trong sự náo động vẫn có cái trang nghiêm. Ở Marseille thời náo động mà lại có ý sỗ sàng hỗn độn. Có vui mà không được nền. Người đi thời tơi bời tất tả; xe chạy thời rối rít om sòm. Tiếng còi ô tô bóp liên thanh, dường như không có cái kỷ luật gì cả. Ở trong nhà nghe như tiếng ĩnh ương kêu, ánh ỏi đến thâu đêm không tắt. Cả ngày đã nhọc, muốn ngủ cho yên giấc, mà nằm mãi không nhắm mắt được.

*


Thứ ba, mồng 8 tháng 8, 1922

Cả tuần chủ nhật, dạo xem lại các phố phường Marseille, nhưng đã thấy chán, không lấy gì làm thú nữa. Trong bụng đã sắp về thời bao nhiêu nhân vật nơi khách địa đối với mình, thành ra vô tình hết cả. Tấm lòng hăm hở lúc mới đầu nay đã có cái vẻ chán chường rồi. Paris còn có cái phong vị cao thượng, có nơi cổ tích đáng đi xem, có chốn học viện để khảo cứu, ở ngày nào còn có ích ngày ấy. Ở đây thời là một cái bến, người tứ xứ lại đợi tàu, ăn tạm ở thì, không ai có chí ở lâu xem xét gì, vả cũng không có gì mà xem. Chỉ ngày ngày đi chơi phố sắm đồ – mà sắm đồ thời bọn nhà buôn ở đây chẹt bà con dữ quá, – chiều chiều đi dạo xe bờ bể (vòng đường Comiche, đi xe điện hay xe hơi cũng được), tối tối đi xem trò ở “Thủy tinh cung” (Palais de Cristal). Thủy tinh cung đây không phải là cái lâu các ở Bồng lai Tiên đảo nào đâu, chính là một nơi hí trường, đêm nào cũng có trò đàn địch, ca xướng, múa rối, leo dây đủ thứ, mà các vị tiên nữ ở đây thời toàn là một hạng má phấn môi son, nhởn nhơ đợi khách, trong đám khói thuốc nồng nàn, dầu thơm sực nức; cũng là cái cảnh yên hoa [1] đấy, mà là yên hoa đầy những trầu cấu [2] . Khách làng chơi bước chân vào đây phải cho cẩn thận lắm mới được.

Mấy hôm nay cũng đi xem lại Đấu xảo hai ba lần. Lại đi hỏi ngày giờ tầu chạy và lấy giấy đi tầu. Được đích tin rằng hiệu tầu sắp chạy là hiệu Angers và chạy vào ngày 11 tháng 8, chưa rõ giờ nào. Hôm ở Paris sắp đi đã nghe mang máng rằng Hoàng thượng cũng sắp về, nhưng chưa lấy gì làm đích. Về đến đây mới rõ rằng ngài không phục thủy thổ, bị se mình, quan thầy thuốc khuyên phải về ngay, nên nay mai sẽ xuống Marseille để cùng đáp chuyến tầu Angers về nước. Được tin này ai cũng lấy làm lạ, vì trước vẫn định rằng Hoàng thượng đi Tây chuyến này là ở năm sáu tháng, du lịch khắp mọi nơi rồi mới về, không ngờ chưa được vài tháng đã về ngay, và về gấp như thế.

Thế là bọn mình về chuyến này sẽ tình cờ được đi với Hoàng đế một chuyến tầu: vinh hạnh thay!


*


Thứ tư, mồng 9 tháng 8, 1922

3 giờ chiều hôm nay, Hoàng thượng đến Marseille, ở Lyon xuống. Chắc tự Paris đi làm hai chặng, có nghỉ ở Lyon một vài ngày. Đón vào dinh quan quận trưởng (préfecture) ở.

9 giờ sáng mai thì Hoàng thượng vào xem Đấu xảo. Sở Đông Pháp ở Đấu xảo có giấy đạt mời cả các phái viên Trung Nam Bắc sớm mai tựu tại khu Đông Pháp để đón.

Tối hôm nay nghe đâu có ông P.C.T. đặt một cuộc diễn thuyết bằng tiếng ta cho người An Nam làm việc ở Đấu xảo đến nghe, nói về quân chủ và sự chính trị bên Đông Pháp; tiếc được tin muộn quá, không kịp đi. Nhưng sau có người thuật rằng cuộc diễn thuyết không thành, vì cảnh sát cấm và những người trong Đấu xảo cũng không được ra nghe.


*


Thứ năm, mồng 10 tháng 8

Hôm nay vào Đấu xảo đón vua.

Các phái viên đều mặc quốc phục hết cả, mình cũng đánh cái áo sa trơn.

Hoàng thượng cùng với ông Toàn quyền Long đi xem khắp trong khu Đông Pháp. Các phái viên thời đứng chực sẵn ở trong đình “phố An Nam” (la rue annamite). Khi đi xem xong cả mọi nơi, Hoàng thượng vào đình để cho các phái viên yết chào. Ông Tây phần việc ở Đấu xảo xướng tên giới thiệu từng người, ra đứng trước mặt cúi đầu vái một cái.

Lễ xong, ra chơi bên ngoài, gặp ông Tây quen vỗ vai hỏi: “Thế nào, tôi tưởng ông là đảng dân chủ, sao cũng lạy vua lúc nãy thế?” - Mình trả lời: “Đảng gì thì đảng, chứ ở nơi đất khách cũng phải tỏ lòng cung kính ông quốc trưởng; cách lễ phép phải như thế.” Rồi cùng cười.

Chiều đánh dây thép [3] về cho nhà biết mai xuống tầu; rồi ở trọ thu xếp các hành lý, đóng chặt các hòm xưởng, để mai thuê người đem xuống tầu sớm.

Được tin đích 4 giờ chiều mai thì tầu Angers chạy ở bến Joliette.


*


Thứ sáu, 11 tháng 8, 1922

Thôi, thế là dời đất Pháp từ hôm nay.

Tầu Angers này rộng đẹp hơn tầu Arnand Béhic nhiều.

2 giờ 30, anh em đã xuống tầu cả. Cùng về chuyến này có quan tuần Vi Văn Định, quan huyện Trần Lưu Vị, ông Trần Lê Chất, và ba ông phái viên Nam kỳ Võ Văn Chiêu, Trương Vinh Quý, Cao Triều Phát; không kể vua quan ngoài. Mình ở buồng số 231, cùng với ông huyện Vị và ông Trần Lê Chất.

Gần bốn giờ thì Hoàng thượng xuống tàu, kèn trống thổi mừng, quân quan đứng tiễn. - Ngài đi Tây chuyến này sắm được vô số đồ, chở xuống tầu từ 2 giờ đến 4 giờ, hết kiện ấy đến kiện khác, cái cần máy trục cứ giơ lên hạ xuống hoài mà không dứt.

Tầu vừa ra khỏi bến, sóng chưa có mấy tí, bữa cơm tối hôm nay, mấy anh em Nam Việt ngồi ăn cùng một bàn, chuyện trò vui vẻ quá. Đất khách quê người, dẫu quyến luyến đến đâu, khi bỏ ra về, cũng không ngậm ngùi nhớ tiếc bằng khi tự nhà ra đi. Từ ngày nay thời qua mỗi ngày là gần nhà một ngày, lòng những mong mỏi đợi chờ. Chỉ mong sao cho bể yên gió lặng, cho khỏi nỗi say sóng như lần trước. Có lẽ lần này đã quen sẽ bớt được đi nhiều chăng, nhưng mà cũng vị tất.


*


Thứ ba, 15 tháng 8, 1922

Thứ bảy, chủ nhật, bể tốt.

Thứ hai, bữa cơm chiều đã thấy hơi lảo đảo một chút.

Ngày hôm nay thời suốt ngày được khá cả, vì tầu đã đi gần vào bờ, nghe đâu ngày mai thời rẽ vào Beyrouth, ở bờ bể Syrie, để Hoàng thượng tiếp ông nguyên soái Gouraud làm Tổng đốc đấy. Cái hành trình này có khác thường một chút, vì lệ thường tầu chạy á Đông không đáp vào Syrie bao giờ.


*


Thứ tư, 16 tháng 8, 1922

2 giờ trưa, tầu đến Beyrouth, nhưng đứng tận ngoài xa không vào áp bờ.

Beyrouth là thủ phủ đất Syrie ở Tiểu á Tế á, là một xứ trước thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đế quốc, sau khi chiến tranh Hội Vạn quốc ủy nhiệm cho nước Pháp bảo hộ. Nước Pháp có đặt quan cai trị, và đầu hết thời có nguyên soái Gouraud làm chức cao đẳng ủy nhiệm sứ (haut commissaire). Nguyên soái là một vì thượng tướng có công to hồi chiến tranh, lại bị trọng thương gẫy một cánh tay.

Tầu đến trước Beyrouth rúc còi báo hiệu, trong nổi súng mừng. Nguyên soái Gouraud cùng với tham mưu bộ đi sà lúp ra, lên tầu yết kiến Hoàng thượng, chừng nửa giờ rồi về. Được một lát thời Hoàng thượng cùng quan Khâm sứ và các quan hộ giá cũng đi sà lúp vào thành đáp lễ lại nguyên soái.

Nguyên ở Syrie này có mấy đội lính tập An Nam ta đóng đấy, có toán đã mãn hạn được về nước, tàu đáp đây có lẽ là chủ để đón bọn đó. Cả thảy chừng vài ba trăm người.

6 giờ chiều thời tàu cất neo chạy về Port Said.


*


Thứ năm, 17 tháng 8, 1922

11 giờ trưa đến Port Said.

Anh em đều xuống phố đi chơi.

Hoàng thượng cũng xuống phố, mời Lãnh sự Pháp thời [4] cơm ở khách sạn. Đoạn rồi ngài đi dạo các cửa hàng sắm đồ. Có thấy ngài mua một cái mũ tây. Ngài bận thường phục cũng thường đội mũ.

7 giờ tối tầu chạy về Suez. Cả đêm đi trong vận hà [5] , đi từ từ, nhưng tối trời chẳng trông thấy gì.


*


Thứ sáu, 18 tháng 8, 1922

Sáng hôm nay, tầu hãy còn chưa ra khỏi vận hà. Phong cảnh hai bên bờ, thời tịt mù những sa mạc, thỉnh thoảng có đàn lạc đà với mấy chú da đen. Trong sông thời cách từng chặng lại có chỗ vùng ra để cho tầu đi lại tránh nhau. Hôm nay tầu nhiều thường phải tránh nhau luôn, cho nên đi rất chậm.

11 giờ đến Suez. Chỗ này lèo tèo chẳng có gì, chỉ có những xưởng thợ, và nhà giấy của công ty vận hà. Đỗ có một giờ, đến 12 giờ trưa thì đi vào Hồng Hải.


*


Thứ hai, 21 tháng 8, 1922

Ba ngày hôm nay đi qua Hồng Hải, nóng quá, như thiêu như đốt, thật là “bể lửa”, chứ không sai. Trong tầu ai nấy cũng nhễ nhại lừ đừ, đêm cũng không mát được mấy tí.


*


Thứ ba, 22 tháng 8, 1922

10 giờ đến Djibouti. Đỗ đây lâu.

Cảnh đây là cảnh đốt cháy, người cháy. Xuống dạo chơi phố một tí, nhưng nóng quá, lại phải trở về tầu ngay. Cũng muốn ăn cơm dưới phố cho đổi bữa, nhưng có cái khách sạn lèo tèo, coi không hứng thú gì, nên anh em đều về tầu ăn cơm cả. Hoàng thượng cũng mời ông Thống đốc Pháp ở Djibouti thời cơm trưa ở tầu.

Đây là thuộc địa của Pháp nên tầu đậu lâu quá, chán chê mãi đến nửa đêm mới chạy.

Hôm nay lại được xem những thằng “người nhái” lội qua gầm tầu.

Đêm trời có mát một chút, ngủ được.

Từ đây trở đi là ra đến ấn Độ Dương, chưa biết nông nỗi say sóng thế nào đây.


*


Thứ tư, 23 tháng 8, 1922

Hôm nay bắt đầu say sóng, người hơi lảo đảo, thấy khó chịu rồi.


*


Thứ hai, 28 tháng 8, 1922

Khổ quá. Bốn năm hôm nay khổ quá. Nhất là ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, nằm liệt vị trong buồng, bữa cơm cũng không ra bàn ăn được.

Hôm nay mới hơi kha khá một chút, dám thò đầu ra ngoài.

Nghĩ đi bể mà cứ như thế này cực quá.



*


Thứ ba, 29 tháng 8, 1922

9 giờ sáng hôm nay đến Colombo.

Đêm hôm qua dễ chịu, vì đến gần đất thì sóng yên.

Cơm sáng trên tầu xong mới xuống bộ chơi. Tầu đỗ bên ngoài, phải đáp thuyền vào bến. Các chú lái Chà lần này không nhũng nhẵng như lần trước, nhưng coi cái dáng bộ nhăn nhở vẫn khả ố.

Cửa Colombo này thật là một cửa bể to lớn, tàu bè các nước đậu san sát, thuyền thời ngổn ngang như lá tre.

Cùng anh em đi chơi phố, vào các cửa hàng bán ngọc thạch, xem được nhiều thứ ngọc xanh, biếc, đỏ, vàng, màu sắc rất đẹp mà giá tiền cũng rẻ. - Hoàng thượng cũng xuống bộ, thời cơm với Lãnh sự Pháp, nghe đâu ngài sắm được nhiều đồ chơi và ngọc thạch.

2 giờ đêm tầu mới chạy.


*


Thứ tư, 30 tháng 8.

Hôm nay lại thấy say sóng, nhưng còn dễ chịu hơn mấy bữa trước.

Khí hậu cũng mát dễ chịu.


*


Thứ sáu, mồng 1 tháng 9, 1922

Hai hôm nay, vẫn lảo đảo, nhưng cũng không đến nỗi khổ lắm.


*


Thứ bảy, mồng 2 tháng 9, 1922

Cả ngày hôm nay đã dễ chịu, vì tầu gần đến đất.

6 giờ chiều tới Penang, trời đã tối không xuống chơi phố.

12 giờ đêm chạy về Singapore.

Đi được một lát, trời đổ trận mưa to, mưa như trút nước. Lần này mới biết mưa bể là một. Nước đổ vào tầu như thác, tưởng chúi dụi cả cái tầu đi. Tầu không dám đi mau nữa, cứ phải rúc còi liên thanh như gặp sự nguy hiểm gì, để phòng có cái khác đi gần đấy khỏi đụng vào, vì trời mù mịt cả, hiệu lửa không trông thấy. Nghe tiếng còi rền mà lắm lúc rùng mình lên.


*


Chủ nhật, mồng 3 tháng 9.

Cả ngày hôm nay, tầu đi trong eo bể Malacca, sóng gió bình tĩnh, mát trời dễ chịu, bù lại với mấy bữa say sóng trước.


*


Thứ hai, mồng 4 tháng 9.

7 giờ sáng đến Singapore.

Tầu tới bến, trông thấy người đàn bà An Nam lên đón người quen, bóng hồng thấp thoáng, lên xuống bậc thang, bất giác trong lòng cảm động xôn xao, như thấy cái hình ảnh đất nước quê nhà, cảm tình chan chứa. Thật có đi xa mới biết yêu người đồng quận.

Ông Võ Văn Chiêu có người bạn làm việc sở buôn ở đây, nhờ mướn xe ô tô đi dạo chơi các phố. Xe người Mã Lai cầm máy, đi bạo quá không biết chừng tay nữa, đến một đầu phố đánh ngã một người phu Khách [6] lăn ngửa ra giữa đường, thế mà xe cứ chạy bừa không thèm dừng lại. Đi đến một thôi rồi ngoảnh lại vẫn thấy tên Khách nằm sóng sượt, không biết bị thương thế nào, hay là chết ngất đi cũng có.

Ăn cơm tàu ở hiệu Hương Giang khách sạn.

Hoàng thượng cũng xuống chơi phố, nghe đâu có vào thăm ông Tổng đốc Anh ở Singapore, nhưng không được gặp.

1 giờ trưa tầu về Sài Gòn. Đây đã gần đến hải phận nước nhà, anh em ra chiều vui vẻ hớn hở cả.
Thứ ba, mồng 5 tháng 9.

Hôm nay tầu chạy trong vịnh Xiêm La. Trời nóng nực hơn mọi ngày. Hai giờ chiều đổ một trận mưa to.


*


Thứ tư, mồng 6 tháng 9.

8 giờ sáng đến Vũng Tầu (Cap Saint Jacques), thế là đã vào đất nước nhà rồi, vui mừng khôn xiết kể, nhất là các ông bạn Nam kỳ, vì nội nhật hôm nay các ông đã về nhà.

Tầu đỗ ở Cap mãi đến 12 giờ trưa mới vào sông Sài Gòn.

4 giờ chiều đến Sài Gòn. Quan quân ra đón Hoàng thượng về ở phủ Toàn quyền, vì tầu còn đậu ở Sài Gòn hai đêm hai ngày nữa.

Anh em cũng tiễn biệt các bạn Nam kỳ, ăn cơm tối ở cao lâu khách, đi chơi phố, rồi khuya về tầu ngủ.


*


Thứ năm, mồng 7 tháng 9.

9 giờ sáng vào thăm quan Thống đốc Nam kỳ, D. Cognacq. Đoạn rồi đi thăm các bạn làm báo ở đây. Trưa ăn cơm với ông Trần Lê Chất ở hội sở công ty Liên Thành, ở Khánh Hội. Nhân trời mưa to sấm sét, nghỉ ở đấy cho mãi đến 6 giờ chiều, rồi thuê hai cái xe ô tô đi chơi Chợ Lớn. Ăn cơm tối ở hiệu cao lâu Đức Lợi.

Khuya về ngủ trên tầu, vì đồ đạc để cả đấy.


*


Thứ sáu, mồng 8 tháng 9.

Buổi sáng đi chơi phố, mua một ít đồ tơ lụa về làm quà. Lại đánh dây thép cho nhà biết nội nhật ngày 12 sẽ tới Hải Phòng.

Đi thăm nốt mấy ông bạn đồng nghiệp, rồi trưa ăn cơm ở nhà quan huyện Của chủ báo Lục tỉnh Tân văn và chủ nhà in Union.

3 giờ chiều tầu dời Sài Gòn, chạy về Tourane.


*

Thứ bảy, mồng 9 tháng 9, 1922

Suốt ngày hôm nay tầu chạy men bờ bể Trung kỳ, trông thấy đường núi và bãi cát ở đàng xa.


*


Chủ nhật, mồng 10 tháng 9, 1922

11 giờ trưa đến Tourane. Tầu đỗ tận ngoài xa. Có sà lúp ở trong ra đón vua quan vào bến. Đậu đủ thì giờ cất hết các đồ của Hoàng thượng xuống thuyền, rồi đúng 2 giờ thì chạy ra Bắc. - Còn có một ngày nữa sẽ đến nhà rồi, trong bụng đã thấy nôn nao phấp phỏng. Ai nấy soạn lại hành lý, cho đem sẵn các hòm xưởng ở dưới kho lên. Lại chi tiền thưởng cho các bồi tầu. Có một tên bồi người Martinique, da đen, hầu hạ tận tâm, những bữa say sóng đem đồ ăn đồ uống vào tận buồng cho, sai bảo gì cũng dễ lắm.


*


Thứ hai, 11 tháng 9, 1922

Tầu ở Tourane ra đi rất mau, 12 giờ rưỡi đến Hải Phòng.

Vào gần bến vừa trông thấy mẹ con Giao ở Hà Nội xuống đón. Tầu còn từ từ vào, mỗi phút tưởng lâu bằng mấy giờ. Cầu vừa bắc xong, kẻ trên chạy xuống, người dưới bước lên, nửa mừng nửa cảm, khôn nói nên lời. Bà già mạnh khoẻ, con trẻ bình yên, cửa nhà vô sự, thế là yên lòng. Thấm thoát sáu tháng, tưởng như mới đây.

Đem hành lý vào khách sạn, rồi ông Nguyễn Hữu Thu cho ô tô đưa đi chơi.

Tối ăn tiệc với ông Bạch Thái Bưởi và ông Nguyễn Hữu Thu ở hàng cơm Tây; rồi chuyến xe lửa 8 giờ 15 lên Hà Nội.

Đến ga đã thấy các bạn quen và các ông đại biểu Hội Khai Trí đứng đón.

Thế là xong cuộc Pháp du vừa trọn 6 tháng trời, và cũng chung tất [7] quyển Hành trình nhật ký biên chép đây.



[1]Khói và hoa, chỉ nơi có người kỹ nữ.
[2]Bụi bặm và cáu ghét.
[3]Điện tín.
[4]Ăn, xơi (tiếng dùng trong hoàng tộc).
[5]Sông đào.
[6]Người Hoa.
[7]Trọn hết cả.

Nguồn: Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, VÆ°Æ¡ng Trí Nhàn chú giải, Nhà xuất bản Há»™i Nhà văn, tr. 332-351