© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.12.2003
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Phần III
Khó sống với những người trí thức


1. Ai đã tạo ra khủng long văn hóa

Vương Sóc: Hiện nay có một đám học trò choai choai hung hăng, xông vào mổ xẻ danh nhân, không chỉ lên lớp cho Dư Thu Vũ, Vương Mông, mà còn bê bục giảng đến tận cửa nhà các bậc thầy lớn, tài cao đức dầy, muôn miệng một lời như Tiền Chung Thư. Theo cảm giác, thì Tiền Chung Thư học vấn cao lắm, thanh cao lắm, từ chối cái này cự tuyệt cái kia, hình thức không bợ đỡ cái tầm thường như Dư Thu Lý, như tôi.

Lão Hiệp: Tiền Chung Thư có học vấn, cũng rất thanh cao. Ðài báo hay đưa tin, ông yêu ai mến ai, còn cự tuyệt lối xào xáo của cơ quan môi giới văn hóa đại chúng Trung Quốc. Tạp chí "Người con phương Ðông", cử nhà báo đến phỏng vấn ông cũng đóng cửa không tiếp. Ông còn từ chối lời mời của các trường Ðại học có tiếng tăm ở nước ngoài, cho dù là Havớt, Oxford cũng không đi. Nhưng chính vì sự từ chối này lại biến thành một kiểu khai thác xào xáo khác. "Ðại ẩn sĩ sống ẩn dật thành phố", lời cổ huấn này lại có được một con người trong thực tiễn đương đại. Càng ẩn càng nổi, càng từ chối càng có cái tên đẹp là nhân cách thanh cao. Sách lược sinh tồn này đã có truyền thống mấy ngàn năm ở Trung Quốc, sách vở ghi chép. Lịch sử lâu dài bao nhiêu, thì truyền thống ẩn sỹ thành danh lâu dài bấy nhiêu. Tôi không hiểu, rút cuộc thì văn hóa ẩn sỹ này là gì - Tất cả ẩn sỹ đều rất nổi tiếng, hơn nữa đều là loại thanh cao như "Cây tùng, cây bách sống lâu trong giá lạnh khô cằn".

Vương Sóc: Không hiểu làm sao tôi cứ cảm thấy trong truyện này, như là thứ cố tình cố ý.

Lão Hiệp: Theo tôi Tiền Chung Thư từ chối như vậy là điểm mù về nhân cách, hay nói một cách khác ngông nghênh tới mức tột cùng, thậm chí tới độ trong suốt. Mọi người đã bê ông lên vị trí "Tiền học" một cách không sao hiểu nổi. Ông đã tưởng thật, cho mình là nhà học vấn lớn nhất của Trung Quốc, thậm chí của cả thế giới. Ông ấy ngông nghênh tới mức ngay đến những trường Ðại học cao cấp như Havớt, Oxford đến mời mà không đi. Nhưng theo tôi, một học giả dù sao cũng phải có sự kính nể chứ. Những nơi như Oxford, Havớt đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhà bác vấn lớn, nhà tư tưởng lớn nhà khoa học có ảnh hưởng đến tiến trình trong lịch sử loài người. Một người có học đi vào thánh điện học thuật này, phải như tín đồ đi vào nhà thờ, nếu anh là một học giả. Hơn nữa, lý do từ chối của ông Thư là, người ta nghe không hiểu học vấn của ông. Việc đi dạy học ở Oxford, Havớt là đàn gẩy tai trâu. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc đã suy tôn thần nhân cách không việc gì là không làm được. Một con người nếu là bậc thánh hiền, thì cái gì cũng làm được, tiến có thể bình thiên hạ, lui có thể tu thân tề gia, mọi giới hạn đều không có. Nhà văn có thể trở thành người có thẩm quyền hội hoạ hoặc âm nhạc. Nhà vật lý học có thể ba hoa xích thổ về quyết sách kinh tế. Kết quả đã khuấy lộn tùng phèo, nát bét.

Vương Sóc: Nói thế thì hơi quá.

Lão Hiệp: Thứ khinh miệt này của ông Thư đã cho tôi một cảm giác, hình như trên thế giới này chỉ có ông ấy nghe, hiểu được học vấn của ông. Còn lại tất tần tật đều là văn nhân học đòi phong nhã, hoặc lưu manh hạng bét. Tôi bỗng dưng muốn hỏi, Tiền Chung Thư ông là ai, thưa ông ? Ông cho rằng ông là ai ? Ông có thứ gì có thể khiến ông cao ngạo tới mức, ngông nghênh tới mức, đứng trên vách núi chênh vênh "Lọt vào mắt toàn là núi bé xíu" ? Người có học mà trong lòng không có sự kính nể, thì hoàn toàn không viết ra được tác phẩm hay. Sự kính nể này là mình ban cho mình. Khi anh cầm bút viết, phải luôn luôn cảm thấy có một cặp mắt nhìn rõ từng sợi lông tơ đứng ở trên tầng cao, ra lệnh cho anh phải giữ lòng thành thực và khiêm tốn về tri thức.

Vương Sóc: Hình như Khổng Tử cũng tự phụ như thế, đã "leo lên Thái Sơn thì thiên hạ lọt trong tầm mắt". Tôi nghe nói Tiền Chung Thư đúng là có học vấn, biết một số ngoại ngữ, đã đi khắp năm châu bốn biển, thông hiểu đông tây.

Lão Hiệp: Ông Thư có học vấn, nhưng không có tư tưởng, lại chẳng có phương pháp sáng tạo độc đáo. Tác phẩm "Quản Chuỳ Thiên" thống của ông ấy chẳng qua là bài bia mộ truyền thống chú kinh, bắt đầu từ đời nhà Hán ở Trung Quốc. Có câu thường nghe nói: Từ sau Tiên Tần trở đi không có "Tử". Lịch sử tư tưởng, lịch sử học thuật Trung Quốc, sau khi trăm nhà đua tiếng, là một pho lịch sử không ngừng tiêu hao trí tuệ vào việc chú kinh. Sau năm 49 trở đi, từ chú Khổng Tử chuyển sang chú chủ nghĩa Mác. Xét từ góc độ chú kinh (nấu sử sôi kinh), thì Tiền Chung Thư có thể coi là số một. Vì một mâm cỏn con lông gà, vỏ tỏi cũng phải tìm cho được gia vị tây ở khắp bốn biển năm châu. Ông ấy bảo người khác nghe không hiểu, vậy thì bài "Quản Chuỳ Thiên" của ông ấy, thôi quách không muốn để anh hiểu cứ nói đi nói lại những lời thừa, khoe chữ, khoe đọc nhiều sách một cách chui cả vào, xó xỉnh sừng bò, hễ viết hễ nói là tương ra hàng đống trích dẫn từ nguồn này nguồn kia. Nghe nói thi chọn nghiên cứu sinh, ông Thư cũng đòi phải biết 5 thứ tiếng nước ngoài, tôi không biết đây là chiêu nạp nghiên cứu sinh hay là mượn đó để khoe khoang rao bán... ngôn ngữ trời cho. Ông Tiền Chung Thư có phương pháp không ? Không có ! Có tư tưởng sáng tạo ban đầu không ? Càng không có. Sự ra đời của "Tiền học" rất buồn cười, tôi không hiểu những người bưng bát cơm "Tiền học" nghiên cứu cái gì. Truyện "Vây thành" chế giễu phần tử trí thức. "Tiền học" là sự trào phúng lớn nhất đối với học thuật Trung Quốc. Trên bình diện phát hiện tư tưởng, thì vốn trí tuệ của giới nghiên cứu "Tiền học" bằng không. "Vây thành" cũng là cuốn tiểu thuyết chua ngọt, người ta đâu có tung nó lên chín tầng mây.

Vương Sóc: Tôi không hiểu lắm sự sâu sắc huyền bí của học vấn, nhưng kinh nghiệm đọc "Vây thành" của tôi hết sức tương tự với đọc tác phẩm của Dư Thu Vũ. Ðều là đầu tiên nghe nói hay như thế nào như thế nào, dở ra đọc, thì văn tự mê người, đem đến cho con người một trực giác: ông này có học vấn. Nhưng khi bạn lại đọc sâu thêm, tầm nhìn mở rộng thêm một chút sẽ cảm thấy con người này đang chơi hoa, công phu mê người ở bề ngoài thì sâu như vậy, thật ra bên trong không có gì. Ông ta chỉ khoe học vấn và hứng thú của ông ta, ông ta đâu có muốn nói một chút gì nghiêm túc.

Lão Hiệp: Tôi đọc cuốn đầu tiên ở Tiền Chung Thư là "Ðàm nghệ lục". Vừa dở ra đã có cảm giác, đúng như người lần đầu lội nước đứng trước biển, cứ tưởng mình chắc chắn không bơi nổi, hoặc phải bỏ ra vốn sống cả đời mới bơi được một nửa, không bị chết đuối đã coi là phúc lớn. Nhưng đọc xong rồi, thì ngoài việc chuyện nọ xọ chuyện kia và dùng mũi nhọn sừng trâu chọc vào người ta, không khơi gợi mở mang cho bạn được bất cứ điều gì. Tôi lại tìm đọc khắp lượt bài viết của Tiền Chung Thư, phát hiện không có bài nào có thể gọi là cảnh tỉnh cho người. Phương pháp bình chú kiểu cảm ngộ trong thơ, từ truyền thống Trung Quốc có đầy đủ trong "Nhân gian từ thoại" của Vương Quốc Duy.
Vương Quốc Duy không những có học vấn, mà tư tưởng cũng có tính chân thật. Học vấn của ông chân chất thực tế, song không có chút khoe khoang, linh tính của ông sôi nổi, hăng hái, song không hề nông cạn, tính tình của ông cảm hóa lay động con người. Có thể lấy mạng sống hy sinh cho một nền văn hóa sắp chết. Ðiều này khiến tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Lỗ Tấn: Người dám đỡ xác của kẻ phản bội khóc nức nở, mới là rường cột thật sự.

Vương Sóc: Một số lời ca ngợi về Tiền Chung Thư, kể cả hồi ức của Dương Hồng, phần lớn đều nói về số phận hẩm hiu của Tiền Chung Thư trong "Cách mạng văn hóa". Nhưng cảnh ngộ trước đó của ông ấy vẫn tốt, còn may mắn hơn số phận của nhiều người. Nhưng hai vị đức cao, vọng trọng này dường như không hề nhắc đến giai đoạn đó. Về cảm giác, thì từ sau năm 49, họ đã nếm trải mọi nỗi khổ, hơn nữa dù khổ lớn mà không thù sâu, một cách tiên, danh lợi mờ nhoà.

Lão Hiệp: Danh lợi mờ nhoà của ông Thư là đem ra cho xã hội xem, đồng thời lại là một sách lược sinh tồn, đã im thin thít trước bất công xã hội và khổ đau hoạn nạn, lại nhào nặn mình có nhân cách như thần ở Trung Quốc. Ðứng trước nhiều tai họa khổ đau và vô liêm sỉ như vậy, mà ông ta tỏ ra im lặng dường như đã trở thành một đức tính tốt đẹp, một thứ lương tri. Nhưng theo tôi im lặng không những không phải đức tính tốt đẹp, mà trái lại là một thứ vô liêm sỉ khôn khéo - Một sách lược sinh tồn. Mặc dù là nhà học vấn to đến mấy, một khi đã quá yêu quý bộ lông của mình, thì sẽ mất lương tri.

Vương Sóc: Nghĩ tới danh ngôn của Lỗ Tấn, nói thế nào nhỉ, hình như là im lặng ơi im lặng, không bùng nổ trong im lặng, thì sẽ chết trong im lặng. Nhất là đối với anh chị em trí thức, im lặng tức là chết.

Lão Hiệp: Mấy năm nay trong giới trí thức có một luồng tư tưởng hết sức không công bằng thẳng thắn, đối với người đã chết cứ khen tơi tới, nặn ra những vị thần nhân cách mới. Ví dụ lối xào xáo có liên quan đến Trần Dần Khác.

Vương Sóc: Hình như còn một người nữa là Cố Chuẩn.

Lão Hiệp: Cố Chuẩn khác hẳn Trần Dần Khác.
Một lần trong cuộc hội thảo kỷ niệm Cố Chuẩn, một số học giả trẻ và có tuổi không phục Cố Chuẩn, nói lý luận của Cố Chuẩn đã lạc hậu từ đời tám hoánh rồi. Kỷ niệm Cố Chuẩn không phải đưa lên vấn đề lý luận, mà là vấn đề giữ vững trong nghịch cảnh, trong hoàn cảnh hết sức ác liệt như vậy, Cố Chuẩn đã viết ra những tác phẩm đó, thay những người khác, trí thức có nhiều đến mấy, lý luận có uyên bác sâu sắc đến mấy, vị tất đã viết ra được những tác phẩm đó. Phùng Hữu Lan mang tiếng là một bậc thầy, nhưng thử xem từ sau năm 49, nhất là trong "Cách mạng văn hóa", ông ấy đã viết những gì, toàn là rác rưởi. Lương tri và lòng kiên nhẫn của Cố Chuẩn, lòng thành thật về tri thức của ông ấy, không chỉ thời ấy, mà ngay lúc này, các văn nhân học giả to nhỏ lớn bé cũng không ai có được. Những học giả trẻ và đứng tuổi coi khinh Cố Chuẩn, về tri thức có thể nói là thông hiểu Ðông Tây, nhưng về mặt làm người thì không hề biết gì. Họ dùng tri thức thời đại mở cửa để đánh giá thấp Cố Chuẩn, không khỏi là thứ máu lạnh quá đấy. Chu Học Cần đã viết bài về việc này, rất đau đớn, rất tức giận.

Vương Sóc: Những năm 80 rất sôi động về mặt tư tưởng, cũng rất hiếm có lòng thành thật như Cố Chuẩn.

Lão Hiệp: Số phận của Trần Dần Khác thì lại khác, ca ngợi Trần Dần Khác thì hầu như muôn người một lời. Các học giả trẻ và có tuổi ai cũng lấy Trần Dần Khác ra học đòi làm sang, học đòi phong nhã. Hầu như người nào không ca ngợi Trần Dần Khác mấy câu, thì người ấy là kẻ lòng lang phổi chó. Tôi đã thấy những lời thơ của một số học giả trẻ và có tuổi viết ca ngợi Trần Dần Khác. Trần Dần Khác có học vấn, cũng có tính kiêu ngạo, nghiên cứu lịch sử của ông có nhiều ý kiến hay, có cống hiến, nhưng thơ từ của ông quả tình tôi chẳng thấy hay bao nhiêu. Bài "Liễu như thị biệt truyền" cũng hoàn toàn không xuất sắc cho lắm. Nhưng một số học giả trẻ và đứng tuổi thì khen tất tốt xít cả sử, cả người lẫn thơ của ông, như việc khen "Hồng Lâu Mộng". Về cảm giác, thì phàm những văn nhân ở tầng lớp trên có chút ít tiếng tăm đều có viết về "Hồng Lâu Mộng" bàn về văn tự trong "Hồng Lâu Mộng" của Lưu Tâm Vũ thì hận rằng, và đến bãi nước bọt trong sách, cũng cố tìm cho ra nghĩa lớn, trong lời nói nhỏ nhặt. Học đòi phong nhã đến nước này thì một tác phẩm sau khi đã được khen như thế, cũng không còn là tác phẩm nữa. Nó đã bị chà đạp nát bét, trở thành cái thùng rác. Cái lối học đòi phong nhã, bám víu kẻ quyền quý của giới trí thức Trung Quốc, song song với việc tạo ra những quân tử giả tạo, cũng tạo ra những cái thùng rác. Khen người ta tới mức không thành người, mà ở Trung Quốc lại không có Thần thì anh bảo anh ta thành cái gì, thùng rác. "Hồng Lâu Mộng" đâu có ưu trí tới mức chữ nào cũng là hòn ngọc trai. Tào Tuyết Cần hay khoe văn vẻ của ông ấy, hơi một tý là mở thi xã, anh một bài, tôi một bài, chẳng có mấy bài đọc được, chỉ dài dòng văn tự, chiếm quá nhiều khuôn in.

Vương Sóc: Kiểu khen bèo bọt này của giới học thuật không có tình cảm, không có tính tình, mọi người đều học đòi phong nhã chơi trò văn học, cuối cùng, đã khen người ta tới mức mặt mũi người nào cũng đáng ghét. Sau năm 49, Lỗ Tấn bị tâng thành Thần, một cái thùng rác to tổ bố, bao nhiêu thứ rác cũng chất cả lên thân Lỗ Tấn. Nghiên cứu Lỗ Tấn bao nhiêu năm nay phần lớn đều là rác. Cố nhiên chuyện ấy có nguyên nhân về hình thái ý thức, bây giờ xem xét, thì học đòi phong nhã cũng khó tránh bị quy trách nhiệm, nọc độc còn đến bây giờ. Người không có liên quan đến học vấn như tôi, tỏ ra ác cảm với Lỗ Tấn cũng là do những rác rưởi ấy tạo nên. Rất nhiều thanh niên đều có cảm giác như tôi. Ngày xưa Lỗ Tấn nói độc ác nhất không thứ nào tệ hại hơn là "tâng bốc lên để giết".
Số phận ở đàng sau bản thân ông đã ứng nghiệm lời mắng chửi ngày nào của ông.

Lão Hiệp: Nhưng những người tín ngưỡng thật sự thì phần đông đều bị quên lãng, bị ghẻ lạnh. Lâm Chiêu, năm 1954 vào khoa báo chí Ðại học Bắc Kinh, năm 1957 đã trở thành phái hữu bị cải tạo lao động. Bà là người từ chối không nhận tội trong số hơn 50 vạn người, năm 1960 bởi tham gia "Tập đoàn nhỏ chống Ðảng chống cách mạng" mà phải vào tù, năm 1962, được "bảo lãnh ra ngoài chờ thẩm tra", tháng 12 cùng năm ấy lại vào tù lần nữa, mang cái án 10 năm tù giam. Ngày 29 tháng 04 năm 1968 bị bắn chết. Bà đã từng chất vấn phía trường Ðại học Bắc Kinh "khi Thái Nguyên Bồi dạy học ở trường Ðại học Bắc Kinh năm nào đã từng khẳng khái ngang nhiên đứng ra bảo lãnh thả tự do cho những sinh viên bị bắt thời "Ngũ tứ" trước chính quyền quân phiệt Bắc Dương, còn các ông thì sao" ? Trước khi qua đời bà còn viết một cách tự tin "Lau đi! Lau đi! Ðây là máu đấy!" nhưng bà đâu có biết, vết máu của người chết bởi tai hoạ rất dễ chùi đi.

Vương Sóc: Vẻ bợ đỡ của người có văn hóa ở Trung Quốc là từ lúc còn bé đã thấm vào tai mắt, vốn có từ cội nguồn, truyền hết đời này sang đời khác, dài dằng dặc. Không chỉ liếc mắt đưa tình với kẻ quyền quý, với đại chúng, mà giữa những người văn hóa với nhau, thứ bợ đỡ ấy cũng sướt mướt đáo để, dào dạt mạnh mẽ ra trò.

Lão Hiệp: Trong tiểu thuyết của anh có một tình tiết thế này, một học giả, hoặc nhà thơ, hoặc danh nhân văn hóa, có một lũ học sinh choai choai lạ hoắc, lần đầu tiên gặp ông ta, rụt rè cung kính gõ cửa, bước vào một cái là cứ khen lấy khen để rối rít tít mù cả lên, ông giáo nọ bỗng dưng choáng váng, tối tăm mặt mũi. Vừa giờ anh nói, Lỗ Tấn đã bị huỷ hoại bởi sự "tâng bốc lên để giết" mà ông đã từng nguyền rủa trước khi cải cách mở cửa. Trong cái thùng rác Lỗ Tấn này, toàn là các vị anh hùng cách mạng. Một khi đã cải cách mở cửa, thì bên trong thùng này có một ít thứ có giá, nào hộp nước giải khát, nào kẹo cao su, biết đâu, còn có cả những loại như tủ lạnh, ti vi màu, máy tính điện tử nữa. Thời đại không có quần mà mặc, thì bợ đỡ người ta bằng tâm linh vô tư, sang thời đại có mức sống trung bình thì bợ đỡ người bằng sự phung phí của kẻ lắm tiền.
Thường thấy trên báo chí đăng các bức thư của thằng em Ba Kim gửi chị cả Băng Tâm, có cả Tiêu Can nữa, cái thứ vuốt ve nhau ấy gần với anh Bảo và em Lâm. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy trong những bức thư ấy có tình cảm chân thật, chất phác, dường như viết thư thăm nhau chỉ là để môi giới qua báo chí khoe khoang những gì đó với xã hội. Trong lớp người lão thành thì Vườn Nguyên Hóa tỏ ra chân tình hơn, ông nói lại đời sống trong Vương Thanh Hoa hồi còn trẻ, những tình cảm trong sáng, sảng khoái hít thở không khí tự do ngày nào, là những năm tháng đáng được quý trọng nhất của đời ông. Bố mẹ ông dạy học ở trường Ðại học Thanh Hoa, đều là tín đồ đạo cơ đốc, không bao giờ can thiệp vào đời sống của ông. Còn có cả ông già Lý Thận, là một người có lương tri hiếm thấy trong số những người già thế kỷ hiện còn sống. Từ trong văn của ông còn thấy được những tình hình, chân thật, những suy nghĩ say sưa nồng nàn... Nếu nói thứ tình cảm giữa Băng Tâm và Ba Kim còn có đôi chút hơi hướng sỹ đại phu giữa trai tài, gái giỏi. Ðến lớp người như Lưu Tâm Vũ và Vương Mông thì sự khen nhau mang dáng vẻ bợ đỡ nhau trắng trợn.
Nhà xuất bản văn nghệ "trăm hoa" đã từng cho ra đời một quyển sách những nhà có tiếng tăm bàn về những nhà có tiếng tăm. Hàng lô xích xông những văn nhân đỏ, anh nói tôi giỏi, tôi nói anh càng giỏi, quả thật đã tới mức không biết xấu hổ.

Vương Sóc: Có một số lời khen cũng không hoàn toàn do trách nhiệm của bản thân các ông bà già thế kỷ. Rất nhiều bài viết tâng bốc liên quan đến các con "Khổng long văn hóa", đều do những người trong gia đình sai khiến ở đằng sau. Viết truyện phải qua sự đồng ý của gia đình. Kiểu canh cửa này có khi còn nghiêm ngặt và hà khắc hơn sự thẩm duyệt của hình thái ý thức, thậm chí chỉ được ca ngợi, không được phê bình.

Lão Hiệp: Thứ bảo vệ giữ gìn này là một mối quan hệ lợi ích. Rất nhiều cuốn mang tiếng là truyện ký danh nhân, nói một cách nghiêm chỉnh, thì không còn là truyện nữa rồi, mà là con em và những người trong gia đình họ đã cố ý viết "đồ cổ" của gia đình họ thành kiểu như thế, nhằm bảo vệ lợi ích đã có được của chính bản thân.

Vương Sóc: Tổ tông đã để lại cho một thứ "đồ cổ" có giá trị như vậy. Vẫn còn một vài vết nứt, nhất định phải hàn gắn tử tế lại, chớ có làm vỡ. Tôi cảm thấy những gia đình này hết sức ngu xuẩn, không nề hà mệt nhọc, cứ dứt khoát phải nhào nặn "đồ cổ" nhà họ thành nhân vật rất vĩ đại mới được. Không biết tại sao họ nghĩ như vậy. Hình như có làm thế mới để tiếng thơm muôn thủa. Ví dụ như Thư Ất, suốt ngày ăn bố anh ta (Lão Xá), quả thật là một nhà văn học rỗng tuyếch.

Lão Hiệp: Không chỉ rỗng tuyếch, mà còn rất tham lam, ép cám đến khô, chỉ còn bã, vẫn cứ xơi. "Báo cuối tuần phương Nam" ngày mồng 3 tháng 12 đăng một bài về ông Ba Kim, hay nói một cách khác viết về việc chữa bệnh của ông Ba Kim trong bệnh viện. Nhưng cái tít thì to kinh khủng - "Một linh hồn thuần khiết - viết về Ba Kim trong cơn bệnh". Tôi không biết vì sao tác giả không trực tiếp dùng vế sau "Viết về Ba Kim trong cơn bệnh" để làm đầu đề bài báo, mà cứ phải lắp bằng được mấy chữ "Một linh hồn thuần khiết" vào đằng trước. Cứ làm như viết thế mới có thể cứu được người già trong bệnh hoạn. Ðã có chuyện hẳn hoi, mà không nói tử tế, lại cứ nói hão, nói luyên thuyên. Lối khen này là một thứ đã được thể thức hóa, đã trở thành định thế tư duy của dân tộc. Trình tự một khi đã khởi động, thì không sao dừng lại được nữa. Cho dù người được khen mặt đỏ, tim hồi hộp, kêu to, ngắt máy, thì cũng không có tác dụng. Nó nhất định phải hoàn thành trình tự dây truyền đã định. Phải cho ra hết những từ vựng thành thánh, thành tiên đã cho vào, nếu không cỗ máy sẽ không dừng.

Vương Sóc: Ðấy gọi là khen tận vào trong cái chết, khen sống lại người đã chết mượn xác hoàn hồn, khen đến chết người đang sống. Tấm bia lớn đó, công tích vĩ đại đó, kiệt tác đó còn mãi mãi.

Lão Hiệp: Khỏi cần nói đến "lương tri", "cao sang" ngay đến lòng thành thực tối thiểu nhất để làm người, đối với người dân một nước mà nói, cũng là thứ hết sức xa xỉ, chúng ta không thể vung vãi được. Sợi dây tận cùng này không dễ dàng giữ vững lắm đâu. Nói dối là chứng ung thư thần kinh của nhiều người. Không biết nói dối có nghĩa là không thể sinh tồn. Nói dối an toàn, nói dối một vốn vạn lợi là tay không tóm được sói trắng. Học cái khác còn khó hơn leo lên trời, học nói dối, học vô liêm sỉ hoàn toàn không phải dạy. Một thứ vô liêm sỉ có sẵn từ trong máu nuôi thai của mẹ. Thời kỳ đại nhảy vọt, từ góc độ khoa học, một nhà khoa học nào đó đã lập luận chứng minh rằng thóc sản lượng cao có thể đạt tới hàng vạn cân, chục vạn cân. Sự không thành thực về trí thức này là sự vô liêm sỉ lớn nhất. Trong cuốn "Xã hội mở cửa và kẻ thù của nó". Pope bàn đến, triết học Hegel. Ông nói, thành công của Hegel là sự bắt đầu của "thời đại không thành thực" và "thời đại vô trách nhiệm". "Ban đầu là không thành thực về tri thức, sau đó làm một trong những kết quả của nó, là vô trách nhiệm về đạo đức. Cho đến khi xuất hiện một thời đại mới, bị khống chế bởi một sức mạnh của ẩn ngữ và một phép ma thổi phồng, khuếch đại". Pope đã dẫn chứng một số quan điểm về Khoa học tự nhiên trong triết học Hegel và đi đến kết luận Hegel ngay đến thường thức của Khoa học tự nhiên tối thiểu cũng không hiểu, song lại cấu tạo ra được hệ thống triết học tự nhiên đồ sộ. Hơn nữa Hegel biết rành rành mình giả tạo về mặt tri thức tự nhiên, song ông ta vẫn nâng hiện tượng giả này lên tới mức bản thể luận và phép biện chứng. Sự vô liêm sỉ lý tính này cũng là nguyên nhân Hegel rất có thị trường ở Trung Quốc.

Vương Sóc: Thành thực về tri thức và có trách nhiệm về đạo nghĩa là giới hạn của một nhà văn. Giới hạn là ở đây. Nếu giữ không được, cho dù để lùi một bước cũng đi toi.

Lão Hiệp: Nửa bước cũng không được, thậm chí gót chân chỉ hơi động đậy là có thể đổ bể toàn tuyến. Then chốt của giới trí thức Trung Quốc không phải là vấn đề lý luận mà là vấn đề thành thực. Ðây là giới hạn cuối cùng, là sợi dây ở đáy. Thiếu dũng khí ở đạo nghĩa có thể thông cảm. Sự thành thực về trí thức, một khi đã mất đi, thì thượng đế cũng không cứu nổi chúng ta đâu. Thật sự vững vàng trước bài viết của mình hãy để cặp mắt sắc bén nhìn vào cây bút của mình. Tự ghép mình vào khuôn khổ, như thế là lương tri. Ðiều đáng tiếc là loại người này hầu như chết hết. Nhiều năm trước, trong một cuộc hội thảo ở trường Ðại học Bắc Kinh, có một nghiên cứu sinh đã nhắc đến Phùng Hữu Lan ngày nào cũng chống cái ba toong đứng ở bên hồ. Vị danh vào lúc sáng sớm, nhìn về phương Ðông, chờ đợi mặt trời mọc gì đó. Người học trò này đã cảm động bởi các bóng sau lưng, cung kính nghiêm túc của Phùng Hữu Lan. Thật ra hình thức này chỉ là một dáng vẻ cố tạo ra để người khác nhìn vào, ông ấy biết cái dáng này rất quyến rũ mê hoặc một số người. Nếu trong lòng ông ấy có sự kính nể thật, cho dù là kính nể đối với mặt trời mọc, đối với đại tự nhiên, thì ông ấy cũng sẽ không cố ý lẩn tránh bạn học cũ, bạn bè cũ của ông mà đi sang ấn Ðộ trong những năm 50. Sẽ không viết ra rác rưởi triết học, dùng trong cung đình nhiều đến như vậy. Sẽ không có chân trong ban sáng tác thời "Cách mạng văn hóa". Trong triết học của mình, giới hạn nhân sinh mà ông nêu lên đã thành thánh, thành thần, song trong thực tế lại không có bất cứ sự giữ vững nào. Mà người Trung Quốc, thì hết sức khoan dung đối với loại học giả này, giống như khoan dung đối với người im lặng. Nhưng kiểu khoan dung này, hoàn toàn không phải khoan dung thật sự, mà là sự bao che cho nhau của những người thương nhau, bởi cùng mắc một căn bệnh. Tôi rất yêu mến ông Tông Bạch Hoa, ông già này chỉ hào hứng thích thú nghệ thuật. Ông là người tỏ ra phản đối với danh lợi địa vị nhất trong số các giáo sư có tiếng tăm ở trường Ðại học Bắc Kinh. Việc ông thích làm hơn cả là đi xem triển lãm tranh đẹp. Chỉ cần có là ông tự xách túi, chống gậy, lên xe ca chở khách đi luôn, không bao giờ xin nhà trường cho xe con chở đi. Cảm ngộ của ông đối với đặc trưng của nghệ thuật Trung Quốc, thì các nhà mỹ học hiện có, không ai có thể so sánh với ông được. Ðoạn hay nhất bàn về nghệ thuật Trung Quốc trong cuốn "Lịch trình mỹ học" của Lý Trạch Hậu, toàn bộ lấy từ Tông Bạch Hoa. Sau khi có Tông Trạch Hoa thì Dư Thu Vũ còn cố đấm ăn xôi đi viết "Cuộc du hành vất vả của văn hóa". Chắc chắn ông Vũ chưa xem tác phẩm của Tông Bạch Hoa, hoặc xem rồi không cho là thế.

Vương Sóc: Nhưng phái học viện lại hết sức hà khắc đối với những người giữ vững ý chí ngấm vào xương tuỷ, tương tự một đồng minh của những kẻ yếu, không dám húc đầu vào bức tường thật, ngược lại đã dùng dao chọc thủng bức tường giấy bồi. Cứ thế lâu dần ý thức chính nghĩa của giới trí thức Trung Quốc trút cả lên thân cừu hoặc lợn, kiên cường bất khuất trước bầy kiến và dung tục đê tiện trước một con hổ, cũng không biết bao nhiêu là trí thức như thế đều đi đâu hết cả.
Một khi đã biết nhiều chữ thì con người trở nên hẹp hòi ti tiện. Hễ họ mở mồm ra là thượng đế bật cười.

Lão Hiệp: Thượng đế không bật cười mù quáng đâu. Sự đê tiện của một số người trong giới trí thức Trung Quốc, thì ngay đến thứ trò chơi đáng bật cười cũng khó chơi. Trung Quốc chỉ có người đọc sách, nhưng không có người trí thức. Trải qua gần một trăm năm vỡ lòng, phổ cập kiến thức mới và mở cửa, vẫn thua kém Tư Mã Thiên và Trang Tử trong lịch sử. Hai ông này là người tỉnh táo hiếm thấy trong số người đọc sách của Trung Quốc.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002