© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.8.2005
F. A. Hayek
Con đường dẫn tới chế độ nông nô
Nguyễn Quang A dịch
 1 
 
Lời người dịch

Bạn đọc cầm trên tay quyển thứ 7 của Tủ sách SOS2 do chúng tôi chọn và dịch ra tiếng Việt. Nó được F. A. Hayek viết hơn sáu mươi năm trước, trong thời kì đầu của Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, và được xuất bản đầu tiên tháng 3 năm 1944. Chủ đề muôn thuở của cuốn sách là quan hệ giữa tự do cá nhân và vai trò kinh tế của nhà nước, giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa chuyên chế.

Về ảnh hưởng của cuốn sách này bài “The Road to Serfdom–50 Years On”, History Today, London, May 1994 viết: “Ngày 10-3-1994 kỉ niệm năm mươi năm xuất bản cuốn The Road to Serfdom của F. A. Hayek, cuốn có thể được cho là quyển sách chính trị duy nhất có ảnh hưởng nhất đã từng được xuất bản ở Anh trong thế kỉ này. Thực vậy, The Road to Serfdom đã có một ảnh hưởng sâu sắc lên các thế hệ kế tiếp nhau của các nhà trí thức và chính trị gia như The Communist Manifesto [Tuyên ngôn Cộng sản], được viết gần một thế kỉ trước vào năm 1848, đã có”.

Nguồn gốc của cuốn sách có thể thấy trong các cuộc tranh luận học thuật của các năm 1930, sau Đại Suy thoái, giữa một bên là những người chủ trương tự do kinh tế, mà đại diện là Lionel Robbins, và F. A. Hayek của Đại học Kinh tế London, và một bên chủ trương vai trò mạnh của nhà nước trong kinh tế, mà người đứng đầu là John Maynard Keynes.

Cuốn sách đã gây cảm hứng đồng thời gây tức giận dữ dội cho rất nhiều trí thức, học giả, chính trị gia và bạn đọc nói chung trong suốt sáu mươi năm qua. Và số người bị nó chọc tức ngày nay đã chẳng còn mấy.

Với các độc giả Việt Nam cuốn sách vẫn có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ mang đến cho chúng ta những hiểu biết sâu xa liên quan đến nội dung các cuộc tranh luận lâu đời về các mối quan hệ giữa tự do cá nhân và vai trò kinh tế của nhà nước, giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa chuyên chế xảy ra ở Châu Âu sáu bảy mươi năm trước đây, mà cũng có thể cho chúng ta những gợi ý để suy ngẫm về diễn biến ở đất nước này (và ở các nơi khác) suốt trong gần sáu mươi năm qua. Như đã nói, cuốn sách đã không chỉ truyền cảm hứng mà cũng đã làm lộn tiết nhiều người ở Châu Âu và Hoa Kì. Nó có thể cũng vậy ở Việt Nam. Tôi mong những ai bị nó chọc tức hãy bình tâm đọc kĩ lại nó, và hay nhất hãy tranh luận và bẻ gãy lí lẽ của nó bằng lí lẽ của mình, nhưng đừng nên thoá mạ nó một cách hàm hồ.

Mười năm trước một cuốn sách như cuốn này khó có thể được xuất bản ở Việt Nam. Nay nó đến được tay bạn đọc chứng tỏ đã có sự đổi mới to lớn ở đất nước này.

Cuốn sách không chỉ bổ ích cho các chính trị gia, các học giả, mà cũng rất bổ ích cho các các nhà báo, sinh viên và những người quan tâm khác.

Mọi chú thích đánh số đều là của tác giả, các chú thích đánh dấu sao (*) là của người dịch.

Do hiểu biết có hạn của người dịch, bản dịch chắc còn nhiều sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và chỉ bảo. Mọi góp ý xin gửi về Tạp chí Tin Học và Đời Sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25 / B17 Nam Thành Công], hoặc qua điện thư thds@hn.vnn.vn, hay nqa@netnam.vn.

Hà Nội 12.2003


Toàn văn, bản PDF (881 kB, 113 trang)


Nếu không có Adobe Reader™ để đọc bản PDF, xin bấm vào


© 2005 talawas