© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
3.1.2004
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Phần IV
Phim Trung Quốc học đòi phong nhã

1. Ðạo diễn có thể giữ vững cái gì ?

Lão Hiệp: Tôi còn nhớ anh đã từng cầm chịch đạo diễn hai bộ phim, một bộ là "Tao là bố mày", còn một bộ nữa có tên "Sống nhếch nhác quá thể". Cả hai phim đều không được thông qua. Xem ra, anh hợp tác với người khác cùng làm phim thì còn được chiếu, chứ khi một mình anh đứng ra làm phim, hoàn toàn theo ý bản thân, thì lại khác.

Vương Sóc: Ðúng vậy. Tôi có thể rút lui, tôi quay sang viết tiểu thuyết, thì ai quản được nào? Tôi ở trong đó, cuối cùng làm tới mức bản thân cũng mất cả hăng hái, mệt quá, vô vị quá, bị oan là đáng đời, xúi quẩy là tự chuốc lấy, cuối cùng tôi bỏ đi là chuyện tất nhiên. Một là trong lòng mình tôi không còn hăng nữa, hai là có sức ép bên ngoài buộc tôi rút lui. Phùng Tiểu Cương lúc bấy giờ khá đáng thương, anh ấy không rút lui, anh ấy cứ phải ăn cái bát cơm này. Làm đạo diễn đáng thương lắm, nếu anh muốn thích ứng với xã hội này, có cơm ăn, kiếm một ít tiền tiêu, vậy thì anh phải làm theo cái người ta ưa chuộng, làm một phim mà mừng tuổi bán vé có người mua, thị trường có người xem, cũng tăng thêm vài phần vui mừng đoàn kết, ổn định, đến với chúng ta đâu có phải dễ. Thôi, cứ tiếp tục làm đi, không có con đường nào khác đâu.

Lão Hiệp: Hay nói cách khác, làm đạo diễn phim ở đây, anh không thể làm chủ được bản thân, phải biến hoá thế nào đấy đón ý cho vừa lòng người ta.

Vương Sóc: Phải như vậy. Trong quá trình ấy có lúc không dễ chịu, không thoải mái, cảm thấy liệu có thể quay một cái gì khác, nhưng rất khó làm được. Những cái này còn là thứ yếu. Khi tiếp xúc với một số đạo diễn, tôi cảm thấy họ có một nhu cầu phải tiếp tục sinh tồn hết sức mạnh mẽ, có nghĩa là họ làm đạo diễn có tham vọng sinh tồn đặc biệt mạnh. Hơn nữa, giá thành sinh tồn của họ lớn, không như tôi, không có giá thành gì, một mình viết là xong. Giá thành sinh tồn của họ lớn lắm. Thật đấy, rất khốc liệt. Một bộ phim làm xong bị bỏ đi, hoặc không thông qua, thì anh có định làm bộ khác cũng kiếm đâu ra tiền. Bao nhiêu anh hùng hào kiệt lên voi xuống chó, năm ngoái còn phất như diều, sang năm nay chẳng phát nào nổ là đổ luôn, chấp nhận đạo diễn thất bại. Quay một bộ phim khó kinh khủng. Ở trường hợp này, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được sự khốc liệt của những ràng buộc hạn chế ấy. Thứ dũng khi mà anh nói, trong giờ phút then chốt, trước những lúc phải liều mình xông phứa vào, đầu óc nóng bừng lên một cái là xong ngay. Tôi không quay nữa đấy, muốn ra sao thì ra! Nhưng chỉ khi nhất thời ấy đi qua rồi, bản thân liền bắt đầu dằn vặt bản thân. Cùng làm việc với nhau, người ta ai cũng đang quay phim, riêng anh quay không được. Nếu anh cứ giữ vững quan niệm của bản thân thì không quay nổi. Vậy thì đành phải lùi, thoả hiệp! Ðối với những đạo diễn dàn dựng phim đón ý làm cho vừa lòng, xét từ góc độ đồng tình, thì tôi cho rằng họ bị đời sống ép buộc. Ðương nhiên, anh có thể bảo, tôi không làm nữa thì làm gì được nhau? Có người bảo, tôi không làm công việc này nữa, thì rút lui có sao đâu. Theo tôi rất hiếm có người như thế, về cơ bản không có, tôi rút lui được, là bởi tôi vốn là người viết tiểu thuyết, có đường lùi, nếu tôi cũng không viết tiểu thuyết, thì cũng rất khó nói đến chuyện đó. Phần đông đều là không có con đường nào khác. Về điểm này, tôi cảm thấy mình rút lui cũng rất khó có được ưu thế về nhân cách đối với họ. Tôi không thể nói với người ta: Anh xem tôi đây này, không làm nổi nữa thì tôi quay về viết tiểu thuyết, bọn họ ở lại tiếp tục làm thì sống cực nhọc vậy thôi. Bởi vì người ta có thể đúng là không có đường để rút lui.

Lão Hiệp: Biết rõ là cái vòng phải đón ý làm cho vừa lòng mà cứ đòi chui vào bằng được cơ chứ! Cứ nói trắng ra là thế này, không phải là vấn đề sinh tồn, mà là vấn đề thanh danh và tiền bạc mà ngành phim ảnh này đã đem tới, trên thực tế là lợi ích. Muốn sống không có sức ép về tâm lý, tự nuôi sống mình không khó lắm. Nhưng nếu muốn sống có một cái danh hão và hàng tệp, hàng chuỗi tiền xủng xoảng, thì đây ngoài việc đầu cơ khôn khéo ra, sẽ không có con đường nào khác.

Vương Sóc: Cho nên, trong điều kiện này, anh bảo điện ảnh có thể là cái gì. Nó không là cái gì hết. Anh có muốn cá tính hoá thì cũng chỉ là thứ dị dạng trong một yêu cầu phổ biến. Toàn bộ phim ảnh, tất cả mọi thứ đều là giả dối, hư ảo, tự tâng bốc, từ sau những năm 90, điện ảnh Trung Quốc không có phim nào hay chỉ có nơi hết sức cá biệt cục bộ, loé lên một tia sáng. Hiện giờ ai cũng bảo phim "Ðâm Tần Thuỷ Hoàng" của Trần Khải Ca không hay, theo tôi thì còn được. Tuy cách suy nghĩ của ông ấy ngay từ đầu đã sai, nhưng ông ấy vẫn giữ vững ý mình, định thể hiện một chút cá tính trong phim. Như vậy, chỉ có trong tình huống ấy ông mới có thể giữ vững cá tính. Tình huống thế nào? Ðó là những điều anh nghĩ, không cố ý bày mưu mà lại hợp với yêu cầu của người ta. Trong phim "Ðâm Tần Thuỷ Hoàng" có nội dung ca ngợi tinh thần dân tộc Trung Hoa, vừa vặn trùng hợp với vần điệu chính. Ngày xưa, đời cha ông chúng ta có tinh thần khảng khái lao vào cái chết, ca ngợi cái này hết sức trùng hợp với việc ca ngợi chủ nghĩa yêu nước. Sự trùng hợp này có thể thể hiện một chút cá tính hoá của bản thân. Người ta bảo Trương Nghệ Mưu đầu cơ, ai chẳng đầu cơ. Chẳng qua là đầu cơ tới mức hay hoặc dở. Trên một chừng mực nào đó, có thể tất cả đều là đầu cơ.

Lão Hiệp: Anh bảo những đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, là đạo diễn có tên tuổi ở trong nước và ngoài nước, đều được giải thưởng lớn quốc tế, đã từng có chân trong Ban chấm thi của ngày Hội liên hoan điện ảnh nổi tiếng quốc tế, người ta còn mời Trương Nghệ Mưu dàn dựng vở ca kịch "Tìm kiếm Bông hoa Lan", tiền cũng hàng mớ hàng đống. Tại sao không quay một bộ phim mình muốn quay? Theo anh liệu có phải đã thành đạo diễn nổi tiếng rồi, họ không cần nữa...

Vương Sóc: Sao lại không, theo tôi đó là việc không có giới hạn. Không phải vì anh nói gì ông ta dừng lại đâu, chí ít là suy nghĩ. Ở đây còn có một vấn đề, có thể trước kia họ cũng đi theo con đường đầu cơ mà có được. Hay nói cách khác, không phải ngay từ đầu vì họ đã giữ vững cái gì đó mới có được thành công hôm nay. Vậy trước kia ông ta đã đầu cơ như thế nào? Theo tôi đó là đầu cơ vào những quan điểm lưu hành. Thời đó, cái gì đang mốt thì ông ta quay cái đó. Thật ra, so với cách làm của Tạ Tốn, thì đại đồng tiểu dị, chẳng ai giữ vững cái gì thật sự. Ðiền Tráng Tráng thì khá ngang bướng. Các bộ phim ông ấy quay: "Tên cướp ngựa", "Lẫn lộn trên bãi sắn" dở òm, nhưng ông ấy bảo, mình thích thì mình quay, anh không cho tôi cái này, thì cái khác mình không quay đâu.

Lão Hiệp: Cuối cùng Tráng Tráng đã quay bộ phim "Diều xanh", không thông qua, từ đó trở đi ông ấy không bao giờ quay phim nữa.

Vương Sóc: Ðúng, trên chừng mực nào đó, anh có thể nói ông ấy còn giữ vững được mình. Những người khác, đừng có nói giữ vững lập trường của mình, giữ vững thú vị của mình, giữ vững quan điểm gì đó về mĩ học của mình, mà ngay đến MTV khêu gợi nhất, thấp kém nhất cũng làm được. Trần Khải Ca theo dõi và chỉ đạo nghệ thuật quay một bộ MTV "Quốc kỳ". Trẻ con nông thôn đi chân đất cầm lá cờ, từ trong ngõ của Thượng Hải chạy ra, sau đó là mọi người cầm cờ, nhân dân cả nước đều cầm cờ, một số người nào đó của Hông Công cũng vung vẩy cờ, sau đó các anh bộ đội biên phòng đi kéo cờ, lưỡi lê thành rừng, nét mặt trang trọng, bước đi đều tăm tắp, rồi đất rung núi chuyển.Tất cả những pha này lồng vào nhau, đan cài làm một, ai ai cũng trang nghiêm chăm chú vào khung cảnh chào cờ này, làm cho người ta cảm thấy nước mắt chảy vào tim. Anh bảo ông ấy không biết kích động tình cảm ư? Theo tôi, ông ấy biết quá đi ấy chứ. Trong MTV cùng loại, thì đây là loại phim kích động tình cảm nhất, mà tôi đã từng xem.

Lão Hiệp: Nghĩ lại, thì thật ra, ngay từ đầu họ đã kích động tình cảm, đã tình thơ ý tranh. Các phim "Ðất màu vàng", "Cao lương đỏ" hoàn toàn bị quan điểm thời thượng nhất của những năm 80 chi phối. Họ cần dùng một bộ phim khái quát lịch sử, biểu hiện sức sống của cả dân tộc. Cho nên từ dạo ấy, những cái mà họ coi trọng là khái niệm lớn và rỗng. Ðối với con người, họ vận dụng góc nhìn bao quát từ trên cao trông xuống. So sánh với bộ phim "Người đến từ Phong Cự" của Hầu Hiếu Hiền của Ðài Loan, thì họ quay chân thật mạch lạc, là bộ phim hay nhất, trong các phim quay về lớp trẻ của người Trung Quốc. Sự quan tâm của Hầu Hiếu Hiền đối với con người là một thứ bình đẳng, cụ thể gần gũi, thật sự chĩa ống kính vào trước mặt con người để quay. Còn Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu thì dùng kỹ xảo điện ảnh của nước ngoài để đóng tình cảm lãng mạn giả tạo, tôi gọi là "tình cảm lãng mạn đất màu vàng", "tình cảm lãng mạn cao lương đỏ". Thời ấy, họ dùng thủ pháp trữ tình đậm đà, mạnh mẽ để mặc sức nói dối thiên hạ. Người nước ngoài đến Trung Quốc phần đông đều đi xem đồ cổ Trường thành, Trương Nghệ Mưu liền dùng điện ảnh để xây dựng một bức tường thành tinh thần của người Trung Quốc. Trường thành là cái gì? Có trí tuệ gì có vĩ đại gì đáng nói? Chẳng phải là bọn đế vương muốn ngủ một giấc ngon lành, hoàn thành một giấc mơ xuân, đã lợi dụng quyền lực xua đuổi một bầy người như xua đuổi một đàn cừu đi lao động thế lực nguyên thuỷ nhất đó ư? Không có chút trí tuệ nào đáng nói, mà lại toát lên cảnh tượng khiếp sợ, ngu xuẩn, tàn nhẫn, không tiếc sức người, coi thường mạng sống chết bao nhiêu người kệ xác, chỉ biết xây cho cao, đắp cho dài. Lại có tác dụng gì đâu? Một nhóm người Mãn vẫn đạp lên Sơn hải quan, xông thẳng vào chinh phục dân tộc Hán khổng lồ như thường đấy ư? Hơn nữa, Trường thành này có liên quan gì với Trung Quốc đương đại? Chẳng có liên quan gì hết. Xem xong lễ chào mừng ngày thành lập nước lần thứ 50, Trần Khải Ca nhận trả lời phỏng vấn của Ðài truyền hình Trung ương, đã nói một thôi một hồi những lời về chủ nghĩa yêu nước hoàn toàn nhất trí với MTV mà ông ta quay, cũng y hệt như Trương Nghệ Mưu vừa quay phim, vừa xây một trường tiểu học. Bản thân họ đã là một cái miếu thờ lớn.

Vương Sóc: Theo tôi, thì ở chừng mực nào đó, Trần Khải Ca vẫn còn giữ vững thú vị của mình, đương nhiên là trong điều kiện trùng hợp kia, còn Trương Nghệ Mưu thì sao? Theo tôi dường như ông ấy luôn luôn còn một ít, anh có thể bảo trời sinh ra đã có cũng được, ông ấy là người luôn luôn biết vượt lên đầu sóng, một cơn sóng lớn ập đến, khả năng cưỡi sóng có sẵn này đã khiến cờ đang cầm trong tay, cờ không bị ướt. Cho nên cơn sóng nào đến, ông ấy cũng có năng lực biến thành hình thái ý thức lại đứng ra quay phim. Trên một chừng mực nào đó, tôi cảm thấy đối với họ mà nói, không khó khăn. Bây giờ đang là lúc chơi trò chân, thiện, mỹ, đương nhiên, chơi trò chân, thiện, mỹ có thể chơi không được hay, cũng có thể chơi rất hay. Ông ấy là vậy đấy. Cho nên có người bảo ông ấy theo đuổi chân, thiện, mỹ, bản thân ông ấy cũng nói thế, về bản chất, ông ấy theo đuổi, chân, thiện, mỹ, những bộ phim ông ấy dàn dựng, đã phản ánh bản chất của ông ấy, là một người lấy hình thức phục vụ cho nội dung, lấy hình dùng cho ý. Vậy thì tôi cảm thấy, về bản chất, ông ấy không có cái gì. Chân, thiện, mỹ thì ai không theo đuổi, bất cứ người nào cũng sẽ nói tôi theo đuổi chân, thiện, mỹ. Cho nên ông ta không thể tiếp tục trò chơi nữa. Vừa may, bản chất của ông ấy trùng hợp với yêu cầu chính sách của anh, bản chất của ông ấy sáng lên. Thế là có bộ phim "Một người cũng không thể thiếu", mà lại là bộ phim bảo với người ta chỉ cần cố gắng sẽ thành công.

Lão Hiệp: Cuối những năm 80 và những năm 90, sở dĩ Trương Nghệ Mưu nổi lên át những người khác thuộc thế hệ thứ năm, là bởi vì ông ta biết cái gì có thể lưu hành. Trên thực tế phim của ông ta không tiên phong một chút nào, loại bỏ quan niệm lớn xây dựng trường thành tinh thần giả tạo trong phim của ông ta ra không nói, cho dù về mặt lấy tài liệu, thì ông ấy cũng hết sức thông tục, đó là ông ấy cứ bám khư khư chuyện làm tình, quan hệ tình dục, mà lại đều là những pha làm tình có tính kích thích kiêng kỵ. "Cao lương đỏ" là "chơi hoang", "Cúc đậu" là "loạn luân", "Ðèn lồng đỏ treo cao" là "thê thiếp từng bầy". Ông ấy định dùng phim ảnh khoe khoang, nói vống lên tác dụng của tính dục như đã từng khoe khoang, nói vống lên sức sống người Trung Quốc. Dùng kỹ xảo phim đậm đặc, rực rỡ, đóng gói cho những "cao trào tính dục" cố tình tạo ra một cách gượng ép, đáng thương. Kịch bản của ông ấy toàn là chủ đề của tiểu thuyết trăng hoa đang lưu hành. Ðến phim "Bố mình mẹ mình" thì lại biến thành khúc nhạc lưu hành của tình yêu. Còn Trần Khải Ca, về phim thực nghiệm đã đi vào bước đường cùng. Bộ phim "Vừa đi vừa hát" đã thất bại hoàn toàn, trong liên hoan phim quốc tế kiếm được cái giải "chiếc đồng hồ báo thức bằng vàng", tức là bộ phim khô khan nhạt nhẽo nhất. Thế là ông ta không thể không ngả sang thông tục, ngả sang đại chúng, ngả sang dòng chính. Ông ta đã từng bảo Trương Nghệ Mưu đi theo con đường điện ảnh dòng chính Huliút, còn ông ta là điện ảnh dị đoan, vĩnh viễn không đón ý làm cho vừa lòng dòng chính. Nhưng ông ta không giữ vững được. Thế là có bộ phim "Bá Vương từ biệt vợ", phần cứng của ông ta càng giật gân, đồng tính luyến ái, lần đầu tiên xuất hiện trong điện ảnh Trung Quốc. Diễn viên nổi tiếng đóng, bề thế lớn lắm. Tôi nghe người ta bảo phim này hay lắm, còn được "giải Jiana" nữa, liền đi xem, nhưng không xem hết, không thể xem tiếp được, tất cả đều giả tạo, những pha Củng Lợi và Trương Phong Nghị làm tình trong phim càng giả dối với máu me này, ông ta đi đến chỗ ca ngợi trong phim "Ðâm Tần Thuỷ Hoàng", cũng chẳng có gì là lạ. Ông ta không thà chịu tẻ lạnh trong giữ vững như Tráng Tráng, ông ta dứt khoát nếu đi một lối không được thì liền quay sang đón ý làm đẹp lòng dòng chính, đón ý làm vừa lòng thị trường, xây dựng lại tên tuổi cho mình.

Vương Sóc: Vậy mà tôi vẫn cảm thấy Trần Khải Ca có chút ít những cái của bản thân. Phim gần đây của Trương Nghệ Mưu, thì chuyện tôi đặc biệt không chịu nổi là gì nhỉ? Là một quan niệm nhồi nhét cho xã hội trong bộ phim "Một người cũng không thể thiếu", tôi nhận thấy hết sức có hại đối với người Trung Quốc. Chỉ cần bạn cố gắng là sẽ có thu hoạch, cày cấy thế nào thì gặt hái thế ấy, người có chí thì việc gì cũng nhất định thành công! Ông ta hình như cho rằng, người khác ai cũng thay đổi lập trường, chỉ cần một mình ông ta giữ vững, ông ta cảm thấy bản thân ông ta là như vậy. Giữ vững! Vậy tôi xin hỏi, giữ vững cái gì? Là luôn luôn chạy theo thời thượng mà làm ở đó chứ gì! Anh không cho tôi làm thế này, thì tôi làm thế kia, chọn làm cái gì anh thích, dù sao thì tôi cũng phải ở đó. Tôi cứ phải đào, không ai kéo tôi không cho xuống ruộng đào được. Tôi cảm thấy, nếu là tôi, nếu đúng là tôi kiên trì giữ vững, thì tôi đào thế này, anh không cho tôi đào thì tôi không đào nữa. Giữ vững của tôi là dùng cái xẻng này, dùng cách đào này, để đào ở trên thửa ruộng này. Ðấy mới là giữ vững. Còn ông ấy, nghĩa là cứ phải đào, không cho tôi đào thì tôi có thể đào trộm, không cho dùng xẻng, thì dùng cuốc chim, không cho dùng cuốc chim, thì tôi lấy tay cào bới, thay đi đổi lại, rút cuộc sẽ có một thứ để anh hài lòng, để anh cho phép ông ta đào tiếp.

Lão Hiệp: Trên thực tế, sự giữ vững mà Trương Nghệ Mưu giáo dục cho con người là một thứ logic gì vậy? Thực tế là cùng một thứ logic với dòng chính. Vì mục đích cao cả, có thể không từ thủ đoạn nào. Ðể giữ vững (dàn dựng phim) Trương Nghệ Mưu có thể bất chấp thủ đoạn. Nói rộng ra là, để tỏ ra có thể diện, phải tiếp tục giữ vững một cách, không từ mọi thủ đoạn. Ðào không đạt mục đích thì tôi bới. Ống kính đậm đà, rực rỡ, ý thơ lãng mạn không được, thì tôi làm bằng những pha như phim tư liệu, chất phác, nhàn nhạt. Bộ phim "Thu Cúc đi kiện", "Một người cũng không thể thiếu" toàn là một kiểu, tỏ ra quê mùa đặc sệt, diễn viên là quần chúng, dùng thủ pháp điện ảnh tả thực nhất chất phác nhất, để tung hoả mù nói dối khắp thiên hạ. Thu Cúc cũng giữ vững, giữ vững đến cuối cùng là lãnh đạo Cục công an đứng ra, lãnh đạo thành phố đứng ra giúp Thu Cúc giải quyết vấn đề, nói lên nỗi bất bình thay Thu Cúc. Như thế có phải là bố láo bố lếu không? Sự bất lực của nông dân dưới sự cai trị của bọn vua chúa địa phương hiện đại cũng không còn một chút nào nữa. Ông ta cũng có ý nói với người khác: chỉ cần bạn giữ vững, thì nhất định sẽ có ngày ngẩng đầu lên. Ông ta chỉ lo cái sống, không quản sống như thế nào, mà "cách sống" không hỏi sống như thế nào này vừa vặn là thứ "chết tử tế, còn hơn sống vô lại" trong quan niệm của người Trung Quốc. Ðiều đáng cười hơn cả là có một vị giáo sư luật học ở trường đại học Bắc Kinh đã đem "Thu Cúc đi kiện", luận chứng tài nguyên bản thổ của pháp trị Trung Quốc, phản đối hoà nhập với quy tắc luật pháp thông hành Quốc tế, nó dựng xây nên những luận chứng nghiêm túc cho một bộ phận nói dối. Tôi cũng đành phải nói luận chứng này của vị giáo sư gì đó cũng là dối trá, là không thành thật về tri thức và vô trách nhiệm về đạo đức.

Vương Sóc: Hai bộ phim sau của ông ta càng là nói dối. "Thu Cúc" về sau cũng còn có một cách nói vì không biết gì về luật pháp, hay gọi là mù luật. Còn bộ phim "Một người cũng không thể thiếu", thì chỉ có phần cảm kích, xã hội một khi đã quan tâm, thì vấn đề gì cũng giải quyết được. Vấn đề giáo dục của Trung Quốc, hoàn toàn không phải dựa vào công trình hy vọng gì, nhờ vào sự quyên góp và lòng tốt của vài người hảo tâm mà có thể giải quyết được.

Lão Hiệp: Vấn đề căn bản nhất thì ông ta không động đến, song lại đi gửi gắm, làm văn chương trên công trình hy vọng. Dùng hòn đất tu tạo để trường thành chân thiện mỹ, bề ngoài có vẻ như là sự quan tâm đến dân gian, thực chất là tầm thường. Anh cứu được ba em bé khốn khổ, liệu anh có cứu được nhi đồng thất học của cả Trung Quốc không?
Có giúp gì đối với cải cách thể chế giáo dục không?

Vương Sóc: Người hảo tâm nhờ vào người hảo tâm, sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu xây dựng trên cơ sở dựa vào những người hảo tâm. Thứ kích động tình cảm kiểu hòn đất của ông ta, bộ phim sau vụng hơn bộ phim trước. Bộ phim "Một người cũng không thể thiếu" còn ra phim, song đến bộ phim "Bố mẹ tôi" thì chẳng phải phim nữa, càng nói dối tày trời hơn một bài MTV đã biến thành một bài ca tuyệt vời về tình yêu, cố tình kéo độ dài của MTV đến độ dài của một bộ phim, nào là chờ đợi mấy chục năm, mấy chục năm về sống ở thôn quê, gian nan biết mấy... Hai sự việc hoàn toàn không ăn nhập với nhau. Trương Nghệ Mưu xây dựng phim có một thứ kiên nhẫn không lay chuyển được, có lẽ giống như phim "Sống", cứ sống đi, mặc dù khó khăn đến thế nào cũng mặc dẫu sống như thế nào cũng phải sống cái đã. Ông ta có cái đó.

Lão Hiệp: Ông ta kiên trì sống theo cách sống bất kể thủ đoạn kiên nhẫn không lay chuyển đó, thì con người ông ta hoàn toàn không ra cái gì nữa. Cách sống không từ thủ đoạn này, tôi không biết ông ấy sử dụng trong quay phim, hay là hoàn toàn coi điện ảnh là một sách lược sinh tồn, để bản thân có được một vị trí hiển hách. Các bộ phim về sau này của ông ta, càng ngày càng thể hiện tâm lý sốt sắng chạy theo công danh và lợi ích trước mắt. Kể cả những phim kích động tình cảm hay phóng đại một MTV thành một bộ phim truyện. Nụ cười tươi rói khi ông ta nhận giải con gà vàng và nỗi oán hận không được vào diện xét giải trong liên hoan phim quốc tế, đã hình thành sự đối chiếu so sánh rõ nét. Ðấy là ông ta, Trương Nghệ Mưu, đạo diễn lớn của Trung Quốc.

Vương Sóc: Tôi cảm thấy so với chất thơ chất hoạ nhấn mạnh trong dân gian Trung Quốc, thì không có gì là không thành thực hơn. Việc làm ấy của ông ta coi như đánh đổi cái đẹp của phong cảnh, thành cái đẹp của tính người; đánh đổi sự chất phác của cảnh vật nông thôn Trung Quốc, thành chân, thiện, mỹ của người Trung Quốc. Từ đó xây dựng lòng tin đối với dân tộc, lòng tin đối với loài người, lòng tin đối với đới sống tốt đẹp. Sự đánh đổi này cho dù là một kiểu tuyên truyền đóng gói bằng nghệ thuật, thì cũng khá vụng về. Hơn nữa, tôi cảm thấy, kích động tình cảm bằng phương pháp đơn giản như vậy, thì tôi đành phải nhận xét, toàn bộ mục đích của ông ta chỉ là vì tốt đẹp mà tốt đẹp. Ông ta cũng chẳng muốn hao phí nhiều tâm tư đến thế để tạo ra một vật đơn giản bưng cho anh. Ðương nhiên sẽ có người bái phục chất thơ, thơ hình như là đơn giản, nhưng theo tôi thật ra ông ấy không dấu được người, ở trong đó không có cái gì, là không có cái gì. Cuối cùng, đạt được tốt đẹp, thì ngoài cái trang sức tốt đẹp ra, sẽ chẳng có cái gì hết. Có lúc quá trình rất quan trọng. Quá trình này của ông ta, coi như trực tiếp đứng ra nói đáp án với mọi người, không có quá trình, hễ xuất hiện đã là đáp án, ông ta lại xoay quanh đáp án đã có, tô vẽ một chầu. Cái khó đơn giản như vậy, việc gì phải quay phim? Quay thành MTV đi mà chiếu. Tôi cảm thấy cho dù không thành thực, nhưng nhiều khi về kỹ thuật còn có thể chấp nhận. Nhưng bây giờ, đem cái tứ giản đơn như thế, cái đáp án như thế, quay thành phim thì ngay đến yếu tố cơ bản trong điện ảnh cũng không có.

Lão Hiệp: Vậy thì anh tin ông ta là đơn giản như thế nào? Theo tôi, trên sách lược sinh tồn của ông ta, cũng có một thứ ngoắt nghéo, một thứ vòng vèo ngoắt nghéo, chín khúc mười tám cái cua, chỉ có điều là ngấm ngầm chỉ chỏ, chứ không bao giờ nói thẳng nói thật ra.

Vương Sóc: Chính ông ta nói nó giản đơn như vậy, chứ tôi không biết nó có đơn giản như vậy hay không. Ông ta cảm thấy nó tốt thật, là những bộ phim tốt nhất của ông ta. Nếu ông ta nhận thấy đúng như vậy, thì những bộ phim ông ta giàn dựng trước đây đã tốn nhiều công sức quá. Giả vờ ở chỗ này, giả vờ ở chỗ kia, giả vờ cái này, giả vờ cái kia, thật ra cũng là học đòi phong nhã. Ông ta tóm tắt bản chất của anh là cái này, vậy thì bản chất của anh là cái này, anh cảm thấy đây là điều tốt nhất, vậy thì anh cứ thế mà làm. Anh đã có lòng tin như vậy đối với loài người, đối với cả xã hội, thì anh cũng tin tưởng chân, thiện, mỹ là âm điệu chính của xã hội chúng ta, điều chúng ta phải ra nói với mọi người hiện nay cái chúng ta phải hoá phép để mọi người tin tưởng là mọi người chúng ta đều tốt, đều đúng, ai ai cũng tốt cũng đúng, vậy thì anh cứ thế mà làm. Tôi cảm thấy nếu ông đúng là như vậy, thì quá đơn giản.

Lão Hiệp: Gần đây trên báo, hình như là tờ "Báo buổi chiều Bắc Kinh" thì phải, đưa tin Trương Nghệ Mưu ra nhận chức ở Ban bình xét ở một cuộc thi lớn về biểu diễn mốt. Biết đâu, một ngày nào đó ông ta sẽ chơi trò mặc quần áo mốt, cũng kiếm một nổi tiếng mác Trương Nghệ Mưu. Các cỡ bự hiện giờ đều thuộc kiểu toàn tài, khai thác hao toàn diện là trào lưu của thời đại. Anh có bảo hễ không chú ý, chưa biết chừng sẽ cho ra một "Hồng Lâu Mộng", nhưng tiểu thuyết vẫn là nghề chính của anh. Nhưng những tay sừng sỏ khác, như Triệu Trung Tường, hễ không chú ý là thành nhà văn tự chuyện, Trương Nghệ Mưu hễ không chú ý là làm thành viên Ban chấm thi cuộc thi mốt lớn, Trần Khải Ca hễ không chú ý sẽ bước lên lễ đài Quốc khánh...Theo tôi, cộng tất cả phim của Trương Nghệ Mưu vào với nhau sẽ là con người ông ta. Dù thay đổi đến muôn lần thì bản chất cũng không khác, đã là quạ thì ở đâu cũng đen.

Vương Sóc: Trào lưu có thay đổi, thì ông ta sẽ thay, nhưng cho dù như thế nào đều là để sống.

Lão Hiệp: Phương thức sống của ông ta hiện nay là phải dàn dựng phim, dàn dựng phim là sống. Ðối với phim có phải ông ta có lòng yêu mến, say mê cuồng nhiệt phải không?

Vương Sóc: Ðời sống của ông ta có thể nói là bộ phim "Sống". Nếu dàn dựng không thành phim, theo tôi ông ta sẽ đau khổ mà chết. Cho nên, cứ phải sống, có thể là vấn đề quan trọng hàng đầu của ông ta. Sống, làm phim, làm phim một cách bất chấp thủ đoạn, sống một cách bất chấp thủ đoạn.

Lão Hiệp: Còn có một số đạo diễn, tự xưng là lập trường dân gian, người làm phim độc lập gì đó. Như phim của Trương Nguyên làm đạo diễn, anh đã xem chưa? Cảm giác như thế nào?

Vương Sóc: Tôi đã xem phim của Trương Nguyên. Tôi thích nhất phim "Con trai" của ông ấy, tả một tên bét rượu, có hai đứa con trai. Ái chà, anh chàng bét rượu ấy diễn sao mà nguyên vị nguyên chất đến thế. Tức là một người bệnh thần kinh, anh ta lộn xộn bừa bãi, nhưng những cái chân thực trong đó đã tấn công vào anh. Lúc thường ngày anh cũng có thể say rượu, nhưng anh không lên cơn thần kinh như thế. Anh ta cứ bừa bãi lộn xộn như thế. Bản thân diễn viên đó mắc bệnh tâm thần, anh ta rất khó khống chế bản thân. Cứ thế, anh ta đến và diễn như vậy, không xào xáo chế biến gì. Cứ việc ghi lại cái chân thực trong nhân tính, khỏi cần đến đạo diễn đứng ra dàn dựng; khỏi cần đến anh ra đấy điều độ, khỏi cần gán ghép suy nghĩ của mình cho diễn viên. Trong phim diễn viên ai cũng điên, điên thật. Diễn viên điên, người trong nhà diễn với nhau. Trong quá trình quay tình cảm chân thực, thù mới hận cũ con người trong gia đình bộc lộ ra hết. Mẹ kiếp, lời nói sao mà máu mê thế. Ðấy không phải lời thoại kịch bản, cho nên nghe đã đời lắm. Trong đó, mẹ kiếp, con trai làu bàu với bố đẻ, cứ đốp chát lẫn nhau. Tôi cảm thấy, sự chân thực của nhân tính một khi đã xuất hiện, đặc biệt là trong nghệ thuật, thì gây chấn động ghê gớm lắm. Hiện nay tôi cảm thấy, có những lúc, chân thực của đời sống là toàn bộ nghệ thuật. Hiện nay tôi có một quan điểm như thế này: sức mạnh của chân thực đúng là hoàn mỹ hơn so với kết cấu tinh xảo tỉ mỉ. Bộ phim "Ðông cung, Tây cung" về sau này của Trương Nguyên, tôi không thích lắm. Thật ra câu chuyện này rất có ý nghĩa, nhưng ông ấy quay tương đối kịch tính hoá. Thậm chí định gượng ép thành một câu chuyện, một phương hướng, phương hướng kể chuyện. Vậy nên, năng lực của đạo diễn tỏ ra có đôi chút thiếu hụt, luôn luôn phải dừng lại suy nghĩ. Ông ấy còn định cho thêm rất nhiều phong tục vào, rõ ràng là để đi dự liên hoan phim quốc tế lĩnh giải thưởng gì đó. Nhưng trong kết cấu câu truyện một tuyến thì không chứa nổi. Cho nên ông ấy phải quay trở lại ống kính hồi tưởng sẽ bắt đầu nhiều lên. Ngoài ra, muốn bộ phim dàn dựng tốt, có khi chưa phải nhiều tiền đã tốt. Bộ phim "Con trai" của Trương Nguyên khi quay không có bao nhiêu tiền, cho nên rất nhiều cái về kỹ thuật đành phải giản đơn đi, đánh liều mà lại trúng. Câu chuyện đó của ông ấy, ở bên trong không cần quá nhiều kỹ xảo hành vi con người. Khi quay đến bộ phim "Ðông cung, Tây cung", ông ấy đã có một ít tiền, liền bố trí ánh sáng, dàn cảnh, cho nên, tôi từng xem quen những bộ phim ông ấy quay, lúc ông ấy không có tiền, cũng xem quen nhiều phim của đạo diễn có nhiều tiền dàn dựng, có được một ít tiền, ông ấy định làm tinh xảo kỹ lưỡng hơn. Kết quả ở chỗ nào cũng thấy có dấu vết hành vi của con người động đến. Tức là, diễn viên vừa mới xuất hiện là đã ở vào trong không gian bố trí sẵn, cảm giác này, chắc chắn không ổn.

Lão Hiệp: Anh cảm thấy đạo diễn thế hệ thứ sáu so với thế hệ thứ năm có gì khác, về nghệ thuật có chỗ độc đáo và ưu thế gì không?

Vương Sóc: Phim của họ tôi không xem nhiều. Ngoài của Vương Trương Nguyên, còn xem phim "Tiểu Vũ" của Giả Chương Kha cũng được. Phim của thế hệ thứ sáu đã đem lại cho tôi cảm giác thế nào nhỉ? Tôi cảm thấy họ có một thứ thiên tính. Họ dựa vào thứ trời cho để làm phim, về điểm này chính là chỗ đáng quý của họ so với thế hệ thứ năm. Anh đừng tưởng, thế hệ thứ năm. Thậm chí đều chưa đến 50 tuổi, nhưng đã toát lên sự ranh ma gian giảo...

Lão Hiệp: Bây giờ con người hai mươi mấy tuổi, ba mươi mấy tuổi đã rất ranh ma gian giảo rồi, hình như càng trẻ tuổi lại càng ranh ma gian giảo.

Vương Sóc: Thứ ranh ma gian giảo đó, nắm về kỹ thuật nhuần nhuyễn đáo để. Bao gồm việc khống chế diễn viên, điều khiển tinh thần cơ bản, mặc dù ông ta sử dụng diễn viên chuyên nghiệp, hay diễn viên nghiệp dư, họ đều khống chế hết sức chặt chẽ. Loại phim ấy theo tôi không có sức sống, tất cả đều là đạo cụ trong quan điểm đạo diễn.

Lão Hiệp: Trong phim của Trương Nghệ Mưu, sự khống chế ranh ma gian giảo này đã đạt tới đỉnh cao.

Vương Sóc: Thế hệ thứ sáu: dựa vào bản năng dàn dựng phim. Họ thường xuyên quay lung tung, có phải không? Nhưng ở chỗ lung tung đó, đã làm cho tôi cảm thấy có hơi hướng con người, hơi hướng chân thực. Có lúc toàn bộ quay dựng của anh ta không đủ độ dài. Không làm được nên đã ghép nối lung tung. Anh thấy rõ, như có hai chỗ vở kịch bi gỡ ra dùng. Bởi vì họ không có tiền, không thể chơi tinh xảo kỹ lưỡng được. Hoặc là anh có thiên phận, thì dàn dựng tác phẩm thiên tài. Còn dựa vào bản năng, thì hễ anh cứ động não một cái là lòi cái yếu kém ra. Phỏng theo câu ngạn ngữ nước ngoài thì, người Trung Quốc hễ động não một cái, là toàn thế giới đều bật cười.

Lão Hiệp: Giả Chương Kha nói, phim "Tiểu Vũ" của anh ta giàn dựng theo kiểu thủ công nghiệp truyền thống trong xưởng thủ công. Người Trung Quốc một khi động não thì biến thành giả tạo, chơi những mẹo vặt, những trò khôn lỏi. Cảm giác bản năng một khi mất đi, thì những cái thay vào, tất sẽ là những cái không thành thật. Một khi đã không thành thực, thì phải nhờ vào sự tinh xảo do động não nghĩ ra để bù vào. Càng không thành thực càng tinh xảo đẹp đẽ, càng tinh xảo đẹp đẽ càng không thành thực. Trí tuệ của người Trung Quốc càng về sau càng là tranh, có nét vẽ tỉ mỉ và văn tiểu phẩm. Tốt đẹp lịch sự của toàn dân tộc, ở cả trên đôi giày thêu hoa tinh xảo đẹp đẽ. Nó được thêu bằng kim thêu xinh xinh, nho nhỏ.

Vương Sóc: Theo tôi thì viết tiểu thuyết có thể cũng có vấn đề này. Những tác phẩm viết ra nhờ vào bản năng, nhờ vào trời cho thì hay, những người ấy đương nhiên kể cả tôi. Một khi đã nghĩ ra, đã nắm được kỹ thuật, đã nâng cao được nhận thức, thì thật đáng cười. Ðương nhiên cũng có người như thứ hoa vừa nở đã tàn, viết ra được một hai tác phẩm hay. Nhưng một khi đã biết, thì bắt đầu động não, một khi động não là đi toi.

Lão Hiệp: Chưa biết chừng, những người thuộc thế hệ thứ sáu này sau khi thành danh, có đầu tư lớn rồi cũng bắt đầu động não, như cảm giác của anh đối với Trương Nguyên ấy mà.
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002