© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.12.2003
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Phần III
Khó sống với những người trí thức


3. Người đáng thương tất có chỗ đáng hận

Vương Sóc: Tôi nghe tin mấy năm gần đây, có một loạt người trẻ tuổi mới nổi lên. Hết sức sắc sảo, yêu người này mến người kia, và đã "quại" khắp lượt những "khổng long văn hóa" tài cao đức trọng. Anh có biết những người đó không ? Họ như thế nào ?

Lão Hiệp: Tôi đã đọc tác phẩm "Băng và lửa" của Dư Kiệt, nghiên cứu sinh của trường Ðại học Bắc Kinh, có danh hiệu là "Văn học ngăn kéo", tôi rất bái phục những người trẻ tuổi này.

Vương Sóc: Anh bái phục ai nữa không ?

Lão Hiệp: Tôi bái phục họ trẻ như vậy mà tính toán như vậy. Họ biết xuất kích như thế nào, ai nên diệt, ai nên khen. Họ đặt thuốc nổ vào người nào, tặng hoa hồng cho người nào; trong lòng rõ mồn một về mặt biểu hiện thì họ tỏ ra quyết liệt mạnh mẽ, căm ghét cái ác như kẻ thù, thể hiện rất rõ đạo đức và chính nghĩa; rất thành thực, rất có học vấn. Trên thực tế ta chỉ thoáng nhìn một cái, là những cái đuôi nhỏ xíu kia tự dưng lòi ra hết. Những người mà ta định diệt đều không có liên quan với anh ta về lợi ích sát sườn. Những vị sắp xuống lỗ và xuống lỗ từ đời tám hoánh, không có bất cứ ảnh hưởng có tính thực chất nào về vận mệnh cả anh ta trong tương lai, nhất là về địa vị của anh ta trong giới trí thức. Thế là anh ta liền đâm cho một nhát, không đau cũng chẳng ngứa, và không định nói điều gì thật sự cả. Còn đối với những người thầy trực tiếp liên quan đến lợi ích sát sườn, đến địa vị và tiền đồ học thuật của anh ta, những người có quan hệ đến những ai có tiếng nói quyết định ở trường Ðại học hiện nay, thì anh ta ra sức ca ngợi, tâng bốc họ giỏi giang. Dáng vẻ bợ đỡ này chỉ có ngòi bút của Lỗ Tấn mới miêu tả sống động được. Trong tác phẩm "Băng và lửa" của Dư Kiệt, ngoài mấy thầy giáo của anh ta ra, thì những người còn lại đều bị diệt. Trong đó có một bài "Tính khí của thầy", khen Trần Bình Nguyên, Trương Minh, Vương Nhạc Xuyên. Những chàng học trò trẻ tuổi này khi khen ai, thì không còn tìm ra được những từ mới nữa, nào là "một trong những nhà văn sử kiệt xuất nhất Trung Quốc đương thời" hơn họ được. Nào là trong thư trao đổi học thuật của vợ chồng thầy giáo, đã "toát lên niềm sung sướng và dịu ngọt của mối tình tâm đầu ý hợp", nào là "Tiên sinh" từng một mình bước lên lầu cao, nhìn tường tận con đường ở cuối trời, biết ở đằng sau nghĩa địa chưa hẳn là hoa tươi...", "Cứ cuốn níu trái tim tôi lâu lắm"; nào là sức hấp dẫn đặc biệt của thầy, như ấm trà thầy pha cho học sinh, "làm cho học sinh ngửi mùi thơm biết là thầy"; nào là trước khi nghe thầy Vương Nhạc Xuyên giảng bài, thì "đã nghe tên thầy từ lâu", thầy Xuyên không những giảng bài rất hay, làm cho học sinh chăm chú lắng nghe, mà ở giảng đường Ðại học của những năm 90 cứ việc "ngủ thoải mái, đọc sách giết thì giờ và nằm mơ ban ngày", thầy Xuyên đã "lần lượt thắp cháy lên" những cặp mắt lờ đờ của học sinh. Kết thúc bài văn lại nâng lên tầm cao của các bậc đại nho chí sỹ trong lịch sử với tình thầy trò trong "Luận ngữ" và lời ước nguyện "Thầy trò một đảng, gió lạnh máu nóng, tẩy rửa vũ trụ" của những người trong Ðảng Ðông Lâm. Những lời nịnh bợ giật gân bóng bẩy này và sự hung hăng muốn lột "da Tiền mục" của Dư Kiệt,... vừa vặn tạo nên sự so sánh tươi rói, rõ nét. Lòng phẫn uất, quyết liệt của anh ta, đánh đòn vào các xác chết, đã trở thành trò hề trong sự xiểm nịnh. Không chỗ nào là anh ta không đem ra dùng cho bằng hết. Ðối với học giả có thể trực tiếp ảnh hưởng đến vận mệnh của anh ta đang lên như mặt trời ban trưa trong học viện của giới trí thức hiện nay, thì anh ta hoàn toàn không đả động gì đến. Anh ta mới có hai mươi mấy tuổi đầu, tuổi đời còn nhỏ nhoi như thế, vừa bước vào giới văn hóa, mà đã ma ranh như một con buôn, hay như là một chính khách sừng sỏ từng trải bể dâu.

Vương Sóc: Nhuần nhuyễn hơn nhiều so với lúc tôi mới bước vào đời. Thế còn Lưu Tiểu Phong thì sao ? Mấy năm gần đây tôi thường nghe người ta nhắc đến ông ấy.

Lão Hiệp: Lưu Tiểu Phong cùng Vương Nhạc Xuyên và Vương Nhất Xuyên là bạn học ở trường Ðại học Bắc Kinh. Ông ta chủ yếu làm công việc của Ðạo cơ đốc, đã ra nước ngoài từ rất sớm, hiện sống ở Hồng Công. Ðiểm tựa để phê phán văn hóa Trung Quốc của ông ta là Ðạo cơ đốc của phương Tây. Ông ta lấy Ðạo cơ đốc làm vật chuẩn. Nắm nhược điểm trong truyền thống của Trung Quốc có một điều hết sức quan trọng, là không có một nguyên nhân siêu việt và hết sức thực dụng. Một dân tộc, một con người không có một thước đo phi thực dụng. Họ tự ghép mình vào khuôn khổ, hoặc người khác ghép mình vào khuôn khổ, nên họ không có một giới hạn nào cả, việc gì cũng dám làm, và tạo ra mọi hung tàn, giả dối và trăm thứ trò hề xấu xa. Văn hóa phương Tây bắt đầu từ Aurelius Augustinus đã xây dựng cho tự ý thức của con người một thước đo tuyệt đối. Chính dưới thước đo thần học này, đời người mới có tội ác chồng chất, nhược điểm của nhân tính mới nổi bật lên, con người mới có thể tự phản tỉnh ở trong lòng mới sinh ra sự kính nể. Tâm lý học hiện đại của Sigmund Freud và các lý luận về cái ác của tính người cận và hiện đại của phương Tây đều đến từ nguyên tội trong thần học này. Hall nói người với người là chó sói, Sartre nói người khác là địa ngục. Blaise Pascal và Montaigne cũng đều lấy thước đo của thần học để nói về nhược điểm của nhân tính. Quan điểm của Davil Hume hay hơn cả, ông ấy nói, con người một khi đã đi vào xã hội, đi vào quan hệ quần thể và đời sống chính trị, thì chế độ thiết kế phải xây dựng trên giả định như thế này: Mỗi con người đều là một tên vô lại, điều mà nhân loại có thể làm được về mặt chế độ, không phải là bồi dưỡng hoặc tạo ra một cái thiện cao to hoàn mỹ, mà cố gắng giảm cái ác của nhân tính xuống mức nhỏ nhất. Chế độ của loài người không thể tạo ra con chiên, nhưng có thể làm cho con người trở thành người giữ đạo đức, giữ kỷ cương bình thường. Phòng cái ác là việc thiện lớn nhất. Ngược lại, trong thiết kế chế độ từ Plato, qua Hegel đều lấy biểu dương cái thiện làm mục đích thì những thứ thực nghiệm xã hội đề cao tạo dựng thì nó cái thiện lại vừa vặn là cái ác lớn nhất. Phàm những chế độ chính trị có ý định cải tạo tính người, đúc lại còn người mới, thì những cái nó đem lại, chỉ có thể là sự sa đoạ phổ biến về nhân tính, chân không về đạo đức sau khi thể chế tập quyền tan vỡ, vừa đúng là kết quả tất nhiên của con người mới lý tưởng.

Vương Sóc: Ở chỗ chúng ta đây cũng đã từng có cuộc thí nghiệm đúc lại con người mới. Mà hiện nay, thì ở đâu đâu cũng đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ.

Lão Hiệp: Cái lối Ðạo cơ đốc của Lưu Tiểu Phong, là từ phê phán đối với truyền thống của Trung Quốc hiện đại. Nhưng ông ta còn hy vọng khai thác được tài nguyên để nối liền Ðạo cơ đốc với cái truyền thống "cứu vớt và ung dung không bị ràng buộc". Ông ta bàn về Khuất Nguyên là nhắc đến thử nghiệm này. Nhưng tôi cho rằng, trong văn hóa Trung Quốc hoàn toàn không có tâm tình tôn giáo, không có chủ nghĩa thần bí, mặc dù là văn hóa. Sở, hay là Nho, Ðạo, Phật về sau này, đều là chủ nghĩa thực dụng. "Ly Tao" của Khuất Nguyên là tác phẩm đầu tiên nhập tính thần bí, tính tà ma của văn hóa Sở vào đạo đức thế tục của nhà Nho. Phần thần thoại trong thơ của ông, hoàn toàn phục vụ cho việc phân chia danh giới đạo đức của loại người hiền và hôn quân tiểu nhân. Ý tưởng nào dành cho chính diện, ý tưởng nào dành cho phản diện. Văn thơ văn hóa sử quan Trung Quốc có một điểm hết sức tồi tệ, là biến tất cả những cái thần bí, những cái có sức sống nguyên thuỷ trong thần thoại và truyền thuyết xa xưa, thành một thứ chú thích lễ nghi nó chính trị hóa tràn lan, đạo đức hóa tràn lan, kết quả là biểu tượng phong phú đã biến thành tỉ dụ đơn giản; tình yêu trai gái đã biến thành "Ðạo đức của Hậu phi"; cuộc vật lộn giữa con người và tự nhiên đã biến thành phẩm giá đức minh quân, "ba lần đi qua cửa" mà không vào nhà. Văn nhân Trung Quốc thích khoa trương học nhiều sách, trích dẫn điển tích. Những điển tích này đều bị văn hóa sử quan Tiên Tần chú thích thành hình thái ý thức của kẻ thống trị, đã hoàn toàn cắt bỏ tính đa trùng của mở cửa. Trong lịch sử thơ ca Trung Quốc, "Ly Tao" đã mở ra một tiền lệ văn dĩ tải đạo tồi tệ. Văn hóa Sở đã bị Nho hóa, Tiên nữ đã bị trinh nữ hóa; đền thờ hóa các hiện tượng tự nhiên và đã bị đạo đức hóa. Bắt đầu từ Khuất Nguyên, các loại "cỏ thơm người đẹp" đã trở thành kỹ xảo sáng tác thuần thục nhất, nhằm lấy thơ trút cơn bực tức của văn nhân Trung Quốc. Tác phẩm "Thiên vấn" là tác phẩm đầu tiên đùn đẩy trách nhiệm của người trí thức Trung Quốc. Hỏi những vấn đề rộng khắp như thế, sâu xa như thế, chẳng qua là để truy cứu trách nhiệm ngoại tại cho bi kịch của mình. Nhưng lại không tự hỏi, "mình nên chịu trách nhiệm đến đâu". Thói tự tô hồng bản thân và ngang ngạnh "tất cả đều say một mình ta tỉnh" này, cũng là một đặc trưng của văn hoá Trung Quốc. Cho đến ngày nay vẫn như vậy. Còn có người nói trong "Thiên vấn" có dự báo Khoa học. Ðiều này chẳng phải như mọi chuyện một dạo rùm beng lên rằng, trong "Kinh dịch" có hệ thống luận, có khống chế luận; rằng bóng đá hiện đại là một nghề có nguồn gốc ở Trung Quốc đó sao ? Cứ thế hoá phép vơ vào và nhấn mạnh. Phàm những thứ gì tốt đẹp trên thế giới, Trung Quốc chúng ta đã có từ ngày xửa ngày xưa.

Vương Sóc: Gán ghép một cách khiên cưỡng.

Lão Hiệp: Nhưng sự láu cá của những người trí thức này hầu như đã trở thành một phản ứng có tính chất thân thể bản năng. Mặc dù lý luận của anh ta trang nghiêm đến mấy, nhưng hễ nhìn thấy người có ích đối với anh ta, gặp phải những việc có lợi cho anh ta, thì độ sáng của ánh mắt, sự vận động của cơ bắp trên nét mặt, mức co rúm khe khẽ trên mép, đều dồn cả về phía xiểm nịnh, bợ đỡ. Không được tin người ta nói điều gì. Ngôn ngữ có tính lừa bịp vào bậc nhất. Tôi tin phản ứng của thể xác. Ngôn ngữ có thể nói dối, chứ sự co rúm của cơ bắp không thể nói dối được. Trừ phi anh ta tu luyện tới trình độ biểu diễn của Charles Chaplin. Bậc tai to mặt lớn như Phàn Cương, Trần Khải Ca, khi làm kinh tế học thì tầm chương trích cú, điển nọ tích kia, lúc quay phim thì thiêng liêng trang nghiêm. Nhưng hễ lên Ðài truyền hình Trung ương, họ cứ làm toàn giọng đọc báo, thậm chí từ khuôn mặt, nét mặt, đến giọng nói, đều là báo chí, mà lại là trang đầu dòng đầu cơ chứ.

Nhân cách này hết sức quái gở. Ban đầu tôi cho rằng đây là nhân quyền song trùng, do lời nói dối có tính chế độ tạo dựng nên. Sau đó, Focus đã dạy tôi một từ gọi là "Chính trị học thân thể", hay nói một cách khác, vô liêm sỉ và dịu ngoan là thứ chảy ra từ trong máu. Không cần phải rắp tâm cố ý dạy bảo, không cần phải sắp đặt bày vẽ trước, anh ta biết là trường hợp nào thì biểu diễn ra sao, một phản ứng mà bản năng cơ thể đã có sẵn. Trước đây thường nói, thể xác là nhà tù của linh hồn. Song con người ở chỗ chúng ta đây thì ngược lại, linh hồn biến thành lao lung của thể xác. Linh hồn một khi đã thuần phục, thì sẽ biến thành phản ứng vô ý thức của cơ thể. Sau khi Trần Khải Ca quay xong bộ phim "Ðất màu vàng" thì trên mặt lúc nào cũng bê bết đất màu vàng.

Vương Sóc: Thật ra cái dáng vẻ cố tình lèo lái này của họ cũng hết sức khó khăn.

Lão Hiệp: Ðiều đáng buồn hơn cả, là người văn hoá Trung Quốc đã là nô tài mấy ngàn năm, làm kẻ tiếp tay nối giáo mấy ngàn năm mà không tự biết. Trong số người xưa chỉ có vài người tỉnh táo. Một người là Trang Tử, ông hoàn toàn tuyệt vọng đối với xã hội, văn hoá, chính trị và đời sống con người. Với dáng vẻ mệt mỏi chán chường, ông khinh bỉ con đường làm quan. Ông đã nhìn thấu sân khấu chính trị, đó là cái bệ thờ. Cho anh ra làm quan, chẳng khác gì đặt con bò lên bàn thờ. Trước khi dâng cúng, trang điểm cho con bò hết sức trang nghiêm, mà tất cả các công việc ấy chỉ là để anh trở thành con vật hy sinh cho tế lễ. Ba lần đến lều tranh mời anh xuống núi, cũng là để biến anh thành con tốt biên của quyền lực. Cho nên Trang Tử đã nguyện "Lấy trời đất làm quan tài, lấy mặt trời, lấy đại tự nhiên làm mồ chôn". Có bị con dế con kiến ở dưới đất ăn thịt, thì cũng càng giống cách sống của con người hơn là đi lên bàn thờ của sân khấu chính trị. Muốn sống nhẹ nhõm thoải mái, thì hãy làm một hòn đá máu lạnh.

Vương Sóc: Theo tôi, máu lạnh và sự tê dại của người có văn hoá, Trung Quốc cũng có liên quan với Lão Trang. Lỗ Tấn nhìn sâu nhất về điểm này. Thế còn hai người kia?

Lão Hiệp: Tư Mã Thiên đời Hán, ông ấy tuy là Sử Thái Công, nhưng vì có dính dáng tới vụ án Lý Lăng nên bị thiến. Quyển "Báo nhiệm an thư" thấm đầy nước mắt và tiếng khóc của ông. Ông nói, bản thân thì văn không thể vạch sách lược cho Hoàng đế, võ không thể chinh chiến ngoài sa trường vì Hoàng đế. Vai trò của mình chẳng qua chỉ là kẻ tôi tớ hầu hạ mà thôi, hay nói một cách khác, chỉ là những đào kép và con đĩ cao cấp được Hán Võ đế nuôi dưỡng. Nhưng những người trí thức sau này, ngay đến sự minh mẫn tỉnh táo tối thiểu tự biết này cũng không có. Ðọc được vài cuốn sách, hơi một tý họ đã định làm thầy vương giả.

Thật ra, trong con mắt của bọn vua chúa xưa nay chẳng coi các anh là gì cả. Ðường Thái Tông sau khi lên ngôi, khoá thi cử đầu tiên, nhìn thấy một đống tướng thí sinh quì trước mặt, ông ta đã cười ha ha mà bảo, anh hùng ở dưới gầm trời đã vào hết trong tay ta. Còn một người kia nữa là Kê Khang, tác phẩm "Thư tuyệt giao với Sơn Cự Nguyên" của ông, là bởi vì Sơn Cự Nguyên gửi thư đến khuyên ông ra làm quan. Ông biết rõ sự nguy hiểm độc ác của quan trường, càng biết rõ văn nhân làm quan có to đến mấy cũng chỉ là nô tài cao cấp mà thôi. Những người trí thức về sau này, đời nọ chẳng bằng đời kia. Giống như Vương An Thạch, Tô Thức, Chu Hy đời Tống, việc họ làm quan không có gì khác với việc làm thơ và làm học vấn của họ. Văn chương là nghiệp lớn của nhà nước cơ mà. Ba thứ bất hủ - lập công, lập đức, lập ngôn trong lòng thi sỹ đại phu chỉ là một, không có gì mâu thuẫn, nhưng đã bị một thứ nhân cách không có việc gì là không thể làm được, sai khiến.

Vương Sóc: Toàn là một giọng điệu đắc ý của nô tài và giọng ai oán không làm nổi nô tài.
Lão Hiệp: Ðúng! "Chớ coi ta là người". Anh không phải coi tôi là người, tôi còn biết sống thế nào, hơn nữa, còn sống một cách thú vị, mạnh mẽ, quyết liệt, thảnh thơi, thoải mái. Một khi anh coi tôi là người, thì trái lại tôi không biết sống thế nào, cứ bối rối lúng túng, cuối cùng nhảy xuống sông tự sát. Khuất Nguyên bị Sở Hoài Vương đuổi ra khỏi cung đình, là đã cho ông ta một cơ hội làm người. Ông ta có thể sống trong độc lập, trong chống đối, thể hiện lòng tự tôn của con người, song ông ta nghĩ không ra, đã nhảy xuống sông tự vẫn. Nỗi bi ai lớn nhất của kẻ nô tài là ông chủ không hiểu lòng trung thành của hắn ta. Niềm vui sướng hơn cả của nô tài là, ông chủ đặt hắn vào chiếc ghế thượng khách, bàn kế lớn điều hành đất nước, hoặc nói chuyện tri thức.

Vương Sóc: Những đêm có "giá" như thế, có lẽ lúc xuống mồ rồi cũng còn tiếp tục nhớ lại.

Lão Hiệp: Tôi cảm thấy những học giả Trung Quốc chỉ cần biết ai, ai đó muốn gặp anh ta, thì cả đêm anh ta không ngủ, cứ thao thức ngày mai ăn mặc thế nào, nói năng ra sao, khi bắt tay thì nét mặt nên thế nào cho thích hợp.

Vương Sóc: Chỉ có điều là không cứng cỏi mạnh mẽ lên nổi.

Lão Hiệp: Có đấy, Trần Dần Khác và Lương Thấu Minh.
Ðầu những năm 50, Bắc Kinh đã nhiều lần mời Trần Dần Khác từ Quảng Ðông lên Bắc Kinh làm giám đốc Sở lịch sử số hai. Ông nêu ra điều kiện trên, nếu không chấp nhận ông không đi, cuối cùng Trần Dần Khác đã không đi thật. Ở trường đại học Trung Sơn, ngoài một số lần bị đánh trong thời kỳ cách mạng văn hoá, về cơ bản ông được trên đối xử tử tế. Thời kỳ khó khăn đang nhảy vọt, Ðào chủ cầm chịch ở Quảng Ðông đã bảo vệ Trần Dần Khác cho hưởng đãi ngộ đặc biệt dành cho cán bộ cấp cao. Người khác thì ngay cái bụng cũng không được ăn no, riêng ông ấy thì được ăn trứng gà, thịt, đường... Trần Dần Khác đã trở thành tấm gương về nhân cách của những người trí thức Trung Quốc. Nhưng so với Weiyi nữ thánh hiện đại của nước Pháp thì vẫn còn kém. Weiyi là một con chiên của thánh triệt để, thuần tuý. Bà là bạn đọc của Sartre và Montaigne, tốt nghiệp trường Ðại học sư phạm Paris. Bà không phải tín đồ Ðạo cơ đốc, song lại có lòng thành đối với thượng đế và tình yêu đối với con người mà không có bất cứ tín đồ tôn giáo nào sánh kịp.

Bà là tăng ni khổ hạnh, hoà mình vào lớp người bên dưới, đi về nông thôn, đi vào hầm mỏ, và đã chịu đói, chịu rét đến chết. Lúc xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, bà chữa bệnh ở nước Mỹ, nhưng lương tri của bà không thể nào chấp nhận mức ưu đãi giành cho người bệnh như tại nước Anh. Bà vẫn khắt khe với mình, nhận mức ăn theo đúng định lượng như đồng bào ở khu vực bị địch chiếm đóng ở Pháp. Tháng 8 năm 1943 bà đã chết bệnh. Tôi cảm thấy tầng lớp trí thức ở nước Pháp kế thừa truyền thống đạo đức trong sáng của nữ Thánh. Thế hệ nào, đời nào cũng có lương tri xã hội cao thượng. Từ Zola đến Fous, tinh thần trách nhiệm xã hội mạnh mẽ, nêu cao chính nghĩa, nói thẳng nói thật ấy, vô cùng cảm động lòng người.

Nhưng ở phương Tây cũng có nhà văn lớn tự xưng là lương tâm xã hội song đã nói dối và lừa bịp một cách vô trách nhiệm. Vừa giờ nói đến loại người vô liêm sỉ đã im lặng trước sự bất công bất nghĩa, đó chính là Romain Rolland. Chẳng phải ông đã có một quyển nhật ký đi thăm Liên Xô "năm mươi năm sau thấy lại mặt trời là gì"? Năm mươi năm trước, Romain Rolland đã nhìn thấy chân tướng chủ nghĩa cực quyền Liên Xô, song e ngại vì tín ngưỡng của mình và danh dự của mình, đã cho nó vào lãnh cung. Hình như ông đã ý thức được sự giải thể của Liên Xô năm mươi năm sau. Sau khi Liên Xô giải thể, chẳng cần ông ta đứng ra vạch trần, thì chân tướng của thể chế cực quyền cũng đã bày sờ sờ ra trước bàn dân thiên hạ. Nhưng, khi mọi người đang cần hiểu rõ nhất chân tướng thời đại Stalin, mà anh lại im thin thít trước sự thật, tàn nhẫn biết chừng nào. Anh lại bảo vệ chân tướng của thể chế chuyên chế, không để người khác nhìn thấy. Ðây không những là có tội đối với những nạn nhân dưới thể chế đó, mà còn có tội đối với cả loài người. Chỗ vĩ đại nhất của Soljenyzin là ông đã xông vào chỗ hiểm nguy mất đầu, cống hiến cho thế giới "Quần đảo Gulage". Cái từ này đã trở thành đại danh từ của chính trị sự khủng bố của chủ nghĩa cực quyền. Giống như Auschwitz (trại tập trung lớn nhất của phát xít Ðức, xây ở phía Nam Ba Lan), đã trở thành đại danh từ chỉ việc giết người hàng loạt có tính diệt chủng của Hitler. Còn ông Romain Rolland là nhà văn nổi tiếng thế giới, một người theo chủ nghĩa nhân đạo, hoàn toàn có thể vạch rõ chân tướng mà không có bất cứ sự nguy hiểm nào đối với bản thân, song ông ta đã im lặng.

Cũng là nhà văn nước Pháp, song André Gide thì khác. Sau khi từ Liên Xô trở về, ông đã đăng tác phẩm "Từ Liên Xô trở về", công khai nói rõ chân tướng. Từ đó ông bị Stalin căm ghét, không còn bao giờ mời ông sang Liên Xô nữa. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, nhiều tri thức Phương Tây đã thất vọng đối với phương Tây, đi theo cánh tả, đến Liên Xô tìm xã hội lý tưởng. Nhưng chân tướng bị vạch trần từng bước, làm cho mọi người cuối cùng đã nhận rõ thực chất thể chế phản nhân tính Liên Xô. Là một nhà văn, mặc dù lý tưởng của mình là gì, thì ông Romain Rolland cũng phải công bố trước công chúng những điều mình đích thân trải qua, làm cho mọi người nhận ra sớm hơn sự phi nhân tính của chế độ đó. Ðây là trách nhiệm của ông. Nếu ông không im lặng, thì nhận thức về chủ nghĩa cực quyền sẽ được giác ngộ sớm hơn. Theo ý nghĩa này thì sự im lặng là dấu diếm, dấu diếm là lừa bịp, lừa bịp là có tội với lương tâm. Ông ấy đã che dấu chân tướng vì cái vòng sáng hướng từ chủ nghĩa nhân đạo của người tri thức cách tả đội vinh quang trên đầu mình. Nước Pháp thời bấy giờ chính là lúc có cuộc luận chiến giữa những người tri thức cánh tả với những người theo chủ nghĩa tự do cánh hữu. Nhật ký của Romain Rolland rõ ràng là không lợi cho phe cánh của ông ta. Vì lợi ích của phe phái, cũng vì cái vòng vinh quang trên đầu mình, ông ta đã che dấu những cái tàn khốc, kể cả cuộc nói chuyện với Stalin. Ðiều này vì mình quá thể. Ðiều khó hiểu hơn cả là khi Trung Quốc xuất bản nhật ký này, đã hết lời khen ngợi ông ta tài giỏi, lời khen này hoàn toàn vô trách nhiệm so với André Gide thì Romain Rolland chẳng là cái gì.

Vương Sóc: Cái giọng của ông ta nói chuyện với Stalin hết sức bợ đỡ, hơn nữa còn mang ý vị làm nũng: Chúng tôi tin sự giải thích của Ðảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân sẽ hiểu cho việc làm của các bạn. Tôi nhớ khi bàn đến vấn đề vị thành niên phạm tội, thiếu niên phạm tội, việc đem những người chưa đến tuổi trưởng thành ra xử án, ông Romain Rolland nói: Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của Chính phủ Liên Xô trước vấn đề này. Ông ta đã nghĩ trước vấn đề này, đã nghĩ sẵn lý do giết người cho bọn đao phủ. Ý ông ta là, tôi hỏi đồng chí vấn đề này, nghe sự giải thích của các bạn, là sợ người khác hiểu lầm các bạn. Tôi biết các bạn chắc chắn có nguyên nhân của các bạn. Những người không biết chân tướng sẽ không rõ. Các bạn nói rõ với tôi, tôi sẽ giải thích với họ, sẽ nói lại với họ thay các bạn, không để họ cứ như hũ nút, cứ lẫn cẫn mãi.
Trong khẩu khí này của ông ta có sự tàn nhẫn nối giáo cho giặc và bợ đỡ cho bọn đao phủ.

Lão Hiệp: Còn một quyển nữa viết về Gorky, nhan đề là "Truyện Gorky", tác giả định trả lại bộ mặt vốn có của Gorky, vừa có ý vị biện hộ thay Gorky. Nói nhiều tư tưởng và hành vi của Gorky không thích hợp với Liên Xô lúc bấy giờ. Nhưng Gorky có vĩ đại đến mấy, tôi cũng không thể không thông cảm với ảnh hưởng chủ yếu của ông trong việc hình thành bệnh sùng bái cá nhân đối với Stalin. Còn nữa, khi toàn thế giới còn hoài nghi chế độ cải tạo lao động phi nhân tính của Liên Xô, thì ông đã dẫn ba mươi mấy vị trí thức nổi tiếng đi thăm trại cải tạo lao động. Sau khi trở về, những chuyện nhìn thấy đều đều là giả dối, chỉ có một thiếu niên phạm tội nói với Gorky một số sự thật. Nhưng ông cùng với một số nhà văn khác viết những bài ca ngợi trại cải tạo lao động. Soljenyzin đã từng chỉ trích ông Gorky về việc này. Tôi cảm thấy chỉ riêng sự việc này, mặc dù bên cạnh có một số chi tiết về ông ấy không thích hợp lắm, ví dụ ông ấy bảo vệ một trí thức nào đó, đều không thể tha thứ. Một người trí thức, một nhà văn nổi tiếng thế giới, tự xưng là đại diện lương tri, tự xưng là "kỹ sư tâm hồn", trên vấn đề phải, trái to lớn này, một khi anh đã không có giới hạn thấp nhất là thành thực làm người, thì bất cứ một sửa chữa vá víu, vụn vặt nào đều vô ích. Romain Rolland là một trong số mấy người rất hiếm hoi từ nước ngoài đến chứng kiến thể chế cực quyền. Song ở thời kỳ chiến tranh lạnh, khi giới trí thức đang hỗn loạn, ông ta đã che dấu sự thật, che dấu suốt 50 năm, giới hạn thấp nhất kia của ông ta đã không còn nữa, thì có giải thích đến đâu đi chăng nữa cũng không có tác dụng. Lúc còn nhỏ đọc cuốn "Jean Christophe", còn có một ít ký ức tốt đẹp về ông ấy. Nhưng đọc xong cuốn nhật ký "50 năm sau mới nhìn thấy mặt trời" của ông ấy, thì con người ấy đã bị pass hoàn toàn trong trái tim tôi. Ông ta đã chết, tác phẩm của ông ta tôi cũng không bao giờ còn đọc. Bởi vì ông ta làm người đã không còn giới hạn thấp nhất.

Vương Sóc: Liệu có phải nói có người lẫn cẫn nhất thời ?

Lão Hiệp: Hai việc ấy khác nhau, năm 1949 anh lẫn cẫn, sang năm 2000 còn bảo mình lẫn cẫn, mắc lừa, thì chỉ là cái cớ. Cũng có người trí thức lẫn cẫn nhất thời. Ðùng một cái, xảy ra thay đổi lớn về chính trị, anh ta còn chưa hiểu ra làm sao. Thí dụ Focus, hiểu tường tận các tệ đoan của phương Tây. Ðoán chính xác như vậy, tiến công sắc bén như vậy. Nhưng khi xảy ra cuộc cách mạng tôn giáo ở Iran, trong sự đón rước long trọng của hàng triệu người, Ho-me-ni đã ngồi lên ngôi vua không mất một cây súng, hòn đạn. Những người phương Tây đã khiển trách cứ thể chế chính trị và tôn giáo hợp nhất của Hô-mê-ni là phi nhân đạo. Nhưng Focus lại xúc động biện hộ, còn sang cả Iran đích thân chứng kiến cảnh tượng tưng bừng đó. Tâm lý phản nghịch của ông ta đã uốn cong sức phán đoán và sức quan sát của ông. Còn một điều nữa tôi không giải thích nổi, một nhà triết học chống đối điển hình như Focus, thì học viện hàn lâm France là nơi điển hình được thể chế hoá quyền lực tri thức, là đối tượng phê phán của ông, Focus không nên vào học viện đó nhận phần danh dự, nhưng ông đã vào, đã nhận. Hơn nữa, trong quá trình giành giật vị trí này, ông đã cảm ơn những người ủng hộ, căm hận những người phản đối. Tôi thất vọng đối với chuyện này quá. Còn có cả Hemingway, bởi vì ông đề nghị Faulkner viết một chút gì đó cho tác phẩm "Ông già và biển cả" của ông. Faulkner đã không viết, từ đó ông đem lòng ghen ghét Faulkner.

Nhược điểm của loài người thì ở đâu cũng giống nhau.

Vương Sóc: Xét từ góc độ danh lợi, thật ra thử thách của Trung Quốc đối với những người tri thức không nhiều lắm, không bao nhiêu tiền, chỉ vài triệu, vài chục triệu. Mà cũng chẳng có bao nhiêu danh, như giải Booker, giải Goncourt, giải Pulitzer, giải Nobel... Anh cứ xem ông Quách Mạt Nhược: Có người bảo cuối đời ông đau khổ, tôi đã đến thăm gia đình ông. Úi giời cứ y như vương phủ, bảo ngồi trong vương phủ đau khổ, quả thật là xấu hổ, nếu là trong nhà giam thì nói thế còn nghe được. Ở trong nhà giam, nếu lúc ấy anh phải lựa chọn cái gì thì lựa chọn qua giãy giụa, đau khổ, tôi còn tin. Mỗi con người phải lựa chọn, khi đích thân sống trong cuộc. Không đứng trong cuộc anh hoàn toàn không thể nói đứng ở trong nhà giam như thế nào, như thế nào... Ông già Quách Mạt Nhược sống trong nhà riêng tốt như vậy, cứ làm như sống trong nhà giam ấy thôi. Trái lại, cái kiểu đê tiện hèn hạ này của người trí thức Trung Quốc vốn có từ trong bụng mẹ, trời sinh ra đã thế. Bây giờ cũng chẳng có sự đe doạ quá thể trực tiếp gì nữa, cũng không có lợi ích gì lớn cho lắm nữa, nhưng họ vẫn như vậy.

Lão Hiệp: Ðiều đáng buồn nhất là có nhiều người, vị trí tốt hơn chúng ta, địa vị cao hơn chúng ta, ảnh hưởng lớn hơn chúng ta, nếu họ đứng ra nói vài câu chân thật, cũng chẳng phải nhúc nhích cái thân, vặn vẹo cái lưng, nhưng cứ im thin thít.

Vương Sóc: Có lẽ bị những cơn ác mộng trước đây làm cho khiếp vía. Hễ nghĩ đến là rùng mình nổi gai ốc.

Lão Hiệp: Tôi cảm thấy không chỉ là nguyên nhân của bản thân họ. Một là đã được lợi, ăn của người ta rồi, thì cái mồm không thể nói cứng, cái tay cũng phải mềm. Hai là còn con em của họ nữa. Tôi đã đến thăm gia đình một thầy giáo. Vợ và các con cái của thầy, trông nom giữ gìn thầy hết sức cẩn thận, cứ như bê một thứ đồ cổ giá cao, chỉ sợ hơi sơ sẩy một chút sẽ rơi vỡ. Mọi việc đối với người già nua lẫn cẫn kể từ việc tiếp xúc với xã hội, con cái trong gia đình, người thân trong gia đình, cũng chắn ngang lối đi. Ai thì họ cho vào, vào bao nhiêu lâu; ai thì họ phải từ chối ngay ngoài cửa. Tất cả đều có sự tính toán hết sức tư lợi. Họ hết từ chối cái này lại cự tuyệt cái kia, nhưng họ chỉ không từ chối ông chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố nào đó, vị bí thư thành uỷ nào đó, đem bánh ga-tô đến chúc mừng ngày sinh, đem bánh ngọt và hoa đến chúc thọ, đem biếu tấm tranh chữ ngợi ca...

Vương Sóc: Những người thân trong gia đình ấy, như con sâu sống nhờ, y như cây tầm gửi. Họ sống nhờ vào cái thân thể khô gầy lép kẹp của người sắp xuống lỗ, đáng thương quá thể.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002