Phần II
Hợp mưu của văn hoá đại chúng
1. Môi giới truyền thông tàn khốc
Vương Sóc: Văn hoá đại chúng thật ra cũng rất hà khắc, những tác phẩm của nó về cơ bản đều là những thứ truyền thống, chỉ có ngần ấy thôi. Chẳng ai động vào được, hoàn toàn không động vào được. Văn hoá dòng chính cũng vậy, văn học thuần tuý, học thuật thuần tuý cũng vậy, đều có mối tương thông tâm đầu ý hợp với văn hoá đại chúng. Tuy thứ nào cũng dấu đằng sau một Trọng tâm câu chuyện khác nhau, vì nếu "trần như nhộng" ì xì nhau thì cũng hết sức khó coi. Lúc mới đầu tôi có chút ít ảo tưởng đối với văn hoá đại chúng. Tôi cho rằng đồng tiền là sạch sẽ hơn cả. Cho rằng nó là một sức mạnh, có thể phá huỷ một số thứ nào đó. Nếu có thể cho thêm một ít thứ của mình vào trong văn hoá đại chúng, thì năng lực truyền bá to lớn của nó chắc chắn là có tính chất xây dựng. Nhưng động vào rồi mới nhận ra nó cũng căng cứng. Không động vào được, hết sức lạ lùng.
Lão Hiệp: Tại sao không động vào được ? Với kinh nghiệm phong phú của anh bao nhiêu năm lăn lộn, lội nước đục trong giới phim kịch truyền hình, thì cái nút không động vào được ở chỗ nào ?
Vương Sóc: Sau đó tôi đã phát hiện ra thực tế là, nó bị hạn chế ở một thứ gì đó, không gian bay lượn của nó không to rộng chút nào cả.
Lão Hiệp: Bị hạn chế như thế nào ?
Vương Sóc: Tức là không cho phép xúc phạm chứ sao. Làm tới làm lui, tôi đã hiểu quy luật này, thì phải phục tùng quy luật này, Chỉ có phục tùng mới không phạm sai lầm, không phạm sai lầm mới sống được ở đó, mới kiếm được tiền. Dạo tôi viết tiểu thuyết, lúc tôi bắt đầu bước vào giới phim kịch truyền hình để đục nước béo cò. Thì tôi là kẻ bị thẩm tra. Người khác dạy tôi trong nghề này phải sống như thế nào mới có thể trở thành một tay anh chị, thành một "Người có thể diện". Lâu dần, tôi cũng thành quen, mụ mị đi rồi, tôi cũng đã dạy bảo người khác bằng cái dáng vẻ kể cả, "lão làng". Khi đứng trước những tác giả trẻ, tôi cũng đóng vai người kiểm tra. Tôi sẽ bảo anh ta: Làm thế này không được, bạn sẽ mắc sai lầm đấy. Một cảm giác rất tởm lợm, từ một nạn nhân bị thẩm tra, tôi đã lăn lộn thành kẻ thẩm tra, đi dạy bảo người khác.
Lão Hiệp: Cơ chế này cải tạo con người tương tự như ở thương trường, từ một anh xách túi trở thành bắt người khác xách túi.
Vương Sóc: Ðúng. Tôi đã phát giác làm đến cùng, thì tôi không khẩu vị, không chuẩn mực, không biết tốt xấu. Những tác phẩm sản xuất ra sẽ dở dở ương ương, chẳng có chút nào thật. Những thứ láu tôm láu cá, những thứ lung linh rực rỡ, những cái hết sức bợ đỡ, chỉ đẩy con người đi tới tầm thường chết tắc, đã hoàn toàn trở thành của tốt.
Lão Hiệp: Các chương trình văn nghệ tổng hợp, các đêm liên hoan của các Ðài truyền hình, nhất là Ðài Trung ương nhiều lần phải có "bao bì nhãn mác" là người của Hồng Kông, Ðài Loan. Văn hoá Hồng Kông, Ðài Loan rầm rập đổ bộ vào đất liền trên thực tế là những năm 90. Những tác phẩm ấy đã tạo ra bầu không khí ca múa chúc mừng cuộc sống thái bình. Những thứ được gọi là ngòn ngọt, mềm mềm, bay bay đã khử bỏ và hoà tan sự bất mãn. Các bậc gọi là anh chị hiện nay của đất liền, thuộc lĩnh vực phim kịch truyền hình, âm nhạc, văn chương đã bị các chương trình của Ðài truyền hình xào xáo trong cùng một cái chảo. Trừ những người như anh Thôi Kiện và Phàm, những ai muốn giữ vững một chút của mình, thì đều bị gạt ra ngoài văn hoá đại chúng và dòng chính.
Vương Sóc: Theo tôi ở Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đến cao trào thật sự của văn hoá đại chúng. Tôi vốn cứ tưởng để đến được cao trào của văn hoá đại chúng, ở chỗ chúng ta đây, còn phải trải qua một thời kỳ thích ứng tâm lý, ví dụ đối với văn hoá nước ngoài. Nhưng bây giờ xem ra, chúng ta không có gì không thích hợp với những thứ của Hồng Kông, Ðài Loan, không cần có một thời kỳ thích ứng. Nó có thể trực tiếp dẫn đến tiếng nói chúng. Thật sự tôi cho rằng loại thú vị của xã hội có mức sống trung bình, của giai cấp thường thường bậc trung đều như nhau trên toàn thế giới. Ngày trước còn có một chút ít trở ngại về tâm lý đối với Hồng Kông, Ðài Loan, hôm nay thì lại không, không có chút nào cả. Thứ văn hoá đại chúng này chẳng qua là để bạn thư dãn thoải mái, khỏi lo làm thế nào, cứ phải thoải mái là được. Cho nên chỉ cần họ mở cửa, thì cao trào rỗi sẽ đến cho mà xem.
Lão Hiệp: Truyền hình vệ tinh của Hồ Nam và một số đài địa phương lên vệ tinh, đã làm cho tỉ lệ thu xem của họ tấn công thẳng vào Ðài Trung ương, khiến cho Ðài Trung ương cũng phải tìm lối cải cách. Ðây là điều mừng. Bá chủ của bộ máy môi giới truyền thông đã nhường ngôi, tỉ lệ thu xem giảm, chi phí quảng cáo cũng giảm theo, cuối cùng đã buộc nó ngả vào phía Hồng Kông, Ðài Loan.
Vương Sóc: Hiện giờ văn hoá đại chúng đang đóng vai bợ đỡ, bồi bút cho con hát. Dạo mới mở cửa của những năm 80, không chia ra văn hoá đại chúng và văn hoá tinh anh, mọi thứ văn hoá đều là một loại văn hoá.
Lão Hiệp: Ðúng. Cuối những năm 70 đầu những năm 80, Lưu Tâm Vũ là văn hoá đại chúng. Tác phẩm "Chủ nhiệm lớp", "Vết thương" có ảnh hưởng ghê gớm lắm, ai ai cũng bàn tán, người nào cũng xúc động. Bất cứ tác phẩm nào của văn hoá đại chúng lưu hành sau đó cũng kém xa nó. Hàng tiêu dùng tinh thần của Ðại chúng thời bấy giờ mang màu sắc chính trị mạnh mẽ, là một giọng điệu kiểu giáo huấn có tính thẩm quyền, ngang hàng và thú vị như lý luận bàn cãi về chân lý. Họ cho rằng tác phẩm của họ cung cấp cho xã hội toàn là chân, thiện, mỹ, là chân tướng xã hội có một không hai, là chân lý của cuộc đời. Còn có một loạt kịch nói cũng hết sức rôm rả ầm ĩ, như "Ở nơi vô thanh". Trong xã hội thời bấy giờ không có nhiều thứ đáng xem. Tạp chí "Văn học nhân dân" "Ðiện ảnh đại chúng" phát hành hơn một triệu bản, quả thật người ta xem như điên. Nhưng sang cuối những năm 70 đầu những năm 80, văn hoá đại chúng Hồng Kông, Ðài Loan, như các bài hát của Ðặng Lệ Quân, phim "Ba cười", "Tình yêu sống chết"... cùng tràn vào. Ðặng Lệ Quân thời đó còn coi là giọng hát uỷ mị của giai cấp tư sản, chỉ nghe lén lút, nhưng tiếng hát của chị ấy đã vang lên trong linh hồn của một lớp người. Các chiến sỹ gang thép của thời kỳ "cách mạng văn hoá" đã bị tiếng hát ấy hoá thành những nam sinh nữ sinh đa sầu thiện cảm. Người ta đột nhiên phát hiện, trong đời sống không phải chỉ có những thứ nặng nề, không phải chỉ có những lời chỉ bảo từ mãi tít trên cao dội xuống.
Vương Sóc: Giữa những năm 80, có một cuộc thảo luận lớn về văn hoá nghiêm túc và văn hoá thông tục. Nhiều nhân vật có tiếng tăm đều lần lượt lên bục...
Lão Hiệp: Với tinh thần trách nhiệm và sứ mạng bảo vệ văn học.Vương Mông, Lưu Tâm Nhạn, Lưu Tâm Vũ, Lưu Tái Phúc đều xuất hiện để ứng phó với cuộc tấn công của văn hoá đại chúng. Sau khi tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Kim Dung đi vào, thì như nước lũ cuốn vỡ đê, loang ra toàn Trung Quốc. Một loạt các nhân vật giáo hoàng, mục sư trên văn đàn lập tức cảm thấy ngai vàng và bục giảng của mình ở vào thế khủng hoảng, không bao giờ còn trở thành vai chính của đại chúng, người thầy của đại chúng và chúa cứu thế của đại chúng nữa. Cho nên họ thở than, thời thế đi xuống, lòng người không còn chất phác, trong trắng như xưa. Những tác phẩm tầm thường như thế của Kim Dung, Quỳnh Dao lại được hoan nghênh rộng khắp.
Vương Sóc: Quả thật nó hết sức tầm thường dung tục, nhưng dân chúng yêu thích. Và nó là của lạ, nên lúc bấy giờ còn có chút ít ý nghĩa tích cực trong cuộc tấn công vào dòng chính văn hoá.
Lão Hiệp: Không chỉ có truyện tình và chưởng, giữa những năm 80 còn có một loạt cây bút trẻ mới và sắc bén nêu ra khẩu hiệu "Văn học chơi", còn có bài "Chẳng có thứ gì hết" của Thôi Kiện cũng góp sức vào cuộc tiến công ấy.
Vương Sóc: Một số người "văn học chơi" như Lưu Sách Lập, Từ Tinh, sau này là Dư Hoa, Mã Nguyên, với những tiểu thuyết thực nghiệm, tiểu thuyết Tiên phong, văn học vui đùa.
Lão Hiệp: Kịch nói của Cao Hành Kiện, phim của Trần Khải Ca, Ðiền Tráng Tráng cũng là nghệ thuật tiên phong thời đó, bây giờ nên quy vào văn hoá đại chúng. "Chúa bướng" của anh cũng thuộc loại đó.
Vương Sóc: Lúc bấy giờ tôi vẫn còn viết truyện tình yêu. Lúc ấy, có một cách gọi có tính bôi bác nói xấu tôi là "Quỳnh Dao đất liền". Lúc đó tôi viết " Cô gái bầu trời", viết "Nổi lên mặt biển" đều là ngôn tình, độc giả nào cũng nước mắt sóng sánh.
Lão Hiệp: Về sau mới lộ vẻ hung ác, "Ðộng vật hung dữ". Những năm 80, anh nói với tôi, mình bây giờ là một con đĩ nhỏ phải xây đền thờ tổ, chờ khi nào mình chơi thành con đĩ to, thì xây đền thờ nhỏ. Chờ khi chơi thành con điếm có tên tuổi, thì không cần đền thờ nữa. Con đường từ tô hồng cái tầm thường, đến chỗ lộ ra cái bộ mặt vốn có của nó dài đáo để.
Vương Sóc: Ðều ngộ độc từ các vị "kỹ sư tâm hồn" cả đấy mà.
Lão Hiệp: Khoan hãy nói đến sáng tác của anh và văn hoá đại chúng, nói đến cái khác đã, sau đó tôi sẽ tra hỏi linh hồn của anh, xem anh có bí quyết thật không.
Vương Sóc: Tôi đã vạch rõ ranh giới với họ.
Lão Hiệp: Cuộc tiến công của Hồng Kông, Ðài Loan trong lúc đó, trước cục diện, ai ai cũng muốn nắm quyền tối cao ngôn ngữ văn hoá thì ào ạt như nước lũ và thú dữ. Có người bảo là sự "giải thể" đối với văn hoá dòng chính, bao gồm cả tiểu thuyết của anh bắt đầu từ "Chúa bướng". Nhưng cá nhân tôi càng muốn dùng từ vựng "lật đổ" cơ, từ ấy làm cái mồm khoan khoái nhấm nháp, đã cơn nghiện. Cái ẻo lả mềm thuỗi của Quỳnh Dao, cái đánh đánh giết giết của Kim Dung, trong chốc lát đã bỏ rơi những trí thức, những nhà văn lớn bé còn đang tranh giành quyền lãnh đạo văn hoá. Ðại chúng không xem họ, quay lưng vào họ. Hầu Ðức Kiện thì bộ mặt thẫn thờ buồn thỉu buồn thiu trên vô tuyến truyền hình, Mọi người không bao giờ còn nghe Lý Cốc Nhất nữa; không bao giờ còn xem những lời thuyết giáo yêu đương trong " Vị trí của tình yêu", không bao giờ còn xem chiến tranh trong "Vòng hoa dưới núi cao".Tất cả đều đi xem khanh khanh ta ta của nam nữ học sinh, đánh đánh giết giết của hiệp sỹ to hiệp sỹ bé, đều sẽ nghe "Chẳng có thứ gì hết" và "Rượu hết còn bán không". Học sinh, sinh viên đã từng là độc giả trung thành nhất của Lưu Tân Nhạn, thì bây giờ lại toàn mua tác phẩm của Quỳnh Dao và Kim Dung. Bắt đầu từ lúc này trên thị trường văn hóa Trung Quốc mới thật sự chia thành văn học thông tục và văn học dòng chủ lưu. Văn học thông tục thời đó còn chưa là dòng chính, vẫn có người đứng ra định tiêu diệt nó. Trung Quốc dần dần biến thành một thị trường lớn, một sân vui chơi lớn, công trường lớn. Ngay đến vườn trường Ðại học cũng xuất hiện đèn màu vào ban đêm, bể phun nước và những tiểu thương, con buôn y như ở thị trường tự do. Dân chúng thích không khí này, lãnh đạo cũng không ghét mặt, Thế là bước sang những năm 90, văn hoá đại chúng trở thành chủ lưu. Tính lật đổ của chúng đã biến thành sự bợ đỡ, tô hồng cái tầm thường.
Vương Sóc: Ðầu những năm 90, tôi cũng là loại tô hồng cái tầm thường có thể bốc được.
Lão Hiệp: Không chỉ là tô hồng, mà vốn trí tuệ cũng sắp sửa giảm đến số không, phải rồi, muốn hỏi một chút, với ý thức trách nhiệm của anh đối với bản thân vốn là một nhân vật của công chúng, anh có điều gì tự mong đợi ở mình ?
Vương Sóc: Không có. Ít nhất không có gì rõ rệt. Tôi cảm thấy sáng tác không có liên quan với người khác, làm một nhân vật của công chúng không cản trở đến sáng tác của tôi. Tôi muốn nói gì thì nói. Ðương nhiên khi ý kiến nhất trí với mọi người, thì không cần phải nói. Khi khác với ý kiến của mọi người, thì tôi thấy cần nói ra điều đó.
Lão Hiệp: Có người nói, chỉ cần mọi người thích sẽ là tác phẩm hay, là hàng tốt.
Vương Sóc: Tôi không đồng ý điều này. Có những tác phẩm, tôi muốn nói đến những tác phẩm do văn hoá đại chúng sáng tạo ra lưu hành, mặc dù có bao nhiêu người thích nó, không rời được nó, giống như khi có người biện hộ cho nó, thì tôi vẫn phải nói, đó cũng chưa hẳn đã là hay là tốt. Tôi là người ở trong cuộc, nói dối theo, là hại người lại hại mình.
Lão Hiệp: Thật ra, có ai quan tâm lắm đến những thứ đó, rặt là cười một cái, khóc một cái, thương cảm một chút, khoái khí một lát là xong ấy mà.
Vương Sóc: Tôi lại nói thêm vài câu, đó là chuyện văn hoá đại chúng và vấn đề truyền bá của văn hoá đại chúng. Anh cứ tưởng độc giả của nó đông, thì ảnh hưởng lớn. Anh cứ tưởng tác phẩm của anh sẽ truyền bá khắp năm châu bốn biển, thực tế nó chỉ là mây khói qua mặt, thổi một cái là tan. Nó chỉ hùa theo nói dối, hơn nữa, trong khi truyền bá, còn luôn xuyên tạc anh, nhào nặn anh, xa lánh anh. Cuối cùng tạo ra một "thằng anh" chẳng liên quan gì đến anh cả.
Lão Hiệp: Biến con người có bộ mặt hoàn toàn khác có phải không ?
Vương Sóc: Tôi cảm thấy có hai loại thái độ. Có một loại là cơ bản nhận thức đời sống của mình. Trên thực tế, lúc vừa bắt đầu, bản thân tôi cũng không thấy rõ nhận thức này, qua viết tiểu thuyết tôi đã dần dần nhận thức rõ. Trong này không bao gồm cách đánh giá của con người hiện đại, hay nói một cách khác, việc đánh giá lúc đó trong tiểu thuyết của tôi còn chưa đủ độ. Tôi không được quan tâm quá mức đến điều này, không được quá ư coi trọng nó, càng không được để nó chi phối sáng tác của mình. Nhưng cách đánh giá của con người hiện đại, thông qua môi giới của bộ máy truyền thông đại chúng, như truyền hình báo chí, đặc biệt là những tờ báo lá cải, truyền ra ngoài hết sức nhanh. Ðây là hiệu quả có thể đạt tới khi lợi dụng văn hoá đại chúng. Những truyền bá nhanh và rộng không nhất thiết đã đem lại ảnh hưởng hoàn toàn có lợi cho anh.
Lão Hiệp: Anh đã nghĩ đến chưa nhỉ, cái thứ văn hoá đại chúng này ấy mà, sự truyền bá của nó có một thể thức hoặc một cơ chế tự thân. Tác phẩm của nó được truyền bá đi, anh không thể nắm chắc, cuối cùng nó truyền bá anh thành kiểu gì ? Giống như anh vừa nói, nó nhào nặn anh thành một dạng người, ma chẳng ra ma, anh lại không phải là anh, giống anh lại chẳng giống anh, anh đã nghĩ đến chưa ? Những tờ báo lá cải, đài phát thanh và đài truyền hình của nó sẽ xuyên tạc anh, thậm chí hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng ban đầu sáng tác của anh, ý định vốn có của anh.
Vuơng Sóc: Chắc chắn có, đây là cái giá tất nhiên phải trả khi cho truyền thông đại chúng môi giới. Ðây là sự truyền bá buồn vui đan xen. Trước đây tôi đã ngây thơ cho rằng nó là sự chuyển tải chân thực, người nghe cũng không xuyên tạc những ý nghĩa của anh. Sau đó, từ mặt trái, nó đã cho tôi bài học: Một khi chấp nhận truyền thông đại chúng môi giới, thì đừng có hòng bảo toàn tấm thân vàng ngọc. Không làm cho sước sát mình mẩy thì đừng hòng sống nổi. Quanh đi quẩn lại, tôi đã tiếp nhận thứ truyền bá này. Nghĩa là tôi đã cảm thấy người nghe xuyên tạc ý nghĩa vốn có của mình là chuyện không tránh khỏi, là số phận định sẵn, kiếp người khó thoát. Một lời nào đó khi đã truyền đến tai một trăm người, thì đã là một trăm cái khác nhau. Biết là số phận thì cũng đành yên tâm mà chấp nhận.
Lão Hiệp: Hiểu sai và xuyên tạc của người nghe không chỉ trong môi trường truyền thông đại chúng. Tất cả người nghe đều hiểu sai, hoặc xuyên tạc ở một chừng mực nào đó nên có cái gọi là một trăm người đọc thì có một trăm Vương Sóc. Xét về mặt lý luận, thì chuyện tiếp thu mĩ học kiểu biến suy hiểu sai trong truyền bá, thành một chuyện hiển nhiên. Thậm chí có người bảo, lịch sử của văn học không phải là biên niên sử của nhà văn hoặc nguyên tắc, mà là lịch sử đọc và tiếp nhận. Lịch sử không cho thêm kinh nghiệm đọc của người tiếp nhận vào thì không phải là lịch sử chân chính.
Vương Sóc: Nói như thế là bảo tôi, bị xuyên tạc là sự súi quẩy đáng đời, ai bảo anh đã viết ra chữ, lại còn muốn để người ta đọc.
Lão Hiệp: Hiểu sai hoặc xuyên tạc có hai loại, một loại hiểu sai xuyên tạc, đặc biệt là trong văn hoá đại chúng, là rắp tâm biến anh thành trò đùa, cố ý thêm thắt cho anh những ý nghĩ tởm lợm, độc ác có thể là từ trong văn bản của anh đọc ra những chuyện lý thú ít người biết đến, thì càng vui càng rôm rả. Nhưng còn một loại hiểu sai xuyên tạc nữa, là hiểu sai xuyên tạc có tính sáng tạo, người ta tiếp nhận anh, lại bóp méo anh, từ trong tác phẩm của anh hiểu anh theo bản thân người ta. Hay nói một cách khác, tác phẩm của anh đã đánh thức, đã khơi gợi sức sáng tạo và linh cảm nội tại của bản thân người đó.
Từ trong tác phẩm của anh, người đó sẽ cho ra đời một số tác phẩm khác. Truyền thống chân chính là hiểu sai xuyên tạc có tính sáng tạo được tích luỹ dần từng bước. Friedrich Nietzsche không hiểu sai xuyên tạc tác phẩm của Hy lạp cổ thì sẽ không có "Sự ra đời của bi kịch".
Vương Sóc: Hiểu sai, hoặc xuyên tạc trong văn hoá đại chúng có tính sáng tạo ư ? Tôi nghi ngờ điều đó.
Lão Hiệp: Bản thân văn hoá đại chúng là sự copy, có tính chất phục chế. Lối truyền bá của nó khác với sự xuyên tạc hiểu sai trong đọc sách nghiêm túc. Anh ta đối mặt trực tiếp với tác phẩm của anh, không chịu ảnh hưởng xào xáo của bộ máy môi giới. Anh ta hiểu sai cũng được, không hiểu sai cũng được, đều có thể hiểu điều đó. Một hiểu sai hoặc xuyên tạc có tính chất sáng tạo duy nhất của văn hoá đại chúng mà tôi có thể chấp nhận, chỉ là thứ đọc có tính chất phê phán nghiêm túc. Thứ đọc này không chạy theo thú vị của đại chúng và xào xáo của cơ quan môi giới truyền thống, mà là có quy tắc nhất định tự bản thân anh ta, mặc dù thời thượng biến đổi trong nháy mắt đến thế nào thì lập trường của anh ta cũng không thay đổi.
Vương Sóc: Văn hoá đại chúng cũng có một bộ zen của chính nó, phục chế ra phương thức đọc và phương thức truyền bá của chính nó, người khác không thể lèo lái chi phối được nó. Nó là một cỗ máy, hễ cứ bấm nút điện là cứ thế vận hành theo trình tự đã định, kẻ nào muốn lấy thân mà thử, thì mười phần, thì có đến tám chín phần bị nghiền nát.
Lão Hiệp: Nó có một cơ chế anh có làm tới làm lui mà, muốn cáu gắt sặc tiết cũng không tìm được đối thủ. Muốn giải thích cũng không ăn nhằm gì. Giống như chuyện trảm nhau giữa Vương Sóc và Kim Dung mà gần đây tôi đã xem "trên báo đọc sách trung Hoa". Nó coi một cuộc phê bình thường là một trận đánh một cuộc chiến tranh. Bản thân chuyện này là sách lược xào xáo quen dùng của cơ quan môi giới truyền thông đại chúng. Bài báo này, phần lớn là không bàn đến truyện anh bảo Kim Dung là "Bốn tầm thường lớn ở Hồng Kông" có lý hay không, mà là, thứ nhất, tác phẩm của Vương Sóc hiện giờ không có ai xem nữa, anh không chịu nổi nỗi lẻ loi cô đơn của kẻ quen giở trò ầm ĩ, định mượn cớ đánh Kim Dung để tìm một điểm hưng phấn mới. Những người này còn dùng phương thức khen anh có ác ý, họ bảo Vương Sóc khôn thật, thông minh đáo để, biết lúc nào chọn đối tượng nào để tấn công, họ bảo anh biết nắm bắt thời cơ, chọn đối tượng cũng sành sỏi, anh biết thời cơ này đánh đối tượng này quả là một phát trúng liền, trăm phát trúng cả trăm. Thứ hai, có người lại bảo, Vương Sóc đã hết tài rồi, nên lại gắn sự việc anh phê bình Kim Dung vào chuyện anh viết lời tựa cho Ngải Ðan, là muốn tìm người thừa kế sáng tác cho mình, làm cho tiểu thuyết viết theo lối của anh có người nối tiếp, đời nọ truyền cho người kia mãi mãi. Xem ra chỉ cần những ai đã từng lội dòng nước đục trong văn hoá đại chúng, đột nhiên định nhấc chân tháo chạy ra khỏi nó, thì cũng không phải chuyện dễ, giống như muốn trở thành ngôi sao, cỡ anh chị trong văn hoá đại chúng cũng khó lắm. Mình đã trở thành ngôi sao hoặc cỡ anh chị của đại chúng, thì cũng không phải anh muốn làm gì thì làm. Văn hoá đại chúng sẽ tạo khoảng cách nói xấu cũng như khi tâng bốc anh, ví dụ như những ngón tôi vừa nói, anh xào lại mình anh đã sức cùng tài tận. Lối nói này từ trong xương tuỷ của nó có một thứ hết sức độc ác.
Vương Sóc: Tôi cảm thấy những điều chúng ta nói không mâu thuẫn. Ðây là những chuyện do cơ chế của bản thân văn hoá đại chúng tạo thành, tôi cảm thấy đây là người tiếp nhận, hay gọi là "thụ chúng", "thụ chúng" mà tôi nhận định là thế này: đều thuộc diện họ cho là thông minh. Anh ta cảm thấy ánh mắt mình nhạy bén y như cái kim xuyên nhìn một cái là thấu bản tính của anh ta, thật ra là anh ta phỏng đoán liều, thậm chí cố ý dùng thủ pháp này đưa anh vào tròng. Trước kia tôi cũng đã sử dụng thủ pháp này, đó là cách làm đê tiện sai lầm. Không nói việc vừa xảy ra, mà nói xa hơn, dùng những thứ vớ vẩn, nó là môi giới truyền thông đại chúng, nó sẽ như vậy cứ đẩy từng bước bất kỳ một cách nói nào đến chỗ cuối cùng làm tới mức bạn không thể không giải thích, không thể không tự biện bạch. Còn có cả cách nói đê tiện hơn thế, đó là họ bảo tôi tại sao lại làm như vậy, đánh Kim Dung chắc chắn có tư lợi đen tối ở đằng sau.
Sự truyền bá của văn hoá đại chúng có hai đặc điểm: nó đã truyền bá đi là đặc biệt có ý nghĩa, một chuyện lần đầu tiên truyền đi dường như còn đôi chút nguyên vẹn, còn sát chủ đề, không đến nỗi bậy bạ vung tí mẹt như tin đồn vỉa hè. Tiếp theo là truyền tin lần hai, lần này thì xuyên tạc bóp méo hoàn toàn , nhưng sự truyền bá của văn hoá đại chúng chỉ có ở trong lần truyền bá thứ hai này mới được hoàn thành thật sự nếu không thì không phải truyền bá của văn hoá quần chúng. Một khi nó đã bóp méo lại cộng thêm các lời đồn đại, các tin vỉa hè thì nó bắt đầu từ tác phẩm, từ sự việc chuyển sang các lời phỏng đoán đối với con người này.
Ðầu tiên anh ta phỏng đoán động cơ của anh đã, việc này có thể cung cấp không gian tưởng tượng cho đại chúng, sau đó nó đem những thứ phỏng đoán và tưởng tượng chế biến thành đủ kiểu biến hoá không lường như vậy mới làm cho những thứ này trở thành những thứ vui đùa rôm rả của mọi người trong lúc rỗi rãi sau khi ăn cơm uống nước. Cứ thế mở rộng ra hết lớp này đến lớp khác, làm cho những thứ này luôn luôn được nhào nặn thành trung tâm câu chuyện do chính nó tự động phục chế. Tôi cảm thấy cái này có ý nghĩa ghê gớm, ngẫm nghĩ kỹ, thấy ý vị vô cùng.
Lão Hiệp : Có thể cụ thể hơn một chút nữa, lấy một câu chuyện nào đó làm ví dụ, hoặc cứ đem luôn bản thân anh ra mà chần thử xem nào.
Vương Sóc: Câu chuyện anh vừa nhắc lúc nãy, chúng ta nói gồm thôi, ví dụ sự việc giữa tôi và Kim Dung chẳng hạn, giả thử chuyện này chỉ giới hạn ở chỗ tôi nêu ra câu hỏi, rút cuộc thì tiểu thuyết của Kim Dung có hay có tốt không ? Bởi vì tôi viết bài đó là nhằm vào mục đích này. Tôi cho rằng tiểu thuyết của Kim Dung không hay không Hồng Kông, Ðài Loan, nhưng, chỉ riêng chuyện này cũng chẳng có gì bàn lắm, bàn dài trong sự truyền bá của văn hoá đại chúng. Nó không cho phép tranh luận tốt hay xấu, hay hoặc dở, càng không được nói tranh luận có tính câu chuyện. Vậy là nó liền bắt đầu chuyển đổi trọng tâm câu chuyện, thì câu chuyện mới tiếp tục nói được, người nghe mới nói về tiểu thuyết của Kim Dung đã chuyển sang một chủ đề khác như: Anh ta nêu câu hỏi, vâng, anh chỉ trích tiểu thuyết của học thuật Kim Dung không hay, không tốt. Vậy thì tiểu thuyết của Kim Dung không hay không tốt ? Anh bảo với mọi người, Kim Dung là một trong "bốn tầm thường lớn" của Hồng Kông, tiểu thuyết của ông ta dở òm. Vậy anh cũng chẳng là thứ tốt đẹp gì cho cam, cũng chỉ là một trong mấy tầm thường lớn của lục địa. Thật ra, bài báo của tôi chỉ nói về tiểu thuyết của Kim Dung, nhân thể nói một chút về văn hoá Hồng Kông và Ðài Loan. Tôi hoàn toàn không có ý định đem tiểu thuyết của mình ra so sánh, để nói người khác không tốt, còn mình tốt. Nếu thế thì chẳng đê tiện lắm sao ? Ít nhất, thì tôi còn chưa đê tiện tới mức ấy. Lại nói tiếp đến chuyện đổi chủ đề của tuyên truyền đại chúng. Nội dung thứ hai của anh, anh bảo của người không ra gì, thì của anh cũng không ra gì. Sau đó có ngay chủ đề thứ ba: Anh bảo người ta không hay, là vì anh viết chẳng cái gì hay, anh đã sức tàn tài tận. Chính vì anh đã sức tàn tài tận, mới nhảy một cái dãy chết, cuối cùng. Nếu họ không nói anh tài vẫn còn tâm không chết, thì nói anh tài chết tâm vẫn sống. Tiếp theo chủ đề sức tàn, tài tận. Họ lại nói đến việc anh ra viết ra lời, để tự cố giữ cho được thanh danh của mình trong đại chúng. Anh chưa chắc đã chèo chống được trước một cục diện mới. Như thế vẫn chưa hết, nó lại còn chuyển đổi nội dung câu chuyện, nói tiếp, có thể anh có ân oán ân nhân gì với Kim Dung, nếu anh mượn bộ máy tuyên truyền đại chúng để báo thù cá nhân vân vân và vân vân. Nghĩa là cách xào xáo câu chuyện. Ðấy chính là nó. Cơ chế này của nó hết sức rõ nét, trong bất cứ tình huống nào, nó cũng phải giữ cái này, nhằm giữ cho được sự chăm chú theo dõi thấy luôn luôn tươi mới. Chỉ cần có được sự quan tâm chú ý của đại chúng, thì tuyên truyền có lạc đề đến mấy, có tổn thương đến người ta tới mức nào cũng mặc kệ. Sự tàn nhẫn của truyền bá văn hoá đại chúng cũng là ở chỗ này. Vì sự ồn ào nông cạn, khinh bạc, đều có thể đưa người vào chỗ chết.
Lão Hiệp: Thứ độc ác này không chỉ bóp chết sức sáng tạo, tính độc đáo của cá nhân, mà còn huỷ diệt anh về tinh thần, thậm chí tiêu diệt anh về thể xác, như Nguyễn Linh Ngọc.
Vương Sóc: Nó có thể truyền đi như truyền tin vỉa hè. Tại sao tin đồn truyền đi nhanh hơn cả, bởi vì có thể tính chất ở trong đó quá nhiều thứ, như vừa thoả mãn thú vị hời hợt của nhiều người, lại vừa có thể trút được sự độc ác nhân tính, sự độc ác của người xem, sự độc ác của kẻ mừng thầm, khi người ta gặp tai hoạ.
Lão Hiệp: Thứ văn hoá đại chúng này, một là sự tự chế biến của nó, nửa kia là người tiếp nhận của nó, tự chế biến là để lấy lòng người tiếp nhận.
Trước đây ai ai cũng nói vì một lý tưởng cao cả tốt đẹp, ta có thể không từ thủ đoạn, cho dù có tạo ra địa ngục trần gian. Bây giờ, để tô hồng, bợ đỡ cái tầm thường, vì mục đích thấp hèn, cũng không từ thủ đoạn, cho dù có thiêu cháy cả lục phủ ngũ trạng của con người. Văn hoá đại chúng hiện nay, văn hoá đại chúng ở Trung Quốc, vừa mới tìm được lý tưởng của mình - tìm vì lý tưởng hoặc vì mục đích này, nó có thể tô hồng bợ đỡ cái tầm thường một cách không từ thủ đoạn. Vương Sóc, anh đã từng là một viên tướng ngang ngửa ở trong đó. Trong quá trình truyền bá này của nó, nó không phân tích cẩn thận, không nói một cách có trách nhiệm như xét đến cùng sự kiện này là chuyện gì. Nó không nói lý đâu, không nói gì hết, cũng không cần chứng cớ gì để bước đến là đậy nắp quan tài đóng đinh trước đã, hơn nữa kết luận theo kiểu ra tay trước. Cứ làm mạnh, không cần phải luận chứng này, mà nghe thấy nghe càng rợn tóc gáy càng tốt. Ví dụ nói anh sức tàn, tài tận; nói anh là thằng tù thì ai cũng chú ý hơn cả việc nói anh chạy ra khỏi trại tập trung của văn hoá đại chúng. Hay nói anh lấy việc này để chèo chống cho uy tín đã có của mình. Cho nên, nó mới nói anh đã tìm ngôi sao đại chúng này làm đối thủ để công kích. Trên thực tế là có thứ lôgíc này của văn hoá đại chúng. Ðó là khuấy nước đục, làm ầm ĩ rùm beng, không có bất cứ thứ lôgíc nào cả. Nó không nói không có điểm hưng phấn nữa. Ví dụ, anh bảo tiểu thuyết của Kim Dung không hay, thì nó lại nói tiểu thuyết của anh cũng không hay. Nó sẽ không nghĩ đến chuyện, khi một người phê bình tiểu thuyết của người khác thì họ không có liên quan gì đến tiểu thuyết của chính anh ta viết. Nói một cách nghiêm chỉnh là hai thứ lập trường, nhưng nó bỗng chốc đem những mối quan hệ không lôgíc khác nhau này gộp thành một cục. Nếu anh đem lý lẽ này ra nói với nó, nó sẽ bảo trong tiềm thức của tiểu thuyết hay, mà sức tàn tài tận như anh, thì có tư cách gì mà ngông nghênh phê bình đại hiệp sỹ Kim Dung. Nó bảo những thứ của anh viết không bằng rắm chó, lại định đốt đuốc để người ta chú ý đến mình. Nó công kích bàn tán đến những chuyện linh tinh vớ vẩn khác, mục đích là để thông qua bôi xấu ác ý đối với anh để thu hút sự quan tâm chú ý của người nghe. Từ chỗ nói tiểu thuyết của anh viết dở òm, nó nói đến con người anh hoàn toàn không được, anh không ra gì. Là vì anh viết ra những thứ thiu thối, lại còn bắng nhắng nói thế này thế khác, anh không có tư cách nói thế này thế khác. Thực tế, tôi cảm thấy lối truyền bá của văn hoá đại chúng mà anh vừa nói là một thứ hết sức võ đoán. Nó đưa ra kết luận, không chừa bất cứ khoảng trống nào đối với một "nhân vật" của công chúng. Nó bắt anh phải leo lên vách, đứng chênh vênh, đằng trước phía sau đều là vực thẳm, anh đành phải đi theo lối sự chế biến của nó. Cuối cùng, anh cũng thành một phần tự chế biến đó.
Vương Sóc: Ðúng thế. Cuối cùng chắc chắn nó sẽ đi tới chỗ công kích nhân thân, chưa đạt mục đích quyết không buông tay. Nó cứ từng nấc áp sát anh, đầu tiên, nói tới tác phẩm của anh; sau đó, nói tâm lý của anh, sau đó nữa; nói anh đã sức tàn, tài tận, cuối cùng, thậm chí vạch cả những thiếu hụt sinh lý của anh. Thứ công kích nhân thân này, chúng ta chỉ tập trung nói trong phạm vi văn hoá đại chúng. Thật ra, tôi thấy mấy năm trước cải tạo, có những cơn sốt văn hoá, cơn sốt học thuật. Người ta đã tỏ ra hăng lắm, trong các cuộc tranh luận học thuật, cảm giác cứ bừng bừng, nhưng cuối cùng, đi đến chỗ công kích vào cơ thể con người. Bởi vì các cuộc thảo luận thời đó, đại chúng không tham gia, đều là giữa các nhà văn hoá, nhà phê bình có tên tuổi, đều là những người có tiếng là trí thức lớn và trí thức nhỏ. Nhưng giữa họ với nhau chỉ cần tiếp xúc một cái, ý kiến một cái, cho dù là tiếp xúc trên báo và tạp chí chuyên ngành, nếu thời gian kéo dài, là đều đi theo xu thế kiểu văn hoá đại chúng, biến thành các cuộc công kích nhân thân giống như văn hoá đại chúng. Chỉ đi đến nhân thân, chuyện ấy mới trở nên ầm ĩ rôm rả, có ý nghĩa, mùi thuốc súng mới sặc sụa, đậm đặc, để dinh luỹ của các bên, các phái mới phân rõ. Về lý luận, thì trong anh có tôi, trong tôi có anh. Nhưng trên thực tế, thì anh là anh, tôi là tôi.