© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.11.2003
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
(Phần I: Sống bằng sự chân thực)


4. Tự hèn và thằng hèn

Lão Hiệp: Có lần anh bảo, khi anh bình luận của các tiến sĩ phái học viện thì có cảm giác, họ hoàn toàn không thể đi vào sáng tác và đời sống của anh được. Họ không hiểu gì hết kinh nghiệm đời sống của anh. Trước tình trạng không biết này, họ không thể đi vào được ngôn ngữ và không gian tưởng tượng của anh, thậm chí không đi vào nổi trạng thái đánh trúng chỗ thực sự yếu của anh. Hay nói cách khác, khi phê phán anh, ngay đến bản thân họ cũng không thật tin họ đang phản đối cái gì, giữ vững cái gì. Nhược điểm căn bản nhất của họ là ở chỗ không biết bảo vệ, giữ gìn cái gì, do đó như là bắn tên không có mục đích. Ngoài chỗ chân thực là lòng hư vinh của người trí thức bị khiêu khích nên đã nổi khùng lên, thì chữ nào của họ cũng đáng nghi. Nhưng phái học viện cũng rất quái đản, khi phê phán anh, họ coi anh là một nhà văn càn quấy, viết tiểu thuyết càn quấy. Song khi họ định tìm chứng cứ, kinh nghiệm "hậu hiện đại" ở Trung Quốc, thì họ lại quy anh vào hàng ngũ "hậu hiện đại". "Hậu hiện đại" là thứ học vấn mốt nhất lúc bấy giờ, ở phương Tây cũng là mũi nhọn mới của phê phán văn hoá. Riêng việc này đã là sự đánh giá rất cao rồi. Nhưng các vị tiến sĩ, giáo sư khi nhắc đến cái gì cùng phải có chữ "Hậu". Lúc đó, như Vương Ninh, Vương Nhạc Xuyên, Trương Di Vũ lại gọi anh là nhà văn đại biểu hiện đại ở Trung Quốc. Anh xem xét vấn đề này, hay sự kiện này như thế nào ?

Vương Sóc: Tôi luôn luôn cho rằng phê bình tiểu thuyết hoàn toàn khác viết tiểu huyết. Nhà phê bình mượn tiểu thuyết để nói về bản thân anh ta. Ðứng về góc độ hiệu quả và lợi ích trên văn đàn mà nói, thì việc bình luận luôn dính dáng đến một nhà văn, nhất là tên tuổi và địa vị của nhà văn vừa xuất hiện. Thí dụ, tên tuổi trước đây của nhà văn Trung Quốc đều có được là khi đăng một tác phẩm có chút ảnh hưởng, thì tạp chí đăng tác phẩm ấy phải triệu tập một cuộc hội thảo, mời các nhà phê bình dự và bình luận, sau đó lại có một bài tự thuật của bản thân nhà văn, rồi cùng đăng một thể. Như vậy coi như đã thành công.

Xét từ góc độ hiệu quả và lợi ích, thì nhà phê bình có tầm quan trọng đối với nhà văn. Sự khẳng định hay phủ định của họ, cuộc tranh luận và bác bỏ của họ có ý nghĩa quyết định cho một nhà văn, có trở thành một tiêu điểm, hoặc trọng điểm trong thời gian nhất định hay không. Nhưng khi tôi xuất hiện, thì coi như mình đã sống trong tình huống bị giới phê bình không thừa nhận. Bản thân tôi vẫn sống. Như vậy, có nghĩa là khi đụng chạm tới hiệu quả và lợi ích, tôi không cần đến họ. Nói về hiệu quả và lợi ích, thì giữa phê bình nghiêm túc và phê bình không nghiêm túc đối với tên tuổi một nhà văn, ở chừng mực nào đó, càng cần có sự phê bình không nghiêm túc. Còn phê bình nghiêm túc thì sao ? Tôi có một cách nhìn nhận bi quan. Tôi cho rằng, không thể dùng lý luận để giải thích tiểu thuyết, mà phương pháp công tác của phần lớn nhà phê bình là dùng lý luận để giải thích tiểu thuyết. Có khi để phục vụ cho chủ đề nghiên cứu của anh ta, anh ta không chịu để tâm suy nghĩ về anh đâu. Có nghĩa là, anh ta không cân nhắc cẩn thận về việc cái gọi là, tác phẩm của anh đã được viết ra như thế nào. Anh ta chỉ lợi dụng anh, khi tác phẩm của anh ủng hộ quan điểm lý luận của anh ta. Mà về điểm này, theo tôi thì nhà phê bình chỉ muốn nói đến việc của bản thân anh ta, anh ta mượn anh làm cái cớ để nói về mình. Chuyện này y hệt cách làm của chúng ta khi xử lý những việc trong đời sống. Khi viết tiểu thuyết, nhà văn đã đem những cái mà nhà văn cảm thấy hào hứng trong đời sống, hoặc những cái ủng hộ quan niệm của nhà văn, để viết thành tiểu thuyết, chắc chắn nhà văn đã bỏ sót rất nhiều thứ vốn có trong đời sống. Sự phê bình của nhà phê bình đối với nhà văn cũng tương tự như thế. Dường như nhà phê bình giải thích bản chất của tiểu thuyết là gì, đặc điểm tác phẩm của nhà văn nào đó là gì, trên thực tế, những điều mà anh ta giải thích chẳng qua là bản thân anh ta muốn. Nếu có một nhà phê bình đặc biệt nghiêm túc, nói hết mọi cái không bỏ sót một thứ gì về các mặt của đời sống nhà văn, chỗ nào cũng bới ra xem, chỗ nào cũng sờ một lượt, thì nhà văn chắc sẽ cảm động ghê gớm khi gặp được nhà phê bình như vậy. Ðương nhiên, không thể có nhà phê bình như vậy. Nói thế này nhé, là người viết tiểu thuyết, tôi hết sức thấu hiểu vấn đề này, tôi không đòi hỏi nhà phê bình dứt khoát phải hiểu tôi, cũng không cần phải nói về tôi. Trừ phi có mục đích khác, anh ta sẽ giả vờ quan tâm đến tôi, nhưng anh ta sẽ che đậy những phần khác của tôi. Nếu viết bình luận như vậy, không có khả năng lắm trên thực tế. Tối thiểu thì hiện nay, tôi vẫn chưa thấy ai là nhà phê bình hiện đại nghiêm túc như vậy.

Cho nên về sau này, tôi đã phát hiện mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình gần như lợi dụng lẫn nhau. Anh ta phê bình tôi là để phê phán cảnh quan khác, chuyện bàn luận của họ rất khó nói có đúng là nhằm vào tôi hay không. Tôi là cái thá gì, chỉ là một cái phù hiệu, hoặc tượng trưng. Tôi tượng trưng cho cái gì vậy ? Là chủ nghĩa sùng bái tiền, là yếu kém về đạo đức trong xã hội ư ? Anh ta hết sức muốn mượn cái cớ này để nói. Gặp tình huống này thì sao tôi cảm thấy chẳng cần phải cẩn thận làm gì cho lắm. Vậy tôi tỏ thái độ như thế nào đối với họ ? Tôi làm như thế này : anh đã nói tôi, cho dù là nói phê phán, thì tôi cũng tỏ ra sốt sắng. Mà đại chúng chỉ biết tên tôi được nhắc đi nhắc lại, cứ hay nói đến tôi, còn nói cái gì, thì đại chúng không đặc biệt quan tâm. Mọi phản bác, trả lời lại, thật ra đều là cùng một vấn đề, đối với tôi không có gì mới, trong đó toàn là chuyện nói rồi. Các chuyện khác thì họ cũng không biết rõ, hoặc không muốn nói. Sau khi họ đã xác định anh thành loại người ấy, sau khi họ vĩnh viễn không muốn hiểu anh, thì anh có định thông qua lý lẽ, hoặc tự biện bạch, tự giải thích làm cho họ hiểu anh, thay đổi cách đánh giá với anh, thì cũng chẳng ăn thua gì lắm. Tôi cảm thấy, họ nói đến tôi, chẳng qua chỉ là mượn cớ. Chỉ là, ai nói chuyện của người ấy. Còn tôi, sau những chuyện như vậy, trái lại, tôi đã giữ được trạng thái thế này. Hiện giờ, tôi cảm thấy, tôi có thể giữ một cự ly với văn hoá của dòng chính. Ðương nhiên nói chuyện này ra thì có vẻ cố chấp, ngang bướng, mà có lẽ đấy là giá trị của tôi. Cho nên tôi cảm thấy, điều tôi sợ nhất không phải bị đem ra chửi mắng, mà là bị họ thừa nhận, bị họ cho phép, bị họ đồng ý.

Lão Hiệp: Sự khác nhau giữa văn học càn quấy và "hậu hiện đại" rất lớn.

Vương Sóc: Tôi ngại làm rõ sự khác nhau này. Tôi chỉ biết một số đặc trưng của nó, nhưng trên thực tế nó chỉ ra cái gì, thì hiện giờ tôi cũng không rõ.

Lão Hiệp: "Hậu hiện đại" là thứ hết sức tiên phong, ở phương Tây nó hoàn toàn là một phong trào chống văn hoá của dòng chính. Nếu anh là một tên càn quấy của văn hoá đại chúng, thì anh phải là một bộ phận của văn hoá dòng chính ở Trung Quốc. Vậy làm sao anh có thể trở thành "hậu hiện đại", chống văn hoá dòng chính được cơ chứ ?

Vương Sóc: Ðây là một hiểu lầm rất lớn, tôi phát hiện trong quá trình này, mọi người đâu có coi như hoà nhập. Ví dụ nói đến bọn lưu manh càn quấy, thật ra nó là một xã hội nhỏ, không liên quan với đại chúng, cái thô của văn hoá đại chúng cũng xuất hiện với một phương thức lạc quan tinh tế, nhưng bản chất của nó là bình dân. Chế tác có khéo léo cũng không thể che được sự hạn chế này, có khi ngược lại đã làm cho điều đó nổi bật lên hơn. Chẳng khác gì trong câu hát "người tốt suốt đời bình an". Theo tôi câu này hết sức thô, chẳng phân rõ xấu tốt gì cả, hay nói cách khác là đánh lộn sòng, chẳng có tiêu chuẩn gì sất. Nó thô, là thô ở chỗ này, thậm chí còn tục ? Ðó là cái thô an ủi mọi người nên được thể hiện bằng hình thức dịu dàng êm ái. Thật ra cái thứ càn quấy, nói trên ý nghĩa nghiêm túc, sỡ dĩ mọi người chấp nhận nó là vì chúng thuộc về xã hội, chứ không thuộc đại chúng. Thời ấy tôi cảm thấy trên đường phố có một lối sống tạm bợ, lưu manh học thói thô tục, khiến nó trở thành một bộ phận của văn hoá bình dân. Hay nói một cách khác, đã đóng gói cái "thô" của lưu manh thành cái "tục" của văn hoá bình dân. Nó định dùng thứ bao bì này để nâng chất lượng của văn hoá bình dân, đi theo hướng tốt đẹp nhã nhặn, lối đi này đúng đấy.

Lão Hiệp: Sự tốt đẹp nhã nhặn trong văn hoá bình dân lại vừa vặn là chỗ tục nhất của nó. Cái tục, cái tầm thường qua tinh chế, đã biến miếng bánh ga-tô còn hấp dẫn hơn, đẹp hơn cả hoa hồng, chỗ hay hơn đất liền của văn hoá đại chúng ở Hồng Kông và Ðài Loan là ở sự tinh chế của nó.

Vương Sóc: Nó đi theo tốt đẹp nhã nhặn. Tôi đã khuấy thứ đó lên. Tôi không đóng gói hoặc tinh chế hoá lưu manh, lưu manh của tôi chống văn hoá bình dân. Giả sử tôi nhất định phải lưu hành, thì dứt khoát không phải cái thô, mà là thứ tốt đẹp nhã nhặn của lưu manh trong lưu hành, cho nên tôi nói, thật ra cái đó khác hẳn tục. Lưu manh, thô, không sạch sẽ, không bóng bảy, nhưng chân thực, cho nên không tục, không tầm thường. Cái nhã của văn hoá bình dân, lại sạch sẽ, lại bóng bảy, dễ được các giới tiếp nhận, nhưng nó giả tạo, cho nên tầm thường, giống như văn hoá Hồng Kông, Ðài Loan.

Lão Hiệp: Trong nhạc Rốc của Ðất liền có nhiều mặt thô của lưu manh, song so với những bài ca ngọt ngào của Hồng Kông nó không nhã cũng không tục. Những ca sĩ Rốc trẻ sau Thôi Kiện từ sinh hoạt đến ca khúc đều rất càn quấy, nhưng dứt khoát không phải tầm thường, không phải tục.

Vương Sóc: Thực tế là như vậy. Ðối với người khác, càn quấy không mạo phạm. Sự mạo phạm của nó là được cấu tạo nên. Nhưng xem xét từ góc độ của tôi, thì sự phê phán của văn hoá tinh anh đối với càn quấy nhìn bề ngoài thì như phê phán, trên thực tế là một thứ giọng điệu giáo huấn con người từ mãi trên cao. Ðó là một thứ khẩu vị do văn hoá dòng chính đặt ra. Khẩu vị của văn hóa dòng chính kiểu trước kia không ăn thua nữa rồi, nó nhất định phải tìm chỗ dựa trong văn hoá đại chúng và cả trong văn hoá phái học viện, cho nên họ hoà nhập để hai thứ này đóng gói lại cho mình. Nhưng đối với càn quấy thì họ bắt đầu gượng ép. Nếu cho nó là văn hoá đại chúng, thì để nó ở đâu ? Chẳng phải lại trở về với văn hoá chống dòng chính là gì. Cho nên bản thân tôi không biết nói thế nào. Tôi không thể nhảy khỏi văn hoá đại chúng chạy sang chỗ phái Học viện được đâu nhỉ, họ quy tôi vào đồng bọn của họ chứ gì ? Tôi không tin. Trên thực tế tôi và họ rất khác nhau. Sau khi tôi thực sự bóc tách mình khỏi văn hoá đại chúng, thì tôi phải muốn nhìn cho rõ vị trí của mình. Họ vẫn tiếp tục phê phán tôi như cũ, vậy thì tôi đành phải để họ tiếp tục. Nhưng tôi cảm thấy một cách tỉnh táo, mình có chút ít buồn cười, buồn cười ở chỗ nào vậy ? Tôi cũng đã tham gia vào chuyện phê phán văn hoá đại chúng cơ đấy. Về điểm này, thì coi như lại nhập dòng với họ. Nhưng hiện giờ tôi cảm thấy văn hoá đại chúng và văn hoá chính trị đã gộp làm một, đã tạo thành dòng chính, và hiện giờ sẽ dễ dàng đứng cùng lập trường với tôi. Gộp làm một với họ, thì tôi cảm thấy chỉ là bằng mặt không bằng lòng, gần gũi với câu "đồng sàng dị mộng", mỗi người có một ý đồ riêng. Dù sao thì theo tôi, đối tượng mà mọi người phê phán thật ra là giống nhau, hay nói khác đi là đồng nhất. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc mọi người châm chọc nhau, hất té nước lạnh vào nhau, đặt bẫy vướng chân nhau. Nói bằng một câu thường dùng nhất là, ai ai cũng đang chịu đựng một sự cấu kết không thể nhịn được nữa. Người này cấu kết với quyền lực, kẻ kia móc ngoặc với văn hoá đại chúng, người nào đó lại ăn cánh với các vị tinh anh. Trong chuyện này có đan xen, có nghiêng ngả dính kết, gần như là một mớ tạp nham, loạn luân và yêu tam giác. Ðầu mày cuối mắt lườm nguýt lẫn nhau, đánh là thân chửi là yêu, điều tôi sợ là bị khuấy vào trong vũng nước đục một cách không rõ ràng minh bạch. Nhưng tôi thừa nhận, vẻ quyến rũ của tôi khi móc ngoặc ngày nào, không nhã hơn họ đâu, có lẽ còn tục, còn tầm thường hơn đằng khác. Ví dụ, cùng là phê phán văn hoá đại chúng, nếu họ bảo sự phê phán của họ có ý nghĩa hơn, họ là chính thống, là tinh anh đào tạo ra từ học viện, là phong cách của chủ tịch liên minh thì bây giờ tôi vui lòng xem những cái của mình, nó hoàn toàn là của cá nhân tôi. Ðể khi tôi phê phán văn hoá đại chúng, không làm cho cách đánh giá xem xét của mình cùng hội với họ, đồng thời tôi còn phải là đối đầu với họ. Thật ra, trên quan điểm đối với văn hoá đại chúng. Tôi rất đồng ý với một số nhận xét của họ, tôi đồng ý với cách đánh giá của họ về kiểu gặp sao nói thế, ăn xổi ở thì, sốt sột xơi ngay.

Lão Hiệp: Về mặt phê phán văn hoá đại chúng, anh đã nhất trí với phái Học viện, thì tại sao không thể vào hùa. Có phải anh còn hận và đố kỵ với họ. Vừa giờ hỏi anh, chẳng phải anh đã nói chưa bao giờ oán hận và đố kỵ, có phải không ?

Vương Sóc: Suy nghĩ và nhận xét của tôi đối với phái Học viện, tôi đã nói rồi. Tôi không có ân oán cá nhân với họ, đối kháng là ở chỗ họ đã làm kẻ tiếp tay nối giáo cho giặc, lại còn tự cho là rất cao thượng sạch sẽ, họ nghĩ rằng có tư cách dạy bảo người khác, kiểu "phổ độ chúng sinh". Họ không biết, tôi biết. Trước kia tôi không muốn nói thẳng với họ, họ là gì, chỉ mới đùa họ. Bây giờ tôi phải trực tiếp nói với họ, rằng họ giả vờ nhút nhát đối với văn hoá đại chúng. Họ là tục, là tầm thường, học vấn có nhiều đến mấy đi chăng nữa cũng là tầm thường. So với cái tầm thường của họ, thì văn hoá đại chúng chỉ là "tiểu tục", là tầm thường chút xíu, còn họ mới là "đại tục", là tầm thường to bằng cái đình. Cứ so sánh thử, thì đón ý cho vừa lòng túi tiền của đại chúng, chỉ là tầm thường nhỏ, là "tiểu tục".

Ðương nhiên nói như vậy không phải là tôi có thời gian rỗi, nên không thể không nói đến việc này, còn một khi bắt tay viết tiểu thuyết thì tôi chẳng nói gì hết. Nhưng có rất nhiều cái tôi cảm thấy mình đã nói từ đời nảo đời nào rồi, người ta không nghe thấy đấy thôi. Cho nên đối với tôi mà nói, ngay từ đầu, tôi chưa nhận ra được, chưa ý thức được là tôi nói với họ. Bởi từ gốc rễ tôi hoàn toàn không thích thứ văn hoá đại chúng, không muốn lôi kéo làm quen với họ. Nhưng thời đó tôi cứ phải một chầu vào hùa với họ, trở thành đứa con cưng của văn hoá đại chúng. Nhưng tôi không vào hùa với họ mãi mãi. Hay nói cách khác, khi tôi vào hùa với anh đương nhiên phải có lợi. Dạo ấy có lợi, đương nhiên phải tỏ ra ngoan ngoãn một chút. Về sau tôi cảm thấy bắt đầu có chút mất điểm, giảm điểm, tôi lùi ra không chơi với nữa. Ðây là chuyện thường của thế gian. Nhưng đối với tôi mà nói, không có một quá trình như thế, có lẽ tôi còn chưa nhận rõ bộ mặt của nó. Có thể con người tôi vô liêm sỉ ở chỗ này. Tôi đã chơi thoả thuê một chầu, được lợi rồi, không bao giờ chơi nữa. Bây giờ tôi dám nói đối với tôi mà nói, việc vào hùa ấy chỉ là một lần đó thôi. Tôi biết nó có một phương thức hành vi bên ngoài dễ chịu là đủ rồi, không thể phủ nhận sự dễ chịu bề ngoài đó. Một con người chỉ kiên trì sáng tác thì không được, điều đó tẻ lạnh lắm. Thật ra họ không có việc gì đáng làm, khối lượng công tác cũng không lớn, lại chẳng phải sáng tác cẩn thận cho lắm, rất dễ dàng trà trộn. Nhưng nếu bảo anh tự sáng tác, nếu anh không thích làm việc ấy thật,mà anh cứ cố tình viết thì đúng là không viết nổi. Anh cảm thấy mệt, ngày nào mình cũng đánh vật với chính mình thì mệt biết chừng nào. Không phải ai cũng giữ mãi được dáng vẻ cực đoan ấy. Thật ra hiện giờ trong xương thịt tôi có cái vô liêm sỉ, nhưng nhiều hơn vẫn là một cảm giác, rút cuộc có thể ung dung tự mình làm "một chầu". Ðương nhiên từ vựng này là của Hồng Kông, Ðài Loan. Trong lời ca của Hồng Kông, Ðài Loan thường có kiểu lời này : "Cuối cùng tự mình làm một chầu". Nếu có thể tự mình làm một chầu thật thì sướng quá !

Lão Hiệp: Văn hoá đại chúng rất quan trọng của những năm 90 bắt đầu tràn ngập, đặc trưng là đã kéo được nhiều nhà văn nhập cuộc. Tên tuổi và ảnh hưởng của nhà văn không phải nhờ phê bình, mà nhờ vào các đạo diễn có tiếng tăm cải biên tiểu thuyết của họ. Ví dụ như Lưu Hằng, Tô Ðồng, Dư Hoa đều nhờ cải biên mà nổi lên, anh cũng là một người trong số đó. Dạo Trương Nghệ Mưu ngông nghênh nhất, chỉ ra lệnh một tiếng là có mấy nhà văn nổi tiếng viết kịch bản về Võ Tắc Thiên cho ông ấy. Sự quyến rũ của phim thực tế là sự quyến rũ về tên tuổi và lợi ích. Có người nhờ cải biên của Trương Nghệ Mưu mà lên thẳng mây xanh. Ví dụ như ông Thuật Bình ở Trường Xuân, Trương Nghệ Mưu đã dùng tiểu thuyết "Có chuyện cứ trình bày tử tế" của ông ta quay thành phim. Thế là đùng một cái, ông ta phất lên như diều.

Vương Sóc: Bây giờ Thuật Bình đã đi theo Khương Văn. Ông này viết rất tài. Thật ra Trương Nghệ Mưu bây giờ không hiệu nghiệm nữa rồi, từ sau bộ phim "Sống" của Dư Hoa, khả năng đẩy nhà văn của ông Mưu đã không còn nữa.

Lão Hiệp: Thuật Bình hiện nay không chỉ sống trong đám anh chị cứng cựa có tên tuổi của điện ảnh và vô tuyến truyền hình, mà còn làm Phó chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Cát Lâm nữa cơ đấy. Anh cũng vào diện tai to mặt lớn trong giới nghe nhìn, chỉ có điều không được phong Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội nào đó. Trong ba điều không nên bỏ lỡ : nổi tiếng, kiếm tiền và làm quan, nhưng anh chỉ làm được có hai điều.

Vương Sóc: Theo anh thì treo một cái tên có ý nghĩa chứ ?

Lão Hiệp: Anh là hộ cá thể mà có "mã số" tương đối sớm ở Trung Quốc, anh luôn luôn sống bằng sức lao động của chính mình, anh là nhà văn không thể chế, không chỉ nuôi sống bản thân và gia đình, mà con nuôi rất giỏi, trở thành "giai cấp Trung sản có thể diện". Còn đại đa số phái học viện ăn cơm vua, sống dựa vào tiền lương và cấp hàm của thể chế. Thật đáng buồn, họ ôm khư khư không buông cái bát ăn trong thể chế. Họ chỉ sợ cái bát cơm bị vỡ (cái bát sắt trong thể chế bây giờ đã biến thành bát sứ rồi). Về mặt kinh tế, họ đã không thể tạo ra cho mình một vị trí độc lập tối thiểu, thì còn làm gì có tư cách đi chỉ trích sự bợ đỡ cái tầm thường, của kẻ tự làm, tự ăn bằng sức mình bỏ ra. Hiện nay, nhà văn có tên tuổi của chúng ta cũng giống phái học viện, phần lớn đều có một đơn vị để mà dựa, để mà trương biến, họ đều có mức đãi ngộ cấp phòng, cấp cục. Họ là những tầm gửi song trùng, vừa được lợi là hút từ ngoài thể chế, lại vừa dựa vào trong thể chế. Theo sự lựa chọn của tôi, thà cần một trăm nhà văn làm đẹp lòng đại chúng, tự sống bằng lao động của chính mình, nhưng không cần một nhà văn có tên tuổi và học giả tốt đẹp cao nhã, bưng bát cơm vua "tiêu đồng tiền chúa". Phải rồi, quên mất tôi hỏi anh, hiện nay anh cũng đã phấn đấu thành hội viên Hội nhà văn rồi phải không ?

Vương Sóc: Tôi là hội viên, nhưng không có bất cứ quan hệ gì về kinh tế. Nhận tấm thẻ hội viên Hội nhà văn , nhiều lắm cũng có thể ra ngoài khoe khoang một chút, nhưng thực tế tôi chưa giơ thẻ Hội viên khoe với ai bao giờ.

Lão Hiệp: Khuôn mặt của anh có tác dụng hơn thẻ hội viên chứ.

Vương Sóc: Vậy anh bảo tôi đem khuôn mặt đi rao bán khắp nơi ư !

Lão Hiệp: Chẳng khác mấy. Tối thiểu thì tôi cũng thấy anh rêu rao mấy lần trên vô tuyến truyền hình. Nhưng khuôn mặt anh trên màn hình đâu có trí tuệ. Có nghĩa là một bộ mặt tô hồng cái tầm thường, cơ thịt trên mặt vận động coi là bình thường. Chưa khoa trương tới mức, hếch mũi, liếc mắt, méo mồm, hoặc ra vẻ thâm trầm.

Vương Sóc: Thì không khiến người ta tởm lợm phải nôn ra là được.

Lão Hiệp: Bây giờ nói ra, anh đã cảm thấy mình đã rút lui khỏi văn hóa đại chúng. Tôi cảm thấy rút khỏi văn hóa đại chúng là rút khỏi dòng văn hóa chính. Bắt đầu từ kịch truyền hình "Khát vọng", trên thực tế, văn hóa đại chúng đã hoà nhập với dòng chính văn hoá.

Vương Sóc: Khi ở trong văn hoá đại chúng, tôi đã đặc biệt nắm rõ điều này. Lúc ấy chúng tôi có một khẩu hiệu rất rõ ràng gọi là "Nhị lão hài lòng". "Nhị lão" thì một là lão cán bộ, tức là cán bộ lão thành, hai là "lão bách tính" tức là dân chúng, hay bà con quần chúng nhân dân. Ngay từ lúc bắt đầu đã như vậy, như thế chẳng phải rõ ràng là gì. Trước mỗi lần làm phim đã có yêu cầu như thế. Sự theo đuổi của cá nhân chỉ có thể ở trong phạm vi của khẩu hiệu này. Ðây là yêu cầu hết sức rõ ràng. Hồng Kông, Ðài Loan vào lục địa cũng tuân thủ quy tắc vui chơi này. Tôi đã từng hợp tác với họ, họ cũng không bay đi đâu được. Phía Hồng Kông, Ðài Loan đến đất liền cũng có hai điều, thứ nhất cái gì đáng tôn trọng thì phải tôn trọng, thứ hai cái gì nên giữ vững thì phải giữ vững. Trên thực tế, dù là giữ vững vẫn lấy tôn trọng làm tiền đề, mà một khi đã tôn trọng, thì mặc dù còn cố tình chống đỡ, cũng không giữ vững nổi cái gì. Văn hóa đại chúng xưa nay đều như thế, nhất là loại kịch phim truyền hình, phải tự đầu tư lớn. Nó cần có sự đồng ý, sự cho phép hoàn toàn nhất, rộng rãi nhất. Cả xã hội cũng đều biết, kết quả của giữ vững là chết. Sau này, chúng tôi đã xây dựng hai bộ phim, làm bộ nào chết bộ ấy, bên đầu tư trước hết chịu không nổi, vì giá thành của nó lớn quá, mà giá thành của chống đối hoặc giữ vững lại càng lớn, không ai gánh nổi. Nếu đối tác đầu tư không vì kiếm tiền, chỉ để anh làm tới mức khoan khoái vui vẻ thì sẽ được như thế. Còn có thể làm được một ít thứ của mình, không có nhà buôn nào làm được. Bản thân nhà buôn bao giờ cũng hy vọng tìm một dịp thích hợp. Ông ta hoàn toàn không thích làm lung tung, một khi làm lung tung thì cơ hội của ông có thể sẽ mất, cho nên nói theo kiểu ngôn ngữ Trung Quốc, là phải có lợi, cho đoàn kết ổn định. Ở đây, phim kịch truyền hình phải có tác dụng đoàn kết và ổn định.

Lão Hiệp: Người Trung Quốc ai cũng sợ vón đít lên rồi. Cái kiểu hễ rối ren lên một cái là hăng tiết vịt, "giết kẻ giầu giúp người nghèo" nổi lên ghê rợn lắm. Hiện giờ khá đông người đã biết gài số lùi sẵn rồi. Họ mua một suất nghề nghiệp ở nước ngoài, kiếm một quyền cư trú. Anh đã từng nghĩ đến chuyện ra nước ngoài định cư chưa ? Cũng vì con đường rút của mình mà suy nghĩ sẵn xem có chước nào chưa đấy ?

Vương Sóc: Nghĩ rồi. Tôi về già có lẽ cũng phải ra nước ngoài, tôi nói thật với anh, tôi cảm thấy cứ ở đây không có cơ hội, không yên tâm, thiếu cảm giác an toàn. Từ nhỏ tôi đã nhận thấy như vậy. Những chuyện chỉ sau một đêm chẳng còn thú gì cả, tôi đã chứng kiến quá nhiều. Lưu Thiếu Kỳ lúc còn làm Chủ tịch nước đấy thôi, chẳng phải chỉ một đêm đó sao ? Tôi cảm thấy mọi chức vụ địa vị hiện nay ư, kiếm một ít tiền ư, đều hết sức hão huyền hư ảo. Cứ thích nói không có một cái, là không có ngay thôi mà. Tôi ở đây có lúc cảm thấy có cơ hội, có cảm giác an toàn, nhưng phần lớn thời gian, tôi cảm thấy không có một thứ sắt thép bảo vệ mình. Có nghĩa là những thứ anh có được một cách hợp pháp liệu có thể sẽ mất đi một cách phi pháp ? Cứ cảm thấy, như nằm mơ ấy, mọi thứ anh có được đều mất sạch. Thật ra, tôi cảm thấy, đối với tài sản của mình, một số người không có gì là không yên tâm, nhưng có những thứ anh phải suy nghĩ đến, ví dụ như con cái. Từ lúc còn bé, tôi đã hy vọng con cái tôi cuối cùng được an toàn. Tôi cảm thấy người có tiền lo lắng là hợp lý. Nhiều người có tiền, lúc chưa có tiền có thể chẳng lo nghĩ gì, nhưng khi anh vừa bắt đầu có chút ít tài sản riêng, có tý chút của riêng, thì lập trường của anh có khi bị mềm đi. Anh sẽ tìm một thái độ, và sẽ có rất nhiều băn khoăn lo sắng, nên chắc chắn anh không dám làm bừa. Về điểm này, cách nhìn nhận của tôi là, xem xem không an toàn đến mức nào. Nếu anh làm thế cũng không an toàn, thì đành phải nổi máu lên, để cầu xin một khoảnh khắc an toàn. Ðến mức thế không bằng bản thân liều một phen. Lùi một bước là anh đánh mất chính mình. Bây giờ, phải biết tính toán nhiều hơn, đừng đi làm những chuyện xấu hổ, mất mặt. Cho nên, tôi nói, cuộc sống của con người là nơi bốn phía âm mưu mai phục. Theo một chừng mực nào đó, sự căng cứng về thể chế, có thể ngăn chặn được sự nảy sinh của một số âm mưu nhỏ, nhưng những âm mưu nhỏ này không mất đi, mà chất đống lại một chỗ, tạm thời nghỉ ngơi, nhưng anh không được rảnh rang đâu.

Xét từ góc độ trao đổi lợi ích, thì văn hoá đại chúng cũng còn giữ lý lẽ ấy. Văn hoá đại chúng có điểm giống thương nghiệp, thương nghiệp phải giữ chữ tín, giữ khế ước, theo hợp đồng. Ðương nhiên, ở Trung Quốc, loại thương nghiệp này chắc chắn không quy phạm, còn hỗn loạn, nhưng việc hỗn loạn này không phải là vấn đề của thương nghiệp, mà là quyền lực đi vào trong thương nghiệp. Nó đã gây rối và kiếm lời từ bên trong. Rắc rối nhất là chuyện đánh bạn với quyền lực. Một trong những biện pháp sợ rắc rối là tránh xa nó. Người ta cứ mon men đến gần, dính vào nó làm gì.

Lão Hiệp: Tôi cảm thấy, có những cái có lẽ do tính cách sẵn có của anh quyết định. Trẻ nhỏ trong tác phẩm "Trông lên đẹp lắm" từ lúc còn bé sống ở viện nuôi trẻ, hay ở trong gia đình đều là người lạ. Nó không có cảm giác an toàn, muốn lấy lòng người khác cũng không được. Thật ra anh xuất thân từ một gia đình quân nhân, sống và trưởng thành trong khu tập thể quân đội, cũng thuộc về cái nôi màu đỏ, là loại người đỏ tận gốc, tận rễ, vậy tại sao anh lại có cảm giác không an toàn ?

Vương Sóc: Tôi không muốn nói.

Lão Hiệp: Có nhân dân thế nào thì có chính quyền thế ấy. Tôi và anh cũng đều là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, Nhà nước này khăng khít với chúng ta như hơi thở. Nó là cây, chúng ta là đất.

Vương Sóc: Cho nên tôi mới nghiệm "Xin chớ coi tớ là người".

Lão Hiệp: Ðối với sự giải thích của anh vừa rồi, tôi cảm giác có chút ít láu cá. Ví dụ anh nhảy đi nhảy lại giữa văn hóa đại chúng và viết tiểu thuyết. Xã hội sẽ nhìn nhận đánh giá như thế nào đối với dáng vẻ đi vào, đi ra của anh ? Rút cuộc thì anh có cái gì chân thực ở trong đó ? Hay nói cách khác, anh chàng Vương Sóc này đã kiếm ra tiền, đã có tên tuổi, lại còn định tỏ ra mình thanh cao nữa. Nhớ hồi nào anh bảo, tớ là kẻ càn quấy tớ sợ ai, tớ chỉ là một người tầm thường thôi. Thời đó, anh đang kiếm tiền, anh đem lối nói tự hạ thấp mình ra làm lá chắn. Bây giờ anh lại đứng ra chỉ trích văn hóa đại chúng tầm thường. Người ta sẽ cho rằng, anh chàng Vương Sóc sao mà ranh ma xảo quyệt thế, muốn hời cả hai bên. Ðương nhiên, vừa giờ anh nói sự chuyển đổi của anh là có thật. Anh đã biết từ lâu nhưng anh không ăn nhịp với với những gì hay ho của văn hóa đại chúng. Anh không cảm thấy kiếm được tiền của văn hóa đại chúng, thì không có lý do chửi mắng nó nữa. Anh không cảm thấy nó đem lại ân huệ cho anh. Và anh biết rõ nó không tốt sờ sờ ra đó, mà vẫn im lặng, chẳng phải quá giả dối hay sao ?

Về việc anh công kích Kim Dung và bốn cái tầm thường lớn nhất của Hồng Kông, thì đã có rất nhiều lời bàn luận không thiện ý cho lắm. Ví dụ lần xuất bản thứ nhất, thứ hai, thứ ba mà văn hóa đại chúng truyền bá như anh nói, cho đến chuyển biến nội dung câu chuyện một cách vô cùng vô tận và công kích thẳng vào con người. Nhưng sự phỏng đoán mà tôi định nói thì lại thuộc diện đánh vào cá nhân con người, lại độc ác hơn. Hay nói cách khác, anh cảm thấy không thể tiếp tục sống trong văn hóa đại chúng được nữa, văn hóa đại chúng đã không thể nâng thêm lợi ích và tên tuổi cho anh nữa, thì anh cần phải thay đổi phương thức xây dựng, đóng gói lại cho bản thân anh. Anh có ý định thiết kế bản thân, lúc nào thì nên ra quân bài gì, và cứ từng bước, từng bước nắm cho thật tới độ chín và cơ hội. Tôi nghĩ, có một số người cũng sẽ nghĩ như thế. Ðứng trước sự chất vấn này, anh có lúc nào tự phản tỉnh một cách nghiêm chỉnh không ? Tức là sự chuyển biến của anh đúng như sự bộc bạch vừa rồi của anh, đến mức độ đó sao ?

Vương Sóc: Ðối với tôi mà nói, thì đúng là trong sáng chân thực như vậy. Mặc dù người khác nhận xét như thế nào, còn bản thân mình, tôi dám chắc thế. Chỉ có điều còn muốn nói thêm, là tôi đã nhận ra từ lâu văn hóa đại chúng đã chướng mắt, thì tại sao không ra đi sơm sớm, còn ngại ngần chi ? Tôi cũng có suy nghĩ theo kiểu cơ hội: Tôi đã nhìn thấy những lối sống mới này từ lâu, đối với những phần tử tiểu tư sản mới sinh, tới đây ta sẽ phải tuyên chiến với họ. Nhưng ngay từ đầu tôi không làm. Hay nói cách khác, lúc văn hóa đại chúng vừa mới ló mặt ra, anh đã khiển trách thứ văn hoá ấy, lối sống ấy vô vị, trống rỗng, thậm chí không có đạo đức, thì hơi sớm. Hơn nữa, tôi biết chống tả là "đẩy cây khô, kéo cây mục". Tường đổ là do đông người đẩy, việc đó không có gì nguy hiểm. "No bụng" lên ngôi thì ai còn thích quan niệm đạo đức kiểu tín đồ tôn giáo trong sạch của chủ nghĩa cấm dục. Việc này thì khác, đây là lực lượng phơi phới mới ra đời, mà anh trực tiếp đối đầu với đại chúng, đối đầu với nó, thì sẽ làm cho dân chúng tức giận.

Lão Hiệp: Những người có văn hoá ở Trung Quốc xưa nay có hai hướng đi, nếu không dẫn đến thảm đỏ của bục lĩnh thưởng, thì ngả vào lòng cô thôn nữ. Quyền lực và nhân dân, là hai vị thượng đế.

Vương Sóc: Lúc ấy tôi cũng có cơ hội đối đầu với nó. Ðối với tôi không cần phải nghiền ngẫm gì nữa. Nhưng nếu làm sớm thì chắc chắn sẽ có phản ứng phụ. Lúc ấy nó còn chưa hoàn toàn hoà nhập vào dòng chính, nó vừa mới ra đời. Lúc ấy tôi cảm thấy so với dòng chính nó còn là một lực lượng lành mạnh, nó nói lên thành một lối sống bình dân, ăn uống chơi bời, ca múa săn bắn, đa sầu thiện cảm, "người tốt một đời bình yên". Tất cả chuyện ấy, hiện giờ đã phát triển mạnh mẽ thành phong trào, bắt đầu trở thành kẻ tiếp tay bợ đỡ cho dòng chính. Tôi cảm thấy đã đến lúc, nó hoàn toàn không được. Bởi vì số đông có sự thích thú đối với nó, mà hùa theo cho nó tốt, nó thích hợp. Nó trở thành dòng chính. Khi nó trở thành lối sống phổ biến, thì chính là lúc tôi lựa chọn sự đối đầu với nó.

Lão Hiệp: Ðối với anh thì đây là sự lựa chọn nghiêm túc hoặc là cuộc khảo nghiệm khắt khe, có phải không ? Thù địch với văn hóa đại chúng có nghĩa là gì, anh đã suy nghĩ chưa ? Ðến lúc đi tới chỗ tác phẩm của anh không có mấy người đọc. Anh có ân hận không ? Trước đây từ trong "Ðộng vật hung dữ" tôi đã cảm thấy sự chống đối gần như bản năng mà anh giữ vững, trong "Nhìn vào đẹp lắm" sự chống đối này càng rõ nét. Ở chỗ chúng ta đây, có một số người cũng muốn tồn tại một cách sách lược, một cách kỹ xảo, song thường không thành công. Sự không thành công này không phải vì anh ta không muốn sống như người khác, mà là "lực bất tòng tâm", "bụng tỉnh mình gầy", một sự thiếu hụt sẵn có được gọi là "Tiên thiên bất túc". Sinh lý, thể xác đã cản trở anh ta bước vào quần thể, được thừa nhận, trở thành một thành viên của quần thể hợp pháp. Thế là mọi sự giãy giụa của anh ta đã đánh bừa mà trúng, trở thành một sự phản kháng, một sự không nghe theo, mặc dù không cố ý như thế. Còn anh, ngay từ lúc bắt đầu anh đã có ý định chủ động giữ vững chứ.

Vương Sóc: Ðương nhiên có. Tôi nghĩ sự giữ vững này là muốn hết sức cố gắng sống tới mức như một con người. Cái gọi là "như một con người", chẳng tới mức dốc hết khả năng để chân thực hơn một chút. Thật ra tôi cảm thấy chân thực là toàn bộ. Tôi không thể lựa chọn sạch sẽ hay nói cách khác, tu luyện thành một con người có trình độ đạo đức rất cao, một con người hết sức trong sạch. Hoặc không vươn quá cao, chỉ muốn làm một người thoát ly những thú vị thấp hèn, ngay điều ấy cũng hết sức khó. Nhưng đương nhiên, có thể giả vờ tỏ ra biết điều một chút, cũng đã làm số. Song cái kiểu tỏ ra biết điều một chút, tốt một chút này. Ngoài việc hành hạ mình mệt lử ra, thì chẳng có được cái gì cụ thể. Có khi không những không nâng cao được mình, mà ngược lại, lâu dần sẽ đi vào giả tạo, ngay đến một chút nhân vị cũng không có, cho nên tôi cảm thấy không cần thiết.

Có lúc, tôi thấy mình xem xét một số vấn đề bằng con mắt chính cống của nghề buôn là rất thành thật, rất chuyên nghiệp. Lúc mới đi vào văn hóa đại chúng tôi đã từng nghĩ thế. So với các cuộc giao dịch chính trị trước kia, thì giao dịch của đồng tiền là rẻ nhất. Chính trị có khi quá bẩn, tối thiểu thì thương nghiệp cũng cố giữ cho giao dịch công bằng. Ðương nhiên ở chỗ ta đây cái gì cũng không tránh khỏi chính trị ô nhiễm. Vì thế, giao dịch giữa đồng tiền và thương nghiệp cũng trở thành bẩn thỉu. Nhưng ra khỏi văn hóa đại chúng và buôn bán không có nghĩa là vứt bỏ quy tắc buôn bán. Nhìn bằng con mắt buôn bán, dưới tiền đề giao dịch thành thật thì ít nhất cũng chọn được một con đường có giá thành đúng nhất. Vậy thì tôi cảm thấy chỉ cần không có khảo nghiệm quá đặc biệt to lớn nào, tôi sẽ tranh thủ sống tới mức là một con người, Nhưng không dám nói phải tuyệt đối, ý tôi định nói là tôi không dám bảo đảm việc gì cũng chân thực, vĩnh viễn chân thực. Nếu một khi xuất hiện vấn đề lớn thì tôi không dám bảo đảm tôi chắc chắn chống chọi nổi. Có thể chống chọi nổi, cũng có thể không chống chọi nổi, chưa đến lúc tôi không dám nói cứng nhắc như vậy được. Hơn nữa, tôi tự hiểu mình, có đến tám phần mười tôi không chống chọi nổi.

Lão Hiệp: Sự mềm yếu cố hữu của nhân tính cũng là tiền đề tất nhiên để sống tới mức là một con người. Hoặc là thành thánh thần, hoặc là thành ma dữ, ác quỉ, chỉ cần không đi đến hai cực đoan này. Con người ta phần đông đều có những thử thách không vượt qua được. Chỉ có điều một số người không có cơ hội gặp phải. Những kẻ nhào nặn mình thành thánh thần, thì vừa đủ để phát triển một bộ phận ác nhất trong nhân tính đến cực đoan, biến thành ma ác. Giống như truyện không có thiên đường ở nhân gian lại định xây dựng thiên đường ở nhân gian, thì không khác gì đào hố chông người cho nhân gian. Anh nói mình như vậy, liệu có phải chừa một lối rút lui cho bản thân khi không chống chọi nổi trong tương lai ? Giống như câu nói của anh, "mình cũng là một người tầm thường" ấy mà ?

Vương Sóc: Ðúng là, tôi muốn tiểu thuyết viết ra sự mềm yếu song trùng này của con người. Ðây là sự mềm yếu có sẵn, không thể không qua nhận thức, tri thức và tu dưỡng để bù đắp thứ này được. Là sự mềm yếu vĩnh viễn do trời sinh, nói sự mềm yếu này ra không việc gì phải xấu hổ mất mặt, che dấu nó mới là âm mưu và hầm chông cạm bẫy trong thiết kế nhân cách.

Lão Hiệp: Từ xưa đến nay, người Trung Quốc đều đã đào cho mình thứ hầm chông cạm bẫy này.

Vương Sóc: Cho nên tôi cảm thấy rất đáng buồn, thật ra loại người như tôi chắc chắn sẽ có một số phận đáng buồn. Tôi là loại người, tự mình không sao thật sự hiên ngang lên được. Ðó là lý do tại sao nắm bắt được cơ hội, là tôi lập tức có ngay trạng thái thể hiện và bộc lộ rõ bản thân, sẽ trở nên vô cùng cấp tiến, hay nói cách khác rất bừa bãi, trắng trợn. Bởi vì nếu anh không như vậy, thì anh hãy đừng trắng trợn trước, trắng trợn mất rồi, thì đến lúc then chốt không thu lại được. Bởi vì, tôi biết không chống chọi nổi trên những vấn đề then chốt và trên những thử thách thực sự. Ðương nhiên tôi đã từng nghĩ đến điều đó, có nghĩa là hy vọng mình có một đời sống lý tưởng, ở điểm này tôi không nản lòng, không khác mấy so với những người khác. Thật ra như văn hoá đại chúng của nước Mỹ, đúng là một sự lựa chọn hoà bình, hoàn toàn có thể. Tôi cảm thấy khi nói câu nói ấy, tức là cái câu mình cũng là một người tầm thường ấy mà, hình như tôi cảm thấy không phải lúc ấy tôi nghĩ thế. Tôi cảm thấy đời sống mà mình hy vọng rất xa vời, còn đời sống của chúng ta ở đây, độc ác và tầm thường quá thể , không ai thoát được sự tầm thường độc ác này, cho nên mình cũng đành là một người tầm thường. Cho nên lúc ấy ngay đến nghĩ, tôi không nghĩ đến. Có một xã hội hợp lý như thế thật, thì chẳng cần nói hợp lý với lý tưởng, cứ cho là một xã hội hợp lý vừa vừa về đại thể thôi, thì người nào cũng có cơ hội. Một con người không đứng ra được, không nổi bật được thì thật thà mà kết bạn, cố gắng chăm chỉ làm một tiểu thị dân thành thực, như đại đa số những người khác.

Lão Hiệp: Ðiều đáng buồn ở chúng ta là chỗ này. Muốn thành một tiểu thị dân thật thà cũng là chuyện khó khăn. Mình cũng là một người tầm thường, nói để chế diễu cũng là bất lực, không biết làm thế nào đó là tự hạ thấp mình, là tự hèn cũng là một thằng hèn. Ðiều tôi không hiểu là anh đã biết rõ sự mềm yếu của con người như thế, tại sao còn đi vào trong văn hoá đại chúng, lội xuống nước đục ? Sống chung với đám người không có ý thức như thế, ngoài kiếm tiền ra ngày nào cũng tụ tập một chỗ tán chuyện bù khú, chẳng có ý nghĩa gì. Anh định dùng sự mềm yếu có tính người để giải thích đã ý thức được rồi, thì chỗ mềm yếu của anh đã được phát huy đầy đủ thông qua nước đục anh lội khuấy lên sau đó anh lại trở về trong tiểu thuyết, là bởi vì vô vị chán chường, hay là đã có một yêu cầu tự giác đối với bản thân.
Vương Sóc: Anh không biết trong con người tôi có mặt tầm thường hay sao ? Tôi có mặt tầm thường đấy.

Lão Hiệp : Chung sống với đám người ấy không khó chịu ư ?

Vương Sóc: Trong đó cũng có những người rất ý tứ, rất hay, đương nhiên là tôi chỉ những người tỏ ra có lý thú trong khi nói chuyện. Bọn họ cũng không phải ai ai cũng có bộ mặt đáng ghét, cũng không phải nói năng khô khan. Anh ta cũng nói được những lời trêu chọc, tôi cũng hùa theo nói trêu chọc với bọn họ cho vui. Sức hấp dẫn của đời sống tầm thường là ở chỗ có thể tự vui với mình, thật đấy. Nghĩ lại, thời ấy đúng là tôi, mẹ kiếp, ghét cái dáng ấy quá, ăn tới mức, mẹ kiếp, cứ béo hú lên, uống tới mức say chếch cho chếch choáng, nói những lời vô liêm sỉ, sống mù quáng với những đàn ông đàn bà chó má. Ðời sống ấy qua đi vùn vụt tôi cũng không biết, nhoáng một cái không chú ý là dăm ba năm đã qua đi. Tôi cứ nghĩ đến đây mình sẽ viết tiểu thuyết, chăm chỉ phấn đấu tiến bộ, ngày nào tôi cũng nghĩ thế, nhưng một năm vừa bắt đầu, thoáng cái đã cuối năm, thoáng cái nữa đã sang năm khác. Cuối cùng là chán chường vô vị, cuối cùng chắc chắn là vô vị chán chường, phần lớn thời gian là vô vị. Nhưng, chỉ có một thời gian vô vị thì cũng còn rất dễ chịu đựng, nếu phải chồng chất thời gian đó hết sức lâu dài, thì bạn mới thật sự cảm thấy đời sống vô vị đúng là vô vị. Khi đó còn cần một thứ đấy anh một cách bất ngờ. Giả thử lúc ấy không "xử tử" phim cho tôi, thì rất có thể tôi vẫn còn lẩn quẩn sống ở đó, anh sẽ thành kẻ lười khác, ù lì hễ anh mở mắt ra là thấy đám người ấy, mọi người cùng với anh lắp ghép các công việc. Anh cảm nhận ra đây là vô vị, khi làm những việc này, có chút ít ý nghĩ lạ lùng khác lạ nho nhỏ, anh sẽ cảm thấy: "Ôi, sự kiện này trở nên hết sức có ý nghĩa từ". Anh vẫn hí hửng mừng thầm bởi sự khôn lỏi của mình. Tình huống này nhiều lắm, nhiều lắm. Tức là trong quá trình làm một tác phẩm nào đó, có những lúc bản thân cũng tạo ra được những niềm vui nho nhỏ, tạo ra được một số đắc ý cỏn con. Nhưng sau đó vẫn bị gạt, bị đẩy một cái đi toi, do cái gạt, cái đẩy này anh mới phát hiện ra ở một chừng mực nhất định nào đó, người ta đã quyết định thay anh. Anh không phải người ở đây, anh đừng có sống với chúng tôi nữa. Có những người không rút lui, là do không có đường để rút. Tôi tốt hơn họ ở chỗ nào ? Khi tôi sống ở trong đó, trong lòng luôn luôn có một cảm giác không quay nhìn đằng sau, chỉ nghĩ sống hết mình, đập đổ sẽ tính sau. Tôi nhớ có lần gặp Thôi Kiện ở quán rượu, ở đấy tôi cứ ca cẩm nói, như một thằng ngốc, cái này cũng chết, cái kia cũng đi toi. Hình như Thôi Kiện nói thì phải, nếu anh cứ viết tiểu thuyết, thì ai quản được hả ? Lúc ấy tôi mới phát hiện, mặc dù tôi sống như thế nào trong giới phim ảnh truyền hình, thì người khác cũng cho rằng tôi là một nhà văn. Những người đọc gặp tôi thì hỏi, tiểu thuyết anh viết như thế nào, như thế nào. Rất hiếm có người bảo tôi: Kịch của anh tôi đã xem. Mọi người vẫn còn coi tôi là nhà văn. Lúc đó tôi phát hiện, chỉ có bản thân tôi không coi mình là nhà văn, còn người ta thì vẫn luôn luôn coi tôi là nhà văn.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002