© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
31.8.2005
Khuê Trí
Trao đổi với ông Tiêu Dao Bảo Cự
 
Tôi không nghĩ mình là người đã hiểu đầy đủ về các quyền dân chủ; tôi chỉ là một người yêu tự do và lẽ công bằng. Trong bài viết này tôi muốn nói lên cách nhìn khác cuả tôi với bài viết của ông Tiêu Dao Bảo Cự về cuộc đối thoại công khai giữa hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang vừa qua.

Nếu ai đang phấn đấu cho một xã hội dân chủ đa nguyên cũng cho rằng những người “cùng hội cùng thuyền” có những ý kiến khác nhau như thế này chỉ nên “đóng cửa bảo nhau”, “xử lý nội bộ”, “dĩ hoà vi quý”, vì công khai tranh luận là nói xấu nhau, kẻ địch sẽ lợi dụng phá hoại phong trào, thì tôi không hiểu bằng cách nào chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội công dân có dân chủ, tự do thật sự? Và cách nhìn ấy tôi thấy nó giống y cách làm lâu nay của tất cả những thế lực độc tài trong việc bóp nghẹt cái tự do đầu tiên của tất cả mọi quyền tự do đó là: Tự do ngôn luận.

Có lẽ đây là một nếp nghĩ chưa dân chủ mà những người yêu dân chủ và tự do chúng ta cần phải tự giải thoát trước tiên chăng?

Về cuộc đối thoại công khai giữa hai ông Hoàng Tiến và Thanh Giang vừa rồi, tôi ủng hộ vì những lý do sau:

Thứ nhất, đây không phải là chuyện nói xấu nhau. Nói xấu nhau khác hẳn về bản chất với việc thẳng thắn, công khai vạch ra những việc làm xấu của nhau, với lòng mong muốn bạn mình thật tâm thấy mà sửa đi. Sửa đi rồi thì anh chỉ có tuyệt vời hơn chứ có sao đâu? Vậy chính nhân cách và sự trung thực cũng như mục đích việc làm sẽ quyết định ai tốt, ai xấu. Vì thế việc công khai làm sáng tỏ vấn đề như thế là cần thiết cho cả hai bên.

Thứ hai, không có chuyện riêng của ai mà lại không tác động tốt hay xấu ở một mức độ nào đó đến cái chung. Nếu có những việc làm của mỗi bên đang được giấu kín, ỉm đi vì những động cơ cá nhân, gây ngộ nhận cho những người thiếu thông tin, làm phương hại đến ai đó thì không còn là chuyện riêng của ai nữa rồi. Công khai đối thoại là cung cấp thông tin để người quan tâm có cứ liệu mà tự rút ra kết luận của mình sao cho có ích. Vì thế những kẻ xấu muốn bưng bít sự thật không thể lợi dụng, nên không hề hại, mà chỉ có lợi cho tiến trình dân chủ.

Thứ ba, làm gì có dân chủ và tự do khi chỉ có thông tin một chiều? Làm sao có xã hội cởi mở công khai khi ngôn luận không dám cởi mở công khai? Ngay cả những thông tin không đúng sự thật ở chiều thứ hai vẫn đóng vai tích cực vì nó giúp khẳng định sự thật. Do vậy, tôi cho rằng việc kết luận đúng sai qua cuộc đối thoại công khai giữa ông Hoàng Tiến và ông Thanh Giang vừa rồi là quyền và tuỳ khả năng minh định của người quan tâm. Điều tôi cho quan trọng hơn cả là: hai ông đã có công lớn trong việc tiên phong khai phá lĩnh vực trong nước lâu nay bị cố tình bỏ quên, đó là: ngôn luận phải được tự do và công khai. Vì chỉ có ngôn luận tự do và công khai thì mới giúp mọi công dân hiểu đúng và đầy đủ về các quyền tự do và dân chủ của mình để mà phấn đấu – vì thế sẽ có xã hội dân chủ, tự do.

Chúng ta đang phấn đấu cho một nền dân chủ đa nguyên để đất nước phát triển thoát khỏi đói nghèo lạc hậu; mà dường như từ trong sâu thẳm cái thói quen sống với thể chế nhất nguyên độc tài vẫn cứ bám riết lấy chúng ta!

Tôi cho rằng tự do, dân chủ cho mọi người chỉ đến khi mỗi người thực sự tỉnh ngộ về điều này. Chúng ta buộc phải cọ xát, phải vật vã, phải sàng lọc qua cách làm cởi mở và công khai. Nếu có bị rơi rụng, thậm chí thất bại đau đớn để mà tỉnh ngộ thì cũng là cái giá cần phải trả để mọi công dân tự giành lấy cái mình cần. Không ai có thể độc quyền mang dân chủ, tự do đến tặng chúng ta - kể cả từ những con người ưu tú nhất. (Lại càng không ai có quyền coi tự do, dân chủ cho mọi người là cái sân chơi riêng, dù họ có ý thức hay vô tình làm điều đó.)

Trong bài viết, ông có nói đến việc hoà giải hoà hợp dân tộc – anh em dân chủ lại càng cần đoàn kết, nâng đỡ nhau. Tôi đồng ý với ông về xu thế và nguyên tắc. Nhưng thấy cần đặt ra câu hỏi: Hoà giải hoà hợp với ai? Đoàn kết vì cái gì? Có thể hoà giải hoà hợp với cái ác chăng? Có thể đoàn kết với sự phá hoại chăng? Tôi không nghĩ thế.

Muốn hoà giải hoà hợp dân tộc thì phải hoá giải đi cái thế lực đen tối độc ác đang cản trở tiến trình ấy. Muốn đoàn kết thì phải vạch ra sự phá hoại, vạch ra cái sai của mình, của bạn mà sửa. Sự cọ xát thông qua ngôn luận tự do và công khai sẽ là phương tiện nhất thiết phải trải qua, là vì thế. Dù có bị “nhột” đến mấy chúng ta cũng phải ráng mà làm quen thôi ông à!

Vì tình quý mến riêng, tôi càng muốn được đối thoại công khai với ông về chuyện này. Ai muốn lợi dụng để phá hoại cái đã gắn kết chúng ta với nhau là: Tự do dân chủ cho tất cả mọi người - thì xin cứ thoải mái thử xem! Tôi không ngán dư luận, mà chỉ ngán cái nguyên nhân ở nơi mình gây nên dư luận xấu mà thôi. Việc đối thoại tự do và công khai sẽ giúp chúng ta hoàn thiện mình. Tôi rất biết ơn khi nhận được sự tranh luận thẳng thắn và xây dựng.

Hà Nội, 19.8.2005

© 2005 talawas