© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
31.1.2004
Vương Sóc, Lão Hiệp
Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê
Ðối thoại văn học
Vũ Công Hoan dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Phần VI
Truyền thống "Lừa đời cướp danh"


1. Truyền thống cũng có thể là một trò lừa dối

Lão Hiệp: Ðối với truyền thống thời cổ Trung Quốc, ví dụ như "Luận ngữ" của Khổng Tử, anh có nhận xét gì?

Vương Sóc: Tôi chỉ xem qua, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng cẩn thận.

Lão Hiệp: Cảm giác thế nào?

Vương Sóc: Tôi cảm thấy như một tập cách ngôn. Nếu anh chỉ xem riêng, từng đoạn từng đoạn, từng câu từng câu, thì chỗ nào cũng toát lên lý lẽ. Thứ lý lẽ ấy hình như rất có lý, quả thật rất có lý. Nhưng ngồi xuống ngẫm nghĩ thì tôi cảm thấy cái dở của Trung Quốc là ở chỗ, việc gì cũng chỉ ra lý lẽ. Nên làm như thế nào, làm như thế nào mới đúng, làm như thế nào mới trọn vẹn cả bốn phương tám hướng. Tôi cảm thấy, mỗi lời nói hành động trong đời sống thường ngày của chúng ta đều được quy định từ lâu lắm rồi, thế nào là đúng, thế nào là sai. Việc này có thể tạo thành một ý nghĩ, người Trung Quốc chúng ta rất biết làm người, có quy luật làm người, và cứ làm như thế sẽ hết sức có lợi cho bản thân bạn.

Lão Hiệp: Chút mẹo vặt này tổ tiên đã nói hết ra từ đời tám hoánh.

Vương Sóc: Tôi cảm thấy nếu có được cái này, thì chẳng việc gì phải nói làm người có dựa vào lương tâm hay không .... vì có thể cứ dựa vào phép tắc, quy củ này mà làm người. Cứ thế mà xem ai thông minh, ai không thông minh. Ðấy gọi là, xem xét bụng dạ toát lên trí tuệ lớn. Phàm làm việc gì cũng không được dập khuôn máy móc; phải thông hiểu đạo lý các mặt, suy một mà ra ba. Tôi cảm thấy, làm người ở Trung Quốc nếu xơi thấu những thứ này, hoà vào trong máu, trong gan, trong thận, thì có chảy máu hay đi tiểu tiện cũng toát lên sự thông minh. Có thể làm người ở chỗ nào cũng hết sức trọn vẹn. Những người như vậy đương nhiên không có ý nghĩa gì. Họ chỉ vì "đúng" mà sống, hơn nữa, nếu cứ muốn chỗ nào, lúc nào, cũng "đúng" thì mệt lắm.

Lão Hiệp: Tôi không biết đấy là làm người, hay không coi mình làm người.

Vương Sóc: Về sau này, tôi đã phát hiện ra, làm theo những lý lẽ ấy thì phần lớn là những thứ phản nhân tính, vì sau khi anh ta phải chiến thắng được theo phạm vi nó chỉ ra, lúc đó mới có thể chọn một thứ. Còn nếu cứ để tự do theo ý mình, sẽ luôn xung đột với những lý lẽ đó, thì sẽ có hại cho bản thân. Tiêu chuẩn làm người của tôi là chỉ cần không làm hại đến người khác, không dẫn đến những tác hại to lớn, thì cứ việc làm theo ý mình. Nếu điều gì nho nhỏ không thích hợp, xung đột nho nhỏ, thì đối với tôi đều không sao cả. Bởi vì tôi cảm thấy những lý lẽ của Khổng Tử ma ranh quá. Ðương nhiên tôi cũng hiểu ông Khổng Tử đã từng trải như thế nào, đã học từ đâu những thứ lý lẽ đó? Chẳng phải ai cũng nói, chúng ta đều được học Khổng Tử là gì? Ông ấy học của ai ? Liệu có thể tìm ra gốc gác. Nghe đâu, con người này là con riêng. Cứ theo cái lý lẽ của bản thân ông ta, những tiêu chuẩn, lễ nghĩa ấy, thì trong nhà ông ta cũng không phải con người tốt đẹp gì, lúc còn bé cũng bị kích thích như Lỗ Tuấn chăng ? Ðương nhiên có thể suốt đời không đắc chí, vì có những việc không làm như vậy sẽ bị thiệt thòi, bản thân chẳng có việc gì, liền ngẫm nghĩ bừa, làm người thế nào đây ? Thế là hiểu ra được những lời lấy lòng người như: "Ba người cùng đi, tất sẽ có người là thầy của ta". Theo tôi nếu có ai đó nói hết ra những lý lẽ về đời sống, thì người ấy thì là một kẻ lừa bịp.

Lão Hiệp: Những lý lẽ nói rõ được tất cả, thì trên thực tế coi như chẳng nói được gì hết. Phàm những chân lý không có thứ gì là không bao gồm trong đó, sẽ là thứ hư cấu mà không có cái gì hết.

Vương Sóc: Những lời Khổng Tử nói trong "Luận ngữ" đều là những câu trả lời học trò hỏi. Làm thầy giáo, đại để, ai cũng có tâm lý, khi học trò hỏi, thì thầy giáo phải nói ra một thứ lý lẽ, có thể có một số lý lẽ để ở miệng không nói ra. Nhưng khi có người hỏi, liệu có thể trả lời được, thì đều nói ra lý lẽ, nếu không nói được thì sẽ làm cho học trò cung kính thất vọng, càng làm thầy bị mất thể diện. Có lúc, tôi có cảm giác thế này, có ai đó hỏi anh, thật ra hoàn toàn không trả lời được, anh đã bị người hỏi đẩy đi, dọc đường anh ta nêu ra câu hỏi. Anh cứ nghĩ rồi nói, nói rồi nghĩ, cốt sao cho êm thấm. Có thể một số lý lẽ của Khổng Tử đã được nói ra trong trường hợp như thế. Ông ấy sáng tạo ra một thứ lý lẽ "Trung dung", tôi thấy rất thích hợp với ông ấy, cả hai đầu đều không đi đến cực đoan. Hai cực đoan là hai thứ tính tình phân rõ được xấu, tốt, phải trái rõ ràng. Còn anh ở giữa, thế là thành lý lẽ rồi.

Lão Hiệp: Người Trung Quốc nói "Trung dung", nói công thức đặt câu "Ðã.... lại.... " giống như lý luận tổ hợp lặp lại của Lưu Trí Phúc đã hại rất nhiều nghệ sĩ tài hoa, ví dụ bộ phim "Ðại Thái giám Lý Liên Anh" do Ðiền Tráng Tráng quay, đã bị trúng nọc độc của lý luận về tính lặp lại về tính cách. Viết như thế nào về Lý Liên Anh, nên viết thành nô tài Trung Quốc, nô tài cao nhất trong Thái giám. Người đàn bà điêu toa Từ Thi Thái hậu rất khó hầu hạ, quyền lực trong tay lớn như thế khiến cho bà ta trở nên không bình thường, ngày nào cũng vô cùng hoảng sợ. Nhiều thái giám gần gũi bên cạnh, lần lượt bị bà phế truất, chỉ có một mình Lý Liên Anh được giữ lại hầu hạ tới mức bà ta mến phục. Coi ông ta thành người tâm phúc, tri kỷ duy nhất, có nỗi khổ gì về đến hậu cung là nói với ông ta ngay. Anh bảo Lý Liên Anh liệu có phải là nô tài hết cỡ của nô tài ấy chứ ? Vậy mà trong phim của Ðiền Tráng Tráng quay Lý Liên Anh thành một người mềm yếu. Sau khi đẩy Chân Phi xuống giếng, còn để ông ta quay đi, ngồi xổm xuống, đưa hai tay ôm mặt, đau khổ vô cùng, tỏ ra ân hận. Láo toét! Kể từ khi ông ta quyết tâm thiến cái của quý kia đi, thì ngày đầu tiên vào cung, đã định làm một người chỉ ở dưới một người, ở trên vạn người. Ngay đến cái của quý của mình cũng chẳng thiết, còn quan tâm chi đến mạng sống của một phi tử, mà Từ Hi Thái hậu ghét đến tận xương tận tuỷ cơ chứ? Lý Liên Anh đã giết biết bao nhiêu người, ông ta đã chứng kiến nhiều cảnh tàn khốc đẫm máu trong đấu tranh ở cung đình, vậy thì giết một Chân phi có đáng gì. Ông ta có lòng thương người ư? Thật là nực cười quá thể!

Vương Sóc: Nếu dàn dựng phim như thế, người ta sẽ bảo anh không biết sâu về nhân tính, đã giản đơn hoá cái phức tạp.

Lão Hiệp: Con người thích những cái cực đoan, trên thực tế, nhiều tác phẩm văn học hết sức nổi bật đều cực đoan, kể cả một số tác phẩm của phái hiện đại. Từ sự bành trướng của Sếchpia đến dã tâm cực đoan của Maikebai, đến yêu và hận đi đến cực đoan mọc răng độc trong "Sơn trong gào thét" của Aimili, còn có cả "người ngoài cuộc" của Albert Camus, một con người lạnh lùng cực đoan, không hề động lòng trước cái chết của mẹ đẻ, thờ ơ đối với tình yêu của người tình, có cũng được không có cũng được, không có bất cứ sự sốt sắng nào đối với mạng sống của bản thân. Anh ta giết nhầm người, còn không cần sự bênh vực của luật sư, không cần lời cầu nguyện của mục sư, cứ thế mặc cho bị đem ra xét xử và xử bắn. Albert Camus đã đẩy sự lạnh lùng hoặc trơ lỳ tê dại của anh ta đến cực đoan. "AQ" của Lỗ Tấn cũng là một tính cách cực đoan. Một khi đã đạt tới cực đoan nào đó, ngược lại, sẽ phong phú vô cùng khó mà nói hết.

Vương Sóc: Tôi cảm thấy đi đến cực đoan rất khó. Học cái lối của Khổng Tử không khó. Nhưng phải học ông ta vì nếu có mục đích rõ ràng. Ví dụ, tôi muốn làm một quan chức, hoặc làm một con khổng long trong giới học thuật, hoặc để nịnh hót bộ đỡ ai, thì học hỏi cái này. Tôi không có mục đích, không cần đến nó, nên chỉ cần xem qua thôi mà. Ðương nhiên tôi sẵn sàng đọc sách của ông ta khi về già. Bây giờ tôi cảm thấy sách của Khổng Tử có lý lẽ, tôi không đọc, sợ bị sách và ông ta dắt đi mất, không tìm được mình nữa. Tôi tin tưởng, dưới gầm trời này không có thứ lý lẽ nào kín kẽ như bưng, đặt vào đâu cũng chính xác. Trong vật lý học hình như vẫn chưa có một Trường luận thống nhất và hiện nay vẫn chưa thống nhất thì phải...

Lão Hiệp: Chưa.

Vương Sóc: Anhxtanh ngẫm nghĩ lâu lắm đã ngẫm nghĩ ra đâu. Tôi nghĩ trên cái tư tưởng .... này cũng không nên có Trường luận thống nhất gì hết, nhưng trên thực tế có rất nhiều thứ đội lốt Trường thống nhất. Khi nó xuất hiện là bản năng tôi đã có phản ứng: Tôi là con người hiểu biết thấp, năng lực có hạn, cho nên tôi đành phải từ chối trước. Chờ khi nào có tuổi, tôi sẽ bắt đầu đọc tử tế. Ðương nhiên tôi vui vẻ nhận thấy đây là chỗ tôi khác với đám học sinh kia, đó là chỗ ưu việt của tôi. Bọn họ vào trường Ðại học là đi tăm, đi học của người ta.

Lão Hiệp: Vậy tiền đề tiếp thụ tri thức của anh là gì? Hình như lấy độ tuổi làm tiền đề, có phần lạ đấy!

Vương Sóc: Có một tiền đề để tôi tiếp thụ tri thức, tôi phải phá được cái của anh, tôi không có năng lực phá được anh, thì tôi thoả mãn ở chỗ đủ biết một cách đại khái là xong, không cần đọc kỹ những thứ ấy. Tôi cảm thấy thứ ấy không tốt nhất. Hay nói cách khác, tri thức hoà là những thứ tính toán định nói ra lý lẽ trước. Ví dụ một số tác phẩm văn chương đang lưu hành hiện nay, như những tác phẩm văn chương lớn của Dư Thu Vu, của phái học học viện, và những bài xã luận trên báo chí, hễ cứ ra mắt là đưa lý lẽ lớn, lời nói lớn áp đặt cho người ta. Thật ra, càng những thứ như vậy, càng không có lý lẽ.

Lão Hiệp: Sinh ra trên mảnh đất này, tôi cũng hy vọng từ trong truyền thống tích luỹ, mình tìm được nguồn có thể khiến con người sống có tôn nghiêm, sống thành thực. Cho nên tôi đã nhiều lần trở lại đối với đống sách báo cũ, nhưng lần nào cũng thất vọng, tìm đến tận cùng thì tuyệt vọng. Bây giờ tôi đã tin lời khuyên thanh niên của Lỗ Tấn: ít đọc cho đến không đọc sách Trung Quốc.

Vương Sóc: Tôi xem Khổng Tử... Tôi đã mua "thứ thư ngũ kinh", loại bìa đen. Tôi không thích đọc loại sách này, trong nó có thêm rất nhiều chú thích, cắt bài văn chính thành từng mảng, bên cạnh mỗi đoạn văn chính to to, lại ghi chi chít những câu chú thích, đọc rất mệt, đầu choáng mắt hoa. Cảm giác chung là trông sách hết sức nhiều lý lẽ, cứ đưa ra cái gì là sẽ nói đạo lý với anh cái đó. Hồi học ở trường phổ thông, tôi đã học được một chút ít văn văn ngôn, nay xem những sách này tương đối mệt.

Lão Hiệp: Cảm giác đối với Khổng Tử mà anh nói, đã từng có một bài so sánh giữa Khổng Tử và Socrates. Hai ông đều nói chuyện với người, nhưng phương thức thì hoàn toàn khác. Khổng Tử là tiên triết của Trung Quốc, Socrates là tiên triết của Hy Lạp cổ. Hai ông nói nội dung giống nhau, chỉ liên quan đến "Biết và không biết". Khổng Tử nói: "Biết thì bảo biết, không biết thì bảo không biết, thế là biết". Socrates nói: "Trí tuệ cao nhất của con người là ý thức được sự không biết của mình". Hình như ở điểm này, hai ông như nhau, song về thái độ đối với người ta thì khác nhau.

Vương Sóc: Con gái tôi cũng thường hay nói câu này của Khổng Tử, nhà trường của các cháu cũng đã dạy: Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, đấy là biết. Nhưng câu nói này đều khiến tôi cảm thấy, là vì học trò hỏi thầy Khổng Tử một vấn đề, thầy không trả lời được, lại không thể nói mình không biết, chỉ đành phải nói vo tròn, khôn khéo thế. Ðó là câu nói khôn ngoan, ít để lộ nhược điểm của bản thân. Những lý lẽ ấy của Khổng Tử, là dạy cho con người biết cách hoà hoãn cho qua chuyện như thế nào.

Lão Hiệp: Phương thức nói chuyện với người của Khổng Tử, là ở tư thế người thày, ở trên nhìn xuống. Còn người khác thì ở tư thế học trò, ở dưới trông lên. Và vĩnh viễn là người khác hỏi, Khổng Tử trả lời. Người khác không biết còn Khổng cũng biết người khác không hiểu gì hết, Khổng tử thì cái gì cũng hiểu. Còn Socrates có phương thức ngược hẳn. Mặc dù đối thủ nói chuyện là ai, ông cũng là người nêu câu hỏi. Ông biết chỗ cùng trí lực của con người, cứ hỏi cho tới lúc anh hết sạch lý lẽ. Không biết trả lời ra làm sao, như thế mới coi là xong, là thoả mãn. Còn việc ông ấy có trả lời hay không, thì ông ấy cũng không nói. Ông ấy chỉ muốn bảo anh, con người không được ngang ngạnh, cho rằng mình không có cái gì là không biết, vì trí tuệ cao nhất không phải là không có cái gì là không biết, mà là nhận thức được mình có những cái không biết. Chính bắt đầu ngay từ Socrates có truyền thống như thế, nên mới có nhận thức luận của những bậc thầy hiện đại và đương đại như Pope Hayeke - tương đương với xã hội loài người và vụ trụ phải biết thừa nhận, sự vô tri của con người là tuyệt đối, sự có hiểu biết của con người là tương đối, chân lý phải là cái chứng minh được sự giả tạo; xã hội tất nhiên có khiếm khuyết. Còn truyền thống khai sáng của Khổng Tử, thì lại làm cho con người đọc sách về sau này ngang ngạnh hết đời nọ đến đời kia. Có nghĩa là cảm giác của anh ta đã nói đến, hễ cứ ra mắt là lấy lý lẽ lớn áp đặt cho người ta. Cho rằng mình nắm chân lý trong tay, không cái gì là không biết.

Vương Sóc: Socrates dùng phương pháp truy hỏi này muốn bác bỏ mọi đạo lý quan điểm, cho dù có sử dụng nguỵ biện đi chăng nữa. Ðiều này cũng có phần gớm ghiếc đấy.

Lão Hiệp: Ông ấy không dạy anh lý lẽ, chỉ để trong khi thất bại trong tranh luận, tự bản thân anh hiểu ra giới hạn, tri thức của mình. Ðây mới trí tuệ lớn. Còn "cái thứ dạy bảo người không biết mệt" của Khổng Tử thì chỉ là khôn lỏi. Khôn lỏi thì dứt khoát phải khoe khoang, phải lấy tư cách làm thầy người khác để rao giảng. Nói như ông ta "có bạn từ xa đến, chẳng vui vẻ hay sao", chẳng bằng nói ông ta "dạy bảo người không biết mệt chẳng vui vẻ hay sao" mà niềm vui ấy không biết mệt, đến nỗi làm cho người được dạy bảo cũng mệt phờ. Phương pháp giáo dục theo kiểu nhồi nhét ấy của người Trung Quốc, cứ động một tý là tự mình rêu rao vĩ đại vinh quang đúng đắn, đều là học ở chỗ Khổng Tử mà ra.

Vương Sóc: Y như cái lối ở chỗ chúng ta đây được gọi là "Dạy bảo người ta không biết mệt".

Lão Hiệp: Khi anh biết người được dạy bảo đã mệt mỏi, mà anh cứ tiếp tục dạy bảo không biết mệt, thì có phần nào không biết điều.

Vương Sóc: Phải đấy, ông ấy học ở đâu thế nhỉ ?
Ông ấy có thày giáo không nhỉ, Khổng Tử ấy mà ! Ông ấy bảo ba người cùng đi tất có người là thày của tôi. Nhưng ông ấy đã cùng đi với bao nhiêu là người, mà tôi có thấy ông ấy vái ai là thầy đâu ?

Lão Hiệp: Trang Tử nói ông ấy đã từng hỏi Lão Tử về "Ðạo" nhưng khảo chứng ra thì không có gì làm bằng chứng.

Vương Sóc: Thời đó có sách không ? Họ xem cái gì nhỉ, những thanh tre to như thế bê đi bê lại được ư? Ông ấy đến đâu xem cơ chứ ? Ngoài "Luận ngữ" ra Khổng Tử còn soạn sách gì khác?

Lão Hiệp: Nghe nói Khổng Tử đã từng sửa chữa "Kinh thi". Qua sửa chữa của ông ấy, chỉ còn lại 300 bài hiện nay ta vẫn đọc, còn những tám phần mười đều bị các lý lẽ của ông ấy bác đi hết, không có Khổng Tử, biết đâu bây giờ chúng ta còn được đọc thêm mấy bài thơ của Tiên Tần. Mỗi triều, mỗi đại ở Trung Quốc, đều viết sách, đều phải sửa chữa nhiều, nhất là "Tứ khố toàn thư" đời nhà Thanh biên soạn, di sản bị tiêu diệt là bao nhiêu, con người bây giờ cũng khó làm rõ lắm, dù sao thì số lượng cũng không phải ít. Nghe nói Khổng Tử còn soạn cả "Xuân Thu", sử biên niên của nước Lỗ. Ngoài ra Khổng Tử sửa chữa điển tích của người trước, so với việc đốt sách của, Tần Thuỷ Hoàng cũng không khác gì đâu. Những sách bị sửa chữa không còn bao giờ tìm thấy nữa. Chẳng phải cũng giống như đem đốt đi hay sao ? Mà cũng để cho người bây giờ bớt bị nhiễm độc.

Vương Sóc: Trẻ con nhà nghèo lúc bấy giờ học chữ như thế nào nhỉ ? Ai dạy học cho họ ? Gia đình Khổng Tử cũng không giàu có lắm. Ai dạy cho ông ấy hăng máu thế, cứ mở mồm ra là toàn danh ngôn chí lý.

Lão Hiệp: Tự cam kết của ông ấy rất ngông: Tam thập nhi lập, Tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tuỳ tâm sở dục bất du củ (Ba mươi tuổi mới đứng số,bốn mươi tuổi không còn hoặc thế này hoặc thế kia, mà con đường đã vạch rõ cứ thế mà đi; năm mươi tuổi đã biết số mệnh trời; sáu mươi tuổi rành tới mức con ruồi bay qua cũng biết con đực con cái; bảy mươi tuổi thích thế nào thì làm thế, không vượt quá khuôn khổ). Ngông quá nhỉ, đã thích thế nào thì làm thế, lại còn đòi nằm trong khuôn khổ, việc này chỉ có người thần mới làm được.

Vương Sóc: "Nảy sinh ở tình cảm, dừng lại ở lễ nghĩa". Ông Khổng Tử nói thế phải không? Toàn là những lời tự đánh trống lấp, có lòng làm giặc, song không có gan làm giặc nên dùng bạch thoại viết lại một lượt cho ông ấy, đặt lại câu khác.

Lão Hiệp: Thứ ngang ngạnh ngông cuồng về nhân cách ấy của người Trung Quốc bắt đầu từ Khổng Tử. Mặc dù anh hỏi cái gì, đều rất khó đánh đổ được tôi, câu nào tôi cũng có cách trả lời. Cho nên người trí thức Trung Quốc xưa nay chưa bao giờ có cái sáng suốt tự biết, vì không có giới hạn. Người nào hơi có một chút tiếng tăm, thì cái gì cũng dám làm. Nhà phê bình văn học có thể đi đến các cuộc hội thảo âm nhạc, hội hoạ, kinh tế. Cũng có người học đòi phong nhã đến mời thật, anh ta cũng mặt trơ trán bóng nhận lời đến nói chuyện.

Vương Sóc: Thế mới biết không tài làm bất cứ thứ gì cũng khó mà đứng vững.

Lão Hiệp: Tôi ở nước ngoài đã từng hỏi họ vấn đề loại này. Họ bảo, nếu tổ chức hội thảo có liên quan đến vật lý học, thì nhất định phải mời Dương Trấn Ninh, bởi vì ông ấy là chuyên gia, là người có thẩm quyền về mặt này, chắc chắn sẽ có ý kiến hay. Nhưng nếu tổ chức hội thảo về kinh tế học hoặc chính trị học, thì không nên nghĩ đến chuyện mời Dương Trấn Ninh. Nhưng Dương Trấn Ninh đến Trung Quốc thì hội thảo nào cũng mời ông ấy đến nói, ông ấy cũng dám nói.

Vương Sóc: Cũng không chỉ ở chỗ chúng ta đây đâu nhỉ. Con người ta một khi đã nổi tiếng, thì cứ mở miệng ra là có cách ngôn.

Lão Hiệp: Có lúc đọc những câu cách ngôn của một số vị tai to mặt lớn, đọc mãi, đọc mãi, đọc mãi đến mức sắp sửa đứt cả hơi. Chẳng hạn, Ludwig Wittgenstein và Bertrand Russell cùng là nhà triết học lớn của phương Tây. Ông Ludwig Wittgenstein chỉ chuyên quan tâm đến triết học, hết sức thuần tuý, còn Bertrand Russell sau khi trở thành nhà triết học lớn thì cái gì cũng muốn thọc tay vào, cái gì cũng muốn nhận xét. Thật ra, ngoài triết học ra, ông cũng chẳng có mấy câu nổi tiếng trong các lĩnh vực khác, câu nào cũng thường thường, vầy vậy, nhưng vì ông đã nổi tiếng nên đã trở thành cách ngôn.

Vương Sóc: Giống như câu có bạn từ nơi xa lắc xa lơ về chơi, làm sao mà không vui được, câu bạch thoại loại này, ai chẳng nói được, nhưng hễ ông ấy nói ra là thành cách ngôn.

Lão Hiệp: Không chỉ là cách ngôn, mà ngay đến những câu đại bạch thoại kiểu này, Người Trung Quốc đã chú thích mấy ngàn năm, trí tuệ của Trung Quốc đã lãng phí trên việc chú thích cổ hủ này. Tôi gọi chuyện này bằng cái tên : "máu mê chú thích". Nó là một chứng bệnh thần kinh, hoặc si dại học thuật. Lời của danh nhân là cách ngôn hoặc kinh điển, lĩnh vực nào cũng có thể nói này, nói nọ, thối inh.

Vương Sóc: Nếu ta diệt sạch thầy giáo, nhưng khi diệt đến chỗ Khổng Tử, thì chẳng ai biết thầy giáo của Khổng Tử là ai, Khổng Tử trở thành sư tổ. Bây giờ thì lão sư, sư tổ, sư ông một lô xích xông, xếp thành một dãy dài dằng dặc.

Lão Hiệp: Hàn Dư đời Ðường đã từng sắp xếp "Ðạo thống", nhà vật lý đời Tống, Chu Hy cũng đã sắp xếp, hai ông sắp xếp vẫn khác nhau.

Vương Sóc: Thật ra, ông ta chỉ nghiền ngẫm cho thấu những chuyện đó, nói trắng ra, làm gì phải hao tổn công sức lớn như vậy. Quy phạm học thuật của phương Tây cũng thế chứ anh ! Ví dụ tôi viết luận văn tiến sĩ, không trích dẫn một cuốn sách, không chú thích, toàn là cách xem xét của bản thân. Làm thế thì không được chứ gì ? Không được. Anh phải nói rõ căn cứ của anh ở đâu. Những điều mà anh nghiên cứu, trước khi đã có đầu óc những ai nghiên cứu, họ đã nói những gì. Tôi bảo tôi không có nền tảng, tôi suy nghĩ thế nào, cứ viết ra thế, thì mọi người kiên quyết không đồng ý.

Lão Hiệp: Cũng không hoàn toàn như thế. Sách của Nietzsche rất khó dùng quy phạm học thuật để cân nhắc so sánh, nhưng sách của ông lại trở thành kinh điển của phương Tây. Ban đầu, sự xuất hiện của tư tưởng có tính sáng tạo thường không tuân theo quy phạm định trước. Nó đến một cách tự nhiên, không có căn cứ nào cả. Khi đó, phần lớn đều bị đối xử lạnh nhạt, có khi, thậm chí, bối cảnh cô độc của anh ta gần như tan biến, người ta mới phát hiện ra anh ta. Trong lịch sử, có nhiều số phận của các bậc triết học lớn, có tính sáng tạo, lúc ban đầu đều sống lẻ loi cô quạnh, sau khi chết mới vinh quang sáng chói.

Vương Sóc: Tôi nghe nói có người tên là Arthur Schopenhauer và Friedrich Nietzsche, họ cùng trên một tuyến triết học với nhau, giữa hai ông có quan hệ thừa kế chứ nhỉ?

Lão Hiệp: Có chứ ! Nhưng hai ông rất khác nhau. Sách của Schopenhauer hoàn toàn chia theo thể về kết cấu thể tự vật và giới thiệu hiện tượng của Immanuel Kant, có nghĩa là biểu tượng thuộc hiện tượng, ý chí quyền lực thuộc về thể tự vật. Còn Friedrich Nietzsche không phải thế, sách của ông không có hệ thống, trong tác phẩm cũng không tìm thấy chú thích nào, ông ấy cứ nghĩ ra là nói, giống như thể cách ngôn. Ta đọc quyển "Zarathustra nói như thế" của ông, trong đó có một vị thần ở trên núi tỉnh dậy vừa đi xuống, vừa lẩm bẩm nhắc nhở người nghe và người đọc của ông rằng, các bạn không được coi trọng những lời tôi nói, các bạn phải phát hiện ra chính các bạn trong khi đọc sách. Nghe những lời tôi nói, phát hiện ra chính mình. Thế là được rồi. Con người Nietzsche này, có lúc nói rất lộn xộn, chẳng phân rõ phải trái đúng sai, nhưng những lời ông nói lung tung lại nói hết sức hay. Chẳng phải ông ấy đã nói "Thượng đế chết rồi" là gì ? Ông ấy luận chứng điều đó như thế nào nhỉ ? Ông ấy bảo trên thế gian này không có thượng đế, vì nếu có thượng đế thật, thì tại sao tôi chịu được không trở thành thượng đế cơ chứ. Nietzsche chinh phục giới tư tưởng phương Tây là dựa vào sức mạnh bất ngờ này. Hầu như ông cắt đứt truyền thống hai ngàn năm của chủ nghĩa lý tính. Ông mở ra một giá trị nhìn nhận hoàn toàn mới. Như câu ông tự nói về mình "vì sao trí tuệ như vậy", những người thông thường sẽ bảo đây là thằng điên. Nhưng chỗ độc đáo của Nietzsche ngang hàng với lý tính bắt đầu từ Socrates. Ông là điệu nhảy của mạng sống đắm say điên cuồng. Giống như con người lỗi lạc lạ lùng Focus. Khảo cổ học và phổ hệ học của Focus chịu ảnh hưởng của Nietzsche đã gây cho Focus chấn động rất lớn. Rất nhiều người chịu ơn của thiên tài Nietzsche. Ông ấy cũng hơi điên thật. Trước đó ai dám tuyên bố phải vứt bỏ truyền thống lý tính bắt đầu từ Socrates, mà thay vào đó là cơn say bí tỉ của thần rượu.

Vương Sóc: Ông ấy cũng có chút ngông quá thể. Tôi cảm thấy nhà tư tưởng và học giả có khác nhau. Nhà tư tưởng là sáng tạo, học giả là mô phỏng. Anh đã từng nói, có người từng bảo những năm 90 tư tưởng nhạt đi, học thuật nổi lên, tôi hơi buồn về điều này. Chúng ta ở đây thiếu là thiếu những nhà tư tưởng, còn học giả thì hàng đống hàng đống, chen tới mức, có một số người không bưng nổi bát cơm.

Lão Hiệp: Người phương Tây cũng có truyền thống ngông cuồng. Thần học rất ngông cuồng. Francis Bacon cũng rất ngông cuồng. Trong cuộc đấu tranh cung đình, nhân cách ông tầm thường, khi viết cuốn "Công cụ mới", ông lại cho rằng mình đã phát hiện ra lục địa mới của tri thức, chửi khắp lượt những người như Aristoteles. Trên trang bìa lót của sách mình, ông in cánh buồm phát hiện lục địa mới của Columbus. Ông cho rằng công cụ mới mà mình cung cấp sẽ giải được bí mật về nhận thức của loài người. Sự ngông cuồng này cũng thể hiện trong "Tôi tư duy nên tôi tồn tại" của René Descartes. Cho đến "Chủ nghĩa hoài nghi" của David Hume thì sự ngông cuồng của người phương Tây lần đầu tiên mới bị đả kích. Con người David Hume đã gây cho tôi sự chấn động rất lớn. Ðọc cuốn "Bàn về nhân tính" của ông, ông nói chủ nghĩa hoài nghi là một thứ chí mạng, là một nỗi lo sợ nghi hoặc một chứng bệnh, vĩnh viễn không thể trị tận gốc. Ông hoài nghi lý tính của René Descartes, cũng hoài nghi kinh nghiệm của Bacon. Ông hoài nghi quan hệ nhân quả và cũng hoài nghi ý chí tự do và tự thân của con người. Về sau này Kant, người đã giáng một đòn chí mạng vào sự ngông cuồng của triết học phương Tây, từ chỗ David Hume học được sự miệt thị đối với thói ngông nghênh về trí thức, và từ chỗ Jean-Jacques Rousseau học được lòng tôn kính đối với con người, cho nên ông ta mới vạch rõ giới hạn chí mạng đó. Người khác dùng công cụ nhận thức của mình kiểm nghiệm tất cả. Sự bướng bỉnh của Kant ở chỗ: Trước khi vận dụng công cụ trí thức và trí tuệ, đầu tiên phải kiểm tra bản thân công cụ này, bản thân trí tuệ này. Trước khi thực hiện, anh phải biết rõ tính cực hạn của nó ở chỗ nào. Con dao của anh chỉ có thể cắt đến đây, nếu cứ cắt tiếp, thì sẽ bị quằn hay gẫy. Sau này, triết học của phương Tây, nền triết học có tính sáng tạo, đều không vượt qua nổi Kant.

Vương Sóc: Nghe anh nói như vậy, thì từ nhỏ, lý tưởng chúng ta đã tin tưởng là rất ngông cuồng. Nó tự xưng đạo đức của mình đặt vào bốn biển đều đúng, coi lý tưởng của mình là chỗ quy tụ của loài người, hoặc là ngôi nhà cuối cùng.

Lão Hiệp: Sau Kant, sự ngông cuồng sớm nhất, bắt đầu từ Hegel. Con người này thiếu tinh thần trách nhiệm về đạo đức và sự thành thực về tri thức tối thiểu. Ông coi tinh thần Preussen là đỉnh cao của sự tiến hoá các dân tộc trên thế giới. Triết học của bản thân ông lại là đỉnh cao của tinh thần Preussen. Cho nên ông là đỉnh cao của đỉnh cao, cũng giống như Khổng Tử: "Nhìn một cái lọt vào mắt biết bao nhiêu trái núi nho nhỏ". Ngông nghênh tất sẽ bị trời quở trách. Pope nói: Thứ thiên đường nhân gian tuyệt đối hoàn toàn mỹ, mà chủ nghĩa lý tưởng hẹn tốt đẹp tới mức ngông cuồng, say sưa về thẩm mỹ trong lịch sử, không có thứ nào là không đi tới phía trước, phản diện của nó, đã tạo cho bản thân loài người địa ngục trần gian kinh khủng nhất.

Vương Sóc: Vậy thì việc từ chối lý tưởng của tôi, nhất là những lý tưởng, hoặc đạo lý hễ xuất hiện là đem những lời nói to tát ra nạt người, là chuyện đánh liều mà trúng, dốt bướng, ù lì là đúng. Nghĩ vậy, thì ít đọc một chút sách chưa hẳn đã không tốt. Chỉ cần đối xử thành thực với những điều tai nghe mắt thấy của mình, để mỗi con người, ai ai cũng có thể hiểu ra được một chút lý lẽ, thì cũng sẽ biết tỏ ra ác cảm với thứ sách toàn là lý lẽ của Khổng Tử. Tôi cảm thấy sự từ chối mà mình hiểu ra còn đích thực hơn, chân chất hơn so với từ chối học được từ sách vở.

Lão Hiệp: Ở Trung Quốc có những người trí thức vĩnh viễn không tiến bộ được. Vì thường tìm sai đối tượng phê phán. Ðối tượng nên chống đối, từ chối và phê phán, thì vô tình hay cố ý bỏ qua, hoặc né tránh. Ðối tượng không nên phê phán, thì họ lại cố tình moi móc. Ðằng sau chuyện éo le này, vẫn là do tác dụng của lợi ích. Như loại nhà văn tự xưng là lương tri Lương Hiểu Thanh đã dạy bảo Clinton ở mãi bờ bên kia Thái Bình Dương. Còn đối với sự vô liêm sỉ ở ngay bên cạnh mình, thì chỉ ỏn ẻn vài câu như làm nũng, vì chuyện ấy an toàn lắm chứ, có ý thức chính nghĩa và đạo đức lắm chứ. Phàm những tức giận về đạo đức, chính nghĩa có tính chất an toàn đều là sự khôn lỏi sau khi đã cân nhắc tử tế, cẩn thận đâu vào đấy. Theo tôi, Trương Thừa Chí cũng thuộc diện này. Quyển "Một đứa cũng không tha" vừa ra mắt, càng quá thể. Nó tìm diệt thói vô liêm sỉ cỏn con của một số người chủ trì nho nhỏ, ca sĩ nho nhỏ không đáng kể gì lắm, song lại tha cho thói vô liêm sỉ to đùng của những ngôi sao lớn.

Vương Sóc: Thật ra, chuyện dạy bảo Clinton của Lương Hiểu Thanh cũng là toát lên thứ làm nũng song trùng, vừa làm nũng với Clinton, vừa làm nũng với ý thức dòng chính. Trước tiên, ông ta nói tại sao đứng ra bênh vực cho Clinton trong chuyện bướm ong trai gái của ông Clinton, sau đó mới nhắc đến chuyện không trọng nghĩa của Clinton, nên đem người anh em bạn bè ra sửa gáy. Hình như trong lịch sử Trung Quốc, từ ngày xửa ngày xưa, đã có bọn quan chuyên can ngăn vua chúa gọi là "gián quan". Ðầu tiên phải học nói trung thành với Hoàng đế như thế nào, mọi chuyện đều nghĩ cho Hoàng đế, nếu có phê bình người ta cũng xuất phát từ lòng trung thành mà nói ra. Mẹ có đánh con trai, thì vẫn là mẹ, trung thần có phê Hoàng đế thì vẫn là trung thần. Như Lương Hiểu Thanh ta dạy bảo Clinton, vẫn là anh chàng Lương Hiểu Thanh trọng nghĩa nói thẳng vì người, trong chuyện ong bướm rắc rối kia. Dù thế nào đi nữa, thì vẫn là chỗ anh em bạn bè của ngươi, ta phê bình ngươi cũng là vì nhà ngươi. Ôi thứ trọng nghĩa mới quý hoá làm sao!
Nguồn: Nguyên bản tiếng Trung, Nxb Văn Nghệ Trường Giang, in lần thứ nhất, 2000, Nxb Văn hoá dân tá»™c, Hà Ná»™i 2002